Gửi bài:

Hồi 16 - Canh cá

Lão Dương Bì quanh năm chăn dê thả bò trên thảo nguyên, cũng thường hay gặp phải mãnh thú như lũ sói hay bọn sài lang tấn công ngựa từ phía sau, biết phải ứng phó thế nào, đang bực mình vừa chưa tìm được cơ hội thu thập con du diên này, không ngờ nó lại tự dâng đến cửa. Ông già lập tức huýt lên một tiếng, đúng vào khoảnh khắc con du diên bổ tới mông ngựa, con ngựa già liền khom người về phía trước, chân trước chống xuống đất, hai chân sau đạp thẳng vào con độc trùng đang lao tới. Cú đạp này sức không dưới nghìn cân, hất văng con du diên lốm đốm vằn đen ấy lộn mấy vòng trên không trung, rơi bịch xuống đất rồi lăn thêm mấy vòng nữa.

Con du diên nếm mùi đau khổ, cũng không dám càn quấy nữa, vội lẩn vào trong bụi cỏ trốn mất. Tôi thấy lão Dương Bì xuất ra kỳ chiêu giành được thắng lợi, liền hoan hô một tiếng rồi leo xuống khỏi cành cây, cùng Đinh Tư Điềm kéo Tuyền béo vừa ngã bò lăn bò toài dưới đất dậy, phủi đi những vỏ cây, cỏ rác bám đầy khắp người, bấy giờ mới nhớ ra hai con ngựa đã chạy tít vào sâu trong rừng mất rồi. Không tìm được đàn bò, cộng với con ngựa màu mận vừa bị du diên cắn chết, giờ bốn con ngựa chỉ còn mỗi con ngựa già, tổn thất càng lúc càng lớn, lão Dương Bì liên tiếp huýt lên mấy tiếng gọi ngựa, nhưng đợi mãi cũng chẳng thấy động tĩnh gì, chẳng rõ hai con ngựa ấy đã chạy đi đâu mất rồi.

Đối với khu vực được gọi là động Bách Nhãn này, lão Dương Bì luôn có một nỗi sợ tiềm tàng ăn sâu vào tâm thức, nhưng con người có những lúc không còn con đường nào để lựa chọn, trách nhiệm để tổn thất bò ngựa của tập thể lại càng lớn hơn nỗi sợ ấy bội phần. Hai năm nay tình thế đấu tranh rất kịch liệt, người ta chụp mũ cho nhau nhiều vô kể, vạn nhất bị chụp cho mấy cái lên đầu thì cái mạng già của ông coi như xong. Dẫu sao ông già cũng lớn tuổi rồi, trận quần thảo với con du diên vừa nãy đã khiến tim ông đập nhanh thình thịch, lồng ngực phập phồng khò khà khò khè như cái ống bễ vỡ, thêm vào gánh nặng tâm lý quá lớn, hai mắt ông liền như tối sầm lại.

Đinh Tư Điềm thấy thân thể lão Dương Bì loạng choạng cơ hồ muốn đổ gục xuống, vội vàng đỡ ông ngồi dưới gốc cây, xoa xoa lồng ngực giúp hơi thở ông điều hòa trở lại. Nhưng lão Dương Bì vẫn ho lên sù sụ, hơi thở bị nén ngược trở lại mà ngất đi. Chúng tôi vội vàng cấp cứu, vừa ấn ngực vừa vỗ lưng, khó khăn lắm mới khiến ông ho ra được một bãi đờm, cuối cùng cũng hô hấp lại được, nhưng người vẫn mê man thiêm thiếp, gọi thế nào cũng không thể dậy nổi.

Đinh Tư Điềm đến vùng thảo nguyên này tham gia lao động sản xuất, từ những ngày đầu đã được cả nhà lão Dương Bì chăm sóc, cô gần như đã coi ông già như ông nội của mình, lúc này thấy ông bất tỉnh nhân sự, làm sao mà không lo cuống lên cho đành. Cô khóc thút thít hỏi tôi làm sao bây giờ? Trong làng tôi có một bác sĩ chân đất biệt hiệu là "thầy trộn thuốc", nhiều lần tôi cũng đi giúp ông ta thăm bệnh cho ngựa cho lừa, vậy nên trong ba đứa tôi, cũng chỉ có tôi là có chút thường thức về y học. Nhưng đối mặt với lão Dương Bì hôn mê bất tỉnh tôi cũng không biết phải làm sao, cho dù mau chóng đưa ông về tiểu khu thì cũng phải mất gần một ngày đường, mà tiểu khu còn cách bệnh viện cũng một ngày đường nữa, đợi đến khi tìm được bác sĩ thì chắc người cũng toi đời rồi.

Không ngờ, người nhắc nhở chúng tôi lại là Tuyền béo, cậu ta nói: "Liệu có phải ông già bị đói không nhỉ? Từ sớm bảnh mắt chúng ta đã vội vội vàng vàng đi đuổi theo đàn bò, đến giờ mặt trời cũng xuống núi được một nửa rồi, mà có hạt cơm miếng nước nào đâu, đừng nói là người có tuổi như ông ấy, đến như tôi đây còn chẳng chịu được, cũng đói đến hoa cả mắt rồi đây này."

Nghe Tuyền béo nhắc vậy, tôi và Đinh Tư Điềm cũng cảm thấy bụng sôi lên ùng ục, cả ngày nay không ăn gì rồi. Từ sáng đến giờ chỉ lo tìm lũ bò về, ai nấy đều sốt ruột cuống cuồng nên cũng chẳng nghĩ ra là phải ăn cơm nữa. Nhất định là lão Dương Bì bị lao lực quá độ, rồi lại không ăn không uống, vậy nên mới đói quá mà ngất đi.

Lúc chúng tôi chuẩn bị xuất phát, lão Dương Bì lo trong một hai ngày không tìm được hết cả đàn bò về, vậy nên đã mang theo một ít lương khô, thậm chí còn thồ theo cả một cái nồi để đun nước sôi. Vì lo cho con ngựa già, nên ông chỉ buộc cái nồi không ấy với vài món đồ nhẹ vặt vãnh lên người nó, lương khô và các vật dụng khác đều do ba con ngựa còn lại phụ trách. Đen đủi thay, hiện giờ chúng tôi chỉ còn có con ngựa già này, trên người cũng chẳng có thứ gì có thể ăn được cả.

Tuyền béo bảo, hết cách rồi, thôi thì thịt ngựa ra ăn vậy, bằng không chúng ta không ra khỏi khu rừng này được đâu. Đinh Tư Điềm vội vàng ngăn lại. Trên thảo nguyên, những con vật từng tham gia quân đội, từng lập công đều không thể giết được, chúng đều là bạn của loài người, thà chết đói cũng không thể ăn thịt ngựa. Lão Dương Bì tỉnh lại mà biết có người giết ngựa của ông ăn thịt thì không phải chuyện đùa đâu.

Ở chốn hoang sơn trời tối rất nhanh, mới hơn bốn giờ chiều, mặt trời đã xuống núi, lúc này sắc trời bắt đầu sầm sì, sương đêm trong rừng dần nồng nặc hơn, ánh sáng mỗi lúc một yếu đi, quang cảnh xung quanh đã chẳng khác nào đêm tối. Trên đầu chúng tôi thi thoảng lại có vật thể gì đó bay vù qua, không biết là chim hay dơi nữa. Chúng phát ra những tiếng kêu thê thiết, khiến người ta nghe mà thấy tóc gáy đều dựng đứng hết cả lên.

Chúng tôi chẳng còn rõ đâu là Đông Tây Nam Bắc nữa, Tuyền béo và Đinh Tư Điềm đều nhìn sang phía tôi, hy vọng tôi sẽ đưa ra chủ ý nào đấy, giờ phải tính sao đây? Tôi thoáng do dự giây lát, rồi nói với họ: "Tuy rằng ngựa quen đường cũ nhưng trong rừng sương mù dày đặc quá, nếu chúng ta cứ cắm đầu cắm cổ đi bừa, một là cả người ngựa đều đã quá mệt, cả ngày nay đã ăn uống nghỉ ngơi gì đâu, tiếp tục đi nữa rất dễ xảy ra chuyện, hai là nếu lại gặp phải bọn độc trùng rắn rết ẩn mình trong lùm cỏ hay ác thú như sài lang hổ báo, nhất định cũng chẳng có kết cục tốt đẹp gì. Mao chủ tịch đã dạy, chúng ta phải cố gắng giảm bớt những hy sinh vô nghĩa và không cần thiết, vậy nên tôi thấy rằng giờ chúng ta nên đốt một đống lửa ở đây, một là để phòng bị lũ độc trùng mãnh thú tấn công, hai là để kiếm thứ gì đấy nấu lên mà ăn, người và ngựa đều nghỉ ngơi lấy lại sức, sáng mai sẽ tiếp tục hành động."

Tuyền béo nói: "Phương án này hay thì có hay đấy, nhưng không chu toàn, các cậu nhìn cái khu rừng này xem, ngoài vỏ cây rễ cỏ ra thì chỉ có mỗi bùn nhão, đừng nói là có đồ ăn, đến cả miếng nước sạch còn chẳng thấy nữa là, chúng ta nấu cái của nợ gì đây? Nhưng không ăn thì thực sự là đi không nổi nữa rồi. Tình trạng này làm tôi nhớ đến một bài thơ của các bậc tiền bối cách mạng, cái gì mà trời sắp tối, bụng reo như trống đổ, gạo trong túi còn vài hạt, rau dại đun cùng nước. Năm xưa đội du kích của tướng quân Trần Nghi gian khổ nhường ấy, nhưng dù sao thì trong túi cũng còn mấy hạt gạo để nấu chung với rau rừng..."

Tôi nghe Tuyền béo nhắc đến gạo và rau rừng, bụng lập tức sôi lên ùng ục: "Tuyền béo kia, cậu nói vậy là có ý gì? Chúng ta đã rơi vào hoàn cảnh này rồi mà cậu còn dám nhắc đến cháo rau rừng nữa, càng đói thì càng không được nhắc đến việc ăn, bằng không sẽ còn đói hơn nữa đấy. Nhớ năm xưa, các vị tiền bối cách mạng từng bị đoạn lương ba tháng, chỉ dựa vào ý chí kiên cường để cầm cự, chúng ta có một chút thế này mà không khắc phục được ư?"

Lúc này Đinh Tư Điềm đột nhiên kéo kéo vạt áo tôi, nói: "Bát Nhất, các bạn nghe thử xem, trong rừng có phải có tiếng nước chảy hay không?" Tôi thầm nhủ, trong cái khu rừng dưới khe núi này lấy đâu ra tiếng nước chảy gì chứ, có lẽ là bụng của ai đấy sôi lên òng ọc, làm Đinh Tư Điềm nghe nhầm thôi? Nhưng tập trung lắng nghe, quả nhiên phía đằng xa có tiếng nước chảy róc rách thật. Có tiếng nước chảy tức là có dòng nước, cổ họng chúng tôi đều đang khát khô cả ra, hơn nữa nếu như có một con suối thật, biết đâu bên trong lại có cá, ngoài ra, nếu men theo dòng nước thì dù trong rừng rậm sương mù mờ mịt này cũng không dễ gì bị lạc đường.

Chúng tôi không chần chừ thêm giây phút nào nữa, trong túi đeo trên lưng con ngựa già có một cái đèn dầu, hồi trước giải phóng loại đèn này được gọi là đèn dầu Tây, nhưng thực ra dầu Tây cũng là dầu hỏa. Ở khu chăn nuôi này không có dầu thông, buổi tối đa phần đều thắp sáng bằng đèn dầu hỏa loại này. Tôi cầm đèn đi trước tìm đường, Tuyền béo nâng lão Dương Bì lên lưng ngựa, cậu ta đi bên cạnh đỡ, còn Đinh Tư Điềm thì cầm dây cương dắt, một đoàn bốn người lần dò từng bước tiến về phía có tiếng nước chảy róc rách.

Chúng tôi xuyên qua những tán lá lòe xòe, đi một đoạn không xa lắm, quả nhiên trông thấy một đầm nước, vì trời tối mà sương mù lại dày đặc, tầm nhìn xa chưa đến chục mét nên cũng không rõ đầm nước này lớn chừng nào. Có điều nghe tiếng nước chảy ở đằng xa vẫn rất lớn, tôi phỏng chừng đầm nước cũng không phải loại nhỏ, đứng trên tảng đá xanh ven bờ nước giơ đèn lên chiếu, chỉ thấy hoa nước cuồn cuộn, dưới mặt nước có rất nhiều con cá màu đen béo mẫm bị ánh đèn thu hút, lũ lượt kéo nhau bơi đến.

Người ở Khắc Luân Tả Kỳ này coi cá như thiên thần, xưa nay không bao giờ bắt cá ăn cá, lũ cá sống trong các hồ lớn hồ nhỏ trên thảo nguyên này đều rất tự do tự tại, chẳng biết sợ người, chứ không giống bọn cá trong nội địa, vừa thấy bóng người đã lẩn tít xuống đáy hồ rồi. Có điều, chúng tôi chẳng để ý được mấy chuyện này nữa, nơi đây ngoài cá với ngựa ra thì chẳng thứ gì ăn được cả. Trên thảo nguyên hoang lương này, cá là thần tiên, ngựa là bạn bè, ăn thần tiên hay ăn bạn bè đây? Đối với những thanh niên trí thức đã từng làm Hồng vệ binh như chúng tôi, đây căn bản không đáng là một vấn đề để suy nghĩ, không cần do dự đã chọn ngay ăn thịt thần tiên rồi.

Tôi và Tuyền béo lập tức xắn tay xắn chân chuẩn bị bắt cá, Đinh Tư Điềm sắp xếp cho lão Dương Bì nằm nghỉ xong, liền buộc con ngựa già lại, nhặt mấy viên đá nhỏ quây thành bếp lò. Trong rừng đầy những cành khô lá vụn, giơ tay vơ mấy cái là có một đống, cô nhanh nhẹn đốt lên một đống lửa, dùng cành cây đỡ cái nồi, đun một ít nước sôi rửa nồi cho sạch sẽ, sau đó mới đun một ít nước nóng cho mọi người uống.

Với bọn thanh niên trí thức chưa vợ như tôi với Tuyền béo, nấu cơm đương nhiên là cửa ải khó nhất, tuy ở chốn hoang dã, nhưng thấy Đinh Tư Điềm sắp xếp mọi thứ đâu ra đó, nhìn bóng cô bận rộn tíu tít, trong lòng tôi không hiểu sao lại dâng lên một niềm thương cảm. Nhưng cảm xúc ấy nhanh chóng bị cơn đói xua đi mất tiệt, tôi thương lượng với Tuyền béo một chút rồi bắt tay vào việc ngay, cá ở đây không sợ người, nên bớt được rất nhiều phiền phức, khỏi phải khuấy cho nước đục ngầu lên như ở Đại Hưng An Lĩnh, mà chỉ cần tìm hai cành cây có chạc, rồi lấy thanh bảo đao Khang Hy của lão Dương Bì vót nhọn làm thành cái xiên cá là xong.

Có xiên cá rồi đương nhiên cũng không thể xiên bừa xiên bậy xuống nước, mà phải treo cái đèn dầu lên mặt nước, dẫn dụ bọn cá đen béo mẫm ấy đến, tiếp đó phải kiên nhẫn, dựa vào các nhân tố như dòng nước, bong bóng nổi lên, bọt nước để xác định được quy luật di động của lũ cá. Vì không đủ ánh sáng, chúng tôi cũng không hoàn toàn nắm bắt được hướng bơi của lũ cá, tuy vậy, cũng vẫn đâm được bảy tám con cá đen trong đầm, những con to hơn một chút còn lại cuối cùng cũng hiểu ra có nguy hiểm, lập tức bơi tít xuống chỗ nước sâu.

Tôi thấy mấy con cá đều khá lớn, thêm người nữa ăn cũng vẫn đủ, nhưng con người ta càng đói thì càng thèm ăn, nhìn thế nào cũng thấy vẫn ít, vậy là chúng tôi đưa cá cho Đinh Tư Điềm chuẩn bị món ăn, rồi lại lội xuống nước, dùng lại cách cũ, xiên thêm mấy con từ đằng xa bơi tới, bấy giờ mới cảm thấy đu đủ cho bốn người ăn. Sự thực là, số cá chúng tôi bắt được ấy đừng nói là bốn người ăn, có thêm bốn người nữa cũng vẫn thừa thãi nhiều.

Đinh Tư Điềm nói với chúng tôí, giống cá đen này chỉ cần nướng trên lửa một chút là khô đét lại chẳng ăn được nên cô lấy đao mổ bụng cá moi nội tạng vứt đi, đánh vẩy sạch sẽ rồi cắt khúc bỏ vào nước sôi, nấu một nồi canh cá. Hơi nước sôi ùng ục bốc lên, mùi thơm ngào ngạt trong nồi lan tỏa khắp bốn phía, tuy không có gia vị gì cả, nhưng lúc này rồi thì còn ai để ý xem mặn hay nhạt nữa đâu. Chúng tôi cố nuốt nước bọt đè nén cơn đói xuống, trợn mắt trừng trừng lên nhìn mấy khúc cá trong nồi, nhìn đến nỗi tròng mắt cơ hồ sắp rơi luôn cả vào trong ấy.

Tuyền béo thèm đến nước miếng nhỏ ròng ròng, cu cậu đưa tay áo lên quẹt quẹt mấy cái, rồi bảo với tôi và Đinh Tư Điềm: "Nghe nói mấy anh em trong binh đoàn đóng ở hoang mạc phía Bắc một ngày ba bữa đều uống canh, họ còn viết một bài thơ về canh nữa cơ, trước khi uống canh để tôi ngâm lên cho các cậu nghe nhá... A! Canh, canh, canh, món canh cách mạng! Một bữa không uống canh nhớ cuống cuồng, hai bữa không uống canh thèm phát sốt, ba bữa không uống canh lòng hốt hoảng..."

Cả tôi lẫn Đinh Tư Điềm đều bị bài thơ của Tuyền béo chọc cho bật cười. Đinh Tư Điềm vui vẻ nói: "Bài thơ ấy bạn lấy đâu ra vậy? Đấy toàn là chuyện xưa xửa xừa xưa rồi, hồi trước vùng phía Bắc ấy rất hoang lương, chỉ có cỏ dại chứ không có cây lương thực, về sau người của binh đoàn dần dà đông lên, xây dựng hoang mạc thành kho lương, nghe nói giờ ở đấy khá lắm rồi, không cần phải uống canh cả ngày nữa đâu. Mình có người bạn học làm tiểu đội trưởng bên ấy mà. Phải rồi, các bạn ở liên khu Hưng An thì ăn uống thế nào?"

Tuyền béo nói, bên chỗ chúng tôi thì có nhiều món ngon lắm, trên trời có thịt rồng, dưới đất có thịt lừa chúng tôi đều xơi hết cả rồi, nhưng thấy cũng thường thôi, làm sao ngon bằng nồi canh cá này được, món cá này hấp dẫn quá, chỉ ngửi mùi thôi cũng đã là một sự hưởng thụ rồi.

Đinh Tư Điềm ngạc nhiên hỏi: "Thịt rồng cũng có mà ăn à? Lẽ nào chuyện ông lão Dương Bì nói là sự thật? Trên đời này có rồng thật sao?" Tôi bèn cười cười giải thích: "Trên trời có thịt rồng, dưới đất có thịt lừa là câu nói ở vùng Hưng An, thịt rồng ấy thực ra chỉ là thịt chim trĩ trong núi. Nó còn có một tên tục gọi là phi long, vì mùi vị rất thơm ngon, thuộc hàng cực phẩm trong các món sơn trân, thế nên mới được đặt cho cái mỹ danh là thịt rồng, kỳ thực thì cũng không khác gà rừng bình thường là mấy. Để lần sau mình kiếm một hai con mang tới đây cho bạn nếm xem thịt rồng có mùi vị thế nào. Có điều Tuyền béo nói đúng ra phết, mình cũng cảm thấy nồi canh cá này thơm quá đi mất, chưa bỏ gia vị gì mà sao đã thơm thế này nhỉ? Có lẽ mình đói quá cũng nên, nói gì thì cả đời này mình cũng chưa bao giờ ngửi được món canh cá nào thơm như thế cả."

Trong lúc nói chuyện, canh cá cũng gần chín đến nơi, cả mấy người ngửi mùi đều xao xuyến cả cõi lòng, đột nhiên nghe tiếng ho khục khặc, lão Dương Bì đã tỉnh lại, ngửi thấy mùi canh thơm xộc lên mũi: "Ôi cha, thơm quá đi... đang nấu gì đấy, sao thơm thế?"

Chúng tôi quay đầu lại thấy ông già đã tỉnh, đều thở phào một hơi, xem chừng quả nhiên là đói quá nên mới bị hôn mê, ngửi mùi canh cá liền tự tỉnh dậy luôn. Tôi thầm nhủ không thể nói với lão Dương Bì đây là canh cá được, ông già này tuy cũng thuộc giai cấp bần hạ trung nông, nhưng tư tưởng mê tín ăn sâu bén rễ vẫn còn nặng lắm, cái đuôi phong kiến chưa cắt đi hết, nếu bảo với ông đây là canh cá, chắc chắn là ông già không chịu cho chúng tôi uống đâu, chi bằng cứ để ông no nê rồi hẵng nói sự thật, vậy thì ông muốn nói gì cũng chẳng được nữa rồi.

Nghĩ tới đây, tôi không đợi Tuyền béo nếm trước, đã giật lấy cái muôi trong tay cậu ta, khẳng khái múc đầy một muôi canh đưa tới trước mặt lão Dương Bì: "Thanh niên trí thức chúng cháu hưởng ứng lời hiệu triệu lên núi xuống đồng, chính là để học tập giai cấp bần hạ trung nông, cần phải chú ý lắng nghe ý kiến của bần hạ trung nông, mời ông nếm thử trước, rồi bình luận hộ cháu xem món canh này nấu thế nào với ạ."

Lão Dương Bì có lẽ đói quá, cũng có lẽ vì món canh này quá thơm ngon, thấy cái muôi đưa tới tận miệng, bèn không hỏi han gì nữa, nhận lấy rồi húp soạt một phát hết luôn. Ông già liếm liếm mép, như vẫn chưa đã thèm, bèn lảo đảo bước đến trước cái nồi, múc hết muôi này đến muôi khác, mà cũng chẳng ngại nóng phỏng mồm, cứ thế húp xì xà xì xụp một mạch nguyên nửa nồi, cả thịt cá bên trong cũng vớt lên ăn rõ là nhiều.

Tuyền béo thấy vậy thì cuống lên, cả một nồi to tướng này đủ cho tám người ăn, vậy mà một mình ông già này đã xơi hết một nửa rồi, ông già khô quắt khô queo này sao mà ăn khỏe kinh người vậy chứ? Tôi và Đinh Tư Điềm đều ngớ người ra, sao lão Dương Bì ăn cứ như trúng tà vậy? Tiếp tục ăn thế này chẳng phải sẽ nghẹn chết hay sao? Vậy là chúng tôi vội ngăn lão Dương Bì lại: "Ông có biết trong nồi này là thịt gì không? Không hỏi rõ sao đã ăn nhiều thế, đây là thịt cá đen bắt trong đầm nước lên đấy."

Lão Dương Bì đã ăn quá nhiều, nghẹn đến trợn trừng cả mắt lên, vừa nghe thấy là thịt cá liền giật nảy mình: "Cái gì? Thịt cá đen? Tội lỗi tội lỗi, thần tiên mà cũng dám ăn sao? Ăn vào báo ứng đó... báo ứng đó..." Nhưng nói thì nói vậy, ông dường như không thể kiểm soát được cánh tay mình, lại tiếp tục cầm muôi vớt thịt cá lên ăn tiếp.

Tôi thấy hai mắt lão Dương Bì đỏ vằn lên sắc máu, so với lúc thường tựa như hai người hoàn toàn khác nhau, một người tuyệt đối không thể uống ngần ấy canh cá mà vẫn như kẻ chết đói thế được. Ngay lúc ấy, tôi bỗng giật thót mình, một dự cảm chẳng lành chợt dâng trào lên, nồi canh cá này không thể uống được rồi!

Mục lục
Ngày đăng: 04/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên

Mục lục