Gửi bài:

Phiên chợ xưa

Bây giờ chợ khác xưa lắm rồi. Những quán lá được xây dựng khang trang. Mặt bằng chợ không còn bằng đất bẩn thỉu, ướt nhẹp mà được đổ lớp bê tông sạch sẽ. Phương tiện đi lại mua bán cũng không còn là quanh gánh, xe thồ, xe đạp nữa mà thay vào đó là xe máy, xe ba gác, ô tô...Chợ phiên bây giờ dù có thay đổi đến bao nhiêu thì những hình ảnh đẹp ngày ấy cũng không bao giờ phai mờ. Con người với con người vẫn giữ nguyên hồn quê trong sáng trên thương trường nhỏ bé. Có lẽ nó luôn đẹp trong tôi với muôn màu thứ hàng, người đi mua bán nhiều gấp đôi, cảnh đông đúc nhưng không xô đẩy ấy như một bức họa đồng quê nhẹ nhàng, êm ái...

***

phien-cho-que

Còn nhớ ngày còn bé tí mỗi lần đến phiên chợ đều gạ gẫm mẹ cho đi theo, dù dưới trời nắng hay mưa dầm, dù oi bức hay giá rét đều dậy từ ba bốn giờ sáng chuẩn bị hàng với mẹ. Hôm thì gánh rơm, gánh rau. Hôm thồ xe dây khoai, xe mía... Trên con đường đất gần 7 cây số đến chợ mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bặm ấy cứ đến phiên hai mẹ con lại hối hả với những bước chân vừa đi vừa chạy cho kịp chợ. Chẳng hiểu sao lúc đó đi qua những quảng đường trống hai bên với những rặng cây rậm rạp, gió thổi hiu hắt, không gian vang lên bước chân hoặc tiếng nói chuyện giữa hai mẹ con mà không có nỗi sợ hãi nào ập tới. Mỗi lần mẹ giục vội "nhanh lên con" là bước chân lon ton trên mặt đường đất đã cuống lên. Giọt mồ hôi cùng hơi thở dài của mẹ trên con đường mưu sinh, tiếng khóc của tôi mỗi lần đường trơn ngã, mỗi lần không bán được hàng bị đói vì không có tiền. Vậy mà vẫn thấy yên bình và ấm lòng, phải chăng lúc đó cái tuổi thơ ngây ngô ấy không nhận ra nỗi quặn thắt của lòng mẹ đang ẩn náu bên trong.

Hôm ấy mưa phăn, đường trơn mẹ không cho tôi đi theo nhưng sự lèo nhèo, nhõng nhẽo của tôi cũng làm mẹ mềm lòng. Hai mẹ con khoác lên mình mảnh áo mưa rách nát, cũ kĩ thồ xe rau khoai cho kịp phiên chợ. Đi đến giữa đường mưa to, gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Mẹ dừng xe cởi bỏ mảnh áo mưa trên người khoác thêm vào người tôi vì sợ con bị cảm lạnh. Được một quảng gió quật làm xe rau của mẹ đổ văng vãi ra đường. Trời tối đèn pin không có, mẹ vội vàng dựng xe chạy quanh vơ vội mấy bó rau khoai đặt lại xe. Những giọt mưa cứ thế thi nhau rơi vào lưng mẹ, nước mắt mẹ chảy dài cùng câu nói nặng nề, mệt mỏi "trời đất sao ác nghiệt vậy chứ?Nhanh lên con kẻo trời sáng chợ tan lại mất công thồ về" làm tôi đau thắt. Cố dùng sức để đẩy chiếc xe chạy nhanh hơn trên con đường lầy ấy. Vậy mà khi đến chợ ngồi gần tan phiên mà vẫn chưa bán được bó nào vì họ chê rau của mẹ dập nát nên ko mua. Hai mẹ con ôm nhau ngồi khóc, một người phụ nữ đi lại nhìn mẹ con tôi rồi mua hết xe rau mà không hề trả giá. Mẹ vội vàng chắp tay cảm ơn họ rồi ôm lấy tôi mừng rỡ. Bây giờ nghĩ lại giây phút đó, lòng vẫn còn nguyên vẹn một dòng cảm xúc lạ lùng. Lúc về mẹ cho ngồi lên chiếc xe thồ rồi đẩy về, cầm cái bánh xèo mẹ mua vừa ăn vừa nghe mẹ kể chuyện cổ tích , thỉnh thoảng mẹ hắt xì hơi vì những giọt nước mưa đã bắt đầu ngấm vào cơ thể. Hôm sau mẹ cảm nặng... Tình thương dành cho mẹ, sự sợ hãi, nỗi lo lắng cho mẹ lúc đó như một tảng đá đè nặng lên tâm hồn non nớt của một đứa trẻ đáng tuổi ăn, tuổi chơi.

Chợ xưa và nay khác xa nhau lắm, nó vẫn là hình thức trao đổi mua bán giữa hai bên, vẫn là những tiếng ồn ào nhưng không xô bồ, bon chen, không cảm thấy cuộc sống ngột ngạt như bây giờ. Ngày ấy vào những buổi mơ sáng, khi mà ánh sáng nửa ẩn, nửa hiện. Chứng kiến cảnh người dân thi nhau gánh hàng đến chợ, thi nhau đẩy những chiếc xe thồ vang tiếng kêu két két của hai chiếc bánh đang lăn. Lúc đó ai khá giả lắm thì đi bằng xe đạp có khung chắn ngang đằng trước. Họ không xô đẩy nhau, không ẩu đả, cãi cọ khi khách không ưng thuận. Những người bán giới thiệu khách cho nhau khi họ không hài lòng mua hàng của mình. Tiếng cười đùa của bọn trẻ con theo ba mẹ đến chợ, cái ôm ấp, bắt tay khi họ hàng nhận ra nhau giữa chợ. Mấy túp lều lợp bằng tranh lụp xụp của mấy cô bán hàng xén... Tất cả tạo nên một phiên chợ quê tuyệt đẹp. Họ mang lại cảm giác an lành, ấm cúng cho nhau. Họ giúp đỡ nhau khi không bán được hàng, họ bẻ cho nhau miếng cơm nắm chấm muối vừng đã chuẩn bị từ nhà mang đi. Xong phiên chợ họ giúp nhau dọn hàng, buộc hàng lên xe để về. Tình nghĩa giữa con người với nhau lúc ấy thật giản đơn, bình dị.

Nghĩ lại ngày ấy tuần hai lần chạy theo sau mẹ bảy tám cây số đến chợ mà chân vẫn không mỏi mệt. Mỗi khi đến cổng chợ dù khuôn mặt đã đầm đìa mồ hôi nhưng lần nào tôi cũng khựng lại nhìn mọi người xung quanh làm mẹ phải giục vội.Có lần mẹ hỏi vì sao mỗi lần đến cổng chợ tôi đều khựng lại nhìn mọi thứ xung quanh, tôi chỉ mỉm cười và mãi sau này khi mỗi lần trở về bên mẹ tôi mới dám thổ lộ. Rằng lúc đó tôi thích nhìn các cụ lưng còng bê rổ rau, thích nhìn mấy cô như mẹ phải gồng mình để chịu lực nặng của gánh hàng trên vai, thích nhìn mấy bác đẩy xe thồ ra vào, thích nhìn mấy em nhỏ được mẹ cho vào thúng hàng gánh cùng đến chợ... Lúc đó hình ảnh tấp nập, bước chân vội vã của con người làm lòng tôi yêu hơn những phiên chợ quê ấy. Đó cũng chính là lí do để tôi luôn nì nèo mẹ được đi chợ. Còn nhớ ngày học lớp 5 được giải nhất môn mỹ thuật khi thi ở trường. Mẹ đến đón ngạc nhiên khi thấy tên con mình được khắc dưới bước tranh chợ phiên trên nét vẻ còn run rẩy, non dại.

Ngày đăng: 05/11/2015
Người đăng: Mẫn Lê
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Andersen
 

Xé một cuốn sách như vậy thật đáng tiếc. Bác là con người khôn ngoan và thực tế, nhưng đối với thơ ca, bác cũng chỉ hiểu biết đại khái như cái sọt này mà thôi!

Nói như thế cũng khá vô lễ, nhất là đối với cái sọt..

Con quỷ sứ của ông hàng tạp hóa - truyện cổ Andersen

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage