Gửi bài:

Chương 13

Piotr hầu như không có gì thay đổi trong phong thái bên ngoài.

Trông chàng vẫn hệt như xưa. Cũng như xưa, chàng thường đãng trí và có vẻ không chú ý tới những việc đang diễn ra trước mắt mà lại mải mê bận tâm về một điều gì riêng tư, đặc biệt. Có khác chăng là trước kia khi chàng quên những việc đang diễn ra trước mắt, quên những điều người ta đang nói với chàng, thì chàng cau trán lại một cách đau đớn, dường như đang cố sức mà không sao thấy rõ một cái gì cách chàng rất xa. Bây giờ chàng vẫn thường quên những điều người ta nói với chàng, quên những việc diễn ra trước mắt, nhưng bây giờ, với một thoáng nụ cười dường như ngạo nghễ, chàng nhìn ngay vào những điều đang diễn ra trước mắt, lắng nghe những điều người ta đang nói với chàng, tuy có thể thấy rõ rằng chàng nhìn thấy và nghe thấy một điều gì khác hẳn. Trước kia, chàng có vẻ là một người tuy có hiền lành nhưng lại khổ sở, cho nên người ta bất giác xa lánh chàng. Bây giờ nụ cười vui sướng luôn luôn thấp thoáng trên môi chàng, và mắt chàng long lanh niềm đồng cảm với những người chung quanh, như có ý hỏi: họ có sung sướng như chàng không, và khi có mặt chàng người ta thấy dễ chịu.

Trước kia chàng nói nhiểu, khi nói thường nổi nóng lên và nghe rất ít, bây giờ chàng ít khi sôi nổi trong khi nói chuyện, chàng có một cách nghe chuyện làm cho người ta sẵn lòng thổ lộ với chàng những điều sâu kín nhất.

Nữ công tước Katerina xưa nay vốn chẳng ưa gì Piotr và nhất là từ khi lão bá tước chết lại càng có ác cảm với chàng, vì thấy mình phải chịu ơn chàng; nhưng đến nay, sau khi đến Orel một thời gian ngắn với ý định tỏ rõ cho Piotr biết rằng tuy chàng bạc nghĩa như vậy cô ta cũng vẫn thấy mình có nhiệm vụ săn sóc chàng, nữ công tước đã bực mình và ngạc nhiên nhận thấy mình mến chàng. Piotr không hề làm gì để gây thiện cảm của nữ công tước. Chàng chỉ tò mò nhìn cô ta. Trước kia mỗi khi chàng nhìn cô ta, nữ công tước cảm thấy trong khoé mắt chàng chỉ có sự thờ ơ và chế giễu, và cũng như trước mặt những người khác, cô ta đã co rụt lại và chỉ đưa ra cái khía cạnh đối phó của mình; bây giờ thì ngược lại, nữ công tước cảm thấy dường như chàng tìm cách hiểu thấu những khía cạnh sâu kín nhất của tâm hồn cô ta; và lúc đầu còn e ngại, rồi dần dần cảm khích, cô tả đã mở ra cho chàng những khía cạnh tốt đẹp ẩn kín trong tâm hồn mình.

Dù là người xảo quyệt đến đâu cũng không thể nào len lỏi vào lòng tin của nữ công tước một cách khéo léo như Piotr. Chàng gợi lại những kỷ niệm đẹp nhất trong thời niên thiếu của nữ công tước và tỏ lòng đồng cảm với cô. Nhưng thật ra tất cả cái khôn khéo của Piotr chẳng qua là ở chỗ chàng chỉ muốn thoả mãn ý thích của mình trong công việc thức tỉnh những tỉnh cảm tốt đẹp của con người ở cô nữ công tước chua chát, khô khan và kiêu hãnh theo một kiểu riêng ấy.

- Phải, anh ấy là một người tốt, rất tốt, khi nào không bị ảnh hưởng của những người xấu, mà chịu ảnh hưởng của những người như ta, - nữ công tước tự nhủ như vậy.

Sự thay đổi diễn ra trong Piotr cũng được các gia nhân của chàng - Terenty và Vaxka, nhận thấy theo cách riêng của họ. Họ cho rằng chàng nay đã giản dị đi nhiều. Đêm đêm sau khi cởi áo cho chủ đi nằm và chúc ngủ ngon giấc, Terenty, tay cầm đôi ủng, chiếc áo, thường nấn ná lại một lúc chờ xem ông chủ có bắt chuyện không. Và phấn lớn Piotr đều giữ Terenty lại mỗi khi thấy anh ta muốn nói chuyện.

- Này, anh thử kể tôi nghe... dạo ấy các anh làm cách nào kiếm được thức ăn? - chàng hỏi. Và Terenty bắt đầu kể chuyện về cảnh điều linh của thành Moskva, về bá tước quá cố. Anh ta cầm chiếc áo đứng hồi lâu trong phòng Piotr, kể chuyện cho chàng nghe và đôi khi nghe chàng kể chuyện, rồi lui ra phòng ngoài với cảm giác dễ chịu thấy chàng gần gũi mình và thấy mình mến chàng như một người bạn.

Người thầy thuốc chữa bệnh cho Piotr và ngày nào cũng đến thăm chàng, tuy tự thấy mình có nhiệm vụ làm ra vẻ như mỗi phút của mình đều quý giá cho nhân loại khổ đau - như thói thường các bác sĩ vẫn thế - nhưng cũng ngồi hàng giờ ở phòng Piotr kể cho chàng nghe những mẩu chuyện ưa thích về những điều quan sát về thái độ những người bệnh nói chung và đặc biệt là thái độ các nữ bệnh nhân.

- Phải, với một người như vậy nói chuyện thật thú vị, không phải như ở tỉnh xép nhà mình, - ông ta thường nói.

Ở Orel có mấy viên sĩ quan tù binh Pháp trú ngụ; ông thầy thuốc đưa đến nhà Piotr một trong các sĩ quan đó, một người Ý trẻ tuổi.

Viên sĩ quan bắt đầu lui tới nhà Piotr, và nữ công tước thường đùa cợt về những tình cảm đằm thắm mà viên sĩ quan người Ý biểu lộ với Piotr.

Người Ý ấy hình như chỉ sung sướng khi nào có thể đến nói chuyện với Piotr, kể cho chàng nghe về những quãng đời dĩ vãng, về cuộc sống gia đình, về những cuộc tình duyên của mình và thổ lộ cho chàng biết lòng căm giận quân Pháp và nhất là Napoléon.

- Nếu người Nga đều giống ông cả, dù chỉ ít nhiều thôi, - viên sĩ quan người Ý nói với Piotr - thì gây chiến tranh với một dân tộc như dân tộc ông thật là một tội báng bổ. Ông đã phải chịu khổ sở vì quân Pháp như vậy mà thậm chí cũng không hề có ý oán trách gì họ cả.

Và sở dĩ Piotr chiếm được tình yêu mến bồng bột của người Ý kia cũng chỉ vì chàng đã thức tỉnh được những khía cạnh tốt đẹp nhất trong tâm hồn anh ta và đã biết quý trọng những khía cạnh ấy.

Vào cuối thời gian Piotr ở Orel, có một người quen cũ đến thăm chàng. Đó là bá tước Vinarxki là một người hội viên Tam điểm đã kết nạp chàng năm 1807. Vinarxki lấy một người vợ Nga giầu có, có những điền trang lớn ở tỉnh Orel, và bấy giờ ông ta đang giữ một chức vụ lâm thời trong sở tiếp tế lương thực của thành phố.

Nghe tin Piotr ở Orel, Vinarxki, tuy xưa nay chưa bao giờ quen thân với chàng, cũng đến gặp chàng với thái độ niềm nở và thân mật mà những người tình cờ gặp nhau trên sa mạc thường có. Ở Orel, Vinarxki thấy chán, nên rất vui mừng khi được gặp một người cùng giới và cũng chí hướng - ông ta tưởng thế.

Nhưng chẳng bao lâu, Vinarxki phải ngạc nhiên nhận thấy rằng Piotr lạc hậu đối với tình hình sinh hoạt hiện tại và, như lời ông ta dùng để định nghĩa Piotr, đã trở nên thờ ơ và vị kỷ.

- Anh mụ mẫm đi đấy anh bạn ạ! - ông ta nói với chàng.

Tuy vậy, khi giao thiệp với Piotr, Vinarxki vẫn thấy dễ chịu hơn ngày trước. Và ngày nào ông ta cũng lại đến nhà chàng. Còn Piotr, bây giờ mỗi khi nhìn thấy Vinarxki và nghe ông ta nói chuyện, lại lấy làm lạ và khó lòng có thể tin rằng mới gần đây thôi chính chàng cũng giống như thế.

Vinarxki là một người đã có vợ có con, bận rộn với những công việc quản lý điền trang của vợ, với ông cụ, với gia đình. Ông ta cho rằng tất cả những thứ đó đều là những vật chướng ngại trong cuộc sống và đều đáng khinh, vì mục đích của ông đó là mưu cầu phúc lợi cho bản thân và gia đình. Những vấn đề quân sự, hành chính, chính trị, hội Tam điểm, luôn luôn thu hút hết sức chú ý của ông ta.

Và Piotr không tìm cách thay đổi quan điểm của Vinarxki, không chê trách ông ta, chàng chỉ xem xét, với cái thái độ giễu cợt luôn luôn điềm tĩnh và vui vẻ của chàng, cái hiện tượng kỳ lạ mà chàng biết quá rõ.

Trong khi tiếp xúc với Vinarxki, với nữ công tước, với bác sĩ, với tất cả những người thường gặp chàng, Piotr có một nét mới khiến cho tất cả mọi người đều có thiện cảm với chàng: chàng thừa nhận rằng mỗi người đều có thể có suy nghĩ, cảm xúc và nhìn nhận sự vật theo cách của mình; thừa nhận rằng lời lẽ không thể làm cho con người từ bỏ quan niệm của mình đi được. Đó là đặc tính chính đáng của mỗi người, cái đặc tính trước kia đã khiến Piotr bối rối và bực dọc, nhưng bây giờ lại chính là nền tảng của sự quan tâm và thiện cảm của chàng đối với người khác. Sự bất đồng, đôi khi là sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa quan điểm với cách sống của họ và giữa người này với người khác làm cho Piotr vui thích, đưa lai cho chàng nụ cười châm biếm dịu dàng Trong những công việc thực tiễn bây giờ Piotr đột nhiên cảm thấy mình có một chỗ dựa vững vàng mà trước kia chàng không hề có và không ngờ là mình có thể có được. Trước kia, khi có vấn đề tiền bạc, nhất là khi có người xin tiền - giàu có như chàng dù những trường hợp như thế rất hay xảy ra - chàng đều lâm vào một tình trạng bối rối nan giải. "Có nên cho không? - chàng thường tự hỏi - Mình thì có tiền, mà người ấy thì đang cần. Nhưng người kia còn cần hơn. Ai cần hơn? Hay có lẽ cả hai đều bịp bợm?" Trước kia chàng không thể nào tìm được một giải pháp để thoát khỏi những băn khoăn ấy, và có được bao nhiêu chàng cứ đem cho tất cả mọi người. Trước kia chàng cứ phải băn khoăn như thế mỗi khi có vấn đề liên quan đến tài sản của chàng, khi mỗi người khuyên chàng một cách. Bây giờ chàng ngạc nhiên nhận thấy rằng trong tất cả những vấn đề ấy chàng không còn băn khoăn, ngờ vực gì nữa. Trong chàng nay đã có một vị quan toà căn cứ trên những đạo luật nào đấy mà chính chàng cũng không rõ để đoán định cái gì cần làm và cái gì không.

Chàng nay cũng vẫn dửng dưng với những công việc tiền nong như trước, nhưng bây giờ chàng biết chắc chắn cái gì cần phải làm và cái gì không nên làm. Vị quan toà mới trong chàng đã tuyên án lần đầu tiên khi có một viên đại tá Pháp đến gặp chàng, kể lể rất nhiều về những chiến công của mình và cuối cùng với một giọng gần như hách dịch yêu cầu Piotr đưa cho ông ta bốn nghìn phơ-răng để gửi cho vợ con. Piotr đã từ chối một cách dễ dàng, chẳng có sự giằng co gì cả; về sau chàng chỉ lấy làm lạ, không hiểu tại sao một việc trước kia tưởng đâu nan giải như vậy mà nay chàng lại có thể giải quyết dễ dàng và giản dị đến thế. Đồng thời, ngay trong khi từ khước viên đại tá, chàng cũng quyết định là khi rời Orel ra đi phải dùng mưu mẹo để buộc viên sĩ quan người Ý phải nhận cho kỳ được một số tiền mà chàng biết là anh ta đang cần. Thêm một việc nữa chứng minh cho Piotr thấy rõ cái quan điểm mới của mình đối với những công việc thực tiễn là cách chàng giải quyết vấn đề trả nợ cho vợ chàng và vấn đề tu sửa hay không tu sửa các toà nhà và dinh thự của chàng ở Moskva.

Viên tổng quản đến Orel tìm chàng và hai người cùng tính toán những sổ thu thập của chàng nay đã thay đổi. Theo những khoản tính của viên tổng quán, vụ hoả hoạn Moskva đã làm tốn mất của chàng khoảng hai triệu rúp.

Mặt khác viên tổng quản lại tính toán cho Piotr thấy rằng mặc dầu có những tổn thất đó, số thu nhập của chàng những không giảm sút mà còn tăng lên, nếu chàng từ khước việc trả nợ những món nợ của bá tước phu nhân để lại, vì không có bổn phận phải trả, và nếu chàng không tu sửa các toà nhà ở Moskva và trang dinh thự ở ngoại thành, vì những thứ này tốn của chàng mỗi năm tám vạn rúp mà chẳng đưa lại lợi tức gì cả.

- Phải, phải đúng đấy, - Piotr nói, miệng mỉm cười vui vẻ - Phải, phải, tôi chẳng cần gì những cái đó. Nhờ bị phá sản, tôi đã giầu lên rất nhiều.

Nhưng vào tháng giêng Xavelits từ Moskva đến, kể cho chàng nghe về tình hình Moskva, về bản thiết kế của viên kiến trúc sư nhằm tu sửa toà nhà và dinh thự, Xavelits nói đến việc đó như một việc đã quyết định xong xuôi. Cũng thời gian ấy Piotr nhận được những bức thư của công tước Vaxili và của những người quen khác ở Petersburg, nói về những món nợ của vợ chàng. Và Piotr quyết định rằng giải pháp của viên tổng quản đã được chàng tán thưởng thật ra không ổn, rằng chàng phải đi Petersburg thanh toán nợ nần của vợ và xây dựng lại nhà cửa ở Moskva. Tại sao phải làm như thế mới được.

Quyết định này làm cho sổ thu thập cả chàng giảm mất ba phần tư. Nhưng vẫn phải quyết định như vậy, chàng cảm thấy thế.

Vinarxki cũng sắp đi Moskva, nên hai người hẹn nhau cùng đi.

Suốt thời gian dưỡng bệnh ở Orel, Piotr luôn luôn có một cảm giác vui mừng, yêu đời. Nhưng trong khi đi đường, khi chàng thấy mình ở giữa khoảng trời rộng thoáng, trông thấy hàng trăm khuôn mặt mới mẻ, cảm giác ấy lại càng mãnh liệt hơn. Trong suốt cuộc hành trình chàng thấy vui như cậu học sinh được đi nghỉ hè. Tất cả những con người gặp trên đường: người đánh xe, người trạm trưởng, những người nông dân đi trên đường hay ở trong làng - tất cả đều có một ý nghĩa mới mẻ đối với chàng. Sự có mặt và những lời nhận xét của Vinarxki luôn luôn phàn nàn về tình trạng nghèo nàn, dốt nát và lạc hậu của nước Nga so với châu Âu, chỉ làm cho Piotr thêm vui. Chỗ nào Vinarxki chỉ thấy có sự đình trệ thì Piotr lại thấy một sinh lực mãnh mẽ phi thường, cái sinh lực đã duy trì, trên khoảng đất ba la phủ tuyết này, sự sống của một dân tộc vẹn thuần, đặc biệt và thống nhất. Chàng không cãi lại Vinarxki, và dường như để tán đồng ông ta (vì giả vờ tán đồng là cách đơn giản nhất để tránh những cuộc cãi vã không đưa lại kết quả nào) chàng vui vẻ mỉm cười nghe ông ta nói.

Mục lục
Ngày đăng: 19/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Zokadice - Yathzee with friends

Mục lục