Gửi bài:

Phần III - Phu nhân tử tước De Cambes - Chương 14

Khoảng một trăm người theo hoàng hậu và đức vua qua bên kia sông, số còn lại cùng với ngài De La Meilleraye quyết định hạ trại chờ đợi quân đến.
Hoàng hậu vừa dọn đến ngôi nhà của Nanon thì Guitaut vào báo rằng có một viên đại úy muốn xin được yết kiến hoàng hậu để trình một vấn đề quan trọng.

- Viên đại úy đó tên gì? - Hoàng hậu hỏi.
- Tâu hoàng hậu, đại úy Cauvignac ạ.
- Người đó có thuộc quân đội của ta không?
- Hình như không.

- Ngươi hãy hỏi lại xem, và nếu người đó không thuộc quân đội của ta thì hãy nói rằng ta không thể tiếp đón được.
- Xin hoàng hậu cho phép tôi không cùng ý kiến với người điểm này. - Mazarin nói - Nhưng hình như chính vì không thuộc quân đội của mình mà hoàng hậu nên tiếp y. Bởi vì nếu y thuộc quân đội của chúng ta mà xin vào yến kiến, thì đó là một thần dân trung thành, còn trái lại nếu y thuộc vào hàng ngũ địch, thì có thể đây là một tên phản bội. Nhưng mà thưa hoàng hậu, vào thời buổi này không nên coi rẻ những kẻ phản bội, bởi vì có thể chúng khá cần thiết cho chúng ta.

- Vậy hãy cho y vào, cứ theo như ý của ngài Mazarin. - Hoàng hậu nói.
Chẳng bao lâu, viên đại úy được dẫn vào, và đến trình diện trước hoàng hậu với một thái độ tự tin và thoải mái khiến cho bà phải ngạc nhiên. Bà nhìn đăm đăm Cauvignac từ đầu đến chân, nhưng gã này vẫn thản nhiên trước cái nhìn đó.
- Ông là ai? - Hoàng hậu hỏi.
- Đại úy Cauvignac. - Người mới đến trả lời.

- Ông phục vụ cho ai?
- Xin được phục vụ cho hoàng hậu, nếu người cho phép.
- Nếu ta cho phép à? Có thể lắm. Vả lại, trong vương quốc này còn ai để phục vụ nữa? Ở nước Pháp đây có hai hoàng hậu chăng?

- Dĩ nhiên là không, thưa hoàng hậu. Nước Pháp chỉ có một hoàng hậu duy nhất, kẻ mà tôi đang được hân hạnh bày tỏ lòng tôn kính, nhưng dường như, theo tôi hiện thời có hai ý kiến khác nhau.
- Ông nói như vậy nghĩa là sao? - Hoàng hậu nhíu mày hỏi.

- Tâu hoàng hậu, tôi muốn nói rằng tôi đang đi dạo trong vùng và cũng vừa đến một mô đất cao có thể nhìn bao quát khắp nơi thì thấy hình như ông Richon không tiếp đón người với đầy đủ lễ nghi cần thiết, điều này đã xác nhận với tôi một ý nghĩ mà tôi đã từng nghi ngờ bấy lâu nay, rằng ở nước Pháp có hai luồng tư tưởng khác nhau: Một bên là tư tưởng tôn kính đức vua, còn ông Richon thì theo tư tưởng khác.

Gương mặt của Anne D'Autriche mỗi lúc mỗi sầm xuống.
- À, ông cho rằng đã khám phá ra điều đó à?
- Tâu hoàng hậu, đúng như vậy. - Cauvignac trả lời với một giọng chất phác, thật thà - Hình như tôi còn thấy một quả đạn thần công được bắn từ trong thành ra và xúc phạm đến cỗ xe của hoàng hậu.

- Thôi, đủ rồi. Ông đã đến xin yết kiến với ta hay là để trình bày những nhận xét ngu ngốc đó hay sao chứ?
"À, mụ thật bất lịch sự". Cauvignac thầm nhủ "Nếu vậy mụ sẽ phải trả giá đắt hơn".
- Không, thưa hoàng hậu, tôi đến đây xin hội kiến với người là để tâu rằng hoàng hậu thật vĩ đại và lòng ngưỡng mộ của tôi đối với người thật vô bờ bến.

- À, thế à! - Hoàng hậu nói cộc lốc.
- Do tính cách vĩ đại và lòng ngưỡng mộ đương nhiên đó, nên tôi đã quyết định đến hiến thân hoàn toàn để phục vụ người.
- Xin cám ơn.
- Hoàng hậu thứ lỗi. - Cauvignac nói - Tôi sẽ đi mà chẳng cần ai đuổi, nhưng nếu tôi bỏ đi, người sẽ không có được Vayres.
Và Cauvignac, sau khi cúi chào hết sức duyên dáng, quay gót.

- Tâu hoàng hậu - Mazarin nói nhỏ - tôi cho rằng đuổi y như vậy là không nên.
- Này tên kia, hãy quay lại và nói cho ta nghe, dẫu sao thì ngươi cũng khác thường và khá vui nhộn đấy.
- Hoàng hậu thật tốt bụng. - Cauvignac nghiêng mình trả lời.
- Ngươi nói đến việc chiếm Vayres à?

- Tâu hoàng hậu, tôi nói rằng, nếu người vẫn giữ ý định muốn vào thành Vayres như tôi đã nhận thấy sáng nay, thì tôi cho rằng bổn phận của mình là phải giúp người.
- Bằng cách nào?
- Tôi có một trăm năm mươi người của tôi ở Vayres.
- Của ông?

- Vâng, của tôi.
- Thì sao?
- Tôi xin nhượng một trăm năm mươi người đó cho hoàng hậu.
- Sau đó thì sao?

- Sau đó à?
- Phải.
- Sau đó, thì tôi cho rằng sẽ thật là quỷ quái nếu với một trăm năm mươi người giữ cửa đó mà hoàng hậu không thể mở được một cánh cửa.
Hoàng hậu mỉm cười.

- Tên khốn này lém thật. - Bà lẩm bẩm.
Cauvignac có lẽ đoán được đây là một lời khen, nên lại nghiêng mình lần nữa.
- Ông đòi bao nhiêu?
- Ôi, lạy Chúa, thưa hoàng hậu, năm trăm livres cho mỗi người gác cổng đó thôi, đây là tiền công mà tôi trả cho họ.
- Ông sẽ có số tiền đó.

- Còn cho tôi?
- À! Ông cũng đòi hỏi cho ông nữa à?
- Tôi sẽ rất hãnh diện nếu nhận được một chức vụ từ lòng độ lượng của hoàng hậu.
- Ông muốn được chức vụ gì?
- Tôi rất thích được làm tổng đốc thành lũy Braune. Từ trước đến giờ tôi vẫn muốn được làm tổng đốc.

- Ta chấp nhận.
- Nếu vậy, chỉ thiếu một chút thủ tục nữa thôi là coi như vấn đề đã được giải quyết.
- Thủ tục ấy là như thế nào?
- Xin hoàng hậu vui lòng ký nhận vào dưới mảnh giấy này, tôi đã soạn sẵn nó với hy vọng công sức của tôi sẽ được hoàng hậu rộng lòng đón tiếp.

- Tờ giấy ấy đâu?
- Xin hoàng hậu cứ đọc.
Cauvignac rất cung kính, quỳ một chân xuống và duyên dáng cung tay trình lên một mảnh giấy.
Hoàng hậu đọc:
"Ngày ta vào thành lũy Vayres mà không cần phải nổ súng, ta sẽ trả cho đại úy Cauvignac món tiền là bảy mươi lăm ngàn livres và sẽ cho người đó chức tổng đốc ở Braune".

- Thì ra - Hoàng hậu nói, cố kềm cơn giận dữ - đại úy Cauvignac không tin tưởng vào lời nói, mà cần có khế ước.
- Thưa hoàng hậu, tôi cho một tờ khế ước là hay hơn cả trong những vấn đề quan trọng! Verba vonlant, một câu châm ngôn xưa đã nói như vậy: lời nói thì bay mất, và xin hoàng hậu thứ lỗi cho tôi vừa mới bị mất cắp.
- Đồ vô lễ! - Hoàng hậu kêu lên - Lần này thì cút đi!

- Tôi sẽ đi ra đây, thưa hoàng hậu. - Cauvignac trả lời - Nhưng người sẽ không có được Vayres.
Một lần nữa viên đại úy lập lại cử chỉ ban nãy, anh chàng quay gót và tiến về phía cửa. Nhưng lần này bực tức hơn lần trước nên hoàng hậu không gọi y lại.
Cauvignac ra ngoài.

- Hãy bắt nhốt y lại. - Hoàng hậu nói.
Guitaut chuẩn bị làm theo lệnh.
- Xin hoàng hậu thứ lỗi. - Mazarin nói - Tôi cho rằng hoàng hậu đã sai lầm, khi để lộ thái độ giận dữ như vậy.
- Tại sao chứ? - Hoàng hậu hỏi.

- Bởi vì tôi e rằng sau này có thể người sẽ cần đến y, và nếu người ngược đãi y như vậy, biết đâu người sẽ buộc phải trả giá gấp đôi.
- Thôi được. - Hoàng hậu nói - Chúng ta sẽ trả cái giá mà y đòi, nhưng tạm thời không được rời mắt khỏi y.
- A, về điều này, thì lại khác, tôi sẽ là người đầu tiên hoan nghênh ý kiến ấy.
- Này Guitaut, hãy xem thử hắn đang làm gì? - Hoàng hậu nói.

Guitaut đi ra và trở lại nửa giờ sau.
- Sao? Hắn đang làm gì? - Hoàng hậu hỏi.
- Tâu hoàng hậu, người có thể hoàn toàn yên tâm. - Guitaut trả lời - Y không muốn tìm cách bỏ đi đâu cả, tôi có hỏi thăm rồi: Y trú ngụ cách đây khoảng ba trăm bước tại lữ quán của một ông tên Biscarros.
- Hắn ta đã về đấy rồi à?

- Thưa ông, y đang đứng trên một mô đất cao và nhìn ngài De La Meilleraye chuẩn bị cuộc hãm thành, y có vẻ rất quan tâm đến công việc đó.
- Còn quân đội thì sao?
- Đã đến rồi, tâu hoàng hậu, và đang chuẩn bị chiến đấu.
- Như vậy ngài thống chế sẽ tấn công ngay bây giờ à?

- Tâu hoàng hậu, tôi nghĩ rằng, trước khi mở một cuộc tấn công, có lẽ để cho binh sĩ nghỉ ngơi một đêm.
- Nghỉ ngơi một đêm! - Anne D'Autriche kêu lên - Quân đội hoàng gia lại phải dừng lại một ngày một đêm trước mặt cái chòi như vậy hay sao? Không thể được. Guitaut hãy đến nói với ngài thống chế rằng phải tấn công ngay bây giờ. Đức vua muốn đêm nay được nghỉ tại Vayres.

- Nhưng, thưa hoàng hậu - Mazarin hỏi nhỏ - hình như sự cẩn trọng của ngài thống chế...
- Còn đối với tôi hình như một khi oai quyền của hoàng gia đã bị nhục mạ, thì cần phải trả thù ngay. Này Guitaut, hãy đến nói với ngài De La Meilleraye rằng ta đang chờ xem ngài hành động đấy.

Sau khi đuổi Guitaut ra ngoài với một cử chỉ oai nghi, hoàng hậu nắm tay con trai dẫn ra khỏi phòng và không thèm chú ý xem có ai ủng hộ mình hay không, bà theo một cầu thang dẫn lên sân thượng.

Từ sân thượng ấy có thể nhìn thấy bao quát cả một vùng rộng lớn. Hoàng hậu nhìn ra chung quanh. Cách hai trăm bước phía sau bà là con đường đi Libourne, nơi nổi lên ngôi lữ trắng xóa của anh bạn chúng ta, mét Biscarros. Dưới chân bà là con sông Dordogne với dòng nước chảy xiết, hùng dũng và êm đềm. Phía bên phải có sừng sững thành lũy Vayres im lìm như một phế tích, vòng chung quanh là những bức tường thành mới được dựng lên. Vài người lính gác đi dọc trên tường cao và từ lỗ hổng thò ra năm khẩu súng thần công, với nòng súng đen ngòm, phía bên trái là ngài De La Meilleraye đang sắp xếp cho quân đóng trại. Tất cả quân đội đều đến nơi và tụ lại chung quanh ông.

Trên một mô đất cao, một người đàn ông đang đứng chăm chú theo dõi hoạt động của những người bên trong cũng như bên ngoài thành, người đó là Cauvignac.
Guitaut đang qua sông trên thuyền của ông lái bến Ison.

Hoàng hậu đứng bất động trên sân thượng, mày cau lại nắm tay cậu bé Louis XIV, cậu cũng đang tò mò nhìn cảnh tượng đó, và thỉnh thoảng lại nói với mẹ:
- Thưa mẹ, cho phép con leo lên con ngựa chiến của con và xin hãy để cho con đi cùng với ông De La Meilleraye trừng trị bọn khốn kiếp đó.

Bên cạnh hoàng hậu là Mazarin, với bộ mặt diễu cợt tạm thời mang một vẻ suy tư quan trọng chỉ có trong những dịp trọng đại, và phía sau hoàng hậu, là các bà tùy tùng, noi theo sự im lặng của Anne D'Autriche, chỉ dám trao đổi vài câu nho nhỏ.
Thoạt nhìn thì cảnh tượng đó mang một vẻ yên tĩnh vào hòa bình. Nhưng mọi người đều hiểu rằng chỉ cần một tia lửa, để tất cả bùng nổ lên và tàn phá tất cả.

Mọi ánh mắt theo dõi Guitaut nhiều hơn cả, bởi vì chính từ ông sẽ phát ra tia lửa mà mọi người đang chờ đợi với mọi tâm trạng khác nhau.
Ngay cả đội quân cũng chờ đợi. Và khi người liên lạc vừa mới bước chân lên bờ, mọi ánh mắt đều hướng về phía ông, ngài De La Meilleraye vội rời đám sĩ quan của mình và tiến lại gặp ông.

Guitaut và viên thống chế lộ vẻ kinh ngạc. Rõ ràng là ông ta nhận thấy mệnh lệnh quả là không hợp lý. Bởi vậy ông ta đưa ánh mắt nghi ngờ hướng về phía nhóm người trong đó hoàng hậu nổi bận hẳn. Nhưng Anne D'Autriche rất hiểu ý nghĩ của viên thống chế nên gật đầu đưa tay phác một cử chỉ uy nghi, đến nỗi viên thống chế, vốn biết rõ cá tính chuyên chế nên chỉ còn biết cúi đầu tuân lệnh.

Liền đó, sau một mệnh lệnh của viên thống chế, ba bốn viên sĩ quan nhảy lên lưng ngựa và chạy về mấy hướng khác nhau.
Bất cứ nơi nào họ đi ngang qua, công việc dựng trại liền bị đình chỉ và cùng với tiếng trống, tiếng kèn, tất cả chạy đến nơi đặt vũ khí của mình. Một cảnh tượng hoảng loạn xảy ra với người lính chạy qua chạy lại, rồi dần dần trật tự được thiết lập, mọi người đứng vào hàng ngũ, kèn và trống liền im tiếng.

Một tiếng trống đáp lại từ sau những dãy tường thành rồi cùng ngưng bặt và một cảnh im lặng nặng nề trải dài trên đồng bằng.
Thế là một mệnh lệnh chính xác, rõ ràng và rắn rỏi vang lên. Từ nơi bà đứng, hoàng hậu không thể nghe những lời này, nhưng ngay khi đó bà thấy các đội quân xếp thành từng hàng, bà đưa khăn tay lên vẫy con, vị vua trẻ nôn nóng la lên, vừa dậm chân: Tiến lên! Tiến lên!

Quân đội đáp lại bằng một tiếng hô duy nhất: Đức vua muôn năm! Rồi một đoàn tiến lên trước đến dừng lại nơi một mô đất nhỏ, và sau những tiếng súng, hàng ngũ dãn ra.
Có lẽ Richon đã tự đặt cái luật là không nổ súng trước lúc lên, lần này cũng vậy, ông chờ cho quân đội hoàng gia khiêu khích trước, và cũng như lần đầu tiên, một hàng những mũi súng từ trên mặt thành chĩa xuống bên dưới.

Ngay khi đó, sáu khẩu thần công nổ cùng một loạt và người ta thấy đất đá cùng gỗ của pháo đài kia bắn lên mù trời.
Không phải chờ đợi lâu câu trả lời, đội thần công trên thành cũng nổ vang, đào những khoảng trống trong hàng ngũ đội quân hoàng gia, nhưng sau mệnh lệnh của viên chỉ huy, những khoảng trống đó mau biến đi mất và hàng người tiếp tục tiến lên.
Đến lượt những cây súng dài nã đạn trong khi chờ đợi nạp đạn mới vào các khẩu thần công.

Năm phút sau hai bên lại nã đạn vào nhau gần như cùng một lúc, chẳng khác gì hai cơn dông cùng chống lại nhau như hai tiếng sấm phát ra cùng một lúc.

Và vì thời tiết yên tĩnh, trên không trung không có một ngọn gió nào nên khói súng bao phủ toàn cảnh chiến trường, binh sĩ của cả hai bên cùng biến mất và một đám mây mù chỉ thỉnh thoảng xé tan bởi những ánh chớp lửa của các khẩu thần công.
Thỉnh thoảng từ những đám mây người ta thấy phía sau của đội quân hoàng gia sót lại vài người lính lảo đảo cố lê bước rồi ngã xuống với những vệt máu khá dài.

Chẳng bao lâu, số người bị thương tăng nhanh, tiếng thần công và tiếng súng vẫn tiếp tục. Thế nhưng các nòng súng bên quân đội hoàng gia chỉ bắn hú họa và ngập ngừng, bởi vì giữa những đám khói dày đặc ấy chẳng còn có thể phân biệt đích xác nơi bắn. Còn phía trong thành, bởi vì họ có ngay trước mặt mình là kẻ thù nên những phát súng lại gấp rút và dữ dội hơn bao giờ hết.

Cuối cùng, bên quân đội đức vua dứt hẳn tiếng súng, rõ ràng là họ đang leo vào thành và đang chiến đấu xáp lá cà.
Khói súng tan dần và những người chứng kiến trải qua một khoảnh khắc lo âu. Mọi người đều thấy đội hoàng gia đẩy lùi một cách lộn xộn, để lại dưới chân thành đầy những xác chết. Có những mảnh tường thành bị phá hủy để lộ vài lỗ hổng, những lỗ hổng ấy dầy đặc những mũi súng và mũi giáo, và những người đó là Richon, thân hình đầy máu me nhưng bình tĩnh và lạnh lùng như đang chứng kiến một tấn bi kịch nào đó, tay cầm một cây rìu đầy máu.

Dường như người đó, luôn luôn đứng giữa làn đạn, được che chở bởi một thứ yêu thuật, ông không trúng một mảnh đạn nào, không trúng một nhát thương nào, thản nhiên và không thể nào chiếm lại.
Đã ba lần thống chế De La Meilleraye hô quân xung phong, ba lần đội quân hoàng gia đều bị đẩy lùi ngay trước mắt đức vua và hoàng hậu.

Những giọt lệ lặng lẽ chảy dài trên đôi má của vị vua trẻ. Anne D'Autriche vặn hai bàn tay vào nhau vừa lẩm bẩm:
"Ôi, tên kia! Tên kia! Nếu mi rơi vào tay ta thì ta sẽ cho biết tay".
May sao, màn đêm buông xuống thật nhanh, thống chế De La Meilleraye ra lệnh rút.
Cauvignac rời vị trí quan sát của mình bước xuống khỏi mô đất cao, băng qua cánh đồng tiến về phía ngôi lữ quán của Biscarros.

- Thưa hoàng hậu. - Mazarin vừa nói vừa đưa tay chỉ Cauvignac - Đó là người có thể tránh cho ta khỏi phải đổ biết bao nhiêu máu chỉ với một ít vàng thôi.
- Kìa! - Hoàng hậu nói - Ngài hồng y, đây có phải là lời khuyên của một người vốn tiết kiệm như ngài không?
- Thưa hoàng hậu, đúng vậy, tôi biết giá trị của vàng, nhưng tôi cũng biết giá trị của máu nữa, nhưng hiện tại thì máu đắt hơn vàng.

- Ông cứ yên tâm. - Hoàng hậu trả lời - Máu đổ ra sẽ rửa được hận. Này, Cominges. - Bà nói tiếp vừa quay về phía viên đội phó đội cận vệ - Hãy đi gọi ngài De La Meilleraye về đây cho ta.
- Còn ngươi, Berdouin - Ngài hồng y nói với người hầu của mình, vừa đưa tay chỉ về phía Cauvignac đang chỉ cách quán Con Bê Vàng vài bước - ngươi thấy người đàn ông đó chứ?

- Vâng, thưa đức ông.
- Đấy, hãy đến bảo rằng ta cần gặp hắn, và đêm nay hãy kín đáo đưa hắn vào phòng ta.
Hôm sau buổi gặp gỡ với người yêu tại nhà thờ De Cambes, phu nhân De Cambes đến trình diện bà quận chúa với ý định thức hiện lời nàng đã hứa với Canolles.

Khắp thành phố đều đang nhốn nháo: Người ta vừa nhận được tin báo rằng đức vua đã đến gần Vayres và cùng với tin đó là hành động chống trả dũng cảm của Richon, chỉ với năm trăm người thôi đã hai lần đẩy lùi được đội quân mười hai ngàn của đức vua. Phu nhân quận chúa là một trong những người đầu tiên nhân được tin báo, và trong lúc vui mừng, bà đã vỗ tay kêu lên:
- Ôi! Phải chi ta có một trăm người chỉ huy như Richon!

Nữ tử tước De Cambes cũng góp vào với những lời khen ngợi đó, vui mừng vì có thể khen ngợi trước mặt mọi người, tư cách của một người mà nàng rất quý mến, và hơn nữa đây sẽ là một dịp rất tốt để nàng trình bày nguyện vọng của mình.

Nhưng đang khi ấy phu nhân quận chúa có quá nhiều mối lo âu để Claire dám nghĩ đến chuyện trình bày tâm tư. Vấn đề khi đó phải làm sao gởi quân cứu viện đến cho Richon, vì sắp tới đây, đội quân của ngài D'Epernon sẽ đến hợp lực với quân đội hoàng gia. Ban tham mưu đang bàn đến việc cứu viện và nhận thấy rằng tình hình chính trị lấn át mọi chuyện riêng tư nên Claire trở về với cương vị một nữ cố vấn và cả ngày hôm đó, chẳng có một lời nào nhắc đến Canolles.

Một lá thư ngắn nhưng âu yếm báo cho người tù binh biết về sự chậm trễ, nhưng lần hứa hẹn này không còn làm cho chàng đau khổ nữa. Chàng đã được lời hứa: Claire xin chàng kiên nhẫn chờ đợi và chàng chờ đợi trong hạnh phúc.

Ngày hôm sau, sự chi viện được chuẩn bị xong xuôi, vào lúc mười một giờ trưa, đoàn người xuống thuyền để ngược dòng sông, nhưng vì có giờ và nước chảy xiết nên mọi người tính toán rằng dù có nhanh cách mấy đi nữa thì chỉ có thể đến vào ngày hôm sau. Đại úy Ravailly, người chỉ huy đoàn quân cũng nhận được lệnh thăm dò thành lũy Bordeaux thuộc về đức vua mà mọi người biết rằng chưa có tổng đốc.

Phu nhân quận chúa dùng hết buổi sáng vào việc chuẩn bị để lên đường của đám cứu viện. Buổi chiều bà phải tham dự một cuộc họp tham mưu, mục đích là chống trả với sự kết hợp của hai đội quân hoàng gia và D'Epernon.

Bởi vậy, Claire buộc phải chờ đợi đến ngày hôm sau nữa và đến khoảng bốn giờ chiều nàng có dịp ra một dấu hiệu nhỏ cho Canolles vừa đi ngang qua bên dưới cửa sổ nhà nàng, cử chỉ ấy biểu hiện bao nhiêu là luyến tiếc và yêu thương khiến cho Canolles cảm thấy gần như sung sướng vì cảnh chờ đợi.

Thế nhưng tối đến, để được biết chắc rằng sự chậm trễ này không thể kéo dài lâu hơn, Claire hỏi xin quận chúa ngày mai cho mình được hội kiến riêng, và chắc chúng ta cũng hiểu, nàng không bị từ chối.

Đến giờ đã định, Claire vào trình diện bà quận chúa và được tiếp đón với nụ cười thân thiết nhất. Chỉ có một mình bà, như Claire đã yêu cầu như vậy.

- Sao, em thân yêu! - Phu nhân quận chúa nói với nàng - Có việc gì quan trọng mà em lại muốn được nói chuyện riêng với ta, trong khi em cũng biết rằng ta luôn luôn sẵn sàng với mọi người bạn hữu?

- Thưa phu nhân. - Nàng tử tước nói - Em đến xin phu nhân ném cho em một ánh mắt thương tưởng đến kẻ bầy tôi trung thành đang cần có một chút hạnh phúc riêng tư.

- Rất vui lòng, Claire yêu quý của ta, và chẳng có hạnh phúc nào trên đời này có thể sánh với hạnh phúc mà ta cầu mong cho em. Vậy em hãy nói đi... Em yêu cầu điều gì? Và nếu việc đó thuộc khả năng của ta, thì hãy tin chắc rằng em sẽ được như ý.
- Là một người vợ góa tự do, sự tự do ấy đè nặng lên em hơn là bất cứ cảnh nô lệ nào, nên em muốn đánh đổi sự cô đơn lấy một cuộc sống dễ chịu hơn.

- Như vậy có nghĩa là em muốn lấy chồng, có phải vậy không? - Phu nhân De Condé hỏi.
- Vâng. - Claire đỏ mặt trả lời.
- Việc này đáng được ta quan tâm đến.

Claire phác một cử chỉ.
- Em yên tâm chúng ta sẽ tôn trọng sự kiêu hãnh của em, tử tước à, chồng em phải là một vị công khanh. Ta sẽ kiếm cho em một vị giữa đám cận thần của ta.
- Phu nhân quan tâm quá! - Nữ tử tước trả lời - Và em không muốn làm phiền đến phu nhân.

- Nhưng ta thì lại muốn như vậy, bởi vì ta có bổn phận mang đến cho em hạnh phúc đó để đền bù cho sự trung thành của em, thế nhưng em sẽ chờ đến khi hết chiến tranh chứ?
- Em không muốn chờ đợi lâu nữa, thưa phu nhân. - Claire mỉm cười trả lời.
- Em nói cứ như là em đã chọn lựa rồi, như là em đã có sẵn người chồng mà em muốn hỏi ta.
- Vâng, quả thật là như phu nhân vừa nói.

- Thế à, nhưng kẻ diễm phúc đó là ai vậy? Hãy nói đi, đừng e sợ gì cả.
- Ôi, thưa phu nhân! - Claire nói - Nhưng không hiểu sao em run quá.
Bà quận chúa mỉm cười, nắm bàn tay Claire và dẫn đến gần bên bà.
- Em trẻ con thật! - Bà nói với nàng. Rồi nhìn nàng với một ánh mắt khiến làm tăng thêm sự bối rối của nàng, bà hỏi - Ta có biết người đó không?

- Em tin rằng phu nhân đã nhìn thấy người đó nhiều lần.
- Có lẽ người đó còn trẻ lắm nhỉ?
- Hai mươi tám tuổi.
- Gia đình danh giá?

- Chàng là một nhà quý tộc.
- Một con người anh dũng?
- Danh tiếng chàng được mọi người biết đến.
- Người ấy giàu có?

- Em cũng đã giàu rồi.
- Phải, em à, chúng ta không quên điều đó đâu. Em là một trong những lãnh chúa giàu nhất của chúng ta và chúng ta luôn nhớ rằng những đồng tiền của ngài De Cambes và những tá điền thuộc nhà em đã hơn một lần cứu chúng ta khỏi cảnh khó khăn.

- Lời phu nhân nói khiến cho em cảm thấy vinh dự vì đã được phục vụ người.
- Được rồi. Nếu người đó chỉ là đại úy thì chúng ta sẽ đưa lên làm đại tá, và sẽ đưa lên chức tướng nếu anh ta là đại tá, bởi vì anh ta là một người trung thành chứ?

- Chàng hiện thời đang ở Lens, thưa phu nhân. - Claire trả lời, tránh trả lời câu hỏi.
- Hay lắm! Bây giờ chỉ có một điều ta cần biết.
- Điều gì, thưa phu nhân?

- Tên của con người may mắn đã chiếm đoạt được trái tim và chẳng bao lâu sẽ làm chủ người chiến sĩ đẹp nhất của quân đội ta.
Claire bị đẩy lùi đến mức phòng thủ cuối cùng, gom hết can đảm để chuẩn bị nói lên cái tên nam tước De Canolles, thì bỗng nhiên tiếng vó ngựa vang lên dưới sân, theo sau là tiếng xôn xao bàn tán về những tin tức quan trọng.

Nghe những tiếng ồn ào đó, quận chúa phu nhân chạy đến bên cửa sổ. Người đầy mồ hôi và bụi bặm, người liên lạc nhảy xuống ngựa kể lể chi tiết về một vấn đề gì đó với những người tò mò đang vây quanh. Quận chúa không thể kềm hãm lâu hơn tánh tò mò, bà mở cửa sổ.

- Để cho y lên! - Bà nói lớn.
Người liên lạc ngẩng đầu lên, nhận ra quận chúa và chạy vội lên thang. Năm phút sau, y bước vào phòng, người đầy bụi đất, đầu tóc rối bù, giọng nghẹn lại:
- Thưa phu nhân, xin thứ lỗi cho tôi vì đã trình diện người trong trạng thái này, nhưng tôi mang đến đây một tin trọng đại: Vayres đã đầu hàng rồi!

Quận chúa nhảy lùi một bước, Claire thất vọng buông tay xuống. Lenet vừa theo vào sau người liên lạc, cũng tái mặt.
Năm sáu người khác quên mất, trong chốc lát, sự kính trọng dành cho vị quận chúa, cũng đã ùa vào phòng và câm lặng vì sững sờ.

- Ông Ravailly! - Lenet nói, bởi vì người liên lạc đó không ai khác hơn là viên đại úy đội trưởng đoàn Navailles - Xin ông hãy nhắc lại điều ông vừa nói, vì tôi không thể nào tin được.
- Thưa ông, tôi xin nhắc lại: Vayres đã đầu hàng rồi!

- Đầu hàng! - Phu nhân quận chúa kêu lên, còn đoàn quân cứu viện của ông thì sao?
- Đến muộn quá, thưa phu nhân! Richon đã đầu hàng ngay khi chúng ta vừa đi đến.
- Richon đầu hàng! - Quận chúa kêu lên - Tên hèn nhát! - Tiếng hét của bà quận chúa khiến cho mọi người có mặt ở đó phải rùng mình, thế nhưng tất cả đều im lặng, ngoại trừ Lenet.

- Thưa phu nhân. - Ông nói một cách nghiêm khắc và chẳng nể nang vì lòng kiêu hãnh của bà quận chúa - Xin phu nhân đừng quên rằng danh dự của người bề tôi là tùy thuộc vào lời nói của các quân vương, cũng như mạng sống của họ tùy thuộc vào Thượng đế. Xin đừng gọi người bề tôi dũng cảm nhất của phu nhân là hèn nhát, nếu không, mai đây những kẻ trung thành nhất cũng sẽ bỏ đi khi thấy phu nhân đối xử như vậy với người bạn của họ và phu nhân sẽ cô độc, sẽ bị chê bai và sẽ phải nhận lấy thiệt thòi.

- Kìa ông Lenet! - Quận chúa nói.
- Thưa phu nhân. - Lenet lại nói - Tôi xin nhắc lại với phu nhân rằng Richon không phải là một người hèn nhát, rằng tôi xin lấy danh dự của tôi ra mà bảo đảm cho anh ta, và nếu anh ta đầu hàng, thì chắc chắn là anh ta không thể nào làm khác hơn.
Bà quận chúa tái đi vì giận dữ, đã toan ném vào mặt Lenet một trong những câu nói điên cuồng quá đáng của kẻ bề trên, tin rằng có thể thắng lý lẽ bằng thái độ cao ngạo của mình, nhưng trước con người đang quay lưng lại với bà, trước những ánh mắt né tránh ánh mắt của bà, trước Lenet, đang ngẩng cao đầu và Ravailly đầu cúi thấp, bà hiểu rằng đúng là bà sẽ thua cuộc nếu cứ đeo đuổi phương pháp cay nghiệt này. Thế là bà lại dùng đến lý lẽ thường tình của mình.

- Ôi, đau đớn thay cho ta! - Bà than thở - Tất cả đều bỏ rơi ta rồi, số phận cũng như bạn bè! Ôi, con ơi, đứa con đáng thương của ta ơi, số phận của con rồi cũng như cha con.
Tiếng kêu yếu đuối của người phụ nữ, nỗi đau khổ của một người mẹ luôn luôn đánh động đến mọi tâm can. Bà quận chúa đã nhiều lần thành công với vai đó và lần này cũng vậy.

Trong khi ấy, Lenet đang nghe Ravailly tả lại chi tiết về sự đầu hàng của Vayres.
- Phải rồi. Đúng như ta đã nghĩ! - Một lát sau ông ta kêu lên.
- Ông đã nghĩ như thế nào đây? - Bà quận chúa hỏi.

- Thưa phu nhân, tôi đã nghĩ rằng Richon không phải là một tên hèn nhát.
- Làm sao mà ông biết được?
- Bởi vì anh ta cầm cự hai ngày hai đêm, anh ta sẵn sàng để mình chôn mình vùi dưới đất đống gạch vụn, nếu không có một nhóm người phản phúc đã nổi loạn và buộc anh ta phải đầu hàng.
- Thưa ông, y nên chết chứ không nên đầu hàng. - Bà quận chúa nói.

- Thưa phu nhân, có phải ta có thể chết lúc nào ta muốn đâu? - Lenet nói - Nhưng ít ra... - Ông ta quay về phía Ravailly và nói tiếp - Anh ta là tù binh được bảo đảm với những điều kiện của mình chứ?
- Tôi e là không. - Ravailly đáp lại - Tôi được nghe nói rằng có một viên phó tổng đốc đứng ra thương lượng, như vậy có nghĩa là hình như có kẻ phản bội, và thay vì có quyền đưa ra điều kiện của mình, Richon đã bị giao nạp.

- Phải, phải lắm! - Lenet kêu lên - Bị phản bội, bị giao nạp, chính vậy. Tôi rất biết Richon, và tôi biết anh ta không bao giờ, tôi không nói tiếng hèn nhát, mà là tiếng yếu đuối. Đấy thưa phu nhân, phu nhân có nghe không, bị phản bội, bị giao nạp, nào chúng ta hãy mau mau lo cho anh ta. Một viên phó tổng đốc đứng ra thương lượng, phải không ông Ravailly? Một tai họa đang treo trên đầu Richon. Thưa phu nhân, hãy viết nhanh lên, tôi van phu nhân hãy viết.

- Ta! - Bà quận chúa chua chát nói - Ta phải viết à, mà viết để làm gì?
- Để cứu Richon, thưa phu nhân.
- Sao? Khi đã đầu hàng thì phải lo liệu trước đến những biện pháp an toàn chứ!

- Nhưng chẳng lẽ phu nhân lại không nghe thấy rằng Richon không đầu hàng hay sao? Phu nhân không nghe những gì ông đại úy đây vừa nói: Bị phản bội, bị giao nạp hay sao? Rằng chính một viên phó đứng ra thương lượng chứ không phải anh ta hay sao?
- Thế ông nghĩ người ta sẽ làm gì với Richon của ông chứ? - Quận chúa hỏi.

- Làm gì à? Chẳng lẽ phu nhân lại quên rằng chúng ta đã sử dụng mưu mẹo nào để đưa anh ta vào Vayres hay sao? Chẳng lẽ phu nhân lại quên rằng chúng ta đã dùng một tờ khống chỉ của ngài D'Epernon cho chức vụ của anh ta hay sao? Rằng chính anh ta đã chống lại quân đội hoàng gia do chính đức vua và hoàng hậu chỉ huy hay sao? Rằng chính Richon là người đầu tiên đã giương cao ngọn cờ chống đối hay sao? Và phu nhân, xin phu nhân hãy viết ngay cho ngài De La Meilleraye, xin hãy gởi đi một người liên lạc, một viên sứ giả.

- Vậy, chúng ta sẽ giao cho người liên lạc, viên sứ giả đó nhiệm vụ gì?
- Ngăn cản với bất cứ giá nào cái chết của một viên chỉ huy tài ba, bởi vì nếu phu nhân không hành động nhanh. Ôi! Tôi biết rõ hoàng hậu thưa phu nhân, có lẽ người liên lạc của chúng ta sẽ đến quá muộn!

- Quá muộn! - Bà quận chúa nói - Chúng ta không có con tin hay sao? Chúng ta đã không giam giữ ở Montrond và cả ở đây những viên sĩ quan của nhà vua hay sao?
Claire hoảng hốt đứng bật dậy:

- Ô, thưa phu nhân! Thưa phu nhân! - Nàng kêu lên - Xin phu nhân hãy làm như ông Lenet vừa nói: Hành động trả thù sẽ không mang lại tự do cho ông Richon đâu.
- Đây không phải là vấn đề tự do. - Lenet nói - Đây là vấn đề mạng sống.

- Thì sao? - Bà quận chúa nói - Họ làm gì thì chúng ta sẽ làm y như vậy: Nhà tù đổi nhà tù, thòng lọng đổi thòng lọng.
Claire kêu lên một tiếng và quỳ xuống:
- Ôi, thưa phu nhân! Ông Richon là một người thân thiết của em. Khi nãy em đến đây đển xin phu nhân một ân huệ và phu nhân đã hứa chấp thuận. Bây giờ thì em xin phu nhân hãy sử dụng quyền hạn của mình để cứu Richon.

Claire đang quỳ dưới đất. Bà quận chúa nắm lấy cơ hội này để chấp thuận những lời thỉnh cầu của Claire thay vì phải nghe theo những lời khuyên khô khan của Lenet. Bà đến bên bàn, lấy bút và viết cho ông De La Meilleraye một lá thư, xin đổi Richon lấy một trong những viên sĩ quan của đứa vua mà bà đang cầm tù, theo sự lựa chọn của hoàng hậu. Viết xong, bà đưa mắt tim một kẻ sẽ mang thư đi. Thế là, mặc dù hãy còn đau đớn vì vết thương cũ và vô cùng mệt mỏi, Ravailly xin nhận lãnh sứ mạng với đòi hỏi duy nhất là xin được một con ngựa khỏe mạnh. Bà quận chúa cho phép chàng đến chuồng ngựa của bà chọn một con vừa ý, và viên đại úy lên đường.

Một lát sau, đám đông dân chúng, được biết sứ mạng của Ravailly, xúm đến chung quanh ngôi nhà và vui mừng hô vang:
- Phu nhân quận chúa! Ngài quận công D'Enghien!
Bực bội vì phải ra mặt hàng ngày trước đám đông và vì những lần xuất hiện ấy giống như những mệnh lệnh truyền hơn là những lời tung hô, bà quận chúa đã toan từ chối ý muốn của dân chúng, nhưng đám đông vẫn ngoan cố, và chẳng bao lâu những tiếng reo biến thành những tiếng gào thét.

- Nào! - Phu nhân nói và nắm tay con trai - Chúng ta ra mặt thôi! Chúng ta chẳng còn những tên nô lệ phải tuân lời!
Và tạo cho khuôn mặt một nụ cười duyên dáng nhất, bà hiện ra trên bao lơn và chào đám đông mà bà vừa là nữ hoàng, vừa là nô lệ.

Mục lục
Ngày đăng: 24/05/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục