Gửi bài:

Chương 49 - Cướp Bảo Tàn Ngộ Độc Phát Điên (Hết)

Bọn Lỗ Khôn không hiểu thấu được vụ bí mật này, chúng định đi theo Vạn Chấn Sơn mới có thể tìm thấy bảo tàng, dù không đoạt nổi chúng cũng hy vọng được chia phần, chúng biết chạm trán sư phụ là nguy hiểm vô cùng, nhưng muốn đại phát tài còn sợ gì nguy hiểm.

Bốn số đầu trong Liên Thành Kiếm Phổ đã phanh phui và đồn đại ra ngoài là những số "Bốn", "Năm mươi mốt", "Ba mươi ba và hai mươi tám" do bốn số này Vạn Chấn Sơn tìm ra bốn chữ "Giang Lăng Thành Nam".

Sau bốn số kể trên còn một xâu số mục nữa, dù kẻ ngu xuẩn tới đâu cũng nghĩ ra là bí mật trong Liên Thành Kiếm Phổ.

Số người đến dưới chân tường mỗi lúc một đông, có người hóa trang để che dấu chân tướng, có người để nguyên diện mục đường hoàng tới nơi.

Địch Vân đếm được bảy mươi tám người.

Sau một lúc Bốc Viên và Phùng Thản cũng đến, hai tên sư huynh, sư đệ này không hiểu tranh chấp chuyện gì mà mặt đỏ ra đến mang tai còn thiếu thượng cẳng chân hạ cẳng tay gây cuộc ẩu đả. Nhưng sau chúng yên tĩnh lại ngồi xuống bờ hào.

Địch Vân chờ đền chiều không thấy cha con họ Vạn xuất hiện.

Mặt trời gác núi, chàng vẫn chẳng thấy bóng Vạn Chấn Sơn và Vạn Khuê, nhiều người nổi hung ngoác miệng ra thóa mạ Ông tổ mười tám đời nhà họ Vạn, nhất là họ chửi cha chửi mẹ Vạn Chấn Sơn.

Trời nhá nhem tối, một người ăn mặc như kiểu thầy đồ tay cầm một mảnh giấy, một hộp mực, một cây bút lắc đầu lắc cổ đứng ghi chép những hàng chữ trên tường.

Một đại hán tức bực không nơi phát tiết liền chụp lấy người đó lớn tiếng hỏi:

– Ngươi sao những chữ này để làm gì?

Người kia đáp:

– Lão phu cần đến nên mới ghi chép, người ngoài không có quyền hỏi.

Đại hán sừng sộ:

– Lão có nói hay không? Nếu không nói là ta đánh cho mà coi.

Hắn vung quyền lớn bằng cái bát lên đưa vào trước mũi đối phương.

Thầy đồ sợ quá vội đáp:

– Đây là... người ta bảo lão phu đến ghi chép.

Đại hán hỏi:

– Ai sai lão ghi chép?

Người kia đáp:

– Một vi..... một vị lão tiên sinh, chẳng dấu gì... Ông bạn, chính là Vạn... Vạn Chấn Sơn lão tiên sinh, một nhân vật lừng lẫy tiếng tăm trong bản thành, ông bạn...

đắc tội với lão nhân gia là không được đâu.

Thầy đồ vừa thốt ba chữ "Vạn Chấn Sơn" ra khỏi cửa miệng mọi người liền reo ầm lên.

Địch Vân cũng vui mừng khôn xiết, nhưng trong cái vui mừng có pha lẫn mối thương tâm và mối cừu hận đến cực điểm.

Lão thầy đồ sợ cuống cuồng liền lật đật bỏ đi, lão nhằm hướng đông mà chạy, hơn một trăm người theo sau nhưng cách một quãng xa. Họ không thấy Vạn Chấn Sơn đến nên đi tìm kiếm lão, chỉ có lão là hiểu được vụ bí mật này, một khi phanh phui ra vụ bí mật, số đông người ỷ thế mạnh sẽ bắt buộc Vạn Chấn Sơn đi kiếm bảo tàng.

Nhiều người ca tụng đại hán nói:

– May lão ca là người thông minh đoán được sự việc, bọn tại hạ chẳng ai nghĩ tới Vạn Chấn Sơn không chịu ra mặt, chỉ phái người đến ghi chép sổ mục.

Nếu không có lão ca thì mọi người còn đứng ở cửa thành chờ ba ngày ba đêm, khi đó Vạn Chấn Sơn đã thừa cơ lấy hết bảo tàng rồi còn gì?

Đại hán nhơn nhơn đắc ý đáp:

– Tại hạ thấy thầy đồ này mắt la mày lét hành động có điều khác lạ liền đoán ra lão làm chuyện gì bất hảo.

Gã nói như là chỉ có gã là làm việc quang minh lỗi lạc.

Bóng đêm lờ mờ, đoàn người lục đục đi trên đường sơn đạo.

Địch Vân trà trộn vào đám đông, nhưng rồi chàng nghĩ thầm:

– Vạn Chấn Sơn là tay xảo quyệt phi thường, quyết chẳng để người ta tóm được một cách dễ dàng, tất nhiên lão có quỉ kế khác rồi.

Chàng quay đầu nhìn lại về phía trường thành, lúc này đoàn người đã cách xa cửa nam đến mấy dặm.

Bỗng chàng ngó thấy một bóng người từ bên tường thành lướt đi rất mau chạy về hướng tây, hiển nhiên khinh công người đó không phải tầm thường.

Địch Vân tự nhủ:

– Thầy đồ kia đã có đoàn người theo dõi, nhất quyết lão không thể trốn thoát được, bọn họ muốn kiếm Vạn Chấn Sơn, nhất định không rời bỏ lão, tòa thành Giang Lăng này rất rộng lớn, chẳng có mấu chốt mà định tìm cho ra cha con họ Vạn không phải dễ dàng, nhưng muốn kiếm đám đông rối loạn xà ngầu kia thì chẳng khó khăn gì, hà tất ta phải đi theo bọn họ?

Trong lòng xoay chuyển ý nghĩ, chàng lạng mình một cái ẩn vào phía sau một gốc cây lớn, tiếp theo chàng thi triển khinh công không chạy về cửa nam rồi rẽ qua mé tây.

Địch Vân theo hút bóng người kia chạy rất gấp, hiện nay khinh công chàng đã đến trình độ tuyệt cao, chàng chạy nhanh hơn ngựa.

Trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà, chàng đuổi kịp người kia.

Khinh công người kia cũng không phải hạng tầm thường, nhưng so với Địch Vân hãy còn kém xa, hắn không hiểu có người rượt theo, chỉ cắm đầu chạy thật nhanh.

Địch Vân thấy hắn chạy tới trước một căn nhà nhỏ rồi đẩy cửa đi vào.

Địch Vân đứng gác ở ngoài để chờ hắn trở ra.

Sau một lúc, chàng thấy ánh đèn lọt qua khe cửa sổ ló ra ngoài.

Chàng liền đến dưới cửa sổ dòm qua khe cửa vào trông thì thấy một lão già ngồi đó xoay lưng ra ngoài nên chàng không nhìn rõ mặt.

Lão già kia mở một cuốn sách ra để trên bàn, Địch Vân biết ngay là cuốn Đường Thi tuyển tập.

Gần đây cuốn sách này lưu hành rất nhiều ở trong thành Giang Lăng, dĩ nhiên lão này cũng có một cuốn.

Địch Vân lại ngó thấy lão cầm một cây bút viết bốn chữ "Giang Lăng Thành Nam" lên một tờ giấy vàng.

Đoạn chàng nghe lão lẩm bẩm đếm:

– Năm... mười... mười lăm... mười sáu, chữ thứ mười sáu đây rồi.

Đoạn lão viết chữ "Thiên" vào tờ giấy.

Địch Vân giật mình kinh hãi tự hỏi:

– Lão này cũng tra được số mục trong Đường Thi, chẳng lẽ lão hiểu Liên Thành Kiếm Pháp?

Chàng lại nhìn kỹ lại bóng sau lưng thì hiển nhiên lão không phải là Vạn Chấn Sơn.

Lão này mặc áo bào vải màu xám đã cũ, coi không có vẻ giầu sang chút nào.

Lão già tiếp tục coi sách Đường Thi tuyển tập, đồng thời bấm ngón tay đếm chữ rồi ghi vào tờ giấy.

Sau khoảng thời gian chừng ăn xong bữa cơm, Địch Vân thấy lão viết cả thẩy hai mươi tám chữ.

Lão già chắp từng chữ một rồi đọc:

– "... Tây Thiên Ninh Tự hậu điện, phật tượng hướng chi kiền thành mô bái thông linh, chúc cao Bố Tát giáng linh, tứ phúc vãng sinh cực lạc".

Lão già đọc lại xong nổi giận, cầm bút đập mạnh xuống bàn đánh chát một tiếng hỏi:

– Sao lại thành tâm lạy lục, thông linh khấn khứa? Lại còn những gì Bố Tát giáng linh ban phước cho sang sống bên cực lạc thế giới? Tổ bà nó! Bảo người ta vãng sinh cực lạc là xuống âm phủ bái kiến thập diện diêm hoàng chăng?

Địch Vân nghe khẩu âm rất quen tai, chàng ráng nghĩ để nhớ xem người này là ai thì đột nhiên lão quay mặt ra.

Địch Vân vội lún mình thụt xuống dưới cửa sổ, miệng lẩm bẩm:

– Té ra là nhị sư bá! thảo nào lão biết rõ kiếm chiêu, thế này thì còn bí mật gì nữa? Té ra đây là một trò đùa để chọc cười thiên hạ.

Địch Vân không nhịn được, cười thầm nghĩ bụng:

– Bao nhiêu người tổn hại hơi sức tìm tòi, thậm chí trò giết thầy, anh em đồng môn sát hại lẫn nhau, rút cục là câu chuyện hý lộng quỉ thần.

Chàng không cười ra tiếng, nhưng Ngôn Đạt Bình ở trong phòng nổi lên tràng cười hô hố, lão vừa cười vừa nói:

– Ha, ha! Bảo lão gia kiền thành mô bái đức Bồ Tát lại thông linh chúc cáo thì quả là chuyện hoạt kê, con bà nó! Pho tượng bồ tát thối tha bằng đất nặn mà lại ban phước được cho ta ư? Ha, ha! Ban phước gì chả nói còn bảo lão gia qua sống bên tây phương cực lạc thì lão gia xin kiếu.

Lão dừng lại một chút rồi tiếp:

– Bọn ta đã vung đao chém chết sư phụ, giữa sư huynh sư đệ chúng ta lại kẻ tranh người đoạt, té ra chỉ tranh nhau qua sống bên cực lạc thế giới!

Lão cười ha hả nói tiếp:

– Mấy trăm anh hùng hảo hán, gian tặc cường đạo, ở thành Giang Lăng cũng tranh nhau chí chóe để sang thế giới bên kia, ha ha!

Tiếng cười cười lão đầy vẻ thê lương, lão vừa cười vừa xé nát những mảnh giấy vàng.

Đột nhiên lão đứng yên không nhúc nhích, cặp mắt chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ.

Địch Vân nhớ tới sở dĩ mình gặp đại nạn, Thích Phương bị thảm tử cũn chỉ vì vụ bí mật về Liên Thành Kiếm Phổ mà ra, nay vụ bí mật được phanh phui lại là mấy câu hài hước, khiến lòng chàng bi phẫn đến cực điểm, chàng không nhịn được cũng muốn nổi lên tràng cười rộ thì giữa lúc ấy Ngôn Đạt Bình đứng dậy trông ra ngoài, dường như lão đã ngó thấy vật gì.

Lại nghe miệng lão nói lảm nhảm:

– Đã đến nước này thì mình cứ lại chùa Thiên Ninh coi cũng chẳng hề gì, Giang Lăng thành nam thiên về mé tây quả có một tòa cổ miếu...

Lão vẫy tay quạt tắt ngọn đèn dầu mở cửa vọt ra, lão thi triển khinh công chạy về phía tây.

Địch Vân ngần ngừ nghĩ bụng:

– Bây giờ ta đi kiếm Vạn Chấn Sơn hay là chạy theo Ngôn sư bá? Ồ! Đám đông người kia muốn kiếm chẳng khó khăn gì, ta hãy theo dõi Ngôn sư bá xem sao đã.

Chàng liền nhìn kỹ bóng sau lưng Ngôn Đạt Bình bám sát để rượt theo.

Ngôn Đạt Bình đã từng ở trong thành Giang Lăng quan sát nội thành và ngoại thành mấy năm trời, nên bao nhiêu đường lối cùng phòng xá lão thuộc hết như những ngón tay giơ ra trước mặt.

Không đầy nửa giờ, Ngôn Đạt Bình đã chạy tới trước tòa chùa cổ Thiên Ninh Tự.

Lão đứng ngoài cổng lắng tai nghe một lúc, lại đi quanh một vòng thấy trong ngoài chẳng có động tĩnh gì, dường như không có người, lão liền đẩy cửa bước vào.

Chùa Thiên Ninh này ở nơi hiu quạnh, lại lâu năm không sửa chữa thành ngôi chùa hoang phế, dĩ nhiên trong chùa không có miếu chúc hay hòa thượng trụ trì.

Ngôn Đạt Bình tiến vào hậu điện bật lửa lên toan châm vào cây nến trước thần đàn thì ánh lửa soi rõ cây nến chảy nhựa ra dường như còn mới nguyên khiến lão động tâm, lão đưa tay nắn bóp quả thấy dẻo quẹo. Hiển nhiên vừa mới có người thắp trước đây chưa lâu.

Lão sinh lòng ngờ vực, thổi tắt mồi lửa, toan cất bước ra ngoài tra xét thì đột nhiên sau lưng đau nhói lên, một thanh lợi kiếm đâm vào người lão.

Ngôn Đạt Bình rú lên một tiếng lăn ra chết liền.

Địch Vân ẩn mình sau tầng cửa thứ hai, vừa thấy lửa tắt rồi Ngôn Đạt Bình bật tiếng rú thê thảm, chàng giật mình kinh hãi biết lão bị người ám toán, nhưng trong lúc thảng thốt, biến cố xảy ra đột ngột chàng muốn cứu viện cũng không kịp.

Địch Vân đâm lỳ đứng yên không nhúc nhích để coi xem người sát hại Ngôn Đạt Bình là ai?

Trong bóng tối chàng nghe tiếng cười khành khạch, thanh âm này lọt vào tai khiến chàng ớn da gà, ví nó âm trầm khủng khiếp lại rất quen tai.

Đột nhiên ánh lửa lập lòe, có người thắp nến lên... người kia từ từ quay mặt lại.

– Sư phụ!

Nguyên người này là Thích Trường Phát.

Thích Trường Phát vung cước đá vào xác Ngôn Đạt Bình một cái, lão rút trường kiếm trên lưng xác chết ra đâm thêm mấy nhát nữa vào sau lưng.

Địch Vân thấy sư phụ sát hại sư huynh đồng môn của mình, thủ đoàn tàn nhẫn như vậy là cùng, tiếng hô sư phụ chưa ra khỏi cửa miệng liền dừng lại.

Thích Trường Phát cười khành khạch hỏi:

– Nhị sư ca! Có phải sư ca cũng điều tra ra chuyện bí mật trong kiếm phổ rồi không? ha ha!....

Rồi lão đọc:

– Giang Lăng thành nam thiên tây, Thiên linh tự hậu điện phật tượng, hướng chi kiền thành mô bái, thông linh chúc cáo... Ha ha! Nhị sư ca ơi! Trong kiếm phổ nói:

"Bồ Tát giáng linh tứ phúc vãng sinh cực lạc" bây giờ nhị sư ca được vãng sinh cực lạc rồi, đó chẳng là đức Bồ Tát đã dáng linh ban phước cho đấy ư?

Lão quay đầu lại nhìn pho tượng Như Lai vẻ mặt tươi cười, bỗng mặt lão nổi đầy sát khí, hằm hằm nhìn phật tượng một lúc rồi cất tiếng thóa mạ:

– Con bà nó! Lão Bồ Tát thối tha này trêu cợt một đời lão gia làm lão gia phải chịu bao nhiêu đau khổ!

Lão tung mình nhảy lên thần đàn vung trường kiếm chém luôn ba nhát bật lên những tiếng choang choảng.

Thông thường những pho tượng làm bằng gỗ hay bằng đất nặn, vậy mà ba nhát kiếm chém vào pho này lại bật lên những tiếng choang choảng tựa hồ tiếng kim thuộc khiến cho Thích Trường Phát không khỏi sửng sốt.

Lão vung kiếm lên chém hai nhát nữa liền cảm thấy lưỡi kiếm đụng vào vật kiên cố vô cùng!

Lão cầm đèn nến soi gần vào thì thấy chỗ vết kiếm chặt vào sâu lộ ra ánh vàng rực rỡ khiến lão không khỏi sững sờ.

Thích Trường Phát đưa ngón tay bóc hết lớp đất sét bên ngoài ở giữa hai vết kiếm liền thấy ánh vàng lấp loáng thì ra bên trong toàn là hoàng kim.

Lão không nhịn được reo lên:

– Đại kim phật! Toàn là hoàng kim! Toàn là hoàng kim!

Pho tượng phật này cao đến ba trượng mình lại to lớn hơn tượng thường nhiều, nếu quả toàn thân đúc bằng hoàng kim thì ít ra cũng đến mấy vạn cân, chẳng phải đại bảo tàng còn là gì nữa?

Lão mừng như người phát điên, ngưng ngừ một chút rồi xoay lưng phật tượng lại, đưa kiếm lên đẽo thấy sau lưng phật tượng dường như có cái cửa ngầm nhỏ bé, lão chăm chú đẽo gọt, bụi đất bay tứ tung.

Lão phải khoét thủng đến mười chỗ mới nạy hết được đất cát chung quanh cái cửa ngầm.

Cửa ngầm cũng đúc bằng vàng.

Thích Trường Phát thò mũi kiếm vào khe lỗ hổng nậy mấy cái, lúc này lão tâm thần bối rối, bỗng nghe đánh "Cắc" một tiếng, thanh trường kiếm bị gẫy đôi.

Lão rút nửa thanh kiếm gẫy lên thò vào cạnh khác cửa ngầm nậy lên, cửa ngầm dần dần lộ ra.

Thích Trường Phát bỏ kiếm gẫy xuống lùa ngón tay vào nhắc tấm cửa ngầm ra, lão giơ đèn nến lên soi thì thấy trong bụng tượng phật ánh châu bảo rung rinh, không hiểu trong cái bụng to lớn này đã cất dấu bao nhiêu trân châu bảo bối.

Thích Trường Phát vừa nuốt nước miếng ừng ực vừa thò tay qua cửa ngầm bốc châu báu ra ngoài coi.

Đột nhiên lão thấy thần đàn rung động, biết ngay có điều khác lạ vội tung mình nhảy xuống.

Chân trái vừa chấm đất, bụng dưới đã đau nhói lên, lão bị điểm trúng huyệt đạo, người té huỵch xuống đất.

Một người ở dưới gầm thần đàn chui ra nghiêng đầu cười lạt nói:

– Thích sư đệ! Sư đệ tìm được đến đây, lão nhị cũng tìm đến đây, sao sư đệ không nghĩ tới đại sư ca cũng đã tìm đến đây?

Người này chính là Vạn Chấn Sơn.

Thích Trường Phát đột nhiên tìm ra bảo tàng, tuy lão tinh tế hơn người, nhưng ngó thấy trân bảo hằng hà sa số không khỏi vui mừng quá độ, vì đãng trí một chút mà bị Vạn Chấn Sơn ám toán.

Lão biết vị sư ca này tâm địa hung tàn, thủ đoạn độc ác, van xin cũng bằng vô dụng, lão hằn học đáp:

– Lần trước lão không giết chết ta, chẳng ngờ rút cuộc ta vẫn bị chết về tay lão.

Vạn Chấn Sơn vô cùng đắc ý hỏi:

– Thích sư đệ! Ta rất lấy làm kỳ là đã bóp chết sư đệ bỏ vào khe tường, sao sư đệ còn sống lại được?

Thích Trường Phát nhắm mắt lại không trả lời.

Vạn Chấn Sơn nói:

– Sư đệ không đáp khinh thường ta không đoán được ư? Lúc đó ngươi không địch nổi ta liền ngừng thở giả chết, ta đã bỏ vào khe tường mà lão trốn thoát được thì giỏi thật! Ta còn nhớ sau lúc ấy thấy viên gạch lồi ra, trong lòng đã cảm giác có điều không ổn, nhưng ta không ngờ lão còn có thể cục cựa để trốn đi.

Nguyên hôm ấy Vạn Chấn Sơn bỏ Thích Trường Phát vào khe tường, hôm sau lão thấy chỗ tường vít lại có viên gạch lồi ra khiến trong lòng lão xao xuyến không yên rồi mắc phải Ly Hồn Chứng, cả lúc ngủ mơ cũng trở dậy xây tường.

Lão vẫn lo sợ quỉ nhập tràng chuồn qua lỗ hổng ra ngoài, nên lúc nào cũng nghĩ đến chuyện xây tường để vít kín lỗ hổng.

Vạn Chấn Sơn lại cười lạt nói:

– Ha, ha! Lão cũng đáo để lắm, lão dương mắt lên nhìn con gái làm dâu nhà ta mà thủy chung không xuất hiện, bây giờ ta hỏi lão:

Tại làm sao thế? Tại làm sao thế?

Thích Trường Phát quay ra nhổ một bãi đờm vào mặt Vạn Chấn Sơn.

Vạn Chấn Sơn nghiêng mình né tránh rồi cười nói:

– Lão tam! Lão muốn chết một cách chóng vánh hay là muốn chịu đau khổ để ta xẻo từng miếng thịt?

Thích Trường Phát nghĩ tới vị đại sư ca tàn ác này, mặt lão lộ vẻ khủng khiếp đáp:

– Được rồi! Ta nói cho lão biết, con gái ta lấy cắp kiếm phổ của ta dấu vào trong sơn động, lão tưởng y là người tử tế lắm hay sao? Ta vẫn ngấm ngầm dò xét thị, họ Vạn kia! Lão kết quả tính mạng ta một cách mau lẹ đi!

Vạn Chấn Sơn bật tiếng cười hung ác nói:

– Hay lắm! Để ta cho lão chết một cách khoan khoái, theo lẽ ra ta không nên để lão được tiện nghi như vậy, nhưng ta không được rảnh, còn phải đắp lại pho tượng phật kia cho mau lẹ, hảo sư đệ, sư đệ ngoan ngoãn lên đường.

Dứt lời lão giơ trường kiếm lên đâm vào ngực Thích Trường Phát.

Bất thình lình ánh hồng quang lóe lên, cánh tay mặt Vạn Chấn Sơn bị đứt tẩy từ khuỷu tay, cả thanh kiếm cũng rớt xuống.

Tiếp theo người lão bị đá hất tung đi.

Người cứu mạng Thích Trường Phát chính là Địch Vân, chàng đã dùng huyết đao chặt cánh tay Vạn Chấn Sơn.

Địch Vân cúi xuống giải khai huyệt đạo cho Thích Trường Phát rồi nói:

– Sư phụ! Sư phụ bị một phen kinh hoảng.

Biến cố xảy đến rất mau lẹ và đột ngột, Thích Trường Phát thộn mặt ra một lúc mới nhận được Địch Vân, lão ngập ngừng cất tiếng gọi:

– Vân... Vân nhi! Ngươi đấy ư?

Địch Vân cách biệt sư phụ lâu ngày, nay lại được nghe hai tiếng gọi "Vân nhi" bất giác trong lòng nẩy mối bi ai, chàng đáp:

– Dạ! Sư phụ! Chính là Vân nhi đây!

Thích Trường Phát hỏi:

– Mọi sự ngươi đã nhìn thấy rồi chứ?

Địch Vân gật đầu đáp:

– Sư muội... sư muội đã...

Vạn Chấn Sơn bị chặt đứt một cánh tay gắng gượng bò dậy xông ra ngoài miếu.

Thích Trường Phát hối hả đuổi theo phóng kiếm đâm vào sau lưng lão xuyên ra tới trước ngực.

Vạn Chấn Sơn rú lên một tiếng thê thảm chết ngay đương trường.

Thích Trường Phát ngó thi thể hai vị sư huynh thủng thẳng nói:

– Vân nhi! May mà ngươi đến kịp cứu được mạng ta, ô kìa! Bên kia lại có ai tới? Có phải Phương nhi không?

Lão vừa nói vừa giơ tay trỏ về phía mé điện.

Địch Vân nghe thấy hai chữ "Phương nhi" không khỏi chấn động tâm thần, quay đầu nhìn lại thì chẳng thấy ai.

Chàng đang kinh nghi thì đột nhiên sau lưng đau nhói lên, hiện nay võ công chàng rất cao thâm, ứng biến cực kỳ thần tốc, chàng xoay tay lại chụp được cổ tay địch nhân.

Chàng quay đầu nhìn lại thấy đối phương trong cầm lưỡi đao trủy thủ sáng loáng, người đó chính là Thích Trường Phát.

Địch Vân rất đỗi bâng khuâng, ngập ngừng hỏi:

– Sự.. sư phụ!.... đệ tử phạm tội gì mà sư phụ toan hạ sát?

Bây giờ chàng nghĩ lại vừa rồi sư phụ phóng đao đâm vào lưng chàng, vì trong mình chàng mặc Ô Tằm Giáp hộ thân mới thoát chết.

Thích Trường Phát bị chàng nắm chặt cổ tay, nửa người tê chồn không phát huy được lực đạo, lão vừa kinh ngạc vừa tức giận hằn học nói:

– Hay lắm! Giỏi lắm! Ngươi học võ công cao minh rồi chẳng coi sư phụ này vào đâu nữa, ngươi giết ta đi! Giết lẹ đi! Giết lẹ đi! Sao còn chần chờ không hạ thủ?

Địch Vân buông tay ra, vẫn không hiểu hỏi lại:

– Khi nào đệ tử dám sát hại sư phụ?

Thích Trường Phát đáp:

– Ngươi còn giả vờ làm gì? Chẳng lẽ ngươi không muốn nuốt một mình pho tượng lớn đúc bằng vàng kia? Ngươi không giết ta thì ta cũng giết ngươi, cái đó có chi là lạ? Pho tượng phật này đáng giá liên thành, sao ngươi không giết ta đi? Sao ngươi không giết ta đi?

Lão phát huy luồng trung khí đầy rẫy để hỏi mấy câu này, thanh âm rất vang dội, chứa đầy vẻ tham lam, phẫn nộ, luyến tiếc, không còn ra tiếng người mà giống tiếng kêu gào của loài dạ thú bị thương.

o O o Đoạn Kết Về Tuyết Cốc Huề Duyên Thục Nữ ịch Vân lắc đầu lùi lại mấy bước hỏi:

– Sư phụ muốn giết đệ tử té ra chỉ vì pho hoàng kim tượng phật này ư?

Trong nháy mắt chàng khám phá ra mọi sự Ở đời:

Thích Trường Phát vì kim ngân tài bảo mà có thể giết chết sư phụ, hạ sát sư huynh hoài nghi con gái thì dĩ nhiên làm gì lão chẳng giết cả đồ đệ là chàng?

Trong thâm tâm chàng vang lên câu nói của Đinh Điển:

"Ngoại hiệu lão là Thiết Tỏa Hàng Giang thì còn việc gì lão không làm được?" Chàng lùi một bước nói:

– Sư phụ! Đệ tử không muốn phân chia pho hoàng kim đại phật của lão gia đâu, lão gia cứ việc độc chiếm một mình.

Chàng thật không thể hiểu được ở chỗ con người trên đời sao lại không nghĩ gì đến sư phụ, sư huynh, sư đệ, đồ đệ, cả con gái mình sinh ra cũng chẳng đoái hoài thì lấy được đại bảo tàng đáng giá liên thành có gì là thú?

Thích Trường Phát không tin ở tai mình, lão tự hỏi:

– Trên đời làm gì có người nhìn thấy vàng bạc châu báu mà không tối mắt?

Gã tiểu tử Địch Vân này nhất định còn ngụy kế gì đây.

Lão không nhịn được lớn tiếng hỏi:

– Ngươi dở trò quỉ gì thế? Pho hoàng kim đại phật này đã quí vô giá, trong bụng lại còn bao nhiêu trân châu bảo ngọc, tại sao ngươi không chiếm lấy, còn hỷ lộng quỉ thần làm gì nữa?

Địch Vân lắc đầu toan ra khỏi miếu, bỗng nghe tiếng bước chân vang lên, đoàn người kéo đến đông như kiến.

Địch Vân liền tung mình nhảy lên nóc nhà nhìn ra ngoài thì thấy hơn trăm người cầm đuốc đang chạy nhanh tới, chính là những hào khách giang hồ.

Chàng lại nghe tiếng người thóa mạ:

– Vạn Khuê! Con mẹ nó! Đi lẹ lên! Đi lẹ lên!

Địch Vân toan bỏ đi nhưng nghe thấy hai tiếng "Vạn Khuê" liền ở lại để trả thù cho Thích Phương.

Đoàn người tranh nhau xông vào chùa.

Địch Vân nhìn võ Vạn Khuê bị mấy tên đại hán lôi đi, chàng ngấm ngầm la lên:

– Bẽ bàng! Thật là bẽ bàng!

Chàng lại nhìn thấy Vạn Khuê mắt tím bằm, mũi sưng lên, gã đã bị người ta đánh một trận nhừ đòn, gã vẫn mặc tấm áo thầy đồ.

Nguyên Vạn Khuê trá hình thầy đồ đến chân tường phía nam thành Giang Lăng cố ý dẫn dụ cho quần hào dời đi nơi khác, để Vạn Chấn Sơn vào Chùa Thiên Linh tìm kiếm bảo tàng, nhưng hơn trăm người bám sát gã tra xét rồi gã bị lòi đuôi.

Quần hào liền uy hiếp gã bắt phải đưa đến Thiên Linh tự không thì giết chết.

Thích Trường Phát nghe tiếng người huyên náo vội nhảy lên thần đàn toan che lấp những vết kiếm trên mình tượng phật cho khỏi lộ hoàng kim ra ngoài, nhưng đã chậm mất một bước.

Mọi người ngó thấy lão đứng trên thần đàn đưa hai tay che cái bụng lớn của tượng phật.

Lúc này mấy chục cây đuốc soi sáng rực cả đại điện như ban ngày, ai cũng nhìn rõ ánh kim quang liền reo to một tiếng nhảy cả lên bóc lớp đất trên mình tượng phật liệng đi. Lớp đất này lâu đến nỗi trăm năm kiên cố phi thường.

Mọi người dùng đao kiếm đâm chém tứ tung rối loạn cả lên, chẳng bao lâu mình tượng phật phát ra ánh vàng rực rỡ.

Tiếp theo có người phát giác cửa ngầm ở sau lưng tượng phật liền thò tay vào bốc một nắm châu báu chuồn vào bọc.

Những người đứng ở phía sau dùng sức mạnh đẩy hẳn ra để móc châu báu, rồi người nọ cướp ở trong tay người kia.

Đột nhiên ngoài cổng chùa hiệu tù và nổi lên tu tu, cửa chùa mở rộng, mấy chục quân lính xông vào lớn tiếng hô:

– Tri phủ đại nhân đã tới, cấm không ai được chạy loạn.

Theo sau một người mặc quan phục ngạo nghễ tiến vào, chính là quan tri phủ Giang Lăng tên gọi Lăng Thoái Tư.

Lăng Thoái Tư bố trí rất nhiều tai mắt ở thành nội thành ngoại, trà trộn lẫn với hào khách giang hồ.

Lão được tin này, lập tức dẫn quân tới.

Nhưng hào khách giang hồ thấy châu báu nhiều quá thì còn sợ gì quan nha nữa? Mọi người chỉ liều mạng tranh đoạt châu báu.

Nhưng trân châu, bảo thạch, kim khí, bạch ngọc, phỉ thúy, san hô, tổ mẫu lục, miêu nhi nhãn... rớt xuống đất rải rác khắp nơi.

Bọn bộ thuộc của Lăng Thoái Tư cũng là người phàm tục, khi nào lại chịu đứng yên chúng cũng xông vào tranh cướp.

Mấy tên binh đinh cúi xuống lượm lặt, chẳng chịu thua ai.

Thích Trường Phát tranh cướp, Vạn Khuê tranh cướp, đường đường tri phủ đại nhân Lăng Thoái Tư cũng không nhịn được bốc một nắm châu báu bỏ vào bọc.

Đã xây chuyện tranh cướp tất không tránh khỏi chuyện ẩu đả, có người đánh thắng, có người đổ máu, có người uổng mạng.

Cuộc tranh đấu mỗi lúc một khốc liệt, có người đột nhiên nhảy lên thần đàn lấy tượng phật mà cắn lấy cắn để, có người đập đầu vào tượng.

Địch Vân rất lấy làm kỳ tự hỏi:

– Sao họ lại làm thế? Dù cho thấy của mà mê mẩn tâm thần, nhưng cũng không nên phát điên phát khùng như vậy.

Phải rồi! Bọn họ điên đến nơi, cặp mắt đỏ ngầu, tay đấm chân đá, miệng cắn loạn lên.

Địch Vân ngó thấu cả Uông Kiếm Phong, một người trong Linh Kiếm Song Hiệp, rồi Hoa Thiết Cán trong bọn Lạc Hoa Lưu Thủy cũng có mặt ở đám này.

Đoàn người biến thành dã thú, tranh cướp đánh đấm loạn xà ngầu lại nhét cả châu báu vào miệng.

Địch Vân đột nhiên tĩnh ngộ tự nhủ:

– Vàng bạc châu báu này đã tôi chất độc cực kỳ lợi hại, ngày trước hoàng đế cất dấu bảo vật sợ ngụy nhân cướp đoạt nên đổ độc dược vào.

Địch Vân bỏ mặc người tranh cướp nhau vì chàng biết họ sẽ phải chết hết.

Chàng đến trước phần mộ Lăng cô nương và Đinh Điển để trồng mấy trăm khóm hoa cúc, chàng không thuê người giúp đỡ mà tự mình làm lấy.

Nguyên chàng là một nông dân nên việc cầy bừa trồng tỉa chàng đã làm quen, có điều trước kia chàng ít trồng hoa mà chỉ trồng cải trắng, hồ tiêu, và không tâm thái...

Địch Vân rời khỏi thành Kinh Châu, bồng Không Tâm Thái đi theo, rồi chàng mua một con ngựa để đi đường.

Chàng không muốn chạm trán bọn người giang hồ nên một người một ngựa tìm đường hẻo lánh mà đi.

Địch Vân trở về tuyết cốc gặp hồi tuyết xuống như lông ngỗng, chàng đi về phía sơn động ngày trước thì đột nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đứng ở trước động khi chàng hãy còn ở đằng xa.

Thiếu nữ này chính là Thủy Sanh.

Thủy Sanh vừa nhìn thấy chàng rất đỗi hoan hỷ, đon đả chạy ra la gọi:

– Địch đại ca! Tiểu muội chờ đại ca đã lâu rồi, tiểu muội biết thế nào đại ca cũng còn trở lại đây, nên cứ ở trong tuyết cốc này không đi đâu nữa.

Hết.

Mục lục
Chương trước      
Ngày đăng: 29/07/2015
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên

Mục lục