Gửi bài:

Phần IX - Chương 222

Gió nồm ấm áp thổi đã hai ngày. Tuyết trên các cánh đồng còn lại vài đám cuối cùng đã tan nốt. Những con suối mùa xuân sủi đầy bọt trắng đã bắt đầu réo to hơn. Các khe và sông nhỏ trên đồng cỏ đã lại có nước. Đến tảng sáng ngày thứ ba thì gió lặng sương mù rất dày sà xuống đồng cỏ, những giọt nước lấp lánh như bạc trên những đám cỏ vũ mâu năm ngoái, một tấm màn khói trắng bệch không sao nhìn qua được trùm khắp các nấm kurgan, các khe núi, các thôn trấn, các đỉnh gác chuông, các ngọn tiêu huyền hình kim tự tháp mọc vươn lên trời. Mùa xuân xanh mướt đã ngự trị trên vùng đồng cỏ sông Đông mênh mông.

Một buổi mai đầy sương mù, lần đầu tiên sau khi khỏi bệnh, Acxinhia bước ra thềm và đứng ở đấy rất lâu, ngây ngất trong không khí mùa xuân mát mẻ, ngọt ngào. Nàng cố nén cái cảm giác váng đầu, buồn nôn, ra tới cái giếng trong vườn rồi đặt chiếc thùng xuống và ngồi trên thành giếng.

Muôn vật hiện ra khác hẳn trước mắt nàng, tất cả đều đổi mới một cách lạ lùng và đầy sức quyến rũ. Nàng long lanh cặp mắt, bồi hồi nhìn khắp chung quanh, hai tay lần lần trên những nếp của chiếc áo dài như đứa con nít. Những khoảng xa mung lung sương khói, những cây táo trong vườn lõng bõng nước tuyết tan, dãy tường bao đẫm nước và con đường sau bức tường với những vết bánh xe năm ngoái ngập nước rất sâu, Acxinhia có cảm tưởng như tất cả đều đẹp như nàng chưa từng thấy bao giờ, tất cả đều như nở hoa với những màu sắc đậm đà, mịn màng, tất cả đều như đang rực lên với nắng.

Một mảng trời không gợn chút mây nào hiện ra qua làn sương mù làm nàng loá mắt với màu xanh lành lạnh của nó. Mùi rơm cỏ mục và mùi đất đen tan tuyết ngởi quen thuộc và dễ chịu đến nỗi Acxinhia bất giác hít một hơi rất dài có một nụ cười trên khoé miệng. Điệu hát đơn giản mộc mạc của một con sơn ca vẳng tới không biết từ chỗ nào trên cánh đồng cỏ đầy sương mù gợi lên trong lòng nàng một nỗi buồn man mác. Chính nó, chính cái tiếng chim hót trên đồng đất nước người đã làm trái tim của Acxinhia đập dồn dập và làm hai giọt nước mắt dè sẻn ứa ra trên khoé mắt nàng...

Acxinhia cảm thấy sự sống quay trở lại với mình, trong lòng thanh thản một cách thú vị. Nàng rạo rực, chỉ muốn tay mình sờ vào tất cả mọi vật, mắt mình được nhìn ngắm tất cả. Nàng chỉ muốn chạm tay vào bụi phúc bồn tử đẫm nước biến thành màu đen, áp má vào nhánh táo phủ một lớp lông xanh xám, mịn như nhung, chỉ muốn bước qua đoạn hàng rào đổ dụi, rồi lội bì bõm trong bùn, không theo những con đường sẵn có, tới đám lúa mạch mùa đông sau cái khe núi rộng, với màu xanh thần thoại lẫn với màu của khoảng xa chìm trong sương mù...

Acxinhia sống vài ngày trong tâm trạng chờ đợi, cứ tưởng Grigori sắp trở lại với mình đến nơi, nhưng sau nhờ có những người láng giềng sang thăm chủ nhà, nàng được biết chiến tranh còn chưa chấm dứt, rằng nhiều gã Cô-dắc đã từ Novorossisk bỏ chạy tới Krym bằng đường biển, còn những gã ở lại thì đều gia nhập Hồng quân hoặc đi làm phu mỏ.

Đến cuối tuần, Acxinhia quyết định dứt khoát sẽ trở về nhà và chẳng bao lâu nàng đã kiếm được người bạn đường. Một buổi chiều có ông lão nhỏ bé, lưng gù gù, đi thẳng vào trong nhà mà không gõ cửa. Ông cụ lặng thinh cúi chào và bắt đầu cởi cái áo ca-pôt kiểu Anh bẩn thỉu, đã sứt chỉ, mặc lùng thùng trên người như một cái túi.

- Cụ làm sao thế, cụ khách tốt, chẳng nói được một câu "chào cả nhà" mà lại muốn ở nhờ à? - Chủ nhà vừa hỏi vừa ngạc nhiên ngắm người khách không rời mà đến.

Nhưng ông lão kia vẫn cởi nhanh áo ca-pôt, giũ ra ngoài ngưỡng cửa, treo rất cẩn thận lên cái móc, rồi mới vuốt chòm râu xám xén ngắn, mỉm cười và nói:

- Bác chủ nhà quí mến ạ, xin bác hãy vì Chúa mà thứ lỗi cho tôi, nhưng cái thời buổi hiện nay đã dạy cho tôi cái lối đầu tiên cởi áo ngoài rồi sau mới xin nghỉ đêm, nếu không người ta sẽ không để cho vào nhà dâu. Bây giờ con người ta đã trở nên thô bạo, thấy khách đến nhà không vui mừng nữa rồi...

- Nhưng chúng tôi sẽ xếp cho cụ nằm ở chỗ nào bây giờ? Cụ xem gia đình tôi đã ở chật chội như thế nầy rồi. - Chủ nhà nói, giọng đã ôn tồn hơn.

- Chỉ cần cho tôi một chỗ chỉ bằng cái lỗ mũi là đủ rồi. Ngay ở chỗ nầy, tôi nằm còng queo bên cạnh ngưỡng cửa là ngủ được ngay.

- Nhưng làm sao mà cụ lại đi như thế nầy hả cụ? Cụ chạy loạn à? - Vợ chủ nhà tò mò hỏi.

- Đúng thế đấy, đúng là tôi chạy loạn. Chạy mãi, chạy mãi, chạy ra đến biển để rồi lại từ ngoài ấy lững thững trở về, chạy cũng đến cực ông cụ vui tính ngồi xổm xuống bên cạnh ngưỡng cửa trả lời.

- Nhưng cụ là ai cơ chứ? Cụ người đâu ta? - Chủ nhà hỏi tiếp.

Ông già lấy trong túi áo ra một cái kéo thợ may to tướng, xoay xoay nó trong tay và nói, vẫn với nụ cười luôn luôn nở trên môi:

- Đây là giấy chứng minh về cấp bậc, quân hàm của tôi. Tôi đã mang nó từ Novorossisk để lên đường đi công tác đấy. Còn quê tôi thì xa lắm, tận trấn Vosenskaia cơ. Bây giờ tôi lại trở về đấy sau khi ra biển uống một ít nước mặn.

- Cháu cũng là người Vosenskaia đấy, bố già ạ. - Acxinhia nói. - Nàng sung sướng đỏ cả mặt.

- Thật không ngờ? - Ông già kêu lên. - Thế mà đến đây lại gặp được bà con đồng hương! Dù trong thời buổi thế nầy, đó cũng chẳng phải là một điều kỳ dị lắm. Ngày nay chúng ta cũng như dân Do Thái ấy: khắp gầm trời đâu cũng có. Tình hình ở Kuban là như thế nầy: cầm cái gậy đánh con chó lại choảng ngay phải một gã Cô-dắc sông Đông. Đi đâu cũng chạm trán với họ, không làm thế nào đếm cho xuể, mà những người nằm dưới ba tấc đất lại còn nhiều hơn nữa đấy. Các bà con yêu quí ạ, trong cuộc rút lui lần nầy tôi đã được nhìn thấy chẳng còn thiếu điều gì. Những sự thiếu thốn khổ cực mà nhân dân đang phải chịu đựng thì không kể sao cho hết! Hôm kia tôi đã ngồi ở ngoài ga, bên cạnh tôi có một bà quí tộc đeo kính. Qua mắt kính, bà ta cứ nhìn những con rận trên người mình. Mà chúng nó thì kéo đàn kéo lũ trên người bà ta. Thế là bà ta đưa những ngón tay rất nhỏ nhắn ra bắt rận, mặt nhăn như ăn phải một quả táo dai. Bà ta bắt đầu giết một con rận đáng thương, và mặt lại càng nhăn hơn, méo xệch đi, ý chừng vì kinh tởm! Thế mà lại có đứa nhẫn tâm, giết một con người mà mặt cũng chẳng nhăn, miệng cũng chẳng méo đi chút nào cả. Tôi đã trông thấy ngay trước mắt mình một tay hảo hán như thế chém chết ba thằng Kalmys, chém xong chùi lưỡi gươm vào cổ ngựa, lấy thuốc lá, châm hút. Rồi nó bước tới mặt tôi và hỏi: "Nầy bố già, làm gì mà bố trợn mắt lên như thế hả? Bố có muốn tôi chém béng cái đầu của bố đi không?". Tôi vội nói: "Anh nói gì vậy, anh chàng thân mến, cầu Chúa che chở cho anh! Anh chém mất đầu thì tôi làm thế nào mà nhai được bánh mì bây giờ?" Nó bèn phá lên cười rồi bỏ đi.

- Có những kẻ giết người, một khi bàn tay đã quen với cái việc đó thì còn dễ hơn giết rận đấy. Cách mạng đã làm cho cái mạng con người bị coi rẻ rồi. - Chủ nhà nói chen vào, giọng thâm thuý.

- Bác nói đúng đấy! - Người khách đồng ý. - Con người, nó không phải là súc vật, nên có thể quen dần với tất cả. Chẳng hạn như tôi đã hỏi cái bà ấy: "Bà là ai thế? Nhìn dung mạo thì hình như bà không xuất thân là dân thường thì phải". Bà nhìn tôi, nước mắt ròng ròng: "Tôi là vợ của thiếu tướng Gretrikhin". Tôi nghĩ bụng: "Dù mụ có chồng là thiếu tướng hay thừa tướng gì đi nữa, nhưng rận chấy của mụ cũng chẳng kém gì những con bọ trên mình một con mèo ghẻ?" Tôi bèn bảo bà ta: "Thưa bà lớn, tôi xin lỗi, nhưng nếu bà lớn cứ trị các loài côn trùng sâu bọ của bà lớn như thế nầy thì tôi e bà lớn sẽ có đủ công việc để làm đến lễ Đức Mẹ mất. Mà rồi móng tay cũng gãy hết thôi. Bà giết tất cả chúng nó một lượt có hơn không?" Có cách nào để làm như thé được?" - bà ta hỏi. Tôi nói: "Bà lớn hãy cởi áo ra, trải xuống chỗ nào cứng, rồi lăn một cái chai mà giết". Tôi thấy bà tướng nhà tôi gãi sồn sột và lẩn ra sau cái tháp nước, rồi tôi lại thấy bà ta lăn một cái chai thuỷ tinh xanh trên cái áo sơ-mi, và lăn khéo khéo là, cứ như đã lăn cái chai ấy suốt đời rồi ấy!" Tôi cứ trầm trồ nhìn bà ta mà nghĩ thầm: "Đúng là Thượng đế cái gì cũng có nhiều, người ban cả những con sâu bọ nầy cho những con người quí phái, để cho chúng nó hút cả cái thứ máu ngọt ngào của họ, đâu cứ chỉ sống bằng máu người lao động...". Thượng đế có phải là thằng ngốc Mikiska đâu[331]! Người tinh thông nghiệp vụ của người lắm chứ! Lần nào mà Người rủ lòng thương con người thì Người sắp xếp mọi mặt đâu ra đấy, không thể nào nghĩ ra cách khéo hơn được nữa...

[331] Một nhân vật trong chuyện cổ tích Nga. (N.D)

Ông lão thợ may cứ nói chuyện thao thao. Cụ thấy hai vợ chồng chủ nhà rất chú ý nghe mình kể bèn khéo léo bảo ngầm cho họ biết rằng mình còn có thể nói thêm khá nhiều chuyện thú vị nữa, song bụng đói quá nên hai con mắt cứ nhíu lại vì buồn ngủ.

Ăn bữa tối, ông lão vừa bước tới chỗ ngủ vừa hỏi Acxinhia:

- Còn cô, cô bạn đồng hương, cô định ở lại đây có lâu không?

- Cháu đang sửa soạn trở về nhà đây cụ ạ.

- Được, thế thì cô cùng đi với tôi, như thế sẽ vui hơn.

Acxinhia vui vẻ nhận lời ngay và sáng hôm sau hai người từ biệt vợ chồng nhà chủ, rời bỏ cái xóm Novyi Mikhailovsky khỉ ho cò gáy trên đồng cỏ.

Đi đến ngày thứ mười hai thì hai người đến thị trấn Miliuchinskaia, rồi tới xin ngủ nhờ một ngôi nhà to lớn, coi vẻ giàu có. Sáng hôm sau người bạn đường của Acxinhia quyết định ở lại thị trấn một tuần để nghỉ ngơi và chữa hai bàn chân đã sây sướt đến chảy máu. Ông cụ không thể nào đi thêm được nữa. Nhà chủ cũng kiếm được công việc may vá cho cụ, vì thế ông già đang buồn nhớ công việc đến ngồi ngay bên cạnh chiếc cửa sổ nhỏ, lấy cái kéo ra, đeo cái kính buộc bằng sợi chỉ, và bắt đầu tháo chỉ thoăn thoắt một cái áo cũ.

Lúc chia tay với Acxinhia, ông già hay chuyện và vui tính làm dấu phép chúc phước cho nàng và bất thần chảy nước mắt. Nhưng cụ lại lau mắt ngay để nói bằng cái giọng bông lơn thường ngày:

- Sự bần thần cũng không phải là mẹ đẻ của mọi người, nhưng nó làm cho người ta thân thiết với nhau... Vì thế tôi thương cô quá... Nhưng thôi, chẳng còn làm thế nào được nữa, cô hãy đi một mình thôi, con gái yêu của tôi, cùng một lúc lão dẫn đường của cô đã bị khập khiễng cả hai chân rồi, phải có nơi nào đó để người ta nuôi lão bằng bánh mì đại mạch mới được... Nhưng thật ra cô đã đi với tôi khá nhiều, mà đối với bảy mươi tuổi trời của tôi thì quá nhiều là khác Nếu có dịp thì nhờ cô nói lại hộ với bà lão nhà tôi rằng ông bạn già của bà ấy vẫn còn sống, còn khoẻ, và tuy đã bị bỏ vào cối giã, bị cho vào máy nghiền, nhưng vẫn còn sống, ông ấy vừa đi đường vừa may quần áo cho những người nhân đức, chỉ ngày một ngày hai là về nhà thôi... Cô nói lại giùm với bà lão rằng ông lão ngu xuẩn đã chấm dứt cuộc rút lui, đang đánh nước mã hồi và chưa biết rõ lúc nào mới về được tới bên bếp lò...

Acxinhia còn phải đi đường thêm vài ngày nữa. Từ thị trấn Bokovskaia, nàng ngồi lên một chiếc xe ngựa đi cùng đường về tới thôn Tatarsky. Mãi khi trời tối mịt, nàng mới bước vào cái cửa xếp mở toang của nhà mình. Nàng đưa mắt nhìn sang nhà Melekhov, và một tiếng nức nở bỗng nhiên ập lên cổ làm nàng tức thở... Trong căn bếp trống huếch trống hoác, nặc mùi những nơi không có người ở, nàng đã khóc cho hết nước mắt, những giọt nước mắt đàn bà tích lại trong bao tháng ngày. Rồi nàng ra sông Đông lấy nước, nhóm lò và ngồi vào bàn, hai tay buông thõng trên đầu gối. Vì đang mải suy nghĩ, nàng không nghe thấy tiếng cánh cửa cọt kẹt và chỉ tỉnh lại khi bà Ilinhitna vừa bước vào nhà vừa khẽ nói:

- Thế nào, chào chị, chị láng giềng? Chị đến những nơi đồng đất nước người, đã mất tin tức lâu quá đấy...

Acxinhia hoảng hốt nhìn bà già và đứng dậy.

- Sao chị cứ nhìn tôi chằm chằm, chẳng nói chẳng rằng như thế? Hay lại đem về những tin chẳng lành? - Bà Ilinhitna từ từ bước tới bên cạnh cái bàn, ngồi xuống mép chiếc ghế dài, cặp mắt đầy vẻ dò hỏi không lúc nào rời khỏi khuôn mặt Acxinhia.

- Không đâu ạ, cháu thì làm gì có tin tức... Cháu đang mải suy nghĩ mà không biết những gì, cũng không ngờ cụ sang, nên cụ vào nhà mà không nghe thấy... - Acxinhia luống cuống nói.

- Chị gầy rộc đi, chắc hẳn trong lòng có chuyện gì...

- Cháu bị thương hàn...

- Thằng Grigori nhà tôi... nó hiện nay như thế nào... Chị chia tay với nó ở đâu thế? Nó có còn sống không?

Acxinhia kể lại vắn tắt. Bà Ilinhitna lắng nghe nàng kể, không nói thêm vào câu gì. Cuối cùng bà mới hỏi:

- Lúc để chị ở lại, nó ra đi có ốm không?

- Không, anh ấy không ốm đâu.

- Thế chị không được biết gì thêm về nó nữa à?

Không ạ.

Bà Ilinhitna thở dài nhẹ nhõm:

- Thôi nhé, cám ơn chị đã cho tôi nghe những lời tốt lành. Thế mà ở đây, người ta cứ đồn đại trong thôn đủ mọi chuyện lung tung về nó...

- Họ đồn những gì cơ? - Acxinhia hỏi, giọng nàng chỉ thoáng nghe rõ.

- Toàn là nói lung tung thôi mà... Làm thế nào mà nghe được tất cả mọi người. Cả thôn chỉ có một mình ông Vanca Beskhlevnov trở về thôi. Ông ấy có gặp thằng Grigori ở Ekaterinoda, thấy nó đang ốm. Còn những người khác thì tôi không tin!

- Nhưng họ nói những gì hả cụ?

- Chúng tôi nghe đồn rằng một gã Cô-dắc nào đó ở thôn Xinghinsky có cho biết bọn Đỏ đã chém chết thằng Grigori ở thành phố Novorossisk. Tôi bèn đi bộ đến Xinghinsky: lòng dạ của người mẹ đã làm tôi không thể nào chịu được. Tôi đã tìm thấy gã Cô-dắc ấy. Nó đã cho biết rõ. Nó nói rằng nó không trông thấy mà cũng không nghe thấy như thế. Lại có tin đồn rằng hình như nó bị bắt bỏ tù rồi chết trong đó vì thương hàn.

Bà Ilinhitna đưa mắt nhìn xuống và nín lặng giờ lâu, nhìn hai bàn tay sần sùi và nặng nề của mình. Khuôn mặt của bà sị nặng nhưng nom rất bình thản, cặp môi mím chặt đầy vẻ nghiêm khắc, nhưng hai gò má rám nâu bất thần đỏ ửng như màu anh đào, và mí mắt bà hơi rung rung. Bà ngước nhìn Acxinhia, hai con mắt ráo hoảnh sáng rực trong cơn xúc động, và nói khàn khàn:

- Nhưng tôi không tin! Tôi không thể nào mất đứa con trai cuối cùng được? Tôi chẳng làm gì nên tội mà bị Chúa trừng phạt... Mà tôi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa... Sống thì chẳng còn được mấy ngày, nhưng dù không thế cũng đã chịu cực khổ hết mức rồi? Thằng Griska vẫn còn sống đấy! Trong lòng tôi chưa thấy điều gì báo trước, như vậy là nó còn sống, thằng con yêu dấu của tôi vẫn con sống.

Acxinhia quay đi, không nói gì cả.

Trong bếp lặng đi giờ lâu rồi một làn gió bỗng thổi mở toang cánh cửa vào phòng ngoài, bắt đầu nghe thấy tiếng nước lũ gào rú trầm trầm trong đám tiêu huyền bên kia sông và tiếng những con ngỗng trời lo lắng gọi nhau quàng quạc trên làn nước lũ.

Acxinhia ra đóng cửa rồi quay vào đứng tựa lưng vào bếp lò.

- Cụ đừng quá lo buồn về anh ấy, cụ ạ, - nàng nói khe khẽ. - Chẳng nhẽ một người như anh ấy mà có thể bị bệnh tật đánh quị hay sao? Anh ấy khoẻ cứ như con người bằng thép ấy. Những người như thế không chết được đâu. Suốt chặng đường, trời đại hàn rét như cắt da mà vẫn không đeo găng...

- Thế nó có nhớ đến con nó không? - Bà Ilinhitna hỏi giọng mệt moi.

- Anh ấy nhớ cả cụ lẫn hai cháu. Hai cháu có khoẻ không cụ?

- Chúng nó khoẻ cả, chẳng có chuyện gì đâu. Nhưng ông Panteley Prokofievich đã mất trong khi rút lui rồi. Chỉ còn lại mấy mẹ con bà cháu chúng tôi...

Acxinhia lặng lẽ làm dấu phép, trong lòng rất ngạc nhiên trước cái vẻ bình tĩnh của bà già khi bà cho biết tin chồng chết.

Bà Ilinhitna chống tay xuống bàn, nặng nề đứng dậy.

- Tôi ngồi bên nhà chị lâu quá rồi, ngoài sân chắc đã tối đen.

- Mời cụ ngồi chơi đã.

- Bên ấy chỉ có một mình con Dunhiaska ở nhà, tôi phải về thôi.

Bà sửa lại chiếc khăn trên đầu, đưa mắt nhìn quanh căn bếp rồi cau mày nói:

- Khói lùa cả trong bếp lò ra. Lúc chị ra đi, đáng là phải cho một người nào đến ở. Thôi, tạm biệt chị.

Rồi khi đã cầm lấy nắm đấm trên cánh cửa, bà còn nói thêm nhưng không nhìn lại:

- Chị thu dọn xong được nơi ăn chốn ở thì sang chơi bên tôi nhé. Nếu có nghe được tin tức gì về thằng Grigori thì cũng cho tôi biết với.

Từ hôm ấy, mối quan hệ giữa nhà Melekhov và Acxinhia thay đổi hẳn. Sự lo lắng chung cho tính mạng của Grigori tựa như làm hai bên trở nên gần gũi thân thiết. Sáng hôm sau Dunhiaska trông thấy Acxinhia ở ngoài sân bèn gọi nàng rồi bước tới bên hàng rào. Cô ôm lấy cặp vai gầy của Acxinhia, mỉm nụ cười âu yếm và hồn nhiên:

- Chao ôi, chị Acxinhia, chị gầy đi nhiều quá! Chỉ còn da bọc xương thôi.

- Sống như thế nầy thì không gầy làm sao được. - Acxinhia mỉm cười trả lời. Trong lòng nàng không khỏi cảm thấy ghen tị khi nàng ngắm khuôn mặt hồng hào của cô gái đang nở hoa với cái sắc đẹp vừa đến thì.

- Hôm qua mẹ em sang bên chị đấy à? - Dunhiaska hỏi, giọng cô gái không hiểu sao trở nên thầm thì.

- Cụ có sang đấy.

- Cả em cũng đoán rằng cụ sang bên chị. Cụ hỏi về tin tức anh Griska có phải không?

- Đúng đấy.

- Nhưng cụ có khóc không?

- Không, cụ là một bà lão rất cứng cỏi.

Dunhiaska nhìn Acxinhia một cách tin cậy rồi nói:

- Nhưng nếu mẹ em khóc được thì vẫn hơn, dù sao khóc được thì trong lòng cũng nhẹ nhàng một đôi chút. Chị có biết không, chị Acxiutka, từ mùa đông năm nay mẹ em lạ lắm cơ, chẳng còn như trước kia nữa đâu. Khi cụ nghe tin về cha em, em cứ tưởng mẹ em sẽ đau khổ vật vã, em đã hoảng lên, nhưng chẳng thấy cụ nhỏ một giọt nước mắt nào. Cụ chỉ nói: "Cầu cho ông ấy được hưởng phúc nơi thiên đường, ông già yêu quí của tôi phải chịu khổ đến thế là hết rồi..." Và từ lúc ấy đến tối cụ chẳng nói với ai câu nào. Em xán đến nói với mẹ em chuyện nọ chuyện kia, nhưng cụ chỉ xua tay, nhất định không chịu hé răng. Hôm ấy em sợ sợ là...! Nhưng đến tối em thu dọn cho gia súc xong ở ngoài sân bước vào hỏi mẹ em: "Mẹ ơi, ta nấu gì để ăn bữa tối bây giờ?" thì lúc ấy trong lòng cụ đã nguôi nguôi, và cụ bắt đầu nói...

Dunhiaska thở dài rồi mơ màng nhìn ra không biết nơi nào qua vai Acxinhia và hỏi thêm:

- Anh Grigori nhà em chết rồi hay sao? Người ta đồn như thế liệu có đúng không?

- Tôi không biết đâu, cô em yêu quí ạ.

Dunhiaska nhìn Acxinhia như thăm dò rồi thở dài càng não ruột hơn.

- Mẹ em nhớ anh ấy đúng là nhớ ngày nhớ đêm! Cụ chỉ gọi anh ấy là: "thằng hai yêu quí của mẹ", và cụ nhất định không tin rằng anh ấy đã chết. Nhưng chị có biết không, chị Acxinhia, nếu mẹ em được biết rằng đích xác anh ấy đã mất rồi thì chính cụ cũng sẽ buồn nhớ đến chết mất. Mẹ em đã sắp đến lúc về chầu Chúa rồi, nên chỉ còn có một chỗ bấu víu để mà sống là anh Grigori thôi. Đối với hai đứa cháu, bây giờ mẹ em không hiểu sao cũng không thích chúng nó lắm nữa. Còn công việc thì cầm đến cái gì là rơi vãi cái ấy... Chị thử nghĩ mà xem, có một năm mà trong gia đình nhà em bốn người...

Acxinhia bỗng cảm thấy thương hại, nàng vươn tay qua hàng rào, ôm lấy Dunhiaska và hôn rất mạnh vào má cô gái.

- Chị láng giềng tốt bụng của em, chị cố làm cái gì cho mẹ em khuây khoả một chút, đừng để cụ phải đau khổ quá nhiều.

- Nhưng làm thế nào cho cụ khuây khoả bây giờ?

Dunhiaska đưa góc chiếc khăn tay Iên lau mắt rồi nói:

- Chị cứ sang bên nhà em, chuyện trò với mẹ em, cụ sẽ được nhẹ nhõm trong lòng. Chị đừng lảng tránh nhà em làm gì!

- Sẽ có lúc tôi sang, thế nào cũng sang!

- Ngày mai có lẽ em sẽ ra đồng. Thắng bò cùng cày với chị Anikey. Nhà em định gieo, dù chỉ hai đê-xi-a-chin lúa mì. Còn chị thì chị có định gieo gì cho bên nhà không?

- Tay tôi thì gieo với giếc gì? - Acxinhia mỉm một nụ cười không có gì là vui vẻ. - Chẳng có gì để mà gieo, mà cũng chẳng gieo làm gì. Một thân một mình thì chỉ cần ít thôi, thế nầy cũng sống qua quít được.

- Chị có được tin gì về anh Stepan nhà chị không?

- Chẳng có tin tức gì cả. - Acxinhia trả lời lạnh nhạt rồi bỗng nói một câu mà chính nàng cũng thấy bất ngờ: -Tôi cũng không khô héo vì hắn đâu - Lời thú nhận bất giác nói ra làm nàng luống cuống.

Nàng cố giấu vẻ bối rối, vội nói thêm:

- Thôi chào cô bé nhá, tôi còn phải vào thu dọn trong nhà đây.

Dunhiaska làm như không nhận thấy vẻ lúng túng của Acxinhia, cô đưa mắt nhìn ra chỗ khác và nói:

- Chị hãy hượm một lát đã, em còn muốn nói với chị chuyện nầy nữa, chị có thể làm giúp cho bên em được không? Ruộng đất khô nẻ cả, em chỉ lo nhà em làm không thể nào hết việc, cả thôn chỉ còn có hai tay Cô-dắc thì lại tàn phế cả hai.

Acxinhia vui vẻ nhận lời ngay, còn Dunhiaska thì sung sướng vì đã được mãn nguyện, vội đi sửa soạn các thứ.

Suốt ngày hôm ấy, Dunhiaska cố hết sức sửa soạn để ra đồng: được mụ vợ goá của Anikey giúp thêm, cô gái sàng lại hạt giống, sửa qua quít cái bừa, bôi dầu vào bánh xe, chỉnh lại cái máy gieo hạt. Rồi đến khi trời hoàng hôn, cô đùm vào khăn tay một ít lúa mì thật sạch đem ra nghĩa địa rắc lên mộ của Petro, Natalia và Daria, để đến sáng mai sẽ có những con chim bay tới mộ những người thân thuộc. Với tấm lòng ngây thơ mà cô vẫn còn giữ từ thời thơ ấu, Dunhiaska tin rằng tiếng chim líu lo vui tai sẽ được người chết nghe thấy và sẽ làm họ sung sướng.

Mãi đến khi trời sắp rạng, vùng ven sông Đông mới trở lại yên tĩnh. Nước chạy lóc óc trầm trầm trong khu rừng ngập nước, rửa sạch những thân cây tiêu huyền màu xanh nhợt, lay động đều đều ngọn của những đám sồi và hoàn diệp liễu non ngập nước. Trong các hồ đầy ắp những bông lau ngả theo làn nước kêu xào xạc. Ở những chỗ nước lũ tràn ra, trong những khuỷu sông hẻo lánh, tức là những nơi mà làn nước hoàn toàn nằm chết lặng như bị ma làm phản chiếu ánh sáng lờ mờ của những đêm lắm sao, có thể thoáng nghe thấy tiếng những con ngỗng trời gọi nhau rất khẽ, tiếng những con vịt đực vùng sông Tria kêu như mơ ngủ và thỉnh thoảng mới thấy vang lên những tiếng lanh lảnh như kèn bạc của những con thiên nga di cư qua dừng lại nghỉ đêm. Đôi khi trong bóng tối có con cá quẫy mạnh lao ra chỗ rộng kiếm mồi làm nước bắn tung, những làn sóng uyển chuyển lan ra rất xa trên mặt nước lấm tấm những ánh vàng óng, rồi vẳng có tiếng một con chim bị kinh động kêu quang quác, kêu lên như để báo trước một điều gì. Sau đó bầu không khí lặng trở lại bao phủ khắp vùng ven sông Đông. Nhưng đến khi trời bình minh, khi những nhánh núl đá phấn mới điểm chút màu hồng, gió đã ập tới từ miền hạ du. Những làn gió vừa quánh vừa mạnh thổi ngược dòng. Những đợt sóng cao hàng xa-gien chồm lên trên mặt sông, nước trong rừng réo ầm ầm như điên, cây cối ngả nghiêng rên xiết. Từ lúc đó gió tiếp tục gào rú suốt ngày và mãi đến đêm khuya mới lặng đi. Thời tiết kéo dài như thế vài ngày liền.

Một làn khói màu tím ngắt nằm lơ lửng trên đồng cỏ. Đất khô nẻ cả Cỏ chỉ mọc đến nửa chừng rồi không lên thêm được nữa, từng dải cát dài nằm lại trên các mảnh đất đã cày. Chậm thêm một giờ là đất càng bị gió thổi khô, nhưng trên các cánh đồng của thôn Tatarsky vẫn gần như không trông thấy vía một người nào. Cả thôn chỉ còn vài ông già lụ khụ ở lại. Đi rút lui đến nửa đường trở về chỉ có những gã Cô-dắc bị lạnh đến hỏng người hoặc bị bệnh tật, đến nay không còn làm ăn gì được nữa. Vì thế làm việc ngoài đồng chỉ có những người đàn bà và những thằng con trai chưa thành niên.

Trong cái thôn không một bóng người, gió lùa bụi mù mịt, đập sầm sầm cửa chớp các ngôi nhà, giũ rơm trên mái các nhà kho. Các cụ già nói: "Năm nay chúng ta sẽ chẳng có lúa má gì đâu. Toàn bọn đàn bà ra làm việc ngoài đồng, mà ba nhà mới có một nhà gieo hạt. Ruộng đất đã hết sức sống rồi thì còn sinh sôi nảy nở thế nào được nữa..."

Ra đồng làm việc hôm trước thì hôm sau, lúc mặt trời sắp lặn, Acxinhia xua mấy con bò mộng ra đầm uống nước. Thằng bé mười tuổi nhà Obnizov đang đứng bên bờ đê, tay dắt con ngựa yên cương sẵn sàng. Con ngựa nhay nhay môi, nước nhỏ giọt xuống từ cái mõm xám mượt như nhung của nó, song chú kỵ sĩ vừa xuống ngựa còn mải đùa: chú ném từng miếng đất sét khô xuống nước để ngắm những vòng tròn lan dần trên mặt nước.

- Cháu sắp sửa đi đâu đấy, cháu Vanhiatca? - Acxinhia hỏi.

- Cháu mang thức ăn cho mẹ cháu.

- Thế trong thôn có chuyện gì không?

- Chẳng có gì đâu. Đêm hôm qua cụ Gerasin quăng lưới đánh được một con cá chép to đến là to. Lại có bác Fedor Mennhikov đi rút lui đã về. Thằng bé kiễng chân, buộc gọn đoạn dây hàm thiếc, nắm chặt lấy một đám bờm ngựa rồi nhảy phắt lên yên, nhanh như một thằng quỉ con. Như một người chủ ngựa thận trọng, lúc mới rời khỏi bờ đầm nó còn cho con ngựa đi bước một, nhưng chỉ lát sau, nó đã quay nhìn Acxinhia một cái rồi thúc con ngựa phóng nhanh đến nỗi cái áo sơ-mi xanh da trời đã bạc màu phồng to trên lưng nó như một bọt nước khổng lồ.

Trong khi cặp bò mộng uống nước, Acxinhia ngả lưng xống con đê một lát rồi lập tức quyết dịnh về thôn ngay. Melnikov là một gã Cô-dắc đi lính, vì thế tất nhiên hắn phải biết ít nhiều về số phận của Grigori. Sau khi đánh bò về chỗ để xe, Acxinhia bảo Dunhiaska:

- Tôi phải tạt qua về thôn đây, nhưng sáng sớm mai sẽ lại ra.

- Chị có việc cần à.

- Có chút việc.

Sáng hôm sau Acxinhia lại ra đồng. Nàng bước tới chỗ Dunhiaska vừa thắng xong hai con bò, ngọn roi vung vẩy trong tay nom rất vô tư lự, nhưng lông mày nàng cau cau, hai bên mép nhăn lại thành những nếp đầy cay đắng.

- Mennhikov vừa về. Tôi đã đến hỏi hắn về anh Grigori. Nhưng hắn chẳng biết gì cả. - Nàng nói gọn lỏn vài câu rồi quay phắt đi, bước ra chỗ máy gieo hạt.

Gieo hạt xong, Acxinhia bắt tay vào làm công việc nhà; nàng ra vườn trồng ít dưa hấu, trát và quét vôi lại căn nhà, tự tay lợp lại mái nhà kho bằng chỗ rơm còn lại, biết làm bao nhiêu thì cứ làm. Hết ngày nọ đến ngày kia cứ trôi qua trong công việc lao động, nhưng nỗi lo lắng cho tính mệnh của Grigori không buông tha Acxinhia giờ phút nào. Stepan thì Acxinhia chỉ nghĩ tới anh ta một cách miễn cưỡng, và không hiểu sao nàng cứ có cảm tưởng là anh ta sẽ không trở về nữa. Tuy vậy mỗi khi trong thôn có gã Cô-dắc nào trở về, câu hỏi đầu tiên của nàng vẫn là: "Bác có gặp anh Stepan nhà tôi không?" rồi sau đó mới lân la cố dò hỏi rất dè dặt về Grigori. Trong thôn ai cũng đã biết chuyện hai người đi lại với nhau. Ngay đến những mụ đàn bà thích đơm đặt nói xấu người khác cũng đã thôi không còn đem chuyện hai người ra nói nữa, song Acxinhia ngượng không muốn nói ra tình cảm của mình. Chỉ năm thì mười hoạ, khi tên lính quá ít lời không đả động gì đến Grigori, nàng mới nheo nheo mắt hỏi với vẻ lúng túng ra mặt: "Thế bác có dịp nào gặp bác Grigori Pantelevich, láng giềng nhà chúng tôi không? Bà cụ bác ấy buồn nhớ bác ấy khô héo cả người..."

Sau khi quân đội sông Đông đầu hàng ở Novorossisk, không một gã Cô-dắc nào trong thôn được gặp Grigori hay Stepan. Mãi đến cuối tháng Sáu mới có một gã đồng đội của Stepan, người thôn Kôlundaevsky chạy sang bên kia sông Đông, ghé qua gặp Acxinhia và báo tin cho nàng biết:

- Stepan đã bỏ đi Krym rồi, tôi nói thật với chị đấy. Chính mắt tôi đã trông thấy hắn lên tàu đấy! Hai đứa chẳng nói với nhau câu nào cả. Chen chúc thật là ghê gớm, cứ phải đạp lên đầu nhau mà qua. - Thấy hỏi về Grigori, hắn chỉ trả lời qua quít - Tôi có nhìn thấy trên bến tàu, vẫn đeo lon nhưng sau không được gặp nữa. Nhiều sĩ quan đã bị giải lên Moskva, nhưng ai mà biết được bây giờ hắn ở đâu.

Nhưng một tuần sau bỗng thấy Prokho Zykov mò về thôn Tatarsky. Hắn bị thương nên được đưa từ nhà ga Minlerovo về bằng xe ngựa của dân công. Vừa nghe tin ấy, Acxinhia bỏ không vắt sữa con bò cái nữa. Nàng đẩy con bò con tới bên con bò mẹ, vội vã vừa đi vừa chít cái khăn lên đầu và gần như chạy tế sang sân nhà Zykov.

"Prokho thì hắn biết đấy, thế nào hắn cũng phải biết? Nhưng nếu hắn bảo Griska không còn sống nữa thì sao? Nếu vậy thì mình sẽ như thế nào?" - Nàng vừa đi vừa nghĩ thầm, chân đi mỗi lúc một chậm lại, một tay áp lên chỗ tim đập, chỉ sợ phải nghe một tin chẳng lành Prokho đón nàng ở phòng trong. Hắn cười toe toét cố giấu ra sau lưng cánh tay cụt chỉ còn một mẩu ngắn cũn.

- Chào cô bạn đồng sự! Cô có khoẻ không? Vẫn được trông thấy cô còn sống cơ à? Thế mà chúng tôi cứ tưởng cô đã nằm trong sáu tấm gỗ sồi ở cái xóm ấy rồi. Chao ôi, cô ốm nặng quả là ghê gớm... Nhưng lạ thật, tại sao cái chứng thương hàn ấy nó còn có thể làm cô đẹp ra như thế nầy được? Còn tôi thì cô xem, cái bọn Trắng Ba Lan đã làm người ngợm tôi như thế nầy đây, sao không tọng cho chúng nó cái gọng xe vào mồm? - Prokho giơ bên tay áo rỗng buộc thành nút của chiếc áo quân phục cổ chui màu cứt ngựa. - Vợ tôi nó trông thấy cái nầy cứ chảy nước mắt ra khóc, nhưng tôi bảo nó: "Chớ có gào lên, đồ ngu, những đứa khác bị chặt béng mất đầu còn chẳng oán thán, đằng nầy chỉ bị một cái tay thì có gì là quan trọng. Bây giờ thì người ta lắp những cái tay gỗ đấy. Cái của ấy ít nhất cũng không sợ rét và cắt không chảy máu đâu". Nhưng cô nàng ạ, chỉ tai vạ một điều là tôi chưa học được cách làm mọi việc bằng một tay. Quần cũng chẳng cài được cúc, mẹ khỉ? Từ Kiev về đến nhà cúc quần cứ để hở. Thật là nhục nhã! Vì thế nếu cô thấy tôi có chỗ nào mất trật tự thì cũng lượng thứ cho nhé... Nhưng nào, cô vào đi chứ, ngồi xuống đi, cô sẽ là khách của tôi. Chúng ta hãy nói chuyện với nhau một lát trong khi con mụ nhà tôi còn đi vắng. Con mụ phản Chúa ấy, tôi đã phái nó đi kiếm rượu đấy. Chồng về bị chặt béng mất một tay và nó cũng chẳng có gì đề mừng đón. Cái bọn quỉ cái ướt đuôi tất cả những đứa vắng chồng các cô, thằng nầy thì đi guốc trong bụng!

- Có lẽ anh hãy nói...

- Biết rồi, tôi sẽ nói đây. Hắn ra lệnh cho tôi chuyển lời hỏi thăm đấy! - Prokho cúi đầu chào một cách rất khôi hài, nhưng lúc ngẩng đầu lên hắn ngạc nhiên rung rung hai hàng lông mày; - Lại còn cô ả nầy nữa! Tại sao cô khóc hả, thật là ngu xuẩn? Tất cả bọn đàn bà các cô đến là lắm nước mắt. Người ta bị giết các cô cũng khóc, người ta còn sống các cô cũng khóc. Thôi lau đi, lau đi, làm gì mà chảy cả nước mắt nước mũi ra như thế? Tôi bảo cho cô biết rằng hắn còn sống, vẫn khoẻ mạnh, ăn lắm vào mặt bạnh ra thế nầy nầy! Ở Novorossisk tôi đã cùng hắn đi theo Tập đoàn Hồng quân của đồng chí Budionnyi, vào sư đoàn Mười bốn. Anh chàng Grigori Pantelevich của chúng ta đã được nhận cho chỉ huy một đại đội, một đại đội kỵ binh cơ đấy. Tất nhiên tôi cũng nằm trong đơn vị của hắn, và chúng tôi đã cưỡi ngựa tiến về phía Kiev. Chà, cô nàng ạ, chúng tôi đã cho cái bọn Trắng Ba Lan ấy trông thấy ông bà ông vải. Chúng tôi tiến đến đây thì anh chàng Grigori Pantelevich nói: "Mình đã từng chém bọn Đức, đã thử lưỡi gươm của mình trên mọi kiểu quần áo, chẳng nhẽ bọn Ba Lan nầy còn có những cái sọ rắn hơn hay sao? Mình cho rằng chém chúng nó còn dễ hơn chém người Nga mình đấy, cậu thấy thế nào hử?" Hắn nói thế rồi lại nhe răng nhe lợi, nháy mắt với tôi. Từ ngày tham gia Hồng quân, anh chàng thay đổi hẳn, hắn trở nên vui vẻ, trơn lông dỏ da cứ như con ngựa thiến ấy. Hừ, mà tôi với hắn ở với nhau cũng chẳng khỏi có những chuyện lủng củng trong anh em... Một lần tôi cho con ngựa tới gần hắn và nói đùa một câu: "Đã đến lúc anh em dừng lại nghỉ rồi đấy, bẩm quan lớn đồng chí Melekhov!" Hắn trợn mắt lên với tôi và bảo: "Cậu có bỏ cái kiểu nói đùa với tôi như thế đi, nếu không sẽ chẳng hay ho gì đâu". Đến chiều không hiểu có việc gì hắn lại gọi tôi đến, và quỉ dữ lại xui tôi gọi hắn là "quan lớn"... Thế là hắn rút luôn khẩu Mauser ra? Mặt hắn tái nhợt, hắn nhe nanh ra cứ như con chó sói, đầy mõm những răng là răng, ít nhất cũng một trăm cái. Tôi đành phải tụt xuống dưới bụng con ngựa và chuồn ngay khỏi mắt hắn. Chỉ thiếu chút nữa là bị hắn cho đi đời nhà ma, cái thằng quỉ dữ ấy nó như thế đấy!

- Nhưng anh ấy như thế nào, liệu có được về phép không? - Acxinhia lắp bắp.

- Đừng hòng? - Prokho ngắt lời nàng. - Hắn nói rằng tôi sẽ phục vụ cho đến bao giờ đền hết các tội xưa kia mới thôi. Chuyện ấy hắn sẽ làm được cho mà xem, làm một việc ngu xuẩn thì cũng chẳng khó khăn gì đâu... Một lần hắn chỉ huy chúng tôi xông lên xung phong ở gần một cái trấn nhỏ. Ngay trước mắt tôi hắn đã chém chết liền bốn thằng thương kỵ binh của bọn kia. Cái thằng đáng nguyền rủa ấy, từ bé hắn đã quen dùng tay trái, vì thế, hắn có thể dùng cả hai tay để chém trúng bọn kia. Sau trận chiến đấu, Budionnyi đã đích thân ra trước hàng quân bắt tay hắn, khen toàn đại đội và khen riêng hắn. Cái anh chàng Pantelevich của cô, hắn đã giở những trò như thế đấy Acxinhia nghe kể như trong một giấc mộng... Mãi khi bước tới cái cổng xép của nhà Melekhov nàng mới trở lại với thực tế.

Dunhiaska đang chắt sữa ở phòng ngoài. Cô gái hỏi nhưng không ngẩng đầu lên:

- Chị sang lấy men ủ nước kvas có phải không? Em đã hứa mang sang mà quên khuấy đi mất. - Nhưng vừa nhìn thấy hai con mắt đầm đìa nước mát, long lanh vì sung sướng của Acxinhia, Dunhiaska đã hiểu hết, chưa cần phải nghe nói gì cả.

Acxinhia áp khuôn mặt nóng bừng bừng vào tai Dunhiaska, thở hổn hển vì sung sướng, khẽ nói:

- Còn sống, vẫn khoẻ mạnh... Có gửi lời hỏi thăm đấy... Vào ngay đi! Vào nói cho mẹ biết đi!

Mục lục
Ngày đăng: 20/01/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Yatzy Blitz - Trò chơi xúc xắc

Mục lục