Gửi bài:

Chương XIV

Biết hắn là thợ sửa giày rồi, tôi không còn sợ người dắt con chó nữa. Ricin buộc tội tôi ngây thơ, cảnh cáo tôi, Em thử tưởng tượng hắn mân mó mấy chiếc giày, khâu giày, trét hồ trong giày – anh chắc chắn hắn là một kẻ đồi trụy, một tên giết người. Đừng thấy hắn có mẹ, có nghề nghiệp, mà tưởng hắn hiền lành.

Chiều hôm nọ, khi lên gõ cửa phòng tôi, Ricin gặp người thợ sửa giày đang đi xuống, tay dắt con chó. Anh bảo tôi, Phải làm hắn quên em đi, đừng qua lại trước cửa hàng ấy nữa, tránh đường phố ấy đi. Mắt thằng cha sửa giày rõ là mắt kẻ bệnh hoạn.

Tôi cười nỗi sợ khi trước của tôi. Bây giờ tôi tin chắc : người dắt con chó không phải là người nguy hiểm, ấy là một người cô độc. Ricin đáp lại ngay, Tên mổ bụng người Jack14 cũng cô độc vậy, hắn chỉ muốn có bạn mỗi chiều.

Chiều hôm qua, ra khỏi nhà, Ricin và tôi, như thuờng lệ, lại thấy người thợ sửa giày đứng trực trên vỉa hè đối diện. Chẳng ai trong khu phố để ý đến trò này của hắn. Những người ở trong các chung cư quanh đấy chỉ cho là anh thợ sửa giày dắt chó đi chơi trước khi đóng cửa hàng về nhà. Hôm qua, nhìn thấy hắn, Ricin bảo, Để anh nói chuyện với hắn, bắt hắn phải để em yên.

Tôi không kịp cản. Anh đã tức khắc băng qua đường, về phía người dắt con chó. Hắn nhìn anh lại gần, rồi quay lưng, bỏ đi. Ricin toan bước theo nhưng lại thôi. Anh buộc tội tôi cứ kiếm những chuyện giật gân, Em muốn đem người dắt con chó làm vật thí nghiệm. Em muốn nếm mùi làm con búp-bê cho anh thợ sửa giày, muốn nếm mùi làm con búp-bê cho một người đồng hương. Bộ em không thấy cái thằng rồ ấy, cứ cả ngày dắt chó với mân mê mấy đôi giày, là kẻ bệnh hoạn, là kẻ quá khích sao ? Đừng lấy cớ hắn cứ theo tìm, quấy rầy, rình mò em mà lao vào tay hắn. Coi chừng, chớ thành con búp-bê cho anh thợ sửa giày. Em mà rơi vào bẫy hắn, hắn sẽ khiến em thành con búp-bê phạm tội, hắn sẽ bắt em về Nước, học lại tiếng mẹ đẻ, hắn sẽ gieo vào đầu em cái ý nghĩ em đã phản lại Đất Nước và phải viết bằng tiếng mẹ đẻ. Em muốn hắn che chở em ư ? Hắn sẽ siết chặt lấy em, đừng mong bao giờ thoát ra. Anh thợ sửa giày chẳng có nghĩa lí gì với em cả. Hắn ám ảnh em vì em cảm nghĩ hắn có một chút gì của tất cả những người đã gây cho em bao ảo tưởng. Hắn khiến em nhớ cha em, cậu em. Hắn khiến em nhớ Bellemort, vì có giọng nói giống hệt – em từng cười Bellemort bộ dạng trẻ trung nhưng giọng nói lại như ông già. Hắn khiến em nhớ Weidman vì có thân hình, dáng đi giống hệt. Nếu em chịu suy nghĩ một chút, em sẽ thấy hắn chỉ là gom lại hết các ảo tưởng của em. Nếu em chịu suy nghĩ một chút, em sẽ tránh xa, thay vì đến với hắn. Tự bao giờ cho đến giờ, em cứ phải làm con búp-bê cho ai đó. Em đã là con búp-bê tận tụy cho cha em, thế cho mẹ em. Với cậu em thì em làm ra tai quái và câm nín. Rồi em gặp Bellemort. Hắn buộc em phải giống con búp-bê hắn nuôi trong đầu. Mấy năm trời em đọc những gì hắn vẫn đọc, ăn những gì hắn vẫn ăn, mắc những bệnh hắn vẫn mắc, em hiểu ra em chỉ là bản sao con búp-bê trong đầu hắn. Thế là em lập tâm nổi loạn, em viết những cuốn sách hắn chẳng thèm viết. Thiên hạ ngẩn ngơ mà ngó em – cái bản sao biết nói. Nhưng khi thấy rõ hơn, họ hết ngẩn ngơ mà chỉ cười khẩy. Cái bản sao biết nói đấy, nhưng chỉ là nhái lại tư tưởng của ông thầy. Mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Muốn thoát, em phải bỏ con tàu. Thay vì tìm con đường riêng cho mình, em lại lấy vé đổi tàu, lên một con tàu khác. Em tưởng đã thoát khỏi chính em vì cảnh vật đã đổi, vì con búp-bê trong đầu Weidman hoàn toàn khác con búp-bê trong đầu Bellemort. Gặp Weidman, em như người giải phẫu rồi bệnh lại tái phát. Weidman muốn một búp-bê vợ, một búp-bê biết nghe nhạc. Bellemort đưa sách cho em và em ngoan ngoãn đọc. Weidman mở nhạc hắn thích và em ngoan ngoãn nghe. Ngay cả những thèm muốn của em cũng ngoan ngoãn nữa kia. Bên Bellemort, em là con búp-bê tâm thần phân liệt, bận toàn đồ đen. Bên Weidman, em thủ vai con búp-bê lạc quan, mặc những chiếc váy sắc màu rực rỡ. Trong tình yêu, tự bao giờ em vẫn xử sự như một kẻ lưu vong mong hội đủ điều kiện cần thiết để xin làm di dân gương mẫu.

Bellemort sau cùng đã cho em nhập tịch. Còn Weidman vẫn là đất lạ với em. Em chẳng hề bước chân lên được. Đã thế em lại tích tụ các chướng ngại để chung cục sẽ là tan vỡ thơ mộng. Em đi si mê một tay săn nhân tài, một chiến lược gia ngày ngày phải dự phần đấu tranh tàn nhẫn trong xí nghiệp, người ban ngày lãnh đủ trách nhiệm, chiều về lãnh đủ chứng đau đầu, cuối tuần lãnh đủ chứng đau lưng, chỉ dịp nghỉ hè mới có thì giờ ngã bệnh. Cái loài kí sinh trùng đẹp nhất như em, những ngày đằng đẵng ngồi trước bàn viết nhắc cho em sự vô nghĩa của đời em, em lại lao vào vòng tay người chỉ cần ngồi vào bàn giấy là cả một bầy lũ quây lấy, cái đám người có đấy chỉ để hắn vững tin cảm thức hữu dụng của mình.

Ricin thắc mắc tôi làm những trò gì mỗi ngày suốt mấy tháng sống trong nhà Weidman. Tôi chẳng làm gì hết. Tôi một mình, cho đến mãn chiều. Tôi cứ mặc nguyên quần áo nằm dài trên giường chẳng mở gối chăn, trong căn phòng cửa nẻo đóng kín. Đấy là một cách phản đối điều tôi coi là sự phản bội của Weidman. Anh chưa biết tôi đã khám phá một số chuyện. Anh vừa ra khỏi nhà là tôi sụp xuống. Tôi nằm lì trong bóng tối. Tôi nhớ, ngày còn thơ, tôi đã luôn luôn thấy Bà Mẫu nằm. Bà nằm từ bữa sau ngày người tình của bà, Người Nước Ngoài, ra đi. Từ đó, bà thường kêu ốm và nằm lì trong giường mấy ngày liền. Tôi nằm trong bóng tối và nghĩ đến Bà Mẫu. Đến trưa, tôi trở dậy, tôi không muốn Weidman thấy tôi nhợt nhạt. Tôi ra vườn. Tôi ngồi sưởi nắng trên một cái ghế dài, ngồi ì đấy cho đến chiều. Hoặc là tôi lấy xe đạp đi sâu vào rừng, loanh quanh mọi nẻo đường mòn, hầu như chẳng bao giờ gặp một ai. Chiều, lúc Weidman trở về, tôi bảo anh tôi đã viết tiếp cuốn sách của tôi. Tôi nói dối. Tôi không trò chuyện nhiều với Weidman; đôi khi, buổi sáng, tôi buột miệng một câu nóng nảy, mỉa mai, anh bất mãn ra đi. Ngày ấy tôi có thể viết được. Nghe Bà Mẫu nói, Cha con không phải cha thực của con, ông đành đóng vai ấy vì con nhất định con là con gái ông, tôi nghĩ Weidman hẳn đã tin câu chuyện tôi kể cho anh, chuyện tôi là mối tình độc nhất của anh và anh là mối tình độc nhất của tôi.
Ngay từ đầu, mọi chuyện đã mang vẻ lạc điệu, như đàn chưa so, như cỗ máy chạy trong khi các bánh xe đã tháo lỏng. Tôi chỉ còn nhớ những chi tiết nhọc nhằn, những khám phá lẽ ra không nên có. Tôi đã thành nhân vật một truyện nhi đồng. Mấy hôm trước, tôi vừa đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám Mĩ, nhân vật nữ hát

Chúng ta hãy vào rừng dạo chơi

Vì sói không có đó

Sói mà có đó

Nó sẽ ăn thịt chúng ta...

Nàng sắp chết và nàng tự nhủ hết những gì nàng mơ ước trong cuộc đời là những cuộc dạo chơi dài lâu với cha nàng. Nhưng cha nàng đã chết, nàng dạo chơi một mình và nàng gặp chó sói.

Tôi đã tới nhà Weidman với rất ít hành trang, vài cuốn sách, và tôi đã nhất định rằng nhà này sẽ là vương quốc của tôi, rằng tôi sẽ là mối tình độc nhất của Weidman và Weidman... Rằng những ngày trong tuần tôi sẽ canh giữ vương quốc này, rằng chủ nhật chúng tôi sẽ vào rừng dạo chơi. Chủ nhật tôi đi dạo chơi một mình, trong tuần tôi không canh giữ mà tôi lục lọi vương quốc từ đầu đến cuối. Trong vương quốc có một phòng dùng làm nơi chứa đồ. Weidman gọi phòng ấy là phòng Con Yêu Râu Xanh15. Tôi thám sát phòng ấy trước tiên. Tôi đã tưởng sẽ tìm thấy những bảo vật, những đồ chơi ngày xưa, những thần dược. Tôi khám phá ra một cuốn vở.

Điều trớ trêu là, những năm đi học, tôi đã bỏ rất nhiều thì giờ viết một khóa luận về nhật kí. Tôi còn đã phải, một cách nghiêm túc, viết một chương vềĐôi lứa và tương quan với nhật kí, luận về người vợ khám phá nhật kí của chồng. Bây giờ thì mọi chuyện đã thành khôi hài với tôi, nhưng vào lúc ấy, mở cuốn vở của Weidman, tôi có cảm tưởng bị bắn giữa mặt một viên đạn đầy hạt chì. Mỗi lần nhớ lại cảnh ấy, tôi không nghĩ tôi đã khóc, nhưng mặt đẫm đìa máu. Nội dung cuốn vở, tôi không làm sao kể lại mạch lạc được cho Ricin. Tôi lập đi lập lại với anh, Trong nhật kí ấy, Weidman làm thịt em.

Về Weidman, tôi chỉ còn nhớ những tình tiết lạ lùng, đau đớn. Về chuyến đi Ý, tôi không còn nhớ gì. Lục lọi trí nhớ hết sức, tôi cũng chỉ thấy một hình ảnh : một cặp béo phì. Chúng tôi gặp họ ở khách sạn, và gọi họ là đôi uyên ương thành Vérone16. Người đàn ông mù, có cây gậy trắng nhưng chẳng dùng bao giờ, để người đàn bà dắt đi, cả hai xấu xí, ăn mặc dị hờm. Người đàn bà mỗi chiều lại mang một áo mới, tưởng như một cái bị kếch xù, màu sắc loè loẹt, đính ren, nhưng bà mặc trông vẫn quá chật. Họ nói to, hơi một chút là nổi giận, mắng nhiếc nhân viên khách sạn. Họ đi dạo trong vườn, trong phòng đợi. Ông dựa tay bà, miệng lầm bầm, đầu nghiêng về phía bà. Ông lầm bầm luôn miệng. Bà chỉ trả lời bằng cách vuốt tóc ông.

Hình ảnh thứ hai là gương mặt Weidman. Một tấm ảnh do tôi chụp, mùa hè năm ấy, ở Vérone. Vài tuần sau khi giã từ căn nhà của Weidman, tôi đã trở lại khi anh vắng mặt. Tôi bước vào. Tôi nhìn thấy trên một cái bàn nhiều bức phóng lớn tấm ảnh ấy. Tôi tự nhủ Weidman đã cho phóng lớn tấm ảnh vì nó tượng trưng mối liên hệ giữa anh với tôi, mối liên hệ chỉ hai chúng tôi biết. Trở về, tôi lấy đi một bức. Ngay chiều ấy, tôi điện thoại thú với Weidman đã lấy trộm bức ảnh. Lặng im sau lời thú. Tôi gặp lại Weidman, tại nhà anh. Sáng hôm sau, tôi tìm thấy trên bàn giấy anh bản nháp một lá thư. Thư trả lời cho một nhắn tin tìm bạn. Anh đã gửi kèm tấm ảnh với lá thư. Đúng hơn, thư trả lời được chép lại trên mặt sau bức ảnh. Anh đã rửa ảnh chỉ nhằm mục đích ấy : tặng cho người nữ vô danh tác giả lời nhắn tin hình ảnh anh trong mắt tôi hè năm ấy, ở Vérone. Cầm trên tay bản nháp lá thư, tôi thốt cười rũ rượi. Tôi bảo Ricin, Anh tưởng tượng một ông bố tính đem chiếu những tấm ảnh chụp dịp nghỉ hè. Ông lấy nhầm, và trên màn ảnh hiện lên toàn những hình khiêu dâm. Phát hiện ấy vừa kinh khiếp vừa khôi hài đến đỗi bọn trẻ con bồn chồn đấy mà cũng phải lăn ra cười.

Từ khi khám phá cuốn nhật kí, tôi cho rằng Weidman là kẻ hai mặt và còn lâu nữa sẽ vẫn là kẻ hai mặt. Từ khi khám phá cuốn nhật kí, tôi vừa chờ đợi kẻ thù, vừa lo kẻ thù bỏ cuộc, không muốn đối mặt tôi nữa. Tôi đã từ giã căn nhà của Weidman, nhưng mỗi cuối tuần tôi trở lại gặp anh. Những giờ, những ngày ở trong nhà ấy, tôi rình mò, tôi vừa sợ lại vừa mong bắt được những kế hoạch thù nghịch bí mật Weidman chuẩn bị sử dụng với tôi. Hễ có một đổi thay cỏn con nào – một cuốn sách cất sai chỗ, một bức ảnh biến mất, một bưu thiếp, vài tờ giấy đầy sít tuồng chữ nắn nót của anh xuất hiện trên chồng báo bên giường – tôi đều cho là biểu hiệu thù nghịch đối với tôi. Căn nhà của Weidman giống như bãi chiến trường sau ngày lệnh ngừng bắn. Trận địa chưa được tháo gỡ mìn. Rất lâu sau hiệp ước hòa bình vẫn còn những vụ nổ, vẫn còn những nạn nhân. Tôi tiến bước, theo sau máy dò mìn; đôi khi tôi đụng phải một cuốn sổ, vài mẩu giấy ghi vài hàng tàn tệ về tôi – đúng là đụng phải : mìn nổ đào thành một cái hố dưới chân tôi, tôi chóng mặt quay cuồng, tôi vỡ mặt, tôi tuột xuống hố, tôi nằm co quắp và không nhúc nhích nữa. Mỗi lần khám phá như vậy, tôi lại bị một ác mộng y hệt. Tôi đứng trong một hành lang dài và tối, Weidman với tôi chuẩn bị đấu súng, chúng tôi quay lưng lại nhau, bước ra xa. Một tiếng nói lạnh giá đếm từng bước chúng tôi. Thình lình tôi nhận ra khẩu súng người ta đã đưa tôi là một khẩu súng báo động. Tôi liệng súng xuống đất, quay lại, nhún vai, vẻ cam đành chịu thua. Weidman bỏ súng vào túi áo, tiến lại phía tôi, ôm chặt lấy tôi. Chúng tôi đi về phía cửa cuối hành lang. Qua cửa là một phòng ngủ. Weidman cởi áo ngoài, khoác vào lưng ghế; anh đến bên tôi, trút bỏ quần áo tôi, kéo tôi lại giường, đặt tôi nằm xuống. Rồi anh cũng lên giường, vẫn mặc nguyên quần áo, và ngủ thiếp đi. Tôi lặng lẽ ngồi dậy, lại bên ghế, lấy khẩu súng gồ lên trong túi cái áo. Tôi trở lại ngồi trên giường. Căn phòng lạnh toát, tôi run rẩy. Tôi nhìn Weidman say ngủ. Tôi kề khẩu súng bên màng tang anh. Nhưng súng chưa nổ thì tôi tỉnh cơn mê.

Ricin bảo, Em quên tình ái hôi rình. Mấy năm trời, dưới ảnh hưởng Bellemort, em dồn nén nghị lực tình cảm của em, cho nên, khi em gặp Weidman, đập nước đã bung ra tức thì. Trí não em bèn dựng lên những ảo tưởng – người nam tìm kiếm cuộc tình lớn, người nữ tìm kiếm mối đắm say duy nhất, lại được cùng ở trên một đám mây con con mà tắm tuới hương hoa cho nhau. Em đánh mất anh không muốn nói là tính khinh đời, nhưng là lương tri. Em quên tình ái chỉ là xuất hạn, xuất tinh, sinh oán hận. Một chuyện đổ mồ hôi khởi đầu trong một lúc bồn chồn kêu là tiếng sét ái tình, tiếp diễn giữa mấy tấm khăn trải giường thấm đẫm một mùi hăng nồng, dần dà chỉ còn là cận kềngày thì hai nỗi bực bội, đêm thì hai mùi tanh hôi, cho đến thất bại chót hết, lần toát mồ hôi cuối cùng vì lo sợ không còn ai bên mình để đổ mồ hôi. Vấn đề không phải là, Tình ái hôi hay thơm ? mà là, Làm sao để tình ái, thực chất thì hôi, có thể thành thơm ? Làm sao xua đuổi được những mùi phản trắc, ti tiện và dối trá dính chặt đế giày những kẻ si tình, trong khi họ cứ tưởng mình giẫm trên một tấm thảm kết bằng hoa hồng ?

Ngày đăng: 24/04/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?