Gửi bài:

Anh tôi và những người bạn

Tôi quen biết các anh vào dịp hè năm 1971 khi mà cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra Miền Bắc ngày càng trở nên ác liệt. Các cơ quan, nhà máy, các trường đại học... đóng tại các thành phố lần lượt phải đi sơ tán. Và ngày đó tôi vẫn còn là cậu bé đang học cấp 2.

***

anh-toi-va-nhung-nguoi-ban

Khi đó ông đội trưởng sản xuất làng tôi cho họp toàn thể bà con xã viên lại để phổ biến kế hoạch phòng không và chủ trương sơ tán của cấp trên. Theo đó làng tôi sẽ đón nhận cán bộ giáo viên và sinh viên khoa văn trường Đại Học Sư Phạm Việt Bắc về sơ tán. Đội sản xuất yêu cầu các gia đình tạo mọi điều kiện giúp đỡ các thầy cô giáo và sinh viên có chỗ ăn ở và sinh hoạt, học tập. Đồng thời cũng yêu cầu bà con thực hiện tốt quy chế phòng gian bảo mật cụ thể là thực hiện "ba không" (không nghe, không biết, không nói).

Vậy là chỉ vài hôm sau ngôi làng yên tĩnh của chúng tôi bỗng trở nên tấp nập lạ thường, các thầy cô giáo và các anh chị sinh viên lũ lượt tay xách, nách mang đủ các thứ đồ đạc từ ba lô tư trang, đến các đồ dùng thiết yếu phục vụ cho cá nhân và tập thể như sách vở, bàn ghế, nồi niêu, xoong chảo vv ... được ô tô tải chở đến đầu làng và mọi người mau chóng khuân vác đồ đạc đi theo cán bộ hợp tác xã (HTX) để nhận chỗ ở trong các nhà dân. Lũ trẻ con chúng tôi thích thú chạy lăng xăng khắp nơi xem mọi người, các anh chị sinh viên trẻ ăn mặc đẹp và cởi mở bắt chuyện với chúng tôi rất rôm rả. Vậy là chúng tôi dễ dàng trở thành những "giao liên" giúp họ tìm các chủ nhà hoặc liên lạc với cán bộ HTX...

Sau khi ổn định chỗ ăn ở tại các nhà dân, những ngày sau đó thầy trò nhà trường bắt tay vào xây dựng trường, lớp, đào hầm, hào phòng không... tất cả những công việc đó của trường được bà con dân làng giúp đỡ rất nhiệt tình, tre gỗ nhiều gia đình cho, còn thiếu thì thầy trò tự lên núi Chúa lấy về (thời đó rừng còn rất nhiều giang, nứa và cây cối) Vậy là chỉ trong vòng 1 tháng các lớp học tranh tre đã được dựng lên kín đáo núp dưới những tán cây trong làng vừa đảm bảo phòng không, vừa có đủ nhà ăn, hội trường và nhà tập thể cho một số giáo viên có gia đình. Mọi sinh hoạt nhanh chóng đi vào nề nếp.

Nhà tôi 5 gian rộng rãi có anh Phan Thanh Lương và anh Nguyễn Văn Túc đến ở. Mẹ tôi nhường cho hai anh một chiếc giường đôi ở nhà ngoài. Vì nhà rộng lại có đầy đủ bàn ghế nên nhà tôi thường được các anh trong khoa Văn nhờ làm nơi họp và sinh hoạt chuyên môn.Vì vậy mà tôi cũng được biết hầu hết các anh chị giáo viên trong khoa, và ai cũng coi tôi như cậu em út vậy. Nhà kho HTX cũng được tận dụng làm chỗ ở cho giáo viên. Hàng ngày sau khi đi học về tôi phải chăn trâu. Chiều đó tôi chăn trâu ở gần kho cùng mấy thằng bạn và thấy có hai anh đang dọn dẹp căn phòng ở chái kho để ở. Chúng tôi đến xem và làm quen. Trời nóng nắng, một anh cầm chiếc ca nhờ tôi về nhà lấy nước uống. Tôi cầm ca chạy về lấy nước và mang ra cho các anh. Sau hỏi ra người nhờ tôi lấy nước là anh Bàn Tiến Tân, người kia là anh Vũ Nho. Các anh vừa làm vừa hỏi chuyện chúng tôi...

Cứ thế tôi quen biết và trở nên thân thiết với các anh ngay từ buổi ấy. Thường ngày các anh đọc sách và nghiên cứu tài liệu, rồi lên lớp. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi vào giờ làm việc các anh rất tự giác, mỗi người một bàn ngồi đọc sách và ghi chép rất chăm chú. Còn bé chưa hiểu gì nên tôi lấy làm lạ. Tôi quen với giờ giấc làm việc của các anh và đặc biệt mẹ tôi thường dặn tôi không được quấy rầy để các anh làm việc nên tôi ngoan ngoãn tuân theo. Buổi chiều từ 5 đến 6 giờ, các anh thường cuốc đất trồng rau để cải thiện, trước cửa nhà kho ngày ấy là cái đầm HTX khá rộng gọi là đầm Giếng Đá, tuy không thả cá nhưng cá đồng và cua, ốc khá nhiều, các anh cũng tìm cách bắt cua, cá để cải thiện.

Một thời gian sau có thêm anh Đoàn Hồng giáo viên dạy Trung văn cùng 3 đứa con (2 gái một trai thứ tự là : Sương, Đào, Lĩnh) dọn đến ở trong gian giữa nhà kho. Thời kỳ này đời sống của các anh vô cùng khó khăn, nên ngoài giờ làm việc anh Đoàn Hồng thường thả vó tôm ở đầm để có thể bắt thêm cua, cá cải thiện bữa ăn cho các con. Các anh dùng lá sắn tươi bó lại thành từng bó ngâm xuồng đầm để nhử cua vào trú, tối tối lại xách đèn dầu ra soi và bắt. Nhà tôi rất nhiều ổi, mít, bòng mỗi loại có tới cả chục cây, vậy là tôi thường đem mít, ổi, bòng cho các anh và mấy đứa con anh Đoàn Hồng. Khi đã quen, các anh vào vườn tự do vỗ mít, hái ổi, chòi bòng ăn tự nhiên, vì vậy tôi là đứa trẻ được các anh tin tưởng và quý mến như em út.

Một thời gian sau anh Tân và anh Nho xin cây que vào dựng một căn nhà ngay sau bếp nhà tôi. Căn nhà do tự tay anh Tân đục đẽo dựng lên. Phải nói anh làm rất khéo nhà dựng lên vuông vức, cao ráo lại là nơi tôi thường trốn nhà xuống chơi với các anh. Anh Tân tính tình hiền lành, khéo tay, viết chữ đẹp, giỏi giải toán, nói chuyện rí rỏm mà rất vui, khiến tôi rất quý mến anh, tôi hay nhờ anh giải toán và thường gọi anh với biệt danh là: BTT (Bàn Tiến Tân). Môn dạy của anh là Văn học dân gian nên toàn bộ mấy chục tập: "Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam" do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn cùng với bộ "Nghìn Lẻ Một Đêm"...được tôi đọc ngấu nghiến ngày đêm. Tâm hồn tôi khi ấy thẫm đẫm hơi thở và ước mơ từ những câu truyện và trang sách đó. Kết quả thật không tệ ngay sau đó tôi đoạt giải nhất môn văn kỳ thi học sinh giỏi toàn huyện. Chính những điều này càng khích lệ tôi trong học tập và ham đọc sách nhiều hơn. Có lẽ nói không sai chính nhờ có 4 anh Tân, Nho, Túc, Lương mà tôi ham học và ngoan ngoãn hơn và càng thêm yêu môn văn.

Cũng như duyên định ngày 28/01/1973 anh Tân kết hôn cùng chị Bùi Thị Vân là chị gái của tôi. Khi đã trở thành con trong gia đình sự quan tâm của anh đối với gia đình tôi càng thêm chu đáo. Mẹ tôi rất quý anh. Các anh tôi đi bộ đội và công tác xa vậy nên mẹ coi anh như anh cả trong nhà, mọi chuyện đều bàn bạc với vợ chồng anh chị. Anh thường kể anh là người Dao học trường nội trú, bản thân phải tự lập từ bé, có lẽ vì thế mà anh biết làm mọi thứ từ việc mài dao, làm mộc đến nấu ăn cái gì cũng khéo. Bạn bè cùng học của anh cũng rất đông. Nhưng anh bảo chỉ có 3 người bạn là thân thiết gắn bó nhất. Đó là ba người bạn cùng học khoa văn khóa I Đại học sự phạm Việt Bắc (1966 -1970) gồm Vũ Nho, Bùi Phú Hảo, Lộc Phương Thủy. Ngày đó bộ tứ Tân, Nho, Hảo, Thủy là những sinh viên nổi tiếng vì có thành tích học tập học cao nhất khoa. Và khi ra trường họ đều được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa văn.

Năm 1977 anh Tân về Hà Nội thi nghiên cứu sinh và đỗ! Cuối năm 1977, anh lên tàu liên vận sang Liên Xô, hình như tàu chạy mất 9 hay 10 ngày đêm mới đến nơi. Anh là nghiên cứu sinh của một trường oách nhất thời đó: Đại học Tổng hợp Lômônôxôp ở Thủ đô Matxcơva. Dạo đó tôi đã học cuối cấp 3, mấy tháng sau anh gửi về cho tôi một bộ comle, một đôi giày da mới tinh và chiếc va ly cũ anh được phát trong chuyến du học. Phải nói đó là món quà rất lớn đối với tôi. Trong khi thanh niên làng thời đó chỉ có áo len, áo sợi thì tôi đã có comle, cavat và giày Iluých. Hành trang vào chuyên nghiệp của tôi có chiếc va ly màu đen cũng là oách nhất so với các bạn trong trường toàn là hòm gỗ... tôi vui sướng, tự hào và thầm biết ơn anh vô cùng!

Cùng đi Liên Xô chuyến đó có cả chị Lộc Phương Thủy chị đỗ nghiên cứu sinh của trường Đại học Tổng hợp Leningrat. Sang bên đó tuy ở 2 thành phố cách xa nhau nhưng 2 người vẫn thường xuyên qua lại thăm nhau. Hơn một năm sau anh Vũ Nho lại cũng đi làm nghiên cứu sinh tại Leningrat. Tại đây các anh chị lại có nhiều lần gặp nhau và có những kỷ niệm khó quên với nhau bên đó. Năm 1982 sau khi bảo vệ xong luận án phó tiến sỹ (nay gọi là tiến sỹ và là người Dao đầu tiên có bằng này). Anh trở về nước với nguyện vọng xin về Viện Văn Học Viết Nam nhưng không được cuối cùng anh trở về trường Đại học sư phạm Việt Bắc giảng dạy. Bốn người bạn cùng khóa, duy có anh Bùi Phú Hảo sau khi đi bộ đội, giải ngũ không quay lại Khoa. Nghe kể anh Hảo về quê dạy cấp 3 rồi lên hiệu phó, rồi làm đến Chủ tịch, Bí thư huyện Duyên Hà, cuối cùng làm Giám đốc đài phát thanh truyền hình Thái Bình rồi nghỉ hưu. Anh Vũ Nho về Hà Nội làm ở Vụ Giáo dục Trung học, được phong PGS năm 1991 (Là sinh viên đầu tiên của trường Việt Bắc được nhận học hàm này). Chị Lộc Phương Thủy, ở Liên Xô về nhận công tác tại Viện Văn học Việt Nam, làm Trưởng ban văn học thế giới, lần lượt được phong PGS rồi GS. Đó là những người bạn mà anh rất thân thiết và quý trọng.

Có thể nói cả 4 người đều rất thành đạt trên con đường học vấn. Riêng đối với gia đình, anh Tân sống rất chân tình và là người luôn có trách nhiệm với tất cả anh em nội ngoại cũng như vợ con. Quê anh ở Nguyên Bình – Cao Bằng thời đó giao thông đi lại rất khó khăn nên anh rất ít khi về quê. Tôi nhớ có lần anh hẹn cho tôi về quê cùng. Đúng ngày, tôi ra ngõ đón xe thì chị tôi trở dạ sinh cháu thứ 2 thành ra tôi phải ở nhà lo giúp chị làm các thủ tục giấy khai sinh và nhập sổ gạo cho cháu vậy là đành bỏ mất một vé xe. Mình anh về quê, hai tuần sau xuống mang theo nào gạo nếp, nào gà đen cho vợ bồi dưỡng. Anh có nhiều biệt tài nhất là nấu ăn rất khéo, bạn bè ai cũng khen nên cứ dịp giỗ tết của nhà tôi đều một mình anh lo nấu nướng cả. Anh cũng rất giỏi ngoại ngữ anh có thể nói, dịch thông thạo tiếng Nga và tiếng Trung. Chữ viết lại cực đẹp cả chữ ta và chữ Trung. Anh đã cùng với anh Vũ Nho dịch cuốn "Truyện Cười Tác Ta" sang tiếng việt, sách được nhà xuất bản văn học ấn hành và đang dự định sẽ dịch tiếp một số tập khác nhưng không kịp... Đối với tôi, tôi luôn coi anh là hình mẫu tuyệt vời nhất của mình. Nhưng khổ thể người ta thường nói những người tốt, người tài thường hay yểu mệnh. Anh mất ngày 16/6/1994 âm lịch (tức ngày 24/7/1994) trong một tai nạn giao thông khi đó anh mới 49 tuổi, cái tuổi đang độ chín và tràn đầy hứa hẹn!

Vậy là đã 24 năm anh tôi đi về cõi vĩnh hằng. Bạn bè, người thân, con cháu vẫn không nguôi nhớ về anh. Ba người bạn của anh vẫn thường xuyên qua lại gia đình và thắp hương cho anh mỗi dịp hội ngộ, lễ tết và ai cũng thương tiếc anh... Nếu có chốn thiên đường em mong ở nơi đó anh hãy thảnh thơi yên nghỉ anh nhé! Hai con anh cũng đều kế tục được sự nghiệp của anh, hai cháu Bàn Tuấn Năng và Bàn Quỳnh Giao cũng đã bảo vệ xong luận án tiến sỹ năm 2017 đều về văn hóa người Dao đó anh! Điều diệu kỳ mà khiến nhiều người suy nghĩ đó là cháu Bàn Quỳnh Giao hiện về công tác tại Viện Văn Học Việt Nam – Nơi mà xưa kia anh luôn bảo anh chỉ thích xin về đó mà không được! Phải chăng anh đã run rủi cho con gái về đó công tác?? Bởi lúc sống anh vẫn bảo anh thương nó nhất! Phải vậy không anh?? Người đời vẫn bảo: "Người đi tiếng ở" và "Hiền lành để phúc cho con" ngẫm về anh mà em thấy đúng như vậy anh Tân ạ!

Cầu Lân - Hè 6/6 /2018

Bùi Nhật Lai

 

Ngày đăng: 19/07/2018
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
True
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage