Gửi bài:

Vong tiền kiếp - Phần 2

Gieo nhân nào ắt gặt quả ấy, làm chuyện ác mà muốn người không biết, trừ phi là mình đừng làm.

***

Link Phần 1: http://www.truyenngan.com.vn/truyen-ngan/truyen-ngan-kinh-di/41470-vong-tien-kiep.html

Keng keng!

Keng!

Tiếng chiêng đám ma vang đều, Kiên hai mắt rơm rớm nước. Hình ảnh ông Hòa cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện vong theo mà Kiên không hề tin, rồi đến khi cái tin trời đánh ông Hòa chết ở cái ao trước nhà, bà thầy đồng cùng nơi ở với Kiên có cùng một cái chết tương tự, khiến Kiên dần dần ý thức được mọi chuyện. Rằng cái lời đồn đại về ma quỷ mà xưa nay người ta hay nhắc tới, không phải là thứ buôn thần bán thánh, là vì thời người xưa dân trí kém tự suy diễn ra. Mà tất cả những lời đồn đại về cõi vô hình, về ma quỷ kiếp trước bám theo, về thứ vong thứ ngải, về tiền duyên thiên kiếp. Về những thứ mà trước nay Kiên không tin, không tin đến mức ghét cay ghét đắng, thì giờ đây nó lại ứng nghiệm thành sự thực.

Giữa nhà, hàng chục người đàn ông to khỏe, già có trẻ có, đang cố sức vần cỗ áo quan chứa thi thể ông Hòa. Nâng lên rồi lại hạ xuống đến mấy nhịp.

Một người chủ trì buổi lễ hô to:

- Nâng!

Tức thì cả chục người đàn ông như chỉ chờ sẵn, gồng sức nâng cỗ áo quan lên thật cao.

Người chủ trì tiếp tục hô:

- Hạ!

Cả chục người đàn ông lại tiếp tục làm theo, cỗ áo quan được đặt xuống ngay ngắn ở chỗ cũ không suy chuyển một xăng ti mét.

Hành động ấy cứ lặp đi lặp lại đến ba lần, rồi người chủ trì lại đổi khẩu lệnh:

- Xoay!

Tức thì cỗ áo quan lại xoay đầu ra ngoài, người ta quan niệm thủ tục này, là thủ tục tiễn người đã chết ra khỏi nhà. Và bắt đầu con đường đi về thế giới bên kia...

vong-tien-kiep-2

Cả chục người đàn ông làm việc tích cực, mồ hôi sớm đã thấm đẫm lưng áo. Thi thể ông Hòa bị chết trương ở giữa ao, nên nặng hơn người bình thường đến cả lần rưỡi, cỗ áo quan nặng nề, nên càng phải nhiều người hợp sức mới được.

Kiên mặc áo tang, đeo khăn tang, mắt hoe đỏ chống gậy cho bố. Đối diện mà mẹ Kiên đang kêu gào khóc lóc thảm thiết, thằng em trai của Kiên thì trên mặt cứng đơ, đuôi mắt ngơ ngác nhìn xung quanh, với cái độ tuổi hơn mười của nó, thì cái thứ cảm giác mất mát bố vẫn chưa hằn sâu quá lâu. Khuôn mặt nó vô cảm, không một giọt nước mắt rơi xuống mà Kiên cũng chẳng buồn trách.

Sau buổi lễ nhập niệm, là cả đêm ba người nhà Kiên phải trông xác ông Hòa dưới cái ngọn đèn leo lắt.

Người ta quan niệm khi người mới chết, linh hồn vẫn còn rất yếu ớt, vẫn còn phải dựa vào thân xác. Cho nên nếu muốn người quá cố được sống tốt đẹp ở thế giới bên kia, thì trong những ngày đầu người mới chết, phải bảo vệ xác người quá cố khỏi những vật tà khí đụng chạm, cho đến khi cái xác hạ huyệt thì linh hồn mới đủ cứng cỏi cho quá trình sau đó.

Trong đó, vật chí tà cực hung có quan niệm đến những vật màu đen, được người ta quan niệm là sứ giả của âm ti như mèo đen, quạ, hay giống chim lợn là phải tuyệt đối đuổi chúng đi. Bằng không một khi để những thứ này tiếp cận gần cái xác, linh hồn mới rời khỏi nơi trần thế, lập tức hồn phi phách tán, biến mất không còn, ngay cả thế giới bên kia cũng không thể đến được.

Kiên thức trắng cả đêm, đến sáng hôm sau đã muốn có cảm giác gục xuống.

Đúng sáu giờ sáng, trưởng dòng họ Vũ là ông Tuấn có mặt, dẫn theo một vị sư trẻ tuổi độ tầm ngoài ba mươi đi vào giữa buổi lễ.

Vị sư trẻ tuổi ngồi xuống chính giữa, làm lễ siêu độ cho người đã chết. Hai bên người nhà, họ hàng xếp thành hai hàng dài quỳ tay chắp lạy hai bên chuẩn bị cùng thầy làm lễ siêu độ.

Ông Tuấn trước tiên cất giọng trầm trầm đầy quyền uy nói:

- Bây giờ bác Hòa chết bất đắc kỳ tử như thế, tôi thân là trưởng họ phải làm chuyện này cho rõ ràng. Phàm là người chết đuối đều có hung nghiệp nặng lắm, chết trước ao nhà, lại là vào buổi sớm. Điều này cho thấy hẳn là có nguyên do liên quan đến tâm linh chứ chẳng chơi...

Ông Tuấn chép miệng lại nói tiếp:

- Nhân có thầy Thích Quang Nhiên đi qua chi đà chùa Hạ Yên, lại nghe nói thầy là người hay đăng đàn giảng đạo, phật pháp hiểu rõ sâu rộng, nên tôi thân là trưởng họ Vũ mạn phép đại diện mời thầy đến đây làm lễ nhập siêu cho bác Hòa, rồi tiện đây muốn xin thầy xem cho cái chết của bác Hòa có phải là một cái chết bình thường hay không, hay lại là giống ma quỷ hại tính mạng của bác ấy, là do người có lòng dạ hiểm độc bày bùa bày ngải...

- Họ Vũ ta xưa nay sống ở làng Hạ Yên này, tích nhân tích đức, nhưng cũng có không ít kẻ ghen người ghét, làm ra những chuyện không ra tính người...

Ông Tuấn nói đến đây, mắt đảo ra ngoài, trong lời nói của ông ẩn chứa rất rõ ràng hàm ý trong đấy.

Chuyện là ở làng Hạ Yên này chia phe chia cánh, có năm đến sáu họ tranh dành nhau quyền thế, mà họ Vũ là một trong số ấy.

Ông Hòa tuy không phải là trưởng họ Vũ, nhưng cũng là ông trẻ trong họ có quyền có tiếng nói. Tính ông xưa nay nóng nảy, lại kiệm lời nên không ít lần gây thù chuốc oán với người khác họ, rồi cũng có người vì tức vì giận, có đôi khi nói thác: "Tao mà có bùa có ngải, có ngày tao phải bỏ bùa chết hết cả cánh nhà họ Vũ, cái loại ti tiện mất nhân mất nết..."

Ở cái đất làng Hạ Yên này, dòng họ chia phe chia cánh, rồi chia đạo này phái kia. Người theo đạo phật, người theo đạo thiên chúa, mỗi bên lại có một chủ nghĩa duy tâm riêng biệt không ai chịu phục ai. Có những khi trai trẻ trong các họ, vì lời qua tiếng lại xích mích, mà vác gậy gộc đuổi đánh lẫn nhau. Vì vậy dẫu là bình thường trông có hòa thuận lắm đấy, nhưng bên trong là chỉ cần xểnh ra một cái là lập tức có người chơi xỏ, rồi có người dùng mưu hèn kế bẩn ám hại lẫn nhau ra trò.

Đối với chuyện xảy ra ở làng Hạ Yên, Kiên thân là độc đinh trong họ Vũ, nhưng cũng không mặn mà gì mấy trò này. Còn về cánh ông Tuấn, thì hễ có cơ hội, là lập tức kiếm cớ lôi ra bới móc đếm xỉa xỏ xiên chĩa mũi dùi về phía họ khác để lấy lại vị thế của mình. Vì vậy chuyện ông Hòa chết, với cái chết không rõ lý do, lại càng là một cái cớ lớn để cánh ông Tuấn lợi dụng mà ám hại họ khác cho ra trò. Trong đó ở cái làng Hạ Yên này thì họ Nguyễn là một trong những cái họ bị họ Vũ ghét cay ghét đắng nhất.

Lần này ông Tuấn muốn chĩa mũi dùi, không ai khác là vào họ Nguyễn kì phùng địch thủ. Chỉ cần họ Nguyễn bị vạch mặt khiến cả làng ghét cay ghét đắng, thì ở cái làng Hạ Yên này, không chỉ họ Vũ được ngẩng cao đầu, mà họ Nguyễn cũng không còn đất sống ở làng này nữa. Đến khi ấy thì cánh họ Vũ dành chiến thắng sẽ thỏa mãn tâm nguyện bấy lâu...

Thầy Thích Quang Nhiên gật đầu, thầy cầm cái mõ đặt xuống trước mặt. Bắt đầu dùng gậy gỗ nhỏ gõ đều đều rồi trầm ngâm đọc kinh siêu độ...

Chốc chốc, thầy lại cầm một mớ tiền vàng ném ra trước mặt...

Buổi lễ kéo dài đến hai ba tiếng, lúc này đột nhiên thầy Thích Quang Nhiên chợt mở to hai mắt quát lớn:

- Cậy nắp áo quan ra!

Thầy dùng cái gậy gỗ trỏ thẳng vào áo quan ông Hòa với vẻ nghiêm trọng.

Ông Tuấn lập tức chớp lấy cơ hội nói lấy nói để:

- Đấy tao đã nói rồi mà, là có người giở trò chứ không sai...

Thanh niên họ Vũ nhanh chóng chạy đến cậy nắp áo quan...

Kịch!

Nắp áo quan nhanh chóng được mở ra, bên trong là xác ông hòa trắng bềnh bệnh trương phềnh, đã nhìn không ra mặt mũi. Cái xác được lau chùi kĩ càng sạch sẽ, mắt ông Hòa trước đấy cũng đã được vuốt vào nếp cho ngay ngắn, hai bàn tay đặt xuôi.

Vậy mà bây giờ bên trong áo quan, mắt ông Hòa đang mở to trợn trừng, hai đôi tay cứng ngắc vươn lên. Nắp áo quan vừa mở ra hiện ra cảnh tượng bên trong, lập tức khiến không ít người giật bắn mình xanh mặt. Trẻ con thì còn có đứa khóc thét lên vì sợ hãi...

Ông Tuấn lắp bắp nói:

- Rõ ràng là chính tay tôi đã vuốt mắt cho bác Hòa rồi cơ mà, sao bây giờ lại như thế này...

Ông Tuấn ngồi phịch xuống đất kinh hãi.

Nắp áo quan đóng lại, rõ ràng là được đóng bằng đinh ghìm chặt, cái áo quan được trông cả đêm. Vậy thì không thể có lý do gì mà có người ở ngoài lẻn vào cậy nắp cỗ áo quan phải cả chục người mới cậy được mà giở trò này. Vậy thì chỉ có thể có một câu trả lời để lý giải duy nhất, chính là tự cái xác đã mở mắt, tự nó đã đưa tay giơ lên...

Thầy Thích Quang Nhiên hai mắt nhắm nghiền, bàn tay liên tục chạm chuỗi tràng hạt vê tròn một vòng.

Thầy chép miệng nói:

- Cái chết của vị thí chủ này là có ẩn khúc, đúng như vị thí chủ này nghĩ đến. Cái chết này không phải do tai nạn, mà đích thực là có oan nghiệp của loài ma quỷ tạo nên.

Thầy Thích Quang Nhiên nói đến đây, cả hội đám nhiều người đều xanh mặt, không khí tang tóc càng thêm nồng đậm. Rõ ràng là từ một đám tang bình thường, vậy mà giờ đây lại dẫn đến chuyện có ma cỏ hại tính mạng người...

Thầy Thích Quang Nhiên gọi riêng người nhà, trong đó có cả Kiên lại một chỗ hỏi thăm:

- Gia chủ chết, có phải là trước đấy đã từng tạo oán nghiệp với người cõi âm hay không?

Bà Hường mẹ Kiên chắp tay vừa khóc vừa mếu máo nói:

- Lạy thầy, ông nhà con xưa nay có bao giờ dính vào mấy cái chuyện tâm linh này. Mà ma quỷ thế nào thì con cũng không biết...

Thầy Thích Quang Nhiên chắp tay chép miệng:

- Muốn thầy trừ cho cái nghiệp này, thì phải nói rõ cho thầy cái căn nguyên thì mới rõ được nhân quả, thì thầy mới giải cho được... Người nhà cứ nghĩ kĩ lại xem, có phải ông nhà trước đây đã có điều gì xúc phạm tâm linh hay không, và xúc phạm ở chỗ nào, xảy ra như thế nào. Dù là chi tiết nhỏ như thế nào cũng phải nói rõ cho thầy, thì thầy mới giải được cái vong nghiệp này...

Thầy vân vê chuỗi tràng hạt, miệng liên tục lẩm nhẩm đọc kinh phật trong miệng. Chính thầy lúc này cũng đang toát mồ hôi, vì thầy cũng có cảm giác được, mọi chuyện là không hề đơn giản một chút nào.

Bà Hường cứ khóc như ri, ngồi lên rồi lại sụp xuống, không khí tang tóc nồng đậm, lại càng làm bà Hường thêm hoảng loạn. Rồi chốc lát vì quá mệt do đã thức cả đêm, lại thêm suy nghĩ nhiều, bà Hường ngất đi...

Kiên vội đỡ bà Hường vào buồng trong nghỉ, rồi mới trở ra.

Lúc này nghĩ đến chuyện oán hồn của Duy, Kiên nghĩ mình không nên giấu giếm chuyện này. Cái chết của người đàn bà làm nghề lên đồng cùng khu trọ của Kiên, với cái chết của ông Hòa, tương tự đều rất có thể liên quan đến cái vong của Duy.

- Thưa thầy...

Kiên chợt đứng trước thầy Thích Quang Nhiên, giọng tần ngần ấp úng, cuối cùng đem chuyện của Duy kể rõ tường tận cho thầy Thích Quang Nhiên.

Thầy nghe xong, liền chắp tay niệm tràng hạt, chép miệng nói:

- Vậy thì đúng, thầy cũng tính ra được là có thứ vong nghiệp ám hại, nhưng nếu đúng là như lời bà ấy nói. Rất có thể vòng nhân quả này liên quan đến thí chủ, đã là như vậy, tự khắc ta sẽ có cách phá giải... Còn giờ thì cái xác này tuyệt đối không được chôn, phải để đúng bảy ngày để thầy trục oán nghiệp bám vào rồi mới được khâm niệm lại, trong bảy ngày ấy, thí chủ phải túc trực bên thầy, bày ra ba mươi sáu ngọn nến trông coi...

Thầy Thích Quang Nhiên nói xong, lui vào buồng trong chuẩn bị, lại dặn dò ông Tuấn đại sự là không cho người ngoài làm phiền, để thầy và Kiên cùng làm lễ siêu độ vong nghiệp.

Kiên tần ngần, mà không hiểu vì sao thầy lại làm như vậy, liền hỏi:

- Thưa thầy, vì sao lại phải bày ba mươi sáu ngọn nến để trông coi?

Thầy Thích Quang Nhiên kiên trì giải thích:

- Cái vong này nặng lắm, nó chia làm bốn mươi bốn phần hồn và phách, lần trước thí chủ kia giải lễ siêu độ, chỉ trục được tám phần trong bốn mươi bốn phần hồn phách của nó. Đạo hạnh của thí chủ ấy không đủ để trục hết, nên chỉ làm cho cái vong mất đi hình thái nhìn được bằng mắt, còn thực thể nó vẫn còn tồn tại và không tổn hại quá nhiều. Hậu quả là vì đạo hạnh chưa đủ, thí chủ ấy đã tự hại người hại mình... Gia chủ đây cũng là vì chuyện ấy mà bị liên lụy...

Thầy dừng lại một chút rồi lại nói tiếp:

- Thầy bày ra ba mươi sáu ngọn nến, chính là vì muốn thu thập đủ ba mươi sáu phần hồn phách này của nó, siêu độ cho nó thoát ly, đã là vong thì phải giải, mà đã giải thì phải giải cho tới nơi tới chốn. Bằng không chỉ cần còn lại một phần hồn phách của cái vong, cũng đủ hại chết tất cả người có dính đến vong nghiệp của nó. Phật pháp chủ trì siêu độ, cảm hóa nhân duyên, không chủ trì hủy diệt... Nên thầy phải cần bảy ngày để cảm hóa ba mươi sáu phần hồn phách này, rồi đem về chùa Quang Tự phong ấn ở đấy, sau này ngày ngày đăng đàn giảng đạo, vong nghiệp này tự khắc tiêu tán oán niệm, lập tức siêu độ, thí chủ có hiểu chưa?

Thầy Thích Quang Nhiên giải thích xong, chăm chú nhìn Kiên với đôi mắt quan sát nồng đậm, nhìn rõ ý vị trên khuôn mặt của Kiên.

Kiên nghe xong có đôi chút đã hiểu được phần nào, thì ra cái chết này xảy ra, là liên quan đến việc bà đồng cùng nơi ở của Kiên đạo hạnh không đủ, dẫn đến phản lại oán nghiệp, hậu quả là ngay cả ông Hòa ở quê nhà có chút oán niệm với vong hồn của Duy, cũng bị Duy hại chết.

Sau khi được thầy Thích Quang Nhiên giải thích, đám tang tạm thời được hoãn lại để thầy lập đàn nhập siêu. Gia đình Kiên phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trong bảy ngày, trong bảy ngày này tuyệt đối nguy hiểm. Thầy Thích Quang Nhiên nhắc đi nhắc lại, chỉ cần một ngọn trong ba mươi sáu ngọn nến bị tắt, tức là đăng đàn bị hỏng, khi ấy cho dù trời cũng không cứu được... Bao gồm lúc ấy ngay cả thầy Thích Quang Nhiên cũng gặp nguy hiểm, tuy nhiên thầy cũng trấn an mọi người rằng không có việc gì phải lo lắng, bởi bảy ngày niệm phật sẽ tuyệt đối an toàn, đạo hạnh của thầy đủ để giải nghiệp Vong này.

Kiên ngồi trước cỗ áo quan của ông Hòa, liên tục chắp tay đọc theo lời kinh phật mà thầy Thích Quang Nhiên đọc to bên ngoài.

Cả bầu không khí âm u đến rợn người.

Ngoài ngõ, hàng trăm người dân bu kín vây quanh, nghe nói có thầy đăng đàn giải vong hại người nên đến xem rất đông.

Có người còn lập bát nhang, lập mâm cúng thắp hương khói hy vọng đô siêu thành công, vong nghiệp sẽ được giải.

Một ngày.

Hai ngày.

Ba ngày.

Bốn ngày.

Năm ngày.

Rồi đến ngày thứ sáu, bất chợt có tiếng thét kinh hãi của bà Hường ở trong nhà vọng ra. Bà Hường sắc mặt thất thểu khóc rú lên chạy ra khỏi nhà, rồi ngã xuống đất cố sức chạy. Giữa đường, bà hường ngã xuống sân đất trước nhà ngất đi, ông Tuấn thấy sự lạ, lập tức chạy như bay vào trong nhà theo dõi sự tình.

Chỉ một lát sau, lập tức có tiếng kêu thảng thốt của ông Tuấn vọng ra:

- Ôi trời ơi thầy ơi...

Chỉ một tiếng kêu như thế, lập tức đám thanh niên họ Vũ cũng không kìm được mà nhảy vào trong nhà để xem có chuyện gì xảy ra. Lát sau ba bốn người thanh niên sắc mặt cắt không còn giọt máu, chạy như bay như biến ra khỏi nhà vì kinh hãi.

Chỉ có giọng ông Tuấn, dù có hơi run nhưng vẫn vang ra đều đều:

- Chúng mày... chúng mày đem xác thầy ra ngoài... rồi một thằng chạy qua chùa Hạ Yên báo với bên ấy, còn thằng Kiên thằng Thắng thì xốc chúng nó lên đưa ra trạm xá xã, nhanh lên...

Ông Tuấn vừa run giọng sợ hãi, vừa thúc giục ba bốn người thanh niên còn dám đứng lại phân việc.

Trong nhà, hai người thanh niên lần lượt đem Kiên và Thắng em trai của Kiên cõng trên lưng, lao vào đám đông chạy về hướng trạm xá xã. Hai người thanh niên còn lại, cùng với ông Tuấn, dần dần run run bê xác thầy Thích Quang Nhiên dần xuất hiện trước mắt của cả trăm người.

Xác thầy tái xanh, miệng há to nhìn hốt hoảng, mặt thầy tím tái lại như bị thứ gì bóp cổ đến tắc nghẹt cả máu. Cái xác thầy cứng đơ khô đét, màu áo cà sa đều bị nhuốm thành nhiều vệt nâu khô lại vì máu trào ra từ miệng thầy.

Thầy Thích Quang Nhiên đã chết, không ai biết thầy đã chết cách đấy bao lâu, nhưng nhìn vào sắc mặt bà Hường, cùng với việc bà Hường vừa mới chạy ra, thì cái chuyện động trời này mới xảy ra chứ chẳng lâu hơn được.

Sau lúc ấy vài phút, có khoảng năm sáu người mặc áo sư sãi tách từ trong đám đông đi đến, đi đầu là một người mặc áo cà sa màu vàng, là trụ trì chùa Hạ Yên cùng tăng đồ trong chùa đi tới.

Thầy chắp tay miệng nói:

- A di đà phật! Thầy Thích Quang Nhiên đã viên tịch, thỉnh thí chủ trợ giúp nhà chùa đem di thể của thầy về chùa Hạ Yên, để nhà chùa làm lễ siêu độ...

Trụ trì chùa Hạ Yên sắc mặt thoáng xanh, đủ thấy cũng vì chuyện này mà sợ hãi, nhưng dù sao thầy cũng là người nhà chùa, nên vẫn cố giữ được nét trấn tĩnh của người đứng đầu, mà mở miệng nhờ cậy.

Ông Tuấn lúc này tinh thần hoảng loạn, không biết phải làm sao, lại nghe thầy trụ trì nói như vậy thì như có được cọng rơm cứu mạng liên tục nói:

- Vâng vâng thưa thầy, chúng con xin làm ngay...

Ông Tuấn nhanh chóng sai sử hai thanh niên họ Vũ, đem xác thầy Thích Quang Nhiên sang chùa Hạ Yên, rồi lúc này họp mặt họ hàng bàn bạc:

- Bây giờ chuyện đã ra cớ sự này, bác Hòa cũng không thể để mãi như vậy, theo tôi thấy thôi thì tạm thời chôn bác Hòa cho nó an tĩnh, rồi về cái chuyện giải hạn làm lễ này ta từ từ tính sau?

Ông Tuấn lên tiếng hỏi ý kiến mọi người xung quanh, lập tức có tiếng râm ran phản đối. Một người đàn ông trung niên họ Vũ đứng phắt dậy nói:

- Ông trưởng họ nói thế là không được, phàm đã đụng vào cái thứ tâm linh là không thể bất kính, bằng không rước họa vào thân thì ông có chịu nổi hay không? Theo tôi thiết nghĩ nhà chùa không có đủ tài làm cái việc ấy, thì ta để việc ấy cho bên nhà thờ, tôi nghe nói mấy ông cha sứ là cũng trừ tà hiệu nghiệm lắm!

Người đàn ông trung niên nói xong, lập tức có không ít âm thanh đồng tình.

Ông Tuấn chau mày, nghĩ cũng phải.

Rồi ngay buổi tối hôm ấy ông cùng đám người họ hàng, qua nhà thờ mời cha sứ nhà thờ Hạ Yên qua để làm lễ.

Cha sứ nhà thờ Hạ Yên lập tức nhận lời, ngay đếm ấy cùng người nhà họ Vũ qua nhà ông Hòa. Đem theo nước thánh, kinh nhà thờ một cuốn cùng với giáo dân đồng thời tiến vào bên trong làm lễ rửa tội cho hết loạt người trong nhà.

Rồi ngay trong đêm cha sứ hạ lệnh cho người nhà niệm áo quan lại một chỗ, cha sứ đọc kinh khu trừ ma quỷ. Ngay đêm ấy lại cho người nhà hạ áo quan của ông Hòa chôn ngay dưới đất. Lại đặt thêm một biểu tượng cây thánh giá trước mộ để trấn yểm, làm xong những chuyện ấy, cha sứ cam đoan là đã diệt trừ được loài ma quỷ. Đưa ra lời khuyên cho người nhà, rồi trở về nhà thờ Hạ Yên ngay trong đêm.

Nhưng mà có vẻ như mọi chuyện chưa dừng lại và mọi người đã lầm.

Ngay sáng hôm sau, người ta phong phanh đồn âm lên là đêm qua trong nhà thờ sứ Hạ Yên có tiếng thét hoảng loạn rất lớn, rằng vị cha sứ của nhà thờ sứ Hạ Yên vì dính vào Vong nghiệp mà cũng chết nốt.

Đến chiều, giáo dân cạy cửa nhà thờ, và quả nhiên đã phát hiện ra cha sứ chết há hốc miệng, mặt mày kinh hãi xanh mét, nhìn qua rất giống với cái chết của thầy Thích Quang Nhiên...

Giáo dân không ít người tức giận, cho rằng là vì họ Vũ hại cha sứ chết, nên kéo đến trước cửa nhà ông Hòa kêu gào rất đông, không ít cánh bên nhà Phật cũng kéo ra chửi bới loạn là vì cha sứ tay nghề kém nên mới chết. Cả hai bên chia phe chia cánh chửi bới rồi cuối cùng đánh nhau loạn hết cả lên.

Về phần ông Tuấn, mấy ngày hôm nay liên tục gặp ác mộng, đêm nào ông cũng mơ thấy hình đứa trẻ bóng trắng bệch hiện về đòi mạng.

Rồi đấy cũng chẳng được ít ngày sau, người ta phát hiện ra ông Tuấn cũng chết.

Ông Tuấn chết vì suy nhược quá độ, vì lo vì nghĩ mà không ăn không ngủ. Đến khi đến trạm xá xã truyền nước thì đã không thể cứu được nữa.

Sự việc càng ngày càng diễn biến hoang mang cực độ, cả làng Hạ Yên nháo nhác. Có người vì sợ mà bỏ lên chùa cả tuần mới về, cũng có người thì bỏ làng vì muốn là vong không theo được mình.

Kiên cả tuần trầm ngâm suy tư, anh không nghĩ là mọi chuyện lại diễn biến đến kết cục này. Nghĩ lại cái ngày ấy, cái ngày mà Kiên đón Duy vào nhà rồi cho nó ăn cơm trắng, Kiên không nghĩ chỉ vì một chuyện đơn giản như vậy mà khiến anh vướng vào một loạt oán nghiệp sâu đậm.

Cứ như vậy khoảng hơn một tháng trôi qua.

Một hôm Kiên thất thểu ngồi trước nhà. Bất chợt anh nom thấy có bóng một người đàn ông râu dài, độ tuổi ngoài sáu mươi, đang khoác tay nải từ bên ngoài gọi với vào:

- Có ai ở nhà không?

Tiếng ông lão già nua, nhưng vẫn còn vang lắm.

Kiên vội đứng phắt dậy chạy ra phía cổng, giọng lễ phép nói:

- Cháu chào ông, ông tìm ai ạ?

Ông già dáng vẻ đạo mạo, lại càng giống nhà nho thời xưa, vẻ mặt hiền từ nói vang:

- Tôi là thầy của con Hiền...

Ông lão nói xong vuốt chòm râu chờ đợi, còn Kiên vừa nghe tới chữ Hiền thì liền lắp bắp nói:

- Hiền... Hiền nào ạ... Không nhẽ là chị Hiền...

Ông lão gật đầu nói:

- Phải, là cái Hiền mà cậu biết đấy. Cậu xem tôi còn dẫn ai tới đây...

Ông lão chép miệng, nói xong rồi chỉ tay về phía sau lưng. Kiên lúc này mới để ý sau lưng ông lão có hai người, hơn nữa hai người này lại còn cực kỳ quen thuộc. Đó chính là hai mẹ con trong cùng khu trọ lúc trước của Kiên, còn người phụ nữ tên Hiền mà ông lão nhắc đến, không ai khác chính là người phụ nữ làm nghề lên đồng ở khu trọ, là người đã làm lễ nhập siêu trước đây và đã chết.

Kiên thoáng kinh hãi, kinh hãi vì không biết tại sao ông lão này lại biết nhà mình, còn kinh hãi hơn nữa là vì sao ông cũng dẫn cả hai mẹ con kia đến đây. Chính bà Hiền lúc trước đã nói, bà ấy, Kiên và hai mẹ con nhà này là những người có vận mệnh giải vong nghiệp. Kiên nghĩ lại chuyện này mà dần hiểu ra mọi chuyện...

- Cậu không định mời chúng tôi vào nhà sao?

Ông lão thoáng mỉm cười nói.

Cái vẻ cười của ông lão sao mà hiền hậu, lại có cảm giác làm cho Kiên cảm thấy an tĩnh lạ thường. Kiên nói:

- À vâng, mời cụ vào nhà...

Kiên rót chén chè, mời ông lão uống nước, lại tiện tay rót chén chè mời người phụ nữ với đứa con nhỏ.

Ông lão nhấp chén chè chép miệng rồi nói:

- Hôm nay tôi đến đây, là để giải quyết nốt việc còn dang dở, cũng là giải quyết nốt cái hậu quả của việc con Hiền học nghề không đến nơi đến chốn rồi hại người ta đến tan cửa nát nhà...

- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là truyền nhân hai đời của cụ Trịnh Cung. Là người đầu tiên theo đạo toán thuật của nước mình, đoán được chuyện âm dương quỷ thần. Truyền nhân của cụ thường ít xuất hiện ở đời, chỉ có con Hiền là ngoại lệ, phá đạo khi chưa học hết nghề, rồi đi làm cái nghề mà thế gian khinh thường là buôn thần bán thánh.

- Mấy hôm trước tôi có tính được có chuyện chẳng lành, rồi tính ra được con Hiền đã chết. Sau hôm ấy tôi lập tức tính được đến đây là có vong nghiệp xuất hiện, lại toán thuật được kiếp trước của cái vong nghiệp này. Nên hôm nay tôi đến để giải vong nghiệp, đồng thời cũng là để kể rõ vong nghiệp kiếp trước tại sao lại tạo thành oán nghiệp sâu đậm đi theo cậu như vậy.

Ông lão nói xong, chép miệng uống trà, rồi kể liền một mạch nói:

- Cái vong này kiếp trước với cậu sinh ra là hai anh em trai trong cùng một nhà, hai anh em rất hòa thuận. Một ngày cậu gặp một người phụ nữ, và đem lòng yêu cô ta. Nhưng người phụ nữ này lại không hề thích cậu, mà lại thích anh trai của cậu. Từ đó cậu sinh ra lòng ghen ghét đố kỵ, rồi khi người phụ nữ ấy và anh trai của cậu thành vợ thành chồng, cậu vẫn không từ bỏ tâm niệm. Sau này anh trai cậu đi vắng, cậu đã đang tâm cưỡng bách chị dâu mình làm chuyện nghịch đạo lý, rồi mang thai đứa con không phải của anh trai cậu. Anh trai cậu biết chuyện, tức đến cắn lưỡi mà chết, oán hồn tích tụ thành một đoàn vong nghiệp, chuyển giới đầu thai nhưng không thành, cuối cùng lại thành vong hình một đứa trẻ. Nó vẫn kiên trì chờ đợi, rồi chờ đến kiếp này...

- Cái vong nghiệp ấy cứ chờ, rồi lại chờ, chờ mãi cho đến khi cậu được đầu thai. Thì nó cũng đã vơi đi gần hết ký ức, chỉ còn giữ được cái tâm niệm là phải bám theo cậu. Khi cậu cho nó ăn cơm trắng, thì lại càng làm cho nó thức tỉnh một phần ý niệm mà bám theo cậu. Và khi con Hiền làm ra chuyện dại dột, diệt tám phần hồn của nó, mới làm nó triệt để thức tỉnh lại ký ức kiếp trước, oán nghiệt sâu đậm hình thành nhớ lại mà trả thù cậu. Trước tiên là muốn giết hết người thân của cậu, những người có tà niệm ác ý với nó, rồi đến một ngày mới giết cậu để trả thù.

Ông lão nói xong lại chỉ vào người phụ nữ và đứa trẻ nói:

- Cậu đoán xem cô ấy và đứa con cô ấy có thân phận gì kiếp trước?

Kiên lắp bắp:

- Chẳng lẽ là, chị dâu và đứa con của cháu kiếp trước?

Ông lão gật đầu nói:

- Phải, mà cũng không phải...

Kiên lung túng nói:

- Ý cụ là sao mà cháu không hiểu ạ?

Ông lão nói:

- Cô ấy xác thực là chị dâu của cậu kiếp trước, còn đứa trẻ thì đúng là đứa trẻ của kiếp trước, nhưng nó lại không phải là con của cậu...

Kiên nói:

- Không phải con của cháu kiếp trước? Vậy ý cụ nói là anh trai kiếp trước của cháu đã hiểu lầm cháu sao?

Ông lão hơi trợn mắt nói:

- Nó xác thực là con trai của anh trai cậu kiếp trước, nhưng về chuyện thương thiên hại lý kiếp trước cậu làm thì không sai vào đâu được. Nhưng đối với tôi, chỉ một phần nhỏ này thôi, là đã đủ siêu độ cho anh trai của cậu rồi...

Ông lão cười nói tiếp:

- Bây giờ tôi sẽ gọi anh trai của cậu hiện hồn, đồng thời đánh thức ký ức một phần kiếp trước của cậu, để cậu tạ lỗi với nó. Hơn nữa tôi sẽ giải thích với nói mọi chuyện, hy vọng nó sẽ hiểu mà từ từ tiêu tan oán niệm đối với cậu...

Ông lão nói xong liền phất tay, một đạo bùa chú hiện lên bay lập lòe ánh lửa. Từ trong không khí một vệt trắng nhàn nhạt dần hiện ra, là bóng hồn của Duy. Cái bóng hồn dần hình thành ý niệm, từ trong khuôn mặt nó biểu hiện vẻ giữ tợn nhìn Kiên đầy thù hằn.

Ông lão lại phất tay một cái nữa, oán hồn của Duy lại dần dần biến ảo lớn lên, thành một người lớn có tướng mạo đẹp trai từng trải, tuy nhiên trên đôi mắt của oán hồn vẫn hiện vẻ oán hận sâu đậm.

Ông lão tiếp tục phất tay ném ra bùa chú, trong mắt Kiên dần xuất hiện vẻ mê mang. Người phụ nữ cùng đứa con cô ta cũng hiện vẻ mê mang theo cùng... Miệng ông lão lầm rầm chú ngữ, rồi miệng Kiên cũng đồng thời mấp máy theo. Người phụ nữ cùng đứa con cô ta trong vẻ mộng mị cũng đang phân trần.

Cái vong hiện vẻ thoáng giữ tợn, dần dần chuyển sang phẫn nộ.

Rồi ông lão liên tục lẩm nhẩm, phải mất một thời gian thật lâu sau, vẻ mặt của cái vong mới dần chuyển sang hòa hoãn.

Cuối cùng một cỗ ý niệm tức giận còn sót lại cũng triệt để tiêu tan, cái vong hướng ông lão bái lạy một cái, rồi trực tiếp tan biến.

Đúng lúc này Kiên và người phụ nữ cùng đứa trẻ hoàn hồn tỉnh lại. Kiên chỉ biết mọi chuyện vừa rồi đều rơi vào mắt Kiên, nhưng lại như có một con người khác trong Kiên thức tỉnh điều khiển Kiên trỗi dậy. Tận cho đến lúc mọi việc qua đi, mà Kiên vẫn không biết là mình đã nói gì với oán hồn của Duy.

Xong việc, ông lão, người phụ nữ và đứa trẻ lập tức cùng nhau đi ra khỏi cửa.

Trước khi đi ông lão còn quay lại dặn dò Kiên vài câu:

- Cậu hãy nhớ kĩ, dẫu là kiếp này làm ác không nhận hậu quả, nhưng kiếp sau tất báo. Mà phàm là người thì tất sẽ có nhân quả, tất sẽ gặp vong nghiệp, vì vậy nếu không muốn rước họa vào thân, thức tỉnh vong nghiệp kiếp trước, tuyệt đối gặp người lạ đừng cho ăn cơm trắng, đây không phải là lời nói đùa, mà là thực nghiệm của thế nhân. Nhớ kĩ...

Ông lão nói xong, giọng cười sang sảng bước đi, cùng người phụ nữ và đứa trẻ biến mất sau cánh cửa gỗ.

Sau bao nhiêu chuyện trải qua, Kiên dần như lấy lại được cuộc sống của mình. Sau ngày hôm ấy, Kiên không còn bất cứ cảm giác bất an nào, mà chỉ cảm thấy rất nhẹ nhõm, giống như tinh thần lao tù cuối cùng cũng đã được tự do. Những chuyện về ma về quỷ xảy ra mấy tháng qua, cuối cùng cũng đã giải. Vong nghiệp kiếp trước cũng đã dứt, người ta nói quả thật không có sai. Gieo nhân nào ắt gặt quả ấy, làm chuyện ác mà muốn người không biết, trừ phi là mình đừng làm.

Ngày đăng: 30/09/2016
Người đăng: Hoang Dinh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Đừng tùy tiện khóc
 

"Thần Tử nhớ lấy, sau này đừng tùy tiện khóc với đàn ông. Khóc thì nhiều nhất cũng chỉ khiến đối phương khó xử, không thể thay đổi được gì cả. Người yêu thương con thật sự sẽ không dễ dàng khiến con khóc; người làm con khóc, hầu hết là sẽ không quan tâm đến nước mắt của con"

Con đường đưa tiễn đầy hoa - Thanh Sam Lạc Thác

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage