Gửi bài:

Thuỵ du

Tôi tình cờ gặp em lúc đi dạo trên công trường.

Trời lúc đó khá tối, và lại không có ánh đèn. Nếu như không nghe thấy tiếng sụt sịt, chắc có lẽ tôi cũng không nhận ra là có người ở đó.

Tôi nhìn kỹ thấy em đang ngồi khóc. Tôi hỏi em lý do là gì. Bỗng dưng tiếng sụt sịt ấy vang lên thành tiếng khóc nức nở. Tôi không thân với em lắm, nhưng tôi biết em luôn vui vẻ và ồn ào. Vậy mà giờ đây dáng vẻ ồn ào tôi đâu thấy, thay vào đó là một cô bé mít ướt, hình như đang dỗi hờn cả thế giới.

Tôi để cho em khóc, chỉ lẳng lặng ngồi xuống. Sau một hồi, em bình tĩnh lại...

Em nói em có nhiều người bạn thân, nhưng chưa bao giờ em khóc trước mặt họ. Vậy mà bây giờ đây, em lại khóc trước một kẻ không thân là tôi.

Tôi không nói gì, mím môi lại, cũng chẳng biết nên nói gì nữa. Là một người không giỏi nói, giỏi an ủi người khác, nên tôi cảm thấy khá bối rối khi nhìn thấy em như vầy.

Em đã nín khóc hẳn. Em bắt đầu nói một tràng dài, còn tôi chỉ biết ngồi lắng nghe. Lắng nghe là sở trường của tôi.

***

thuy-du

Em nói rằng, hôm nay em rất buồn.

Tôi không biết vì sao em buồn, rồi tôi bật cười. Tôi nhìn em, em cũng đang trong độ tuổi 17, 18 mà thôi. Mà cái tuổi này đang học cách buồn. Nhìn một bông hoa nở, thấy buồn. Có khi buồn vì "bị" nghỉ học dài dài, không được đến trường cùng bạn bè. Hoặc là em lại buồn vì những chuyện yêu đương đơn thuần, hay là vì điểm số trên lớp. "17, 18 tuổi thì có gì mà phải lo nghĩ, mà buồn chứ". Tôi nghĩ "cái buồn" của em khi này, giống tôi của năm 18 tuổi khi ấy. Và sau này lớn lên, trải qua nhiều chuyện em sẽ cảm thấy rằng thật lãng phí vì đã giành nhiều thời gian để buồn mà quên đi những việc khác quan trọng hơn.

Miên man với dòng suy nghĩ, tôi đã vô tình cười. Lần này tôi cười hơi lớn tiếng. Thật ngạc nhiên là em cũng bật cười, lại còn cười to hơn tôi.
Em hít một hơi thật sâu, thở ra và bắt đầu kể.

Sau một hồi chăm chú lắng nghe em kể, tôi bắt đầu hối hận vì đã cười, và tự cảm thấy xấu hổ. Tôi bắt đầu cảm thấy khâm phục em hơn. Bởi nỗi buồn của em ... thật khiến cho người ta thương em.

Nhà em có 5 người, em là con cả, có hai đứa em ( một trai, một gái), một đứa cách em 3 tuổi, một đứa đang chập chững bước vào lớp 1.
Tuy đông vui là vậy, nhưng em cảm thấy mình đang bị cô lập ngay chính trong căn nhà của mình, mọi thứ đối với em khi gần, khi thì lại quá xa. Kể cả về tình cảm giữa phụ huynh và con cái. Bố mẹ em có lẽ là những người rất tâm lý, nhưng chẳng bao giờ chịu thể hiện ra ngoài. Em sau mỗi lần đi học về, là chỉ muốn nằm im trong căn phòng nhỏ trên tầng. Hình như chỉ có nơi đó là hiểu em nhất. Nơi mà có giàn hoa giấy ngay cạnh cửa sổ, thỉnh thoảng ghé vào nô đùa cùng em. Có khi những bông giấy đó im lặng, như quan sát.

Em đang học trong đội tuyển Văn của trường, thành tích học tập em khá cao. Nhưng bố em lại ngăn cản em học. Bố bảo em không cần học nhiều, và nếu nghỉ luôn đi làm công nhân bố cũng quá đồng ý. Bố nhắc lại vấn đề này khá nhiều lần. Có khi là đùa, có khi là thật. Dù là đùa, dù là thật, em thấy em bị tổn thương. Có khi, biết bố nói vậy là để em mạnh mẽ hơn thôi.

Trong quá trình em kể, em luôn miêng nói rằng em cần, em mong ước có được tình thương từ bố.

"Có lẽ, vì em là con gái nên tình cảm hai bố con không thể hiện rõ ràng như con trai với bố". Tôi đã nghĩ như vậy.

Em chắc đọc được suy nghĩ của tôi, nên thở dài nói:

- Không phải như anh nghĩ đâu, em và bố từ nhỏ đã không hợp nhau rồi. Em cũng chẳng thể hiểu nổi vì sao nữa. Ngay từ nhỏ bố con đã không thích nhau rồi, động nói chuyện với nhau là lại chuẩn bị cãi nhau. Mẹ em rất sợ để cho hai bố con nói chuyện, mỗi lần cãi nhau mẹ rất phiền lòng.

Tôi vẫn im lặng, em thì ngập ngừng, như muốn hít một hơi nữa thật sâu, lấy can đảm rồi nói tiếp :

- Anh biết không? Có lần bố mẹ em cãi nhau to, rồi vô tình nhắc đến chuyện quá khứ. Em vì dự cảm không lành nên đã hỏi mẹ. Mẹ em vừa khóc, mà vừa kể với em rằng: Em là một đứa con gái đầu lòng, nhưng khi sinh ra lại không được chào đón. Mẹ không nói lý do. Em không biết là vì sao. Hồi đó khi mới sinh em ra, bố em đòi viết đơn ly hôn, hai lá đơn đầu tiên mẹ em không chịu ký. Nhùng nhằng đến lá thứ 3, mẹ nước mắt chảy ngược, ký vào đơn đó. Nhưng bố lại không dám nộp. Sau vụ ly hôn không thành đó, em sống trong sự yêu thương của mẹ, bố em dành tình cảm lạnh lùng hơn đối với em.

Bỗng nhiên em cười to làm tôi giật mình. Hình như em cần ai đó lắng nghe em, em mong muốn được nói ra, như thế sẽ dễ chịu hơn nhiều. Hình như em rất cô độc.

Hình như hôm nay bầu trời nhiều sao nhưng chỉ có một ngôi sao toả sáng. Đặc biệt.

- Nhưng anh biết không, những ngày tháng sau đó, mẹ em đã phải chịu khổ như thế nào... chỉ vì em. Thà rằng mẹ em cứ kiên quyết ký vào đơn ly hôn, thà rằng hôm đó bố em mang đơn nộp. Thà rằng gia đình em đừng đoàn tụ như này nữa, thà rằng mẹ sinh ra không phải là em...

Tôi vẫn chưa thực sự hiểu lý do mà bố của em lại ruồng bỏ em đến vậy, cho đến giờ đầu óc vẫn mơ hồ.

Em kể, em có một người bạn chơi với em từ bé, nhưng không may là bố bạn bị tai nạn giao thông và mất khi bạn đó học lớp 5. Vì cùng xóm, nên hai đứa chơi rất thân với nhau, cho đến bây giờ vẫn vậy... Cho dù bố em luôn quý mến bạn và cả người phụ nữ là mẹ bạn hơn em và mẹ, hai đứa vẫn chơi với nhau một cách thật lòng.

Từ ngày mẹ em sinh đứa thứ 3, bố dường như quên mất rằng mình đã có gia đình, đã là chồng, là bố của 3 đứa con; mà đem tình cảm nam nữ sai trái với một người khác không phải là mẹ. Khi đó em mới học lớp 6.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy không khí hơi ngột ngạt, hình như lo sợ cho em, thương em nhiều hơn, lại càng bội phục em và người phụ nữ kiên cường là mẹ em kia.

- Em còn quá bé (12 tuổi) để trải qua những chuyện như vậy, những chuyện mà người lớn khi trải qua rồi vẫn cảm thấy sốc và đau lòng.
Khi lớn lên, em dần để ý và dần nhận ra mọi chuyện đều là sự thật. Mỗi khi mẹ vắng nhà, bố đều sang nhà người đó. Ngay cả khi ở trước mặt mẹ và các con, bố vẫn làm những hành động thân mật với người đàn bà đó. Em lúc bây giờ đã lớn rồi, đã đủ nhận ra mọi chuyện. Chỉ là thông qua cái liếc mắt, những lần nhìn nhau vội vàng em cũng đủ hiểu mọi chuyện. Em buồn. Buồn thực sự. Với cả thương mẹ nhiều hơn. – Em nói.

Tôi lúc này giống như một kẻ nhút nhát, không dám nhìn thẳng vào mắt em, mà xem em nghĩ gì, mà an ủi em. Suy nghĩ một lúc tôi hỏi một cách ngập ngừng:

- Vậy... hôm nay em khóc, là có chuyện gì liên quan đến bố đúng không?

- Anh đã bao giờ bị ai nói rằng họ rất căm thù anh chưa? – Em quay sang tôi, mái tóc em rối bời.

Tôi lung túng, nghi hoặc, đáp chưa.

- Haizzz!! Vậy mà mỗi lần mắng, bố đều nói đến từ Căm thù. Em rất sợ khi nghe thấy hai từ đó, rất sợ khi nghe thấy câu nói: "Cái loại mày, sao tao lại căm thù đến thế?" – Em ngừng lại, giọng em lặng đi, hình như hai hàng nước mắt đã lăn dài trên má, từ bao giờ.

Tôi ngồi sát cạnh em hơn nữa, để cho em nghiêng người, dựa vào vai tôi. Và một lần nữa em lại khóc. Giọt nước mắt lần này nhẹ hơn lần trước. Có lẽ bởi vì em đã trút ra được những cái nhọc lòng mà em giấu kín suốt bao lâu nay.

Trong đầu tôi bấy giờ, là một suy nghĩ mông lung, thật không dám tin vào lời em kể. Đó là em, người con gái mà tôi hầu như ngày nào cũng thấy ư? Đó là bố em, là câu nói của người bố dành cho người con ư? Đáng lẽ ra lời nói đó phải nên dành để chửi mắng một tên tội phạm giết người mới đúng. Sao lại có thể đặt lên trên đứa trẻ đang lớn như vậy chứ?

Lúc này đây, tôi lại càng xấu hổ vì tiếng cười của mình lúc nãy.

Hoá ra em mạnh mẽ hơn tôi tưởng, hoá ra em người lớn hơn tôi. Hoá ra, việc tâm sự với một người lạ như tôi lại dễ dàng hơn với một người dường như là đã quá thân quen.

...

Tôi không biết cuộc trò chuyện đó đã kết thúc lúc nào, cũng không nhớ rõ đã đưa em về như thế nào. Trong đầu tôi lúc này tràn ngập hình ảnh em ngồi khóc một mình, còn câu chuyện của em vẫn ám ảnh mãi...

Vài ngày sau, cũng tại nơi công trường đó, tôi gặp em. Lần này, em lại khóc, nhưng không phải những chuyện xưa cũ nữa. Mà em khóc, vì ... anh thợ cắt tóc đã cắt hỏng tóc mái đằng trước của em, trông em ngố ngố.

Còn tôi, ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Vì giờ đây, trước mắt tôi, là em. Một cô gái với mái tóc tomboy đầy cá tính. Ánh mắt em long lanh, hệt như ngôi sao cô đơn kia trên bầu trời, và toả sáng. Em chững chạc và mạnh mẽ hơn.

Lời kết: Hãy cứ thế em nhé. Xin em đừng chỉ im lặng chịu đựng một mình. Hãy cứ khóc, và hãy cứ nói ra. Có thể tôi không cho em được lời khuyên, nhưng bờ vai tôi rất vững chắc, tấm lòng tôi đầy sự cảm thông và thấu hiểu. Dù cho người lớn có làm gì đi chăng nữa, hãy cứ tin rằng: họ vẫn rất yêu em, cô bé ạ. Có thể có những chuyện khó nói, nên đừng thắc mắc nhiều, đừng chỉ nhìn nhận vấn đề theo một cách chủ quan em à. Hãy cứ sống là chính mình, luôn vui vẻ và ồn ào, lạc quan và biết phấn đấu. Hãy là một ngôi sao của riêng mình, Em thân yêu nhé...

 

Ngày đăng: 29/10/2018
Người đăng: Nguyễn Thúy Duyên
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Sam Sam đến đây ăn nè
 

Trong mỗi câu chuyện về cô bé lọ lem thời hiện đại đều cần có một vị CEO

" ...Con hổ nhè con thỏ trắng từ trong mồm ra, nói rất đắc chí: ” Thì ra cậu thích tớ.” Con thỏ trắng ngạc nhiên nói: “Làm sao mà cậu biết?”

Con hổ đắc chí vung vẩy cái đuôi: ” Bởi vì tớ vừa mới ăn cậu vào trong tim rồi.” 

Cái con hổ này chẳng có tí văn hoá nào, con thỏ trắng khinh khỉnh nhìn nó. Đồ ăn nuốt vào thì đi xuống dạ dày chứ, không phải là vào tim. =))

[Sam Sam]

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage