Gửi bài:

Nhân duyên

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Chuyện đời sinh viên")

Có thể nhân duyên là vô tình. Có thể nhân duyên là hữu ý.

***

nhan-duyen

Đã hơn 10h tối mà quán vẫn đông khách. Tôi lờ đờ bê đống bát đũa đem đi rửa. Bụng tôi đói meo biểu tình dữ dội. Rửa đống bát cao như núi xong thì tôi lại lật đật chạy vào trong quán bê dọn bát đĩa của khách vừa ăn xong. Nhìn tôi thở phì phì vì mệt, chị chủ cười:

- Sao nhóc, mệt rồi hả? Hôm nay đúng là đông khách thật.

- Quán đông khách là phúc của em mà. – Tôi nhanh miệng trả lời.

- Trời ơi, mày ăn cái gì mà miệng ngọt hơn kẹo thế hả Vy?

- Hôm nào em chẳng ăn cơm bác Liên nấu.

Tôi cười hìhì gọi với vào trong bếp. Bác Liên đang thái thịt bò, nghe thấy tôi mồm miệng liến khoắng thì mắng:

- Thôi thôi, cho tôi xin. Tôi nào đủ sức "đào tạo" ra cái miệng dẻo kẹo thế kia.

Cả chị chủ lẫn mấy vị khách đang ăn gần đấy cười ầm lên. Không khí trong quán bỗng vui vẻ hẳn lên. Một anh khách đang đứng chờ bánh mì giò bỗng hỏi tôi:

- Em ơi, em tên gì thế?

Cùng lúc đấy thì con mèo béo của chị chủ đi chơi về, nằm ườn trên ghế. Tôi cười chỉ vào nó mà nói:

- Em tên Meo Meo anh ạ.

Mấy vị khách quanh đấy lại cười rộ lên. Con mèo béo không biết mình đang bị trêu, cái đuôi cứ ve vẩy, mồm thì luôn miệng kêu meo meo đòi ăn. Cái mặt tội nghiệp của nó nhìn mọi người cứ nhứ thể mình vừa bị kể xấu nên oan ức lắm. Đã thế nó còn không thèm tự đi vào trong bếp mà nằm ườn ra đấy đợi người phục vụ. Tôi lại chỗ nó, bế nó lên và cằn nhằn:

- Mày ú quá rồi đấy Meo Meo ạ. Phải giảm cân đi thôi.

Khi tôi ngẩng đầu lên, vị khách kia đang mỉm cười nhìn tôi. Tôi nhận ra anh không hẳn là đẹp trai nhưng rất dễ nhìn. Đôi đặc biệt có ấn tượng với những chàng trai có đôi mắt sâu. Lúc thanh toán xong, anh cười với tôi một cái rồi mới ra về. Tôi có chút bâng khuâng với nụ cười hiền đấy.Vị khách kia vừa rời đi thì điện thoại tôi đổ chuông. Tôi lập cập lôi con điện thoại Nokia của mình ra. Màn hình hiện số của Minh, người yêu tôi. Tôi nghe máy. Đầu bên kia là giọng nói của anh, hẳn là đang ngáp ngủ:

- Em à, sáng mai anh có trận bóng với lũ bạn.

Tôi chẳng còn lạ lẫm gì với những kiểu nói chuyện này của Mình. Đó luôn là một trong những lí do dẫn đến nguyên nhân bận của anh. Người yêu tôi có muôn ngàn những lí do bận. Nếu anh không đi đá bóng thì chắc hẳn đang chơi game với chiến hữu. Những lí do lịch sự hơn như kiểu: " Anh phải chở em gái đi mua đồ", " Anh đang bận ôn thi" hay " Hôm nay thằng bạn thân nhất của anh ốm"... đều được anh liệt kê vào danh sách những việc cấp bách. Vì là cấp bách nên anh không có thời gian gặp tôi, đôi khi một ngày cũng chỉ nhắn mấy cái tin hời hợt. Chí ít là những tin nhắn ấy còn khiến tôi có cảm giác thì ra tôi cũng hiện hữu trong cuộc sống của anh. Chưa kịp đợi tôi trả lời, Minh đã nhanh nhảu trình bày:

- Em à, chiều mai anh chắc đi ăn nhậu với mấy chiến hữu luôn. Có gì tối mai về anh gọi điện cho em nhé.

- Thôi, anh không cần phải nói chuyện với em trong ba ngày tới đâu. Em về quê.

Tôi lạnh nhạt nói, cúp máy mà chẳng buồn nghe Minh trả lời. Tôi tắt máy, vào bếp phụ giúp bác Liên mấy việc lặt vặt rồi mới về. Tôi xin chị chủ nghỉ ba ngày, nói là ở quê có việc gấp. Chị chủ đồng ý ngay. Hơn một năm qua ngày nào tôi cũng chăm chỉ làm việc cho chị, đổi lại là những tháng tiền lương đủ cho tôi chi trả tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nươc... và một điều cũng quan trọng không kém, đó là sự tín nhiệm của chị. Chính vì thế khi tôi xin nghỉ, chị đã vui vẻ cho phép ngay. Khi tôi ra đến cửa, bác Liên còn chạy theo dúi cho tôi một tờ một trăm. Bác nói:

- Này, bác cho. Bác chẳng có quà gì cho bà ngoại cháu ở nhà. Cầm lấy, về nhà mua gì ngon ngon biếu bà.

- Bác à- Mắt tôi ươn uớt, cầm tờ tiền mà cứ run run.

- Thôi, đi đi. Kẻo tí nữa không còn xe buýt về nhà.

- Cháu cảm ơn.

Có một cái gì đó nghẹn ngào đang dâng lên trong cổ tôi. Tôi nhìn người phụ nữ trung niên ấy, gương mặt bác già nua, những vết nhăn theo thời gian càng hiện lên rõ nét. Bác Liên là người rất tốt tính. Thỉnh thoảng bác vẫn cho tôi mấy đồ ăn lặt vặt trong bếp. Ở giữa cái nơi đất khách quê người này, những người như bác Liên hay chị chủ khiến tôi cảm thấy lòng ấm lại.

***

Sáng sớm hôm sau, tôi bắt xe về quê. Đang dịp trường tổ chức hội thao nên sinh viên được nghỉ hai ngày. Tôi tính về hôm thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và sẽ quay lại vào thứ hai tuần sau, vừa kịp việc đi học, cũng vừa quay lại làm chỗ chị chủ. Bố mẹ tôi li hôn ngày tôi còn nhỏ. Bố tôi bỏ đi với người phụ nữ khác, mẹ tôi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Thi thoảng mẹ tôi mới gọi điện về, gửi cho tôi quà và biếu bà ngoại ít tiền rồi lại bận rộn với cuộc sống ơ nơi xứ người. Tôi rất thương bà ngoại. Bà lo cho tôi khi tôi còn bé tí. Từ cái ăn cái uống đến việc đi học, một tay bà chăm chút cho tôi cẩn thận. Đối với tôi, bà không chỉ là bà, mà còn là bố mẹ, là người bạn thân của tôi. Tuy tháng nào tôi cũng cố gắng thu xếp về quê thăm bà, tôi hằng ngày vẫn nhớ bà nhiều lắm.
Con đường đất ngày nào tôi vẫn líu ríu theo bà đi chợ, theo lũ bạn lon ton đến trường sắp tới sẽ được nâng cấp thành đường bê tông. Có lẽ lần sau tôi về, con đường đất này đã lui vào dĩ vãng. Tôi sẽ nhớ cái mùi đất ngái ngái và những cây cọ xanh tốt trên đường. Bước chân trên con đường quen thuộc về nhà, tôi cảm thấy có chút ngậm ngùi. Thực ra cái gì rồi cũng thay đổi theo tháng năm. Giống như vùng quê này, sự thay đổi hiện hữu theo từng lần tôi trở về. Những ngôi nhà lá đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố, chắc chắn. Phương tiện đi lại cũng trở nên hiện đại và thuận tiện hơn rất nhiều. Bây giờ bên cạnh giếng nước, nhà nào cũng có máy nước. Nhiều nhà không còn dùng bếp rơm rạ nữa. Nhịp sống ở đây cũng chầm chậm thay đổi mỗi ngày. Có lẽ có nhiều người thường luyến tiếc cảnh sắc cũ, hay nhớ về những thói quen xưa, những điều đang dần trở thành hoài niệm.

Tôi mở cổng cái cổng nhà làm bằng tre giản dị, cất tiếng gọi bà. Bà tôi nghe thấy tiếng tôi thì mừng lắm, lập cập chống gậy ra ngoài đón tôi. Tôi nhìn thấy bà mà lòng bỗng vừa vui vừa buồn. Vui vì tôi gặp lại bà, thấy bà vẫn khỏe mạnh. Buồn vì khi không có tôi ở đây, bà đón ai bây giờ? Tôi chợt nhớ về một ý thơ tôi đã đọc đâu đó: " Tuổi già đón mặt trời lặn". Bà mừng mừng tủi tủi giúp tôi bỏ hành lí xuống, giục tôi ra giếng lấy nước rửa mặt. Nước giếng mát lạnh như kem làm tôi tỉnh táo hơn sau cả chặng đường dài. Khi tôi quay lại, bà đã hâm nóng cơm canh. Bà cháu tôi vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Ăn xong, tôi rửa bát còn bà đun nước pha chè. Lâu lắm mới thưởng thức lại vị chè xanh man mát, đăng đắng làm lòng tôi thấy dễ chịu vô cùng. Vừa uống trà vừa nhâm nhi món bánh đậu xanh bà làm, tôi cảm thấy đây đúng là một trong những thiên đường của cuộc đời tôi. Bà cười hiền hậu hỏi tôi:

- Mọi chuyện trên thành phố có ổn không Vy?

- Ổn, bà ạ - Tôi cười gượng gạo, ôm lấy cánh tay bà lắc lắc.

- Cháu nhớ bà lắm.

- Cái con mèo con này, bao nhiêu tuổi rồi mà còn làm nũng.

Bà cười hiền, vuốt tóc tôi. Tóc bà tuy đã lấm tấm bạc nhưng ngày xưa, nó dài và đen láy. Ai cũng bảo tôi nhìn giống bà ngoại tôi. Cũng một gương mặt bầu bầu, một mái tóc đen dài, nụ cười hiền và đôi mắt trong trẻo...tôi như tái hiện lại hình ảnh bà tôi thuở còn trẻ.

Chiều hôm ấy, tôi theo bà ra ngoài đồng hái rau muống. Mấy cô bác xung quanh nhìn thấy tôi thì cứ tấm tắc khen tôi càng lớn càng dễ nhìn. Tôi cười ngượng, đứng nép cạnh bà. Các cô cười nói:

- Lớn tướng rồi còn xấu hổ gì nữa. Mai mốt dẫn bạn trai về để các bác các cô kiểm duyệt cho.

Tôi cười ngượng, nói thêm mấy câu hỏi thăm rồi giục bà đi hái rau. Hai bà cháu tôi hái được một rổ rau to, bữa tối nay có món rau muống xào thơm ngon hấp dẫn. Buổi tối hai bà cháu thắp đèn, ngồi bên mâm cơm ấm cúng với những món ăn bình dân mà đậm tình quê hương. Bà cháu tôi đang ăn thì có người gọi cổng. Bà tôi nói vọng ra ngoài:

- Ai thế?

- Là cháu, Vũ, con mẹ Hoa ạ.

Bà tôi nghe thấy thế thì vui mừng ra mặt, vội vàng buông đũa bảo tôi ra mở cửa. Tôi đứng dậy, chạy ra ngoài mở cửa cho vị khách kia. Đó là một chàng trai khá trẻ, tay cầm một túi quà to. Tôi lich sự chào anh và mời anh vào trong. Tôi thấy Vũ quen quen nhưng nhất thời không nhớ ra đã gặp anh ở đâu. Bà tôi nhìn thấy Vũ thì vui lắm, cứ nhất quyết bảo anh ở lại dùng cơm. Lúc đầu Vũ ngại và từ chối nhưng bà tôi lại càng mời làm anh có phần lúng túng. Tôi thấy thế thì bảo anh:

- Anh ở lại ăn cơm với hai bà cháu em. Hôm nay có món rau muống xào ngon lắm.

- Ngày xưa hai đứa sang nhà nhau ăn cơm suốt. Giờ còn ngại gì.

Vũ lịch sự cảm ơn và đón chén bát từ tay tôi. Còn tôi thì đang băn khoăn " ngày xưa" nào mà bác đang nhắc tới. Cả bữa cơm bà nói chuyện với Vũ rất nhiều, cứ hỏi han hết sức khỏe của bố mẹ anh đến công việc, cuộc sống của anh. Vũ dường như cũng rất thân với bà, anh trò chuyện rất tự nhiên. Tôi còn đang tự hỏi khi nào bà trở nên thân thiết với chàng trai này như thế thì bà đã nói:

- Ơ Vy, cái con bé này, sao anh Vũ đến chơi mà cứ ngồi im thế?

- Bà ơi, cháu...Tôi lúng túng nói mãi không nên câu. Tôi đâu nhớ anh Vũ là anh Vũ nào?

- Chắc Vy quên mất anh rồi- Vũ cười hiền nhìn tôi, ánh mắt phảng phất nét buồn bã.

- Ơ, em...em xin lỗi. Em nhất thời không nhớ ra anh.

Thấy tôi ngượng ngùng cúi mặt xuống, Vũ có vẻ cảm thông. Anh cười và nói:

- Không sao. Cũng lâu quá rồi. Vy trở thành một cô gái xinh đẹp rồi.

Hai má tôi đỏ hồng. Tôi càng nhìn càng thấy anh quen quen, nhưng vẫn không tài nào khiến tôi nhớ ra anh là ai. Bà tôi thấy tôi cứ vòng quanh bèn giục:

- Con bé Vy này, anh Vũ con cô Hoa mà không nhận ra à? Ngày nhỏ mẹ cháu hay dẫn cháu sang nhà cô Hoa chơi đó. Về nhà suốt ngày cứ đòi anh Vũ, anh Vũ suốt.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Cô Hoa, anh Vũ...Anh Vũ, cô Hoa...Trời ơi, tôi nhận ra rồi. Là cô Hoa, bạn thân của mẹ tôi. Ngày mẹ và bố tôi còn chưa ly hôn, mẹ tôi thường dẫn tôi đến nhà cô Hoa chơi. Cô Hoa có người con trai lớn hơn tôi hai tuổi, tên là Vũ. Tôi và anh Vũ hồi nhỏ thường chơi đùa với nhau. Đến khi mẹ tôi sang Hàn Quốc, không còn ai đưa tôi sang nhà cô Hoa nữa. Cô thỉnh thoảng cũng đến thăm, nhưng nghe nói về sau cô bị bệnh nên mất liên lạc dần. Anh Vũ cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

- Vy ngày nhỏ thích ăn khế ngọt lắm. Anh có mang khế đến đó.

Tôi lí nhí nói cảm ơn. Tôi thực sự xấu hổ mà. Người ta nhận ra tôi, đến cả bà ngoại cũng nhận ra anh mà tôi lại không nhớ ra anh. Vũ ngồi chơi thêm một lúc rồi xin phép ra về. Tôi đưa anh ra đến cổng. Anh đi được vài bước bỗng dừng chân, quay lại nói:

- Vy à, em làm ở nhà hàng có vất vả không?

Lần này thì tôi cảm thấy dường như Vũ biết khá nhiều về tôi. Thấy tôi mặt tỏ vẻ đầy thắc mắc, anh cười nói:

- Hôm nọ đi ngang qua nhà hàng em làm, anh thấy em đảm đang lắm. Con mèo béo em bế tên Meo Meo thật hả?

- Aaaa, là anh đó hả? Bánh mì ăn có ngon không anh?

Tôi cười đùa mà thực lòng muốn mếu. Không ngờ anh chính là vị khách trong quán ăn hôm nọ. Tôi thậm chí còn tưởng câu hỏi tên tôi kia chẳng qua chỉ là một lời bông đùa. Thì ra anh đã " ngờ ngợ" nhận ra tôi từ lúc gặp nhau ở quán ăn rồi. Tôi ngẩn ngơ mải suy nghĩ, cho đến khi Vũ huơ huơ tay trước mắt tôi, tôi mới bừng tỉnh:

- Anh về đây.

- Vâng, em chào anh- Tôi mỉm cười nhìn Vũ .Anh cũng cười lại nhưng dường như, nụ cười của anh có chút gượng gạo.

Thật ra không chỉ mình Vũ, bản thân tôi cũng có chút ngượng ngùng. Tôi và anh quen nhau từ bé, xa cách bao năm rồi gặp lại. Vũ nhớ tôi còn hình ảnh của anh trong tâm trí tôi lại mập mờ không rõ. Tôi cảm thấy xấu hổ, còn Vũ vì thấy tôi quên anh nên chắc cũng khó chịu trong lòng.

Tiễn Vũ về, tôi leo lên giường nằm đọc sách. Nhìn cái điện thoại nằm chỏng chơ bên cạnh, tôi thở dài. Không biết Minh giờ này đang làm gì, liệu anh có nhớ đến tôi? Tôi có chút mong chờ Minh sẽ tìm cách liên lạc với tôi. Nhưng nếu chúng tôi gặp nhau, chúng tôi có thể nói với nhau những gì? Tôi suy nghĩ miên man một lúc rồi thiếp đi.

Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy, bà đã dậy đi chợ từ lúc nào. Tôi đánh răng rửa mặt xong, lúc quay vào nhà thì thấy một đĩa khế trên bàn. Tôi thử một miếng, quả thực rất thanh ngọt. Kết quả là lúc bà đi chợ về, đĩa khế đã sạch bong. Tôi nhìn bà cười hìhì hỏi:

- Bà ơi, bà đi chợ mua thêm khế đấy à?

- Đúng là con mèo ham ăn mà- Bà nhìn tôi từ tốn nói.

- Bà ơi, cháu là mèo yêu của bà mà-Tôi ôm lấy cánh tay bà, lắc lắc giống Meo Meo lúc đòi ăn.

- Khi nào rảnh sang nhà anh Vũ chơi. Ngày xưa hai đứa quý nhau lắm.

- Vâng ạ.

Tôi trả lời bà mà lòng hơi buồn bực. Tại sao tôi không thể nhớ ra Vũ khi anh và bà tôi đều nói chúng tôi là đôi bạn thân từ thuở bé. Buổi chiều, bà đưa tôi một túi nhãn to và bảo tôi mang sang tặng anh Vũ. Địa chỉ nhà anh, bà ghi cho tôi cẩn thận lắm. Bà còn bắt tôi gọi điên cho anh, dặn anh ở nhà. Nhìn bà nôn nóng muốn "tống" cô cháu ngoại ra ngoài, tôi cứ buồn cười mãi. Tầm 5h chiều hôm đấy, theo địa chỉ bà ghi, tôi đến nhà anh Vũ. Nhà không có cổng nên tôi tự dắt xe vào. Tôi nghe tiếng đàn ghi-ta trong vườn khế vọng ra. Tôi ngó nghiêng vào trong, thấy Vũ đang chơi ghi ta, xung quanh là mấy đứa nhỏ ngồi im lắng nghe. Tôi không muốn chạy vào phá đám nên tính chờ Vũ chơi xong mới định tới chào hỏi. Mấy đứa trẻ nghe anh đàn xong thì reo vang hớn hở:

- Anh Vũ ơi, đó là bản nhạc gì vậy?

- Đó là bài hát " Thời sinh viên có cây đàn ghi-ta".

- Ô, thế à. Anh Vũ ơi, làm sinh viên chắc vui lắm nhỉ?

- Đợi mấy nhóc lớn lên rồi làm sinh viên, mấy đứa sẽ được trải nghiệm nhiều thứ.

- Aa, làm sinh viên có khó không anh Vũ?

- Chỉ cần mấy đứa chăm ngoan, học hành chịu khó là sẽ có thể thi đỗ đại học, trở thành sinh viên.

- Thế anh Vũ là sinh viên gì?

- Anh học hóa.

- A, anh Vũ giỏi quá- Một cô bé mắt tròn xoe, nhìn anh đầy ngưỡng mộ.

Tôi chứng kiến cảnh mấy đứa nhỏ " bủa vây" lấy Vũ như "đàn kiến bao vây cái bánh ngọt", tôi bật cười. Một cậu bé ước chừng 10 tuổi, nhìn thấy tôi đang che miệng cười thì reo lên:

- Có chị gì đến tìm anh Vũ kìa?

- Bạn gái anh Vũ, bạn gái anh Vũ chúng mày ơi...

- Nói linh tinh, anh đánh vào mông hết lượt bây giờ.

Bọn nhỏ reo đùa, chạy toán loạn khắp vườn, vừa chạy vừa reo hò: "Bạn gái anh Vũ, bạn gái anh Vũ".

Vũ nhìn tôi tỏ vẻ ái ngại còn tôi cười trừ nói: " Bà bảo em mang cho anh cân nhãn". Vũ cười tươi đón lấy, vui vẻ hỏi tôi:

- Em có biết chơi đàn ghi ta không?

- Em không biết. Em thấy anh chơi hay lắm.

- Ừ, anh cũng biết chút chút. Mấy anh ở kí túc xá thường chơi ghita nên anh học lỏm được.

Anh hào hứng lấy ghế cho tôi, bảo tôi ngồi xuống và chỉ cho tôi xem cây đàn của anh. Tôi mân mê những sợi dây đàn tinh xảo, miệng không ngớt lời khen:

- Nó đẹp quá. Lúc anh chơi đàn cũng rất tuyệt.

- Em có muốn thử không?

- Hay là anh chơi tặng cho em một bản.

- Được, anh chơi bài " Xe đạp" nhé.

Vũ mỉm cười nhìn tôi, khẽ gảy đàn. Những âm thanh êm ái phát ra làm tôi thấy xao lòng.Khi tôi về, Vũ có hỏi:

- Khi nào em đi?

- Thứ hai tuần sau ạ.

- À, anh cũng đi vào thứ hai tuần sau. Vy chắc học kinh tế nhỉ?

- Vâng, còn anh tính làm nhà hóa học tương lai phải không?

Anh nhìn tôi phì cười. Sau đấy cả hai lại im lặng một lúc lâu. Tôi không biết phải nói gì tiếp theo, còn anh dường như cũng đang suy nghĩ gì đấy. Bỗng anh chạm vào tóc tôi...Giây phút ấy tôi cảm thấy hình như con tim tôi reo lên những âm thanh vui tươi. Anh đưa một chiếc lá tới trước mặt tôi, nhẹ nhàng nói:

- Lá rơi trên đầu ải đầu ai?

Tôi nhìn anh, lòng bỗng thấy vui.

Rời nhà Vũ, tôi ghé vào quán internet kiểm tra hòm thư. Minh gửi cho tôi một dòng thư ngắn gọn: " Em thật là trẻ con". Trẻ con ư? Anh định nghĩa tình yêu là những ngày ôm điện thoại chờ tin nhắn của anh, những lần mang cơm sang phòng trọ anh ở thì thấy anh đang cắm đầu chơi game, không bận tâm để ý cơm canh nguội và lòng người cũng nguội. Bao lần anh thất hứa với tôi vì anh mải mê đi chơi cùng hội bạn. Có lần anh khiến tôi buồn chảy nước mắt khi tôi vô tình nghe anh nói chuyện điện thoại với bạn: " Anh em bạn bè như thể tay chân, bạn gái thì như quần áo. Với cả, bạn gái tao, dễ bảo lắm." Với anh, tôi giống như là một cô bạn gái " nghĩa vụ". Cái " nghĩa vụ" này, tôi thấy mỗi lúc một thêm nặng, thêm mệt mỏi.

Ngày cuối cùng tôi ở nhà, bà nấu một mâm cơm thịnh soạn, có cả món cá kho thơm phức. Lúc tôi đang phụ bà luộc rau, bà bảo tôi:

- Vy à, gọi điện cho Vũ bảo nó sang ăn cơm. Bố mẹ đi vào miền Nam cả, lần này nó về quê một mình để lo việc họ hàng, cứ ăn cơm thui thủi một mình, buồn lắm cháu à.

Lòng tôi trùng xuống khi bà nói tới nỗi buồn " ăn cơm một mình" kia. Bà tôi cũng hay ăn cơm một mình, chẳng phải đó sao?

Lúc Vũ tới nhà tôi, mặt anh nhìn thoáng chút mệt mỏi. Bà tôi thấy anh xanh xao thì hỏi thăm ngay:

- Cháu ốm hả Vũ?

- Vâng. Đêm qua cháu đi mưa nên cảm cúm chút xíu, bà ạ.

- Bọn trẻ tụi bay đi chơi phải có chừng mực thôi.

- Thằng bé hàng xóm nửa đêm đau ruột thừa, bố mẹ nó lại không biết đi xe máy. Cháu phải đèo nó và bố nó lên bệnh viện, bà ạ

Bà tôi khẽ thở dài, hỏi tiếp:

- Thế thằng bé đã đỡ chưa?

- Chắc nay mai là được xuất viện thôi bà ạ.

Lâm bình tĩnh trả lời, gương mặt anh có nét xanh xao. Lúc ăn cơm, anh vẫn trò chuyện như bình thường, nhưng dường như đôi lúc lại thiếu tập trung. Bà tôi dặn anh phải uống thuốc đầy đủ, anh nói anh không sao nên bà đừng lo. Bà tôi thấy tôi chỉ mải mê ăn khế của anh Vũ cho mà buồn cười:

- Ô con mèo, mai lên Hà Nội, anh Vũ cũng lên Hà Nội, hai đứa bắt cùng chuyến xe mà đi.

Chúng tôi nhìn nhau, cười cười.

Sáng sớm hôm sau, tôi và Vũ chào bà rồi bắt xe lên đường. Trước khi đi, bà còn bắt tôi cầm lên mấy cân gạo. Bà bảo: " Gạo ở quê ngon hơn. Cuộc sống trên thành phố vất vả, phải tự lo cho mình". Bà còn cẩn thẩn chuẩn bị nhiều túi hoa quả, dặn tôi mang lên làm quà cho các bạn cùng phòng kí túc xá. Tôi ôm bà mà nước mắt chỉ trực trào ra.

Trên xe, Vũ ngồi cạnh tôi, thỉnh thoảng anh lại ho mấy tiếng. Anh có vẻ mệt. Đôi khi tôi hỏi chuyện, anh không tập trung hay trả lời chểnh mảng. Tôi thầm đoán có lẽ anh ốm thật. Đi được một phần tư đoạn đường mà anh đã ngủ từ lúc nào. Gương mặt anh lúc ngủ nhìn rất hiền. Tôi không biết anh đang suy nghĩ gì mà đôi lông mày kia thỉnh thoảng nheo lại. Vũ ngủ sâu. Tôi nhéo anh một cái ở tay phải mà anh cũng không tỉnh dậy, mặt mày nhăn nhó một lúc vì đau rồi lại ngủ tiếp. Tôi phì cười tính nhéo anh thêm cái nữa nhưng thấy cô bé ngồi hàng ghế đối diện nhìn mình đầy vẻ nghi hoặc, tôi đành phải bỏ qua kế hoạch. Đi được một đoạn xa,tôi nhận được tin nhắn của Minh. Anh gửi cho tôi một tin khá dài, có lẽ là tin nhắn dài nhất trong thời gian chúng tôi yêu nhau. Minh nói: " Em đang trên xe ra Hà Nội hả? Em ở Nam Định chơi có vui không?"

Tin nhắn ấy làm lòng tôi lạnh ngắt. Nam Định không phải là quê tôi. Chúng tôi yêu nhau gần mười ba tháng, nhưng anh thậm chí còn chẳng nhớ nổi quê tôi ở đâu. Tình yêu này, thực sự có phải là tình yêu? Tôi hời hợt nhắn lại cho anh: " Anh không nhớ quê em ở đâu, đúng không?". Phải rất lâu sau, Minh mới nhắn lại: "Em à, chúng mình chia tay đi. Anh nghĩ anh chưa đủ trách nhiệm để yêu một người bây giờ. Anh xin lỗi". Tôi đóng điện thoại, một giọt nước mắt lăn dài trên má. Cuối cùng, kết cục này cũng đến. Nó đau, nhưng không xót như tôi tưởng. Tôi quệt nước mắt, hít thở sâu. Bên cạnh tôi, Vũ vẫn đang ngủ. Bỗng chốc tôi muốn anh tỉnh dậy, để chia sẻ với tôi nỗi buồn này. Thế nhưng rồi tôi do dự, tôi chẳng muốn mình trở thành yếu đuối. Tôi gạt nước mắt, thầm nghĩ ngày mai, tất cả mọi chuyện lại quay trở về với quỹ đạo vốn có của nó. Tôi lại là cô sinh viên hằng ngày đến trường, tối đến đi làm thêm. Chỉ có điều, cuộc đời của tôi thiếu vắng một bóng hình. Chợt tôi nhớ đến một câu nói': "Yêu là không bao giờ phải nói lời ân hận". Có thể, một ngày nào đó, tình yêu tôi mong chờ sẽ đến.

Xe đi vào chỗ xóc, Vũ nghiêng người tựa đầu vào vai tôi. Có thể nhân duyên là vô tình. Có thể nhân duyên là hữu ý.

Mèo chíp

Ngày đăng: 22/12/2014
Người đăng: Nguyen Thanh Van
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Tuổi trẻ giống cơn mưa
 

Tuổi trẻ giống như một cơn mưa, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt mưa thêm một lần nữa

Trích "You are apple of my eyes"

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage