Gửi bài:

Chương 144 - Hổ trả ơn người

Tam niên tiền sự vị toàn vong.

Báo đức hô nhi đại trục lang.

Y sĩ thảng vi Tôn tứ Mạc.

Hựu tòng nguyên quật đắc tiên phương.

Tỉnh Vân Nam, có y sư họ Ân, tên Nguyên Lễ, chuyên nghề châm cứu.

Năm ấy, vùng Vân Nam bị mất mùa, làng nào cũng bị giặc giã nổi lên cướp phá. Nguyên Lễ phải bỏ làng mà chạy, băng qua một ngọn núi để tới xin lánh nạn tại nhà một người bạn ở cách làng chừng trăm dặm.

Chạy từ sáng tới tối, khi mặt trời sắp lặn, Nguyên Lễ mới đến lưng chừng núi. Nhìn quanh, thấy mình đang đứng bơ vơ giữa chốn núi rừng hoang vu, chẳng bạn đồng hành, Nguyên Lễ kinh hãi lắm, những lo bị hổ sói xông ra ăn thịt. Chợt thấy ở phía trước mặt có hai người sánh vai nhau đi, Nguyên Lễ đoán chừng họ cũng đang chạy loạn như mình nên cắm đầu chạy theo để xin nhập bọn. Khi bắt kịp, Nguyên Lễ lên tiếng:"Xin nhị vị cho bỉ nhân được nhập bọn kẻo một mình đi qua núi đêm khuya, sợ bị hổ sói xông ra ăn thịt!" Người lớn tuổi đưa mắt nhìn Nguyên Lễ từ đầu đến chân rồi cau mày hỏi: "Tên chi, làm nghề gì?" Ðáp:"Bỉ nhân họ Ân, tên Nguyên Lễ, làm nghề châm cứu!" Ðột nhiên, người ấy thay đổi hẳn thái độ, cung kính chắp tay vái chào Nguyên Lễ mà nói:"Thế ra tiên sinh là Ân đại nhân, vị danh y nổi tiếng trong vùng này đó ư? Trong vùng này, ai chẳng biết đại danh của tiên sinh! Huynh đệ tiểu nhân ngưỡng mộ đại danh của tiên sinh đã từ lâu! Nay được gặp mặt, thực là vạn hạnh!" Hỏi:"Nhị vị họ chi?" Ðáp:"Huynh đệ tiểu nhân họ Ban. Tiểu nhân tên Trảo, còn tiện đệ đây, tên Nha!" Rồi tiếp:"Phải chăng tiên sinh đang chạy loạn?" Ðáp: "Thưa phải!" Ban Trảo nói:"Huynh đệ tiểu nhân cũng mới chạy loạn tới đây được ít lâu, có cất được một gian nhà tranh ở gần đây để tạm trú. Xin mời tiên sinh quá bộ tới tệ xá nghỉ chân đêm nay. Nhân tiện cũng xin nhờ tiên sinh giúp cho một việc!" Thấy có chỗ ngủ qua đêm, Nguyên Lễ mừng lắm, vội hỏi:"Nhị vị muốn nhờ bỉ nhân giúp việc chi?" Ðáp:"Ðể lát nữa tới tệ xá, huynh đệ tiểu nhân sẽ xin thưa chuyện!" Nguyên Lễ bèn đi theo hai anh em.

Lát sau, hai anh em dắt Nguyên Lễ vào một gian nhà tranh mới cất, cạnh cửa một hang đá. Ban Trảo đi lấy củi đem ra sân đốt để soi sáng gian nhà. Dưới ánh lửa, thấy hai anh em có thân hình vạm vỡ, nét mặt dữ tợn, dáng vẻ bất hảo, Nguyên Lễ kinh hãi lắm. Song vì trời đã tối, chẳng biết đi đâu nên đành ở lại. Chợt nghe có tiếng người rên, Nguyên Lễ đảo mắt nhìn thì thấy một bà lão đang nằm rên trên một chiếc giường kê ở góc gian nhà. Ðoán chừng bà lão là mẹ của hai anh em, Nguyên Lễ hỏi Ban Nha:"Cụ nhà đau gì thế?" Ban Nha đáp:"Thưa, gia mẫu bị hai cái ung to bằng nắm tay, mọc dưới mũi và bên mép, đau nhức lắm, chẳng ăn uống chi được. Chính vì thế mà huynh đệ tiểu nhân muốn nhờ tiên sinh tới đây để chữa giúp cho gia mẫu!" Rồi đốt đuốc giơ cao, mời Nguyên Lễ tới cạnh giường coi bệnh cho mẹ. Nguyên Lễ theo Ban Nha tới giường, hỏi bà lão:"Cụ thấy đau như thế nào?" Bà lão đáp:"Thưa, cái ung nhức lắm mà há miệng ra ăn cũng thấy đau. Vì chẳng ăn ngủ chi được nên người rất mệt mỏi, xin tiên sinh làm ơn chữa cho!" Nguyên Lễ nói:"Ung ngoài da dễ chữa. Ðể bỉ nhân châm cứu cho! Khi nào ung vỡ mủ, bỉ nhân sẽ dịt thuốc!" Rồi mở bọc lấy ngải và kim, châm cứu cho bà lão trên hai chục mũi. Xong, nói:"Cụ cứ chịu khó nằm yên mà nghỉ, sáng mai ung sẽ vỡ mủ" Hai anh em mừng lắm, vội đi tìm thực phẩm để mời khách. Ban Nha tới gác bếp, lấy xuống một đùi nai tươi, đưa cho anh, nói:"Ðại ca hãy nướng đùi nai này lên mà mời tiên sinh dùng đỡ" Ban Trảo gật đầu, đem đùi nai đi nướng rồi bỏ vào mâm đá, bưng tới trước mặt Nguyên Lễ, nói:"Trời đã tối mà chợ thì xa, chẳng có thực phẩm chi khác để mời tiên sinh, mong tiên sinh thứ lỗi!" Nguyên Lễ nói:"Chạy loạn mà còn được ăn thịt nướng như thế này thì còn mong gì hơn?" Vì đang đói, Nguyên Lễ ăn hết quá nửa đùi nai. Chờ khách ăn xong, Ban Trảo mới mời khách lên giường mình nằm nghỉ. Bị nét mặt dữ tợn, dáng vẻ lỗ mãng của hai anh em ám ảnh, Nguyên Lễ cố nhắm mắt song chẳng sao ngủ được, cứ trằn trọc suốt đêm.

Tảng sáng, thấy bà lão thức giấc, Nguyên Lễ vội vùng dậy, chạy tới hỏi:"Cụ thấy đã đỡ chưa?" Bà lão đáp: "Cám ơn tiên sinh, lão thân thấy đã đỡ rồi!" Hỏi:"Cụ có ngủ được không?" Ðáp:"Thưa ngủ được!" Hỏi:"Cái ung ra sao?" Ðáp:"Thưa, cái ung ướt sũng, chắc là đã vỡ mủ!" Nguyên Lễ bèn đánh thức hai anh em dậy, đi lấy nước vào rửa ung cho bà lão. Rồi Nguyên Lễ mở bọc, lấy thuốc dịt vào ung, băng bó lại. Xong, nói:"Thế là khỏi rồi đó!"

Trời sáng rõ, Nguyên Lễ xin cáo biệt. Ban Trảo nói: "Xin tiên sinh hãy nán lại thêm ít phút để tiểu nhân nướng nốt đùi nai, biếu tiên sinh làm thực phẩm dọc đường!" Nguyên Lễ bèn ở lại chờ. Lát sau, Nguyên Lễ nhận đùi nai nướng rồi cáo biệt, tiếp tục cuộc hành trình.

Tới nhà bạn, Nguyên Lễ thuật lại nạn giặc cướp ở làng mình cho bạn nghe rồi xin được tạm trú. Người bạn vồn vã mời Nguyên Lễ ở lại chơi. Ít lâu sau, nghe tin làng mình hết giặc, Nguyên Lễ xin cáo biệt bạn, trở về nhà.

Ba năm sau, Nguyên Lễ quên hẳn chuyện gặp ba mẹ con bà lão. Một hôm có việc, Nguyên Lễ lại phải tới nhà người bạn năm xưa. Ði từ sáng tới tối, Nguyên Lễ mới đến lưng chừng núi. Chợt thấy hai sói lớn nằm chắn ngang đường, Nguyên Lễ kinh hãi quá, đứng khựng lại, chỉ mong hai sói đi chỗ khác để cho mình có thể tiếp tục lên đường. Thế nhưng, hai sói cứ nằm lỳ bất động. Trời mỗi lúc một tối, Nguyên Lễ càng kinh hãi, chẳng biết làm thế nào. Chợt nghe có tiếng sói đua nhau chu rồi thấy một bày sói sập tới vây quanh mình, Nguyên Lễ thầm nghĩ chắc phen này mình phải chết vì sói. Quả nhiên, bày sói xông vào đè Nguyên Lễ xuống, tranh nhau cắn xé, làm cho quần áo Nguyên Lễ rách tả tơi. Ðột nhiên, bày sói ngưng cắn xé, bỏ chạy tán loạn. Nguyên Lễ ngạc nhiên, đưa mắt nhìn quanh. Chợt thấy có hai mãnh hổ đứng ngay cạnh mình, Nguyên Lễ kinh hãi quá, thầm nghĩ chắc phen này mình phải chết vì cọp. Thế nhưng Nguyên Lễ phải ngạc nhiên khi thấy cọp chẳng vồ mình. Bày sói thấy cọp thì chạy tán loạn. Hai mãnh hổ hống lên hai tiếng thực to. Cả bày sói kinh hoàng, nằm mọp xuống đất. Hai mãnh hổ chậm rãi bước tới tát chết từng con rồi lững thững bỏ đi.

May mắn thoát chết, Nguyên Lễ bò dậy, xốc lại quần áo, lếch thếch lên đường. Vì trời tối quá, chẳng thấy đường đi, Nguyên Lễ lo lắng, nảy ý tìm chỗ tạm trú qua đêm. Bỗng có một bà lão, chẳng biết từ đâu tới, lên tiếng hỏi:"Chắc Ân tiên sinh bị sói cắn đau lắm phải không?" Nguyên Lễ giật mình kinh ngạc, lên tiếng hỏi lại:"Sao lão bà lại biết tên bỉ nhân?" Bà lão đáp:"Thế ra tiên sinh quên lão thân rồi ư? Tiên sinh còn nhớ ba năm về trước, tiên sinh có châm cứu cho một bà già để trị hai cái ung dưới mũi và bên mép không?" Bấy giờ Nguyên Lễ mới chợt nhớ ra bà lão là mẹ của hai anh em họ Ban. Bà lão lại nói:"Lão thân chờ tiên sinh ở đây đã từ lâu! Những mong có dịp được gặp lại tiên sinh để trả ơn song chẳng thấy tiên sinh qua lại vùng này nữa! Bây giờ, xin mời tiên sinh đi theo lão thân!" Nguyên Lễ mừng quá, vội đi theo bà lão. Lát sau, bà lão dẫn Nguyên Lễ vào phòng khách của một ngôi nhà rộng lớn, đèn đuốc sáng chưng, rồi vào nhà trong lấy ra một bộ quần áo mới đưa cho Nguyên Lễ, chỉ căn phòng tắm mà nói:"Y phục của tiên sinh bị sói cắn rách hết rồi, xin tiên sinh hãy dùng tạm bộ này!" Nguyên Lễ nói:"Cám ơn cụ!" rồi đem bộ quần áo vào phòng tắm mà thay. Bà lão xuống bếp bưng lên một mâm cỗ thịnh soạn, mời Nguyên Lễ cùng ngồi yến ẩm, ân cần rót rượu, gắp thịt mời Nguyên Lễ, rồi cũng tự rót rượu, gắp thịt mà ăn uống mạnh dạn chứ chẳng rụt rè, nhỏ nhẹ như các bà lão khác. Nguyên Lễ quá chén, say li bì, nằm lăn ra phòng khách mà ngủ.

Sáng sau, khi ánh nắng dọi vào mắt, Nguyên Lễ mới tỉnh giấc. Mở mắt nhìn, chẳng thấy nhà cửa với bà lão đâu mà chỉ thấy vừng thái dương đang chói chang giữa bàu trời, còn mình thì đang nằm trên một tảng đá, Nguyên Lễ kinh hãi quá, đứng bật dậy.

Chợt nghe có tiếng trâu thở phì phò dưới chân núi, Nguyên Lễ nổi tính tò mò, bèn chạy xuống coi. Tới nơi, thấy chẳng phải là trâu mà là một hổ cái già đang nằm ngủ, dưới mũi và bên mép có hai vết sẹo lớn, to bằng bàn tay. Hổ chợt tỉnh giấc. Nguyên Lễ kinh hãi quá, dón dén lẻn đi, tiếp tục cuộc hành trình.

Dọc đường, Nguyên Lễ mới nghĩ ra rằng hai anh em họ Ban chính là hai mãnh hổ đã giết đàn sói còn lão mẫu của họ chính là hổ cái già nằm dưới chân núi.

Mục lục
Ngày đăng: 25/02/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc

Mục lục