Gửi bài:

Đứa trẻ lạc

Nó thấy mình lạc, lạc giữa cuộc đời chính nó, giữa những sự sắp đặt trớ trêu của tạo hóa.

***

Đó là những ngày tháng năm nó mới học lớp Hai. Những đêm tối nằm yên lặng trên chiếc giường nhỏ dưới nhà, nó lắng nghe tiếng mẹ khóc nức nở, tiếng bố đanh lại quát tháo. Mẹ khóc nhiều lắm, qua những tiếng thổn thức khe khẽ, nó nghe thấy mẹ xin bố hãy giải thoát cho bà. Tiếng những bước chân chạy rầm rầm ở tầng trên, tiếng đồ đạc rơi vỡ loảng xoảng. Nó sợ hãi, co rúm người trong tấm chăn mỏng và dỗ mình vào giấc ngủ vụng về.

dua-tre-lac

Sau đó bố mẹ chia tay nhau. Rất đột ngột. Mẹ ôm nó khóc, rồi với đủ thứ đồ lỉnh kỉnh, chiếc taixi đưa bà rời xa ngôi nhà nhỏ có đứa con thơ bé bà để lại, một nơi chốn bà đã làm vợ hơn mười năm nay, đủ cả những vui buồn, đắng cay, đủ hạnh phúc và những giọt nước mắt.

Những đêm tối, nó chẳng còn phải âm thầm lắng nghe tiếng bố mẹ cãi nhau nữa, sẽ thật hạnh phúc nếu không thay vào đó cũng chẳng còn ai hay xoa lưng cho nó ngủ mỗi tối, thi thoảng lại rón rén khẽ đắp tấm chăn mỏng lên người nó.

Bố cho người ta thuê căn nhà, rồi gửi nó lên nhà ông bà nội. Căn nhà nhỏ xinh nằm giữa một khu sát ngoại ô, thanh bình, yên ả. Nhà ông bà nội trong kí ức của nó là cánh cửa bằng gỗ trắng, hàng rào xây xung quanh mảnh vườn be bé trồng đủ thứ hoa, thứ rau củ, những chiều mát ông nội lại bắc võng ra dưới gốc nhãn nằm đọc báo, thi thoảng lại khe khẽ ngân nga khúc truyện Kiều, thơ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, nó nghe mãi thành quen, chứ hồi ấy có hiểu gì đâu. Tối tối, bà nội nằm xoa lưng cho nó dễ ngủ, tay bà thô ráp, sần sùi nhưng nó thích lắm, bà còn kể cổ tích, ngụ ngôn rồi cả ca dao cho nó nghe. Bà thuộc nhiều thứ, nó nghe mãi, và cũng thành quen.

Bố nó bỏ đi biệt. Nó hỏi bà, bà bảo không biết. Nhưng nó nghe loáng thoáng mấy bà hàng xóm kể lể với nhau, bố nó đi tìm mỏ vàng, đi đào vàng tít đâu xa xôi, nó không nhớ nổi. Bố có về thăm nó hai lần, bố hốc hác, gầy gò, bộ quần áo bạc phếch lấm lem bụi đường. Nó thấy tóc bố đã lốm đốm bạc. Rồi bố lại bế thốc nó lên, cho nó que kẹo, cái kẹp tóc bông hoa xinh xinh, khen nó học giỏi, viết chữ đẹp.

Hình như ấy là lần cuối cùng nó gặp bố nó. Bố đi biệt, khi về chỉ còn lại cái người không hồn, lạnh toát, cũng bơ phờ, hốc hác y như lần ấy. Nó thấy ảnh bố trên bàn thờ, thấy trên đầu mình quấn chiếc khăn trắng trông là lạ, thấy ông nội ngồi thần người, thấy bà sụt sịt khóc, những giọt nước mắt chảy ra từ hốc mắt, gương mặt bà co rúm, nết nhăn như hằn sâu mãi. Còn bố nó, cứ nằm ngủ mãi chẳng chịu dậy, mắt bố nhắm nghiền, bộ quần áo trên người sạch sẽ, gương mặt bố trông bình thản đến lạ thường.

Hôm ấy cả mẹ cũng về. Mắt mẹ sưng húp, vằn những tia máu đỏ. Tay mẹ bế cậu con trai một tuổi rưỡi, đôi mắt nâu linh hoạt, bàn chân bàn tay mũm mĩm, da dẻ hồng hào sạch sẽ. Lạ quá! Nó có em từ bao giờ thế? Sao bố chẳng dậy bế em bé đi? Nó nép mình sau kẽ cửa chỉ dám nhìn thằng em trai mới bằng cái nhìn đầy e dè, sợ sệt.

Căn nhà nhỏ của ông bà nội hôm ấy đông đúc náo nhiệt lạ, bao nhiêu người hết lượt này đến lượt khác ghé thăm, thỉnh thoảng lại có kẻ nhìn nó với ánh mắt thương hại, xót xa mà nó chẳng hiểu gì. Tiếng kèn trống inh ỏi, nghe đến não cả ruột.

***

Sau đợt ấy bà nội nó ốm rộc cả đi, bà hay nằm một mình trên tấm phản rộng để mặc nó xoa bóp chân tay, nước mắt bà chảy dọc gò má nhô cao, lốm đốm đồi mồi. Nó ríu rít kể cho bà nghe đủ thứ chuyện, chuyện bài vở trường lớp, chuyện hàng xóm nhà kế bên, chuyện cây ổi trong vườn mới ra quả. Nhưng tuyệt nhiên nó chẳng bao giờ nhắc tới những chuyến gặp gỡ bất ngờ của mẹ nó ở trường. Mẹ hay mang theo cậu em trai nay đã bập bẹ biết nói và chập chững biết đi, thi thoảng mẹ giúi vào tay nó những đồng bạc lẻ để uống nước, ăn cái bánh cái kẹo.

Khi bà nội mất, nó đã tròn mười hai. Đủ lớn để hiểu cái từ "giải thoát" trong những đêm tối mẹ cầu xin bố nó, đủ thông minh để nhận ra đứa em trai nó hằng yêu quý là con của một người cha dượng nó chưa gặp bao giờ, cũng đủ hiểu biết để thảng thốt nhận ra những năm bố nó bỏ đi biệt ấy là vì chán chường cái cảnh gà trống nuôi con, chán cả cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Nó không gặp mặt mẹ nó thêm một lần nào nữa. Sự trẻ con bướng bỉnh, nông nổi đã ngăn những khao khát được mẹ yêu thương từ sâu trong thâm tâm nó. Nhưng mẹ đã bất ngờ tìm nó vào một buổi trưa thứ Bảy nắng to.

- Con có muốn vào miền Nam với mẹ và dượng con không?

Nó im lặng, cúi gằm mặt. Nó có muốn không? Nó muốn, nó rất muốn. Những mỗi lần nghĩ đến đứa em cùng mẹ khác cha, nghĩ tới người cha dượng chẳng rõ hình dạng, lòng nó quặn thắt lại. Mẹ nó thả thằng em xuống, dịu dàng hôn lên má nó, rồi như sắp khóc, bà bảo:

- Con ở lại cố gắng học hành.

Xong bà lật đật bế cậu con trai bụ bẫm đi mất, nó đứng trên lề đường vắng ngắt, nhìn theo chiếc taxi đưa mẹ nó đi, ngẩn ngơ mãi chẳng rõ đang nghĩ gì...

***

Nó vừa lên lớp Tám thì ông nội cũng qua đời. Căn nhà nhỏ nghiễm nhiên thuộc quyền sở hữu của chú nó. Bây giờ cái khu ven ngoại ô ấy đã đông đúc lắm rồi, xe cộ đi lại tấp nập, hồi còn sống, thi thoảng ông nó lại gắt lên vì chẳng còn nơi yên tĩnh mà đọc báo, ngâm thơ.

Thím nó gọi người cưa cây nhãn đi để mở quán cà phê kiếm tiền. Lúc nó về cành lá ngổn ngang sân vườn. Lòng nó hình như cũng rỉ máu, từng giọt.

- Cho nó vào cô nhi viện chứ tôi chả nuôi nổi nó!

Trong đêm tối giọng thím nó gay gắt. Hình như chú quát lên, gầm gừ nói gì đó, rồi tiếng bàn ghế bị xô đổ, thím khóc nức nở, vừa khóc vừa kể lể, rằng nghề nghiệp thì bấp bênh, lại còn thêm hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Một quãng im lặng khá lâu sau đó. Nó nghe thấy tim mình như đập bùm bụp trong lồng ngực. Tiếng thủy tinh bị đập vỡ vụn, thím nó kêu lên rồi lại khóc bù lu bù loa. Nó giật mình, sợ hãi, người co rúm trong tấm chăn xộc xệch. Nỗi sợ đã ám ảnh nó thời thơ bé như đang quay lại bủa vây, hệt những đêm đen tối nhiều năm trước...

Sáng hôm sau, chú dậy rõ sớm, mua nắm xôi đỗ xanh rồi thong thả nhìn nó ăn hết. Chú loanh quanh hỏi mấy chuyện bài vở, ngập ngừng chẳng biết nói gì nữa. Bất thình lình, nó nhỏ nhẹ bảo:

- Chú không phải nói gì cả, cháu biết hết rồi.

Hai chú cháu đột nhiên im lặng nhìn ra ngoài sân, mùa này đang là mùa nhãn...

***

Ngày đi nó chỉ xếp một túi hành lý nhỏ gọn, đơn giản. Chậm chạp từng bước nặng trĩu, nó nhìn khu vườn còn một khoảnh bé xíu, dáng bà lui cui hái rau, ngân một điệu ca dao bằng giọng trầm ấm, khàn khàn, dáng ông gầy gầy nằm trên chiếc võng xanh, hai mắt lim dim, ấy là lúc ông đang tìm một đoạn truyện Kiều nào đó để ngâm.

Nó thấy mình lạc, lạc giữa cuộc đời chính nó, giữa những sự sắp đặt trớ trêu của tạo hóa.

Tiếng chú giục vang lên sau lưng, nó vội vã leo lên yên xe nhưng còn ngoảnh lại nhìn cánh cửa màu trắng cũ kỹ mãi. Cho đến tận khi căn nhà nhỏ khuất nơi cuối phố, con bé mới quay đầu lại, sẽ sàng đưa tay lau giọt nước mắt vừa tràn khỏi khóe mi...

23-8-2014, 5:09 PM

 

Ngày đăng: 30/08/2014
Người đăng: Phương Anh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Đã rời xa
 

Giờ đây, cuối cùng tôi đã biết yêu, tiếc rằng em đã rời xa, đã mất hút trong biển người mênh mông...

Bên nhau trọn đời - Cố Mạn

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage