Gửi bài:

Nhớ Ngoại

Chỉ còn 5 ngày nữa là tôi được về thăm ngoại... Mẹ tôi bảo thế.

Nhìn cái vali to đùng mẹ hì hục chuyển ra bến xe, trong ấy là tư trang của cả gia đình nhà tôi. Lòng tôi rạo rực nôn nao khó tả, tôi thầm đếm ngược thời gian nhưng mẹ tôi nào biết. Theo tính toán của tôi thì từ chiều nay đến cái ngày ấy là bốn ngày rưỡi.

***

nho-ngoai

Nghe tiếng còi tàu hỏa hú lên từng hồi trong chiếc tivi trên tường nhà trong bản tin chiều,tôi chợt nhớ lại giọng nói của cái cô phát thanh viên trên chiếc loa ở nhà ga Nha Trang hồi hè năm ngoái: "Kính thưa quý khách, quý khách có vé đi các ga Ninh hòa, Phú Yên ...Quảng Ngãi...Tam Kỳ..." 2 tiếng Tam Kỳ ấy cứ mãi ở trong tôi. Bởi nơi ấy là nơi tôi được sinh ra, nơi ấy có cánh đồng bao la bát ngát, nơi ấy có màu xanh của đồng lúa,có đàn cò trắng bay về núi mỗi chiều xuân, có buổi hoàng hôn đỏ rực một góc trời , nơi mà ông mặt trời to nhất, đỏ như một quả cầu lữa khổng lồ nhưng lại e thẹn mỗi khi từ từ chui xuống, rồi lẫn khuất sau ngọn núi Trà Quân. Nơi ấy có ông bà ngoại tôi luôn ngóng chờ gia đình tôi trong những ngày Tết đến...và là nơi tôi thuộc về.

Mỗi đêm về, trong giấc ngủ chập chờn nhiều những giấc mơ về. Chợt đến, rồi chợt đi như những thước phim chiếu vội. Nào chuyện ở trường ở lớp, nào chuyện ba mắng mẹ la; Duy chỉ có chuyện về quê ngoại là luôn đến với tôi trong giấc ngủ như vừa mới hôm qua.

Ngoại ôm tôi và bảo: -Mày là đương kim cháu đích tôn của ngoại... khi nào cậu út có em bé trai thì mày sẽ bị giáng chức và sẽ là phó đích tôn ...

Tôi không hiểu cái "chức đích tôn" mà ngoại nói nó quan trọng như thế nào nhưng tôi vẫn có cái cảm giác sung sướng... bởi tôi nôm na nghĩ rằng tôi là duy nhất, tôi là cái gì đó quý nhất của ngoại...Mỗi đêm về, nhìn ngoại ngồi bên chiếc máy tính. Bàn tay gõ lên bàn phím, mắt đăm chiêu nhìn vào khoảng không, lúc lúc lại nhìn vào tôi rồi ngoại lại gõ gõ. Tôi leo lên lưng ngoại muốn hỏi ngoại viết gì? Như đọc được suy nghĩ của tôi ngoại bảo:

-Yên nào...để ngoại viết mấy dòng ký, rồi một ngày kia lớn lên con sẽ đọc nghe hông.

Có lần bị mẹ đét vào mông, cái lằn còn đỏ hỏn. Ngoại ôm tôi vào lòng rồi đọc mấy câu:

"Lớn rồi con vẫn nhớ lằn roi. Mẹ dắt con qua ngưỡng cửa đời. Roi đau im lặng con không khóc. Chỉ thấy Mẹ buồn nước mắt rơi...".

Rồi không biết ngoại nói với tôi hay ngoại đang tự nói với mình:- Ôi nhớ lắm cái lằn roi của mẹ... đôi mắt ngoại dỏi theo một khoảng không vô tận... chợt buồn...

Một tiếng "Bốp" to đùng khi mẹ dùng hai bàn tay đập muỗi làm tôi tỉnh giấc, cuốn phim về ngoại trong giấc mơ cũng biến mất vào đêm. Tôi thầm tiếc nuối và có chút giận mẹ đã lấy mất ký ức về ngoại.

Thôi đành vậy, sẽ có một ngày tôi đọc lại những dòng ký kia.Tôi sẽ hiểu ngoại hơn. Nhưng tôi lại không muốn đến cái ngày mình đọc và hiểu, bởi vì đến khi tôi hiểu được ngoại nghĩ và viết nên những dòng ấy là gì thì tôi sẽ không còn nhìn thấy ngoại... Vẫn biết là sẽ đến lúc, nhưng tôi sợ lắm, tôi không muốn xa ngoại, tôi muốn được ngoại cưng và muốn giữ mãi cái chức đích tôn của ngoại phong cho biết dường nào! Nếu vài năm sau cậu út có em bé thì tôi vẫn là "phó đích tôn" của ngoại kia mà.

Sáng nay nội bảo:

-Thằng Rốt ăn ít thôi cũng được, để khi về ngoài Quảng Nam ngoại mầy bồi dưỡng cho!

Tôi đâu biết Tết là gì nhưng hôm qua trong buổi học cuối cùng cô giáo bảo:

-Thôi chiều nay các cháu nghĩ sớm về ăn tết.

Còn bà nội và mẹ tôi thì mấy ngày nay cứ cố tập cho tôi thuộc cái câu "Tết, tết, tết tết đến rồi, tết đến trong tim mọi người". Thế... tết là gì mà ai ai cũng nói chuyện Tết? Nào là về quê ăn tết, nào là sum họp gia đình, nào là ngày đoàn viên... Như ở nhà nội tôi, đến ngày hôm qua nghe đâu là 28 tết, chú Ba, cô Út của tôi cũng đã về rồi, nghe chú ba bảo:

-Ôi khủng! giá vé tết đắt thế!

Bà nội tặc lưỡi- Ngày Tết mà, đắt vậy chứ đắt hơn nữa thì mọi người cũng phải về quê...

Hàng trăm, hàng ngàn những từ ngữ lạ tai về tết cứ thi nhau chen vào trong bộ nhớ nhỏ bé của tôi...

Trong nhà, Ông nội lo sữa soạn trang trí bàn thờ, mẹ tôi tất bật vệ sinh nhà cửa. Bà nội và cô Út thì mua sắm hoa tươi...

Ngoài kia đường phố Nha Trang mỗi ngày một rộn ràng hơn trong không khí đón Tết. Hoa mai, hoa cúc, quật cảnh chen nhau trên những bãi đất rộng, mùi hương quyện vào nhau rồi tỏa ra một khoảng không vô định. Tiếng còi xe vang lên inh ỏi, từng dòng người mang theo ba lô , túi xách rồng rắn bước vội lên những chiếc xe chật ních. Thấy tôi đứng nhìn mẹ bảo:

-Họ về quê ngoại đón tết đó con, chiều mốt cả nhà mình cũng lên tàu về ngoại thôi!

Ký ức về quê ngoại trong tôi lại ùa về. Tôi như thấy mình đang trên chiếc taxi rẽ vào đường làng, con Panda đang đứng chờ ngoài cổng. 2 cô bé Nhím và Chíp vẫy bàn tay nhỏ xíu bập bẹ nói "xin chào!" Hàng chè tàu dường như cũng đong đưa đón mừng tôi, cái chàng trai năm trước từ phố Biển trở về.

Tôi như đang chìm vào trong sự rộn ràng quê ngoại ngày tết.

- Chúng bay zề ăn tết đó hãy? - Khỏe luôn chớ con? Bé Hoài.

-Chu choa, thèn Cà Rót mau lớn kinh hỉ!

-Chắc nhà Nội cưng lắm chớ chi?

-Cháu đích tôn của ông bà nứ mà!

Hàng trăm câu hỏi của các cậu, các dì, các anh chị làm cho cả Ba Mẹ và tôi không thể nào trả lời kịp. Tôi chỉ biết nỡ cái nụ cười tỏa nắng của mình đáp lễ.

-Zề là zui rồi- Mai xuống cô, xuống chú, qua nhà ông...chơi nghe. Hàng loạt những lời mời làm tôi sung sướng.

Thế rồi giấc ngủ đến với tôi từ lúc nào không rõ, tôi chỉ còn nhớ là cả nhà nội đang vui vẽ bên mâm cổ đón giáo thừa.

Tỉnh giấc vào sáng sớm mồng một tết, tôi thầm đếm chỉ còn 12 giờ nữa là tôi cùng ba mẹ lên tàu, chuyến tàu đêm sẽ đưa cả nhà tôi về đất Quảng.

Nhưng đâu phải muốn là được. Tự dưng bụng tôi đau nhói, từng cơn nôn ói tới tấp làm tôi mệt nhoài, cả nhà Nội chạy nháo nhào đưa tôi vào bệnh viện. Vừa dứt cơn nôn ói thì cái a mi đan của tôi lại sưng to, cơn sốt quái ác hành hạ khốn khổ...Thôi hết rồi giấc mơ đẹp tôi ấp ủ mấy ngày qua đã tan biến, nhìn ba mẹ đem mấy chiếc vé trả lại nhà ga mà lòng tôi quặn đau khôn tả.

Tối nay, được gặp ông bà ngoại qua face time ngoại cười bảo:

- Hông răng đâu con, ăn giỏi zô nghe.

- Hè năm ni zề chơi bới ngoại lâu hơn!

Tuy ngoại nói thế nhưng nhìn mặt ngoại là tôi biết ngoại đang buồn, tôi đưa miệng hôn lên mắt ngoại, ngoại cũng hôn lên trán tôi. Những âm thanh chụt...chụt qua chiếc điện thoại làm tôi thương ngoại đến vô cùng.

Tôi thầm nhủ: Tạm biệt ông bà ngoại nhé! Cháu nhớ ông bà nhiều lắm...

Tuy nói chưa thành câu nhưng tôi cũng đã đọc theo mẹ: "Cà Rốt chúc... ông bà... mạnh khỏe!". Những cái vẫy tay của ngoại đã biến mất vào màn hình tối ôm tự lúc nào...

Chiều Trảng Chổi. Mồng bốn Tết Mậu Tuất

Viết cho đứa cháu yêu.

Văn Lý

 

Ngày đăng: 19/02/2018
Người đăng: Ly Pham
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Life of Pi
 

Sự sống đẹp đến nỗi cái chết đã phải lòng nó

Cuộc đời của Pi - Yarn Martel

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage