Gửi bài:

Chương 26

Tháng Mười một kết thúc với việc hoàn thành bức tượng 21, đưa tổng số lượng đã làm xong trong tháng lên tới bảy.

Bức tượng thứ 20 và 19 được hoàn thành trong tuần đầu tiên của tháng Mười hai. Bức tượng thứ 18 xuất hiện vào tuần thứ hai. Việc chuẩn bị cho các tác phẩm điêu khắc đá ngày càng kéo dài, nhưng giường cô vẫn trống không kể từ cái đêm cô kể cho tôi nghe về Brandeis. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ chỉ bao gồm có ba hành động. Cô tạc tượng và quên tất cả mọi thứ, còn tôi thì nhìn.

Tôi nhìn cô bơ Bougatsa đi; cô quên không giúp tôi tắm. Tôi nhìn cô gạt hết các đĩa thức ăn tôi chuẩn bị cho cô sang một bên; cô quên không bỏ quà vào đôi giày đặt trên bậu cửa sổ cho lễ thánh Nick của tôi. Tôi nhìn cô hút hàng trăm điếu thuốc lá một ngày; cô quên không đổi bất cứ album nào trong đĩa. Tôi nhìn cô ăn vã hàng bình cà phê hòa tan; cô quên không lau máu dính trên ngón tay. Tôi nhìn thân thể của cô cứ héo mòn đi, tôi nhìn má cô hóp lại, tôi nhìn mắt cô ngày càng nhiều quầng thâm đen hơn; cô quên cách sắp xếp từ ngữ để nói một câu hoàn chỉnh.

NGƯƠI LÀ Tôi không phải ĐỒ VÔ DỤNG.

Tôi khẩn khoản xin cô nghỉ một chút, nhưng cô cứ khăng khăng nói rằng mình không còn thời gian nữa. Giờ không chỉ những bức tượng mà cả Ba Vị Chủ Nhân của cô cũng đang thúc giục cô làm việc nhanh lên.

Tôi gọi Gregor và Sayuri vì tôi chẳng biết phải làm gì khác. Họ cố gắng nói lý với cô, nhưng họ cũng chỉ như đang nói chuyện với bức tường mà thôi. Tôi thậm chí còn không chắc Marianne Engel biết họ đang ở trong phòng với cô. Khi tôi cầu viện sự giúp đỡ của Jack, bà đã chuyển sang chủ đề chuyện này ảnh hưởng đến bà như thế nào. "Tôi chẳng còn chỗ trống ở triển lãm nữa còn cô ấy thì cứ tiếp tục gửi mấy bức tượng này. Nó chẳng có vẻ gì là hàng chạy mùa Giáng sinh cả, anh cũng biết đấy." Tôi dập mạnh ống nghe xuống rồi đi thẳng tới chỗ hộp morphine để tìm chút thanh thản.

Tôi phải thuê thợ đến khiêng những bức tượng thừa ra để ở sân sau. Tôi phản đối việc này, mong rằng cái xưởng làm việc chật ních sẽ làm Marianne Engel phải dừng lại, nhưng cô cứ cương quyết bắt tôi làm thế. Khi tôi phản đối thì cô bắt đầu thét vào mặt tôi bằng thứ ngôn ngữ tôi chẳng hiểu nổi, và tôi đã thua. Rõ ràng một chuyện gì đó rất khủng khiếp sắp xảy ra.

"Cô không thể cứ tiếp tục làm việc như thế này được."

"Những con quái vật là điềm gở của thần thánh."

"Người cô máu me bê bết hết rồi. Để tôi giúp cô tắm một chút."

"Máu của sự sống."

"Sao cô không ăn cái gì đi?" tôi dụ dỗ. "Cô đang ngày càng yếu đi đấy."

"Tôi đang dần đạt tới sự hư vô tuyệt đối. Đó là vinh quang."

"Nếu ốm bây giờ, cô sẽ không giúp bọn quái vật thoát ra khỏi đá được đâu."

"Nếu ốm bây giờ, tôi sẽ thấy hạnh phúc vì Chúa đã nhớ đến tôi."

Cô không chịu lên tầng trên, để tắm, hoặc để ngủ, vì thế khi cô đang nằm ngủ trên những tảng đá để chờ nhận chỉ dẫn, tôi mang một xô nước ấm và xà phòng xuống tầng hầm. Nếu cô không chịu tắm rửa, tôi sẽ tắm rửa cho cô.

Miếng bọt biển chà lên xương sườn cô như một cái ô tô chạy trên đường gập ghềnh ổ gà. Những giọt nước màu xám rỏ xuống từ thân thể cô, rơi xuống sàn nhà và làm thành những hình thù kỳ dị giữa đám bụi đất. Con Bougatsa gắt nhặng lên ở trong góc. Khi tôi lật cô sang một bên để dễ kỳ cọ phần lưng, hình xăm cánh thiên thần trên lưng gần như chùng xuống trên lớp da bèo nhèo của cô. Jack chẳng làm gì giúp tôi, nhưng bà cũng không thể không để ý đến tốc độ tạc tượng kinh hoàng ấy chứ, cả đống tượng làm ngập hết cả phòng triển lãm của bà rồi còn gì. Jack càng chậm đáp lại đề nghị giúp đỡ mà tôi không thèm nói ra, tôi càng thêm ức chế. Khi không thể nhịn thêm được nữa, tôi bổ nhào vào cửa tiệm của bà, thậm chí chả thèm chào hỏi, bắt bà phải làm gì đó.

"Anh trông mong tôi làm được cái gì cơ chứ?" Jack nói. "Cô ấy quan tâm đến anh nhiều ơn tôi hàng tỷ lần, thế mà anh cũng chẳng bắt cô ấy dừng lại được. Vì thế cứ lo mà dỗ cho cô ấy ăn uống, rồi đợi cho đến khi cô ấy kiệt sức là xong."

"Thế hả?" tôi hỏi. "Bà đang kiếm được hàng đống hợp đồng, và đó là tất cả những gì bà có thể nói đấy hả?"

"Lạy Chúa, anh đúng là một thằng khốn." Jack chọc vào vai tôi bằng cái bút đang cầm. "Cô ấy có uống thuốc không?"

Tôi giải thích rằng tôi đã cố trộn thuốc vào chỗ bột cà phê của cô nhưng cô đã phát hiện ra trò lừa gạt. Cô huỳnh huỵch đi thẳng lên tháp chuông quăng cái bình qua đầu tôi, khiến nó va vào tường vỡ nát. "Bà có biết quét hết bột cà phê ra khỏi giá sách khổ thế nào không?"

Jack gật đầu. "Lần tôi cố lén cho cô ấy uống thuốc, cô ấy đã không nói chuyện với tôi suốt ba tháng trời. Cô ấy tưởng tôi cũng là một phần trong kế hoạch chống lại cô ấy."

Biết rằng Jack cũng đã cố thử cái trò đó làm tôi dịu đi phần nào. Chúng tôi kết thúc cuộc nói chuyện khá lịch sự, và Jack hứa sẽ ghé qua pháo đài tối hôm đó.

Bà mang đồ ăn mà Marianne Engel có thể thấy rõ là không hề trộn thuốc - bánh mì, hoa quả, pho mát, vân vân và vân vân - và cố kéo cô cùng nói chuyện. Chẳng tác dụng gì. Marianne Engel rất tức giận với chúng tôi vì đã làm phiền cô, cô đứng dậy bẻ chỗ bánh mì thành hàng trăm mảnh rồi thả xuống cùng đống vụn đá trên sàn nhà, rồi vặn volume đài lên tới mức chúng tôi không chịu được nữa và phải chạy luôn. Đang trèo lên cầu thang, tôi nghe thấy tiếng cô phấn khích nói một mình bằng tiếng Latin.

Dù chúng tôi chẳng hề làm được gì nhưng mọi nỗ lực cố gắng cũng đã vắt kiệt sức chúng tôi. Jack và tôi ngồi im lặng trong phòng khách đến mười lăm phút. Rốt cuộc tôi cũng nhận ra không phải Jack chẳng quan tâm, đơn giản là vì bà - trước kia từng nếm mùi chuyện này rồi - thực sự biết chúng tôi không thể làm gì để thay đổi tình hình cả. Tuy thế, khi ra về, Jack đã nói, "Mai tôi sẽ quay lại."

Sáng hôm sau, tôi thấy Marianne Engel nằm ườn ra trên bức tượng sắp hoàn thành số 17. Tôi quàng tay quanh người cô còn cô chẳng còn hơi sức đẩy tôi ra nữa dù đã cố hết sức. "Không, tôi còn phải làm cái tiếp theo nữa." Cô thực sự quyết tâm nhưng cô chẳng còn chút sức lực để chống lại tôi nữa, và tôi giúp cô lên cầu thang.

Tôi lại xả sạch bụi, mồ hôi và máu khỏi người cô, trong khi cô mệt mỏi tựa đầu vào thành bồn tắm như một con rối dây không có chủ điều khiển. Cô cứ liên tục nói với tôi, suốt lúc tắm rửa và cả khi tôi giúp cô lên giường, rằng cô phải quay lại xưởng. Nhưng chỉ sau vài giây chạm vào chăn nệm, cô đã ngủ.

Marianne Engel vẫn còn mê man khi Jack đến vào tối hôm đó. Thấy mình lại ở một mình với bà Meredith, tôi khui một chai rượu bourbon mới ra.

Jack kể cho tôi nghe về những khách mua tượng gargoyle. Những cái tên thật ấn tượng: các thương gia thành đạt, chính khách, nhà bảo hộ nghệ thuật lừng danh, kể cả những nhân vật tiếng tăm trong ngành giải trí. Tôi nhận ra một số lượng lớn các tên tuổi đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc và các diễn viên hạng A ở Hollywood, cả một nhà văn gần như được cả thế giới coi là vua của thể loại truyện kinh dị nữa. Một đạo diễn, nổi tiếng với những bộ phim lãng mạn về mấy kẻ bị xã hội ruồng bỏ, đã mua ít nhất là nửa tá tượng. (Với mớ tóc đen bù xù và khuôn mặt nhợt nhạt như xác chết, tôi nghĩ ông ta sẽ rất dễ bị nhầm là người anh cùng cha khác mẹ mắc bệnh thiếu máu của Marianne Engel.) Dù không ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà thờ mua các gargoyle của cô, tôi không hề nghĩ rằng nhiều trường đại học cũng là khách hàng quen của cô.

Jack ăn gần hết chỗ đồ ăn Trung Hoa mà chúng tôi đã đặt, nốc hết cốc rượu này đến cốc rượu khác để trôi thức ăn. Bà lau sạch chỗ nước xốt dính trên miệng mình bằng mặt sau của ống tay áo và hỏi có phải cái ấy của tôi đã thực sự mất rồi không. Khi tôi xác nhận rằng nó không còn nữa, bà xin lỗi vì trước kia đã nói đùa về chuyện đó. Tôi chấp nhận lời xin lỗi với tất cả những cử chỉ lịch thiệp nhất tôi có thể nghĩ ra và bà thậm chí đã rơm rớm nước mắt; tôi phát hiện ra rằng rượu - như nó vẫn gây ra cho cả những đệ tử lưu linh kỳ cựu nhất - có thể làm bà trở nên tình cảm hơn. Khi tôi hỏi xem Jack đã chuẩn bị gì cho Giáng sinh chưa, bà trả lời bằng cách thuật lại chuyện đời mình.

Bà có bầu khi vẫn còn là trẻ vị thành niên và đã sinh một cậu con trai. Ted, giờ khoảng ba mươi tuổi. Jack đã cưới cha Ted, một kẻ bạo lực và suốt ngày rượu chè be bét, bà đã sống với ông ta vì có vẻ bà chẳng có sự lựa chọn nào khác. Bà đã cố gắng tốt nghiệp trung học, nhưng đại học thì chẳng cần nói cũng biết. Khi Jack mang bầu lần hai, lão chồng đã buộc tội bà đang cố hủy hoại đời lão: "Cô lại dính lần nữa, dù chúng ta chẳng có tiền. Con khốn!" Ted, lúc ấy sáu tuổi, phải chứng kiến cảnh người mẹ bụng mang dạ chửa bị bố đánh ít nhất một tuần một lần trong suốt thai kỳ.

Vào một buổi tối khi Jack đang ở tháng mang thai thứ bảy, chồng bà đã cho bà một trận thừa sống thiếu chết. Khi lão ta xỉn quắc cần câu, Jack đã sắp ít đồ đạc và mặc quần áo ấm cho bé Ted. Bà đặt thằng bé ra chỗ cửa ra vào rồi quay lại phòng ngủ với một cái chảo rán trong tay, đập thẳng vào đầu chồng. Bà bảo làm thế để chắc chắn lão ta không tỉnh dậy và đuổi theo, nhưng tôi ngờ lý do chủ yếu bà ra tay là bởi nó làm bà dễ chịu. Suốt mấy ngày liền, bà nói, bà đã xem các báo địa phương để biết liệu mình có giết lão không. Khi không có lời cáo phó nào đăng lên, bà cảm thấy nhẹ cả người nhưng cũng thấy hơi thất vọng một chút.

"Sau khi bỏ chồng, tôi thỉnh thoảng cũng lo rằng lão sẽ chực chờ ở bệnh viện của mẹ tôi. Bà ấy bị mắc chứng tâm thần phân liệt," Jack nói. "Nhưng tôi không bao giờ gặp lại lão khốn ấy thêm lần nào nữa. Không có gan làm một kẻ đeo bám, tôi đoán thế."

Việc mẹ Jack là bệnh nhân tâm thần phân liệt đúng là một bất ngờ. Liệu điều đó có quan hệ gì với Marianne Engel không? Thực sự là có.

"Tôi yêu mẹ và phải đến thăm bà ấy, đặc biệt khi không có ai khác làm thế. Cha tôi đã bỏ mẹ tôi đi lâu rồi. Tôi nghĩ ông ấy không thể chịu cảnh phải nhìn người phụ nữ mình yêu trở nên điên loạn."

Tôi đưa ra vài nhận xét nho nhỏ rằng có vẻ cuộc đời bà cũng gặp nhiều trắc trở.

"Quá đúng ấy chứ. Tất cả những gã đàn ông xuất hiện trong cuộc đời tôi đều thối nát đến nỗi khi Ted lớn lên," Jack thú nhận, "tôi đã thầm mong nó sẽ thành một đứa đồng tính."

"Và?"

"Không được may đến thế," bà làu bàu, đổ đầy bourbon vào cốc.

"Ồ, đừng nên từ bỏ hy vọng," tôi nói, cố tỏ vẻ tử tế.

"Phải, thế nào cũng được." Bà lại làm một ngụm tướng nữa. "Dù sao, mọi việc khá vất vả nhưng chúng tôi cũng đều đã vượt qua được. Sinh Tammie, đứa trẻ tôi mang nặng khi tôi bỏ lão chồng. Kiếm được công việc bồi bàn. Được thăng lên làm đầu bếp, rồi trợ lý bán hàng. Một quán ăn nhỏ bẩn thỉu, nhưng còn có thể làm gì hơn? Vài luật sư lần ra tôi sau khi cha tôi mất, và ông già cũng có để lại cho tôi chút tiền. Vì thế tôi nghĩ, xét cho cùng, mấy kẻ thối nát cũng có điểm tốt." Bà nâng cốc hướng lên trời. "Tôi biết tôi không thể nuôi dạy hai đứa con với những gì mình kiếm được ở cái nhà hàng đó, vì thế tôi dùng một chút tiền để theo học một khóa học buổi tối, làm kế toán. Kiếm được bằng khá, và cũng kiếm được một chân tệ hại trong một công ty tử tế."

"Mãi lâu sau bà mới trở thành chủ phòng triển lãm," tôi nhắc, "và trung gian của Marianne Engel."

"Không lâu như anh nghĩ đâu. Tôi tiếp tục đến bệnh viện thăm mẹ mình và một ngày tôi đã để ý đến một bệnh nhân mới, một cô gái trẻ. Hấp dẫn, anh biết đấy, ngồi một mình bên bàn. Đang vẽ. Cô ấy khác với những người còn lại. Có lẽ đấy là do mái tóc và đôi mắt."

"Marianne."

"Trúng rồi," Jack nói. "Trừ việc lúc đó tên cô ấy không phải là thế. Cô ấy là một em Jane Doe cảnh sát tìm thấy bên vệ đường. Marianne Engel chỉ là cái tên mà tự dưng một ngày nọ cô ấy bảo các bác sĩ gọi mình thôi."

Marianne Engel không phải tên thật của cô. Vẻ bất ngờ của tôi trước thông tin đó làm Jack cười khẩy. Bà hài lòng khi biết những chuyện mà tôi không biết về người bạn chung của chúng tôi.

"Các y tá nói với tôi rằng không xác định được danh tính cô ấy, và dấu vân tay thì chẳng khớp với ai. Cô ấy không chịu, hay không thể, nói với họ bất cứ điều gì về quá khứ của mình. Có lẽ cha mẹ cô ấy đã mất hay họ chỉ đơn giản là đã vứt cô ấy đi, ai biết được? Dù sao, sau vài chuyến thăm, tôi đã quyết định chào hỏi. Khi đó cô ấy khá e thẹn. Khi tôi hỏi xem tranh của cô ấy, cô ấy không cho. Nhưng tôi cứ tiếp tục hỏi, và sau vài lần thăm viếng nữa, cô ấy cuối cùng cũng đồng ý. Tôi choáng váng. Tôi những tưởng đó là mấy nét vẽ nguệch ngoạc, nhưng hóa ra lại là những con quái vật, ác thú kỳ lạ xấu xí, nhưng chúng đều có vẻ mỏng manh, yếu ớt. Một vẻ gì đó khiến đôi mắt chúng có hồn."

Jack ngừng lại. Tôi nhìn qua những khe hở trên chiếc mặt nạ nhựa dẻo đặc biệt của mình, và trong phút chốc, tôi lo ngại bà sẽ nói rằng trong mắt tôi cũng ẩn chứa đau thương. Nhưng bà chỉ làm thêm một ngụm rượu nữa và tiếp tục nói. "Cô ấy bảo thực ra cô ấy không phải họa sĩ vẽ tranh ký họa. Cô ấy là thợ điêu khắc và những sinh vật này đang đợi để được giải phóng khỏi đá."

"Vậy," tôi nói, "thậm chí ngay từ khi còn nhỏ..."

"Phải, thậm chí ngay từ khi còn nhỏ," Jack xác nhận lại. "Tôi nghĩ mình khá thích thú trước cái ý tưởng đó, nhưng tôi chẳng biết cóc khô gì về nghệ thuật cả. Có lẽ đến nay tôi vẫn không biết gì hết. Nhưng tôi biết rõ điều này - có gì đó rất đặc biệt ở khả năng tưởng tượng của cô ấy. Tôi thích nó, và hóa ra nhiều người khác cũng thích. Nhưng vào lúc đó, tôi chỉ gật đầu, vì tôi có thể làm được cái quái gì cơ chứ? Nhiều tháng trôi qua, tôi vẫn tiếp tục đến thăm mẹ, còn Marianne Engel vẫn tiếp tục cho tôi xem tranh của cô ấy, và tôi không biết... chỉ là cô ấy ngày càng thân thiện với tôi hơn. Tôi nghĩ mình cảm thấy thương hại cô ấy. Cô ấy còn quá trẻ, và có lẽ tôi cũng hiểu cái cảm giác khi bị kẹt ở một nơi chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho ta. Nhà thương điên là nơi thích hợp cho mẹ tôi, không có gì phải bàn cãi về điều đó, nhưng nó không phải nơi thích hợp với Marianne Engel."

"Thế chuyện gì đã xảy ra?"

"Các bác sĩ cứ chế thuốc cho cô ấy mãi cho tới khi cuối cùng họ cũng tìm được một hợp chất có vẻ có tác dụng và tình trạng của cô ấy đã khá hơn. Marianne có thể cư xử bình thường, anh cũng biết đấy, khi cô ấy uống thuốc. Nhưng cô ấy luôn nghĩ chúng có hại cho những trái tim của mình." Jack ngừng lại. "Phải, cái ảo tưởng đấy cũng chẳng mới mẻ gì. Một lần tôi thậm chí còn nhờ họ chụp X-quang để cô ấy thấy mình chỉ có duy nhất một quả tim thôi, ấy vậy mà cô ấy vẫn không chịu tin tôi."

"Nhưng làm thế nào mà..."

"Tôi sẽ nói đến đoạn đó, nếu anh chịu ngậm miệng lại." Jack xỉa đôi đũa của bà về phía tôi, một mẩu thịt gà Cung Bảo văng ra giữa chúng tôi. "Sau khi các bác sĩ giúp cô ấy bình thường trở lại, họ đưa cô ấy vào một nhà tình thương và cô ấy cuối cùng đã kiếm được việc làm tại một quán cà phê. Rửa bát đĩa, anh có thể tin được không? Khi nghe được chuyện đó, tôi đã đến thăm và thấy khuỷu tay cô ấy ngập trong nước bẩn, và trong đầu tôi chỉ có duy nhất hình ảnh những bức ký họa tuyệt vời đó. Cũng trong thời gian này, cô ấy đã có hình xăm đầu tiên trên cánh tay, một trong những câu tiếng Latin. Khi tôi hỏi tại sao lại làm thế, cô ấy bảo vì không có tiền mua đá, cô ấy sẽ dùng chính thân thể mình để làm khung tranh. Tất cả những hình xăm ấy, cô xăm chúng khi không thể tạc tượng vì một lý do nào đó. Dù thế nào thì, tôi nói, chuyện này thật vớ vẩn. Nếu cô ấy muốn tạc tượng đến thế, tôi sẽ giúp. Vì thế tôi trả tiền cho cô ấy theo học một khóa học buổi tối, dù toàn bộ gia sản của tôi chỉ là số tiền còm cõi bố tôi để lại, mà tôi lại còn hai đứa trẻ phải nuôi nữa chứ. Ngu hết thuốc chữa, nhỉ?"

Ngu thật, nhưng tôi cũng nghĩ (dù tôi chẳng nói tướng lên làm gì) như thế thật tuyệt. Jack lại lấy thêm một điếu thuốc của Marianne Engel - vì bà không hút, như bà đã nói với tôi không chỉ một lần - và tiếp tục câu chuyện của mình. Cứ khi nào đến đoạn kịch tính, bà lại trỏ điếu thuốc vào không khí như đang cố gắng châm vào những quả bong bóng vô hình vậy.

"Giáo viên hướng dẫn nói rằng Marianne Engel là học sinh tài năng nhất ông từng dạy, rằng cô ấy chỉ vô cùng say mê tạc tượng thôi. Khi tôi không thể bòn thêm được đồng nào để trả tiền học nữa, ông bảo Marianne cứ tiếp tục học. Ông bảo rằng một ngày nào đó ông sẽ có thể tự hào khoe rằng mình đã từng là thầy của cô ấy. Vì thế tôi lại đưa ra một quyết định ngu ngốc khác nữa là gợi ý với Marianne rằng tôi có thể làm đại diện cho cô ấy. Cô ấy đồng ý, dù sau đó tôi có nói rằng mình chẳng biết cái cóc khô gì về việc kinh doanh nghệ thuật cả. Nhưng tôi cũng xoay xở kiếm được cho cô ấy một bộ dụng cụ tạm ổn ở cửa hàng đại hạ giá, nói chung là khá may mắn, và một ít đá. Tảng đầu tiên là thứ đá rẻ tiền, kinh tởm, cứ chực nát ra như cám dưới lưỡi đục của cô ấy, đúng, nhưng cô ấy cuối cùng vẫn lôi được gargoyle ra và nó trông khá ổn. Thế là giờ tôi đã có bức tượng và phải bán được nó trước khi chúng tôi có thể kiếm một tảng đá khác, vì thế tôi đã mượn tạm cái xe tải cà tàng này lái đến các phòng triển lãm khắp nơi mang theo bức tượng vứt trong thùng xe. Cuối cùng tôi cũng tìm được một người muốn trưng bày nó, nhưng họ chỉ đồng ý mua nếu giá thực sự hời, nhưng đến lúc này, chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác, và thế là tôi đồng ý. Khi cuối cùng nó cũng được bán, anh có tin nổi không, tôi thực sự đã lỗ vốn. Cả quy trình mất hàng tháng trời và suốt khoảng thời gian ấy Marianne Engel cứ liên tục xăm thêm những hình mới, trở nên điên cuồng vì không có đá. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng bán được một cái khác, và một cái khác, rồi tự nhiên có một ít tiền chảy vào túi chúng tôi và mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp."

Tôi rất thích nghe một câu chuyện về Marianne Engel không liên quan gì đến các tu viện thời Trung cổ. Nó làm tôi nhận ra rằng tôi đã chìm đắm đến thế nào trong những câu chuyện thần tiên của cô.

"Khi cô ấy thực sự bắt tay vào làm việc, những bức tượng cứ thế tuôn ra ào ào. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cô ấy cuồng nhiệt đến thế, anh cũng biết phải không? Lần đầu tiên cô ấy làm việc đến kiệt sức." Jack nhướng mắt về phía phòng của Marianne Engel. "Hồi đó cô ấy còn trẻ khỏe hơn bây giờ, và tôi đã nghĩ rằng đó chỉ là lửa nhiệt tình của tuổi trẻ mà thôi. Niềm đam mê hưng phấn với những sáng tạo đầu tiên. Tôi không biết mọi việc lại diễn ra như vậy - giờ được bao lâu rồi? Trong suốt khoảng hai chục năm thì phải."

"Cô ấy chắc chắn đã làm việc rất tốt," tôi nói. "Tôi muốn nói là, ngôi nhà và tất cả mọi thứ..."

"Phải, biết cách kiếm tiền, chắc chắn rồi. Marianne làm gì cũng giỏi nhất thế giới, và không chỉ có thế. Làm với nhau năm năm, chúng tôi đã kiếm đủ để mở một phòng triển lãm. Mười năm, chúng tôi kiếm được cho cô ấy chỗ này. Cứ thế mà trả tiền mặt thôi, không phải thế chấp gì hết."

"Bà đã trở thành người giám hộ cho cô ấy như thế nào?"

"Chỉ là chuyện sớm muộn cũng đến mà thôi," Jack trả lời. "Không, khốn kiếp, bao nhiêu việc hành chính và những chuyến thăm tòa án liên miên. Nhưng anh phải nhớ rằng cô ấy chẳng có gia đình gì hết, ít nhất không có loại gia đình mà tôi biết. Cô ấy không bao giờ kể cho tôi nghe về cuộc đời mình trước khi chúng tôi gặp nhau và, thành thực mà nói, tôi cũng chẳng rõ cô ấy có biết hay không nữa."

"Jacqueline," tôi nói, "bà chẳng bao giờ trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi cả."

"Đừng gọi tôi như thế, mẹ kiếp, mà tôi còn chẳng nhớ nổi cái câu hỏi chết tiệt của anh là gì."

"Là liệu bà có làm gì vào Giáng sinh này không."

"Không, mẹ tôi mất mười năm trước rồi và bọn trẻ cũng chẳng còn liên lạc gì với tôi nữa." Bà chụp lấy áo khoác và nói rằng đã đến lúc phải về. Đến cửa, bà nói, "Đừng nghĩ chúng ta đã bạn bè gì với nhau đấy. Nếu tôi được phép tự quyết, anh đừng hòng có thẻ tín dụng."

"Hiểu," tôi xác nhận. "Tôi mong là điều tôi sắp nói ra không có vẻ tệ quá, nhưng tôi thực sự mừng rằng Marianne đã bất tỉnh. Ít nhất cô ấy cũng có thể nghỉ một chút."

Jack khịt mũi. "Cô ấy chưa xong đâu."

Khi Marianne Engel thức dậy, cô chứng minh rằng Jack đã đúng. Cô xơi một bữa sáng khổng lồ, rồi đi ngay xuống tầng hầm, giam mình tại đó suốt bốn ngày tiếp theo. Mọi cử động của cô đều rất uể oải, như thể ai đó đã quay phim quá trình làm việc của cô và cho đoạn phim chạy bằng nửa tốc độ bình thường vậy. Cô thiếu năng lượng để có thể làm việc nhanh hơn.

NẾU NGƯƠI TRỘN CHO CÔ TA MỘT ÍT MORPHINE Cái gì? CÔ TA SẼ NGỦ NGAY.

Vào ngày hai mươi tháng Mười hai, Sayuri đến giúp tôi tập bài tập cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ. Chúng tôi đã cố hết sức để bơ tiếng búa đập lờ đờ của cô đi.

"Gregor nói với tôi rằng cô sắp đi gặp bố mẹ ông ấy," tôi nói. "Một bước tiến lớn đấy."

"Từ trước đến nay anh ấy chắc chưa làm việc gì như thế này," Sayuri nói, "đưa một người phụ nữ về ra mắt bố mẹ mình."

"Cô cảm thấy thế nào?"

"Tôi không thấy lo lắng lắm, nhưng tôi khá ái ngại cho anh ấy. Tôi nghĩ anh ấy chưa bao giờ thấy mình thỏa mãn được sự kỳ vọng của họ hàng."

"Ông ấy có nghĩ là cô sẽ làm họ thất vọng không?" tôi hỏi với một vẻ rất đỗi ngây thơ.

"Anh ấy lo họ nghĩ rằng anh ấy không xứng với tôi hơn." Sayuri tăng lực ma sát cho cái xe đạp của tôi và bắt tôi phải chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu! "Thật nực cười."

"Thế, cô có nghĩ là ông ta định...?" Tôi gõ tay vào ngón áp út của cô, nhiển nhiên là chẳng có cái nhẫn nào trên đó cả.

"Không đâu," Sayuri vội vã trả lời. Cô rụt tay lại, nhưng tôi có thể nhìn mặt cô mà nói rằng cô cũng chẳng ngại cái ý tưởng đó đâu. "Anh ấy chỉ muốn tôi đến thành phố quê hương của mình thôi."

Âm thanh dưới tầng hầm đã có chút thay đổi - tiếng búa đập đều đều đơn điệu không còn nữa. Sống cùng nhau đến lúc này, tôi biết rõ lịch tạc tượng của Marianne Engel để có thể nhận ra rằng cô không thể nào hoàn thành bức tượng hiện tại của mình vào lúc này được. "Tôi phải đi xem cô ấy thế nào."

MORPHINE RẤT TỐT. Với cô ấy thì không.

Tôi không nhìn thấy cô khi tôi bắt đầu đi xuống cầu thang. Tôi gọi to, nhưng không có tiếng đáp lại. Nửa điếu thuốc lá đang cháy dở trong gạt tàn. Rồi tôi thấy cô đằng sau một bức tượng gần như đã hoàn chỉnh, hai tay duỗi ra trong một tư thế rất kỳ cục. Ngón tay cô vẫn đang nắm hờ vào cái búa; cái đục văng ra xa khoảng vài mét.

Khi đến bên tảng đá, tôi thấy cô đã bất tỉnh, với một vết rách lớn trên trán. Tôi nghĩ có lẽ là do cô ngã đập đầu xuống tảng đá khi bất tỉnh.

Bệnh viện giữ Marianne Engel lại bốn đêm. Đầu cô được khâu kín, và một cái ống truyền dịch vào tay cô để chống lại sự mất nước. May mắn làm sao, cô đã quá mệt mỏi để có thể giận dữ vì tôi đã đặt cô vào vòng tay của các bác sĩ thù địch. Tôi để cô lại rồi đi về nhà ngủ một chút. Tôi cho Bougatsa ngủ cùng giường với mình, dù biết Nan sẽ điên lên trước những dị ứng mà lông chó sẽ gây ra cho da người bỏng. NGƯƠI CÒN CHẲNG TỰ CHĂM SÓC ĐƯỢC BẢN THÂN. Sáng hôm sau, tôi quay lại bệnh viện ngay lập tức. SAO NGƯƠI CÓ THỂ CHĂM SÓC CHO CÔ TA ĐƯỢC?

Marianne Engel ra viện vào đêm Giáng sinh. Thành thực mà nói, các bác sĩ phải giữ cô lại lâu hơn, nhưng họ cho cô ra vì nghĩ đến ngày lễ. Khi chúng tôi về đến nhà, cô chỉ đòi ăn mỗi bánh hạnh nhân, nhưng tôi đã thuyết phục cô ăn thêm một ít quýt. Tôi bê cái ti vi và đầu video từ tháp chuông xuống phòng cô và chúng tôi cùng xem Cuộc sống tươi đẹp, vì đó là điều những người bình thường hay làm vào đêm Giáng sinh. Sau khi xem xong, cô cứ đòi tôi ngủ lại trên giường mình, vì cô muốn tỉnh dậy vào ngày lễ Giáng sinh với tôi bên cạnh.

Tôi nằm trên giường với bộ quần áo tạo áp suất thô cứng chạm vào cơ thể trần trụi mềm mại của cô; nhận ra rằng lẽ ra tôi phải cảm thấy vui sướng trước sự gần gũi này mới phải. Nhưng không; tôi chỉ đang nghĩ rằng tại sao cơ thể cô lại có thể mang lại cảm giác mạnh mẽ đến thế cho tôi. Tôi đã dành hầu hết phần đời trai trẻ của mình với những phụ nữ trần truồng - đó là công việc của tôi vào ban ngày, và sở thích của tôi vào ban đêm - nhưng khi ở bên Marianne Engel thì nó luôn có vẻ gì đó khác lạ. Rất khác lạ.

Có nhiều cách khả dĩ để giải thích cho sự bất tiện của tôi. Có lẽ cơ thể cô ảnh hưởng mạnh mẽ đến tôi như vậy vì tôi thực sự thích cô. Có lẽ vì đó là lần đầu tiên trong đời, với việc giải phẫu cắt bỏ dương vật, tôi không thể từ chối cơ thể một người phụ nữ bằng cách chinh phục nó nữa. Có lẽ những cảm giác của tôi chỉ đơn thuần là kết quả của hoóc môn giới tính. Tất cả những giả thiết này đều rất đáng hoan nghênh, và tới một mức nào đó thì có lẽ chúng đều hợp lý, nhưng vào cái đêm Noel đó, nằm bên cô mà không tài nào ngủ nổi, tôi đã tìm ra được đáp án. Lý do chính, tôi tin vậy, cơ thể cô làm tôi hưng phấn đến thế là vì nó làm tôi cảm thấy đó không chỉ là cơ thể con người mà còn là một thứ gì đó có thể chạm được tới cả ký ức và hồn ma.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cơ thể cô, một cách trọn vẹn, là ở trong phòng điều trị bỏng khi cô cởi quần áo ra cho tôi xem những hình xăm của mình. Cảnh ấy đã kích thích tôi và làm tôi cảm thấy xấu hổ, rồi khi tôi lướt ngón tay lên những cái lông vũ trên đôi cánh thiên thần của cô thì cơ thể cô đã run lên, và để đáp trả, cũng làm trái tim tôi run rẩy. Lúc đó, tôi không thể hiểu tại sao mình lại có cảm giác như vậy, nhưng nhiều tháng sau, tôi bắt đầu nhận ra đó là vì những ngón tay của tôi cảm thấy không phải chúng đang chạm vào người cô lần đầu tiên mà là vì chúng đang trở lại một nơi chốn quen thuộc. Tôi đã không hiểu ra điều này cho tới tận lần đầu tiên Marianne Engel tắm cho tôi trong pháo đài, khi nhìn cách cô giơ tay ra chạm vào người tôi như thể nó thuộc quyền sở hữu của cô vậy. Cô đã cử động cánh tay mình hệt như khi tôi giơ tay ra chạm vào tấm lưng xăm hình đôi cánh thiên thần của cô lần đầu tiên. Như thể da thịt của người khác đã bị chiếm làm của riêng, và cánh tay đang giơ ra ấy thuộc về một người chủ đi vắng lâu ngày nay đã trở lại. Khi tôi chạm vào cô lần đầu tiên, tôi không có cảm giác đó là lần đầu tiên tôi chạm vào cô.

Giờ đây, nằm trên giường cạnh cô trong đêm Giáng sinh này, cơ thể cô vẫn mang đến cho tôi những cảm xúc đó. Khi nằm bên cô, tôi như thể được sinh ra là để nằm tại đó, cơ thể tôi như thể đã nằm bên cô hàng nghìn lần trước đó rồi. Tôi có cảm giác như mình không chỉ đang nằm cạnh một con người, mình còn đang nằm cạnh ký ức của một con người nữa, trong khi cùng lúc, ký ức ấy được chuyển hóa thành một cái gì đó thậm chí còn vô hình hơn. Cơ thể cô quá người trong cái hoang dại của nó, nhưng nó cũng làm tôi có cảm tưởng rằng nó là một thực thể đang dần biến thành một bóng ma, cứ như cơ thể gầy gò của cô đang biến thành một thứ gì đó còn mong manh hơn. Tôi miết nhẹ ngón tay lên những cái xương sườn nhấp nhô của cô và lướt xuống đỉnh xương chậu nhô lên khỏi bụng cô. Cơ thể cô, xác thịt lẫn ký ức luôn rơi vào trạng thái lẫn lộn mơ hồ và đầy hứng khởi, vẫn mang lại cho tôi cảm giác nó thuộc về tôi nhưng dường như đang dần mất đi. Cô không chỉ mất đi sinh lực khi làm việc, cơ hồ cô đang cố làm việc để mất đi sinh lực; như thể không chỉ những gargoyle mới là nghệ thuật lặp lại, mà cả bản thân người nghệ sĩ là cô nữa, cũng cố gắng đạt đến mức độ vừa vô hình vừa hữu hình hơn lúc bắt đầu.

Đó là cách mà cơ thể cô - thân xác, ký ức và linh hồn - làm tôi không thể chống cự lại được.

Tôi tỉnh giấc, sau khi đã chìm vào một giấc ngủ ngắn chập chờn, trước khi cô dậy. Tôi mang một khay trứng đến cho cô, và lấy hết can đảm để tặng cho cô món quà đầu năm. Một lần nữa đó lại là các sáng tác văn chương, vì hiển nhiên tôi vẫn chưa rút ra được bài học từ sau vụ thơ thẩn năm ngoái. Tôi đã viết lại theo trí nhớ những câu chuyện về bốn người bạn ma mà cô đã kể cho tôi nghe - "Người thợ rèn tài ba," "Người phụ nữ trên vách đá," "Người thợ thổi thủy tinh học việc," và "Quà tặng của Sigurðr" - và tách từng truyện một giữa các trang bìa. Ngoài bìa trước là dòng chữ Những câu chuyện tình yêu, được kể bởi Marianne Engel.

"Đây là một món quà tuyệt vời. Không chỉ cho tôi, mà cho cả Sigurðr nữa. Đối với một người Viking, địa ngục khủng khiếp nhất là bị vùi vào quên lãng." Cô nắm tay tôi và xin lỗi. Cô đã dồn hết tâm sức vào việc tạc tượng suốt mấy tuần qua, và vì vậy cô đã bỏ bê không chuẩn bị cho tôi một món quà xứng đáng.

"Nhưng," cô gợi ý, "tôi giải thích cho anh nghe ý xơ Constantia khi bảo rằng tôi đã hủy hoại phòng viết nhé?"

Ngày đăng: 09/07/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?