Gửi bài:

Chương XXXI

Tôi đứng giữa gian phòng chìm trong bóng tối ấy, gian phòng tôi biết rõ từng xó xỉnh. Trước mặt tôi, hàng hàng dãy sách. Tôi nghe thấy chúng thì thào. Những lời rì rầm của chúng không đến tai tôi. Chúng đã bỏ tôi. Đã không còn cho tôi là đồng hội dồng thuyền. Chúng đóng sập khi tôi lại gần, như một ban đồng ca quay lưng lại với tôi, bỏ tôi chơ vơ ngỡ ngàng. Sách vở không ích gì cho tôi nữa. Những gì chúng suy tư, tôi đã nghiền đi ngẫm lại. Những gì chúng hàm chứa, tôi đều đã hấp thu. Ngàn ngàn chữ bò trong đầu tôi, trong bụng tôi. Ấy thế mà, những gì tôi cảm nhận vẫn mơ hồ. Tôi không thể tiếp tục chơi trò ú tim với bà quản thủ và đêm đêm tự nhốt ở đây, quấn mình trong áo khoác, viết nguệch ngoạc vào tập vở xám này, tập vở định sẽ là phúc đáp cho bức thư với tuồng chữ kiêu kì kia, và chỉ còn là cái máng nước cho tôi vục vào cái đầu mỏi mệt của tôi. Phía sau tôi, qua cửa sổ, những ánh đèn xa xa báo hiệu hai tòa nhà chung cư Vườn Táo. Tôi không thể trở lại đấy, trở về chỗ tôi trong căn phòng cửa sơn màu xanh táo và ban đêm trở dậy nhìn cánh bướm trắng băng qua bồn cỏ. Tôi cố tưởng tượng nét mặt nó khuất sau cái mũ choàng, nhưng hoài công. Cánh bướm trắng không có mặt; bên trong cái áo choàng, nó giống như một bức tượng nhỏ bằng gỗ nâu. Thứ gỗ làm nên những kẻ chịu nhục. Nó băng qua bồn cỏ rộng, chân bước nhẹ nhàng. Sầu tủi là hương vị muôn vật, hễ nghĩ đến cánh bướm trắng câu ấy lại hiện về trong trí tôi, câu tôi đã chép lại trong cuốn vở xám, ngay trang đầu. Tôi cảm thấy vị sầu tủi dưới lưỡi. Như là một viên mực bọc đường đổ ra mật đắng – một chất lỏng đen làm ráp vòm miệng, len vào các kẽ răng, xuống tới phủ tạng. Đã lâu rồi tôi không còn cảm thấy vị ấy trong miệng, vị một chất độc nhen bừng máu tôi, hâm nóng gan ruột tôi. Tôi thấy mình trở lại hàng bao năm trước, hồi còn ở Đất Nước, những khi tôi đi nhà thương điên, tay xách chiếc va-li nhỏ. Ném bên chiếc xe đẩy ở cuối thư viện, cái túi đeo lưng đã thay thế chiếc va-li nhỏ. Tôi nơi đây, tới lui giữa các hàng kệ sách, hít thở làn hơi từ những cái đầu rạn nứt kia tỏa ra. Trong lớp khói ấy, tôi nhìn ra một tấm thân dài treo trên chấn song cửa sổ, tôi nhìn ra một con bướm trắng cánh kẹt trong khe cửa sơn màu xanh táo, tôi nhìn ra hai bàn tay bé nhỏ đeo găng cầm một lá thư. Tôi muốn đụng vào tấm thân chết treo, tôi muốn lấy mấy ngón tay kẹp đôi cánh con bướm trắng, nhưng hai bàn tay bé nhỏ cầm lá thư chắn ở giữa.

Tôi bỏ vào trong túi đeo lưng lá thư với cuốn vở bìa xám, mềm của tôi. Chữ tôi viết rất khó coi, nhỏ li ti, cắn vào giấy, cứ như là, thay vì dùng ngòi bút, tôi đã dùng một cái gai cứng, khô. Tôi đọc lại thư. Tôi mở tập vở. Lá thư và báo cáo viết bằng tiếng Pháp. Con bé không còn biết tiếng mẹ đẻ của nó. Từ mười lăm năm nay, tôi không còn nói tiếng ấy. Đất Nước, trong thư không hề nhắc tới. Trong báo cáo của tôi, chỉ có vài lời bóng gió. Chúng tôi Không Thuộc Nơi Nào, con bé với tôi. Tôi sẽ không trở về Đất Nuớc. Tôi sẽ là gã điên vô tổ quốc. Nơi đó, là đất nước của người con gái treo cổ. Nơi đó, có mộ người con gái treo cổ. Và mộ tôi. Nơi đây, có thân xác tôi đã tự bỏ rơi mình, và đầu tôi, chăm bón những hoài niệm tựa những bông hoa độc. Nếucon bé có chút ít lương tri, nó cũng sẽ hiểu rằng nó không trở về được nữa. Chúng tôi Không Thuộc Nơi Nào, con bé với tôi. Nó phải ghi nhớ điều ấy. Phải thôi tin rằng một ngày nào đó nó sẽ tìm được một gia đình, một tổ quốc. Đất Nước chẳng còn gì cho nó, từ khi những người áo đen đã đuổi Người Nước Ngoài – họ là những người cha mới của Đất Nước. Những người cha ấy chẳng cần gì đến nó, kẻ có một cái tên quốc tế. Những người cha ấy chẳng cần gì đến tôi, kẻ đã tạo dựng chốn nương náu trong điên dại. Chúng tôi, con bé với tôi, là những cô hồn. Gốc rễ chúng tôi bập bềnh mặt nước. Nó tìm cho mình một người cha. Tôi ôm ấp bóng ma người con gái treo cổ. Chúng tôi trôi giạt, hi vọng sóng nước sẽ cuốn chúng tôi về cội nguồn, nhưng chúng tôi bì bõm trong một nhánh sông tù, chúng tôi mãi mãi lay động cùng những ám ảnh như nhau, chúng tôi mãi mãi cuốn theo cùng những xác chết như nhau.

Đã sáu đêm tôi ở trong thư viện này. Quấn mình trong áo khoác, bụng trống rỗng, tôi giương mắt ngó sững bóng tối. Mỗi đêm, cứ đúng lúc tôi bắt đầu thiếp ngủ, một tiếng hét lại khiến tôi giật mình choàng thức. Trước cửa sắt lối vào phụ một siêu thị đối diện với thư viện có hai người vô gia cư. Người thứ nhất, còn trẻ, tráng kiện, mặt húp híp như Đấng Cứu Thế nuốt nước mắt. Cả ngày gã ngồi xếp bằng, một cái chăn đắp lên đầu gối, một cái khác trùm trên vai. Người thứ hai là một anh già nhỏ con bảnh bao, mặc áo kẻ ô vuông màu lục nhạt và đeo cà-vạt màu sẫm bên trong áo khoác dài màu xanh nước biển. Lão trải báo lên vỉa hè rồi mới đặt xuống cái túi, những vật dụng vụn vặt của mình. Mỗi sáng lão lại thay tấm bìa lót chỗ ngồi, mỗi tối lão rũ chăn trước khi trải ra đắp lên mình. Ban ngày, lão đi tới đi lui, không rời xa người bạn đồng cảnh, gã này ngồi lì tại chỗ – ngay mặt gã lúc nào cũng bất động -, kề bên mình là một chai rượu rẻ tiền.

Lão già vừa đi vừa nhảy lò cò. Đi ba, bốn bước lão lại dừng lại, một chân còn lửng lơ trên không. Cứ đứng như thế lão moi móc thùng rác gần đấy hoặc chìa tay xin người qua đường. Họ đi ngủ rất sớm, nằm trên lỗ thông gió. Nửa đêm, gã trẻ hét lên một tiếng. Ấy là một tiếng gọi thê thiết, một tiếng kêu vọng về từ xa thẳm, từ nhà ga cuối cùng trước khi tới Địa Ngục. Gã hét lên như người đang ngủ bị cắt cổ, bật lên tiếng nấc cuối cùng trước khi đứt họng. Gã hét lên như người hấp hối bám níu lấy cuộc sống. Rồi thình lình, gã thôi chống chọi. Yên lặng lại phủ trùm đường phố. Và kinh sợ ùa đến vây kín tôi, hai hàm răng tôi run lập cập, tôi lại thấy mình trong nhà thương điên, những người
nằm các giường bên gào thét, Thầy Tu đã chết, không còn ai cứu tôi.

Sáu đêm ân huệ. Tôi hồi tưởng lần duy nhất tôi vào một rạp chiếu bóng – chỉ là một phòng nhỏ kéo màn đen dày, ở tầng trên thư viện này. Một màn ảnh với một ít ghế nhựa. Phòng gần như không có ai. Tôi ngồi một ghế đầu dãy, gần cửa vào. Trên màn ảnh trải rộng khuôn mặt một người bị săn đuổi. Hắn còn sáu giờ ân huệ. Suốt đêm, hắn lang thang trong thành phố, gõ cửa nhà này đến nhà khác, nhưng không cửa nào mở. Sáng ra, hắn bị bắt. Tôi còn nhớ ánh đèn soi vào mặt hắn, trong khi hắn bước lùi lại hàng rào song sắt một tòa nhà. Cuốn phim tựa là Odd man out. Thanh toán 32. Hai người vô gia cư khiến tôi liên tưởng đến cuốn phim ấy. Tôi quẩn quanh giữa các hàng kệ sách. Tôi ở trong một đấu trường. Tôi trơ trọi. Tôi tìm chốn ẩn thân. Sách vở đóng lại khi tôi đến gần. Tôi hoài công la thét trong tập vở màu xám, không một cửa nào còn mở ra đón tôi. Tôi chờ ngày rạng, chờ một phát súng nổ, chờ kết liễu. Thanh toán.
Sáu đêm ân huệ. Thời gian tôi tự cho mình để kết thúc báo cáo này. Và có lẽ để gửi nó cho tác giả lá thư với tuồng chữ kiêu kì kia. Thời gian tôi tự cho mình để quyết định tôi phải, như lời con bé, nối lại liên hệ, hay là cắt đứt hẳn và tống khứ hết.

Tôi không có kết luận nào cho báo cáo này. Con bé nói tìm người sinh ra nó. Trong đời nó, người cha là một sai lầm lọt vào một văn bản và làm văn bản rối mù. Một lỗi ấn công làm giảm sức mạnh từ ngữ. Một lầm lộn tai họa. Nó đòi tôi truy lùng lầm lẫn ấy, chỉ định tội nhân, tố giác kẻ phạm tội. Tội đã cho nó mở mắt chào đời này mà không cho nó sáng mắt.
Con bé muốn kiếm một người cha khác. Ấy là sáng kiến mới nhất của nó, trò phù phiếm mới nhất của nó. Với nó, trò phù phiếm nào cũng mang vẻ bi đát. Nó bao giờ cũng nghiêm trọng như những kẻ cứ lo âu có cái gì sai sót nơi con người họ, sai sót khiến mọi hành vi của họ đều thành vô hiệu, tiêu hủy mọi tham vọng của họ, phá hỏng đường tiến thủ của họ. Nó sẽ phải lựa chọn giữa hai kiểu mẫu người cha. Giữa một cuốn sách của một tiểu thuyết gia thời thượng, một cuốn sách phô trương thông thái và quyến rũ, một cuốn sách viết dễ dãi, một cuốn sách làm độc giả thích thú, một cuốn sách chỉ toàn những câu văn hời hợt và kết thúc bằng một màn xoay vòng – nó sẽ phải lựa chọn giữa cuốn sách hấp dẫn ấy và kiểu mẫu kia, một cuốn sách khắc khổ không có gì ngoài một chút máu khô.

Con bé nói muốn dành hết tâm lực viết văn, cũng như tôi đã trọn đời điên dại – thư nó tràn ngập những lối diễn đạt như thế, cứ như một bà sơ lạc đường tu. Nó nói muốn lặn cho sâu. Trốn lánh cuộc đời. Chối bỏ mọi cảm giác. Khước từ mọi ham muốn. Chỉ khoái cảm với những ám ảnh của mình. Chỉ còn là một thân xác nhỏ nhoi khô héo phụng sự cho văn chương tốt tươi. Nó ước ao không gì ngăn trở nó khổ hạnh như thế, nhưng nó vẫn chẳng nhắm mắt trước những cám dỗ. Một người đàn ông đi qua, và thế là nó sẵn sàng buông rơi công trình vĩ đại để đón nhận chút bạc lẻ tình yêu. Đôi khi, nó phải dưới sâu trồi lên, săn tìm cứu nhân. Lựa chọn viết văn, nó đã được cứu rồi, nó đã tự cứu rồi. Nó nổi, nhưng lại nghĩ mình đang chìm. Nó ra dấu cho những người dạo bước trên bờ, cho những bóng hình hiện lên trên nền trời mờ mịt, cho những người đàn ông mang dáng người cha kia, nhại tiếng người cha kia. Đương nhiên, họ chẳng thể cứu nó. Nó lôi kéo họ xa bờ chỉ cốt có thế : cho họ thấy họ bất lực không cứu được nó. Cuối cùng họ hiểu ra nó chẳng hề cần đến phao hay người cứu, hiểu ra nó vẫn nổi trên một mặt biển chính nó đã gây sóng gió. Họ chỉ còn biết thu hết sức lực trở vào bờ, và nó được chứng kiến một cảnh thoái lui nhục nhã thay vì một cảnh chết chìm vô nghĩa.

Tôi mang nợ nó. Vì đã đặt mức quá cao, vì đã để nó nghĩ tình yêu tôi đã sống là tình yêu duy nhất đáng bước vào, tôi phải trả giá. Nó đòi tôi sửa tội. Tôi đã in vào đầu nó hình ảnh một tình yêu không thỏa hiệp với thế gian, một tình yêu sống bằng hung cuồng của chính mình. Nó đã vồ lấy tình yêu ấy như vồ lấy một khuôn mẫu, và khuôn mẫu ấy gạt nó ra khỏi cuộc đời. Nó buộc tội tôi đã khiến nó tưởng những liên hệ máu huyết kết hợp những người tình, và chỉ có máu mới chia rẽ được họ. Nó đã lớn lên cứ trông chờ mọi cuộc tình kết thúc bi thảm, tình lang thì vào nhà thương điên, tình nương thì treo cổ. Nó đã tin như thế. Rồi nó thấy những tình lang công thành danh toại chẳng hề điên dại, nó thấy những tình nương lột da sống một cuộc tình mới. Nó chỉ thấy những người thoát thân với những người sống còn. Nó buộc tội tôi đã khiến nó ngỡ tình yêu là một cái huyệt tuyệt vời ngổn ngang xác chết.

Trong khi đó, nó để mẫn cảm đi quá xa. Nó sống với hi vọng một ngày nào đó, một người đàn ông hiện đến, một người đàn ông có khuôn mặt người cha, bóng dáng người cha, giọng nói người cha, người ấy sẽ bước vào, đóng cửa lại sau lưng và chỉ sống vì nó, tới mức chịu hết nổi. Vừa nuôi dưỡng hi vọng ấy, nó lại vừa dồn nỗ lực không để cứu nhân đến với nó. Nó đẩy cứu nhân khỏi đường đời nó, gạt xa khách hàng, nó muốn hưởng hết tình yêu mà không phải cho lại gì. Nó câu những khách qua đường dại dột hiến dâng nó hạnh phúc, nhưng cốt để hé lộ rõ sự vô nghĩa của họ. Họ chỉ dâng hiến nó một cuộc sống êm đềm. Trong khi nó dự trữ bao nhiêu toan tính phá phách, bao nhiêu toa thuốc giết người. Nó sẽ tàn đời trong cô độc và điên dại. Bây giờ, nó để mẫn cảm đi quá xa, nó tẩm độc đầu nó, nó nuốt thuốc tuyệt vọng.

Nó yêu cầu tôi cho nó những lí lẽ để thôi còn muốn bỏ đi. Biến đi, ấy là ám ảnh của nó. Bởi nó đã đến không ai thấy, nó sẽ đi sao để ai cũng phải thấy. Nó là thứ con gái muốn chết vì thương cảm chính mình. Nó đòi tôi, kẻ bị cấm cư trú, cho nó giấy phép hiện hữu. Đòi tôi, trôi giạt tự bao lâu nay, tìm cho nó cuộn dây buộc thuyền. Nó đòi tôi tiêm vào máu nó những kì vọng mới. Muốn chết, nhưng nó vẫn còn tin vào hạnh phúc. Giả bộ bỏ đi, nhưng nó hi vọng một phép màu sẽ cản nó lao xuống vực sâu. Tôi chẳng có vòng hoa cho nó, chẳng có lời an ủi nào cho nó. Tôi chỉ là thứ rác rưởi dùng lại vẫn còn nhớ vũng bùn.

Đêm thứ sáu. Một tuần ân huệ trong gian phòng giá buốt này, hút thuốc lá hết điếu này đến điếu khác, đọc đi đọc lại lá thư với tuồng chữ kiêu kì, ngủ gà ngủ gật lưng tựa các hàng kệ sách, tra hỏi sách rồi lại sách mà chẳng có một tiếng vọng hồi âm. Lá thư chờ đợi trả lời. Tôi đâu có nắm được chân lí. Những hình ảnh vụt hiện, tôi không còn biết do ngọn gió kí ức thổi đến hay là chúng đã nở từ bùn nhơ của điên dại. Tôi sẽ gửi đi một báo cáo dở dang. Trừ phi tôi đem giấu cuốn tập màu xám đâu đó trong thư viện, kẹp giữa hai cuốn sách. Sẽ không có phát hiện nào. Miệng chân lí chẳng còn răng, thở ra hơi xú uế. Những bí mật nó mút giữa lưỡi với vòm bốc mùi thịt thiu.

Đêm mai, truớc khi quấn mình trong áo khoác, tôi sẽ lôi hết sách ra khỏi các kệ, tôi sẽ bày chúng khắp quanh tôi, thành nửa vòng tròn. Tôi sẽ đốt một điếu thuốc và tôi sẽ ngủ quên không dập tắt điếu thuốc. Sẽ không còn ai đến đòi nợ nắm tro tàn của tôi. Sẽ không còn ai đòi mớ xương cháy đen của tôi nói lên sự thực. Tôi với đống sách sẽ là một.

Ngày đăng: 24/04/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?