Gửi bài:

Êm ả lời ru

Trưa nghe giọng Mẹ, thoáng giật mình vì bên kia đầu dây đã là cái giọng run run của người già... Có lẽ thời gian chẳng chờ đợi ai thật. Có những chuyện ngày xưa Mẹ hay nhắc giờ Mẹ cũng đã quên rồi, có những cái tên cứ ngỡ rất gần gũi, thân thuộc.... Mẹ cũng không còn nhớ rõ... Tôi lặng im thấy trong tim mình như đang hằn lên những vết nứt. Nhói đâu đó sâu trong mắt !

Nhạt nhòa.... Thời gian... làm khoảng cách ngày càng thêm nhiều là thật nhỉ?

***

em-a-loi-ru

Nhớ hồi bé, trong cái làng quê nghèo lam lũ ấy, tôi với lũ nhóc trong xóm vui biết bao nhiêu, bày đủ thứ trò để quậy phá, khi thì chơi trò cô dâu chú rể, lúc mê chơi trận giả mà hai chị em tôi ngồi cả một buổi trưa không ngủ để vót những đoạn tre nhỏ thành kiếm, thành gươm đao đủ thứ rồi rủ cả đám trong xóm lại, đứa quấn mền làm tướng quân, đứa lấy cái màn cửa đội lên đầu làm công chúa...Tối tối ra đầu ngõ có chị Nhung bán bánh kẹo, lấy của Mẹ mấy hạt điều mang ra đổi....

Có những buổi tối, vác cây ra đường hái trộm xoài nhà hàng xóm, có lúc đào khoai lang rồi cả bọn tìm một góc đốt lửa lên nướng, có cái chín, có cái khét lẹt bốc lên mùi thơm lừng, ăn chẳng được là bao mà cứ tấm tất khen ngon rồi cả bọn lại hẹn nhau ngày mai đi hái trộm bưởi nhà cô Bảy...Rồi ba tôi mất, nhà có mấy mẹ con, bữa cơm có gì ăn nấy. Nồi canh chua không cá không thịt, chỉ có mấy loại rau sau vườn, thêm mấy lát khoai mì cắt mỏng... Vậy mà nồi cơm hết trơn, mấy chị em chẳng ai đòi hỏi gì...Lâu lâu thấy Mẹ rơi nước mắt, chị em tôi chỉ biết nhìn nhau im lặng! Nhà nghèo, sáng đi học một buổi, chiều đi theo Mẹ lên rẫy hái điều. Hôm nào Mẹ ra đồng, tôi lấy xe đạp đèo con Út đi một đoạn đường rất dài, băng qua khu nghĩa địa lớn thiệt lớn, con Út hồi đó nặng hơn tôi nên chỗ nào lên dốc, tôi và nó xuống dắt bộ, tới nơi nhặt hạt điều đến tối muộn mới về, vậy mà vẫn rất hớn hở, chẳng thấy mệt tẹo nào, đêm về vẫn lăn ra ngủ khì khì...

Có những ngày nắng chang chang, hai cái đầu vàng hoe vẫn không chịu ở nhà. Hôm nào không lên rẫy, mẹ lại dặn ra ruộng rau muống, cắt rau về cho heo. Học tới cấp 3, vẫn còn đi xe đạp, chở mấy bó rau muống phía sau... Gặp bạn bè, tụi nó nhìn cười đầy khinh miệt.... Tôi vẫn lặng im trở thành một cái bóng trong lớp học, chẳng thể chơi với ai, cũng không thể hỏi bài bạn những lúc không hiểu... Chị gái đi học xa, tôi với con Út ở nhà phần ai nấy cày bài vở... Lâu lâu chị về, có chút quà là vui mừng hết biết. Xa nhau thấy nhớ lắm, nhưng gặp nhau lại không thể yên bình. Mấy chị em gái, cứ được dịp là cãi nhau om sòm...

Hôm nào được nghỉ học, tôi lén Mẹ theo bọn trẻ trong xóm đi chăn trâu ,lùa trâu ra tới nơi, cả bọn lội xuống kênh... tập bơi. Đến lúc về, đứa nào đứa nấy ướt rượt, sợ Mẹ mắng, cả lũ kéo nhau lên bờ, tìm chỗ trời nắng đứng phơi cho đến khi khô mới dám về...Cũng con kênh đó, tôi mất một người anh họ ngay giữa mùa thi lớp Tám. Ngày Anh được người ta chôn cất, đêm tôi mơ thấy Anh về mượn tôi đôi giấy thi...Nhớ lắm một người anh vô cùng tinh nghịch...

Ngày đó đường làng đất cát, nhà nào cũng có trâu bò nên phân rãi rác khắp ngõ... Anh tôi chỉ vào mớ phân trâu khô rồi thách: Ai dám lăn ngang qua, tao cho 1000đ ( Ngày đó 1000đ lớn lắm, mỗi ngày đi học Mẹ chỉ cho mỗi đứa 200đ thôi).... Xa rồi phải không anh? Nấm mồ anh giờ xanh cỏ, tôi tự hỏi có khi nào anh ở nơi ấy bình yên hơn. Tôi chưa bao giờ thắp cho anh nén nhang, ngày người ta vùi anh trong đất cát, tôi ngồi trong phòng thi thấy nước mắt mình khô khốc. 13 tuổi, tôi biết thế nào là niềm đau... Cảm nhận rõ hơn cái ngày Ba tôi mất... Lúc ấy thấy Mẹ khóc ngất, tôi chỉ biết khóc theo mà chưa thể cảm nhận hết thế nào là mất mát...Có những ngày mưa, ở nhà mấy Mẹ con ôm nhau kể lể chuyện cũ, chị hai cứ thích đòi Mẹ hát cải lương cho nghe, nói chuyện xong lại xuống nhà bếp, lục cơm nguội ăn với mắm rim mà xem như một món rất đặc biệt...

Rồi tới mùa cấy, Mẹ đèo theo tôi phía sau, dưới ruộng Mẹ nhổ mạ cột thành bó, tôi có nhiệm vụ ngồi trên cầu, dội từng bó mạ cho hết bùn, rồi Mẹ lên dồn bao, chở đi qua đám khác. Dòng nước phía dưới trong vắt, bao nhiêu là Đĩa lao theo con rạch. Tôi ngồi trên cầu, tay cầm nắm mạ dội xuống mà lạnh xương sống. Dội đến hai tay mỏi nhừ, lưng ê ẩm, mệt thì mệt, vẫn mang trong đầu cái ý nghĩ " Sau này giàu, bán hết lúa ruộng, lên thành phố, rồi cả nhà sống với nhau, sẽ chẳng lo bữa no bữa đói, sẽ không ai cười chê chị em tôi mồ côi, Mẹ tôi nghèo lam lũ nữa...

Xa quê hương, xa nhà, lâu lâu mới gọi về, nói dăm ba câu, có những nỗi nhớ chẳng thể nói thành lời... Thỉnh thoảng về nhà, thấy nhà vẫn chẳng thay đổi, Mẹ già hơn mỗi ngày một nhiều, mấy chị em đều trưởng thành hết cả... Đêm đêm vẫn cứ suy nghĩ giông dài đến ngày mai... Cũng có lúc bật khóc giữa những lo toan đời thường...Cái ước mơ cả nhà lên thành phố sống cùng nhau vẫn còn dang dở...

Ngày đăng: 08/08/2014
Người đăng: Ngân Đoàn
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Tôi là Beto
 

Các bậc cao tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có thể nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết. Còn ở tuổi của hắn, và của tôi nữa, muốn làm gì là làm ngay. Rồi sau đó mới ngồi ngẫm nghĩ tại sao mình lại làm thế, thường là trong đớn đau và dằn vặt. Để rồi lại quên rất nhanh, thiệt là may. Vì đó là tính bồng bột, người ta nói thế và tôi cũng tin như thế. Cũng như tôi tin rằng đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ, mà còn là phẩm chất của các nhà thơ và các nhà cách mạng

Tôi là Bêtô (Nguyễn Nhật Ánh)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage