Gửi bài:

Tuổi thơ

Đề bài của tôi - "Viết bài văn kể lại tuổi thơ của em."

Lục lại mớ giấy tờ, tôi tìm thấy bài viết này, tôi viết năm tôi học lớp mười, được 8.5 điểm. Thực ra thì đây là bài viết nói về gia đình, ừm gia đình quý giá của tôi. Tôi đã dùng toàn bộ tâm tư của mình đặt vào đây, thay vì viết cho có nghĩa vụ cho có bài nộp. Kể ra cũng lạ, khi viết bài viết này, tôi có cảm giác như thể đang có người bên cạnh tôi vậy, mặc dù cả nhà tôi đều đã say giấc. Như chi tiết kể về ngày bà tôi mất, thực ra ý tưởng ban đầu của tôi là kể chi tiết sáng ấy lời chúc của tôi là "Sống lâu trăm tuổi" rồi chiều ấy bà tôi mất. Chính vì thế tôi luôn có cảm giác hối hận và ray rứt như thể chính tôi là kẻ xui xẻo gây ra điều này, vì kẻ tội đồ là tôi nên bà tôi ra đi mãi. Nhưng kì lạ là vừa viết xong đoạn văn ấy, nhà tôi bỗng cúp điện, tôi om. Tôi chợt cảm thấy lạnh người, có cảm giác như bà về vậy và bà không muốn tôi kể về điều này. Rồi một ý tưởng lóe lên, tôi phải bỏ luôn cái công sức cả tuần nghĩ ngợi và viết lại chỉ trong một đêm, thành ra bài viết này.

***

"Tuổi thơ" – Nghe ra thì thật mơ hồ. Tôi không biết tuổi thơ của mình bắt đầu từ đâu, thậm chí đến hôm nay nhìn lại cũng chẳng hay nó từ bao giờ kết thúc. Thế nhưng tôi cho rằng tôi đã có một thời tho thật êm đềm và hạnh phúc. Bởi lẽ mọi chuyện tôi đã trải qua những ngày xưa ấy dù vui dù buồn, dù khó khăn hay sung sướng, lớn lao hay nhỏ nhặt thì kế bên tôi luôn là những người tôi yêu dấu. Cũng nhờ vậy, tất cả những kỉ niêm của tôi đều trở nên thật quý giá và khó quên.

tuoi-tho

Từ khi tôi có nhận thức, tôi đây đã gắn liền với căn nhà cấp bốn lụp xụp giữa lòng thành phố. Tuổi thơ của cũng trải qua ở đó – nhà bà nội tôi. Ngày ấy, tôi sống với bà nội – một người phụ nữ mạnh mẽ và giàu nghị lực khi một mình nuôi nấng tới sáu người con trưởng thành. Thú thực, kí ức về bà trong tôi không nhiều vì bà mất khi tôi chỉ mới bảy tuổi. Thế nhưng không thể phủ nhận bà rất có sức ảnh hưởng tới tôi. Trong trí nhớ của tôi, bà là một người dẫu có chút nghiêm khắc nhưng với con cháu cũng rất cưng chiều yêu thương. Kí ức ít ỏi về bà của tôi là nhxng tối bà cùng em gái tôi lí sự cùng nhau; là những bữa cơm bà gắp cho tôi miếng thịt miếng cá; là bát bún ít ỏi bà vẫn lén sân cho cháu mình và là những đêm muộn, bà lồm cồm từ buồng đi ra la mắng ba mẹ tôi vì để tôi thức khuya coi hoạt hình không ngủ. Con heo đất màu đỏ tươi bà "nuôi" rất lâu, thực ra cũng chẳng được bao nhiêu đâu, bà cũng đem đập để cho tôi dăm ba chục mua bánh, sữa khi đói. Những đêm ba mẹ văng nhà, người phụ nữ tuổi trên tám mươi với chiếc lưng còng ấy trở thành "dũng sĩ" đuổi ma cho chị em tôi. Bà bệnh phải nằm viện, tôi tới thăm, bà cầm tay tôi không rời. Làm sao tôi quên được nụ cười móm mém thỏa mãn của bà khi trông thấy tò giấy khen học sinh giỏi đầu tiên của tôi hồi tiểu học? Và rồi mùng Một tết năm ấy, tôi chẳng thể quên. Bà nội tôi được xuất viện nhưng chỉ có thể nằm một chỗ. Sáng ấy, tôi diện đồ mới, hớn hở leo lên chiếc giường gỗ chúc tuổi bà. Bà thế nhưng lại chỉ có thể khó khăn đáp một chữ - "Giỏi". Mọi người đều bảo bà đang chúc tôi học giỏi chăm ngoan. Tôi vui sướng, rồi cứ thế lại đi chơi quên trời đất. Tôi nào hay rằng đó là kí ức cuối cùng, là điều đắt giá nhất mà bà dành cho tôi.? Chiều ấy, khi tôi mải vui bên những người chị họ, ba tôi bỗng vội vàng bắt tôi về. Mọi người bảo bà mất rồi. . . Trên đường đi, tôi đã thầm khẩn cầu rằng đó chỉ là hiểu nhầm. Thế nhưng khi đã về nhà, bà nội tôi thực sự chỉ nằm im lặng, lạnh lẽo. Mọi người bật khóc, tôi ngẩn người. . . Chuyện đã lâu thế nhưng tôi làm sao quên được? Dù kí ức về bà không nhiều nhưng tôi sẽ luôn nhớ. "Giỏi" kia tôi đã, đang và sẽ cố gắng thực hiện. Biết đâu ở nơi tốt đẹp nào đó, bà tôi có thể thấy và tự hào về tôi?

Ngoài những kí về người bà quá cố vừa buồn vừa vui ấy, tuổi thơ tôi cũng gắn với những khó khăn và hạnh phúc của gia đình nhỏ của tôi. Ba tôi vốn là một viên kế toán, thế rồi vì chăm sóc chị em tôi, ba nghỉ việc, từ bỏ hoài bão của mình. Tôi còn nhớ ngày xưa không ít lần tôi thấy các cô, các chú ở công ty cũ tới tận nhà mời ba về làm việc. Dẫu thế, khi trông thấy tôi đang nghệ ngao hát theo nhạc Xuân Mai, ba lại chỉ cười trừ từ chối. Còn mẹ tôi lại là một giáo viên ở huyện buôn vùng sâu vùng xa, một tuần chỉ về nhà một lần. Ba nghỉ việc nên mẹ trở thành lao động chính của gia đình, nghe thì thật ngược đời nhưng gia đình tôi là vậy đấy. Từ ngày bé, người chăm sóc tôi nhiều hơn là ba. Từ tập đi, tập ăn, tập nói đến đưa tôi đi học, đi chơi hằng ngày đều là ba làm. Trước khi tôi biết phân biệt phải trái, người cúi xuống mang cho tôi từ đôi giày này đến đôi giày khác cũng là ba. Sáng sáng, ba gọi tôi dậy đi mẫu giáo, vệ sinh cá nhân cho tôi, cột cho tôi kiểu tóc tôi thích, chọn cho tôi những bộ váy xinh xinh. Trở về nhà, tôi lại trông thấy ba tất bật nấu nướng trong bếp, rồi thì giặt giũ rửa chén bát. Ba đưa tôi đi khắp mọi con đường, đi từ phố xuống huyện xa thăm mẹ, đưa tôi đi thả diều chiều hè, đi xem ông già Noel vào những đêm đông lạnh giá, đưa tôi ra thế giới đẹp đẽ bên ngoài. Vậy nhưng tôi làm sao không hiểu, thực ra ba không thích thế đâu. Làm gì có người đàn ông nào muốn mình rảnh rỗi, chăm chăm việc nhà mà bỏ bê sự nghiệp? Ba đã hy sinh cho tôi như thế đấy. Nói vậy không có nghĩa là tôi trách mẹ tôi, bà ấy cũng là một người phụ nữ rất tuyệt vời. Từ xưa đến giờ vẫn thế, một tuần bảy ngày mẹ chỉ ở nhà cùng tôi hai ngày. Từ bé, tôi đã biết rằng chẳng có người mẹ nào muốn sống xa con cả, mẹ tôi cũng thế thôi. Bằng chứng là ba ấy rất thường xuyên gọi điện. Những ngày ở nhà, mẹ thường hay bắt tôi học bài, rèn chữ, làm toán. Cũng bởi là giáo viên nên mẹ có phần khó tính hơn ba nhiều. Vậy nhưng mẹ cũng rất hiểu ý con, mẹ thường mua cho tôi những chiếc váy đẹp khi làm trở về về. Tôi nhớ ngày xưa tôi hay đứng ngẩn người ở trụ điện trước nhà chờ mẹ, chờ chiếc xe Honda quen thuộc. Mẹ về trễ lòng sẽ lắng. Vì đường đi kia vừa xa vừa gập ghềnh. Thế nên tôi đã luôn cầu nguyện – "Lạy Chúa, xin cho mẹ con bình an trở về."

Tuổi thơ tôi có những kí ức vui vẻ với chúng bạn. Ngày xưa tôi là lớp trưởng tại lớp mẫu giáo. Do vậy tôi khá năng động và chơi với rất nhiều bạn, trong đó có cô bạn thân hiện tại của tôi. Lên đến cấp một, tôi lại hay xem phim hoạt hình rồi cùng lũ bạn dựng lại nó. Buồn cười nhất là có khi một đứa trong lũ chúng tôi giận gia đình thế là lại rủ nhau đi bụi. Tất nhiên là không thành. Cô bạn đặc biệt nhất của tôi chính là em gái tôi. Nó chỉ kém tôi một tuổi. Dường như chuyện gì bí mật tôi cũng kể cho nó nghe thế nhưng sau một hồi nó lại hồ hởi kể với ba mẹ, hại tôi tức muốn nổ đom đóm.

Không những thế, ngày xưa kia còn có những tủi hờn của bản thân. Như ngày đầu tiên đi học, mắt trông bố mẹ chúng bạn chờ đợi ở cửa lớp, tôi cũng ngó nghiêng tìm ba mẹ mình. Thế rồi khi ra về chỉ biết nhòe cả mắt nhìn dòng người đi về. Ba mẹ tôi bận việc tới trễ. Tuổi thơ là những chiều muộn cuối tuần thấy ba mẹ đi làm rẫy trở về, đất bùn nhuộm đỏ cả quần áo, mồ hôi nồng nặc. Tuổi thơ còn là nỗi lo sợ mùa hè kết thúc. Mùa hè hết, mẹ tôi lại phải về trường xa. Đêm cuối hè lại nhìn thấy mẹ lén bật khóc, lòng xót xa. Tuổi thơ kia chẳng cho tôi màu hồng cổ tích nhưng lại công bằng khi cho tôi thấy đủ moi âu lo của ba mẹ, cũng có thể vì thế tôi có vẻ già dặn hơn chúng bạn nhiều. Ừ thì thích công chúa hoàng tử nhưng từ nhỏ đến giờ tôi chẳng tin phép màu, vì nếu có bà tiên ông bụt tôi đã chẳng khổ như vậy, tôi đây cũng chẳng phải nhìn thấy nhiều khó khăn của họ đến thế. Tuổi thơ đã ấp ủ cho tôi những hoài bão, chắp cánh cho những ước mơ sau này.

Tuổi thơ đã kết thúc thế nhưng mấy ai có thể quên đi nó, kể cả tôi. Đó là hành trang, là sự thúc đẩy tôi tiến tới một tương lai tốt đẹp, là gia sản qusy giá luôn tồn tại trong mỗi chúng ta.

 

Ngày đăng: 12/12/2017
Người đăng: Andy Trần
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Lùi lại một bước
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage