Gửi bài:

Chương XXXII - Hết

Ricin gõ cửa. Tôi lấy áo khoác, cái gói trên bàn, đi theo anh. Cái gói đến sáng nay, gửi từ Corrèze. To bằng một tập vở học trò khổ lớn. Bọc trong giấy dầu và buộc dây (Em viết cho ông cậu đi, Ricin đã bảo, ông sẽ cho em thuốc giải những thèm khát có một người cha của em. Mẹ em đã quẳng một đống bí mật trước cửa nhà em. Em đã định đào một cái hố, giấu hết đi. Nhưng trong khi đào, em lại moi lên những bí mật khác. Không muốn vấp vào xác chết những bí mật ấy, em đành đào thêm một hố nữa. Thế là em lại có thêm một đống mới. Dũng cảm thay chú lính tí hon đào hầm gây chiến với chính mình ! Em phải viết cho ông cậu, cho nhà lưu trữ điên kia, em phải chấp nhận sống với đống bí mật bên cửa. Nếu không, suốt đời em, em sẽ cứ đào lên rồi lại chôn đi mọi bí mật. Em sẽ đào những cái hố, sẽ từ bí mật đi đến dối trá, em sẽ không còn thấy ánh sáng mặt trời và em sẽ tàn đời như mọi loài gậm nhấm trong tiểu thuyết gia đình : em sẽ hấp hối, bụng trương phềnh thuốc độc). Trên cái gói, tên và địa chỉ tôi viết chữ hoa bằng bút chì đen đậm. Không ghi người gửi. Tôi ôm chặt cái gói bên mình (Chúng ta tìm kho tàng với hai bàn tay thèm khát và chúng ta sung sướng khi tìm được những con giun đất). Tôi xuống cầu thang. Ricin đi trước. Trước cửa chung cư, không còn ai rình chờ chúng tôi xuất hiện. Tôi sắp rời bỏ căn hộ này, con đường này, khu phố này. Ricin không biết tôi có ý định biến đi. Đây là cuộc dạo chơi đêm khuya cuối cùng của chúng tôi. Anh đi bên tôi, điếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay. Hai má hóp, tóc dài chấm gáy. Da cổ anh nhiều chỗ nhăn. Anh không thích lối tôi nhìn anh. Anh ngoảnh đầu, rít một hơi thuốc dài. Ricin đi bên trái tôi, tôi cảm thấy một sự hiện diện bên phải. Trên vỉa hè đối diện, tôi nhìn ra qua những xe cộ dừng đợi đèn xanh bóng một con chó to lông đen. Ricin không trông thấy. Con chó gầm đầu đi. Đến góc phố, Ricin rẽ trái, con chó rẽ phải, xa dần. Tôi quay lại. Con chó chỉ còn là một khối đen cuối đại lộ. Tôi trao Ricin cái gói tôi vẫn ôm chặt bên mình, Em đi đây. Tôi trở lui, theo dấu con chó. Nó đi nhanh, dọc đại lộ rợp bóng cây. Tôi rảo bước. Tôi cảm thấy gió lạnh vờn trên hai má. Tôi đi đây.

Hết.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH

1 Ricin còn là một danh từ chung, có nghĩa cây thầu dầu; hạt cây này dùng để chế một loại dầu làm thuốc xổ, thuốc nhuận tràng.

2 Phòng số 6, tựa đề một truyện dài (Palata nomer shest) của văn hào Nga Anton Tchekov (1860-1904). Truyện một bác sĩ, giám đốc một nhà thương điên, bàn cãi triết lí với một bệnh nhân, mà không hề ý thức các bệnh nhân của mình bị ngược đãi tàn tệ như thế nào.

3 Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa : "Chúng ta không trở về được nữa" và "Ngươi không trở về được nữa".

4 Điện Invalides lập ra năm 1604 để cưu mang các chiến binh tàn phế (Invalides
: người tàn phế), sau này là nơi để mộ hoàng đế Napoléon và nhiều danh tướng Pháp. Điện có những công trình mĩ thuật lớn lao, và hiện nay cũng là trụ sở hai viện bảo tàng. Ở đây nên chú ý ý niệm tàn phế.

5 Thơ của văn hào Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), trong kịch Faust : "Zwei Seelen whonen, ach! in meiner Brust".

6 Tên một đường phố ở Paris. Juges Consuls, tiếng Pháp cổ, chỉ các quan tòa chọn trong số các thương gia. Tòa án các Juges Consuls, tiền thân của các tòa án thương mại về sau, tọa lạc tại phố này từ năm 1570 đến năm 1825. Ở đây nên chú ý ý niệm quan tòa.

7 Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa : "Tự Do hay là Chết."

8 Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa : "Một chiếc quan tài – là một Lãnh Địa nhỏ", thơ của nữ sĩ Hoa Kì Emily Dickinson (1830-1886)

9 George Bernard Shaw, văn hào Ái-Nhĩ-Lan (1856-1950). Nguyên bản tập tiểu luận ông viết năm 1928 mang tựa đề "The Intelligent Woman's Guide to Socialism and Capitalism" (Sách hướng dẫn về chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Tư bản cho người phụ nữ thông minh).

10 Tên Bellemort hợp bởi hai từ mort, cái chết, và belle, đẹp; tên Weidmanhẳn do từ tiếng Đức Weidmänn, người đi săn, thợ săn.

11 Phim của nhà đạo diễn Mĩ gốc Áo Fritz Lang (1890-1976), thực hiện năm 1955.

12 Tiếng La-tinh trong nguyên tác, chỉ những gì lập đi lập lại, được yêu cầu nhiều lần.

13 Pygmalion, vua đảo Chypre trong thần thoại Hi Lạp; say mê bức tượng chính mình tạo ra, ông nài nữ thần Aphrodite (thần Sắc đẹp và Tình yêu) hoá bức tượng thành người, và lấy làm vợ. Galatée, nữ thần biển, cũng trong thần thoại Hi Lạp; yêu chàng chăn cừu Acis nên hoá chàng thành dòng sông để cứu chàng khỏi chết dưới bàn tay ghen tuông của người khổng lồ một mắt Polyphème.

14 Tại London, thủ đô nước Anh, trong thời gian từ 31/8 đến 9/11 năm 1888, năm cô gái giang hồ bị ám sát một cách thảm khốc; hơn một thế kỉ sau vẫn không biết thủ phạm là ai, và sự việc đã trở thành huyền thoại. Thủ phạm được gọi là Jack Tên mổ bụng người (Jack là một cái tên thông thường nhất ở nước Anh.)

15 Barbe-Bleue, nhân vật truyện của nhà văn Pháp Charles Perrault (1628-1703), lần lượt giết sáu người vợ và giấu bí mật của mình trong một căn phòng khóa kín.

16 "Đôi uyên ương thành Vérone" (tiếng Ý, Verona) chính ra là Romeo và Juliet, nhân vật của văn hào Anh William Shakespeare (1564-1616).

17 Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa : một chuyện tình.

18 Tục ngữ A-Rập có câu "Chó sủa, đoàn lữ hành vẫn qua".

19 Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa : "Chính tôi cũng là người lạ ở đây."

20 Georg Philipp Harsdörfer, thi sĩ Đức (1607-1658), người sáng lập tại thành phố Nüremberg một hội thơ, là tác giả một tập sách lí thuyết về thơ, mang tựa đề châm biếm Poetischer Trichter, die Teutsche Dicht und Reimkunst, ohne Behuf der Lateinischen Sprache, in sechs Stunden einzugiesen (Một cái Phễu thơ để truyền nghệ thuật thơ và vần của Đức, không nhờ đến tiếng La-tinh, trong sáu giờ). Sau này hình ảnh đó trở thành ngạn ngữ trong tiếng Đức : kẻ ngu dốt thì lấy phễu rót khôn vào đầu nó.

21 La Belle au bois dormant (Người đẹp ngủ trong rừng), truyện của Charles Perrault (xem chú thích số 15) : một nàng công chúa bị một bà tiên làm phép ngủ 100 năm, chỉ được giải thoát khi hoàng tử tìm đến, đặt lên môi cái hôn.

22 Kinh Cựu Ước của đạo Do Thái nói rằng Thượng Đế tạo ra muôn loài trong sáu ngày, đến ngày thứ bảy thì nghỉ ngơi. Câu "...cho là
được lắm" là dịch nguyên văn trong Cựu Ước.

23 François Đệ Nhất, vua nước Pháp, trị vì từ năm 1515 đến năm 1547, đã đưa tiếng Pháp thay thế tiếng La-tinh trong các văn bản hành chánh, pháp lí.

24 Tên Monnier gần đồng âm với động từ monnayer, ra giá, đòi trả giá.

25 Truyền thuyết châu Âu kể rằng thời trung cổ, pháp sư Faust bán linh hồn cho quỷ Méphistophélès đổi lấy tri thức, quyền năng, của cải trần gian.

26 Nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) viết trong cuốnTerre des Hommes (Cõi người ta) : "Aimer, ce n'est pas se regarder l'un l'autre, c'est regarder ensemble dans la même direction" (Yêu không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng).

27 Vésuve (Vesuvio), tên một ngọn núi lửa tại nước Ý.

28 Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa : "Tim em thuộc về cha", "Người đi rồi! Người đi rồi!" và "Người tình mất dấu của em!"

29 Người chồng muôn thuở, tựa đề một tiểu thuyết (Vechny muzh) của văn hào Nga Fyodor M. Dostoyevsky (1821-1881). Truyện giữa một người chồng bị cắm sừng và người tình cũ của vợ.

30 Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa : "Em có cô đơn đêm nay ?" và "Anh sẽ trở lại chăng...?"

31 Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa : "Em muốn được anh yêu, chỉ anh thôi !" và "Không ai khác ngoài anh".

32 Phim của đạo diễn người Anh Carol Reed (1906-1976), thực hiện năm 1947. Tựa đề của phim lấy từ trò chơi Odd Man Out, một trò chơi tìm và gạt bỏ người hay vật khác với những người hay vật khác.

Ngày đăng: 24/04/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?