Gửi bài:

Chương 22 - Phận rủi còn đeo người nghĩa khí - Trời già vẫn tựa kẻ gian hùng

Trương-Siêu-Trọng xuống ngựa, tuốt bảo kiếm ra tiến tới. Bỗng nhiên đàng sau lưng có tiếng người nói lớn:

-Trương đại nhân cứ để nó cho tôi!

Thì ra đó là Châu-Tổ-Âm. Trương-Siêu-Trọng lui về một bước nói:

-Châu huynh phải cẩn thận, chớ nên khinh địch.

Châu-Tổ-Âm cầm đao bước tới hét lớn:

-Tên cuồng nô lớn mật kia! Mi dám cả gan cướp khâm khạm hả? Hãy xem bản lãnh của ta đây!

Dứt lời Châu-Tổ-Âm xông tới phía Trần-Gia-Cách bổ xuống một đao ngay đầu. Trần-Gia-Cách bình tĩnh đưa tấm thuẫn bài lên đỡ. Ngọn đao của Châu-Tổ-Âm như bị dính chặt vào tấm thuẫn bài kia. Hắn cố thâu đao về nhưng không làm sao rút binh khí của mình ra được. Châu-Tổ-Âm kinh hãi, hắn chưa bao giờ được nhìn thấy một món binh khí nào lạ lùng như vậy. Lúc đó hắn mới nhìn thấy trên tấm thuẫn bài có chín ngọn đáo câu vô cùng lợi hại.

Chín ngọn đáo câu lóe lên một cái, Châu-Tổ-Âm sợ quá buông tay để rớt ngọn đao xuống đất, lùi ra sau hai bước. Trần-Gia-Cách lại giơ tấm thuẫn bài lên một cái, năm sợi thằn sách bung ra đánh ngay vào mặt Châu-Tổ-Âm. Mỗi sợi thằn sách có một khúc cương cầu.

Châu-Tổ-Âm định tung mình lên tránh né nhưng không còn kịp nữa, cương câu đã điểm trúng vào huyệt chỉ đương ở hậu tâm làm cho hắn nhói lên một cái. Chưa kịp la lên một tiếng thì sợi thằn sách lại quật trúng ngay nhượng chân ngã qụy xuống đất.

Trần-Gia-Cách bước tới xách ngang hông Châu-Tổ-Âm quăng lên tảng đá. Trương-Siêu-Trọng thấy vậy liền bước tới đỡ Châu-Tổ-Âm dậy, móc trong người ra một viên thuốc màu đỏ nhét vào miệng, sau đó khai giải huyệt đạo cho hắn. Một lát sau Châu-Tổ-Âm mới tỉnh dậy được, thấy toàn thân như lạnh run, không mở miệng ra nói năng được một lời.

Trương-Siêu-Trọng sai người săn sóc Châu-Tổ-Âm rồi rút thanh Ngân-Bích-Kiếm ra khỏi vỏ nhìn Trần-Gia-Cách nói:

-Võ nghệ của ngươi cũng thuộc hạng khá lắm đó! Sư phụ ngươi là ai?

Trần-Gia-Cách chưa kịp trả lời thì Tâm-Nghiện đứng một bên đã lên tiếng:

-Ngươi là cái thá gì mà đòi lên giọng hách dịch? Vậy chứ sư phụ ngươi là ai?

Trương-Siêu-Trọng mặt đỏ tía tai nói:

-Mi là đứa con nít miệng còn hôi sữa chỉ biết nói xàm, ta không thèm chất nhặt!

Tâm-Nghiệm cả cười nói:

-Mi tự phụ là bậc võ lâm tiền bối cao thủ mà tại sao nhìn binh khí của công tử ta lại không biết, còn hỏi một câu ngu xuẩn như vậy? Hãy vập đầu xuống lạy ta ba lạy ta sẽ nói cho biết!

Trương-Siêu-Trọng cả giận nhưng không thèm tranh luận nữa, vung kiếm nhắm vào bả vai Trần-Gia-Cách chém tới. Trần-Gia-Cách tay phải vụt sợi thằn sách lên đỡ mũi kiếm còn tay trái giơ tấm thuẫn bài nhắm Trương-Siêu-Trọng phang một cái.

Biết là gặp phải cao thủ, Trương-Siêu-Trọng không dám coi thường, vội thi triển Nhu-Vân Kiếm-Thuật mà đỡ lấy tấm thuẫn bài, rồi sau đó giở hết các ngón tuyệt kỹ ra giao đấu. Hai bên đánh qua đỡ lại hơn mấy chục hiệp mà vẫn chưa phân thắng bại.

Đang lúc hai người tranh phong kịch liệt thì hai người lái đò đã đến gần đám xạ thủ Thanh-Binh. Đám xạ thủ liền buông tên bắn như mưa nhưng đều bị hai người dùng binh khí gạt hết xuống đất.

Hai người lái đò kia, một người cầm cây thiết tương chính là Tưởng-Tứ-Căn, còn người kia cầm song đao, chính là Uyên-Ương-Đao Lạc-Băng. Cả hai xông tới mặc sức đánh giết đám Thanh-binh như vào chỗ không người.

Tưởng-Tứ-Căn vung cây thiết tương múa như bay khiến không ai dám lại gần. Lạc-Băng chạy lại chỗ hai chiếc tù xa, vén màn một chiếc lên gọi lớn:

-Tứ ca! Anh có ở trong xe không?

Chẳng ngờ người trong xe không phải là Văn-Thái-Lai mà lại là Dư-Ngư-Đồng. Bị trọng thương nằm mơ mơ màng màng lại nghe giọng nói và nhìn được khuôn mặt của Lạc-Băng, Dư-Ngư-Đồng tưởng đây là chốn âm ty nên mừng rỡ hỏi ngơ ngẩn:

-Ủa! Chị xuống mãi tận nơi này mà tìm em đó sao?

Nghe giọng nói quen quen nhưng thấy không phải là Văn-Thái-Lai nên Lạc-Băng làm như không quan tâm tới, tức tốc chạy đến tù xa thứ nhì. Nàng vừa định vén màn lên bỗng chợt nghe hơi gió của một ngọn đao từ đàng sau chém tới.

Lạc-Băng quay lại vung đao lên đỡ, đồng thời móc trong người ra hai ngọn phi đao phóng liên tiếp vào kẻ đánh lén mình. Một phi đao ghim ngay vào bả vai, còn phi đao kia ghim vào ngay chân khiến cho hắn gục hẳn xuống.

Rồi một người khác rút ra ngọn Cú-xỉ đao xông tới tấn công Lạc-Băng. Nhận ra người nay là Đoàn-Đại-Lân, một những tên thị vệ có nhúng tay vào việc bắt sống Văn-Thái-Lai ở Túc-Châu, máu hận thù của nàng bỗng sôi lên sùng sục, liền dùng Hàn-Vương đao pháp (#1) do thân phụ đích thân truyền thụ cho mà phản kích dữ dội. Đánh nhau được vài hiệp, bọn thị vệ kéo đám Thanh-binh tới đông như kiến vây chặt hai người Tưởng-Tứ-Căn cùng Lạc-Băng lại. Rồi hai tên thị vệ xông tới hợp sức với Đoàn-Đại-Lân cùng đánh Lạc-Băng.

Vừa lúc ấy ở hướng Đông-Bắc có bốn kỵ mã phi tới như giông. Người đi đầu là Vệ-Xuân-Hoa, ba người đi sau là Dương-Thanh-Hiệp, Chương-Tấn và Châu-Ỷ. Vệ-Xuân-Hoa múa song câu đánh dẹp bọn Thanh-binh đang cản đường cho nhóm người tiến tới. Chàng vừa dùng một thế Bàn xà nhập huyệt đánh vỡ sọ hai tên Thanh-binh thì ba người kia cũng vừa đến nơi.

Bốn người sau đó xông vào giữa đám quân chém giết không ngừng tay. Đám Thanh-binh hoảng sợ, loạn hết cả tinh thần, đua nhau tìm đường chạy trốn.

Thấy viện binh đã tới, Lạc-Băng phấn khởi tinh thần, liên tiếp chém chết hai tên thị vệ và trổ hết tài nghệ đánh Đoàn-Đại-Lân không kịp thở. Đánh thêm được vài hiệp, Lạc-Băng chém cho Đoàn-Đại-Lân hai nhát, máu tuôn đầm đìa ướt hết cả áo. Hắn phải vứt bỏ binh khí để mà chạy. Trong khi đó, Tưởng-Tứ-Căn cũng hứng chí, hết mình ra sức đánh giết, diệt thêm được nhiều quân lính.

Thấy bên mình đã nắm được thượng phong, Lạc-Băng liền chạy đến tù xa thứ hai, vén màn nhìn lên. Đang hồi hộp chưa biết ra sao thì bên trong tù xa có tiếng người vọng ra:

-Ai đó?

Nghe tiếng hỏi, Lạc-Băng cả mừng, nhận ngay ra giọng của Văn-Thái-Lai. Không còn nghi ngờ gì nữa, nàng ngả mình vào tù xa đưa tay khẽ đỡ đầu Văn-Thái-Lai dậy. Lạc-Băng quã đỗi vui mừng, nước mắt tuôn ra như suối. Văn-Thái-Lai khi nhận ra là người vợ yêu của mình thì cũng hết sức sung sướng tưởng như mình đang nằm chiêm bao. Muốn ôm vợ vào lòng an ủi nân niu nhưng ngặt nỗi hai tay bị trói chặt nên đành chịu, Văn-Thái-Lai chỉ còn biết nhìn vợ mà nghẹn ngào. Lạc-Băng chẳng chút do dự nhảy vào trong xe ôm lấy Văn-Thái-Lai. Hai người âu yếm nhau, cảm thấy không gian và vũ trụ không còn gì là vô tận nữa. Tưởng như đây là chốn phòng the, hai vợ chồng tha hồ tâm sự yêu đương mà không cần biết gì đến những gì đang xảy ra ở bên ngoài. Mãi cho đến lúc thấy tù xa di động, hai người như mới bàng hoàng tỉnh giấc.

Từ bên ngoài, Chương-Tấn đưa đầu vào nói:

-Tứ ca! Anh cứ yên lòng đi! Anh em cùng nhau đưa anh về đây. Chẳng còn gì phải lo sợ nữa.

Dứt lời, Chương-Tấn nhảy lên tung một cước đá tên xa phu ngã xuống và ngồi thế vào chỗ của hắn. Chương-Tấn sau đó liền ra roi, giục ngựa về hướng Bắc mà chạy.

Đám Ngự-lâm thị vệ định liều chết xông tới đoạt lại tù xa thì bị bốn người Dương-Thanh-Hiệp, Vệ-Xuân-Hoa, Tưởng-Tứ-Căn và Châu-Ỷ quay lại đánh. Chúng nhắm cụ không nổi bốn người nên vừa chạy vừa lớn tiếng gọi đám xạ thủ:

-Bắn! Bắn! Mau lên!

Mấy chục tên xạ thủ cùng buông tên một lượt. Giữa đêm tăm tối, ai nấy nghe Dương-Thanh-Hiếp thét lên:

-Ối chao!

Vệ-Xuân-Hoa nhìn thấy cánh tay trái Dương-Thanh-Hiệp bị ghim một mũi tên thì hoảng hốt, lên tiếng hỏi thăm:

-Bát ca! Anh có sao không?

Dương-Thanh-Hiệp lắc đầu ra dấu như ý muốn nói chẳng hề gì. Chàng cắn răng rút mũi tên ra rồi nhìn đám xạ thủ nói lớn:

-Được rồi! Cái này là tại chúng bây gây sự trước!

Rồi không cần để ý gì đến vết thương, Dương-Thanh-Hiệp múa cương tiên xông thẳng tới. Vệ-Xuân-Hoa cũng lớn tiếng nói:

-Bát ca! Chờ em với! Để em giúp anh một tay cho chúng một trận!

Dương-Thanh-Hiệp đáp:

-Tốt lắm! Mau tiến lên kẻo chúng chạy đi hết!

Một cương tiên và song câu trong chớp nhoáng đã giết một hơi mấy chục tên xạ thủ. Những tên còn lại cắm đầu mà chạy trối chết, chẳng còn nghĩ gì đến hàng ngũ nữa. Nhưng chưa cạy được bao xa, chúng lại đụng phải Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường. Mạnh-Kiện-Hùng cầm một nắm phi đạn ném vào đám tàn quân khiến cho đứa lủng đầu, đứa sứt trán... kêu la thảm thiết. Hai người đệ tử của Châu-Trọng-Anh sau đó cũng trổ tài, xông tới chém giết đám Thanh-binh không ngừng...

Trong khi Dương-Thanh-Hiệt và Vệ-Xuân-Hoa truy sát đám Thanh-binh thì Tưởng-Tứ-Căn và Châu-Ỷ cùng nhau hộ tống tù xa bên trong chở Văn-Thái-Lai và Lạc-Băng cho Chương-Tấn làm xa phu thoát ra khỏi vòng vây an toàn.

Đến một gò mạch cao, Chương-Tấn dừng cương ngựa lại. Mọi người từ trên cao nhìn xuống xem trận chiến đang xảy ra vô cùng khốc liệt giữa Trần-Gia-Cách và Trương-Siêu-Trọng. Cả hai bên cùng đem hết sở trường ra sử dụng để quyết hạ đối phương. Xem trận đấu thì có vẻ ngang tài ngang sức, nhưng nếu để ý nhìn cho kỹ thì Trần-Gia-Cách càng đánh càng hăng, dần dà lất át được Trương-Siêu-Trọng. Chiêu thế của Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội mỗi lúc một biến ảo làm Trương-Siêu-Trọng không biết đâu mà lường, chỉ còn biết cố sức chống đỡ và né tránh chứ không còn nghĩ gì đến chuyện tấn công nữa...

Văn-Thái-Lai liền hỏi:

-Bên ngoài ai đang đánh với ai vậy?

Lạc-Băng đáp:

-Tổng-Đà-Chủ đại chiến Hỏa-Thủ Phán-Quan.

Văn-Thái-Lai lại hỏi:

-Phải chăng Thiếu-Đà-Chủ đã...

Lạc-Băng gật đầu đỡ lời:

-Chính thức trở thành Tổng-Đà-Chủ danh chánh ngôn thuận theo di mệnh của Vu tổng-đà-chủ tiền nhiệm.

Văn-Thái-Lai nói:

-Thế thì hay lắm! Không biết Tổng-Đà-Chủ có thủ thắng được với Trương-Siêu-Trọng không? Mình để ý xem và nói lại cho anh biết.

Lạc-Băng khẽ gật đầu, say mê thưởng thức trận đấu giữa hai cao thủ thượng thặng trong võ lâm.

Đột nhiên, Lạc-Băng vui mừng reo lên:

-Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Võ công Tổng-Đà-Chủ thật là tuyệt thế vô song! Hay quá hay quá! Kiếm báu của Trương-Siêu-Trọng đã bị thuẫn bài của Tổng-Đà-Chủ hút chặt vào rồi! Kìa, một sợi dây thằn sách đang đánh vào người Trương-Siêu-Trọng... Á...

Văn-Thái-Lai vội vàng hỏi:

-Chuyện gì vậy em?

-Không xong! Thanh Ngân-Bích Kiếm của Trương-Siêu-Trọng quả thật là bảo kiếm, đã chặt đứt hai câu tử trên thuẫn bài của Tổng-Đà-Chủ rồi! Không xong! Kìa, Tổng-Đà-Chủ tay không đấu với Trương-Siêu-Trọng!... Hay quá, Vô-Trần Đạo-Nhân đã đến nơi, tuốt kiếm nhảy vào. Tổng-Đà-Chủ lui ra nhường chỗ cho Vô-Trần Đạo-Nhân... Kìa, Vô-Trần Đạo-Nhân sử dụng thế kiếm Ngũ-Đại-Quỷ trong pho Truy-Hồn Đoạt-Mệnh-Kiếm vô cùng linh động, Trương-Siêu-Trọng phải quay về thế thủ...

Lạc-Băng vừa theo dõi trận đấu, vừa tường thuật tỉ mỉ cho Văn-Thái-Lai nghe.

Văn-Thái-Lai nghe mà cảm thấy hứng thú như chính mình đang tận mắt nhìn vậy. Chàng hỏi:

-Em nhìn thử Trương-Siêu-Trọng chiếm giữ phương nào trong Bát-Quái?

Lạc-Băng đáp:

-Hắn đang chuyển từ cung Ly sang cung Càn. Ủa, bây giờ thì đạo trưởng lại chuyển sang cung Khảm rồi đổi sang vị trí cung Chấn. Thế là sao? Em thật không hiểu nổi!

-Theo anh đoán thì không phải Trương-Siêu-Trọng thật tình thay đổi phương hướng trong Bát-Quái đồ như em trông thấy đâu! Nghe nói Nhu-Vân Kiếm-Thuật của phái Võ-Đang là một môn võ kỳ tuyệt, chuyên về thế thủ cốt ý làm tiêu hao dần dần khí lực của địch thủ rồi mới phản công. Theo kiếm thuật này thì hai chân phải luân chuyển không ngừng trong vòn Bát-Quái.

Văn-Thái-Lai vừa dứt lời thì Lạc-Băng reo lên:

-Đạo trưởng dùng gót chân thi triển liên hoàn mê tung bộ pháp lợi hại khôn tả, làm Trương-Siêu-Trọng có vẻ như đang luống cuống!

Văn-Thái-Lai nói:

-Chỉ vì đạo trưởng mất cánh tay trái nên mới phải luyện gót chân để bù vào thiếu sót đó. Lần đó đạo trưởng lấy uy danh khắc phục Thanh-Kỳ bang cũng chỉ dùng hai gót chân!

Sau đó, Văn-Thái-Lai đem chuyện cũ về thân thế của Vô-Trần đạo-Nhân kể lại cho Lạc-Băng nghe...

Nguyên hồi còn thanh niên, Vô-Trần sống qua những ngày phiêu đãng trong chốn lục lâm, gây nên không biết bao nhiêu vụa án làm kinh hồn khiếp đảm bọn cường hào ác bá. Võ công Vô Trần cao siêu, chí khí hào hùng, là một trang hiệp-sĩ khét tiếng khiến cho các quan lại triều đình Mãn-Thanh ăn không ngon ngủ không yên...

Rồi hôm ấy, Vô-Trần trông thấy một tiểu thư đài các, con gái một vị đường quan thì trái tim trở nên rung động...

Oái ăm thay! Nàng tiểu thư đài các chỉ đem sự giả dối mà đáp lại tấm lòng thành thật, tha thiết yêu thương của người đã dâng trọn tâm hồn và trái tim cho mình.

Vâng lời theo lời của cha, vị đường quan, một đêm nọ nàng tìm đến Vô-Trần dùng mọi thủ đoạn để làm cho chàng hiệp sĩ Vô-Trần kia say mê rồi bắt đầu thi hành kế hoạch.

Biết Vô-Trần đã nằm gọn trong lưới mỹ nhân, nàng tiểu thư nói:

-Cứ xem hành động và cử chỉ của anh, em hiểu đó chỉ là một thứ ái-tình giả dối, chỉ làm tuồng để gạt gẫm gái hiền lương.

Vô-Trần sau đó thề thốt đủ điều, hứa trọn đời chung tình với nàng. Nhưng nàng tiểu thư đài các chỉ mỉm cười nói:

-Nếu quả thật là anh yêu em thì hãy chặt đứt một cánh tay đi! Chỉ có vậy em mới tin được thôi.

Vô-Trần thản nhiên lấy kiếm tự chặt đứt cánh tay trái của mình. Lúc ấy, cha nàng đã mai phục sẵn quân lính chung quanh liền ào ra bắt Vô-Trần trói lại đem về nhốt, định đem ra xử trảm.

Tấm thảm kịch sắp sửa diễn xong màn chót thì các anh em kết nghĩa trong giới lục lâm nghe tin được liền đến giải cứu. Cả gia đình vị quan lớn kia đều bị bắt sống không thoát được một người, giao cho Vô-Trần toàn quyền quyết định. Nhưng khi nhìn thấy mặt người mình yêu thì bao nhiêu hận thù đều tiêu tan hết, bèn ra lệnh phóng thích nàng đồng thời tha cho cả gia đình.

Đêm hôm ấy vào giờ Tý... Vô-Trần ra đi xuất gia đầu Phật, và từ đó mang tên là Vô-Trần Đạo-Nhân...

Lạc-Băng nghe Văn-Thái-Lai kể lại lai lịch thiếu thời của Vô-Trần Đạo-Nhân thì lại càng khâm phục nói:

-Kìa, Trương-Siêu-Trọng như lạc phương hướng, tay chân luýnh quýnh loạn kiếm chiêu... Đáng lý ra phải nới ra vòng ngoài thì hắn lại giẫm lên phương vị Bát-Quái của Vô-Trần Đạo-Nhân.

Văn-Thái-Lai nghe nói mừng rỡ:

-Thế à!

Bỗng nhiên Lạc-Băng lại la lên một tiếng như hốt hoảng, nói:

-Đạo trưởng đang thắng thế bỗng nhiên xoay mình như chong chóng, kiếm vung loạn xạ! Hình như là Trương-Siêu-Trọng dùng ám khí!

Văn-Thái-Lai định thần lắng tai nghe, nói với Lạc-Băng:

-Phải rồi! Đó là một thứ ám khí vô cùng lợi hại của phái Võ-Đang mang tên là Phù-Dung kim châm!

Lạc-Băng lại reo lên:

-Đạo trưởng hay quá! Hình như ông ta đã gạt hết được Phù-Dung kim châm của Trương-Siêu-Trọng rồi! Giờ ông đã chiếm được ưu thế, Trương-Siêu-Trọng bại chắc thôi!

Lúc ấy, mọi người cũng dời chỗ đóng, lùi ra sau thêm mấy bước. Văn-Thái-Lai nói:

-Em mở sợi dây trói ở tay cho anh đi!

Đang định mở trói cho Văn-Thái-Lai, chợt nghe một tiếng keng bên ngoài. Lạc-Băng náo nức đưa mình ra ngoài ngó.

-Kiếm của đạo trưởng bị Trương-Siêu-Trọng chặt gẫy rồi! Thật thanh Ngân-Bích-Kiếm của hắn quả là một bảo kiếm lợi hại!

Nghe hai tiếng gió vèo vèo, Văn-Thái-Lai nói ngay:

-Hắn dùng trục tiền, lại kèm thêm cả Phi hoàng thạch nữa!

Lạc-Băng lại reo hò lên nói:

-Hay quá! Triệu tam ca đã nhảy vào thế chỗ Vô-Trần, bắt được ám khí của Trương-Siêu-Trọng!

Quả tình thế như vậy. Sau khi thấy Vô-Trần Đạo-Nhân chiếm được ưu thế nhưng lại bị thanh bảo kiếm của Trương-Siêu-Trọng chặt gẫy, Triêụ-Bán-Sơn chẳng cần đắn đo gì nữa, nhảy ngay vào vòng chiến. Trương-Siêu-Trọng liền dùng hai món ám khí lợi hại phóng tới nhưng Triệu-Bán-Sơn bắt cả hai một cách hết sức tài tình và dễ dàng, đồng thời còn dùng ám khí phóng trả lại nữa.

Trương-Siêu-Trọng hết sức kinh hãi, dùng bảo kiếm gạt được tất cả ám khí nhưng cũng một phen hoảng vía, sợ toát cả mồ hôi. Đang hoang mang, bỗng Trương-Siêu-Trọng thấy một hình thù cong cong sáng loáng không rõ từ đâu xẹt tới. Cầm hồi long bích chưa kịp phóng ra, Trương-Siêu-Trọng đã phải bỏ lại ngay vào tay áo mà nhảy sang một bên để tránh. Vừa tránh khỏi, Trương-Siêu-Trọng lại nghe vèo vèo hai tiếng, hai ngọn phi yến ngân thoa chia hai đường tả hữu nhắm hai bên hông của y bay tới. Trương-Siêu-Trượng tung mình lên cao hơn một trượng để né tránh. Chưa kịp định thần, hai mũi ngân thoa chuyển biến thành vòng cung từ dưới bắn vụt lên không trung. Đang lơ lửng trên không, Trương-Siêu-Trọng đưa tay bắt lấy một mũi ngân thoa, nhưng mũi ngân thoa bên kia không làm sao tránh kịp nên bị trúng vào ngay gót chân.

Triệu-Bán-Sơn thấy Trương-Siêu-Trọng bị thương liền vung kiếm đâm tới một nhát. Trương-Siêu-Trọng thấy vậy liền quay kiếm ra đỡ rồi chém lại một nhát.

Biết bảo kiếm trong tay Trương-Siêu-Trọng là một bảo vật hiếm có, Triệu-Bán-Sơn nghĩ không nên để cho nó đụng vào binh khí của mình. Vì vậy, khi kiếm Trương-Siêu-Trọng vừa vung ra, Triệu-Bán-Sơn lách qua một bên tránh khỏi. Chém không trúng, Trương-Siêu-Trọng bèn quay mũi kiếm lại nhắm hông Triệu-Bán-Sơn đâm một cái. Triệu-Bán-Sơn hoành kiếm lên, dùng một thế Thái-Cực kiếm hất lấy mũi kiếm của đối phương.

Trương-Siêu-Trọng kinh ngạc, nhủ thầm:

-"Không hiểu vì sao mà Hồng Hoa Hội lại có được nhiều cao thủ lợi hại đến như thế?"

Nhìn chung quanh, Trương-Siêu-Trọng thấy bao nhiêu quan binh thị vệ đã trốn đi cả, còn Văn-Thái-Lai đã bị cướp đi thì trong lòng hết sức bối rối và phẫn nộ. Y bèn dùng Ngân-Bích-Kiếm đánh loạn xạ khiến Triệu-Bán-Sơn phải lui về mấy bước vì ngại không muốn chạm binh khí với hắn. Thừa cơ, Trương-Siêu-Trọng rút mũi ngân thoa bị cắm ở chân nhắm yết hầu Triệu-Bán-Sơn phóng tới. Triệu-Bán-Sơn vừa tránh khỏi thì Trương-Siêu-Trọng đã bay tới sát bên tù xa.

Từ lúc nhìn thấy Trương-Siêu-Trọng bị thương, Lạc-Băng hết sức vui mừng. Nhưng có ngờ đâu sau khi bị thương y lại đâm ra liều mạng, chẳng kể gì đến sống chết nữa mà quyết ra tay bắt lại Văn-Thái-Lai cho kỳ được. Nay thấy y xuất hiện ngay bên mình thì Lạc-Băng không khỏi kinh hãi liền rút song đao ra để cản ngăn.

Bỗng Châu-Trọng-Anh từ đâu nhảy tới nhìn Trương-Siêu-Trọng hét lớn:

-Tên giặc khống kiếp kia! Mi dám thừa lúc ta vắng nhà đến Thiết-Đảm-Trang bắt người, xem thường đạo nghĩa võ lâm! Mi há chẳng biết đến quy luật của gaing hồ là gì sao?

Dứt lời, Châu-Trọng-Anh vung đại đao đến bổ cho Trương-Siêu-Trọng một cái thật mạnh. Nhìn Châu-Trọng-Anh, Trương-Siêu-Trọng nhận ra ngay vị minh-chủ võ lâm của vùng Tây-Bắc nên không dám khinh thường, vội đưa bảo kiếm lên đỡ với vẻ vô cùng thận trọng. Hai bên đánh được vài hiệp thì Trương-Siêu-Trọng nhắm vai Châu-Trọng-Anh chém mạnh xuống một kiếm. Châu-Trọng-Anh liền xoay cán đại đao ra đỡ. Chỉ nghe rột một tiếng khô khan, cán đao của Châu-Trọng-Anh đã bị Ngân-Bích-Kiếm của Trương-Siêu-Trọng chặt mẻ mất một đường.

Cùng lúc ấy, Châu-Ỷ, Chương-Tấn, Từ-Thiện-Hoằng, Tây-Xuyên Song-Hiệp cũng đã tới nơi. Tất cả liền rút binh khí ra cùng xông vào một lượt.

Thấy địch thủ quá đông, Trương-Siêu-Trọng liền dùng thế Vân hoành tấn lãnh, quay tròn thanh Ngân-Bích kiếm một vòng.

Ai nấy đều sợ binh khí của mình bị Ngân-Bích-Kiếm của Trương-Siêu-Trọng chặt gẫy nên bèn thây vội về. Trương-Siêu-Trọng thừa cơ quay ra mé Châu-Ỷ để thoát thân thì bị nàng nhắm vào đầu chém cho một đao. Trương-Siêu-Trọng đưa tay trái ra nắm cứng lấy khuỷu tay của nàng và cướp được ngọn đao một cách dễ dàng. Châu-Trọng-Anh thấy thế bèn rút ra hai ngọn Thiết-đảm mai phóng thẳng vào người Trương-Siêu-Trọng. Cùng lúc ấy, ba quân cờ của Trần-Gia-Cách cũng chia ra ba ngã nhắm và ba huyệt nhuyễn ma, quan nguyên, khúc trì của Trương-Siêu-Trọng phóng tới.

Trương-Siêu-Trọng lạnh cả người, đưa bảo kiếm lên vận công dùng hết sức bình sinh gạt ba quân cờ của Trần-Gia-Cách và đưa tay kia bắt lấy một mũi Thiết-đảm mai. Nhưng còn mũi Thiết-đảm mai thứ nhì chưa kịp lách mình tránh khỏi đã ghim ngay vào bụng Trương-Siêu-Trọng.

Trương-Siêu-Trọng lảo đảo nhưng không dám thở mạnh, khẽ tung mình một cái đã phóng qua đầu Từ-Thiện-Hoằng và Chương-Tấn rồi đánh liều xông tới tù xa. Lạc-Băng liền nhắm ngực địch thủ chém một nhát thật mạnh. Trương-Siêu-Trọng dù bị thương nhưng kiếm pháp vẫn lợi hại. Cây Ngân-Bích-Kiếm trên tay y vô cùng lanh lẹ, đánh dạt lưỡi đao của Lạc-Băng qua một bên đồng thời đâm tới một nhát thật mạnh. Lạc-Băng đưa đao ra gạt lấy kiếm của Trương-Siêu-Trọng thì keng một tiếng, đao của nàng đã bị văng xuống đất. Trương-Siêu-Trọng không bỏ qua cơ hội tốt, nhảy lên xe nắm cứng bả vai bên trái của Lạc-Băng như gọng kìm. Nguyên cánh tay bị tê lại, ngọn đoản đao trên tay Lạc-Băng trở thành vô dụng.

Không để cho kẻ thù uy hiếp, Lạc-Băng dùng bàn tay mặt thoi vào mặt Trương-Siêu-Trọng một quyền. Trương-Siêu-Trọng khẽ gạt một cái làm cánh tay của Lạc-Băng rúng động. Sau đó y nắm Lạc-Băng thảy lại phía Tây-Xuyên Song-Hiệp. Sợ Lạc-Băng bị thương, Tây-Xuyên Song-Hiệp phải giơ tay mà đỡ lấy nàng rồi đặt xuống đất cẩn thận, nhẹ nhàng.

Đột nhiên Trương-Siêu-Trọng thét lên một tiếng làm ai nấy giật mình. Thì ra trong lúc xuất kỳ bất ý, y bị Văn-Thái-Lai tống cho một quyền ngay hậu tâm. Trương-Siêu-Trọng cảm thấy mặt mày choáng váng, hai mắt đổ hào quang, dùng hai ngón tay điểm vào Liễm huyệt của Văn-Thái-Lai làm cho chàng bất tỉnh rồi cất tiếng hét to lên:

-Ta cảnh cáo tất cả! Văn-Thái-Lai đang nằm trong tay ta. Bất luận một người nào bưóc lên xe thì ta lập tức giết chết hắn ngay!

Nói đoạn, Trương-Siêu-Trọng múa thanh Ngân-Bích-Kiếm vùn vụt trước mặt Văn-Thái-Lai. Kiếm quan bao phủ trông thấy như muốn lạnh cả người.

Lạc-Băng khóc rống lên nói:

-Thà là em cùng chết với anh chứ quyết không bỏ anh đâu!

Nói đoạn, Lạc-Băng định nhảy lên xe. Lục-Phỉ-Thanh sợ Trương-Siêu-Trọng giết chết Văn-Thái-Lai vội nắm cứng lấy nàng mà giữ lại. Trương-Siêu-Trọng định nói thêm vài câu nữa bỗng nghe yết hầu như đau đớn và nghẹn cứng. Y kinh hãi thét lên và khạc ra một búng máu tươi.

Lúc đó, Lục-Phỉ-Thanh mới gọi Trương-Siêu-Trọng hỏi:

-Trương-Siêu-Trọng! Mi đã nhận ra ra là ai chưa?

Có lẽ vì cách biệt nhau khá lâu, vả lại vầng trăng mờ không cung cấp đủ ánh sáng nên Trương-Siêu-Trọng không trông thấy rõ. Lục-Phỉ-Thanh liền rút Bạch-Long-Kiếm múa qua một đường. Mũi kiếm và chuôi kiếm xoay tròn thành những vòng chằng chịt. Lưỡi kiếm uốn cong như lá liễu hổng chĩa vào chuôì kiếm phát ra một tiếng keng. Thanh kiếm như kéo dài ra, kiếm quan thì nhấp nháy.

Trương-Siêu-Trọng "ủa" một tiếng kinh ngạc nói:

-Thì ra là Lục sư huynh! Chúng ta đã vạch đất đoạn tình, ân nghĩa cắt đứt lâu rồi! Sư huynh còn đến đây làm gì?

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Hôm nay mi bị thương nặng, mà toàn thể anh em Hồng Hoa Hội lạ có mặt đông đủ nơi đây, lại có thêm Châu lão anh hùng ở Thiết-Đảm-Trang tới đây ủng hộ nữa. Hoàn cảnh của mi đến nước này là tuyệt vọng, không còn trông mong gì vào sự may mắn tình cờ nào nữa. Ta nghĩ tuy rằng mi là đứa vô tình, nhưng ta không thể nào làm người vô nghĩa được. Nhớ lại ngày nào ân sư trước khi khuất núi có dặn dò ta đến chỉ vẽ cho người một đường sống sót.

Trương-Siêu-Trọng "hừ" một tiếng mà chẳng nói năng gì cả. Thình lình ở phía Đông có tiếng người reo hò, vó câu vang rền như thiên binh vạn mã đang tràn tới như bão tố mưa sa. Đám hào hiệt Hồng Hoa Hội ai nấy đều kinh ngạc lộ vẻ lo lắng.

Trương-Siêu-Trọng cũng chẳng hiểu người ngựa từ phương nào đến nên nghĩ thầm:

-"Có lý nào mà Hồng Hoa Hội lại thần thông quảng đại đến độ biết rõ nơi đây có cuộc giao tranh mà điều động lực lượng võ trang của chúng từ vùng Tây-Bắc kéo sang?"

Lục-Phỉ-Thanh lại nói:

-Mi mau giao Văn tứ ca lại cho Hồng Hoa Hội, ta sẽ xin đám anh hùng ấy để cho mi thoát thân, tự tìm lấy một con đường sống mà không theo làm khó dễ. Mi chỉ cần phải thề một lời thôi.

Trương-Siêu-Trọng nói thì có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Trước mắt y hiện thời toàn là những cao thủ thượng thừa đang vây chặt quanh xe.

Thấy Trương-Siêu-Trọng lặnh thinh, Lục-Phỉ-Thanh lại hỏi:

-Thế nào?

Trương-Siêu-Trọng hỏi lại:

-Thế nào nghĩa là sao?

Lục-Phỉ-Thanh dõng dạc nói:

-Mi chỉ thề một câu là từ nay không theo làm tay sai cho Mãn-Thanh nữa là đủ!

Trương-Siêu-Trọng là người có nhiều tham vọng. Y cả đời chỉ lo phục vụ cho phú quý và danh vọng. Nếu nghe theo lời Lục-Phỉ-Thanh thì phải vứt bỏ tất cả. Nghĩ đến cái ngày không còn áo mão cân đai và lầu cao cửa rộng, y không thể nào chịu nổi, nghĩ thầm:

-Không lẽ công lao nửa đời khó nhọc mà một phút trở thành mây khói? Chẳng thà là ta liều mạng! Sống thì được quan cao chức trọng, mà chết thì cũng được triều đình chiếu cố đến vợ con.

Suy tính điều lợi hại xong, Trương-Siêu-Trọng lớn tiếng nói:

-Các ngươi ỷ đông thắng ít! Ta, Trương-Siêu-Trọng dù thua cũng không coi nguy hiểm vào đâu! Hôm nay ta cùng chết với Văn-Thái-Lai để được lưu danh muôn thuở!

Dương-Thanh-Hiệp nghe xong liền lớn tiếng mắng:

-Mi là một đứa chó săn chim mồi, nối dáo cho giặc! Bút nào mà lại đi ghi chép một tên như ngươi cho bẩn cả giấy mực! Thật là khốn nạn! Đến nước này mà còn dám chường mặt ra nói tiếng anh hùng!

Trương-Siêu-Trọng bị mắng những lời ấy thì lửa giận bốc lên phừng phừng. Một tay giữ chặt Văn-Thái-Lai, còn tay kia thì nắm cương ngựa giục tiến về phía trước.

Đám hào kiệt trong cái thế liệng chuột sợ bể đồ, muốn nhảy lên bắt Trương-Siêu-Trọng nhưng sợ hắn lâm vào đường cùng làm liều giết chết Văn-Thái-Lai nên do dự không quyết. Lạc-Băng thấy chồng bị kẻ thù kềm giữ thì lòng đau như dao cắt, mắt nhìn theo cỗ xe mỗi lúc một xa dần...

Lúc ấy, tiếng quân mã reo hò vang trời mỗ lúc mỗi đến gần. Trần-Gia-Cách thấy thế gọi lớn:

-Vệ cửu ca! Tưởng thập tam ca! Mạnh đại ca! An đại ca! Các anh cứ việc thẳng tay tàn sát quân chó săn của nhà Thanh mà đừng tha một con nào!

Người nào người nấy đều nhất nhất theo lệnh, tung đao múa kiếm xông vào đại binh Mãn-Thanh mà tàn sát như điên.

Sau lưng Lục-Phỉ-Thanh bỗng nhiên có một người bước ra nói:

-Con đi đây!

Trần-Gia-Cách suy nghĩ một hồi mới nhận ra được người ấy là Lý-Mộng-Ngọc. Đêm hôm trước Lục-Phỉ-Thanh ở lại gặp Lý-Mộng-Ngọc kể hết cho nàng nghe mọi chuyện. Trước sự ngạc nhiên của Lục-Phỉ-Thanh, Lý-Mộng-Ngọc đòi đi cứu Văn-Thái-Lai. Ban đầu Lục-Phỉ-Thanh ngại ngùng, nhưng rồi lại không nỡ để cho đứa học trò cưng buồn nên bằng lòng. Nhưng ông cũng bắt Lý-Mộng-Ngọc là phải giữ kín mọi bí mật mà không được tiết lộ bất cứ điều gì. Đến lúc thấy bọn Vệ-Xuân-Hoa xông vào chém giết quân Thanh, Lý-Mộng-Ngọc cũng hăng máu vào tiếp tay với mọi người tàn sát mà quên cả phụ thân mình là một đại tướng của Thanh-triều.

Trần-Gia-Cách sau đó truyền lệnh, phân công cho đám hào kiệt Hồng Hoa Hội. Triệu-Bán-Sơn lên trước, cầm hai mũi đinh trục tiền ném vào giữa mặt của con ngựa đang kéo tù xa khiến nó đau quá, hí vang lên làm xe dừng lại. Chương-Tấn nhảy tới phía sau xe chặt đứt sợi dây niệt con ngựa. Tây-Xuyên Song-Hiệp chia nhau hai phía giữ chiếc xe.

Trương-Siêu-Trọng không ngờ đám hào kiệt Hồng Hoa Hội dũng cảm mưu mô như vậy nên không làm sao phòng bị kịp.

Tây-Xuyên Song-Hiệp hai mặt cùng tấn công tới một lượt. Trương-Siêu-Trọng liền dùng bảo kiếm chống đỡ. Dương-Thanh-Hiệp thừa cơ nhảy vót vào xe cướp lấy Văn-Thái-Lai. Trương-Siêu-Trọng thấy thế liền bỏ Tây-Xuyên Song-Hiệp nhảy ra sau xe tống ra một quyền. Dương-Thanh-Hiệp tránh khỏi, ôm được Văn-Thái-Lai vào lòng, đánh trả lại một quyền vào vai trái Trương-Siêu-Trọng.

Trương-Siêu-Trọng liền dùng kiếm chém bổ vào mình Văn-Thái-Lai. Đàng sau, Vô-Trần Đạo-Nhân và Từ-Thiện-Hoằng tấn công như vũ bão.

Trần-Gia-Cách gọi Tâm-Nghiện bảo:

-Lên mau!

Cả hai dùng thế Phi yến xuyên vân bay lên xe. Bốn quyền sau đó nhắm đầu Trương-Siêu-Trọng đè mạnh xuống.

Cùng lúc đó, Tây-Xuyên Song-Hiệp phải xông tới bảo vệ Dương-Thanh-Hiệp vì biết một mình chàng không đủ sức bảo vệ nổi Văn-Thái-Lai. Hai người chia nhau hai bên hông, cùng tấn công Trương-Siêu-Trọng một lượt.

Trương-Siêu-Trọng dùng kiếm chém tả đâm hữu. Một mặt dùng Vô cực huyền công quyền đỡ chiêu thế của Tây-Xuyên Song-Hiệp, sau đó dùng thủ pháp Đảo đề kim chung hóa giải chiêu Cầm nã thủ của Dương-Thanh-Hiệp một cách tài tình và đẩy chàng xuống khỏi xe.

Hỏa-Thủ Phán-Quan sau đó có cảm tưởng như trên đầu, sau lưng đều bị người xung kích liền nghiêng mình ra phía trước tránh khỏi mấy chưởng, đồng thời rút ra một nắm Phù-Dung châm nhắm đàng trước và sau xe mà phóng.

Vừa nhìn thấy Trương-Siêu-Trọng vung tay, Trần-Gia-Cách biết ngay là y dùng ám khí vội đưa thuẫn bài ra đỡ, một tay đẩy Tâm-Nghiện xuống xe. Mặc dù Trần-Gia-Cách lanh trí đẩy Tâm-Nghiện xuống xe nhưng cậu bé thư đồng đã trúng phải khí. Trần-Gia-Cách liền nhảy xuống xe cứu chữa cho Tâm-Nghiện.

Chiếc tù ca vụt tới, Vô-Trần-Đạo-Nhân và Từ-Thiện-Hoằng tấn công không ngừng. Trương-Siêu-Trọng lại tiếp tục phóng thêm Phù-Dung châm để ngăn cản hai người. Vô-Trần Đạo-Nhân tránh khỏi dễ dàng nhưng Từ-Thiện-Hoằng thì dù kịp thời đưa tấm nệm xe lên đỡ nhưng vẫn cảm thấy bên vai trái của mình đau nhói lên và rơi luôn xuống xe. Chương-Tấn nhảy tới đỡ Từ-Thiện-Hoằng bỗng nghe sau lưng đau nhói lên. Thì ra một mũi tên từ đâu bắn tới ghim vào lưng Thập đương-gia.

Trần-Gia-Cách bèn lớn tiếng gọi:

-Các anh em! Mau hợp sức lại mà cùng tấn công một lượt!

Lúc ấy, tên từ mé sau chợt bắn tới như mưa làm đám hào kiệt lên không nổi. Chương-Tấn lúc đó vịn vai Vô-Trần Đạ-Nhân định vác song phủ tiến lên thì Vô-Trần nghiêm nghị bảo:

-Thập đệ! Chớ có liều lĩnh!

Khi ấy, quân Thanh từ phía Đông tràn tới như nước vỡ bờ. Đám hào kiệt đành bỏ Trương-Siêu-Trọng mà lo chống đỡ.

Trần-Gia-Cách nói vớ'i Vô-Trần Đạo-Nhân và Vệ-Xuân-Hoa rằng:

-Hai người mau tiến lên tàn sát quân Thanh một trận. Còn tam ca, ngũ ca và lục ca cùng với tôi chia làm bốn ngã rượt theo Trương-Siêu-Trọng, hợp sức tấn công đợi tình thế biến chuyển.

Vệ-Xuân-Hoa múa song câu, mạo hiểm vào trong rừng tên chém giết tưng bừng. Vô-Trần Đạo-Nhân tay không, dùng thế dĩ nhân đả nhân, nắm tên quân này dùng làm vũ khí ném tên quân nọ nhưng vẫn không làm sao vào được bên trong. Thấy không xong, Nhị đương-gia liền giết một tên tướng Thanh đoạt lấy kiếm rồi xông xáo đánh tới. Kiếm của Vô-Trần vung tới đâu, đầu quân Thanh rụng tới đó, như vào chỗ không người.

Lúc đó, đám Thanh-binh đi tiên phong đã tới sát đám hào kiệt Hồng Hoa Hội. Trương-Siêu-Trọng thấy có viện binh thì trong lòng vui sướng khôn tả. Đang hí hửng thì Trần-Gia-Cách đột nhiên phi thân đến sát tù xa tấn công.

Biết không thể chống cự nổi, Trương-Siêu-Trọng nghĩ ra được một quỷ kế liền xách Văn-Thái-Lai làm mộc đỡ đòn khiến cho Trần-Gia-Cách phải dừng tay, không dám động thủ.

Cũng lúc ấy, đoàn quân thiết kỵ đã tới nơi, đao thương tua tuả sáng ngời vây chặt Trần-Gia-Cách vào giữa. Trần-Gia-Cách thổi lên một hồi tiêu làm hiệu lệnh, cùng Triệu-Bán-Sơn và Tây-Xuyên Song-Hiệp dùng khinh công vượt khỏi vòng vây, trở về gò đất nơi dùng làm địa điểm ước hẹn.

Kiểm điểm lại nhân số, Trần-Gia-Cách thấy Vô-Trần Đạo-Nhân cùng với Vệ-Xuân-Hoa còn kẹt trong vòng vây. Từ-Thiện-Hoằng, Châu-Ỷ, Lý-Mộng-Ngọc, Châu-Trọng-Anh, Mạnh Kiện-Hùng thì vắng mặt.

Trần-Gia-Cách hỏi:

-Có ai thấy Thất đương-gia và Châu lão anh hùng ở đâu không?

Chương-Tấn đang bị thương nằm trên cỏ, nghe hỏi như vậy thì ngóc đầu lên nói:

-Thất ca đã bị thương, chưa về tới nơi à? Tôi phải đi tìm mới được!

Dứt lời Chương-Tấn gượng đứng dậy, cầm song phủ chạy đi. Nhưng chạy chưa được mấy bước đã thấy choáng váng cả mặt mày vì vết thương máu ra quá nhiều, ngã qụy xuống.

Thạch-Song-Anh nói:

-Để tôi đi cho!

Tưởng-Tứ-Căn cũng hăng hái nói:

-Tôi cũng đi nữa!

Trần-Gia-Cách lắ đầu nói:

-Không! Một mình Thạch-Song-Anh là đủ rồi. Thập-tam đệ phải cùng Văn tứ tẩu cấp tốc mở đường máu, đến bến đò chuẩn bị cho mọi người cùng xuống ghe qua sông.

Lạc-Băng như người có xác không hồn, chẳng hiểu gì cả, chỉ lầm lũi mà đi theo Tưởng-Tứ-Căn.

Lúc bấy giờ, quân Thanh đến đông như kiến cỏ. Thạch-Song-Anh ngơ ngác chẳng biết Từ-Thiện-Hoằng lạc về hướng nào! Quỷ-Kiến-Sầu xưa nay chưa hề biết sợ là gì nên cứ xông bừa vào trong đám quân Thanh mà chém giết. Một lát sau thì Châu-Trọng-Anh và Mạnh-Kiện-Hùng về đến địa điểm.

Trần-Gia-Cách hỏi Châu-Trọng-Anh:

-Châu côn nương đâu, thưa lão tiền bối?

Châu-Trọng-Anh nghe hỏi thì ngản cả người ra, đứng lặng im như một pho tượng.

Không thấy Lý-Mộng-Ngọc đâu, Lục-Phỉ-Thanh cũng hoảng hốt nói:

-Đứa đồ đệ của lão phu cũng lạc đâu mất rồi! Lão phu phải đi kiếm!

Trần-Gia-Cách sai Triệu-Bán-Sơn, Tây-Xuyên Song-Hiệp, Dương-Thanh-Hiệp, Mạnh-Kiện-Hùng xem xét địa hình, địa vật; chia nhau giữ chặt các cửa ngõ quan trọng để canh chừng, bảo vệ cho Tâm-Nghiện và Chương-Tấn.

Trần-Gia-Cách nói:

-Tên bắn dữ quá! Đao thương khó mà chống cự! Để tôi đi đoạt một số cung tên đem về dùng mới tiện.

Sau đó, Trần-Gia-Cách xông vào đội xạ thủ của quân Thanh đoạt cung tên như lấy đồ chơi. Ba đường thằn sách trong thuẫn bài của Trần-Gia-Cách như ba con ngân xà (#2) liên tục phóng mình đánh rơi tất cả những gì đến gần người chàng. Đoạt được một số cung tên khá nhiều, Trần-Gia-Cách định quay ngựa trở về chỗ cũ.

Bỗng nhiên, trong đám quân Thanh đông đúc chợt đi vẹt ra một đường để nhường chỗ cho một vài kỵ mã đang thoát ra. Trần-Gia-Cách nhìn rõ người đi đầu là Vô-Trần Đạo-Nhân đang dùng Truy-Hồn Đoạt-Mệnh-Kiếm mỏ đường máu cho Vệ-Xuân-Hoa tay vịn vào An-Kiện-Cường mà đi.

Nhìn thấy toàn thân Vệ-Xuân-Hoa như nhuộm đầy máu thì bất giác kinh hồn lập tức chạy ra sau yểm trợ, làm hậu vệ, cản không cho quân Thanh rượt theo. Nhờ vậy, tất cả về lại được địa điểm tụ họp bình an vô sự. Giao cung tên cho Triệu-Bán-Sơn lo việc phân phát cho mọi người, Trần-Gia-Cách vội vàng xem xét vết thương của Vệ-Xuân-Hoa.

Vô-Trần Đạo-Nhân nói:

-Cửu đệ say máu giết giặc đến kiệt sức!

Thấy còn thiếu mấy người, Vô-Trần lại vác kiếm đi tìm. Trần-Gia-Cách dặn dò thêm:

-Nhị ca cố gắng tìm Châu cô nương và cao đồ của Lục tiền bối nhé!

Vô-Trần Đạo-Nhân gật đầu ra đi. Vừa xuống dưới đã gặp ngay một Thanh-tướng cầm thương chặn lại. Chẳng nói chẳng rằng, Vô-Trần Đạo-Nhân vung lên một nhát kiếm, đầu Thanh-tướng lìa khỏi cổ rụng xuống lăn lông lốc. Xông vào trận, thấy một số đông võ tướng đang vây đánh Thạch-Song-Anh, Vô-Trần Đạo-Nhân cất tiếng gọi lớn:

-Thập-nhị đệ! Có nhị ca đến tiếp tay đây!

Thạch-Song-Anh một mình đấu với 6 võ tướng, tuy không lép vế nhưng không cách nào thoát ra được. Nay thấy Vô-Trần Đạo-Nhân xông vào, tinh thần bỗng hăng lên gất bội, hỏi:

-Đã tìm được thất ca chưa?

Vô-Trần Đạ-Nhân đáp:

-Chưa phải là lúc nói chuyện. Em mở đường máu phía trước, để 6 tên cắc ké này cho anh đối phó! Ra khỏi vòng vây sẽ tính sau.

Thạch-Song-Anh nghe lời, dùng song đao múa như bay, chém giết quân Thanh mở đường. Chưa được bao lâu đã nghe tiếng cười ha hả của Vô-Trần Đạo-Nhân. Thạch-Song-Anh khẽ quay đầu nhìn lại, thấy xác 6 tên võ tướng nằm la liệt dưới đất. Sau đó, Vô-Trần Đạo-Nhân cùng với Thập-nhị đương gia cố gắng ra sức, chẳng mấy chốc đã ra khỏi được vòng vây, về lại địa điểm tụ họp của Hồng Hoa Hội. Nhưng bóng dáng Từ-Thiện-Hoằng vẫn chưa thấy đâu, ai nấy đều bối rối lo âu.

Lúc này quân Thanh đã phát giác được nơi gò đất là bản doanh của đám người Hồng Hoa Hội nên bèn cử một dũng tướng đem một đội xạ thủ tấn công thật mãnh liệt vào trong. Chờ cho đám xạ thủ Thanh-binh đến gần, Triệu-Bán-Sơn mới ra lệnh cho mọi người buông tên.

Trần-Gia-Cách dắt con tuấn mã lên trên gò, nói với An-Kiện-Cường:

-An đại ca! Làm ơn trông chừng, đừng cho quân thù bắn trúng ngựa tôi!

Dứt lời, Trần-Gia-Cách tung mình nhảy lên yên ngựa đứng quan sát tình hình tứ phía. Bỗng nhiên, một hồi tù và nổi lên, một đoàn quân Thanh vô cùng đông đảo, trên tay mỗi tên cầm một cây đuốc, trông như một con rồng lửa đang tiến dần về phía gò đất như tên bay. Trên hiệu kỳ hiện rõ sáu chữ lớn thêu bằng kim tuyến Chinh Tây Triệu Đại Nguyên-Soái. Đoàn quân gồm toàn những quân lính mạnh mẽ, trang bị bằng giáp sắt, dùng bát xà-mâu phương-thiên hoạch-kích, truy mệnh thương...

Vô-Trần Đạo-Nhân trong lòng nóng như lửa đốt vì một số anh em vẫn thất lạc chưa về kịp, bèn nói:

-Chúng ta phải chia nhau đi tìm mấy người kia chứ không lẽ ở đây mãi sao?

Vừa lúc ấy, Tưởng-Tứ-Căn phi ngựa như bay từ xa xông tới, la hét như muốn hụt cả hơi:

-Mau! Mau! Tất cả mọi người mau rời khỏi chỗ này! Đạo quân... đạo quân thiết kỵ sắp sửa càn quét... tới nơi rồi! Mau lên! Mau lên! Ở lại... ắt chết... chết hết cả thôi!

Thì ra Tưởng-Tứ-Căn sau khi vâng lệnh Trần-Gia-Cách đi cùng với Lạc-Băng ra bến đò chuẩn bị thuyền ghe, tình cờ khám phá được đại binh của Chinh Tây Đại Nguyên-Soái Triệu-Huệ do Càn-Long sai đi chinh phục một xứ Hồi đang kéo quân đi suốt đêm không nghỉ, định qua sông Hoàng-Hà trước khi mặt trời mọc. Sau đó, đạo quân thám mã quay về phi báo là đàng trước có một đám thổ phỉ đang hoành hành làm trở ngại cuộc tiến quân. Triệu-Huệ nghe báo lập tức truyền lệnh cho phó tướng Vương-Bổn-Lương đem quân tàn sát cho kỳ hết đám thổ phỉ. Nhưng chẳng ngờ đám thổ phỉ vẫn không xem Vương-Bổn-Lương vào đâu, vẫn tung hoành ngang dọc như vào chỗ không người. Triệu-Huệ nghe báo tin lần thứ nhì liền sai danh tướng Viên-Thừa-Sơ kéo 1000 quân thiết kỵ xung phong đến diệt trừ. Được tin này, Tưởng-Tứ-Căn cả kinh nên để Lạc-Băng ở lại bến đò, một mình phi ngựa cấp tốc về báo tin cho Trần-Gia-Cách.

Không dám chậm trễ, Trần-Gia-Cách ra lệnh cho tất cả mọi người lên ngựa cấp tốc ra bến sông Hoàng-Hà.

Mọi người vừa lên ngựa xong, đám thiết kỵ cũng vừa kéo đến nơi. Thường-Thích-Chí bàn:

-Đám thiết kỵ này mạnh lắm, chúng ta không cách nào qua lọt được đâu! Chi bằng tiến theo ngã quân binh đóng thì hơn.

Thường-Bá-Chí nói:

-Cách này thật hay!

Tây-Xuyên Song-Hiệp đi tiên phong, tiến thẳng về mặt trước của đại quân Thanh-triều. Mọi người chia nhau ra làm ba mặt để hộ tống những người bị thương, liều mạng xông pha.

Trận xung sát dữ dội quá, đám quân Thanh trở nên hỗn loạn, đạp lên nhau mà chạy. Cả bến sông Hoàng-Hà trở nên hỗn loạn. Lạc-Băng thấy đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đã tới thì lập tức chèo thuyền vào bờ. Trần-Gia-Cách truyền lệnh:

-Tất cả mau xuống thuyền! Còn Vô-Trần Đạo-Nhân, Triệu tam ca, Châu lão anh hùng và tôi...

Lệnh truyền chưa dứt thì đạo Thanh-binh mang danh hiệu Thần Tý Cung đã đến bờ sông.

Vô-Trần Đạo-Nhân hô lớn:

-Đánh!

Một nhát kiếm sau đó đâm ngay vào yết hầu một tên quân của đội Thần Tý Cung. Nhưng tên quân vẫn chẳng hề hấn chi. Thì ra lưỡi kiếm của Vô-Trần Đạo-Nhân cả đêm giết giặc, va chạm với vô số binh khí của địch quân đã cong hết cả lưỡi, không còn là một vũ khí lợi hại nữa. Tên quân đâm trả lại một thương. Vô-Trần Đạo-Nhân liệng gươm, đưa tay gạt mạnh một cái, tên quân ngã nhào xuống ngựa.

Châu-Trọng-Anh vung đại đao chém ra một loạt, nhiều thanh binh đỡ không nổi, rơi xuống ngựa chết tươi.

Triệu-Bán-Sơn tung ám khí phóng ra như mưa. Những mũi lại tiễn, liên tử trúng ngay vào nhuyễn ma huyệt của đám võ tướng chỉ huy, khiến chúng thi nhau ngã xuống đất như sung rụng.

Liền sau đó, một đám thiết kỵ kéo đến. Lần này, đao thương và ám khí của đám hào kiệt Hồng Hoa Hội không làm tổn hại gì được bởi trên người chúng đều có mang một lớp giáp sắt che chở. Triệu-Bán-Sơn phải dùng ám khí bắn vào mắt mới đẩy lui được chúng.

Hộ tống cho mấy chiếc thuyền ra khơi an toàn xong, bốn người Vô-Trần-Đạo-Nhân, Châu-Trọng-Anh, Triệu-Bán-Sơn cùng Trần-Gia-Cách mới lần lượt xuống thuyền.

Trần-Gia-Cách chưa kịp vào thuyền thì phó tướng Vương-Bổ-Lương đã tới nơi, dùng đao định chặn bắt lại.

Trần-Gia-Cách liền quất lẹ một thằn sách cuốn lấy cây đao của Vương-Bổn-Lương, đồng thời một tay điểm huyệt Vương-Bổn-Lương, xách bổng lên mang luôn vào trong thuyền. Triệu-Bán-Sơn tiếp tục phóng ám khí, ngăn chặn tất cả những tên quân nào đuổi theo. Cho đến khi thuyền ra đến giữa dòng ngoài tầm tên bắn, Triệu-Bán-Sơn mới chịu vào bên trong khoang thuyền. Nước sông Hoàng-Hà càng lúc càng dậy sóng, gây thêm nhiều trở ngại cho cuộc tiến binh của Thanh nguyên-soái Triệu-Huệ.

Ngồi kiểm điểm lại tình hình vừa qua, Trần-Gia-Cách kết luận:

-Lần này chúng ta tin chắc cứu được Văn tứ ca cả mười phần. Tánh mạng Trương-Siêu-Trọng khác nào như cá nằm trên thớt. Có ngờ đâu vào phút chót lại đụng phải đoàn thiết kỵ của Triệu-Huệ! Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Nhưng chúng ta đừng bao giờ nản chí mà hãy tiếp tục nuôi hy vọng. Thua keo này, bày keo khác!

Thấy Lạc-Băng ngồi ủ rũ, Trần-Gia-Cách lại khuyên:

-Văn tứ tẩu không nên quá buồn rầu như vậy. Hãy nhìn gương của nhị vị Châu, Lục lão tiền bối kia. Một người lạc mất ái nữ, còn một người lạc mất cao đồ. Còn thất ca của chúng ta cũng không biết lạc về đâu. Nhưng tôi tin chắc tất cả đều vững niềm tin, và cuộc trùng phùng sẽ đến với chúng ta một ngày gần đây thôi!

Quay sang phía Vương-Bổn-Lương, Trần-Gia-Cách giải huyệt cứu y tỉnh lại rồi hỏi:

-Đại quân của Triệu-Huệ đang đem vượt sông Hoàng-Hà để làm gì? Vì sao mà có cuộc hành quân gấp rút như thế này?

Vương-Bổn-Lương đáp:

-Chinh Tây Đại Nguyên-Soái Triệu-Huệ vâng thánh chỉ đi đánh dẹp xứ Hồi bát ngờ... Hoàng-Thượng ra hẹn trước tất cả ngày đến, ngày nào phải thắng, cũng như ngày phải ban sư. Triệu nguyên-soái lo sợ không đủ thì giờ, lại lo người Hồi được tin biết trước để phòng bị nên bắt buộc phải tiến quân cho lẹ, bất kể ngày đêm.

Trần-Gia-Cách lại hỏi:

-Người xứ Hồi đã tuân theo vương hóa của Thanh-triều, chẳng hay đã đắc tội gì mà vua Càn-Long lại lén lút đem quân đi chinh phạt?

Vương-Bổn-Lương nghe hỏi chợt ấp úng:

-Việc ấy... sở dĩ... Việc ấy tôi không hiểu biết gì cả!

Nghe giọng ngập ngừng của Vương-Bổn-Lương, Trần-Gia-Cách biết ngay có nhiều điều bí ẩn. Suy nghĩ một hồi, Trần-Gia-Cách hỏi thăm quân số, các ngã tiền quân, về cách thức vận lương...

Vương-Bổ-Lương ban đầu định nói dối, nhưng biết đám hào kiệt Hồng Hoa Hội trước mặt y toàn là những nhân vật phi thường, trí dũng và kiến thức có thừa, khó lòng qua mặt nổi nên đành khai hết sự thật, không dám giấu diếm điều gì. Thấy Vương-Bổn-Lương không dám ươn ngạnh hay ngoan cố, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đối xử với y rất tử tế.

Bỗng Trần-Gia-Cách kêu lên:

-Nước! Nước!

Thì ra Hoàng-Hà ngập lụt, nước dâng lên ngập cả gò cao. Trần-Gia-Cách xoay qua nói với Tây-Xuyên Song-Hiệp:

-Ngũ ca và lục ca hãy quay lại chỗ cũ bí mật dọ thám tin tức tứ ca và thất ca cùng với Châu cô nương và cao đồ của Châu lão tiền bối xem bị thất lạc nơi nào. Nếu chẳng may họ chết trong đám loạn quân thì âu là số mạng, chúng ta đành chịu. Nếu họ lọt vào tay giặc Mãn thì thế nào chúng cũng giải về Bắc-Kinh. Chúng ta sau đó sẽ chặn đường chúng lại, thế nào cũng cứu được người của chúng ta ra.

Xoay qua Thạch-Song-Anh, Trần-Gia-Cách nói:

-Về phần Thập-nhị đương-gia, tôi muốn nhờ cậy một việc.

Thạch-Song-Anh khẩn khoản nói:

-Nếu Tổng-Đà-Chủ đã sai bảo, tôi dám nào không hết lòng hay từ nan.

Trần-Gia-Cách ngồi thảo một phong thư rồi nói:

-Anh đem thư này lập tức qua xứ Hồi trao tận tay tù trưởng Mộc-Trác-Luân lão anh hùng.

Kế đến, Trần-Gia-Cách lại nói với Lạc-Băng:

-Văn tứ tẩu hãy cho Thập-nhị đương gia mượn thần mã. Việc quá gấp rút, phải tiến hành ngay mới kịp!

Cắt đặt mọi việc đâu đó xong xuôi, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội lại xuôi theo dòng nước tách xa bờ 20 dặm. Neo thuyền dưới vực hạ lưu Hoàng-Hà, Trần-Gia-Cách bảo Tưởng-Tứ-Căn trói trói Vương-Bổn-Lương trong khoang thuyền rồi cùng nhau lên bờ tìm nơi tạm nghỉ chân...

Chú thích:

(1-) "Hàn-Vương đao pháp" là do một danh tướng đời nhà Tống tên Hàn-Thế-Trung nghiên cứu ra. Hàn-Thế-Trung sử dụng song đao, một dài, một ngắn. Đao dài gọi là "Đại-Thanh", còn đao ngắn gọi là "Tiểu-Thanh". Nhờ song đao này cộng thêm với đao pháp của mình sáng tạo mà Hàn-Thế-Trung xung trận chém tướng giết được không biết bao nhiêu giặc Kim, lập nên bao chiến công hiển hách và được phong Vương-tước.

(2-) Ngân xà: rắn bạc.

Mục lục
Ngày đăng: 06/02/2015
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục