Gửi bài:

Chương 55 - Vẫn câu chuyện cũ

Becky tuy gan góc, thế mà những việc xảy ra đêm hôm trước cũng làm cho cô ta bàng hoàng bối rối không tĩnh trí lại được; mãi tới lúc chuông nhà thờ ở phố Curzon điểm giờ cầu nguyện buổi trưa, cô ta mới ngồi dậy kéo chuông gọi chị hầu gái người Pháp; chị này đi biệt đâu mất đã mấy tiếng đồng hồ rồi.

Kéo chuông mãi cũng chẳng thấy ai trả lời, lần cuối cùng Becky giật mạnh quá làm đứt cả dây chuông, mà cũng chẳng thấy mặt cô Fifine đâu... Bà chủ bực mình quá, cứ để nguyên mớ tóc rối bung xoã xuống vai, tay vẫn còn nắm cái dây chuông, chạy ra đầu cầu thang gọi ầm lên mấy bận, cũng vô hiệu.

Có gì đâu, thì ra cô Fifine đã đánh bài chuồn từ mấy giờ trước, nghĩa là "từ biệt kiểu Pháp" như người ta thường nói (<77>). Sau khi đã nhặt nhạnh mớ đồ trang sức rơi tung vãi trong phòng khách, cô nương Fifine bèn lên phòng mình thu xếp quần áo buộc lại cẩn thận, đoạn không phiền đến các bạn đồng nghiệp trong nhà phải giúp đỡ, mà nếu có nhờ, chưa chắc họ đã mang giúp, vì đối với cô nương họ vẫn bằng mặt mà chẳng bằng lòng, và cũng không chào hỏi ai, cô nương từ biệt phố Curzon biến thẳng.

Theo ý cô, canh bạc trong nhà này thế là tàn rồi. Fifine lên xe ngựa tếch thẳng một mạch, y như ta đã từng biết vô khối các vị tai mắt người Pháp cũng hành động tương tự như thế. Có điều nhờ khôn ngoan và may mắn hơn, cho nên không những cô mang theo hành lý của mình mà còn nẫng được ít đồ vật của bà chủ (nếu có thể nói rằng bà chủ còn có đồ vật trong nhà)...ngoài món đồ trang sức chúng ta đã biết, cô còn vớ được một mớ quần áo đáng tiền mà cô vẫn để mắt từ lâu, bốn cây đèn kiểu Louis mười bốn mạ vàng rất đẹp, sáu tập sách bìa mạ vàng, mấy tập lưu niệm, một cuốn "Bí quyết giữ sắc đẹp", một chiếc hộp đựng thuốc lá nạm vàng trước kia là của du Barri phu nhân, một lọ mực rất xinh có nạm ngọc trai mọi khi Becky vẫn dùng để viết những phong thư tình màu hồng.

Tất cả những thứ ấy cùng biến đi một lúc với cô nương Fifine, đồng thời với bộ đồ ăn bằng bạc dọn trong bữa tiệc (<78>) đêm qua bị Rawdon phá bĩnh. Công nương chỉ để lại một ít bát đĩa thường dùng, có lẽ vì quá cồng kềnh, cũng vì lý do ấy, cô không mang theo que cời lửa bằng sắt, mấy tấm kính trên lò sưởi và cây dương cầm bằng gỗ hồng.

Ít lâu sau ở phố Helder, Paris, người ta thấy có một người giống hệt cô Fifine đứng chủ một cửa hiệu trang sức. Cửa hàng rất được tín nhiệm, bà chủ hiệu được hầu tước Steyne nâng đỡ rất nhiều. Hễ nhắc đến nước Anh, y như người đàn bà này than thở rằng dân nước ấy xảo quyệt nhất thế giới; bà này kể chuyện với mấy cô học việc rằng mình đã bị người Anh lừa cho một vố tàn hại (<79>). Có lẽ vì thương bà ta gặp phải cảnh không may nên hầu tước Steyne mới đặc biệt có cảm tình với bà de Saint-Amaranthe chăng.

Thôi thì chúc bà làm ăn phát đạt cho xứng với bà... chúng ta cũng chẳng còn gặp lại bà trong chốn Hội chợ phù hoa này nữa.

Thấy dưới nhà có tiếng ầm ầm mà bọn đầy tớ láo xược không đứa nào thèm lên tiếng trả lời, Becky giận quá, bèn khoác tạm tấm áo tắm vào người, đường hoàng xuống thang gác bước vào phòng khách xem có chuyện gì mà ồn ào thế, thì thấy chị bếp mặt đen nhẻm, ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế xô-fa kiểu Ba-tư rất đẹp, đang chuốc rượu cho bác Raggles gái ngồi bên cạnh. Chú hầu việc bận bộ chế phục có hàng khuy trắng bong như những viên đường, mọi ngày vẫn chạy đưa những phong thư màu hồng cho chủ và vẫn nhanh nhẹn nhảy lên đứng hầu sau xe ngựa của Becky, cũng đang cắm cúi thò tay khoét đĩa bánh kem. Chú vừa ăn vừa tán chuyện với bác Raggles trai; bác này mặt mũi bơ phờ, bối rối..., thành ra tuy cửa vẫn mở toang, và Becky chỉ đứng cách vài bước đã hết hơi gọi sáu bảy bận, mà họ vẫn cứ lờ tít đi. Becky bước vào phòng khách, chiếc áo tắm bằng lụa casơmia trắng loà xoà dưới chân, nghe thấy chị bếp đang nói: "Này bà Raggles, uống thêm một hớp nữa cho vui".

Bà chủ nhà giận quá, quát ầm lên:

- Simpson! Trotter! Sao nghe thấy tôi gọi mà các người cứ mọc rễ cả ra ở đây? Trước mặt tôi mà các người dám ngồi ỳ ra đây à? Chị hầu phòng đâu?

Chú hầu việc hơi hoảng vội rút mấy ngón tay đầy kem trong mồm ra; nhưng chị bếp điềm nhiên nốc nốt chỗ rượu bác Raggles gái từ chối không uống, mắt trừng trừng nhìn trả Becky qua chiếc cốc thuỷ tinh viền vàng. Hình như men rượu làm cho người đày tớ nổi loạn thêm can đảm. Thế rồi bà đầu bếp mới lên tiếng:

- Ghế xô-fa của bà! ấy chết! Chúng tôi đang ngồi trên ghế xô- fa của ông bà Raggles đây ạ! - Bà Raggles, việc **** gì mà sợ kia chứ? Ông bà ấy làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có tiền mua, mà mua với giá đắt kia đấy. Này bà Raggles, tôi đang nghĩ rằng giả sử tôi cứ ngồi đây đợi tới khi được trả tiền công, mà có lẽ còn phải chờ lâu lắm nhỉ! Tôi sẽ ngồi đợi đến cùng... ha!ha!ha!.

Đoạn chị bếp lại rót thêm cốc rượu nữa, phá ra cười mỉa mai một cách rất thô bỉ, và nốc cạn.

Bà chủ nhà thét lên:

- Simpson! Trotter! Tống cổ con mẹ say rượu này đi cho tao.

Chú hầu việc Trotter đáp:

- Tôi chịu, mời bà tống cổ lấy. Xin bà trả tôi tiền công, rồi tống cổ nốt cả tôi đi cũng được. Chúng tôi xin đi ngay lập tức.

Becky phát điên lên:

- Chúng mày đứng đây chửi tao phải không? Để trung tá Crawley về, tao sẽ...

Nghe dọa thế, bọn đày tớ cười rầm lên; riêng bác Raggles không cười, mặt vẫn buồn thiu. Trotter nói:

- Ông ấy không trở về đâu; ông ấy cho người lại đây lấy quần áo, bác Raggles định đưa, nhưng đời nào tôi bằng lòng. Bây giờ ông ấy có là trung tá nữa đâu, khác cóc gì tôi. Ông ấy tếch đi rồi; chắc bà cũng đang muốn theo gót hẳn? Hai vợ chồng nhà bà là đồ lừa đảo, có thế thôi. Đừng có bắt nạt thằng này nhé. Nó không chịu đâu. Trả tiền công đây. Đã bảo là trả tiền công đây.

Nom bộ mặt đỏ tía và nghe cái giọng lè nhè của Trotter, cũng biết anh ta vừa được ma men kích thích.

Becky ngượng quá, nói:

- Bác Raggles, bác nỡ để cho cái thằng say rượu kia nó chửi lại tôi thế à?

Chú hầu việc Simpson thấy chủ thế cũng thương hại, bảo bạn:

- Thôi, im mồm đi, Trotter.

Trotter bị gọi là thằng say rượu định sửng cồ gây sự, nhưng Simpson can được. Bác Raggles nói:

- Bà ơi, tôi không thể ngờ có ngày lại ra cơ sự thế này. Tôi biết gia đình Crawley từ thủa lọt lòng mẹ. Suốt ba mươi năm trời giữ chân quản lý cho bà Crawley... tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại bị một người trong gia đình ấy làm cho khánh kiệt!

Bác vừa nói vừa rơm rớm nước mắt:

- Thế bà có định trả tôi tiền nhà không? Bà ở nhà tôi đã bốn năm nay rồi; bà lại mua chịu cả thức ăn, bát đĩa, vải vóc. Bà còn nợ tôi tiền sữa, tiền bơ, cả thảy là hai trăm đồng bảng. Cũng phải trả tôi trứng vẫn tráng cho bà ăn, và tiền kem mua cho chó của bà chứ.

Chị bếp xen vào:

- Bà ấy thì cần cóc gì chó; đến con đẻ rứt ruột bà ấy còn coi không ra gì nữa là. Nhiều bận không có tôi cho ăn thì thằng bé chết đói.

Trotter mới kêu ầm lên đặc giọng say:

- Bây giờ thằng bé thành con nhà mồ côi rồi. Ha! ha!

Bác Raggles chất phác vẫn tiếp tục kể khổ bằng cái giọng não nuột đến thương. Những điều bác nói toàn đúng cả. Vợ chồng Becky đã làm cho bác khánh kiệt thật. Chỉ vì tin vào gia đình Crawley mà phen này không những bác bị truy tố, bị mất cả cửa hàng và toà nhà riêng cũng nên. Nghe bác khóc mếu than thở, Becky càng thêm bực mình. Cô ta chua chát nói:

- Ra các người âm mưu với nhau hại tôi đây. Các người muốn gì nào? Ngày chủ nhật, tôi không thể trả tiền công được. Ngày mai tôi sẽ trả hết. Tôi tưởng rằng trung tá Crawley đã thanh toán xong xuôi với các người rồi. Ngày mai, ông ấy sẽ trả sòng phẳng. Tôi lấy danh dự mà cam đoan với các người rằng sớm nay ông ấy đi còn mang theo một nghìn năm trăm đồng trong ví, và chẳng còn để lại cho tôi đồng nào. Đi mà hỏi ông ấy. Đưa tôi cái mũ và chiếc khăn san, tôi đi tìm xem ông ấy ở đâu. Sáng nay, tôi với ông ấy có chuyện xích mích, các người cũng biết đấy. Tôi lấy danh dự mà hứa rằng sẽ trả tiền công mọi người đầy đủ. Ông ấy vừa được gọi đi làm, có khối tiền. Để tôi đi tìm ông ấy.

Nghe lời tuyên bố táo bạo ấy, bác Raggles và mấy vị kia đờ người ra mà nhìn nhau; Rebecca thừa dịp chuồn thẳng. Cô ta lên gác mặc áo, lần này không cần có chị hầu gái người Pháp giúp đỡ. Rồi cô ta đi vào phòng của Rawdon, thấy một bọc áo và cái va-ly để sẵn, kèm theo mảnh giấy viết bút chì dặn rằng có ai hỏi thì người nhà giao hộ. Becky lại sang phòng ngủ của chị hầu gái người Pháp, thấy ngăn kéo rỗng tuếch, đồ đạc bị vét sạch sành sanh. Nhớ lại món đồ trang sức ném trên sàn phòng khách đêm qua, cô ta yên trí chị hầu gái trốn biệt mất rồi. Becky than thở một mình:

- Trời đất ơi! Có ai gặp cảnh không may như tôi thế này không? Leo cây gần đến ngọn mà phút chốc xôi hỏng bỏng không! Nhưng có phải thế là hoàn toàn tuyệt vọng rồi không? Không, hãy còn lối thoát.

Mặc áo xong Becky ra cửa; lần này không ai làm rầy rà, nhưng cũng không ai theo hầu. Lúc ấy là bốn giờ chiều. Cô ta rảo bước đi một mạch qua các phố (vì tiền đâu mà đi xe?) tới cửa nhà Pitt Crawley ở phố Greet Gaunt mới dừng lại. Lúc này liệu công nương Jane có nhà không? Chắc đi lễ nhà thờ, Becky không có điều gì lo ngại. Tôn ông Pitt đang ở trong phòng làm việc, đã ra lệnh cho người nhà không được quấy rầy... Nhưng thế nào Becky cũng phải gặp mặt bằng được... cô ta lách qua người nhà bận chế phục đứng gác cửa chạy tọt vào phòng của Pitt... Vị nam tước tay vẫn còn cầm tờ báo đờ người ra vì ngạc nhiên. Pitt đỏ bừng mặt, lùi lại, có vẻ hoảng hốt; Becky nói:

- Xin bác đừng nhìn em thế. Bác ơi, xưa nay bác vẫn thương em. Thề có đức Chúa, quả thực em vô tội. Nhìn bề ngoài thì tưởng thế, mọi sự đều như muốn kết tội em. Trời đất ơi! Việc xảy ra đúng lúc em sắp thực hiện được nguyện vọng khao khát xưa nay, đúng lúc em chỉ với tay là nắm được hạnh phúc.

- Thế là cái tin tôi vừa đọc trong báo là đúng à?

Pitt hỏi lại, có ý ám chỉ đến đoạn tin trong báo khiến anh ta vô cùng ngạc nhiên.

- Đúng thế. Đêm hôm thứ sáu, cái đêm có cuộc dạ hội tai hại ấy, hầu tước Steyne đã báo tin cho em rõ. Đã sáu tháng nay, ngài hứa có dịp sẽ bổ dụng nhà em. Mãi đến hôm kia, ông Martyr Bộ trưởng Bộ thuộc địa mới báo cho ngài hay rằng đã ký giấy bổ nhiệm nhà em. thì xảy ra việc bắt bớ tai hại và câu chuyện chạm trán khốn khổ kia. Em chỉ có mỗi một tội là quá săn đón hạnh phúc Rawdon. Xưa nay, em vẫn tiếp hầu tước Steyne một mình trong nhà có hàng trăm lần. Em thú nhận rằng có cầm tiền của hầu tước mà giấu không cho Rawdon biết. Nhưng bác rõ đấy. Anh ấy coi tiền bạc như rác, đưa cho anh ấy thì hết sạch ngay.

Cứ thế, cô ta dựng lên một chuyện đủ cả đầu đuôi, nói như rót vào tai ông anh chồng, làm cho Pitt bỗng trở nên bối rối.

Nghe câu chuyện người ta nghĩ thế này: Becky thành khẩn thú nhận và tỏ ra rất hối hận vì không tỏ thái độ dứt khoát khi thấy hầu tước Steyne đặc biệt săn sóc mình (nghe đến đây Pitt bỗng đỏ mặt), nhưng cô ta tin vào đức hạnh của mình, bèn lợi dụng ngay cái bệnh si tình của lão để mưu lợi cho bản thân và gia đình; cô ta bảo:

- Bác Pitt ạ, em đang tính chạy cho bác một chân thượng nghị sĩ (Pitt lại đỏ mặt); hầu tước và em đã bàn về chuyện ấy. Cứ tài năng của bác, lại được hầu tước Steyne nâng đỡ thì việc ấy không đến nỗi khó khăn lắm nếu không có cái chuyện rắc rối kia xảy ra làm tan vỡ hết mọi hy vọng. Nhưng trước tiên em thú nhận rằng phải tìm cách nào cứu ngay nhà em đã... mặc dầu anh ấy nghi oan cho em và đối xử với em không ra gì, em vẫn yêu quý như thường...Phải tìm cách cứu anh ấy ra khỏi cảnh phá sản và túng đói đang đe doạ chúng em. Em biết rằng hầu tước Steyne đối với em có bụng mến (đến đây cô ta nhìn xuống đất); em cũng thú thực rằng em tìm mọi cách khiến cho ngài được hài lòng, nghĩa là những cách mà một người đàn bà đứng đắn có thể dùng, để giữ được... cảm tình của ngài. Mãi đến sáng hôm thứ sáu vừa rồi mới được tin viên Thống đốc bảo Coventry đã chết; ngài hầu tước lập tức vận động cho nhà em thế chân ngay. Chúng em dự định làm chuyện thật bất ngờ cho anh ấy ngạc nhiên... để cho anh ấy đọc báo hôm nay mới biết. Lúc việc bắt bớ tai hại kia xảy ra rồi, ngài còn cười với em mà bảo rằng chắc anh Rawdon đọc báo thấy tin ấy thì tuy ngồi trong nhà giam nhưng cũng được an ủi... hầu tước rất rộng lượng, định sẽ bỏ tiền trả nợ cho Rawdon, cho nên em không cần đến tìm anh ấy ở nhà giam làm gì. Thế rồi... Thế rồi bỗng nhiên nhà em trở về; rồi nghi oan cho em; rồi hai người xô xát với nhau... Trời ơi Không biết sẽ còn xảy ra những chuyện gì nữa đây? Bác Pitt ơi, bác Pitt quý mến ơi! xin bác hãy thương chúng em, xin bác hãy hoà giải cho vợ chồng chúng em.

Vừa nói, Becky vừa quỳ xuống khóc lóc thảm thiết, và nắm chặt lấy tay Pitt mà hôn lấy hôn để.

Vừa lúc ấy công nương Jane đi lễ nhà thờ về; nghe tin có bà Rawdon Crawley đến, công nương vội chạy vào phòng làm việc của chồng, thấy ngay vị nam tước với cô em dâu đang trò chuyện với nhau.

Lúc ăn sáng xong, công nương Jane đã sai ngay người hầu gái đến tìm bác Raggles và bọn đầy tớ trong nhà Rawdon hỏi chuyện; họ kể lại hết cho chị này nghe câu chuyện vừa xảy ra và nhiều chuyện khác, lại thêm mắm thêm muối đầy đủ. Lúc này công nương Jane mặt tái nhợt đi, chân tay run bắn lên nói:

- Lạ thật, cô kia còn dám cả gan vào nhà tôi làm gì thế? Cô còn dám vác mặt đến một gia đình.. một gia đình lương thiện à?

- Bác bảo bác gái hộ, đó...bác gái chưa biết hết sự thực đâu. Bác nói rằng em vô tội đi, bác.

Pitt bảo vợ:

- Mình yêu quý ạ, tôi chắc rằng mình đã ngờ oan cho thím Crawley (Rêbeca nghe mà nhẹ cả người), tôi tin rằng thím ấy...

Giọng nói thanh thanh của công nương Jane bỗng run lên, miệng nói tim đập thình thịch vì xúc động:

- Tin rằng thím ấy làm sao? Là một người đàn bà xảo quyệt...một người mẹ tán tận lương tâm, một người vợ bất chính phải không? Cô ta có bao giờ yêu con đâu; thằng bé vẫn trốn mẹ đến tìm tôi kể chuyện bị mẹ hành hạ thế nào. Con người ấy đặt chân vào nhà nào là chỉ cốt làm cho gia đình người ta tàn hại mới thôi, chỉ cốt đem cái miệng lưỡi bẻo lẻo điêu ngoa ra mà phá hoại những tình cảm thiêng liêng nhất mới chịu. Cô ta đã lừa dối chồng như đã từng lừa dối tất cả mọi người. Lòng dạ con người ấy bị đầu độc vì bả trác táng phù hoa và bao thứ tội ác khác rồi. Chạm vào người ấy mà tôi run sợ, tôi phải giữ con tôi cho chúng khỏi nhìn thấy người ấy... tôi...

Pitt đứng bật dậy, kêu lên:

- Kìa Jane, sao mình lại ăn nói như thế...

Công nương Jane không hề sợ hãi, vẫn tiếp :

- Tôn ông Pitt, tôi vẫn là người vợ trung thành của ngài; tôi vẫn hằng giữ lời nguyền trước mặt Chúa trời khi làm lễ cưới; tôi vẫn là một người vợ ngoan ngoãn phục tùng. Nhưng sự phục tùng cũng phải có một giới hạn, tôi xin nói rằng không thể chịu nổi...không thể chịu nổi lại phải nhìn mặt con người ấy trong nhà này, nếu để cho cô ta bước vào nhà này, thì tôi dắt con tôi đi nơi khác. Cô ta không đáng cùng ngồi với những người biết kính Chúa. Ngài... ngài phải chọn, hoặc là tôi, hoặc là người đàn bà kia.

Nói đoạn, công nương Jane bước ra khỏi phòng, trong lòng bồi hồi vì cảm thấy mình cũng quá táo bạo. Rebecca và Pitt cũng ngác nhiên không kém.

Về phần Becky, cô ta không lấy thế làm mếch lòng... trái lại, hơi lấy làm thú vị nữa. Cô ta buông bàn tay Pitt ra, nói:

- Chỉ tại chiếc cặp kim cương bác cho em đấy.

Trước khi Becky ra về (chắc thế nào công nương Jane cũng đứng trên gác nhìn qua cửa sổ phòng rửa mặt lúc Becky bước ra), vị nam tước đã hứa sẽ đi tìm em trai và cố gắng hoà giải cho hai vợ chồng.

* * *

Rawdon gặp mấy người bạn trẻ trong trung đoàn ngồi ăn sáng trong quán ăn nhà binh; họ mời anh ta cùng ngồi điểm tâm, anh ta chỉ từ chối gọi là, rồi nhận lời ngay; thực đơn có đùi gà và nước xô-đa. Ăn xong họ ngồi tán chuyện vặt, toàn những chuyện thích hợp với lứa tuổi của họ: chuyện thi bắn chim bồ cầu ở Battersea, có đánh cuộc xem Ross và Osbaldiston ai ăn giải; chuyện cô Ariane ở rạp ca vũ Pháp, cô ta bị anh nhân tình nào bỏ rơi, bây giờ đang nhờ Panther Carr an ủi ra sao; chuyện cuộc so găng giữa Butcher và Pet. Anh chàng Tandyman mới mười bảy tuổi ranh đã nhất định để bằng được một bộ ria mép; lấy tư cách là người đã dự xem trận đấu, anh ta lên mặt sành sỏi phân tích đấu pháp và thể lực của hai võ sĩ; chính anh ta đã cùng ngồi xe ngựa với Butcher đến chỗ tỷ thí, và suốt đêm trước hôm tổ chức trận đấu đã ở liền bên cạnh võ sĩ này. Nếu địch thủ không chơi xấu, nhất định Butcher thắng trận. Những tay sành quyền Anh đều thống nhất ý kiến như vậy, Tandyman không trả tiền thua cuộc. Không, không bao giờ! Thực ra mới cách đây một năm thôi, nhà bình luận thể thao trẻ tuổi này, hiện là một tay sành sỏi trong phòng khách của Cribb, còn thích mút kẹo, và vẫn bị xơi roi vào đít trong trường trung học Eton.

Họ khác nhau những chuyện vũ nữ, chuyện đấu quyền, chuyện rượu chè, chuyện đàn bà lẳng lơ cho tới lúc Macmurdo xuống cùng tham dự. Anh ta không hề nghĩ rằng mình cần dè dặt đôi chút trước mặt đám thanh niên còn thơ ngây này. Mac tuôn ra một tràng toàn những chuyện trác táng vào loại giai thoại của những tay ăn chơi bừa bãi nhất, không chút ngần ngại vì trên đầu có hai thứ tóc, và người nghe toàn là bọn thanh niên mặt bấm ra sữa. Bác Mac già xưa nay vốn nổi danh là một kho chuyện sống. Anh ta không hẳn là người lịch thiệp, vì bè bạn thường chỉ dám mời anh ta dự tiệc tại nhà nhân tình, chứ không dám đưa anh ta ra mắt "bà mẹ" tại nhà mình. Anh ta sinh hoạt cực kỳ giản dị, nhưng hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống của mình, lúc nào cũng tỏ ra thoải mái, vui vẻ như không.

Lúc Mac ăn xong bữa sáng ê hề của mình thì đa số bạn hữu cũng đã đứng dậy. Anh chàng bá tước trẻ tuổi Varinas ngậm một chiếc tẩu bọt bể to tướng, còn đại uý Hugues thì đang loay hoay cuốn điếu thuốc lá; cậu thanh niên Tandyman khí huyết cương cường đang vừa cặp một con chó săn giữa hai đùi, vừa ra sức mà tung hoành mấy đồng tiền chơi sấp ngửa với đại uý Deuceace (không lúc nào thấy Tandyman chịu ngồi yên mà không đánh bạc hoặc chơi trò gì đấy). Mac và Rawdon bỏ phòng ăn bước ra, không ai hé răng nói nửa lời về cái việc đang choán lấy tâm trí họ. Trái lại, lúc này cả hai cùng vui vẻ tham gia câu chuyện của các bạn; vả chăng, việc gì mà phải làm phiền họ? Trong Hội chợ phù hoa, những "cuộc vui suốt tháng, trận cười thâu đêm" chẳng vẫn diễn ra song song với bao sự đau khổ đó sao? Lúc Rawdon và bạn đi dọc theo phố St. James để vào câu lạc bộ, họ thấy từ trong nhà thờ người đi lễ về đổ ra đông như kiến.

Những tay quen thuộc của câu lạc bộ hay đứng há hốc mồm nhòm qua cửa sổ nhấm nháy các cô qua đường vẫn chưa thấy đến chiếm lĩnh vị trí quan sát của mình... Phòng để báo chí vắng tanh.

Rawdon chỉ mới thấy có một người lạ mặt, và một người khác còn cho anh ta chịu một món nợ vì thua bạc; dĩ nhiên anh ta không muốn nhìn mặt người này. Một người thứ ba đang ngồi đọc tờ tuần báo "Người bảo hoàng" ở bàn (một tờ báo nổi danh vì hết sức trung thành với Nhà vua và Nhà thờ, và vì lắm chuyện rắc rối nữa); người này ngẩng mặt lên chăm chú nhìn Rawdon rồi bảo:

- Crawley, tôi có lời mừng anh.

Rawdon hỏi:

- Anh định nói gì vậy?

- Báo "Người quan sát" và cả báo "Người bảo hoàng" nữa cũng đăng tin đây này.

- Đăng cái gì?

Rawdon đỏ tía mặt. Anh ta tưởng chuyện xô xát với hầu tước Steyne đã bị đưa lên báo. Thấy viên trung tá run run cầm lấy tờ báo, Smith mỉm cười hơi lấy làm lạ.

Lúc Rawdon bước vào câu lạc bộ thì ông Smith và ông Brown (tức là người còn cho Rawdon nợ món tiền thua bạc) vừa nói chuyện với nhau xong về anh chàng.

Smith hỏi:

- Tin mừng đến đúng lúc thật. Tôi chắc Crawley đang không có lấy một xu dính túi.

Brown đáp:

- Âu cũng là tin vui chung cho nhiều người. Hắn mà không trả tôi hai mươi lăm đồng thì đừng hòng đi thoát với tôi.

Smith:

- Lương được bao nhiêu?

- Độ hai ba nghìn. Nhưng khí hậu thì kinh khủng, không thọ lâu được đâu Liverseege được mười tám tháng thì tử; nghe nói người trước nữa mới đến có sáu tuần đã đi đứt.

Smith:

- Nhiều người vẫn khen thằng anh trai nó khôn ngoan. Tôi thấy thằng cha ấy thật khó tiêu không thể tưởng tượng được; nhưng hắn là tay có thế lực. Chắc hắn chạy cho em trai chân này chứ gì.

Brown nhếch mép cười:

- "Hắn", nào! Xì, hầu tước Steyne lo cho đấy.

- Anh nói cái gì vậy?

- Có cô vợ đức hạnh dĩ nhiên đức ông chồng cũng được thơm lây. Brown trả lời, giọng bí mật, rồi lại tiếp tục đọc báo. Lát sau Rawdon cũng đọc thấy đoạn tin kỳ lạ sau đây đăng trên tờ "Người bảo hoàng":

CHỨC VỤ TỔNG TRẤN ĐẢO COVENTRY

Chiếc tàu sốt rét rừng, do đại uý Jaunders làm thuyền trưởng, vừa đem tin tức từ Đảo Covenry về. Ngài Thomas Liverseege vừa tạ thế ở "Thị trấn Đồng lầy" vì mắc bệnh sốt rét. Khắp thuộc địa ai cũng lấy làm vô cùng thương tiếc. Chúng tôi được tin chức vụ Tống trấn hiện vừa trao cho trung tá Rawdon Crawley, tước Tuỳ giá hiệp sĩ, một sĩ quan xuất sắc đã tham dự trận Waterloo. Hiện nay không những chúng ta đang cần những người can đảm, mà còn cần cả những người có tài năng về chính trị để đảm đương công việc tại các thuộc địa. Chúng tôi tin chắc rằng nhân vật đã được Bộ thuộc địa lựa chọn để đảm nhiệm chức vụ hiện nay còn để trông tại Đảo Coventry sẽ hoàn toàn xứng đáng với trọng trách.

Đại uý Macmurdo vừa cười vừa nói:

- Đảo Coventry! Nó ở đâu nhỉ? Ai chạy cho cậu chân tổng trấn này? Này cậu, phải cho tớ đi theo giữ chức bí thư chứ?

Crawley và bạn ngồi nhìn nhau ngạc nhiên trước cái tin đột ngột. Bỗng thấy người hầu bàn đưa vào cho Rawdon một tấm danh thiếp trên đề tên ông Wenham, và có ghi yêu cầu được tiếp ngay.

Viên trung tá và người bạn phụ tá bước ra đón, yên trí ông này là phái viên của hầu tước Steyne; Wenham cười cười, hết sức thân mật nắm chặt lấy tay Rawdon, nói:

- Mạnh khoẻ chứ, Crawley? Rất hận hành được gặp anh.

- Có lẽ ông đến về việc của...

Wenham đáp:

- Rất đúng.

- Vậy thì xin giới thiệu ông bạn tôi, đại uý Macmurdo thuộc Đội ngự lâm quân.

- Rất hân hạnh được biết đại uý Macmurdo.

Wenham lại mỉm cười và bắt tay viên đại uý, cử chỉ cũng thân mật như đối với Rawdon. Mac giơ ra một ngón tay đeo găng da, và lạnh lùng chào lại. Có lẽ anh ta đang bực mình vì phải tiếp một người dân thường; anh ta cứ yên trí ít nhất hầu tước Steyne cũng phái một viên đại tá đến nói chuyện.

Crawley nói:

- Macmurdo thay mặt tôi; anh ấy đã hiểu rõ ý muốn của tôi. Vậy xin cáo lui để hai người được tự nhiên thì hơn.

Macmurdo cũng nói:

- Đúng lắm.

Nhưng Wenham đáp:

- Ấy không được, thưa trung tá. Tôi có hân hạnh mong được tiếp xúc với chính ông. Tuy rằng đại uý Macmurdo đây cũng là người rất dễ chịu. Vả lại, thưa đại uý, tôi hy vọng rằng câu chuyện của chúng ta sẽ dẫn đến một kết quả hoàn toàn tốt đẹp, trái hẳn với sự dự đoán của trung tá Crawley.

Đại uý Macmurdo thốt ra những tiếng "Hừ!" đầy bực bội. Anh ta nghĩ thầm: "Cái bọn dân thường chết tiệt, lúc nào cũng chỉ những dàn xếp với thảo luận".

Wenham kéo một chiếc ghế ngồi xuống, tuy không ai mời. Hắn rút trong túi ra một tờ báo, nói tiếp:

- Trung tá đã đọc tin bổ nhiệm đăng báo sáng nay chưa? Chính phủ đã biết chọn mặt gửi vàng, và nếu ông chịu lãnh trách nhiệm ấy thì cũng là một công việc rất tốt; riêng tôi nghĩ rằng rất nên. Lương ba nghìn đồng một năm, khí hậu dễ chịu, dinh thự riêng đẹp tuyệt, là ông vua con trong thuộc địa, lại có nhiều hy vọng được thăng chức. Xin thành thực có lời mừng ông. Chắc hai ông cũng rõ ai đã đứng ra lo giúp việc này chứ?

Viên đại uý đáp:

- Tôi mà có biết thì tôi chết.

Rawdon đỏ bừng mặt lên.

- Một người rộng lượng, tốt bụng nhất đời và cũng là một bậc cực kỳ danh giá... tức là ông bạn quý của tôi, hầu tước Steyne.

Rawdon gầm lên:

- Để tôi cho hắn xuống âm phủ rồi hãy hay.

Wenham thản nhiên tiếp:

- Ông quá giận người bạn quý của tôi đấy; nhưng hãy xin ông bình tĩnh và công bằng mà cho biết tại sao nào?

Rawdon ngạc nhiên kêu lên:

- Tại sao à?

Viên đại uý cũng gõ chiếc ba-toong cọc cọc xuống mặt sàn noi:

- Vì lý do gì nữa Mẹ kiếp!

Wenham vẫn mỉm cười, một nụ cười tươi tắn, nói tiếp:

- Đúng thế đấy. Xin ông hãy suy xét về vấn đề này như mọi người... nghĩa là như những người đứng đắn khác, xem ông có lầm hay không. Ông đi vắng về và thấy...thấy gì?... thấy hầu tước Steyne cùng bà Crawley dùng bữa tối trong nhà ông tại phố Curzon. Đâu phải là một chuyện kỳ lạ hay mới mẻ? Ngài hầu tước vẫn đến chơi nhà như vậy đã hàng trăm lần, có sao? Tôi xin lấy danh dự của một con người thượng lưu (đến đây, Wenham đặt một tay lên ngực áo choàng điệu bộ như đang nói trước quốc hội), tôi xin tuyên bố rằng sự ngờ vực của ông hết sức quái gở, và hoàn toàn vô căn cứ; sự ngờ vực ấy đã bôi nhọ danh dự của một nhà quý tộc đáng kính đã từng tỏ rõ thiện chí đối với ông hàng nghìn lần... đồng thời cũng bôi nhọ danh dự của một người đàn bà trong trắng, vô tội nhất đời.

Macmurdo hỏi:

- Ông không định bảo rằng... rằng Crawley nhầm đấy chứ?

Wenham hăng hái đáp:

- Tôi tin rằng bà Crawley trong trắng như tôi tin vợ tôi là bà Wenham vậy. Tôi tin rằng sự ghen tuông mù quáng đã khiến ông ấy làm hại thanh danh một bậc tuổi tác yếu đuối có địa vị trong xã hội, xưa nay vẫn là người bạn trung thành và ân nhân của gia đình, đồng thời cũng làm hại đến thanh danh của bà ấy, làm hại đến thanh danh của chính ông ấy, làm hại đến thanh danh của con trai ông ấy sau này lớn lên, và phá đổ mọi hy vọng trong cuộc đời của ông ta.

Wenham lại trịnh trọng nói tiếp đầu đuôi câu chuyện: "Sáng nay, hầu tước Steyne cho tìm tôi; tôi đến nhà thấy dáng điệu ngài thật thiểu não; không cần nói chắc trung tá Crawley cũng rõ, sau một cuộc xô xát với người sức lực như ông thì người nào già nua yếu đuối mà chẳng thiểu não như thế. Tôi xin nói thẳng cho ông biết rằng cậy sức khoẻ như vậy là tàn ác, trung tá Crawley ạ. Không phải người bạn quý của tôi chỉ đau đớn về thể xác... mà thưa ông, tâm hồn ngài cũng đang bị vò xé. Bởi lẽ ngài đã bị một người xưa nay mình vẫn thương yêu, vẫn ra sức giúp đỡ, đột nhiên vu cho một việc tồi tệ nhất đời. Thử hỏi nếu ngài không ăn ở tốt với ông thì tại sao lại có việc bổ nhiệm đăng trên các báo ngày hôm nay? Tôi đến thăm hầu tước, thấy ngài thật đáng thương; ngài cũng như ông đang khao khát lấy máu rửa sạch mối nhục này. Trung tá Crawley, hẳn ông cũng đã từng rõ những chiến tích của ngài hầu tước?

Viên Trung tá đáp:

- Hắn can đảm lắm; xưa nay nào ai bảo hắn là hèn nhát?

- Thoạt tiên, ngài bảo tôi thảo một lá thư thách thức mang trao cho trung tá Crawley. Ngài nói: "Trong hai chúng tôi, phải có một kẻ chết vì việc xúc phạm danh dự đêm qua".

Crawley gật đầu nói:

- Ông đã đi vào vấn đề đấy, ông Wenham ạ.

- Tôi bèn hết sức can ngăn hầu tước Steyne. Tôi bảo: "Trời đất ơi! Thật không may quá; đêm qua bà Crawley mời tôi và nhà tôi đến dùng bữa đêm, chúng tôi lại từ chối".

Đại uý Macmurdo hỏi:

- Bà ấy mời ông cùng đến dùng bữa đêm?

- Sau khi ở rạp Opera về, giấy mời còn đây... khoan đã...không phải, đây là giấy khác... tôi nhớ vẫn còn giữ, nhưng điều ấy không quan trọng lắm; tôi xin lấy danh dự mà cam đoan là có mời thực. Chỉ vì bà Wenham nhà tôi đêm qua bị nhức đầu... cái bệnh quỷ, cứ đến mùa xuân là đau như búa bổ vào óc... Nếu chúng tôi đến dự thì đâu đến nỗi xảy ra chuyện rắc rối, xô xát, ngờ vực thế này...Thành ra rõ ràng chỉ tại bà vợ tôi nhức đầu, nên có hai người biết trọng danh dự hiện đang bị cái chết đe doạ, và hai gia đình thuộc dòng dõi lâu đời nhất nước hiện đang sầu não vì việc này.

Macmurdo quay lại nhìn bạn, có vẻ hết sức khó xử. Rawdon tức tưởng muốn phát điên như thú dữ bị mất mồi. Anh ta nghe chuyện không sao tin được lấy một câu, nhưng chứng minh bằng cách nào bây giờ?

Wenham vẫn nói thao thao bất tuyệt như vẫn quen diễn thuyết trong quốc hội:

- Tôi ngồi cạnh giường hầu tước Steyne có đến hơn một tiếng đồng hồ; tôi cầu khẩn, tôi van xin hầu tước hãy bỏ dự định đòi gặp gỡ đi. Tôi vạch cho ngài thấy rằng, dầu sao đi nữa thì nom bề ngoài câu chuyện cũng có vẻ khả nghi... cả hai người đều để bị ngờ vực. Tôi công nhận rằng người ta ai cũng có thể lâm vào trường hợp éo le như thế... Tôi bảo rằng một người đang giận dữ vì ghen tuông thì suy nghĩ hành động không khác gì người điên. Vậy cũng chỉ coi là một người điên không hơn không kém... nếu bây giờ đấu súng với nhau thì tai hại cho cả hai bên... nhất là thời buổi này; đang khi những tư tưởng cách mạng quái gở và những thứ chủ nghĩa bình đẳng cực kỳ nguy hiểm đang được reo rắc trong đám quần chúng bình dân, một người có địa vị cao như hầu tước càng không có quyền để vỡ lở ra những chuyện tai tiếng! Vả chăng, dẫu rằng hầu tước trong sạch, đám quần chúng bình dân kia sẽ vẫn đinh ninh rằng lỗi về phần ngài. Tóm lại, tôi đã yêu cầu hầu tước thôi đừng gửi thư thách thức nữa.

Rawdon nghiến chặt hai hàm răng, nói:

- Tôi không thèm tin lấy một lời nào của ông. Chuyện ông nói hoàn toàn bịa đặt và ông Wenham, chính ông cũng có nhúng tay vào việc này. Nếu hắn không thách thức, thì chính tôi, tôi sẽ thách thức.

Nghe viên trung tá giận dữ ngắt lời mình như vậy. Wenham mặt tái như gà cắt tiết đưa mắt nhìn ra cửa.

May quá, hắn được đại uý Macmurdo can thiệp giúp. Anh chàng này đứng lên, thề độc một câu, rồi trách Rawdon đã ăn nói quá lời!

- Anh đã bằng lòng nhờ tôi thu xếp hộ công việc thì phải nghe theo cách giải quyết của tôi, không được theo ý riêng. Anh không có quyền sỉ nhục ông Wenham với lối ăn nói như vậy. Anh cần phải xin lỗi ông ấy. Còn việc đưa thư thách thức cho hầu tước Steyne thì anh nhờ người khác, tôi không muốn làm. Nếu ngài hầu tước bị ăn đòn nhưng lại muốn câm miệng hến thì mặc kệ ngài. Còn như cái chuyện rắc rối về... về bà Crawley, theo ý tôi, không có gì là căn cứ hết; nghĩa là vợ anh vô tội, như lời ông Wenham đã cam đoan. Tóm lại nếu anh không bịt câu chuyện đi và nhận chức tổng trấn thì anh rõ là một thằng xuẩn.

Wenham mừng rơn, vội kêu lên:

- Đại uý Macmurdo, ông ăn nói thật biết điều quá. Tôi không giận vì những lời ông Crawley vừa thốt ra trong cơn nóng nảy đâu.

Rawdon cười gằn, nói:

- Ông giận làm sao được tôi.

Viên đại uý vui vẻ bảo bạn:

- Thôi ông nỡm, im mồm đi, ông Wenham đây không phải là người ngổ ngáo, ông ấy nói thế là rất phải.

Người phái viên của ngài hầu tước Steyne nói:

- Theo ý tôi, việc này nên giữ hoàn toàn bí mật, tuyệt đối không nên để lộ ra ngoài. Như thế là vì quyền lợi của bạn tôi cũng như của trung tá Crawley, mặc dầu ông ta vẫn một mực coi tôi là kẻ thù.

Đại uý Macmurdo đáp:

- Hầu tước Steyne chắc không muốn nói câu chuyện này ra làm gì, còn chúng tôi dĩ nhiên cũng chẳng nên báo cáo ra với thiên hạ. Câu chuyện không hay ho gì, càng ít nhắc đến bao nhiêu, càng tốt. Các ông bị xơi đòn, chứ không phải chúng tôi. Nếu các ông vẫn lấy làm bằng lòng thì việc gì chúng tôi lại lấy làm khó chịu.

Wenham bèn cầm lấy mũ; đại uý Macmurdo tiễn ra cửa; hai người ra ngoài khép cửa lại, mặc Rawdon ngồi giận dữ một mình trong phòng. Ra ngoài cửa rồi, Macmurdo mới nghiêm khắc nhìn vào bộ mặt tròn xoay hớn hở của Wenham, dáng điệu khinh bỉ ra mặt nói:

- Ông không từ việc gì mà không làm đấy.

Wenham mỉm cười đáp:

- Đại uý Macmurdo, ông quá khen. Tôi xin lấy danh dự mà thề rằng bà Crawley có mời vợ chồng tôi đến ăn đêm sau khi đi xem hát về.

- Dĩ nhiên? Thế rồi bà Wenham bị nhức đầu cũng là dĩ nhiên! Đây này, hiện tôi giữ một tấm ngân phiếu một nghìn đồng; tôi giao cho ông, yêu cầu ông cho một tờ biên nhận. Và đây tôi sẽ cho tờ ngân phiếu ấy vào trong một chiếc phong bì gửi cho hầu tước Steyne. Anh bạn tôi sẽ không đấu súng với hầu tước đâu; nhưng chúng tôi cũng không nên giữ số tiền ấy làm gì.

Đại uý Macmurdo đứng trên đầu cầu thang cúi chào vừa lúc ấy Pitt Crawley bước lên... Hai người cũng hơi quen biết nhau; viên đại uý cùng Pitt quay vào trong phòng chỗ Rawdon vẫn ngồi đợi; anh ta kể lại cho Pitt rằng mình đã thu xếp ổn thoả câu chuyện xích mích giữa hầu tước Steyne và viên trung tá.

Dĩ nhiên Pitt rất hài lòng; anh ta vui vẻ ngỏ ý mừng em về câu chuyện được giải quyết êm đẹp; anh ta còn kèm theo vài câu luân lý về tai hại của sự đấu súng, cho em thấy giải quyết xích mích theo lối đó không phải là phương pháp thoả đáng. Sau phần giáo đầu này Pitt cố đem hết tài hùng biện ra để hoà giải câu chuyện giữa hai vợ chồng Crawley. Anh ta tóm tắt lại những lời trình bày của Becky có nhấn mạnh rằng những điều đó có phần đúng sự thực, và quả quyết rằng em dâu mình vô tội. Song Rawdon vẫn khăng khăng một mực nói:

- Mười năm nay, nó giấu giếm tiền nong không cho tôi biết. Mới đêm qua, nó còn thề rằng Steyne không hề cho nó xu nào. Nó tưởng thế là xong; không ngờ chính tôi moi ra được. Anh Pitt ạ, nếu quả thực nó vô tội, thì nó cũng vẫn đều như đã phạm tội. Không bao giờ tôi còn nhìn mặt nó nữa... không bao giờ.

Anh ta vừa nói vừa gục đầu xuống ngực, trông thật rầu rĩ.

Macmurdo lắc đầu nói:

- Thằng cha đáng thương quá.

Rawdon Crawley suy tính mãi không biết có nên nhận chức vụ do một người đỡ đầu mạt hạng như thế chạy cho mình hay không; anh ta định bắt con trai thôi học trường "Dòng tu sĩ áo trắng", vì nhờ có hầu tước Steyne giới thiệu nó mới được nhận vào. Đại uý Macmurdo và Pitt hết sức can ngăn, cuối cùng Rawdon cũng đồng ý; nhất là khi Pitt vạch rõ rằng không gì thú hơn buộc hầu tước Steyne phải tức đến phát điên lên vì chính tay hắn phải bắc thang cho kẻ thù leo lên đài danh vọng.

Sau vụ rắc rối này, hầu tước Steyne ra nước ngoài ít lâu. Ông Tổng trưởng Bộ thuộc địa đến chào lão; lấy tư cách cá nhân cũng như thay mặt cho Bộ thuộc địa, ông ta khen ngợi lão vì đã giới thiệu một nhân vật rất có khả năng. Chẳng nói ta cũng rõ, được ông tổng trưởng khen ngợi, hầu tước Steyne khoan khoái đến thế nào.

Câu chuyện bí mật giữa hầu tước Steyne và trung tá Crawley được bịt kín như bưng, đúng như lời Wenham căn dặn, nghĩa là những người trong cuộc và những nhân vật phụ thuộc, không ai hé răng kể lại. Thế mà ngay tối hôm ấy, đã thấy người ta đưa câu chuyện ra bàn tán tại hơn năm mươi bàn tiệc trong Hội chợ phù hoa rồi. Chính Cackleby đích thân đi đến bảy nơi khác nhau, kể lại cuộc xô xát cho mọi người nghe, đến mỗi chỗ đều có kèm theo thêm lời phẩm bình và thêm mắm thêm muối vào. Bà Washington White lấy làm khoái trá lắm. Bà vợ giám mục Ealing phẫn nộ quá chừng; ngay hôm sau đức giám mục lập tức đến ghi tên tại sổ tiếp tân của lâu đài Gaunt. Bá tước Southdown thì hơi buồn; và chắc cô em của bá tước là công nương Jane cũng buồn lắm. Southdown phu nhân lập tức viết thư báo tin cho con gái ở Hảo vọng giác biết. Suốt ba ngày sau, khắp thành phố ai cũng bàn tán về chuyện này; may được Wenham gợi ý, Wagg phải ra sức vận động ráo riết câu chuyện mới không bị đưa lên mặt báo. Bọn công sai và chủ nợ thi hành án quyền trữ gia sản của bác Raggles đáng thương ở phố Curzon. Thế còn người đàn bà xinh đẹp thuê nhà bây giờ đi đâu? Nào ai rõ Chỉ một hai hôm sau đã chẳng ai buồn hỏi đến cô ta nữa, Becky có tội hay không nhỉ? Chúng ta đều biết người đời vốn sẵn từ tâm ra sao, và một khi câu chuyện còn mập mờ, toà án của Hội chợ phù hoa đã sẵn sàng tuyên án thế nào rồi. Có người đồn rằng cô ta đi Naples, đuổi theo hầu tước Steyne; lại có người cam kết rằng nghe tin Becky tới Naples hầu tước liền rời tỉnh này đi Palermo. Nhiều người phao tin cô ta hiện ở Bierstadt, làm nữ quan (<80>) cho hoàng hậu nước Bungari; có người bảo rằng cô ta ở Boulogne; lại cũng có người nói cô ta vẫn ở một căn trọ tại Cheltenham.

Rawdon gửi tiền trợ cấp hàng năm cho vợ cũ cũng khá; ta có thể yên trí rằng Becky là một người đàn bà khéo xoay xở, tuy ít tiền nhưng vẫn có thể sống phong lưu. Lẽ ra Rawdon cũng muốn trả nợ sòng phẳng trước khi rời khỏi nước Anh, nhưng không tìm ra được một hãng bảo hiểm nào dám bảo hiểm sinh mệnh cho mình, mà cũng không ai dám trông vào số lương hàng năm của Rawdon mà cho vay trước, bởi lẽ khí hậu ở đảo Coventry nổi tiếng là độc.

Tuy vậy Rawdon vẫn gửi tiền về cho anh trai đều đặn, và lần nào có chuyến tàu về nước cũng viết thư cho con. Anh ta gửi thuốc lá về cho Macmurdo, lại gửi rất nhiều quà về biếu công nương Jane, như các thứ vỏ ốc, hồ tiêu, hương liệu và các thứ thổ sản thuộc địa khác. Rawdon còn gửi cho anh cả tờ báo "Tin tức tỉnh Đồng Lầy"; báo đăng toàn những lời nhiệt liệt tán dương vị tổng trấn mới; trong khi ấy, báo "Người lính gác tỉnh Đồng Lầy lại kịch liệt lên án vị tổng trấn mới là một bạo chúa; so với ngài Nero còn là kẻ biết thương người, nguyên là vì Rawdon không mời vợ ông chủ bút báo này đến dự tiệc tại dinh tổng trấn. Thằng Rawdy vẫn hay tìm mấy tờ báo để đọc tin tức về bố nó.

Becky không hề tỏ ý muốn đến thăm con trai. Ngày chủ nhật và ngày lễ, thằng bé vẫn về với bác gái nó. Chỉ ít lâu sau, nó đã thuộc từng tổ chim trong trang trại Crawley Bà chúa và cùng cưỡi ngựa đi chơi với bầy chó săn của bá tước Huddlestone, đàn chó mà ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên ở Hampshire nó đã thích rồi...

Mục lục
Ngày đăng: 31/08/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Zokadice - Yathzee with friends

Mục lục