Gửi bài:

Về nhà thôi, Sài Gòn

Tôi từng nghĩ, người cầu hôn tôi phải mặc vest, ở một buổi lễ long trọng, có nến, có hoa, có người chứng kiến, chúng tôi trao nhẫn và hôn nhau. Anh cầu hôn tôi, chung cư vắng hoe, món trứng chiên bị khét nghẹt trên bếp...

***

Sài Gòn mưa mưa, nắng nắng, hệt như tâm trạng con người...

Nhành lavender mà chị chủ quán cắm trong một cái lọ thủy tinh cổ nhỏ xíu đang rung rinh trong gió. Mùi hương của nó thoang thoảng, không nồng, không gắt làm cho đầu óc con người cũng giãn nở theo. Khép lại quyển nhật ký, tôi lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa quán, dòng người hối hả tan tầm chạy về nhà, kẹt cứng một góc đèn xanh đỏ. Chiều, không ai đoái hoài đến cà phê, quán trống trơn không một bóng khách. Tôi cũng từng rất bận, như bao cô gái trẻ tuổi, bận công việc, bận yêu đương một người, bận mơ tưởng tương lai, tuy thân rảnh nhưng trong đầu rất bận, bận suy nghĩ, phải làm sao để hết bận suy nghĩ về cái thứ huyễn hoặc mình xây dựng.

ve-nha-thoi-sai-gon

Tôi yêu Kiên, tình yêu không phải đầu đời nhưng tha thiết nhất. Chúng tôi gặp nhau ở trường đại học, cùng nhau đi qua bốn năm sinh viên khổ cực, bốc đồng, cùng nhau trưởng thành và thành đạt, rồi cùng nhau chia tay. Lý do cũng đơn giản như một ngàn lý do mà khi chia tay người ta hay nói: không hợp nhau. Thật nực cười khi chúng tôi yêu nhau đến tận bảy năm rồi mới nhận ra điều đó. Không hợp nhau là cái lý do dễ nhất để nói, một lý do giải thích cho tỉ tỉ sự đổi thay trong Kiên.

Tôi yêu Kiên từ lúc Kiên chạy chiếc xe 67 tàn tạ từ thời chiến tranh để lại, lúc hai đứa mót hết trong túi mới đủ tô hủ tiếu gõ, cùng nhau ngồi ăn chung ở cái hẻm gần trường. Tôi yêu Kiên từ lúc hai đứa chạy bàn ở một nhà hàng, ngày nào cũng bị quản lý lấy hết lí do này đến lí do kia để chửi, cũng cười rồi nhịn nhục lấy từng đồng lương. Từ cái lúc ngày kỉ niệm, ngày sinh nhật, ngày lễ lộc gì đó trong năm, Kiên và tôi ngồi ở sân vận động trường, ăn một bọc bánh snack, hát vu vơ mấy bài hát mà chúng tôi thích, muỗi chích đến nát hai chân vẫn thấy vui.

Cô gái ấy yêu Kiên từ lúc Kiên mua chiếc Audi mới cáu, thăng chức vùn vụt. Từ lúc anh được cử đi công tác nước ngoài, mới tậu được chung cư ở Phú Mĩ Hưng. Từ lúc anh đủ tiền mua cho cô những chiếc nhẫn, chiếc vòng, chiếc giỏ, quần áo đến mĩ phẩm đắt tiền, ra vào nhà hàng sang trọng, được người ta săn đón như quý ông quý bà.

Tôi nhận ra rằng, cùng nhau đi qua khó khăn hay sống với nhau những tháng ngày nông nổi, người ta chỉ muốn nhớ thôi, chắc gì đã muốn gắn bó! Người ta chọn nhau, cưới nhau, âu cũng là phần phước được định sẵn, không có gì quyết định được gì.

Bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi nhìn lại thời gian ấy, như một giấc mơ, một giấc mơ vô cùng lạ lùng!

Sau Kiên, tôi cũng quen vài người. Nhưng ở họ, cái cảm giác sâu sắc như ở Kiên, hoàn toàn không gặp lại. Tôi không thể bỏ cơ quan, bỏ họp vì nghe người ấy ốm, không thể hoãn công tác vì nghe người ấy mệt, đói hay chỉ là vì nói nhớ nhau là có thể gặp nhau. Người lớn, có ti tỉ thứ phải lo, ngoài tình yêu, có trăm thứ phải vướng bận. Vì người lớn biết rằng, bụng đói thì không thể yêu đương.

Vài người nói với tôi, tình yêu lúc sinh viên là tình yêu đáng nhớ nhất trong đời. Ngẫm lại, thấy cũng hay hay. Vì sinh viên, ngoài tình yêu, chúng ta không phải suy nghĩ gì khác nữa.

Bây giờ, thí dụ tôi, ở độ tuổi gần ba mươi, một ngày phải suy nghĩ dậy lúc mấy giờ, vào cơ quan, đi họp, gặp đối tác, rồi chuyện nhà cửa, ăn uống... còn mấy giây, mấy phút để nghĩ cho tình yêu?

Với chúng ta, khi đã trưởng thành, thì tình yêu là một gia vị cuộc sống, chứ không phải là một thần dược cho người sắp chết.

Sài Gòn xa xa, gần gần, đường đi hay lòng người đều khó đoán.

Kiên kết hôn, với một cô gái khác ngoài những cô gái mà tôi biết. Cô gái ấy chỉ mới hai mươi, nhỏ hơn Kiên tận mười tuổi, chưa tốt nghiệp cao đẳng. Tôi liên tục thấy cô ấy đăng ảnh mặn mà cùng anh lúc vừa cưới. Đến một hôm, tôi vừa đặt lưng vào giường sau một ngày bị công việc mệt mỏi ập vào mặt thì điện thoại hiện lên dòng số của Kiên. Lúc mười một giờ khuya, một người đàn ông có cô vợ trẻ gọi, tình cũ của mình, tôi nhủ bản thân không nên nghe máy. Vì đàn ông khi họ yếu lòng nhất, họ thường tìm lại chỗ thân quen nhất mà giãi bày, tốt nhất đừng gieo thêm chút hi vọng gì cho Kiên. Tôi nhìn Sài Gòn từ trên cao, muôn đường, muôn nẻo, chập chùng, mờ ảo, khó hình dung...

Tháng một, Sài Gòn ẩn hiện trong sương sớm, thật thật, hư hư...

Khi cả nhà cuống quýt lên, hối tôi: "Cưới chồng đi!" thì anh đến. Người ta thường nói câu: "đúng người, đúng thời điểm". Anh xuất hiện trong cuộc đời tôi với tư cách là một đối tác ở nước ngoài, ngày chúng tôi gặp nhau kí hợp đồng là một ngày sương dày đặc, lạnh run người, anh cởi chiếc vest bên ngoài choàng qua đôi vai mỏng của tôi. Mãi sau này, khi tôi cứ hỏi hoài về hành động ấy, anh cười: "Thì nhìn em chạy tới chạy lui trong cơ quan, thấy thích em, khoác cho em mượn cớ gặp em."

Không như tình yêu với Kiên, chúng tôi hẹn hò khá đủ đầy và dư giả. Chúng tôi quy định thời gian dành cho nhau mỗi ngày, vì công việc của chúng tôi không cho phép có quá nhiều thời gian bên nhau, hay đơn giản tôi nhớ anh, anh nhớ tôi là có thể lao như bay tới gặp nhau được. Anh cũng ít khi nào nói một cách lộ liễu là: "Anh nhớ em quá" hay "anh yêu em lắm." Vu vơ, anh gọi cho tôi khi ở Mỹ, nói bâng quơ: "Chà, tự nhiên thèm tàu hũ quá em ơi." Hay "anh nhớ chỗ này, anh thèm món kia..." những tên đường, những món quen ở Sài Gòn, anh nói nhớ nó, đồng nghĩa đang nói nhớ tôi.

Ở Sài Gòn, có mưa ngập lối, cũng có nắng ấm áp về. Sài Gòn công bằng lắm, không để ai chịu thiệt thòi điều gì bao giờ.

"Đến một lúc, con người phải gắn bó cuộc đời mình với một thứ gì đó."

Một câu nói vô tình khi xem phim, tôi nghe được, và dù không nhớ đã xem phim gì, ở đâu, nhưng câu nói ấy khắc sâu trong tâm khảm tôi, đặc biệt, nó hiện đi hiện lại trong đầu tôi khi anh qua nhà, cùng ăn cơm rồi ngại ngùng nói câu: "Thôi, ở xa vầy mệt quá, muốn ăn cơm em nấu, muốn nhìn em một lát, hay là muốn xem em đang làm gì mỗi khi về nhà cũng cực nữa. Cưới anh nha em!"

Tôi từng nghĩ, người cầu hôn tôi phải mặc vest, ở một buổi lễ long trọng, có nến, có hoa, có người chứng kiến, chúng tôi trao nhẫn và hôn nhau. Anh cầu hôn tôi, chung cư vắng hoe, món trứng chiên bị khét nghẹt trên bếp bốc mùi kinh dị, con chó cưng của tôi vừa xé nát một đống giấy chưa kịp dọn, anh mặc cái áo sơ mi, quần tây, tất thì bên mang, bên vừa cởi ra vì con chó cắn rách một lỗ, tôi chưa kịp tắm, đầu tóc bù xù, mặt mũi mệt mỏi sau một ngày làm vất vả. Nhưng, khi chúng ta trưởng thành, những khung cảnh lãng mạn kia thực chất không quá cần thiết, miễn là chúng ta chọn nhau để gắn bó, để chung sống, để không phải hối hận hay nuối tiếc.

Dù có đi xa đến cỡ nào, dù có lạc ở góc hẻm nào, thì Sài Gòn luôn có một hướng cho chúng ta quay về, bình an, cách xa những ồn ã...

"Đang đâu chưa về nhà nữa em?"

"Về liền. Đang trốn anh ngồi cà phê đầu hẻm, suy nghĩ về nước Mỹ."

"Anh mới đi siêu thị, mua nhiều đồ ăn lắm. Không về là lát nhịn đói nha chưa. Ở đó suy nghĩ về nước Mỹ đi. Hôm nay dám trốn chồng đi cà phê, tay em đeo nhẫn cưới với anh, không ai dám đụng vào đâu, đừng mơ tưởng nữa, về nhà liền đi, anh chờ."

Rồi. Em về đây."

Hướng ấy, chính là nhà....

Nguyễn Duy

Ngày đăng: 16/10/2016
Người đăng:
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
To-get-her
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage