Gửi bài:

Chương 11

XI.

Gail Wynand nhìn vào mặt gỗ sáng bóng của boong thuyền.

Mặt gỗ và cái tay nắm cửa bằng đồng đang phản chiếu ánh mặt trời đỏ rực; chúng đem lại cho ông cảm giác về tất cả mọi thứ xung quanh: một khoảng không rộng lớn tràn ngập ánh mặt trời nằm giữa những vệt lửa lớn cả trên mặt nước và trên bầu trời. Trời đang tháng Hai, và chiếc thuỳên buồm nằm im trên mặt biển phía nam Thái Bình dương; động cơ của nó đã được tắt đi.

Ông dựa vào lan can thuyền và nhìn xuống Roark đang ở dưới nước. Roark đang nằm ngửa trên mặt nước, cơ thể anh duỗi thành một đường thẳng, hai tay dang rộng, nhắm mắt. Nước da rám nắng của anh cho thấy anh đã như thế này cả tháng nay. Wynand nghĩ: đây là cách mà ta thích cảm nhận về không gian và thời gian: qua sức mạnh của chiếc thuyền buồm, qua làn da rám nắng của Roark hoặc qua cánh tay trần màu nâu đang vịn vào lan can của chính ta.

Ông không sử dụng đến chiếc thuyền buồm này mấy năm nay. Lần này ông chỉ muốn Roark là vị khách duy nhất. Ông đã để Dominique ở nhà.

Khi đó, Wynand đã nói: "Anh đang tự giết chết mình, Howard. Anh đang làm việc với một cường độ mà không ai có thể chịu lâu được. Nhiều nhất kể từ Monadnock, phải không? Hãy thử xem anh có đủ dũng cảm để làm một việc khó khăn nhất không - là nghỉ ngơi?"

Ông đã kinh ngạc khi Roark chấp nhận lời đề nghị mà chẳng hề tranh cãi. Roark phá lên cười:

"Không phải là tôi đang chạy trốn công việc đâu, nếu như đấy là điều làm ông ngạc nhiên. Tôi biết là khi nào cần dừng - và tôi không thể dừng lại được trừ khi dừng hoàn toàn. Tôi biết là tôi đã làm việc quá sức. Gần đây tôi đã tốn quá nhiều giấy và đã làm toàn những thứ tệ hại."

"Anh mà cũng có thể làm những thứ tồi tệ sao?"

"Thậm chí làm nhiều hơn bất cứ một kiến trúc sư nào khác và lại có ít lý do hơn họ để làm thế. Sự khác biệt duy nhất mà tôi có thể đảm bảo là những thứ rác rưởi của tôi luôn kết thúc trong thùng rác của chính tôi."

"Tôi cảnh cáo anh, chúng ta sẽ đi nghỉ hàng tháng liền. Nếu anh trở nên tiếc rẻ và khóc lóc đòi quay lại bàn vẽ của mình trong vòng một tuần, như tất cả những gã đàn ông không bao giờ biết học cách lười biếng cho tử tế, thì tôi cũng sẽ không đưa anh quay lại. Ở trên thuyền của tôi, tôi sẽ là tên độc tài tồi tệ nhất mà anh từng biết. Anh có thể có mọi thứ, trừ giấy và bút vẽ. Tôi thậm chí không cho phép anh có quyền tự do ngôn luận. Một khi anh bước lên thuyền thì không còn chuyện xà nhà, kết cấu nhựa hoặc kết cấu gia cố gì hết. Tôi sẽ dạy anh cách ăn, ngủ và tồn tại như một tên triệu phú vô dụng nhất trên đời."

"Tôi sẵn sàng thử sống như thế."

Công việc không yêu cầu Roark phải có mặt ở văn phòng trong vòng vài tháng tới. Những hợp đồng hiện tại đã được hoàn thành. Hai hợp đồng sắp tới sẽ chỉ bắt đầu vào mùa xuân. Anh cũng đã làm xong tất cả các bản vẽ phác mà Keating cần cho dự án Cortlandt. Bây giờ người ta đang sắp sửa bắt đầu thi công. Trước khi họ ra khơi, vào một ngày cuối tháng Mười hai, Roark đi đến nhìn công trường mà người ta sẽ thi công dự án Cortlandt một lần cuối. Như một người khách thăm quan bình thường, vô danh và đôi chút tò mò, anh đứng và nhìn những cái máy xúc cắm sâu vào đất, mở đường để làm móng. Sông Đông như một dải nước rộng màu đen chảy lững lờ; xa hơn nữa, trong mờ mờ tuyết rơi, những tòa tháp của thành phố nhòe đi, trông như một bức tranh màu nước gồm toàn màu xanh và màu tím nhạt.

Dominique không phản đối khi Wynand nói với cô rằng ông muốn dong thuyền đi một chuyến dài ngày với Roark. "Em yêu quý, em biết như thế không phải là chạy trốn khỏi em, đúng không? Anh chỉ cần một khoảng thời gian để xa rời tất cả mọi thứ. Ở cùng với Roark thì cũng giống như anh ở một mình với chính anh, chỉ có điều sẽ thanh thản hơn."

"Tất nhiên rồi Gail. Em không ngại đâu."

Nhưng ông nhìn cô, và bất chợt phá lên cười với vẻ tuyệt đối hài lòng. "Dominique, anh biết là em đang ghen. Thật tuyệt vời, anh càng biết ơn anh ấy nhiều hơn bao giờ hết - vì anh ấy đã làm em ghen."

Cô không thể nói với ông rằng cô đang ghen, mà cũng chẳng thể nói cô đang ghen với ai.

Chiếc thuyền khởi hành vào cuối tháng Mười hai. Roark quan sát và cười toe toét trước sự thất vọng của Wynand khi ông nhận ra ông chẳng cần ép buộc cũng chẳng cần kỷ luật gì với Roark. Roark không hề nói về các tòa nhà; anh chỉ nằm duỗi mình phơi nắng trên boong tàu hàng giờ, và lười biếng như một kẻ lười biếng chuyên nghiệp. Họ nói với nhau rất ít. Có những ngày Wynand không thể nhớ nổi là họ đã nói với nhau những câu nào. Rất có thể là họ chẳng nói gì cả. Cảm giác thanh bình tĩnh tại của cả hai người dường như là phương tiện giao tiếp tốt nhất.

Ngày hôm nay họ đã cùng nhau nhảy xuống nước bơi và Wynand đã leo lên thuyền trước. Khi đứng bên lan can nhìn Roark ở dưới nước, ông nghĩ đến quyền lực mà ông nắm giữ tại thời điểm này: ông có thể ra lệnh cho thuyền khởi động, và rời đi, bỏ cái cá thể có mái tóc đỏ kia lại cho biển cả và mặt trời. Ý nghĩ đó đem lại cho ông cảm giác khoan khoái: đó là cảm giác về quyền lực và cảm giác đầu hàng trước Roark vì ông biết rằng không có bất cứ quyền lực nào trên đời có thể bắt ông thực hiện hành động kia. Tất cả mọi công cụ đều nằm trong tay ông: chỉ cần thanh quản ông rung lên vài âm thanh ra lệnh và bàn tay của ai đó mở van là cả cỗ máy này sẽ rời đi. Ông nghĩ: Đó không chỉ là vấn đề đạo đức, cũng không phải là sự kinh tởm với hành động đó; người ta có thể chủ động bỏ rơi một con người nếu như số phận của cả một châu lục phụ thuộc vào nó. Nhưng không có gì có thể khiến cho ông bỏ rơi người này. Ông, Gail Wynand, hoàn toàn bất lực trong khoảnh khắc đó, khi ông đứng trên tấm ván gỗ vững chãi của boong thuyền. Còn Roark - anh đang trôi nổi ngoài kia như một miếng ván trôi - lại có quyền lực lớn hơn cả cỗ máy đang nằm dưới thân chiếc thuyền này. Wynand nghĩ: Bởi vì đó là thứ quyền lực đã sản sinh ra cỗ máy này.

Roark đã trèo lên thuyền; Wynand nhìn vào cơ thể của Roark, từng dòng nước chảy dọc theo những góc cạnh của cơ thể anh. Ông nói:

"Anh đã mắc một tội lỗi khi thiết kế Đền Stoddard, Howard. Bức tượng đó lẽ ra phải là anh, chứ không phải là tượng Dominique."

"Không. Tôi quá yêu bản thân để có thể làm công việc đó."

"Yêu bản thân? Một kẻ yêu bản thân hẳn phải thích được tạc tượng như thế. Anh thật là lạ trong việc sử dụng từ ngữ."

"Tôi sử dụng từ ngữ hoàn toàn chính xác. Tôi không thích mình trở thành biểu tượng của bất cứ cái gì cả. Tôi chỉ là chính tôi."

* * *

Gail Wynand ngả người trên một chiếc ghế. Ông ngước nhìn lên cái đèn lồng với vẻ hài lòng. Cái đèn lồng có hình đĩa, làm bằng kính mờ, treo trên thành tàu phía sau lưng ông: nó phá tan khoảng không đen thẳm của đại dương và đem lại cho ông một thế giới riêng trong vùng sáng của ánh đèn. Ông nghe thấy tiếng con thuyền dịch chuyển trên sóng, ông cảm thấy bầu không khí ấm áp của đêm đang mơn man trên mặt; ông không nhìn thấy gì khác ngoài những đường viền boong tàu bao quanh ông, khép kín và cố định.

Roark đứng đằng trước ông ở bên lan can; một bóng cao trắng đang dựa lưng vào khoảng tối đằng sau, mặt anh hướng lên trên giống như Wynand đã nhìn thấy anh ngước lên nhìn một tòa nhà chưa hoàn thiện. Hai bàn tay của anh nắm vào lan can. Ống tay của chiếc áo sơ mi cộc làm cho cánh tay trần của Roark lộ ra trong ánh đèn; những vệt tối thẳng đứng càng làm nổi lên bắp cơ rắn chắc của cánh tay và những sợi gân trên cổ anh. Wynand nghĩ về động cơ của chiếc thuyền, về những ngôi nhà chọc trời, về những sợi dây cáp xuyên đại dương, về tất cả những gì con người đã làm ra.

"Howard, đây là những gì tôi muốn. Được có anh ở đây với tôi."

"Tôi biết."

"Anh có biết thực sự nó là gì không? Lòng tham. Tôi luôn khổ sở vì hai thứ trên quả đất này: anh và Dominique. Tôi là một triệu phú và chẳng sở hữu được cái gì cả. Anh có nhớ những gì anh nói về sự sở hữu không? Tôi như một người nguyên thủy khám phá ra khái niệm tài sản cá nhân và trở nên phát điên vì tài sản. Thật buồn cười. Hãy nghĩ đến Ellsworth Toohey xem."

"Tại sao lại Ellsworth Toohey?"

"Ý của tôi là, những gì ông ta thuyết giáo, gần đây tôi tự hỏi là liệu ông ta có thực sự hiểu những gì ông ấy nói không. Không vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối ư? Thì tôi chính là như thế. Liệu Toohey có biết rằng tôi chính là hiện thân cho lý tưởng của ông ta? Tất nhiên là Toohey không bao giờ chấp nhận động cơ của tôi, nhưng động cơ không bao giờ làm thay đổi thực tế. Nếu đúng là ông ta đang theo đuổi sự không vị kỷ theo nghĩa triết học - và Toohey là một nhà triết học - tức là theo cái nghĩa cao hơn rất nhiều so với những thứ vật chất tiền bạc, thì đây này, hãy để ông ta nhìn vào tôi. Tôi chưa bao giờ sở hữu một cái gì cả. Tôi chưa bao giờ muốn một cái gì cả. Tôi không hề quan tâm tới bất cứ thứ vật chất nào - Toohey cũng chỉ mơ đến thế này là cùng. Tôi tự biến mình thành một cái máy đo khí áp, và hoàn toàn thay đổi theo áp lực của cả thế giới. Tiếng nói của đám đông quần chúng của ông ta đẩy tôi lên xuống. Tất nhiên, trong quá trình đó tôi cũng kiếm được cả một gia tài. Nhưng liệu nó có làm thay đổi thực chất của cả bức tranh? Giả sử như tôi cho đi tất cả những đồng tiền tôi có. Giả sử tôi không lấy bất cứ đồng tiền nào, mà từ lúc đầu đã chỉ mong muốn tận tâm trở thành một người quên mình phục vụ công chúng. Khi đó tôi sẽ phải làm gì nào? Cũng vẫn chính là những gì tôi đã làm. Đem lại sự thỏa mãn lớn nhất cho nhiều người nhất. Thể hiện quan điểm, khát vọng, và thị hiếu của số đông. Đó là đám đông đã tự do ủng hộ tôi bằng cách trả ba xu để mua báo của tôi vào mỗi buổi sáng. Những tờ báo của Wynand ư? Suốt ba mươi mốt năm qua chúng đã đại diện cho tất cả mọi người trừ Gail Wynand. Tôi đã xóa bỏ cái tôi của mình theo một cách mà không có một vị thánh nào làm được. Nhưng mọi người vẫn gọi tôi là đồ đê tiện. Tại sao vậy? Các vị thánh trong nhà thờ chỉ hy sinh những gì thuộc về vật chất. Đấy là một cái giá quá rẻ để mua được vinh quang cho linh hồn của họ. Họ giữ khư khư linh hồn của mình và từ bỏ cả thế giới. Còn tôi - tôi giữ lại những cái ô-tô, những bộ pyjama bằng lụa, một ngôi nhà, và đổi lại tôi đã cho đi linh hồn của mình. Như vậy ai là người phải hy sinh nhiều hơn - nếu hy sinh là phép thử của đức hạnh? Ai mới đích thực là thánh?"

"Gail... tôi đã không nghĩ là ông có thể thừa nhận điều đó với chính mình."

"Tại sao lại không? Tôi biết việc tôi đang làm. Tôi đã muốn có quyền lực đối với linh hồn của đám đông và tôi đã có được nó. Một linh hồn tập thể. Đó là một khái niệm rối rắm, nhưng nếu có ai đó muốn minh họa nó bằng hình ảnh cụ thể thì hãy để cho người đó cầm một Ngọn cờ New York lên."

"Phải..."

"Tất nhiên là Toohey sẽ nói với tôi rằng đây không phải là sự vị tha mà ông ta muốn đề cập tới. Ý của ông ta là tôi không nên để cho công chúng quyết định việc họ muốn gì, mà tôi phải tự quyết định điều đó. Tôi cần phải quyết định, không phải những gì tôi thích, cũng không phải những gì công chúng thích, mà là những gì họ nên thích và sau đó thì nhồi những cái đó vào họng họ. Sẽ phải nhồi nhét, bởi vì nếu để họ tự lựa chọn, họ sẽ chọn tờ Ngọn cờ. Chà, thế giới ngày nay có rất nhiều những kẻ vị tha theo kiểu như vậy."

"Ông nhận ra điều đó?"

"Tất nhiên rồi. Người ta có thể làm gì khác đây nếu như họ phải phục vụ đám đông? Nếu họ phải sống vì những người khác? Hoặc là chạy theo mong muốn của đám đông và bị coi là đê tiện; hoặc là áp đặt ý kiến của bản thân lên mọi người nhân danh lợi ích của họ. Anh có thể nghĩ ra cách gì khác không?"

"Không."

"Như vậy thì còn lại cái gì? Sự tử tế bắt đầu từ đâu? Cái gì sẽ nảy sinh ở chỗ mà lòng vị tha chấm dứt? Anh đã thấy cái mà tôi say mê chưa?"

"Rồi, Gail."

Wynand thấy có vẻ miễn cưỡng gần như là buồn bã trong giọng nói của Roark.

"Có chuyện gì vậy? Sao giọng anh lại như thế?"

"Tôi xin lỗi. Hãy tha lỗi cho tôi. Chỉ là tôi đang nghĩ tới một điều. Tôi đã nghĩ về nó khá lâu rồi. Nhất là khi ông bắt tôi nằm trên boong thuyền và lười biếng suốt những ngày qua."

"Nghĩ về tôi?"

"Về ông, và về nhiều điều khác."

"Anh đã kết luận như thế nào?"

"Tôi không phải là một kẻ vị tha, Gail. Tôi không kết luận hộ người khác."

"Anh không phải lo lắng vì tôi đâu. Tôi đã bán đứng bản thân tôi, nhưng tôi không hề ảo tưởng về điều đó. Tôi chưa bao giờ biến thành Alvah Scarret. Anh ta thực sự tin vào bất cứ những gì công chúng tin. Tôi thì coi thường công chúng. Đó là sự bào chữa duy nhất của tôi. Tôi đã bán đi cuộc sống của tôi, nhưng tôi bán được với giá hời. Đó là quyền lực. Tôi chưa bao giờ sử dụng nó. Tôi đã không cho phép mình được có bất cứ ham muốn cá nhân nào. Nhưng bây giờ tôi tự do. Tôi có thể sử dụng quyền lực đó cho những gì tôi muốn. Cho những gì tôi tin. Cho Dominique. Cho anh."

Roark quay mặt đi. Khi anh quay lại về phía Wynand, anh chỉ nói ngắn gọn:

"Tôi hy vọng thế, Gail."

"Vậy anh đã nghĩ về cái gì trong suốt mấy tuần vừa qua?"

"Cái nguyên tắc của ông Trường khoa, người đã đuổi tôi khỏi trường Stanton ngày trước."

"Nguyên tắc gì?"

"Đó là thứ đang hủy hoại thế giới này. Đó cũng là điều mà ông vừa nói. Sự không vị kỷ thực sự."

"Có phải cái lý tưởng mà người ta cho là không tồn tại?"

"Họ đã nhầm. Lý tưởng đó có tồn tại - mặc dù không theo cách mà họ nghĩ. Đó là điều mà trong suốt một thời gian dài tôi không thể hiểu được về con người. Họ không có cái tôi. Họ sống trong những người khác. Họ sống cuộc sống thứ sinh[147]. Hãy nhìn vào Peter Keating xem."

"Anh đi mà nhìn. Tôi ghét bộ dạng của anh ta."

"Tôi đã nghĩ về Keating - về những gì còn lại của anh ta - và nó đã giúp tôi hiểu ra. Anh ta đang phải trả giá và anh ta băn khoăn không hiểu anh ta phải trả giá vì tội lỗi gì; anh ta tự nhủ hẳn là vì anh ta đã sống vì bản thân mình quá nhiều. Nhưng liệu có hành động hoặc suy nghĩ nào của anh ta lại tồn tại cái "bản thân" đó không? Mục đích của anh ta trong cuộc sống là gì? Sự vĩ đại - dưới con mắt của những người khác. Là danh vọng, sự ngưỡng mộ và đố kỵ - tất cả đều đến từ những người khác. Chính những người khác đã khống chế niềm tin của anh ta, một niềm tin mà Keating chưa bao giờ có, nhưng anh ta thỏa mãn vì mọi người tin rằng anh ta có niềm tin như thế. Những người khác chính là động cơ, là mối quan tâm chính của anh ta. Anh ta không muốn trở thành vĩ đại, mà chỉ muốn được mọi người cho là vĩ đại. Anh ta không muốn tự xây dựng mà chỉ muốn được ngưỡng mộ như một người xây dựng. Anh ta vay mượn của người này để tạo ấn tượng với người kia. Đó chính là sự không vị kỷ đích thực nhất mà ông vừa nói. Anh ta đã phản bội và từ bỏ chính cái tôi của mình. Và mọi người vẫn gọi anh ta là kẻ ích kỷ."

"Đó cũng là cái cách nghĩ của hầu hết mọi người."

"Vâng! Và đó không phải là nguồn gốc của mọi hành động đê tiện hay sao? Không phải sự ích kỷ, mà chính xác là sự vắng mặt của cái "kỷ" đó. Hãy nhìn vào họ. Kẻ luôn lừa dối nhưng vẫn giữ được vẻ bề ngoài đáng kính trọng. Anh ta tự biết rằng mình không trung thực, nhưng người khác lại nghĩ là anh ta trung thực và điều đó đem lại cho anh ta lòng tự trọng - một thứ tự trọng thứ sinh. Kẻ luôn nhận những thành tựu không phải của mình. Anh ta biết rằng anh ta chỉ là một kẻ tầm thường, nhưng anh ta lại thật vĩ đại trong mắt của mọi người. Một kẻ hèn hạ bày tỏ tình thương đối với những người còn nghèo kém hơn, và bám chặt lấy họ để tự tạo cho mình một chỗ đứng cao hơn trong phép so sánh đó. Còn đối với những người mà mục đích duy nhất là kiếm tiền. Nào, tôi không thấy có gì xấu xa trong khát vọng kiếm tiền cả. Nhưng tiền chỉ là một phương tiện để đi đến một cái đích. Nếu một người cần tiền cho những mục đích riêng của họ - để đầu tư cho công việc, để sáng tạo, để học tập, để đi du lịch, để hưởng thụ cuộc sống giàu có - thì người đó hoàn toàn có đạo đức. Nhưng những người đặt đồng tiền lên trên hết thường đi xa hơn thế nhiều. Cuộc sống xa hoa chỉ là một phần thôi. Điều họ muốn là sự phô trương: họ muốn khoe khoang, muốn làm kinh ngạc, muốn giải trí, và muốn tạo ấn tượng cho mọi người. Họ chỉ là những người sống thứ sinh. Hãy nhìn vào cái gọi là những thành tựu văn hóa của chúng ta. Một diễn giả phun ra những thứ chắp vá, vay mượn và vô nghĩa đối với ông ta - và những người đang nghe ông ta nói cũng chẳng coi những thứ ấy ra gì nhưng họ vẫn ngồi đó chỉ để có thể khoe với bạn bè rằng họ đã dự một bài giảng của một người nổi tiếng. Tất cả bọn họ đều là những người sống thứ sinh mà thôi."

"Nếu tôi là Ellsworth Toohey, tôi sẽ nói: Như thế chẳng hóa ra anh đang lập luận chống lại sự ích kỷ à? Chẳng phải là tất cả bọn họ đều ứng xử dựa trên động cơ ích kỷ của họ sao - đó là để được chú ý, được yêu thích và được ngưỡng mộ?"

" - bởi những người khác. Và họ làm thế với cái giá là hy sinh sự tự tôn của chính họ. Và hy sinh ở những chỗ quan trọng nhất - ở các giá trị, ở khả năng đánh giá, ở tinh thần và tư duy - họ đều đặt những người khác lên trên bản thân họ, theo đúng cái cách mà sự không ích kỷ đòi hỏi. Một kẻ thực sự ích kỷ sẽ không bao giờ để sự chấp thuận của người khác ảnh hưởng tới mình. Anh ta không cần điều đó."

"Tôi nghĩ là Toohey hiểu được điều này. Đó chính là cái cách giúp cho ông ta tuyên truyền được những ý tưởng nhảm nhí của mình. Toàn là yếu kém và hèn nhát. Chạy theo người khác thì quá dễ. Còn đứng độc lập một mình lại không dễ chút nào. Anh có thể đóng vai đạo đức giả trước một đám khán giả. Nhưng anh không thể tự lừa dối mình được. Cái tôi của anh chính là viên thẩm phán nghiêm khắc nhất. Nhưng họ thì chạy trốn khỏi cái tôi. Họ sống cả một đời lúc nào cũng chạy trốn. Họ đóng góp vài nghìn cho quĩ từ thiện và do vậy nghĩ mình cũng cao quý - thực ra việc đó quá dễ so với việc đánh giá lòng tự trọng dựa trên những tiêu chuẩn riêng về những thành tựu của cá nhân mình. Người ta có thể đi tìm những vật thế chỗ cho năng lực làm việc - toàn những vật thế chỗ dễ dãi: nào là tình yêu, sự quyến rũ, lòng tốt và công việc từ thiện. Nhưng không có cái gì có thể thực sự thay thế được cho năng lực."

"Đó chính là điểm nguy hiểm nhất ở những kẻ sống thứ sinh. Họ không quan tâm đến các sự kiện, ý tưởng và công việc. Họ chỉ để ý đến mọi người. Họ không hỏi: 'Cái này có đúng không?' Mà họ hỏi: 'Cái này có phải là cái mà mọi người cho là đúng?' Họ không phán xét, mà chỉ lặp lại. Không lao động, mà chỉ ra vẻ lao động. Không sáng tạo, mà chỉ khoe khoang. Không có khả năng, mà chỉ có quan hệ. Không có phẩm chất, mà chỉ có thế lực. Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu những người có thể làm việc, nghĩ, lao động và sản xuất ra của cải vật chất? Họ chính là những người sống vì bản thân. Anh không nghĩ bằng bộ óc của người khác, và anh không lao động bằng đôi tay của kẻ hác. Khi anh ngừng khả năng phán xét độc lập, cũng là lúc anh ngừng nhận thức. Ngừng nhận thức cũng có nghĩa là ngừng sống. Những kẻ sống thứ sinh thì không biết thế nào là thực tại. Thực tại không ở bên trong con người họ, mà ở đâu đó trong cái khoảng không ngăn cách cơ thể người này với cơ thể khác. Thực tại không phải là một thực thể, mà là một quan hệ - và không được neo chắc vào bất cứ cái gì. Đó chính là sự trống rỗng mà tôi không thể hiểu nổi. Đó cũng là cái đã khiến cho tôi dừng lại mỗi khi tôi phải đối mặt với một hội đồng. Toàn những người không có cái tôi. Những ý kiến được phát biểu mà không trải qua quá trình suy nghĩ. Những chuyển động không có phanh hoặc không có động cơ. Những quyền lực không đi đôi với trách nhiệm. Những kẻ sống thứ sinh đó cũng hành động, nhưng động cơ của những hành động đó thì nằm rải rác ở tất cả mọi người. Nó có ở tất cả mọi nơi và không ở nơi nào cả, và anh không thể nào nói chuyện lý lẽ với những kẻ đó. Họ không chấp nhận lý lẽ. Anh không thể tranh luận với họ, và họ không thể nghe thấy gì cả. Anh bị đấu tố bởi một bồi thẩm đoàn vô hình. Một đám đông mù quáng đang chạy như điên và nghiến nát anh mà không có lý do hay mục đích gì. Steve Mallory đã không thể định nghĩa được con quái vật này, nhưng anh ấy biết. Đấy chính là con quái vật râu xanh mà anh ấy sợ. Những kẻ sống thứ sinh."

"Tôi nghĩ những người thứ sinh theo định nghĩa của anh biết điều này, mặc dù bọn họ cố gắng không thừa nhận với bản thân. Thử để ý việc họ có thể chấp nhận mọi thứ trừ một người dám đứng độc lập. Họ sẽ ngay lập tức nhận ra anh ta. Nhờ bản năng. Họ có một lòng căm ghét đặc biệt, âm thầm đối với người đó. Họ có thể tha thứ cho bọn tội phạm. Họ ngưỡng mộ những kẻ độc tài. Tội phạm và bạo lực luôn đi đôi với nhau. Một dạng phụ thuộc lẫn nhau. Họ cần có những ràng buộc kiểu như thế. Họ cần phải áp đặt cái tính cách ti tiện nhỏ nhen của bản thân lên tất cả những người mà họ gặp. Trong khi đó, con người độc lập kia sẽ hủy diệt họ - bởi vì họ không tồn tại ở bên trong anh ta; mà tồn tại trong người khác lại là cách tồn tại duy nhất mà họ biết. Hãy để ý tới sự phẫn nộ đầy ác ý của họ nhằm chống lại bất cứ ý tưởng độc lập nào. Hãy để ý tới những đối xử ác độc của họ nhằm vào một người sống độc lập. Hãy nhìn lại cuộc đời anh xem, Howard, và nhìn vào những người mà anh đã gặp. Họ biết đấy. Họ sợ hãi. Anh là nỗi nhục của họ."

"Đó là bởi vì bên trong họ vẫn còn một chút phẩm giá. Họ vẫn là người. Nhưng họ được dạy cách đi tìm bản thân họ trong những người khác. Nhưng không ai có thể đạt tới sự khiêm tốn tuyệt đối mà lại không trải qua sự tự tin. Bởi vì nếu như thế thì nhưng đó không thể tồn tại được. Do vậy, sau hàng thế kỷ bị nhồi nhét với cái lý thuyết coi việc sống vì người khác là thứ lý tưởng tối cao, loài người đã chấp nhận nó theo một cách duy nhất có thể. Đó là bằng cách tìm kiếm lòng tự trọng qua người khác. Bằng cách sống cuộc đời thứ sinh. Và điều đó đã mở đường cho đủ thứ rùng rợn khác. Nó đã trở thành một biến dạng khủng khiếp nhất của tính ích kỷ mà ngay cả một người thực sự ích kỷ cũng không thể hiểu nổi. Và giờ đây, để cứu rỗi một thế giới đang bị diệt vong vì cái chủ nghĩa sống vì người khác, người ta lại đòi hỏi chúng ta bỏ đi cái tôi của mình. Hãy nghe về những điều luôn được rao giảng ngày nay. Hãy nhìn vào tất cả mọi người ở xung quanh chúng ta. Anh sẽ tự hỏi tại sao họ phải khổ đau như vậy, tại sao họ cứ đi tìm hạnh phúc và không bao giờ tìm thấy nó. Nếu ai cũng dừng lại và tự hỏi bản thân rằng liệu anh ta đã từng có một khát vọng nào thực sự là của riêng mình thì người đó sẽ tìm được câu trả lời. Anh ta sẽ thấy rằng tất cả những mong ước, những nỗ lực, những giấc mơ và tham vọng của anh ta đều do những người khác tạo nên. Anh ta thậm chí không hề vật lộn để có được sự giàu có vật chất, mà anh ta vật lộn vì một thứ ảo ảnh của kẻ sống thứ sinh - đó là danh vọng. Anh ta vật lộn để có con dấu chấp thuận của người khác, chứ không phải của chính anh ta. Anh ta không thể tìm được niềm vui trong sự vật lộn đó, và cũng không có niềm vui khi anh ta thành công. Anh ta không thể nói như thế này về bất cứ điều gì: 'Đây là cái tôi muốn bởi vì Tôi muốn nó, chứ không phải là vì nó khiến cho những người xung quanh há hốc miệng nhìn tôi.' Thế mà anh ta vẫn băn khoăn tại sao anh ta không hạnh phúc. Mọi dạng thức của hạnh phúc đều có tính cá nhân. Những khoảnh khắc lớn nhất của mỗi chúng ta đều là khoảnh khắc riêng tư, đều là tự giác, và không thể để kẻ khác chạm vào. Những gì quý giá và thiêng liêng chính là những thứ mà chúng ta không muốn chung chạ với ai. Nhưng bây giờ chúng ta lại được dạy phải ném tất cả những gì ta có ra chỗ công khai cho mọi người mổ xẻ. Chúng ta được dạy phải đi tìm niềm vui ở những tiền sảnh đông người. Ý tôi là chúng ta không có dù chỉ là một từ để đặt tên cho trạng thái tự-thấy-tràn-đầy, tự-thỏa-mãn trong đời sống tinh thần của con người. Khó có thể gọi nó là sự ích kỷ hay sự vị kỷ - những từ này đã bị bóp méo rồi, chúng được dùng để miêu tả Peter Keating. Gail, tôi nghĩ rằng điều xấu xa lớn nhất trên quả đất này chính là việc đặt mối quan tâm cơ bản nhất của mình vào người khác. Tôi đã luôn luôn đòi hỏi những người tôi thích phải có một phẩm chất nhất định. Tôi đã luôn nhận ra nó ngay lập tức - và đó là phẩm chất duy nhất mà tôi trân trọng ở con người. Tôi chọn bạn bè theo cách đó. Và bây giờ tôi đã biết đó là gì. Một cái tôi tự thỏa mãn[148]. Tất cả những thứ khác đều không quan trọng."

"Tôi mừng là anh thú nhận anh có bạn bè."

"Thậm chí tôi còn thú nhận là tôi yêu quý họ. Nhưng tôi không thể yêu họ nếu họ là mục đích sống cơ bản nhất của tôi. Ông có để ý thấy Peter Keating không còn sót lại một người bạn nào không? Ông có biết tại sao không? Nếu một người không thể tôn trọng bản thân mình thì người đó không thể yêu hay tôn trọng người khác được."

"Quỷ tha ma bắt cái gã Peter Keating đó đi. Tôi đang nghĩ về anh - và bạn bè của anh."

Roark mỉm cười.

"Gail, nếu chiếc thuyền này chìm thì tôi sẵn sàng hy sinh đời tôi để cứu ông. Không phải vì đó là bổn phận. Chỉ bởi vì tôi thích ông, theo những lý do và tiêu chuẩn của riêng tôi. Tôi có thể chết vì ông. Nhưng tôi không thể và cũng không bao giờ sống vì ông được."

"Howard, những lý do và tiêu chuẩn nào vậy?"

Roark nhìn Wynand và nhận ra rằng anh đã nói tất cả những gì mà anh đã cố không nói với ông. Anh trả lời:

"Đó là vì ông không sinh ra để sống như một kẻ thứ sinh."

Wynand mỉm cười. Ông nghe thấy câu đó - và không gì nữa.

Sau đó, khi Wynand quay trở lại cabin, Roark vẫn ở lại một mình trên boong thuyền. Anh đứng tựa vào lan can nhìn ra biển nhưng không tập trung vào một cái gì cả.

Anh nghĩ: Ta còn chưa nói với ông ấy biết về loại người sống thứ sinh tồi tệ nhất trên đời - đó là những kẻ chạy theo quyền lực.

Ngày đăng: 02/06/2015
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?