Gửi bài:

Một câu chuyện của Pha

Tất cả các khía cạnh của cuộc sống là gồm gì? Có phải tình phụ mẫu, tình yêu, tình bạn, tình người,... hay không? Có phải là yêu, là hận, là tức giận, là hạnh phúc hay không?

Những câu chuyện cuộc đời có dài như "Nghìn lẻ một đêm" không, có khiến người đọc đau như truyền thuyết Bỉ Ngạn không, có kỳ dị như "Liêu trai chí dị" không? Không đâu....

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Pha nghiêng đầu nhìn ra ngoài sân trường qua khung cửa sổ. Ngoài sân trường, bao học sinh đang vui đùa. Sáng nay trên trường có thông báo Pha đạt giải nhất học sinh giỏi Văn tỉnh. Ừ thì là giải nhất đấy! Thế thì đã sao? Tất cả chỉ là phù du, rồi cũng chẳng ai nhớ Pha từng đạt giải nhất cả. Vậy tờ giấy khen trên mặt bàn có nghĩa lý gì thế? Hết năm nay thôi, Pha sẽ sang nước ngoài du học. Ít là ba năm, nhiều là năm năm. Và điều đó cũng có nghĩa, bàn tay của Pha chẳng giữ nổi người đã bên Pha bấy lâu nay....

mot-cau-chuyen-cua-pha

Đi du học hay là đi bán tuổi trẻ và đam mê để đổi lấy một số tiền? Du học có tốt đẹp như những gì mọi người thường nghĩ đến? Bản thân Pha vốn cũng rất thích đi đây đi đó, nhưng là cạnh người mà Pha yêu thương chứ không phải đi cô độc. Mà đi du học đồng nghĩa việc một mình bươn chải nơi đất khách quê người. Mà cho dù muốn đi hay không, Pha vẫn phải đi. Đó là quyết định của Pha khi chia tay mối tình song phương đầu tiên khiến Pha hiểu thế nào là một tình yêu dối trá! Và thứ hai, việc du học là nguyện vọng của cả nhà nội và nhà ngoại đặt lên Pha. Khi người ta chia tay, họ muốn tìm cách lãng quên đi người kia. Pha chia tay, Pha muốn đi thật xa, trốn tránh tất cả. Rồi Pha lao vào học ngoại ngữ. Gia đình thấy Pha có ý muốn ra nước ngoài, cho rằng Pha nghĩ xa trông rộng mà cố đầu tư cho Pha học. Nhưng người yêu hiện tại của Pha tuyệt nhiên không đồng ý việc đó. Pha chỉ biết im lặng. Khi tất cả những dư vị của tình cũ trôi qua, Pha nhụt một phần ba ý chí sang nước ngoài. Chấp nhận được sự thật rồi, trốn ai? Và người hiện tại nữa. Thêm một phần ý chí Pha nhụt thêm. Đi rồi, bỏ lỡ người ta, sau này chắc gì đã gặp người tốt hơn? Vì người ta nói sẽ chia tay nếu Pha đi.

Nhưng mẹ của Pha, em của Pha mới là những gì Pha cần nhìn nhận. Pha phải đi. Sẽ đi và chắc chắn đấy. Vì đó là chữ hiếu. Cái giấy khen học sinh giỏi kia chỉ nói lên việc Pha là học sinh giỏi Văn chứ không nói lên việc Pha là học sinh cá biệt: đánh nhau, trốn học, rượu chè, chửi thề, gây loạn, và cả quan hệ chuyện đó. Gia đình vì Pha mà ưu phiền nhiều, vậy việc sang nước ngoài để đáp ứng lại một hy vọng cuối của gia đình đặt nơi Pha là điều Pha phải làm. Thế thì có là bán đi tuổi trẻ ơn đất người, Pha cũng cam.

Chữ hiếu to đến thế nào? Có đáng để Pha vì gia đình mà bỏ đi mối tình mà Pha trân trọng bất lâu? Có chứ! Mẹ đã bỏ cả tuổi trẻ ra để nuôi dưỡng Pha và em của Pha rồi. Mẹ bươn trải đến mức nắng nhoà nét mặt của mẹ, mưa làm đông khớp tay chân, gió thổi xơ xác mái tóc đen tuyền ngày xuân, bụi làm đục màu mắt mẹ,... Em của Pha nữa. Em ấy chịu thiệt thòi bởi cái ấu thơ không có bóng dáng người cha. Ấm áp gia đình ư? Hình như em chưa từng có.... Không chỉ mẹ của Pha và em gái của Pha, mà còn vì ông nội của Pha - người chắt chiu từng đồng nuôi Pha ăn học. Rồi vì ông ngoại nữa, người đã mong Pha sẽ theo ông mà thành giáo viên dạy Lý, nhưng lại ôm lấy Pha mà chúc mừng khi thấy Pha bước ra khỏi phòng thi ngày thi học sinh giỏi Văn. Còn cả cô của Pha nữa. Nhiều người Pha biết ơn và lưu tâm lắm, toàn người thân ruột thịt cả. Những sự quan tâm bé thật bé cũng cần phải mang ơn mà trả ơn, chứ đừng nói đến tình thân. Giọt máu đào hơn ao nước lã, chữ hiếu dù méo dù tròn thì vẫn phải mang trong lòng mà trả ơn đấng sinh thành, những người cật lực vì mình mà sức khỏe ngày kém đi. Vậy Pha sẽ đi....

Chữ tình thì sao? Không phải cũng phải lưu tâm ư? Những ngày trẻ dại nhất của Pha, từng ngày trưởng thành của Pha, từng dấu ấn của Pha, từng chút một về Pha chẳng phải người ấy luôn là người ở cạnh để chứng kiến sao? Hơn một năm nay, là ai đứng bên Pha trong chiều say nắng, là ai nắm tay Pha khi gió ùa cuốn tóc? Bên nhau bao lâu, tính cách nhau thế nào đâu phải không hiểu, sau này còn ai hiểu và nhường nhịn Pha như người ấy? Thanh xuân của người ấy vốn đã nguội tàn. Cách nhau mười tám năm trời chẳng thể đuổi kịp, để người ấy chờ Pha có phải quá đáng không? Vậy nên việc chia tay là lẽ dĩ nhiên. Để người ta về thôi.... Trong lúc Pha đi du học, có lẽ người ấy đã có vợ hiền rồi. Nhưng Pha sao đâu chịu nổi? Người đã từng ngủ bên Pha, từng như vợ như chồng, từng ôm chặt vòng eo Pha trong đêm không sao ấy là cả nguồn trời nhỏ của Pha. Pha không muốn người phụ nữ nào khác ngoài Pha được hưởng những điều ngọt ngào, dịu dàng và ấm áp từ người ấy. Nhưng biết sao đây? Pha chẳng thể nào mà bỏ chữ hiếu vì chữ tình. Pha chưa nói với người ấy ngày bay đâu. Vì thực hiện ước vọng của gia đình, Pha cười mỉm, phải.... Chúc anh hạnh phúc bên người và cạnh người con trai bé nhỏ vẫn hay gọi em là "chị" của anh.

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?

"Các em sau khi đi du học về ít nhất cũng phải hai - ba trăm triệu. Có những người còn cầm tiền tỷ về. Không những thế, các em còn có bằng cấp, có công việc lương tháng mấy chục triệu khi về nước...."

Vậy tuổi trẻ của Pha đáng giá hai trăm triệu à? Năm năm sang nước ngoài, khi về nước là hai mươi hai tuổi, cầm trong tay là hai trăm triệu. Nhưng bằng trong tay có phải bằng ngành mà mình đam mê? Có thật sự Pha muốn du học ngành báo chí không khi ánh đèn sân khấu, những biểu cảm sẽ diễn cho một vai diễn mới là thứ cuốn hút và khiến Pha mê mẩn? Pha có thật sự muốn vì du học mà bỏ đi người mình yêu không? Có muốn đi du học mà bán đi đam mê không? À, phải vì gia đình chứ!

Ngày bay cũng đến.

Người ngưỡng mộ bởi cái hào nhoáng của hai từ "du học" thì vẫn ngưỡng mộ. Người hiểu những góc khuất đằng sau thì chỉ cười khẩy. Ngày bay, Pha không nói cho ai. Chỉ lặng lẳng ở sân bay nhìn những du học sinh khác chia tay gia đình. Trong Pha có sự nhấp nhổm không yên. Ngồi ở hàng ghế chờ, một người đàn ông bắt chuyện với Pha:

- Chào em.

- Dạ, em chào anh.

- Em là du học sinh à?

- À dạ? Dạ vâng anh....

- Những bạn khác tươi tắn và phấn khởi, sao em có vẻ bồn chồn nhỉ?

- Em....

- Em còn gì lưu luyến à?

Pha cười nhẹ, không trả lời. Nói thế nào đây khi lòng bộn bề? Người đàn ông cười:

- Sao thế? Có phải vì người yêu không?

Pha chỉ biết gật đầu một cái thay câu trả lời. Tâm trạng hiện tại chẳng muốn nói năng với ai.

- Anh đã từng từ bỏ một người để định cư ra nước ngoài. Anh nghĩ cô ấy vẫn sẽ ngóng chờ anh. Anh định hai năm sau khi định cư ổn định thì đón cô ấy sang. Nhưng cô ấy lại không còn chỗ cũ.

Pha nhìn người đàn ông ấy. Lịch lãm mà, thế thì đã sao, chuyện của người ta liên quan gì đến Pha?

- Anh đã mất năm năm tìm và hy vọng nối lại được tình yêu với cô ấy. Nhưng muộn rồi. Đến giờ anh vẫn hối tiếc vì không nắm trọn hạnh phúc của mình.

Pha tự nhủ người ấy không phải hạnh phúc của mình. Hai má nóng lên.

- Thầy ơi....

- Sao vậy Pha? Sắp xong thủ tục đi rồi em. Chờ thêm chút là thầy trò ta lên máy bay rồi.

- Có bao giờ quay lại là muộn không ạ?

- Muộn gì vậy Pha? Sao muộn được mà.

"Không, ý em là khi em trở về Việt Nam...."

Dây an toàn đóng chốt. Mây trời vuốt ve con chim thép. Pha nhìn qua cửa sổ. Trời thật xanh, thật rộng. Mây thật bồng, thật trắng. Cảnh ngoài kia như bức tranh thần thoại. Cảnh đẹp mê hồn người lại chỉ gồm cánh chim trời, mây và màu xanh của vòm trời này. Năm năm hay mười năm, năm phút hay cả đời có nghĩa lý gì? Tất cả ở lại sau lưng rồi, dù là tình yêu hay gia đình. Đón Pha bên kia đại dương là ai, cuộc sống thế nào?....

***

Sóng vỗ vào bờ rì rào như xoa nhè nhẹ vào trái tim đang đập trong lồng ngực của Pha. Bàn chân trong nước biển thấy lành lạnh. Bộ váy và mái tóc được thổi tung bay. Bây giờ, sau năm năm, vẫn là Pha, vẫn là Việt Nam, nhưng chẳng phải là hai trăm triệu hay bằng ngành báo. Chuyến bay ấy tất nhiên có Pha. Nhưng sau năm năm từ chuyến bay ngày ấy, giờ lại là một nhà thiết kế trẻ đằm mình trước không khí biển Việt Nam. Pha đưa điện thoại lên áp tai nghe:

- Alo....

- Alo, ai vậy ạ?

Giọng nam bên kia đáp lại, kèm theo tiếng sóng. Trên hai má Pha lại là giọt sương từ đâu lăn dài, nóng hổi, mặn như nước biển.

- Chị!

Tiếng một cậu nhóc con từ đằng sau gọi lớn, thân thuộc và gần gũi. Tất nhiên không phải là em ruột của Pha. Pha không ngoảnh lại, hai vòng tay một bé một lớn ôm lấy Pha từ đằng sau....

Cáo Đen.

Ngày đăng: 22/11/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
tiredness
 

Đôi khi sự mệt mỏi cũng đáng để tận hưởng, vì điều đó nghĩa là bạn đang sống hết mình.

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage