Gửi bài:

Dạy vợ

Từ xưa ông cha ta đã nói: "Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về".

***

Trước khi lấy vợ, Tuấn đã được mẹ đẻ "huấn luyện làm chồng" suốt cả tháng trời. Chưa kể bạn bè còn châm chọc: "Chết mày rồi, lấy con vợ thông minh, giỏi giang lại là gái thành phố, thu nhập hơn chồng thì mày chỉ có nước lép vế, hết đường làm ăn..." Còn bà con họ hàng thì bảo: " Xem chừng anh kém vợ nhỉ. Anh phải lo dạy vợ kẻo nó dắt mũi, rồi ngồi lên đầu lên cổ anh. Gái thành phố lanh lợi lắm lại ít khi thành thật...". Tuấn cũng hiểu lâu nay người nông thôn thường hay có thành kiến với người thành phố nhưng thật tình trong tận đáy lòng Tuấn cũng có chút băn khoăn lo sợ...

day-vo

Còn Hoa vợ Tuấn thì khi người nhà bên gia đình cô biết Hoa thương và muốn lấy làm chồng một chàng trai gốc nông thôn thì ra sức phản đối. Gặp ai cũng bảo: " Ở thành phố hết đàn ông rồi hay sao mà phải chui về làm dâu ở cái xứ chó ăn đá gà ăn muối..." Tuấn biết chuyện, cảm thấy tổn thương và bị xúc phạm cho dù anh cũng hiểu người thành phố cũng có không ít người thành kiến với dân quê. Vậy nên Tuấn thường hay nói lẫy với Hoa rằng: "Người nhà em nói quả không sai, quê anh nhiều đá lắm! Hòn lớn hòn nhỏ nằm lủ khủ, tới nổi người ta kêu xứ chó ăn đá. Nghĩ cũng lạ, chó ăn đá gà ăn muối! Không biết người ăn gì nhỉ?...".

Nhưng tình yêu có bao giờ phân biệt giới tuyến, trãi qua một thời gian khá dài, Hoa phải kiên trì đấu tranh, thuyết phục gia đình và cuối cùng gia đình phải chịu thua khi cô thông báo đã mang giọt máu của người miền quê. Thương con gái, ba mẹ Hoa tặng một căn hộ chung cư xinh xắn làm của hồi môn. Mọi chuyện sẽ không đến nỗi nào nếu như cô em chồng Hoa đang sống ở quê muốn lên thành phố ôn luyện lại để thi đại học. Tất nhiên cô em chồng ở nhờ nhà Hoa cho việc đi học ôn luyện sẽ tốt hơn. Hoa dành hẳn cho cô em chồng một phòng để tiện sinh hoạt và học hành.

Sẽ không có chuyện gì để nói nếu cô em chồng không mang phong cách: "Con nhà lính, tính nhà quan" mặc dù em sinh ra và lớn lên tại nông thôn. Ngoài việc học ra em không thể làm được việc gì ngay cả lo cho bản thân mình. Phòng của em không khác gì bãi chiến trường, áo quần thay ra kể cả đồ lót cũng bỏ vào máy giặt, đợi đến khi nào Hoa giặt đồ thì giặt luôn thể. Bực mình Hoa cứ để nguyên đấy, giặt đồ bằng tay, vậy là khi hết đồ sạch để mang, cô em chồng lại lấy quần áo của chị dâu để mặc kể cả đồ lót cũng không chừa. Cơm thì đợi Hoa nấu xong rồi dọn sẵn lên mâm mới ngồi vào bàn. Ăn xong cứ thế đứng lên đi về phòng đến cái chén cũng không rửa. Hoa bụng mang bầu nhưng vẫn phải đảm đương hết việc nhà chứ không được ưu tiên như thế. Hoa sợ rằng nếu lâu ngày như thế thì sẽ không ổn chút nào. Hoa cũng phải đi làm như chồng, vậy mà tối về nhà còn với biết bao nhiêu việc không tên.

Chồng Hoa vốn xuất thân từ nông thôn nên vẫn còn mang nặng tư tưởng gia trưởng. Đối với Tuấn, việc nhà là việc của đàn bà nhưng đàn bà ở đây là vợ chứ không phải cô em gái. Vì tính sĩ diện với cha mẹ, họ hàng ở quê nên Tuấn không cho em gái đụng vào bất cứ việc gì trong nhà vì Tuấn sợ rằng sẽ mang tiếng là em gái ra làm ôsin cho nhà anh trai. Hoa có góp ý thì chồng lại gầm lên: Làm chị mà tị nạnh với em, không biết nhục. Có hôm Hoa bị ốm không thể nấu cơm được vậy là cả ba người đều nhịn đói. Chẳng ai hỏi thăm, nấu hay mua giùm cho Hoa một tô cháo để ăn còn uống thuốc. Vậy mà em gái về quê còn kể tội Hoa là đã bỏ đói không nấu cơm cho em ăn. Thế là tất cả mọi công sức của Hoa đều đổ sông, đổ biển. Làm mọi người trong quê sinh ra ác cảm và cứ nhìn Hoa với ánh mắt hình viên đạn.

Còn Tuấn thì được ba mẹ, họ hàng giáo huấn về cách dạy vợ cho phải phép, chuyện chị dâu không lo chăm sóc tốt cho cô em chồng là tội lớn không thể tha thứ được. Rút kinh nghiệm có điều gì không phải là Hoa góp ý thẳng là y như rằng mặt cô em chồng sẽ xị ra đến mấy ngày. Khi có việc gì không vừa ý là cô em chồng sẵn sàng giận dỗi, rồi khóc lóc và điện thoại về quê mách tội Hoa với mọi người. Ở thành phố Tuấn chẳng quyền cao chức trọng gì nhưng lại là niềm tự hào của cả dòng họ và còn là con trai trưởng, cháu đích tôn của dòng họ nên cứ mỗi lần như vậy Tuấn lại nhận được điện thoại từ quê, tất nhiên là bị mắng xối xả là không biết dạy vợ. Tất nhiên kéo theo đó sẽ là chiến tranh bùng nổ giữa vợ chồng Hoa. Có anh trai, ba mẹ, họ hàng bảo vệ, chống lưng nên cô em chồng càng ngày càng "dằn mặt" và coi chị dâu không ra gì. Còn Hoa thì càng ngày càng không thể sống chung với cô em chồng con nhà lính mà tính nhà quan.

Hai vợ chồng Hoa thường xuyên tranh luận nảy lửa, từ tranh luận dẫn đến cãi nhau, từ cãi nhau dẫn đến bạo lực trong gia đình mà nguyên nhân xuất phát không phải từ hai vợ chồng, cũng không phải từ con cái mà nguyên nhân chính từ cô em chồng đang ở nhờ. Nhưng mọi tội lỗi lại đổ lên đầu Hoa vì mọi người trong quê cho rằng tại vì Tuấn không biết dạy vợ...

Giọt nước tràn ly khi một hôm đi làm về Hoa nhìn thấy một câu khẩu hiệu dán ở trên tường gồm có hai điều được đánh máy vi tính in cỡ chữ lớn: " Điều 1: Chồng luôn luôn đúng. Điều 2: Nếu chồng sai hãy xem lại điều 1". Độc đoán, gia trưởng, sĩ diện, ích kỷ... là những gì Hoa nhận ra ở chồng. Đành rằng cái đức hy sinh, nhường nhịn, chiều chồng... là những giá trị, thuộc tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, không bao giờ xưa cũ. Nhưng nếu nhầm lẫn nó với sự lệ thuộc, nhẫn nhục, yếu hèn ...thì người vợ đã tự đặt mình vào vị trí của kẻ hầu hạ, cúi đầu cam chịu sự bất bình đẳng, bị coi thường, thậm chí là tiếp tay nuôi dưỡng tính gia trưởng, độc đoán, ích kỷ của người chồng...

Thu Hiền

Ngày đăng: 21/04/2014
Người đăng: Góc Tâm Sự
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
Duyên kỳ ngộ
 

Đau khổ thực sự thì ra không phải là nhìn thấy người mình yêu đi yêu người khác để rồi hối hận vì ngày xưa. Đau khổ thực sự là mỉm cười tác thành cho người đó, uống cạn ly rượu đắng mà vẫn khen ngon, từng ngày nhấm vị chát mà vẫn phải khen bùi.

Duyên Kỳ Ngộ

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage