Gửi bài:

Tết trong ký ức tôi

Từ ngày dọn nhà ra phố, cái nồi nhôm đúc to đùng, dùng để luộc bánh chưng mỗi khi tết đến đã không còn được gia đình tôi sử dụng đến nữa.

***

Chiếc nồi đó đã gắn bó với mẹ tôi suốt mấy chục năm trời kể từ khi tôi còn bé tý. Chiếc nồi được mẹ tôi sắm chỉ dùng cho việc luộc bánh tết. Ngày đó cả làng chỉ có vài nhà có những chiếc nồi to như thế, nên chiếc nồi nhà tôi được mọi nhà luân phiên nhau mượn để luộc bánh dịp tết. Mẹ tôi lại một lần nữa phải giúp mọi người "lên lịch" gói bánh tết sao cho không bị trùng nhau. Bánh gói xong là có nồi luộc luôn. Chính vì lẽ đó việc gói bánh chưng cũng trở thành một việc hệ trọng đối với mỗi nhà trong dịp tết và ngày ấy nhà nào cũng gói rất nhiều bánh chưng từ 30 đến 40 chiếc là thường.. Bánh luộc xong được mọi người vớt ra để ráo nước rồi buộc thành từng túm treo đầy trong buồng, trong bếp. Ngoài bánh chưng thì nhiều nhà còn gói cả bánh lẳng, bánh mật nữa. Không khí tết có lẽ vì thế mà càng thêm náo nức, tưng bừng hơn bây giờ.

luộc bánh chưng

Tôi nhớ khi mẹ còn sống mỗi khi tết về ngoài việc chăm lo mua sắm mọi thứ chuẩn bị cho tết thì nồi bánh chưng luôn được mẹ tôi quan tâm chú ý hơn cả, bà lo mua lá dong có khi trước tết cả tháng trời. Chính vì lẽ đó sau khi mẹ mất mọi sinh hoạt trong gia đình cũng có nhiều xáo trộn. Rồi tôi rời làng ra phố.Tất cả lặng lẽ chìm vào quên lãng, tết đến lũ trẻ nhà tôi cũng chẳng còn được thấy tôi gói bánh như khi còn ở trong làng lúc bà nội còn sống nữa. Giờ đây chiếc nồi được vợ tôi cẩn thận cất kỹ trên góc tầng 3, chiếc khuôn bánh vuông vắn mà tôi thường dùng gói bánh cho gia đình và nhiều khi gói giúp cả những nhà hàng xóm cũng được vợ tôi xếp luôn vào trong nồi cùng mấy thứ đồ vặt vãnh khác. Bao năm rồi chiếc nồi xưa quan trọng là vậy giờ đây trở thành chỗ chứa những thứ đồ không dùng cất im một góc, bụi bặm phủ mờ. Lâu dần chúng tôi cũng quên luôn nó!

Sáng nay trời lạnh, khi ghé qua cổng chợ, chợt thấy những cuốn lịch đã được bày bán rất nhiều. Vậy là một năm mới lại sắp đến rồi. Tôi thảng thốt: Nhanh vậy sao? Tôi nhớ khi còn bé, sắp đến tết anh em chúng tôi thường tranh nhau bóc lịch, có lần vì muốn mau đến tết tôi đã xé bỏ trước mấy tờ ... bữa ấy tôi bị mẹ mắng, mãi sau này khi học lên tôi mới hiểu và cứ tự cười mình về sự ngây ngô đó. Vậy mà đã sắp sửa đến cái Tết thứ 9 không có mẹ. Bất giác tôi thở dài và chợt thấy thèm một cái Tết ấm áp, yêu thương như ngày xưa đến thế. Những giọt nắng chiều đông xuyên qua những kẽ lá vàng bay, làm vơi bớt cái lạnh.

Ngày ấy, mẹ vẫn bảo chúng tôi: "Làm cả năm ăn ba ngày Tết", là người lo xa nên bao giờ mẹ cũng chuẩn bị Tết rất sớm và chu đáo. Gạo tẻ, gạo nếp, giã sẵn cả mấy nồi, đỗ xanh rồi măng, miến... là những thứ được mẹ chuẩn bị đầu tiên, rồi đến việc nhận đụng thịt lợn với nhà ai, tất cả đều mình mẹ lo, mẹ chuẩn bị. Ngày ấy hàng hóa mua bán khó khăn, phải tích trữ mọi thứ từ trước cả mấy tháng trời. Thói quen đó được mẹ tôi duy trì liên tục, cho đến mãi sau này khi hàng hóa đã ngập tràn mẹ tôi vẫn giữ thói quen đó. Thành thử Tết luôn đến với gia đình tôi từ rất sớm và thật rộn ràng, háo hức. Chỉ sau Tết ông Công, ông Táo là không khí Tết Nguyên Đán đã tràn ngập trong gia đình tôi. Ngày nào chúng tôi cũng hồi hộp chờ đợi xem hôm nay mẹ sẽ mua thêm được những gì. Nào là bánh kẹo, đồ lễ Tết ông bà, cho đến hương hoa, cam, bưởi... đủ cả. Chúng tôi cứ xuýt xoa, thèm thuồng cùng nhau kiểm lại mọi thứ để còn hãnh diện đi khoe với lũ bạn học cùng và rồi sau đó lại kiên nhẫn chờ đợi trong sự háo hức vô cùng.

Có lẽ thú vị nhất và được chị em chúng tôi mong chờ nhất vẫn là lúc cùng mẹ gói bánh chưng. Mẹ tôi chỉ gói bánh dài mà không biết gói bánh vuông. Cho đến khi chị gái tôi lớn, chị học được cách gói bánh vuông vậy là tết đến chị tôi là người gói bánh, 3 anh em tôi được chị giao cho các việc vặt như bắc bếp, kê nồi, múc nước, rửa lá dong... và chúng tôi đều làm rất hăng hái. Khi gạo nếp, đỗ xanh, nhân bánh, lá dong, dây lạt đã được bày biện ngay ngắn, chị bắt tay vào gói bánh. Từng cặp bánh chưng đầy đặn, vuông vức rất đẹp mắt. Sau này khi chị tôi đi lấy chồng xa, các anh tôi đi bộ đội, tôi lại học gói bánh và cứ tết đến thường là 28, 29 tôi lại cùng mẹ gói bánh, luộc bánh. Đông vui nhất là bữa cơm tất niên chiều 30 Tết khi cả nhà xum họp đông đủ. Bữa cơm thật đầm ấm, thú vị và tràn đầy tình yêu thương cũng như tiếng cười. Dù trên bàn tràn ngập các món ăn ngon, cầu kỳ nhưng cả nhà vẫn không quên bảo nhau thưởng thức hương vị của miếng bánh chưng do chính tay mình gói. Đó là những miếng bánh đầu tiên chúng tôi được ăn trong tết và cảm thấy ngon nhất.

Với chúng tôi ngày bé, tết là một niềm hân hoan, háo hứng lạ kỳ, đã in đậm vào trong ký ức không thể nào quên. Sau này, khi cuộc sống đã khá giả hơn và mọi thứ đều trở nên sẵn có. Hầu hết các gia đình đều bỏ gói bánh chưng vì quá cầu kì, vất vả, tốn nhiều công sức mà chẳng ăn được bao nhiêu. Thay vào đó là ra chợ mua về hoặc cẩn thận hơn thì đặt trước nhà hàng dăm, mười cái cho có không khí Tết. Nhà tôi cũng vậy, vợ tôi bảo : "Hơi đâu mà gói bánh cho mệt xác, được mấy ngày tết để cả nhà nghỉ ngơi cho thoải mái, mọi thứ đi chợ mua chỉ loáng là xong!" Vậy là đã gần chục năm kể từ ngày mẹ mất chúng tôi không còn tự gói bánh chưng nữa. Mà thậm chí cũng chẳng phải mua bán nhiều như trước vì mồng 3 Tết là đã có người bán hàng. Riêng với mẹ tôi thì Tết vẫn là một dịp rất quan trọng và không thể xem thường một chút nào cả. Mẹ mang Tết về tràn ngập không gian gia đình chúng tôi. Mẹ làm cho anh em chúng tôi cảm thấy thật bình yên, ấm áp và đầy ý nghĩa thiêng liêng trong những ngày Tết cổ truyền dù năm nào cũng có, dù vẫn là những món ăn chẳng khác mấy ngày thường. Bởi vậy cho nên, dù chúng tôi đã lớn, đã làm cha, làm mẹ nhưng vẫn khao khát được trở về đón cái không khí rất Tết của gia đình. Những lúc đó, chúng tôi như được trở lại tuổi thơ hồn nhiên với nụ cười trong trẻo. Vẫn nũng nịu, vẫn vui sướng trêu đùa nhau, tị nhau khi được nhận những đồng tiền mừng tuổi mới tinh từ tay mẹ. Có lẽ trong mắt mẹ, chúng tôi vẫn là những đứa con bé bỏng của mẹ. Còn chúng tôi thì cũng cứ muốn mình nhỏ lại để sà vào lòng mẹ như những ngày xưa bé. Sáng mồng 1 tết mẹ thường dậy sớm đi hái lộc và thắp hương trên bàn thờ tổ tiên và lại tất bật chuẩn bị bữa cơm cúng đầu năm. Trong bữa cơm đầu năm mẹ thường nhẹ nhàng nhắc nhớ và khuyên nhủ chúng tôi khắc phục những khiếm khuyết của bản thân để nỗ lực hơn ngay trong những ngày đầu năm mới. Chúng tôi lắng nghe và thấy thấm thía vô cùng!

Tết đã cận kề, thấp thoáng trong tâm trí tôi dáng mẹ hiền từ hiện về từ những ngày xưa. Mẹ như bầu trời bao la mà chúng tôi là những áng mây trắng, hồng, bồng bềnh trôi trên bầu trời cao rộng đó. Cũng giống như tất cả những con sông rồi sẽ đi về biển, và biển bao la sẽ ôm trọn nước trong lòng, tạo thành những mạch nước luân chuyển không hề ngơi nghỉ ấy chính là cuộc sống. Nắng bên hiên vàng rực. Sắc xuân đã ngập tràn khắp nẻo. Lòng tôi lại thổn thức nỗi nhớ mẹ khôn nguôi!

Bùi Nhật Lai

 

Ngày đăng: 28/12/2016
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
EM độc thân em quyến rũ
 

Chỉ bởi vì không ăn tối với Hoàng tử thì đâu có nghĩa rằng bạn không cần ăn như một Nữ hoàng. Chỉ bởi vì giưởng bạn vắng bóng đàn ông thì đâu có nghĩa bạn không thể mặc đồ lót bằng len khi ngủ. Chỉ bởi vì bạn không quan hệ trong suốt nhiểu tháng, thì đâu có nghĩa bạn không được phép đọc “Kama Sutra”. Những đêm nóng bỏng đâu chỉ dành riêng cho những nhân tình

Em Độc Thân - Em Quyến Rũ - Amande Ford

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage