Gửi bài:

Chương 27 - Trời rằng quyết chẳng dung tha đất - Đất cũng thề không vị nể trời

Nhìn sang bên trái Lý-Khả-Tú, Trần-Gia-Cách để ý nhìn thấy một chàng thanh niên trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc bất giác kinh hãi giật mình, nghĩ thầm:

-"Người này chính là đệ tử của Lục lão tiền bối kia mà! Sao y lại theo bọn quan triều đình đến nơi này làm gì? Thật sực y là ai? Có mục đích gì? Thật là khó đoán!"

Chàng trai ấy, tức Lý-Mộng-Ngọc như đoán được ý nghĩ của Trần-Gia-Cách, nhìn chàng nhoẻn miệng cười, khẽ láy mắt một cái như ngụ ý bảo không phải là lúc để giải đáp mọi thắc mắc, cứ xem mọi chuyện như bình thường.

Tâm-Nghiện bước ra nghiêng mình rót rượu. Sợ Càn-Long nghi ngại, Trần-Gia-Cách liền bưng chung rượu lên uống cạn, gắp đồ bỏ vào miệng ăn ngon lành. Vua Càn-Long thấy thế an tâm, cùng với Trần-Gia-Cách ăn uống, nói chuyện vui vẻ thân mật tự nhiên.

Rượu Quỳnh-Tương rót vào chén ngọc men hương thơm ngát làm sảng khoái tâm hồn. Trái cây trên bàn toàn là những của ngon vật lạ khó tìm tại Hàng-Châu, nhất là trái Lệ-Chi (#1) hiếm có, phải đưa từ vùng Lĩnh-Nam mới có.

Vua Càn-Long cùng Trần-Gia-Cách vừa uống rượu, vừa ăn trái cây, vừa xem hoa quế nở, vừa thưởng thức trăng Tây-Hồ.

Sau vài tuần rượu, tiếng tiêu véo von từ một du thuyền đậu gần đó ngân lên khúc Nghinh Hạ Tân (#2). Vua Càn-Long đắc ý trầm trồ khen ngợi:

-Huynh đài thật là bậc cao nhân. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi mà tổ chức được cuộc vui hết sức thú vị, đầy nhã hứng. Nếu tiểu đệ không lầm thì đây là một nhạc khúc vừa mới được đặt xong. Âm điệu hết sức du dương, thật là một tuyệt tác!

Trần-Gia-Cách lại nói:

-Có rượu, có âm nhạc, ắt không thể thiếu được lời ca. Tiểu đệ quen được nàng Ngọc-Như-Ý là một nữ danh ca có giọng ngọt ngào, trong trẻo nhất tại vùng Tiền-Đường. Thêm vào đó, nàng ta còn là một hoa khôi, nhan sắc nổi tiếng khắp chốn Hàng-Châu. Tiểu đệ có ý mời nàng đến giúp vui huynh đài, chẳng hay tôn ý thế nào?

Vua Càn-Long cất tiếng cười ha hả, có vẻ như rất đẹp lòng:

-Như vậy thì còn gì hơn nữa! Đêm trăng cùng tri-âm đối ẩm thưởng nguyệt, xem quế nở, còn được mỹ nhân buông tiếng ngọc giúp vui! Ôi! Dẫu cho cảnh Bồng-Lai cũng chỉ đến thế này là cùng!

Xoay qua Lý-Khả-Tú, Càn-Long hỏi:

-Ngươi có biết Ngọc-Như-Ý là người như thế nào chăng?

Lý-Khả-Tú tâu:

-Nàng là một danh kỹ nổi tiếng khắp đất Hàng-Châu này. Tuy nhiên tánh khí của nàng rất kiêu ngạo. Nếu không phải người vừa ý nàng có bỏ ra vàng ròng muôn lượng cũng chẳng được giáp mặt nàng chứ đừng nói là nghe được tiếng ca của nàng. Vì vậy, khách giàu sang không phải ai cũng mời được nàng.

Vua Càn-Long lại cười hỏi:

-Vậy ngươi có mời được nàng lần nào chưa?

Lý-Khả-Tú đỏ mặt, giọng ấp úng nói không nên lời:

-Kẻ tiểu... tiểu nhân thật... không dám...

Vua Càn-Long cả cười lên tiếng:

-Nếu chưa có duyên may mắn được gặp gỡ thì đêm nay cho nhà ngươi được cơ hội mở rộng thêm nhãn-giới (#3) !

Đang khi mọi người nói chuyện vui vẻ thì từ thuyền bên kia, Vệ-Xuân-Hoa đỡ Ngọc-Như-Ý bước qua.

Vua Càn-Long ngước mặt nhìn lên xem thì thấy Ngọc-Như-Ý da mặt hồng hào, như một quả đào dưới ánh bình minh. Thật là một tuyệt sắc giai nhân mà chính vua Càn-Long, làm chủ tam cung lục viện cũng chưa thấy được một người nào đẹp như thế.

Vừa đặt chân vào thuyền, Ngọc-Như-Ý cúi đầu e lệ chúc Trần-Gia-Cách hai tiếng vạn phúc thật duyên dáng êm đềm. Dưới ngọn đèn lưu ly tỏa ánh sáng huy hoàng, vẻ đẹp của nàng phản chiếu như một tiên nữ trong tranh thần thoại đời Tấn.

Với giọng oanh vàng thánh thót, Ngọc-Như-Ý nói:

-Lục công tử đêm nay sao cao hứng thế?

Trần-Gia-Cách chỉ về phía Càn-Long nói:

-Vì có vị Đông-Phương tiên sinh ở đây.

Ngọc-Như-Ý khẽ cúi đầu chào vua Càn-Long một cái rồi bước đến ngồi sát bên Trần-Gia-Cách ra vẻ nũng nịu.

Trần-Gia-Cách nói:

-Nghe Vệ ca giới thiệu nàng có tài ca hát nên ao ước được em cho nghe một vài bản. Chẳng hay nàng có đồng ý không, hay lại chê tai phàm tục không thể nào thấu được lời ca?

Ngọc-Như-Ý cười nói:

-Chỉ sợ Lục công tử chê em ca dở không muốn nghe thôi, chứ nếu công tử đã muốn thì em xin tình nguyện ca suốt ba ngày ba đêm để hầu công tử.

Một thiếu nữ mặt tươi như hoa theo hầu Ngọc-Như-Ý đưa cây Tỳ-Bà. Ngọc-Như-Ý cầm lấy, nắn mấy phím tơ cất giọng thâm trầm ca bài Tiêu Nhi.

Ngoài song tựa ngọc vắng êm,

Bên sàn quỳ gối dâng lên lời vàng.

Trách ai lòng chẳng nặng mang,

Mảnh tình ấp ủ mơ màng bấy nay.

Chén rượu men say...

Trần-Gia-Cách vỗ tay khen hay. Vua Càn-Long nghe âm thanh của Ngọc-Như-Ý dịu dàng, giọng trầm bổng, lời ca êm ái như khúc nhạc mơ hồ ở cõi thiên thai, rào rạt mê ly, bất giác tâm hồn như ngây như dại.

Ngọc-Như-Ý nhoẻn miệng cười tình duyên dáng. Hai má lúm đồng tiền khiến gương mặt nàng tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng, quay về phía Trần-Gia-Cách ca thêm một bài nữa.

Vua Càn-Long càng nghe, càng thêm thẫn thờ cả người, buột miệng khen:

-Nàng ca thật tuyệt vời. Cứ tiếp tục ca nữa đi cho người nghe lạc vào cõi tiên mà quên mình đang sống ở trần tục.

Vua Càn-Long quả là một ông vua si tình, quên cả mình đang ở địa vị Hoàng-Đế, đứng dậy đóng vai kép ôm đàn cho Ngọc-Như-Ý.

Ngọc-Như-Ý tính tình trang nghiêm vì lý do nghề nghiệp, lại có thân thế phiêu bồng, ít khi cười được thành tiếng, thế mà trông thấy cử chỉ và hành động của vua Càn-Long cũng phải bật cười.

Trần-Gia-Cách cả cười. Còn Lý-Khả-Tú, Bạch-Chấn và các thị vệ đứng hầu sau vua Càn-Long đều gượng mím môi mà chẳng dám cười thành tiếng. Còn về phần Lý-Mộng-Ngọc đứng sau Lý-Khả-Tú thì không ai nhìn rõ được sắc mặt của nàng lúc ấy như thế nào trong lớp cải nam trang.

Càn-Long sinh trưởng trong hoàng cung. Trong số bao nhiêu phi tần mỹ nữ cũng không thiếu gì người có giọng hát hay nhưng chưa có người nào quyến rũ làm cho vị Thanh-Đế kia rung động như ả danh kỹ đất Giang-Nam này. Mỗi cái liếc nhìn, mỗi lời ca như một mũi nhọn đâm nhẹ vào tim con người có uy thế quyền hành nhiều nhất trong thiên hạ kia. Có lúc, nhà vua tưởng mình như lạc hồn vào trong mộng, quên cả chung quanh mình là những kẻ đang làm cách mạng, với ý định lật đổ triều đại của mình.

Ngọc-Như-Ý luân phiên rót rượu mời Trần-Gia-Cách và vua Càn-Long. Dâng đến chung thứ tư, vua Càn-Long lấy một viên ngọc bích thưởng cho nàng bảo:

-Nàng hãy ca thêm bài nữa.

Ngọc-Như-Ý nhìn sang phía Vệ-Xuân-Hoa. Âm điệu thê lương của cây đàn Tỳ-Bà nấc lên nghẹn ngào như oán như than.

Vua Càn-Long cười hỏi:

-Người yêu của nàng đi xa rồi phải không?

Với vẻ mặt buồn rầu như cố giấu đi một nỗi đau buồn thấm thía hờn giận miên man, Ngọc-Như-Ý đáp:

-Bị động viên đi đánh xứ Hồi. Người chinh phu mòn mỏi mong chờ, bên trời chiếc nhạn...

Nói tới đó, hai hàng nước mắt Ngọc-Như-Ý dâng trào, nghẹn ngào không nói thêm được một câu nào.

Vua Càn-Long cười miễn cưỡng nói:

-Kẻ trượng phu một đời kiếm cung yên ngựa, lập công ngoài chiến trường tạo nên sự nghiệp ngàn thu. Người chinh phu đáng lẽ phải vui mừng và hãnh diện, cớ sao lại buồn thảm?

Ngọc-Như-Ý nói:

-Có chăng là những ông đại Nguyên-soái với đại Tướng-quân mới lập nên đại nghiệp thiên thu. Càng đánh giết được nhiều, càng thêm được quyền cao chức trọng, phú quý giàu sang. Còn trăm họ thì bị lùa ra sa trường để xông tên đỡ đao. Họa chăng là họ để lại cho gia đình một cái tang đau đớn. Vợ thì trở thành một góa phụ cô quạnh. Những đứa con thì trở thành những đứa trẻ mồ côi không cha.

Nghe Ngọc-Như-Ý nói, vua Càn-Long như chết lặng cả người, không biết phải đối đáp lại làm sao. Lý-Khả-Tú đứng sau vua Càn-Long thấy vậy liền nạt lớn:

-Nàng không hiểu thế nào là lẽ khinh trọng! Có câm nín đi được không?

Ngọc-Như-Ý đứng dậy chắp tay vái một cái nói:

-Tiểu nữ thuộc giới chân yếu tay mềm, nghĩ sao nói vậy, không ngờ đắc tội với lãi gia. Xin lão gia tha thứ cho.

Trần-Gia-Cách hỏi:

-Chồng nàng tên họ là chi? Bị bắt đi xứ Hồi đánh giặc bao giờ?

Ngọc-Như-Ý như vẫn chưa nguôi được cơn sầu thảm như đang dày xéo tâm can. Nàng cúi đầu thưa:

-Không dám dối công tử. Chàng với em thương yêu nhau thắm thiết. Chàng tên là Tiêu-Thọ, vốn là con của bạn dì ruột em. Ngay từ lúc còn thơ dại, chúng em đã chơi thân với nhau, không lúc nào rời xa. Lớn lên, cha mẹ em hứa gả em cho chàng. Hy vọng tầm thường của em là sau khi cưới gả xong, sẽ tần tiện góp nhặt ít tiền cho chàng làm vốn đi buôn vài chuyến để lập nghiệp. Nhưng thình lình một đêm, quan quân kéo tới bao vây túp lều của cha mẹ chàng, bắt chàng xung vào đại quân Chinh Tây đánh xứ Hồi. Một người yếu đuối như chàng làm sao chịu nổi đường đi xa xôi vạn dặm, mưa rơi bão tuyết lại không đủ thực phẩm cấp dưỡng. Nay đã nửa năm mà bóng chàng vẫn biền biệt, tin tức im bặt...

Trần-Gia-Cách nghe Ngọc-Như-Ý kể nỗi niềm đau khổ của kẻ chinh phu bằng giọng nói thê lương thống thiết bất giác xúc động, xoay qua nói với Càn-Long:

-Người Hồi ở mãi tận muôn dặm ven trời, không phạm lỗi gì, cớ sao triều đình đem quân đi chinh phạt? Rốt cuộc chỉ gây thêm nhọc nhằn cho quân sĩ, lại gây cảnh xáo trộn trong nhân dân, thiết tưởng không phải là phúc của trăm họ!

Vua Càn-Long khẽ hừ một tiếng rồi lặng thinh. Lúc này, mặt hồ ngào ngạt mùi hương quế nở. Ánh trăng soi làm rực rỡ cả một vùng, trông tựa như một cảnh thần tiên dưới thế.

Trần-Gia-Cách nhìn vua Càn-Long nói:

-Tiểu đệ có một người bằng hữu rất giỏi về sáo, tiếc thay lại vắng mặt đêm nay.

Trần-Gia-Cách vừa dứt lời, Lý-Mộng-Ngọc khẽ nhắp môi một cái ý chừng muốn nói gì nhưng lại thôi.

Vua Càn-Long hỏi:

-Huynh đài từ biên giới Hồi về Giang-Nam nói là để lo công việc cho bạn bè, có phải là người bằng hữu ấy không?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Người bằng hữu thổi sáo cùng với anh em kết nghĩa của tiểu đệ đều cố công ra sức nhọc nhằn để cứu một bằng hữu khác. Đáng tiếc là chưa thành công được!

Vua Càn-Long hỏi:

-Chẳng hay người bằng hữu ấy đã phạm vào tội gì?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Người bằng hữu của tiểu đệ chẳng hề đả động gì đến quan quân, chẳng hiểu lý do nào mà cứ bị bao vây theo dõi mãi và sau cùng bị xung kích đến phải mang trọng thương.

Vua Càn-Long lại hỏi:

-Người bằng hữu của huynh đài tên họ là gì?

Trần-Gia-Cách ngang nhiên đáp:

-Anh ấy họ Văn, tên Thái-Lai, mà giới giang hồ gọi là Bôn-Lôi-Thủ.

Câu nói của Trần-Gia-Cách vừa thốt ra khiến cả vua Càn-Long lẫn Lý-Khả-Tú đều nghe chát chúa hai tai. Họ đã đoán biết được Trần-Gia-Cách chính là nhân vật đầu não của Hồng Hoa Hội, nhưng không ngờ chàng dám ngang nhiên nói thẳng điều quan trọng tối mật như vậy trước mặt họ.

Bạch-Chấn láy mắt cho bọn thị vệ thầm ra dấu là chuẩn bị sẵn sàng hễ có lệnh là hành động ngay tức khắc. Đám thuộc hạ của Càn-Long kiểm điểm lại ám khí cho đầy đủ vì chúng liên tưởng đến ngay một trận ác đấu vô cùng khốc liệt sắp sửa xảy ra.

Trần-Gia-Cách vẫn vui cười, nói chuyện này sang chuyện khác như chẳng thèm quan tâm đến. Chàng tươi cười hỏi Càn-Long:

-Những người tùy tùng của nhân huynh ai nấy đều có võ công trác tuyệt cả. Chẳng hay nhân huynh tìm ở xứ nào mà được những cao thủ ấy vậy?

Vua Càn-Long nở một nụ cười tự hào đắc chí, trỏ vào Bạch-Chấn nói:

-Theo lời hắn nói lại thì nhân huynh võ nghệ tinh diệu vô cùng. Tiếc thay hôm qua tại chùa Linh-Ấn, tiểu đệ quả có mắt không tròng, tưởng huynh chỉ là một thư sinh yếu đuối chứ nào ngờ là một trang anh kiệt trong giới giang hồ. Dám mong huynh đài cho xem một vài ngón tuyệt kỹ để mở rộng thêm tầm mắt của tiểu đệ.

Trần-Gia-Cách đáp:

-Ba cái tiểu xảo của đệ có đáng chi mà để cho huynh đài phải bận tâm đến. Vị cao thủ cầm phán quan bút đang đứng sau lưng huynh đài thật là nhân vật đáng kể về môn điểm huyệt. Huynh đài hãy bảo vị ấy cho xem vài đường tuyệt kỹ mới thật là thú vị.

Dứt lời, Trần-Gia-Cách đưa tay chỉ vào một tên thị vệ đang đứng gần Bạch-Chấn, họ Phạm, tên gọi Trung-Tử, chuyên sử dụng phán quan bút. Hắn hồi nãy vì ỷ võ nghệ cao cường nên định trêu ghẹo Lạc-Băng trong lớp cô lái đò, vì khinh thường nên bị hất xuống nước, nếu không nhờ Tưởng-Tứ-Căn vớt lên ắt đã chìm sâu dưới đáy hồ.

Phạm-Trung-Tử dấu kín cặp phán quan bút trong người nhưng không ngờ Trần-Gia-Cách biết được thì không khỏi thất kinh nghĩ thầm:

-"Quái, ta dấu cặp phán quan bút kỹ lưỡng đến như vậy sao y lại biết được?"

Dầu vậy, thấy mình có cơ hội được trổ tài trước mặt vua Càn-Long thì rất là hứng thú. Không chút do dự, hắn bước ra nói:

-Nếu công tử có hứng xin cho tại hạ được học hỏi vài chiêu.

Trước cử chỉ phách lối đáng ghét của Phạm-Trung-Tử, Trần-Gia-Cách vẫn không thèm đếm xỉa tới. Chàng chỉ vào Ngọc-Như-Ý nói:

-Cô nàng với tình cảnh đáng thương như vậy sao huynh đài không tìm cách giúp đỡ làm việc nghĩa?

Vua Càn-Long vốn đã say mê sắc đẹp nhu mì của Ngọc-Như-Ý nên đã có ý nhờ Lý-Khả-Tú ngầm bí mật đưa nàng vào cung. Mải suy nghĩ về việc ấy cho đến khi Trần-Gia-Cách lên tiếng hỏi đột ngột, vua Càn-Long mới giật mình, ấp úng:

-Người anh con bạn dì của nàng vì nước vì vua đem thân xông pha ngoài chiến trận thật là một việc đáng khuyến khích biết bao.

Lúc bấy giờ, Phạm-Trung-Tử cầm cặp phán quan bút đứng trước mũi thuyền trong tình thế tấn thối lưỡng nan. Bạch-Chấn thấy vậy nạt:

-Lão Phạm! Mau về lại chỗ đi!

Phạm-Trung-Tử đỏ mặt lui về đứng sau lưng Càn-Long, trong lòng hết sức thẹn thùng.

Bỗng đâu, Trần-Gia-Cách lại lên tiếng hỏi Càn-Long:

-Vua Đường-Thái-Tông là người có hùng lược, chắc là huynh đài ngưỡng mộ lắm?

Bình thường, Càn-Long chỉ phục có hai người trong lịch sử là Hán-Vũ-Đế và Đường-Thái-Tông. Nghe Trần-Gia-Cách hỏi đúng ý mình, vua Càn-Long nói:

-Đường-Thái-Tông là một vị anh-quân, văn võ song toàn, kẻ địch gọi là vua nhà trời, thật cỏ kim khó có ai sánh kịp.

Trần-Gia-Cách nói:

-Trước đây tiểu đệ có đọc bộ sách Trinh Quang Chính Yếu của Đường-Thái-Tông, thấy nhiều câu rất hợp với đạo lý.

Vua Càn-Long hỏi:

-Đó là những câu nào? Xin huynh đài dạy bảo cho!

Trần-Gia-Cách nói:

-Vua Đường-Thái-Tông viết câu này: Thuyền có thể ví với vua. Nước có thể ví với dân. Nước có thể cho được thuyền, mà cũng có thể đắm được thuyền. Ngoài ra cũng còn có thêm câu này: Bậc Thiên-Tử có đạo thì người ta còn suy tôn, còn vô đạo thì người ta bỏ đi. Nghiệm lại kỹ, thấy thật đáng sợ thay!

Vua Càn-Long nghe nói gục mặt. Trần-Gia-Cách lại nói tiếp:

-Đem câu nói của Đường-Thái-Tông đó áp dụng ngay vào việc trước mắt bây giờ vẫn thấy đúng. Giả dụ như chúng ta đây đang ngồi trên chiếc thuyền này. Nếu xuôi giòng nước thì được ngồi yên ổn, trái lại nếu đi ngược giòng nước ắt sẽ bị dao động dữ dội. Nếu như gió nổi lên khơi động giòng nước trở thành sóng lớn thì thuyền chúng ta tất phải bị đắm mà thôi!

Vua Càn-Long tính tình ươn ngạnh, trong đời chỉ biết nể sợ ông nội là vua Khang-Hy và phụ-hoàng là Ung-Chính, còn bất cứ ai trái ý mình là bất bình nay. Vì vậy, trước những lời nói của Trần-Gia-Cách, vua Càn-Long hết sức giận dữ nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh, thầm nghĩ rằng lực lượng của mình đã vây kín Tây-Hồ, bọn Trần-Gia-Cách như con hổ nằm trong cũi sắt, có tài giỏi đến đâu cũng không làm sao thoát được.

Vua Càn-Long cười gằn nói:

-Thầy Tuân-Tử nói rằng: Trời đất sinh ra bậc Thiên-Tử. Thiên-Tử thay trời đất trị vì muôn loài. Bậc Thiên-Tử là cha mẹ của muôn dân! Hoàng-Đế vâng mệnh trời ra ân rải ra khắp trăm họ. Theo lời cao luận của nhân huynh chẳng lẽ lại không đúng với lời nói của Thánh hiền hay sao?

Trần-Gia-Cách nâng chung rượu lên nhắp cạn, nói:

-Hồi mới lập quốc, Hoàng-Đế Lê-Châu có mấy câu lời lẽ hết sức thâm thúy cao diệu là: Kẻ chưa làm Hoàng-Đế thì đem đầu óc ra đầu độc thiên hạ làm cho gia đình nam nữ chia lìa nhau để tạo riêng cho mình một sự nghiệp. Khi đã chiếm được ngai vàng thì lại bóc lột xương tủy của thiên hạ, chia lìa gia đình nam nữ để thỏa mãn dục tính của cá nhân. Đương nhiên, kẻ làm Hoàng-Đế luôn luôn xem tất cả thiên hạ là của riêng mình, cho rằng: Đó là hoa lợi của sản nghiệp của mình mà truyền lại cho con cháu muôn đời. Ha... ha...! Mấy câu này đánh đúng vào tâm lý của kẻ làm Hoàng-Đế, thật là hay vô cùng!

Vua Càn-Long lúc bấy giờ hơi giận đã bốc lên tận trời không còn nhẫn nhịn được nữa bèn cầm chung rượu ném đi, công nhiên ra hiệu lệnh...

Chung rượu chưa chạm xuống nền thuyền nhanh như cắt, Tâm-Nghiện từ đâu la mình tới đưa tay ra chộp lấy, quỳ xuống dâng lên trước mặt Càn-Long nói:

-Thưa Đông-Phương lão gia, chung rượu không việc gì, chỉ bị đổ mất một chút rượu thôi!

Vua Càn-Long hừ một tiếng, mặt lạnh như tiền. Lý-Khả-Tú đưa tay đón lấy chung rượu nhìn theo ánh mắt của Càn-Long như chờ đợi hiệu lệnh.

Nhưng Càn-Long bỗng phá lên cười nói:

-Lục nhân huynh! Cậu bé quản gia này tay chân quả là lanh lẹn!

Quay sang Phạm-Trung-Tử, vua Càn-Long nháy mắt một cái nói:

-Ngươi thử biểu diễn vài chiêu với cậu bé này xem. Cậu ta không phải là tay thường đâu đấy, chớ có xem thường!

Phạm-Trung-Tử rút cặp phán quan bút ra, nhắm huyệt đạo tả hữu của Tâm-Nghiện mà điểm tới. Tâm-Nghiện liền phóng mình một cái lên trước mũi thuyền.

Phạm-Trung-Tử phóng tới múa cặp phán quan bút vùn vụt quanh người cậu bé thư đồng. Tâm-Nghiện lại phóng mình lên trên cột buồm nói vọng xuống:

-Ta với ngươi chơi trò cút bắt (#4) nhé! Ngươi bắt được ta thì ngươi trốn ta đi bắt. Còn ta bắt được ngươi thì ta đi trốn, ngươi đi bắt. Thử xem ai giỏi hơn nhé!

Điểm hoài mà không trúng được đối phương lại còn bị trêu chọc, Phạm-Trung-Tử bỗng đổ quạu, phi thân lên nhắm Tâm-nghiện điểm tới. Phạm-Trung-Tử vừa lên đến nơi thì Tâm-Nghiện lại bay xuống dưới, và hễ y xuống dưới tấn công thì Tâm-Nghiện lại bay trên trên cột buồm, rồi cứ như thế mà diễn đi diễn lại, y hệt như trò chơi cút bắt

Phạm-Trung-Tử liền nghĩ ra một kế. Hắn giả vờ tung người bay lên trên cột buồm thì quả nhiên Tâm-Nghiện lập tức tung mình phi thân xuống. Nhưng Tâm-Nghiện mới xuống được nửa chừng thì bỗng thấy Phạm-Trung-Tử đổi hướng bay thẳng tới đưa phán quan bút điểm vào hậu tâm của cậu ta.

Đòn của Phạm-Trung-Tử quá bất ngờ khiến Tâm-Nghiện đang từ cao lỡ trớn bay xuống dưới không tài nào trở người được.

Phán quan bút của Phạm-Trung-Tử sắp điểm trúng Tâm-Nghiện thì chợt sau lưng y có tiếng gió của một vật nào đó hết sức mạnh mẽ. Thấy vậy, Phạm-Trung-Tử liền bỏ Tâm-Nghiện dùng phán quan bút quay lại đón lấy binh khí của người tập kích mình.

Vừa chạm phải binh khí đó, phán quan bút của Phạm-Trung-Tử dội lại đàng sau. Cả cánh tay hắn như tê rần lại. Hắn nhìn lên mũi thuyền thì thấy một người cầm cây thiết tương đứng bên cạnh Tâm-Nghiện. Đó chính là Tưởng-Tứ-Căn. Nguyên Tưởng-Tứ-Căn đứng trước mũi du thuyền cập sát bên du đĩnh của Trần-Gia-Cách, thấy Phạm-Trung-Tử ra tay quá độc ác với một cậu bé thì không dằn được nhảy qua tập kích hắn để cứu nguy cho Tâm-Nghiện.

Phạm-Trung-Tử nhìn Tưởng-Tứ-Căn thì cơn giận nổi lên, xông tới dùng cặp phán quan bút điểm loạn xạ. Tưởng-Tứ-Căn khẽ lách mình qua một cái rồi thuận tay dùng cây thiết tương đẩy nhẹ vào lưng hắn một cái. Phạm-Trung-Tử thất kinh la lên:

-Không xong!

Vừa la xong, cả thân hình hắn rơi thẳng xuống sông khiến nước hồ bắn lên tung tóe. Không biết bơi lội, Phạm-Trung-Tử từ từ chìm sâu xuống dưới. Tâm-Nghiện thấy thế vỗ tay, thích chí cười lớn:

-Nhảy xuống hồ tìm Hà-Bá với Long-Vương thì hỏi ai mà tìm được? Thôi, ta chịu thua đó! Coi như ngươi thắng trò chơi cút bắt này rồi!

Vua Càn-Long liền ra lệnh cho hai tên thị vệ nhảy xuống nước vớt Phạm-Trung-Tử lên. Hai tên thị vệ chưa tới nơi thì Tưởng-Tứ-Căn đã dùng cây thiết tương móc được hắn từ dưới nước lên. Sau đó, chàng dùng hai tay nắm lấy xương bả vai của hắn kéo xốc lên, đưa tay nắm ngang lưng vác lên cao khỏi đầu nhắm ngay mặt vua Càn-Long ném tới, miệng hét lớn:

-Đỡ này!

Sư thúc của Phạm-Trung-Tử là Phương-Long-Tuấn cũng làm chức thị vệ vội vàng nhảy ra phía trước đưa hai tay ra chụp, và cũng để đỡ đòn hộ cho vua Càn-Long.

Phạm-Trung-Tử bị uống nước trước mặt Hoàng-Đế thì xấu hổ vô cùng, không biết phải cất mặt đi chỗ nào. Thấy sư điệt của mình mấy phen bị nhục, Phương-Long-Tuấn cả giận. Mặt hắn như xám đen lại nói:

-Nghe nói vị Tiểu huynh đệ này có tài sử dụng ám khí, tại hạ xin được thỉnh giáo vài hiệp xem sao!

Phương-Long-Tuấn có ngoại hiệu là Độc Thiềm Thứ đã từng tung hoành lâu năm trên chốn giang hồ. Ám khí của hắn vừa mau lại vừa độc, một khi đối phương đã trúng phải thì khó có đường sống sót.

Trần-Gia-Cách nói với Càn-Long:

-Vị Phương đại hiệp này là một danh gia về ám khí, chúng tôi rất muốn được thưởng thức tài nghệ. Huynh đài có thể cho y biểu diễn một mình để tránh khỏi gây thương tích cho thư đồng của tại hạ hay không?

Nghe Trần-Gia-Cách nói có lý, vua Càn-Long gật đầu ưng thuận nói:

-Phải! Chỉ hiềm tại đây nhỏ hẹp, không có đủ chỗ...

Tâm-Nghiện tung mình nhảy sang chỗ Dương-Thanh-Hiệp bên du thuyền nhỏ nói nhỏ mấy câu. Dương-Thanh-Hiệp gật đầu, nhìn sang du thuyền của Chương-Tấn vẫy tay gọi.

Chương-Tấn lập tức nhảy đến. Chỉ vào chiếc du thuyền bên cạnh, Dương-Thanh-Hiệp nói:

-Mình dở hổng cột buồm của chiếc du thuyền này nhé?

Hai người sau đó, mỗi người một tay giở bổng chiếc du thuyền lên. Vua Càn-Long cùng đám thị vệ trợn tròn há hốc, ai nấy đều buột miệng khen:

-Hảo thần lực!

Ngay sau đó Trần-Gia-Cách bưng chung rượu lên nốc cạn khẽ vung tay một cái. Chung rượu như có ai đem đặt ngay ngắn tại chỗ bên cạnh Dương-Thanh-Hiệp và Chương-Tấn, hoàn toàn không bị sứt mẻ một chút nào cả.

Không những vua Càn-Long mà tất cả đám thị vệ nhìn thấy đều thất kinh. Thủ pháp của Trần-Gia-Cách quả thật chúng chỉ mới được thấy lần đầu.

Trần-Gia-Cách tươi cười nói với vua Càn-Long:

-Cái chung rượu này có thể tạm dùng để cho Phương đại hiệp thi triển ám khí.

Phương-Long-Tuấn lặng thinh không nói, vung tay một cái phóng ra một lượt năm, sáu, quả tậc lê làm chung rượu bể tan tành.

Tâm-Nghiện cất tiếng khen:

-Quả nhiên là lợi hại!

Nhìn thấy Tâm-Nghiện, Phương-Long-Tuấn chợt nảy ra trong đầu một ý nghĩ ác độc. Sẵn còn 5 quả tậc lê trong tay, y nhắm vào Tâm-Nghiện tung ra một lượt, tấn công cậu bé thư đồng trên dưới, tả hữu, ngay bụng.

Mọi người trông thấy đều kinh hãi thét lên một tiếng. Tâm-Nghiện cả kinh rạp người xuống tránh được hai quả tậc lê. Lạc-Băng rút ra hai ngọn phi đao phóng rớt được thêm hai quả nữa. Nhưng quả thứ năm đã ghim ngay vào bả vai của Tâm-Nghiện, làm cậu bé thư đồng cảm thấy đau nhức vô cùng, cố gượng mình đứng dậy.

Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội nhìn thấy hành động bỉ ổi hèn hạ của Phương-Long-Tuấn, thừa lúc biểu diễn ám khí mà ra tay ám toán một đứa bé thì ai nấy cả giận, bơi thuyền đến bao vây chiếc du đĩnh lại. Đám thị vệ của Càn-Long thấy vậy liền cởi áo ngoài, rút binh khí ra sẵn sàng. Lý-Khả-Tú định đưa còi lên miệng thổi để truyền lệnh cho các đội quân tác chiến.

Trần-Gia-Cách hướng về đám hào kiệt Hồng Hoa Hội nói lớn:

-Các anh em bằng hữu! Đông-Phương tiên sinh là thượng khách của tôi, không ai được vô lễ! Hãy lập tức lui thuyền ra xa!

Nghe lệnh của Tổng-Đà-Chủ truyền ra, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội răm rắp tuân lời, cho thuyền bơi lui lại mấy trượng.

Lạc-Băng sau đó xem xét vết thương của Tâm-Nghiện. Từ-Thiện-Hoằng cũng nhảy sang hỏi thăm.

Tâm-Nghiện cắn răng rút quả tậc lê ra. Lạc-Băng vội xé vải băng bó, nhưng Tâm-Nghiện giơ tay ngăn lại nói:

-Không cần!... Ám khí có độc...

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Em ráng chịu đựng một chút, để ta đi lấy thuốc trị độc về trị cho.

Quay qua Lạc-Băng, Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Tứ tẩu làm ơn mời tam ca sang đây gấp hộ.

Lạc-Băng gật đầu, phóng mình qua từng chiếc thuyền một mà đi. Lúc đó một chiếc thuyền từ đâu lướt tới nơi thật nhanh, người đứng trên mũi là Mã-Thiện-Quân, tổng đầu mục của Hồng Hoa Hội tại Hàng-Châu.

Với vẻ khẩn cấp, Mã-Thiện-Quân ghé tai Từ-Thiện-Hoằng nói nhỏ:

-Quân Mãn-Thanh đã vây chặt Tây-Hồ rồi, e bất lợi cho chúng ta!

Từ-Thiện-Hoằng hỏi:

-Lực lượng chúng đông cỡ nào?

Mã-Thiện-Quân đáp:

-Không dưới một vạn quân tinh nhuệ, đó là chưa kể đám Ngự-lâm quân và Thần-sánh dinh.

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Mã đại ca mau triệu tập tất cả anh em hội viên trong, ngoài thành Hàng-Châu chực sẵn tại Tây-Hồ đợi lệnh nhé! Nhớ bảo họ giắt một cánh hoa hồng trên tóc để dễ nhận diện.

Mã-Thiện-Quân gật đầu. Từ-Thiện-Hoằng lại hỏi:

-Mã đại ca nhắm có thể triệu tập gấp rút được chừng bao nhiêu người?

Mã-Thiện-Quân đáp:

-Trong thành, kể cả đám công nhân tại xưởng dệt của tôi, con số không dưới 3000. Nếu triệu tập luôn lực lượng ngoài thành thì được thêm 2000. Những người này đều được huấn luyện đúng mức, có sẵn binh khí cùng khả năng tác chiến.

Từ-Thiện-Hoằng lộ vẻ vui mừng nói:

-Tốt lắm! Chúng ta với con số đó cũng đủ chọi với chúng rồi.

Sau đó Từ-Thiện-Hoằng lại ghé tai Mã-Thiện-Quân nói nhỏ ít câu. Mã-Thiện-Quân gật đầu cấp tốc lên đường. Từ-Thiện-Hoằng cũng quay trở lại chiếc thuyền lúc nãy.

Lúc ấy Triệu-Bán-Sơn đã đến nơi. Tam đương-gia xem xét vết thương của Tâm-Nghiện một hồi thì nhăn mặt lắc đầu. Ông cầm quả tậc lê lên xem sơ qua rồi đút vào túi, lấy ra một viên thuốc nhét vào miệng Tâm-Nghiện.

Không để cho Tâm-Nghiện nghe thấy, Triêụ-Bán-Sơn nói thật nhỏ cho Từ-Thiện-Hoằng vừa đủ nghe:

-Thất đệ! Không có cách nào cứu được!

Từ-Thiện-Hoằng cả kinh hỏi:

-Thế thì sao?

Triệu-Bán-Sơn lại nói:

-Thứ ám khí này có bôi một chất kịch độc lạ lùng. Trừ khi chủ nhân của nó cho thuốc, không có thứ thuốc nào có thể giải được chất độc này.

Từ-Thiện-Hoằng hỏi:

-Liệu Tâm-Nghiện còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa?

Triệu-Bán-Sơn không cầm được nước mắt, xúc động đáp:

-Nhiều lắm chỉ độ ba khắc!

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Tam ca! Sao không bắt Phương-Long-Tuấn buộc, hắn phải trao thuốc giải!

Câu nói của Từ-Thiện-Hoằng như đánh thức trực-giác của Triệu-Bán-Sơn. Không chút do dự, Thiên-Thủ Như-Lai rút trong bọc ra một chiếc bao tay bằng da nai đeo vào tay trái tung người lên một cái, vượt qua từng chiếc thuyền một. Sau cùng, Triệu-Bán-Sơn đã đến nơi đứng trước Trần-Gia-Cách và vua Càn-Long.

Hướng về phía Trần-Gia-Cách, Triệu-Bán-Sơn nói:

-Lục công tử! Tôi muốn được thỉnh giáo vị đại hiệp danh gia sử dụng ám khí lúc nãy!

Trần-Gia-Cách đang tức giận về hành động của Phương-Long-Tuấn nhưng phải cố gắng bình tĩnh trước mặt vua Càn-Long. Nay thấy Triệu-Bán-Sơn nói vậy thì rất hợp ý mình liền quay sang phía Càn-Long nói:

-Vị bằng hữu này của tiểu đệ cũng biết chút đỉnh về ám khí. Vậy chúng ta hãy để y cùng thi thố chút bản lãnh cùng với vị Phương đại hiệp kia để giúp vui mọi người. Huynh đài nghĩ sao?

Vua Càn-Long không chút do dự, quay sang nói với Phương-Long-Tuấn:

-Ngươi hãy đem chút bản lãnh ra mà thi thố với vị bằng hữu của Lục công tử cho vui!

Bạch-Chấn rỉ tai Phương-Long-Tuấn dặn:

-Y là Thiên-Thủ Như-Lai Triệu-Bán-Sơn đó! Hiền đệ phải cẩn thận.

Phương-Long-Tuấn cũng đã được nghe qua tên tuổi của Thiên-Thủ Như-Lai. Tuy nhiên, y vẫn tự phụ rằng xưa nay chưa bao giờ gặp đối thủ về bộ môn ám khí nên chẳng chút sờn lòng. Thêm vào đó, lại một lần nữa được thi thố tài năng trước mặt Hoàng-Đế nên lại càng tự tin.

Phương-Long-Tuấn với dáng điệu ngạo mạn nói với Triệu-Bán-Sơn:

-Tại hạ là Phương-Long-Tuấn, mong được Thiên-Thủ Như-Lai chỉ giáo cho vài đường tuyệt kỹ.

Triệu-Bán-Sơn hừ một tiếng, khinh khi nói:

-Thì ra là mi! Thế mà ta vẫn tưởng xưa nay trên giang hồ, một kẻ có thanh danh không bao giờ dùng thủ đoạn đê hèn để ám toán một đứa con nít. Thật nghe danh không bằng thấy mặt!

Phương-Long-Tuấn cười nhạt đáp:

-Khỏi cần phải nói dài dòng. Ta chỉ có hai tay để chống cự với 1000 cánh tay của Thiên-Thủ Như-Lai mà thôi!

Nhảy qua thuyền nhỏ kế bên, Triệu-Bán-Sơn nói lớn:

-Có giỏi thì qua đây!

Phương-Long-Tuấn cười lớn đáp:

-Dĩ nhiên!

Phương-Long-Tuấn tung mình phóng qua chiếc thuyền bên cạnh. Trong lúc hắn vẫn còn lơ lửng trên không, Triệu-Bán-Sơn liền vung tay một cái, phóng ra ba mũi Kim tiền tiêu, ba Trục tiễn. Khẽ cúi đầu xuống một cái, Triệu-Bán-Sơn phóng luôn thêm một ngọn Bối nỏ.

Phương-Long-Tuấn cả kinh, hắn không ngờ trong một lúc, Triệu-Bán-Sơn lại có thể tung ra một lúc đến 7 ám khí.

Không còn đường nào né tránh, Phương-Long-Tuấn cúi rạp đầu xuống chui đầu vào khoang thuyền. Những ngọn ám khí của Triệu-Bán-Sơn cắm sâu vào chỗ Phương-Long-Tuấn đang đứng. Nếu hắn không kịp cúi xuống chui vào khoang thuyền ắt tánh mạng chẳng còn!

Phương-Long-Tuấn sợ điếng cả người. Chưa hoàn hồn được bỗng nghe có tiếng Triệu-Bán-Sơn la lớn nhục mạ:

-Đúng là một con rùa rụt cổ! Vậy mà cũng vỗ ngực xưng là cao thủ ám khí! Thôi, hãy mau chui ra đi rửa mặt rồi về lại chỗ cũ!

Phương-Long-Tuấn vừa lồm cồm đứng dậy thì Triệu-Bán-Sơn lại phóng tiếp một ngọn Bồ đề tử ngay ngựa trái của hắn. Phương-Long-Tuấn lách mình tránh khỏi rồi thuận tay ném trả lại một ám khí.

Triệu-Bán-Sơn vừa nghiêng mình tránh khỏi thì Phương-Long-Tuấn lại vung hai tay phóng tiếp 6 quả tậc lê theo phương pháp Liên hoàn kích, chia làm hai phía tiến thẳng tới.

Triệu-Bán-Sơn cười nhạt nói:

-Thế càng hay!

Dứt lời, Triệu-Bán-Sơn, lấy ra một ít Phi hoàn thạch và một mũi Thiết liên tử, gạt 5 quả tậc lê và đưa hai ngón tay kẹp lấy quả tậc lê thứ 6 và đút vào túi. Kế đến, ông ta dùng ba mũi Kim tiền tiêu nhắm vào ba huyệt Thần-kinh, Thiên-trì, Huyết-hải của Phương-Long-Tuấn mà phóng tới.

Phương-Long-Tuấn vội vàng nhảy sang chiếc thuyền bên cạnh để tránh thoát. Hai chân của hắn chưa kịp chạm xuống dưới thì Triệu-Bán-Sơn đã phóng thêm một mũi Dương thủ tiễn. Phương-Long-Tuấn hụp đầu xuống né tránh thì ám khí kia bỗng chui tọt vào tay áo của Triệu-Bán-Sơn và một mũi Hồi long bích xẹt tới. Trong lúc Phương-Long-Tuấn còn đang hoang mang, Triệu-Bán-Sơn lại bồi thêm ba ngọn Bồ đề tử nhắm vào hai huyệt dương bạch và hồn môn.

Mọi người sau đó thấy Phương-Long-Tuấn ngã xuống như sung rụng, toàn thân mềm nhũn ra như một con tôm bị luộc. Đám thủ hạ của Càn-Long trông thấy thế không khỏi thất kinh, lạc cả hồn vía. Chữ-Viên, một thị vệ khác thấy vậy liền tuốt kiếm nhảy vào trợ lực cho đồng bọn.

Nguyên ba người Bạch-Chấn, Chữ-Viên và Phương-Long-Tuấn rất nổi danh, được gọi là Bắc-Kinh Tam Anh, nay thấy một người trong bọn bị cường địch hạ nhục như vậy thì không khỏi tức giận. Chữ-Viên không đắn đo lập tức xông ra, nhưng Bạch-Chấn không dám khinh xuất, phải bám sát lấy vua Càn-Long để mà bảo vệ.

Chữ-Viên vốn là một hòa thượng xuất gia với pháp danh là Trí-Viên. Sau vì phạm luật nhà chùa mà bị tước hết độ-điệp, phải hoàn tục, mới lấy tên là Chữ-Viên. Hắn luyện được Đạt-Ma-Kiếm rất lợi hại, đã đánh bại rất nhiều cao thủ võ lâm, gây nên không biết bao nhiêu là thù oán. Sau đó, hắn theo đầu Mãn-Thanh, được Càn-Long tín-nhiệm, dùng làm Ngự-tiền thị vệ...

Chữ-Viên vừa đáp xuống thuyền bên cạnh thì một người từ đâu cũng vừa phóng tới đứng trước mặt hắn. Nhanh như chớp, Chữ-Viên sử dụng một thế Đại bình hoa chém ngay và người ấy. Kiếm chưa chém xuống, Chữ-Viên bỗng thấy mũi kiếm của người kia như đang chĩa thẳng tới đâm vào cổ tay hắn.

Chữ-Viên cả kinh, rút tay về theo một thế Nghịch hoa khẽ gạt mũi kiếm kia rồi nhắm chân người kia đâm một cái. Người kia chẳng thèm né tránh, thuận đà đưa chân lên đá một cái trúng vào ngay cổ tay Chữ-Viên một cái khiến cho hắn cả kinh, suýt nữa thì buông rời kiếm khỏi tay. Người kia dùng bản kiếm vỗ nhẹ vào bả vai hắn một cái rồi đứng trước mũi thuyền cười ha hả.

Chữ-Viên lùi lại đàng sau mấy bước tức giận quát hỏi:

-Ngươi là ai?

Người kia cười đáp:

-Là một người bắt trước ngươi để múa kiếm đó thôi! Mà ngươi quả thật không biết ta là ai hả?

Mọi người đều nhận ra đó là Vô-Trần Đạo-Nhân, giang hồ đệ nhất kiếm khách!

Chữ-Viên liền xoay kiếm tung ra chiêu Kim-Cang phục hổ rồi kế đến lại sử tiếp chiêu Cửu phẩm liên đài. Vô-Trần Đạo-Nhân đỡ gạt một cách dễ dàng như chẳng chút phí sức miệng nói:

-Kiếm pháp của ngươi sử dụng rất đúng. Nhưng nhớ đánh tiếp chiêu Kim-Luân độ kiếp nhé!

Tiếng nói của Vô-Trần Đạo-Nhân vừa dứt thì quả nhiên Chữ-Viên tung ra chiêu Kim-Luân độ kiếp.

Chữ-Viên hết sức kinh ngạc tự nhủ:

-Làm sao y có thể biết trước được chiêu thế của ta như vậy?

Đang thắc mắc thì Vô-Trần đâm luôn hai nhát cả bên tả lẫn hữu, miệng tươi cười nói:

-Ngươi mau sử dụng hai thế Phù khâu áp trục và Hồng khuôn yểm mị mới mong chống đỡ nổi!

Vô-Trần Đạo-Nhân vừa dứt lời thì Chữ-Viên cũng vừa dùng hai thế kiếm như ông đã nói để mà chống lại.

Chữ-Viên càng lúc càng hoang mang kinh sợ. Hắn có cảm tưởng như địch thủ đang bỡn cợt với hắn mà thôi, chứ nếu muốn ra tay lấy mạng hắn thì quả thật là chuyện dễ như lấy đồ trong túi.

Vô-Trần Đạo-Nhân lại la lớn:

-Ta sẽ dượt cho mi thế Tiên nhân chi lộ. Nhớ phải dùng thế Hồi đầu thị ngạn mà đỡ không thì mất mạng đấy nhé!

Bị Vô-Trần đùa giỡn như một đứa con nít, Chữ-Viên bỗng tự ái định dùng chiêu thế khác mà đối địch nhưng khổ thay, kiếm chiêu của Vô-Trần bắt buộc hắn phải sử dụng những chiêu của ông ta nói trước...

Lúc bấy giờ, Triệu-Bán-Sơn đã nắm gọn Phương-Long-Tuấn trong tay. Ông ta nhấn mạnh vào Thái-dương huyệt của hắn một cái. Hắn co người lại, mồ hôi nhỏ ra từng giọt như vì sĩ khí nên không dám lên tiếng kêu la, sợ mất mặt. Từ-Thiện-Hoằng cả giận chĩa mũi kiếm vào thiên linh cái của hắn, nhưng hắn vẫn cắn răng mà chịu, chứ nhất định không giao thuốc giải.

Trong khi đó, Vô-Trần Đạo-Nhân dùng thế Tiên-Nhân chỉ bộ, bắt buộc Chữ-Viên phải dùng thế Hồi đầu thị ngạn để chống đỡ là có ý ngầm bảo cho hắn hãy lui về đừng đấu nữa, coi trận đấu như hòa. Ông ta là người tu hành, và biết Chữ-Viên một lần nào đó trong quá khứ cũng đã xuất gia đầu Phật nên muốn dùng Phật pháp mà khuyên hắn.

Vô-Trần Đạo-Nhân nhanh tay tra kiếm lại vào vỏ trong khi Chữ-Viên ngẩn người ra không biết nên xử trí ra sao.

Vô-Trần Đạo-Nhân bỗn lại lên tiếng:

-Ta dùng thế Đương đầu bồng cát, ngươi mau sử dụng thế Hoàng giang phi độ mới tránh được nguy hiểm.

Lưỡi kiếm của Vô-Trần sau đó đã rút ra khỏi vỏ nhắm bả vai Chữ-Viên chém xuống. Chữ-Viên uốn mình, đưa lưỡi kiếm lên gạt đúng theo thế Hoàng gia phi độ trong Đạt-Ma Kiếm-Pháp.

Vua Càn-Long mặc dù không biết võ nghệ, nhưng nãy giờ nhìn thấy hai người so kiếm cũng hiểu rõ được mọi chuyện. Nhà vua có cảm tưởng như đây là một màn dượt võ của sư phụ truyền dạy đệ tử chứ không phải là một cuộc tỉ thí.

Vua Càn-Long kinh hãi nghĩ thầm:

-"Chữ-Viên là một kiếm thủ bậc nhất trên võ lâm mà so với người ngày thật chẳng bằng một đứa con nít!"

Đó chẳng qua là vì vua Càn-Long chưa bao giờ nghe danh của Vô-Trần Đạo-Nhân! Vì vậy xưa nay nhà vua vẫn tin tưởng rằng Chữ-Viên là tay kiếm có một không hai trên đời. Nhưng sự thật hiển nhiên đang phơi bày ra trước mặt, có muốn chối bỏ cũng không xong.

Nghĩ vậy, vua Càn-Long hết sức bực bội, gọi Bạch-Chấn nói:

-Còn đấu làm gì cho thêm xấu hổ! Mau kêu hắn dừng tay mà lui về!

Bạch-Chấn tuân lệnh nhảy tới mũi thuyền nói:

-Chữ huynh! Chủ nhân gọi anh về!

Lời ấy khác nào là cứu cánh cho Chữ-Viên. Hắn bị Vô-Trần Đạo-Nhân đùa giỡn thì ấm ức vô cùng. Biết đấu thì không xong, mà lui thì sợ mất mặt. Bây giờ Bạch-Chấn lên tiếng bảo có lệnh rút thì thật là cơ hội tốt vô cùng.

Chữ-Viên đang định lui ra khỏi vòng chiến trở về bỗng có tiếng Vô-Trần Đạo-Nhân quát lớn:

-Lúc nãy ta mở đường cho ngươi chạy thì ngươi lại quyết sống mái với ta. Bây giờ ta đã thay đổi ý định rồi thì lại đòi rút hả? Đâu có phải là muốn đấu là đấu, muốn lui là lui đâu!

Dứt lời, Vô-Trần Đạo-Nhân vung kiếm lên. Muôn đạo kiếm quang như vây phủ lấy Chữ-Viên. Hắn hoa cả mắt lên, nhưng không dám liều mạng thoát thân.

Thấy Chữ-Viên hết đường tẩu thoát, Bạch-Chấn tunh mình lên nhảy vào giữa hai người, duỗi thẳng năm ngón tay định chụp lấy cổ tay của Vô-Trần Đạo-Nhân.

Vô-Trần Đạo-Nhân thấy vậy liền xoay mũi kiếm nhắm Bạch-Chấn đâm một mũi. Bạch-Chấn dùng hai ngón tay cứng như théo lấy lưỡi kiếm của Vô-Trần Đạo-Nhân, tay kia chộp lấy bả vai của Vô-Trần Đạo-Nhân. Vô-Trần Đạo-Nhân lùi lại một bước tránh khỏi thì Bạch-Chấn lại tung ra một chưởng đánh mạnh vào người Nhị đương-gia.

Vô-Trần Đạo-Nhân vừa tránh khỏi được chưởng phong thì Bạch-Nhân đã nhanh nhẹn nhảy đến dùng Ưng-Trảo-Công chộp được cổ tay của Vô-Trần Đạo-Nhân.

Thấy Bạch-Chấn lợi hại như thế, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đứng ngoài lược trận không khỏi kinh hãi. Vừa lúc đó, mọi người thấy Vô-Trần Đạo-Nhân giơ chân trái lên đá một cước vào ngay hạ bàn của Bạch-Chấn.

Đang định cướp đoạt thanh kiếm trên tay địch thủ, Bạch-Chấn không ngờ đối phương ra chiêu thần tốc như vậy liền dùng tung chân phải lên chặn lại. Nào ngờ, ngọn cước kia chỉ là hư chiêu. Bạch-Chấn vừa giơ chân lên bỗng nhiên Vô-Trần Đạo-Nhân khẽ tung mình lên dùng chân phải bồi thêm một cước.

Bạch-Chấn vội buông cổ tay địch thủ ra, lùi lại sau mấy bước. Vừa lúc ấy, gót chân trái của Vô-Trần Đạo-Trân lại tung lên quạt ra sau một vòng quất ngay vào bắp chân của Bạch-Chấn. Chỉ nghe Bạch-Chấn ối một tiếng rồi cả thân hình hắn ngã xuống hồ...

Trong khi đó, Chữ-Viên thừa lúc Bạch-Chấn giao phong với Vô-Trần Đạo-Nhân mà thoát thân, nên đã trở về đứng sau lưng Càn-Long.

Bỗng nhiên, Ngọc-Như-Ý phá lên cười sặc sụa khiến co Chữ-Viên ngơ ngác chẳng hiểu gì cả. Y ngước mặt lên nhìn thì thấy vua Càn-Long cau mày, nhăn mặt, tỏ vẻ bực bội vô cùng. Trần-Gia-Cách thì tủm tỉm, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội người nào cũng để hở hai hàm răng, còn đám người bên hắn thì trợn tròn há hốc.

Một ngọn gió lướt nhẹ qua. Chữ-Viên cảm thấy thân thể mình lành lạnh, khẽ cúi đầu nhìn xuống. Lúc đó Chữ-Viên mới giật mình, khám phá ra là áo quần của hắn rách tơi tả như bươm, lòi cả thịt ra ngoài.

Ngọc-Như-Ý lúc ấy rút ra một cái gương, khẽ đưa gần về phía Chữ-Viên. Nhìn thấy hình dung mình trong tấm gương, Chữ-Viên thật dở khóc dở cười, thẹn thùng cơ hồ muốn độn thổ! Đầu tóc của hắn thì như bị ai cạo đi hết một nửa. Râu thì một bên có, một bên không. Tất cả lông mày thì đều nhẵn nhụi, tạo cho hắn một hình thù quái dị, người chẳng ra người, mà ngợm cũng chẳng ra ngợm.

Lúc bấy giờ hắn mới hiểu rằng trong khi giao đấu, Vô-Trần Đạo-Nhân không nỡ giết hắn nhưng lại cố tình chém rách nát hết quần áo của y cũng như gọt hết chân mày, râu tóc cạo mỗi bên một nửa.

Chữ-Viên vừa căm hận, vừa xấu hổ. Y thầm nghĩ giá mà lúc nãy Vô-Trần Đạo-Nhân thí cho hắn một lưỡi gươm cho lìa đời có lẽ còn dễ chịu hơn phải đương đầu với hoàn cảnh như thế này.

Chưa biết phải dấu mặt đi chỗ nào thì một cơn gió lại thổi đến làm quần hắn tụt xuống, vì dây lưng đã bị kiếm của Vô-Trần cắt đứt từ hồi nào. Chữ-Viên hoảng hốt đưa hai tay chụp vội lấy quần. Nhưng chụp lại được lưng quần thì thanh bảo kiếm trên tay lại rớt thẳng xuống hồ.

Một tay giữ quần, một tay đưa ra cố chụp lại thanh kiếm, Chữ-Viên mất luôn thăng bằng lao thẳng xuống mặt nước. May mắn cho hắn là lúc đó Bạch-Chấn vừa mới từ dưới hồ lên lại thuyền, thân hình ướt như chuột lột, trông thấy đưa tay níu lại. Cả hai loi ngoi, trông hết sức thểu não. Tiếng cười vang lên như vỡ cả con thuyền.

Thấy đám bộ hạ cao thủ mình bị đám hào kiệt Hồng Hoa Hội hạ nhục, dùng làm trò đùa tiêu khiển, vua Càn-Long vừa thẹn lại vừa sợ; thầm nghĩ rằng nếu còn tiếp tục kéo dài cuộc tỉ thí thì không biết sẽ còn phải gánh thêm bao nhiêu thảm bại ê chề nữa!

Nhưng vua Càn-Long quả là một người có chí lớn, hành sự bao giờ cũng sâu sắc, biết cân nhắc điều lợi hại. Khi nhìn thấy rõ được chân tài của đám hào kiệt Hồng Hoa Hội, nhà vua không những quên hết cả giận hờn mà còn đem lòng mến phục, trong bụng thật tình muốn chiêu mộ hơn là tìm cách hạ sát tất cả để trả thù.

Nghĩ vậy, vua Càn-Long ôn tồn nói với Trần-Gia-Cách:

-Các bằng hữu của huynh đài đây toàn là những bậc kỳ tài trong thiên hạ. Sao huynh đài không vì triều đình đem sức phò tá để tạo cho mình một sự nghiệp hiển hách, lưu danh muôn thuở, làm rạng rỡ tổ tông mà lại đành tâm để cho bao nhiêu nhân tài hữu dụng như vậy để chôn vùi trong chốn lục lâm thảo khấu, làm uổng phí đi cả một đời? Thật là đáng tiếc vô cùng!

Trần-Gia-Cách mỉm cười đáp:

-Huynh đào chưa hiểu rõ nên mới dạy như thế. Cũng như tiểu đệ, đám anh em bằng hữu này cũng không thích bị trói buộc bời công danh mà chỉ ưa thích một cuộc sống nay đây mai đó, vui với trời rộng sông dài. Tuy nhiên, lòng huynh đã đoái tưởng, đệ cũng xin thử bàn lại với các anh em xem sao.

Vua Càn-Long nói:

-Nếu thế cuộc vui đêm nay cũng tạm kể như là thỏa mãn. Đêm cũng đã gần tàn, đệ xin được cáo từ tại đây.

Dứt lời vua Càn-Long nhìn sang thuyền bên cạnh. Trần-Gia-Cách hiểu ý, gọi lớn:

-Triệu tam ca! Anh mau thả Phương-Long-Tuấn, tùy tùng của Đông-Phương tiên sinh về đi!

Lạc-Băng đứng trước mũi thuyền nói lớn:

-Không thể như vậy được! Trừ khi hắn chịu đưa thuốc giải ra để cứu Tâm-Nghiện.

Dứt lời, Lạc-Băng bơi thuyền đến sát du đĩnh của Trần-Gia-Cách. Vua Càn-Long rỉ tai Lý-Khả-Tú nói mấy câu rồi lên tiếng gọi Phương-Long-Tuấn:

-Ngươi mau đưa thuốc giải ra để cứu người!

Phương-Long-Tuấn đáp:

-Kẻ tiểu nhân cam chịu tội chết vì thuốc giải độc để lại kinh, không có đem theo trong mình.

Vua Càn-Long khẽ nhíu mày, chẳn nói chẳng rằng. Trần-Gia-Cácnh vẫn điềm tĩnh nói:

-Triệu tam ca! Cứ thả ra đi!

Triệu-Bán-Sơn còn đang do dự thì Từ-Thiện-Hoằng cười nói:

-Tam ca! Anh mau đưa hai quả tậc lê anh lấy được cho đệ.

Mặc dù chưa biết rõ ý định của Từ-Thiện-Hoằng, Triệu-Bán-Sơn cũng chẳng cần thắc mắc, lấy ngay hai quả tậc lê đưa cho chàng.

Cầm hai quả tậc lê, Từ-Thiện-Hoằng vén áo Phương-Long-Tuấn lên mỗi tay ấn ba mũi vài hai bên ngựa hắn. Phương-Long-Tuấn thét lên:

-Chết tôi! Chết tôi!

Thi hành xong thủ đoạn, Từ-Thiện-Hoằng trao trả hai quả tậc lê lại cho Triệu-Bán-Sơn. Sau đó, chàng hướng sang du đĩnh của Trần-Gia-Cách nói:

-Xin Lục công tử làm ơn cho xin vài chung rượu để anh em chúng ta cùng uống kết tình giao hữu với Phương đại hiệp để ông ta theo Đông-Phương tiên sinh về cho kịp.

Trần-Gia-Cách cười đáp:

-Hay lắm!

Lúc đó Ngọc-Như-Ý đã rót đầy ba chung rượu. Trần-Gia-Cách gọi Triệu-Bán-Sơn:

-Triệu tam ca! Rượu đây!

Dứt lời, Trần-Gia-Cách lần lượt cầm ba chung rượu ném sang. Triệu-Bán-Sơn đưa tay bắt lấy đủ ba chung mà không đổ ra ngoài một giọt nào.

Từ-Thiện-Hoằng bưng một chung rượu đến trước mặt Phương-Long-Tuấn, mặt tươi cười nói:

-Xin mời Phương gia hãy uống cạn chung rượu này vói chúng tôi.

Lúc ấy, 6 vết thương trong người Phương-Long-Tuấn bị Từ-Thiện-Hoằng thích vào hành y đau nhức vô cùng. Vừa ngửi thấy mùi rượu, mắt mày y tái xanh, không dám nhìn.

Từ-Thiện-Hoằng cười nhạt nói:

-Uống đi chứ! Khách sáo làm gì? Chẳng lẽ Phương đại hiệp khinh rượu của chúng tôi dở hay sao?

Ngón tay cái và ngón tay trỏ Từ-Thiện-Hoằng bóp chặt mũi của Phương-Long-Tuấn, còn ngón giữa và ngón út nhấn mạnh hai bên quai hàm, buộc hắn phải há miệng ra. Sau đó, Từ-Thiện-Hoằng cầm hai chung rượu đổ vào miệng hắn.

Bọn thị vệ nhìn sang, thấy Phương-Long-Tuấn bị Từ-Thiện-Hoằng hành hạ thì tức giận vô cùng, muốn nhảy sang giết chết ngay Từ-Thiện-Hoằng. Nhưng khi nhìn thấy Vô-Trần Đạo-Nhân và Triệu-Bán-Sơn đứng bên cạnh bảo vệ thì tên nào cũng thấy rờn rợn, không dám hó hé gì cả.

Rượu vừa qua khỏi cổ, các thớ thịt bị độc tậc lê đâm phải tím bầm lại, Phương-Long-Tấn như mê, như thiếp đi. Từ-Thiện-Hoằng đưa tay điểm huyệt. Phương-Long-Tuấn từ từ mở mắt ra nhìn, miệng thốt lên lời năn nỉ yếu ớt:

-Mau giải huyệt cho tôi... Tôi sẽ đưa thuốc giải độc ra ngay!...

Triệu-Bán-Sơn cười gằn một tiếng, đưa ngón tay giải huyệt bế trú cho Phương-Long-Tuấn. Hắn móc túi lấy ra ba gói thuốc nhỏ nói:

-Uống bao màu đỏ... Bao màu đen xứt lên vết thương... Bao màu trắng dùng để rịt trước khi băng bó...

Hắn vừa dứt lời thì đã gục xuống hôn mê trở lại. Triệu-Bán-Sơn bảo Lạc-Băng làm theo lời dặn, lấy bao thuốc màu đỏ trộn với bao màu đen hòa với rượu cho Tâm-Nghiện uống rồi dùng bao màu đen rịt lên vết thương trên bả vai của Tâm-Nghiện. Không đầy bao lâu, máu bầm từ vết thương rỉ ra. Tâm-Nghiện khẽ trở mình, khẽ rên vài tiếng.

Thấy Tâm-Nghiện đã tỉnh lại, Triệu-Bán-Sơn lấy bao thuốc màu trắng rịt lên vết thương rồi băng bó lại cẩn thận. Tâm-Nghiện nhìn Triệu-Bán-Sơn, Từ-Thiện-Hoằng và Lạc-Băng như thầm cám ơn cứu mạng.

Triệu-Bán-Sơn cười nói:

-Giờ đây, em mới được xem là còn sống.

Từ-Thiện-Hoằng oán ghét Phương-Long-Tuấn là kẻ lòng dạ ác độc nên không muốn cứu, nhưng Triệu-Bán-Sơn lòng dạ nhân từ, thấy hắn đau đớn khổ sở thì động mối thương tâm, bảo Từ-Thiện-Hoằng dùng thuốc cứu chữa cho hắn.

Vô-Trần Đạo-Nhân cười nói:

-Tam đệ thật là có lòng dạ của bồ tát, lúc nào cũng thương người! Nhưng cứu cái hạng người này thì có khác gì cứu hổ lang để cho nó tiếp tục hại người! Nhưng thôi, không sao! Để ta cho hắn từ đây không bao giờ còn dùng ám khí để hại người được nữa.

Dứt lời, Vô-Trần Đạo-Nhân rút kiếm ra cắt đứt hai gân tay của Phương-Long-Tuấn. Từ-Thiện-Hoằng dùng thuốc cứu hắn tỉnh lại rồi giao đem sang du đĩnh giao cho Càn-Long và đám thị vệ.

Trần-Gia-Cách nói với vua Càn-Long:

-Mấy vị bằng hữu của tiểu đệ phần đông đều thô lỗ, không theo đúng lễ giáo. Mong huynh đài tha thứ cho chứ đừng chấp nhặt làm gì!

Vua Càn-Long phá lên cười nói:

-Hôm nay được chính mắt trông thấy võ công tuyệt diệu của các vị anh hùng hảo hán, thật là điều sung sướng nhất trên đời. Chừng nào có dịp, xin huynh đài nhớ ghé đến Bắc-Kinh cho đệ có dịp mở tiệc thết đãi, và nhớ đem tất cả các vị anh hùng ở đây cho vui. Giờ xin tạm biệt...

Trần-Gia-Cách nhìn đám hào kiệt Hồng Hoa Hội nói:

-Thuyền bè đã sẵn sàng để đưa Đông-Phương tiên sinh vào bờ chưa?

-Đâu đó đã chuẩn bị sẵn sàng!

Tàu từ từ nhổ neo tiến vào bờ. Khi tàu sắp sửa vừa cập vào bờ thì đột nhiên có một chiếc khoái đĩnh lướt như bay tới cản lại. Đứng trước mũi thuyền là một người trông như một trưởng giả dưới ánh trăng lờ mờ, tay cầm một lá cờ có hoa hồng màu đỏ như ra lệnh cho tài công chuẩn bị theo chiếc khoái đĩnh ra lại giữa hồ.

Lý-Khả-Tú liền đưa tù và lên thổi ba tiếng. Từ trong bóng tối, mấy trăm Ngự-lâm quân nhảy ra trước thuyền, chia ra làm hai nhóm hộ vệ. Một tên dắt ngựa quỳ xuống dâng sợi dây cương. Vua Càn-Long cầm lấy, bước lên yên đi giữa hai hàng Ngự-lâm quân. Trần-Gia-Cách và đám hào kiệt Hồng Hoa Hội cũng theo lên.

Vua Càn-Long ra khẽ dấu, Lý-Khả-Tú nhìn Trần-Gia-Cách quát lớn:

-Bọn ngươi trông thấy Hoàng-Thượng còn chưa chịu quỳ xuống là lễ bái kiến nữa à!

Lý-Khả-Tú vừa dứt lời thì hơn 1000 quân Thần-sánh dinh ùa đến bao vây Trần-Gia-Cách và đám hào kiệt Hồng Hoa Hội vào giữa.

Từ-Thiện-Hoằng vung cánh tay lên, hai cha con Mã-Thiện-Quân và Mã-Đại-Đình liền phóng lên hai trái lưu tinh hỏa pháo nổ lên hai tiếng ầm! ầm!.

Tiếng la ó khắp nơi vang lên như long trời lở đất làm chấn động cả một vùng. Dưới bóng, cây, trên nóc nhà, bên gầm cầu, trong hóc đá... nơi nào cũng có bóng người hiện ra. Những người ấy, ai ai cũng giắt trên đầu một đóa hoa hồng, tay cầm sẵn binh khí.

Trần-Gia-Cách vẫn bình tĩnh hơn bao giờ hết, trên miệng luôn luôn nở một nụ cười nhìn chung quanh. Từ-Thiện-Hoằng lớn tiếng gọi:

-Hỡi tất cả các anh em Hồng Hoa Hội trong tỉnh Hàng-Châu! Tổng-Đà-Chủ của chúng ta có mặt ở đây. Tất cả mau ra bái kiến!

Từng đoàn người kéo đến đông như kiến cỏ, cầm cờ và binh khí trông oai nghi hùng dũng vô cùng. Tất cả cùng nhau hô lớn:

-Tổng-Đà-Chủ muôn năm!

Đám Ngự-lâm quân và đội Thần-sách lắp tên vào cung sẵn sàng, binh khí tuốt khỏi vỏ, chờ lệnh tấn công. Lý-Khả-Tú lại thổi thêm một hồi tù-và. Tiếng vó ngựa vang rền dồn dập, đội quân Kỳ-Dinh trấn thủ Hàng-Châu ồ ạt kéo tới tập họp ở một góc phía Tây-Hồ.

Lý-Khả-Tú ngồi trên lưng ngựa chỉ huy một số thanh tướng, ra lệnh phân công cho các tướng, mỗi người lãnh trách nhiệm trông coi một hướng.

Vua Càn-Long ngơ ngác kinh hoàng, không ngờ số người phục sẵn ủng hộ Trần-Gia-Cách và Hồng Hoa Hội lại đông đến như vậy!

Trần-Gia-Cách sắc mặt vẫn không đổi khác, tiếp lấy dây cương do một tên Ngự-lâm quân trao cho, tung mình ngồi chễm chệ trên lưng ngựa, sánh bước đi song song với vua Càn-Long. Trần-Gia-Cách lấy một đóa hoa hồng thật lớn, lấp lánh hào quang gắn trên ngực. Đây là một đóa hoa hồng thật đặc biệt, kết toàn bằng kim tuyến và nhung tuyến. Chung quanh đóa hoa hồng có bốn chiếc lá xanh bằng ngọc bích. Nhụy hoa chính giữa là một viên dạ Minh-Châu. Dưới ánh đuốc lửa, đóa hoa hồng rực rỡ màu sắc, đẹp vô cùng. Đó là đóa hoa hồng đặc biệt, tượng trưng cho uy quyền và chức tước, chỉ dành riêng cho Tổng-Đà-Chủ mà thôi.

Một lá cờ của Hồng Hoa Hội theo gió bay lên giữa không trung. Ở chính giữa lá cờ có một hình đóa hoa hồng giống hệt như đóa hoa hồng đang gắn trước ngực Trần-Gia-Cách.

Hàng hàng lớp lớp người nghiêng mình làm lễ tham kiến vị Tổng-Đà-Chủ của họ. Tiếng tung hô vang dậy một trời.

Trong đội Kỳ-Dinh đang nghiêm trang bỗng thình lình xáo trộn. Từ trong đội ngũ, một số binh lính kéo ra, theo gương bang chúng Hồng Hoa Hội hô lớn:

-Tổng-Đà-Chủ muôn năm!

Luôn cả một số tướng lãnh cao cấp trong đội Kỳ-Dinh cũng đến trước đầu ngựa của Trần-Gia-Cách vòng tay khom lưng theo nghi thức của bang chúng Hồng Hoa Hội.

Sau đội Kỳ-Dinh lại đến hội Thần-sách. Từ tướng đến quân, bao nhiêu người tự động bỏ hàng ngũ để ra bái kiến Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội.

Cứ hết nhóm này đến nhóm khác, thay phiên nhau ra làm bổn phận bang chúng. Cấp chỉ huy không cách nào ngăn chặn nổi, chỉ biết đứng im lặng mà cúi đầu.

Trần-Gia-Cách cũng khiêm nhượng, giơ tay lên cao vẫy như đáp lễ lại tất cả mọi người ủng hộ mình.

Riêng các hội viên Hồng Hoa Hội trong đám dân chúng thì sau khi bái kiến Trần-Gia-Cách xong liền trở lại hàng ngũ chỉnh tề của mình theo trận thế Long-Môn của Từ-Thiện-Hoằng bày ra.

Vua Càn-Long chột dạ, nhận thức được ngay bên này mạnh, bên nào yếu. Chính nhà vua được chứng kiến tận mắt hơn phân nửa quan binh ra bái kiến Trần-Gia-Cách nên hết sức kinh hãi, nghĩ thầm:

-"Thế này thì quả thật là đáng sợ! Kẻ thù đã gài người của chúng vào ngay trong hàng ngũ của mình từ lâu mà nào có ai hay biết! Kế hoạch xếp đặt đã hư hỏng cả rồi, thật không thể nào thi hành được đêm nay rồi! Chi bằng dĩ hòa vi quý là hơn!"

Nghĩ như vậy, vua Càn-Long gọi Lý-Khả-Tú đến nói:

-Mau hạ lệnh bảo tất cả rút lui có trật tự.

Lý-Khả-Tú tuân lệnh, phóng lên ngựa thổi một hồi tù và. Nghe lệnh ban ra, hơn một vạn quân tản mác, cùng rút đi theo sự điều khiển của chủ tướng.

Từ-Thiện-Hoằng cũng phất cờ truyền lệnh:

-Tất cả các anh em Hồng Hoa Hội! Đêm nay chúng ta cùng nhau chịu cực. Sẽ gặp lại nhau vào nhiều dịp khác! Thay mặt Tổng-Đà-Chủ, tôi xin cám ơn tất cả anh em bang hội tại Hàng-Châu!

Tất cả bang chúng Hồng Hoa Hội đều đồng thanh hô lớn:

-Vạn tuế Tổng-Đà-Chủ! Anh em thành Hàng-Châu chúng tôi xin kính chúc Tổng-Đà-Chủ cùng các vị đương-gia được nhiều sức khỏe để tiếp tục lèo lái Hồng Hoa Hội trên đường cứu quốc. Đêm nay tạm biệt, nhưng sẽ còn nhiều dịp gặp gỡ sau!

Vua Càn-Long cũng vẻ mặt tươi cười, nhìn Trần-Gia-Cách nói:

-Thôi! Xin tạm biệt nơi đây! Ngày sau sẽ còn nhiều dịp gặp gỡ!

Dứt lời, vua Càn-Long rong ngựa về phía dinh Tuần-Vũ Hàng-Châu. Trần-Gia-Cách cười lên một tràng sảng khoái, quay trở lại thuyền, bày tiệc ăn mừng chiến thắng.

Mọi người ăn uống vui vẻ, tâm tình cởi mở, vô cùng sảng khoái. Từ-Thiện-Hoằng nói với Mã-Thiện-Quân:

-Mã đại ca! Đêm nay Càn-Long bị một vố đau quá! Nhưng chắc chắn y không chịu bỏ qua đâu! Theo tôi nghĩ thì anh nên thận trọng trong những ngày tới, bảo tất cả anh em trong tỉnh Hàng-Châu phải hết sức cẩn thận, nhất là những người nằm vùng trong hàng ngũ của Lý-Khả-Tú cần phải được bảo vệ kỹ lưỡng không thì bị chúng ám toán hết. Trước khi để Lý-Khả-Tú có cơ hội ra tay, Mã đại ca nên rút tất cả anh em về Thái-Hồ là nơi có căn cứ vững vàng đủ sức bảo vệ thực lực.

Mã-Thiện-Quân hết lời khen ngợi, cho rằng kế hoạch của Từ-Thiện-Hoằng quả là thượng sách. Mọi người ngồi uống thêm vài chung rượu nữa mới chịu chia tay từ giã nhau để đi sắp xếp mọi việc.

Trần-Gia-Cách uống cạn một chung rượu, khẽ gõ nhịp lên cây đàn thở dài. Trong lòng chàng bỗng cảm thấy buồn vời vợi...

Nhìn lên vòm trời thấy bóng nguyệt xế mành, những tàu lá phất phơ rọi xuống mặt hồ như bóng mơ huyền ảo, Trần-Gia-Cách chợt giật mình khinh hãi hỏi Từ-Thiện-Hoằng:

-Đêm nay là ngày mấy rồi? Mải say mê cuộc vui mà quên hết cả ngày tháng!

Từ-Thiện-Hoằng đáp:

-Đêm nay là 17. Tổng-Đà-Chủ quên rằng đêm trước chúng ta vừa mới thưởng thức Trung-Thu vui vẻ rồi sao?

Trần-Gia-Cách ngồi lặng thinh suy nghĩ rồi nói với mọi người rằng:

-Châu lão anh hùng cùng tất cả anh em! Đêm nay chúng ta lập được một chiến công rất oanh liệt. Chẳng những không bị mất mặt với Càn-Long mà còn dò được tin tức của Văn tứ ca. Mặc dù chưa cứu được tứ ca, nhưng chúng ta biết tứ ca vẫn bình yên là cũng yên tâm được phần nào rồi. Trời cũng đã gần sáng, xin các vị hãy về lại chỗ cũ mà tìm chỗ nghỉ ngơi dưỡng sức cho những công việc sắp tới. Ngày mai tôi có chút chuyện riêng cần giải quyết nên tạm thời phải vắng mặt. Hẹn đến chiều chúng ta sẽ gặp lại để bàn chuyện cứu Văn tứ ca.

Từ-Thiện-Hoằng hỏi:

-Chẳng hay Tổng-Đà-Chủ có cần anh em đi theo giúp đỡ gì không?

Trần-Gia-Cách nói:

-Không cần đâu! Tôi cần tìm một nơi vắng vẻ để luyện công. Chỉ cần vài khắc đồng hồ là xong. Cám ơn anh em đã có lòng lo lắng cho, nhưng thật chẳng có gì là quan trọng cả!

Thuyền vừa ghé vào bờ, Dương-Thanh-Hiệp, Vệ-Xuân-Hoa, Chương-Tấn cùng Tưởng-Tứ-Căn hơi rượu xuềnh xoàng, cười nói bất chấp sự thể ra sao. Trần-Gia-Cách nhìn tất cả mọi người đi thật xa mới chịu nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ, một mình bơi thuyền lướt trên mặt hồ trong như gương.

Thuyền ra giữa hồ, Trần-Gia-Cách buông mái chèo xuống, ngước mặt lên nhìn trăng mà hồn ngơ ngẩn, và hai hàng lệ bỗng trào xuống...

Nguyên ngày 18 tháng 8 là ngày Từ-thị, mẹ ruột của Trần-Gia-Cách chào đời, năm nào cũng lấy ngày này làm ngày ăn mừng sinh nhật.

Trần-Gia-Cách xa mẹ đã hơn 10 năm, lần này trở về Giang-Nam thì bà ta đã ra người thiên cổ.

Nhớ tới gương mặt hiền từ của thân mẫu những lúc vui cười, Trần-Gia-Cách như đứt từng khúc ruột. Lại nghĩ đến giờ phút lâm chung không được gặp mặt mẹ, Trần-Gia-Cách lại càng thêm đau khổ. Nỗi sầu hận ấy biết làm sao mà nói hết cho được!

Mới ngày nào còn xum họp, nay Âm-Dương thình lình chia lìa đôi ngã, muốn đi tìm mẹ để gặp mặt một lần cũng không được. Nghĩ đến đây, Trần-Gia-Cách không sao dằn lòng được, lớn tiếng khóc rống lên. Tiếng khóc bi thảm như vang lại bên tai giữa mặt hồ im lặng như tờ...

Trong lúc tiếng khóc nức nở của Trần-Gia-Cách vang lên thì bỗng nhiên có tiếng cười nhẹ nhàng theo cơn gió thoảng từ đâu dư âm lại. Trần-Gia-Cách giật mình, ngừng ngay tiếng khóc quay lại nhìn, thấy một chiếc thuyền nhỏ đang lướt tới.

Trên thuyền là một người mặc áo dài màu tro bạc màu, hai tay vòng lại hướng sang phía Trần-Gia-Cách nói:

-Tại hạ họ Lý. Không hiểu vì sao đêm khuya vắng vẻ, Trần công tử lại có hứng một mình thưởng nguyệt?

Dưới ánh trăng, Trần-Gia-Cách nhận ngay ra là đồ đệ của Lục-Phỉ-Thanh. Chàng lậo tức lau vội hai hàng lệ, vòng tay lại đáp lễ.

-Chẳng hay Lý đại ca tìm tiểu đệ có điều chi dạy bảo?

Lý-Mộng-Ngọc trong lớp cải nam trang nhảy qua thuyền Trần-Gia-Cách nhìn chàng cười nói:

-Trần đại ca muốn biết tin tức của người bạn với ngoại hiệu Kim-Địch Tú-Tài kia chứ?

Trần-Gia-Cách giật mình kinh hãi nói:

-Mời Lý đại ca tạm ngồi xuống đây rồi chúng ta nói chuyện cho rõ ràng hơn.

Lý-Mộng-Ngọc nở một nụ cười tình tứ, ngồi xuống gần mạn thuyền, khẽ lấy tay nghịch nước như một đứa trẻ, dường như e lệ... Bóng trăng rọi xuống mặt hồ, bị giao động dữ dội như vỡ thành trăm ngàn mảnh.

Trần-Gia-Cách hỏi:

-Lý đại ca đã gặp người bạn họ Dư của tiểu đệ ở đâu? Hiện giờ y thế nào?

Lý-Mộng-Ngọc cười đáp:

-Điều ấy tôi biết rất rõ, chỉ là không nói được đó thôi!

Trần-Gia-Cách sững sờ, buồn cười nghĩ thầm:

-"Thằng nhỏ này thật là nghịch ngợm là lì lợm. Giọng nói thì nũng nịu y như con gái chưa chồng thẹn thùng trước một chàng trai chưa vợ vậy."

Hôm nọ Lý-Mộng-Ngọc trông thấy Tiêu-Thanh-Đồng tỏ tình âu yếm với Trần-Gia-Cách, giờ đây nhớ lại tự nhiên thấy như cơn ghen tức trào lên. Chính nàng cũng không hiểu tại sao mình lại có cảm giác lạ lùng như vậy...

Nghịch nước một hồi, Lý-Mộng-Ngọc đưa tay lên vẩy mấy cái rồi nhìn thẳng vào mặt Trần-Gia-Cách. Thấy cặp mắt chàng đỏ hoe, lệ vẫn chưa ráo, Lý-Mộng-Ngọc lấy làm lạ nói:

-Ủa! Anh khóc đấy à? Lúc nãy tôi có nghe tiếng khóc nhưng không ngờ người khóc lại chính là anh!

Trần-Gia-Cách nghe nói liền quay mặt đi nơi khác. Động lòng thương xót, Lý-Mộng-Ngọc xuống giọng, dịu dàng nói:

-Chắc anh đang nhớ đến hai người bạn thân tình là Văn tứ ca và Thập-tứ ca lắm. Thôi, để tôi nói rõ cho anh nghe cho yên tâm. Cả hai đều bình an cả, không có chi phải lo sợ hết.

Trần-Gia-Cách nghe nói như vậy thì có vẻ khó chịu, tự nói thầm:

-"Điều đó ta đã biết rồi, đâu cần nhà ngươi phải báo cáo!"

Trần-Gia-Cách định hỏi cặn kẽ đầu đuôi nhưng lại cho rằng thằng nhỏ này chỉ thích nghịch ngợm cợt nhả, cố ý trêu tức mình nên lại thôi. Chàng ngồi buồn bã, mắt nhìn về một chân trời vô định.

Lý-Mộng-Ngọc hỏi:

-Còn sư phụ tôi thế nào? Người cũng đã về Hàng-Châu rồi chứ?

Trần-Gia-Cách nghe hỏi ngạc nhiên, hỏ lại:

-Ủa? Lục lão tiền bối không đi cùng đường với Lý huynh sao?

Lý-Mộng-Ngọc đáp:

-Lẽ dĩ nhiên là không rồi! Chiều hôm kịch chiến ở sông Hoàng-Hà, tôi nào có thấy Lục sư phụ ở đâu!

Trần-Gia-Cách nói:

-Lục lão tiền bối võ nghệ trác tuyệt, không ai hại nổi đâu. Lý huynh không việc gì phải lo cả!

Lý-Mộng-Ngọc hỏi:

-Lực lượng Hồng Hoa Hội các anh thật là rộng lớn, sao không cho người đi tìm Lục sư phụ của tôi?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Lời Lý huynh không sai, sáng mai tôi sẽ lập tức cho người đi tìm Lục lão tiền bối ngay.

Trầm ngâm giây lâu, Lý-Mộng-Ngọc nói:

-Theo lời Dư huynh nói lại với tôi thì võ nghệ của Trần đại ca cao siêu tột đỉnh nhưng tôi không mấy gì tin. Anh nói sư phụ tôi võ nghệ trác tuyệt, vậy so với anh thì ai hơn, ai kém?

Trần-Gia-Cách thấy Lý-Mộng-Ngọc nghĩ sao nói vậy, đụng đâu nói đó thì không khỏi bật cười, nói:

-Lục lão tiền bối là bậc cao thủ hiếm có trong võ lâm, tôi chỉ đáng liệt vào hàng đệ tử. Giả sử tôi chính thức xin làm môn sinh cũng chưa chắc được Lục lão tiền bối thâu nhận vì đồ đệ của Lục lão tiền bối phải là hạng thông minh, vô cùng lanh lợi.

Lý-Mộng-Ngọc cười nói:

-Thôi đi! Đừng tâng bốc kẻ khác! Chính tôi đã trông thấy mấy chung rượu bay đi bay lại trên thuyền thì cũng đủ biết nội công tuyệt kỹ rồi. Chẳng qua thấy người trong Hồng Hoa Hội cho đến cả những bậc tiền bối ai nấy đều tôn kính cho nên tôi mới có chỗ không phục đó thôi!

Thấy Lý-Mộng-Ngọc tính khí như trẻ con, giọng nói nhõng nhẽo như phái nữ, Trần-Gia-Cách cười nói:

-Trời sắp sáng rồi. Tôi có việc phải đi. Thôi! Để lần khác gặp lại hãy nói chuyện nhiều hơn nhé!

Trần-Gia-Cách đang định chèo thuyền vào bờ thì Lý-Mộng-Ngọc tỏ vẻ không vui nói:

-Dầu được tất cả mọi người kính phục nhưng đối với tôi cũng đừng nên quá kiêu ngạo như vậy!

Trần-Gia-Cách bực mình, nhưng hiểu vào địa vị của mình không thể lộ vẻ tức giận được nên lặng tinh chèo thuyền vào lại. Lý-Mộng-Ngọc cười nói:

-Anh không phải là người nghĩa khí! Người nghĩa khí đâu có tìm nơi vắng vẻ mà khóc tỉ tê?

Trần-Gia-Cách vẫn lặng thinh, kể mặc kệ cho Lý-Mộng-Ngọc tha hồ nói khích. Lý-Mộng-Ngọc nói tiếp:

-Tôi muốn nói một chuyện cần! Tại sao anh không chịu nghe?

Trần-Gia-Cách chưa biết phải trả lời như thế nào thì lại nghe Lý-Mộng-Ngọc nói:

-Thật là kỳ! Người ta đem cho một nguồn tin quan trọng thì trên nguyên tắc phải cầu khẩn thì họa may người ta mới nói cho nghe! Đàng này cứ im thin thít, thậm chí còn không chịu hỏi lấy một câu! Thôi, khỏi cần nói nhiều làm gì nữa. Có muốn cứu Văn tứ ca hay không thì nói phứt ra đi, để người ta còn về!

Trần-Gia-Cách cau mày nói:

-Ai có bản lãnh hơn tôi mà đảm đương nổi công việc ấy chứ?

Lý-Mộng-Ngọc nói:

-Đừng tưởng lầm! Việc kẻ khác làm được mà mình phải bó tay thì nên năn nỉ lắm chứ! Còn muốn thử bản lãnh thì xin mời!

Nói dứt lời, Lý-Mộng-Ngọc rút thanh bảo kiếm đeo sau lưng ra. Trần-Gia-Cách trong lòng hết sức hoang mang không biết thế nào. Biết Lý-Mộng-Ngọc là đệ tử của Lục-Phỉ-Thanh cho nên chàng đành nhịn. Nhưng nhớ lại người này đứng sau lưng Càn-Long hộ vệ thì hẳn là thù chứ không thể là bạn.

Nhưng rồi Trần-Gia-Cách lại nghĩ:

-"Tuy cùng trong hàng thị vệ, nhưng hắn ta hiền lành chứ không gian ác như bọn kia. Đã thế, hắn ta còn có một nụ cười bí mật như ngầm bảo ta đừng làm lộ tung tích của hắn với Càn-Long. Biết đâu hắn có tâm sự gì khó nói? Biết đâu hắn thật tình muốn ám trợ Hồng Hoa Hội chứ không phải là người đứng trong hàng ngũ kẻ thù? Hơn nữa, Lục lão tiền bối là người thận trọng, ắt không bao giờ thâu nhận kẻ gian ác làm đồ đệ đâu!"

Với bao nhiêu ý nghĩ quay quẩn trong đầu, Trần-Gia-Cách bèn lên tiếng hỏi:

-Kẻ nào đứng đàng sau lưng Hoàng-Đế là trá hàng (#5) hay cam tâm bán mình cho triều đình để đổi lấy quan chức?

Lý-Mộng-Ngọc đáp:

-Cả hai đều không đúng!

Trần-Gia-Cách lại hỏi:

-Hay là có người thân trong đám tẩu cẩu Mãn-Thanh?

Lý-Mộng-Ngọc nghe Trần-Gia-Cách liệt thân phụ mình vào hạng tẩu cẩu thì lửa giận bốc lên phừng phừng chĩa mũi kiếm vào ngay mặt Trần-Gia-Cách mắng:

-Ngươi chỉ là một đứa con nít mà hễ mở miệng ra là đã làm thương tổn danh dự người khác!

Dứt lời, Lý-Mộng-Ngọc nhắm Trần-Gia-Cách đâm thẳng vào ngực. Thấy Lý-Mộng-Ngọc tự nhiên động thủ, Trần-Gia-Cách biết chắc chắn rằng nàng có thân nhân làm quan với nhà Thanh chứ không còn hoài nghi gì nữa.

Trần-Gia-Cách không thèm né tránh, chỉ khẽ hít vào một hơi tức thì người của chàng như tép lại. Thấy gươm mình tựa như đâm vào một khối bông goòng, Lý-Mộng-Ngọc hết sức kinh hãi liền thâu kiếm về ngay tức khắc.

Lý-Mộng-Ngọc tung mình phóng lên ngọn thổ sơn Tam-Đầm Ấn-Nguyệt lướt qua mặt hồ, đáp xuống nơi ghềnh đá cheo leo. Trần-Gia-Cách cũng tung mình nhảy theo. Trong lúc thân còn lơ lửng trên không, Trần-Gia-Cách thuận tay bẻ một nhánh liễu trước khi đáp mình xuống ghềnh đá.

Tam-Đầm Ấn-Nguyệt là ba hòn đá lớn chồng thành ba tòa nối liền nhau giữa Tây-Hồ, từ xa trông lại như ba hòn non bộ nổi lềnh bềnh giữa mặt hồ. Theo phong tục hàng năm, dân chúng thường đem giấy ngũ sắc dán vào các miệng hang đá mỗi dịp Trung-Thu. Lúc bấy giờ đã đã qua Trung-Thu nhưng giấy ngũ sắc vẫn còn. Bóng trăng xuyên qua hang đá rọi xuống hồ tạo nên cảnh vật với nhiều màu sắc lạ lùng trông rất đẹp mắt...

Lý-Mộng-Ngọc thấy Trần-Gia-Cách dùng cành liễu làm vũ khí đấu với mình thì kinh hãi vô cùng, biết bản lãnh chàng ta thuộc cao thủ thượng thặng. Nhắm vai trái Trần-Gia-Cách, Lý-Mộng-Ngọc liền dùng một thế Phụng điểm đầu trong Nhu-Vân Kiếm-Thuật chém sả tới, dùng cánh tay còn lại che trước ngực để bảo vệ các huyệt đạo...

Trần-Gia-Cách tránh khỏi lưỡi kiếm, dùng cành liễu đánh vào hậu tâm của Lý-Mộng-Ngọc theo thế Ngọc đối vi yêu.

Lý-Mộng-Ngọc vung kiếm lên đỡ lại. Nhưng cành liễu trong tay Trần-Gia-Cách sau đó tấn công liên tiếp không ngừng. Nhắm cụ không nổi, Lý-Mộng-Ngọc nhảy sang tảng đá bên kia để thoát thân, tay vung lên ba mũi Phù dung châm nhắm Trần-Gia-Cách phóng tới.

Trần-Gia-Cách chỉ khẽ vung cành liễu một cái đã gạt được ba mũi Phù dung châm xuống dưới dễ dàng.

Nhẹ như chiếc lá, Lý-Mộng-Ngọc chen vào trong mái hiên Tiểu doanh châu nhìn Trần-Gia-Cách nói:

-Giờ đây tạm chia tay. Hẹn ngày gặp sau!

Trần-Gia-Cách gọi lớn:

-Huynh đài đã tặng ta ba ngọn Phù dung, vậy ta cũng xin tặng lại một món quà. hãy đón lấy!

Tiếng nói vừa dứt, Trần-Gia-Cách phóng mình theo Lý-Mộng-Ngọc quất nhẹ cành liễu vào hai gò má của nàng. Lý-Mộng-Ngọc thất kinh đưa lưỡi kiếm ra dùng thế Bình hoa định chặt đứt cành dương liễu. Nhưng không ngờ kiếm vừa chạm vào cành dương liễu thì Lý-Mộng-Ngọc nghe cả cổ tay lẫn bàn tay như tê buốt hẳn lại, thanh kiếm tuột ra khỏi tay mà rớt xuống. Nàng chưa kịp định thần lại thì bàn tay của Trần-Gia-Cách lại vung tới điểm vào ngực mình.

Vừa sợ, vừa xấu hổ, Lý-Mộng-Ngọc vung tay lên gạt tay Trần-Gia-Cách qua một bên, không cho chạm vào thân thể mình. Không chút chậm trễ, Lý-Mộng-Ngọc phóng qua một bên nhìn Trần-Gia-Cách lớn tiếng mắng:

-Đường đường là một Tổng-Đà-Chủ mà lại có thủ đoạn đê hèn đến thế à? Thật là...

Nghe Lý-Mộng-Ngọc mắng, Trần-Gia-Cách ngơ ngác chẳng hiểu gì cả. Chàng liền cất tiếng hỏi:

-Ủa! Ta làm gì mà bảo là thủ đoạn đê hèn?

Lý-Mộng-Ngọc chợt nhớ ra mình đang cải nam trang nên Trần-Gia-Cách thật tình không biết chứ chẳng phải là chàng ta cố ý. Nàng giận dữ mà mắng chàng như thế thật cũng không phải. Hơn nữa, nếu mình còn cố chấp thì rất có thể bị hớ mà để lộ thân phận. Nghĩ vậy, Lý-Mộng-Ngọc tung mình vào trong Tiểu doanh châu.

Trần-Gia-Cách cúi xuống nhặt lấy thanh kiếm của Lý-Mộng-Ngọc rồi phóng mình đến trao cho nàng, thái độ cực kỳ hòa nhã, ôn nhu. Lý-Mộng-Ngọc đón lấy thanh kiếm tra vào vỏ rồi quay đầu chạy thẳng một mạch.

Trần-Gia-Cách xuống lại thuyền thì trời đã sáng. Chàng neo thuyền vào gần một gốc thùy dương rồi lên bờ nhắm hướng Đông đi thẳng tới...

Chú thích:

(1-) Lệ-Chi: trái vải.

(2-) Nghinh hạ tân: chúc vui quý khách.

(3-) Nhãn-giới: tầm mắt.

(4-) Cút bắt: chơi "Năm Mười..."

(5-) Trá hàng: giả vờ đầu hàng.

Mục lục
Ngày đăng: 06/02/2015
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục