Gửi bài:

Hồi 4 - Phong Vũ Chung

Trải bao thỏ lặn ác tà, khi xưa bể biếc nay là ruộng dâu." Phàm là kẻ có bản lĩnh thì việc thăng tiến không ngoài ba con đường. Một là học được tài văn võ, bán thân cho đế vương, ra sức vì triều đình, mưu đồ một phen vinh thân phì gia, quan cao lộc hậu; hai là dựa vào nghề nghiệp của bản thân để nuôi sống gia đình, tuy rằng vất vả cực nhọc nhưng có thể sống yên ổn cả đời; ba là đi vào nơi rừng xanh núi đỏ, chỉ có thể làm những hành vi vô pháp vô thiên, lớn thì lấy vàng, bé thì cướp bạc, không lương thì cùng đói, có thịt thì cùng ăn, thế gọi là "chia vai tụ nghĩa".

Nhưng không hiểu sao, nhiều người có tài nghệ cao cường, cả đời cố gắng phấn đấu mà rốt lại thì áo chẳng đủ che thân, cơm không đủ ấm bụng, phải sa vào cái cảnh không bằng được đám ngu dốt, bất tài? Tất cả cũng vì con người ta có cơ duyên, vận mệnh rất khác nhau mà thôi. Cái gọi là "tài cao phận mỏng, tài hèn số hên" tức là việc giàu sang hay nghèo hèn của mỗi con người, xưa này chỉ bàn đến số mệnh chứ không bàn đến tài năng. Dẫu cho anh có tài cao chí cả đến thế nào chăng nữa, nếu số mệnh của anh không cần đến nó thì rốt cuộc tài nghệ đó cũng không có đất thi triển.

Trương Tiểu Biện học thuật "Xem mèo" của Lâm Trung Lão Quỷ, vốn cho rằng chẳng qua chỉ là những tạp kỹ linh tinh như giả tiếng gà, ăn trộm chó mà thôi. Bọn mèo nhà, mèo hoang trong thành Linh Châu, con nào con nấy phàm ăn, lười nhác, đã không biết xây nhà lại không biết nấu cơm, lúc Tam gia ta chịu đói rét thì có thể hy vọng chúng giúp đỡ được trò trống gì? Nào ngờ đâu khi thời vận đã đến, cái "vô" cũng có thể biến ra cái "hữu", tự nhiên gặp được cơ duyên trời cho, rốt cuộc hắn cũng phải dựa vào sự tương trợ của bầy mèo hoang Linh Châu để làm nên nhiều đại sự kinh thiên động địa. Đúng thực là: "Bảo mèo không có đạo? Đạo mèo thực có dòng. Có nhiều điều kỳ lạ. Xưa nay khó hình dung."

Lại nói đêm ấy, trăng sáng vằng vặc trên trời, chiếu lung linh vạn dặm, trên dưới một màu bàng bạc, Trương Tiểu Biện và Tôn Đại Ma Tử dẫn đàn mèo hoang, băng ngõ vượt phố đến thẳng di chỉ của chùa Tháp Vương. Lúc ấy, trong thành đã sớm ban lệnh giới nghiêm, nhà nào nhà nấy đống chặt cửa ngõ, đường phố lạnh không một bóng người, chỉ thi thoảng mới có mấy tốp lính dõng Linh Châu cắp đao thương đi tuần phòng, giới bị.

Trong đống đổ nát của nhà dân, mặt đất nứt ra một khe sâu, bên trong hơi mù dày đặc, từ ngoài nhìn vào không thể biết nông sâu ra sao, bốn phía đã có một toán lính dõng canh chừng, tất cả đều cầm đèn lồng, giơ đuốc sáng. Trương Tiểu Biện lấy của họ hai ngọn đèn lồng rồi cùng với Tôn Đại Ma Tử, mỗi người cầm một ngọn trong tay, dẫn đàn mèo hoang chui thẳng vào đám khói mây mù mịt.

Chỗ này mấy trăm năm trước từng là nền móng phía dưới của tòa tháp cao, lòng đất vẫn còn thấy được nhiều gạch đá, đất nện, nơi sâu nhất có ẩn một miệng giếng sâu. Do nền tháp đã bị toác ra nên không cần phải ròng dây mới xuống được dưới giếng, hai người mò mẫm trong đống gạch ngói đổ nát để đi xuống phía dưới, thấy khí âm lạnh lẽo ẩm ướt càng lúc càng dày, trên tường giếng chỗ nào cũng nghi ngút hơi nước.

Giếng cổ trong chùa Tháp Vương miệng bé nhưng lòng rộng, đáy giếng là một cái động đá thiên nhiên, đối diện với lòng giếng là một đầm nước sâu khôn lường. Nguyên là các khe vực trong thiên hạ được chia thành "ba mươi sáu mạch, bảy mươi hai mắt", đều nói về các đầm, giếng, khe, suối cực sâu cực thâm u. Giếng cổ này chính là một trong số đó, phía Tây giáp với hồ Động Đình tám trăm dặm, phía Đông liền với biển lớn mênh mông.

Từ hồi xưa, chừng vào đời Đường, trong phạm vi mấy trăm dặm của thành Linh Châu thường có tai họa xuất hiện, không phải là hạn khô đồng ruộng, thì cũng là lũ lụt tràn ngập, mười năm thì đến chin năm có thiên tai khiến cho thóc lúa đắt đỏ, người dân hết đường sống. Triều đình cho rằng, chắc chắn trong giếng cổ nghìn năm của thành Linh Châu có một con rồng già tác yêu tác quái, vì vậy mới mời một vị cao tăng tới trấn yểm, đồng thời hạ chỉ xâu một ngôi chùa lên trên. Vì vậy, người ta mới xây một tòa tháp cao, sơn son thếp vàng lên trên miệng giếng, lại cho hương khói thờ một cái "Phong Vũ chung" để cầu cho mưa thuận gió hòa.

Cái chuông này có thể biết trước gió mưa, mù tạnh, là báu vật trấn chùa trong chùa Tháp Vương. Tương truyền, khi Đại Vũ trị thủy, đã được nhiều quỷ thần trợ giúp. Có lần đang khơi thông đường sông trong núi sâu, gặp phải một trận mây mù kín trời, giữa ban ngày mà xòe bàn tay không thấy ngón, bỗng may thay, có một con lợn rừng to mồm ngậm viên mình châu chạy lại dẫn đường, đồng thời, miệng không ngừng hút mây mù đang nghi ngút xung quanh, Vũ vương nhờ thế mới dẫn đầu mọi người khơi thông được dòng nước trong mây mù. Kỳ thực ra, viên mình châu đó chính là một viên Huỳnh Quang Khoáng Thạch hiếm có, có thể nuốt được mây mưa. Phong Vũ chung có khảm vật này vào, nên vào ngày thường phía trên chùa Tháp Vương vẫn xuất hiện các cảnh tượng mây núi kỳ lạ.

Có câu rằng: "Cảnh đẹp thì khó được lâu; Lưu ly dễ vỡ, mây mầu chóng tan." Về sau này, mỗi lần thay đổi triều đại, đao binh dấy lên khắp nơi, thành Linh Châu cũng không tránh được sự tàn phá của ngọn lửa chiến tranh. Các cao tăng trong chùa Tháp Vương sợ Phong Vũ chung bị hủy trong loạn lạc mới ngầm giấu trong giếng cổ dưới chân Tháp Vương, lại sợ có kẻ tới trộm bảo vật liền xích cái chuông đồng đó vào hai con "Đà ngư".

Đà ngư không phải là động vật ở Trung Thổ mà vốn là một loài lưỡng thê lạ do một vị tăng nhân người Ấn Độ mang từ nước Bà La Cam Tư đến. Loài này tuổi thọ còn hơn cả rùa, chúng có hình dáng giống như một con cá chép vảy vàng, trên lưng có mai cứng như giáp, ở dưới nước thì mạnh mẽ vô cùng. Nếu có kẻ nào tơ tưởng đến việc lấy trộm Phong Vũ chung thì một là bị bọn Đà ngư giết chết ăn thịt dưới nước, hai là làm chúng sợ, kéo cái chuông đồng lặn sâu xuống đáy nước thì mấy chục năm đến cả trăm năm cũng không xuất hiện nữa.

Trương Tiểu Biện và Tôn Đại Ma Tử mò đến cạnh đầm nước, giơ đèn lồng rọi ra bốn phía, chỉ thấy làn nước phẳng lặng như gương cũng không rộng lắm nhưng lớn hơn miệng giếng thường rất nhiều, ước khoảng bằng bốn cái bàn Bát tiên ghép lại. Trên mặt nước có từng đợt mù trắng nghi ngút bốc lên, càng lên cao thì càng tỏa rộng, xung quanh đầm nước và đáy giếng thì lại không có chút khói mù nào. Trên vách giếng và trong động có vô số pho tượng Phật bằng đá, to nhỏ khác nhau, pháp tướng thiên biến vạn hóa, tư thế rất trang nghiêm.

Đàn mèo do con Kim Ngọc Nô dẫn đầu cũng nối gót nhau kéo đến. Cả ngày, chúng đều lang thang khắp thành Linh Châu, từ hang cùng ngõ hẻm đến phủ to nhà lớn, "giữa cột đồi mồi, trên lầu uyên ương, bên trong gác son, đằng sau rèm lụa, trong thành, ngoài thành",chẳng chỗ nào mà chúng không quen thuộc, nhưng xưa nay chưa bao giờ từng xuống đến giếng cổ này cả. Thấy cảnh đá nước lạ lẫm trong hang động dưới đáy giếng, chúng đều rất tò mo, tụ tập lại một chỗ giương to hai mắt, nhìn ngó bốn phía.

Trương Tiểu Biện chỉ vào chỗ có mù trắng bốc lên rồi nói với Tôn Đại Ma Tử: "Chỗ nước đó chính là nơi giấu Phong Vũ chung, nếu có cách lấy được vật này thì lo gì chẳng đổi được chức quan cao lộc hậu, có Hoa linh cài mũ... "

Tôn Đại Ma Tử kinh ngạc, nói: "Ta hỏi này Trương Tam, chuyện bí mật thế này đệ nghe được từ đâu mà lại nắm tường tận như thế? Hơn nữa, Phong Vũ chung là bảo vật tối quan trọng của Linh Châu, xưa nay nắm giữ việc điều hòa mưa gió trong vòng trăm dặm, chúng ta sao dám mạo muội làm kinh động đến nó? Chẳng lẽ ngươi lại gặp phải lão quỷ trong mộ Kim quan rồi ư? Chớ quên rằng chúng ta đã bị rước họa vào thân ở Hòe viên lần trước,cứ thế mà suy, chớ tin vào lời yêu ngôn của lão ta. Đối với chúng ta, lão vị tất đã có bụng tử tế gì."

Trương Tiểu Biện thuận miệng lấp liếm: "Mộ Kim quan là một ngôi mộ hoang, lấy đâu ra lão quỷ nào? Tam gia ta được truyền dạy thuật xem mèo và tìm của, chẳng qua cao nhân không lộ tướng, mà lộ tướng thì chẳng phải cao nhân đấy thôi. Chính vì vậy, từ xưa đến nay chưa bao giờ thi triển ngón nghề trong làng Kim quan. Tới giờ, Phong Vũ chung dưới đáy giếng ngưng tụ mây mù, hiển hiện ra hình dạng tòa tháp, khiến cho lòng quân dân toàn thành không yên, huynh đệ chúng ta sao có thể khoanh tay đứng nhìn được?" Lại nói tiếp rằng, cái Phong Vũ chung chôn giấu trong giếng cổ chẳng qua chỉ là một cổ vật có khả năng kết tụ mây mù, sao có thể quản được việc điều hòa mưa gió? Linh Châu của chúng ra từ xưa mèo nhiều cúng bái cũng nhiều, những thứ như: chùa Tháp Vương, Kim Quan thôn, Long vương miếu, Miêu Tiên từ... nhiều không đếm xuể, người dân cúng hết thần tiên, phật thánh của chín mươi chín tầng trời, nhưng hễ năm nào gặp phải thiên tai thì hạn hán vẫn hoàn hạn hán,lụt lội vẫn hoàn lụt lội, Phong Vũ chung nào đã phát huy được tác dụng gì? Nếu không phải năm đó, Miêu Tiên Đàm đạo nhân diệt trừ được con "hỏa trùng" thì thành Linh Châu sao có được cảnh phồn hoa như ngày hôm nay? Chính vì vậy mà mới nói, mọi sự vật trong gầm trời này xưa nay đều là "bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao" mà thôi, nếu người đời chẳng làm những việc có đức thì dẫu cho có bảo vật cũng không linh nghiệm.

Tôn Đại Ma Tử là người thẳng đuột ruột ngựa, nghe xong thì ngẩn ra mãi mới nói: "Việc này", rồi lại nghĩ ngợi một lát, rốt cuộc cũng lờ mờ hiểu ra liền gật đầu nói: "Ờ... quả là có lý, mỗ chỉ là một thất phu lỗ mãng, không chịu đất, không chịu trời, nhưng nói về mặt không ngoan, cơ trí thì còn kém Tam đệ một bậc. Theo Tam đệ, chuyện này nên xử lý thế nào?"

Trương Tiểu Biện nói: "Đầm nước dưới đáy giếng sâu tới mức thông ra đến biển, bên trong lại có cá già thành tinh, nếu cứ mạo hiểm xông xuống, chỉ e bị con thủy quái lôi đến tận Long cung bắt làm con rể Long vương mà thôi. Nghe đồn, Long nữ không phải là một cô nương hoa nhường nguyệt thẹn gì đâu, mà cô nào cô nấy xấu như ma lem. Nếu đúng là như thế thì Tam gia ta chẳng thèm. May mà chúng ta đã dụ con Kim Ngọc Nô đến dưới giếng cổ chùa Tháp Vương này, huynh đệ chúng ta chỉ cần nấp một bên đợi, làm kế ngao cò tranh đấu, ngư ông đắc lợi là được. Hãy xem đàn mèo hoang giở trò gì."

Tôn Đại Ma Tử không hiểu nổi, mấy con mèo hoang thì làm được trò trống gì. Gã bán tín bán nghi, đành phải nhẫn nhịn cùng Trương Tiểu Biện trèo vào trong một cái bệ Phật trên vách giếng, giơ hai ngọn đèn lồng soi sáng một vùng đầm nước lạnh lẽo yên ắng, thật đúng là: "Rãi xong lớp thính thơm phưng phức, chờ đợi con mồi đến đớp câu."

Lại nói về mèo hoang Linh Châu thích nhất là cá tanh, từ xưa đã có thói quen đứng cạnh mép nước để xem cá. Hơn nữa, mấy năm gần đây, vùng này thiên tai dịch họa liên miên, chẳng mấy người đến Miêu Tiên từ để cúng dường cá tươi, đến cá ươn tôm vụn bọn mèo cũng còn khó thấy. Lúc ấy, thấy dưới đáy giếng có cá bơi, bọn chúng đều muốn mon men đến sát lại để nhìn cho bõ thèm.

Nào ngờ, khi bọn mèo hoang vừa đến sát mép đầm thì bọt nước đột nhiên tung lên, từ bên trong lao vọt ra một cái đầu cá to. Hình dạng con cá rất kỳ lạ, vẩy bạc sáng lòa, con mắt như một cái bát lớn khiến lũ mèo hoang cả kinh thất sắc, vội vã tản ra tứ phía ẩn nấp. Trong đó, có một con "Táo Thượng Lãn" là đần độn nhất, tuy may không bị kéo xuống nước nhưng vì nấp chậm nửa bước, nên bị con quái ngư hất một cái bắn tung ra ngoài, rơi xuống đống tượng Phật. Con mèo lười bị gãy một chân, kêu gào thảm thiết.

Con Đà ngư ngày thường ăn cá, ếch, rùa, rắn trong đầm, rất giỏi lôi chó hoang, mèo hoang xuống nước ăn thịt, lúc ấy tấn công không trúng, cũng là việc nằm ngoài định liệu, nó liền ẩn xuống đáy nước nằm phục, không động đậy.

Bầy mèo hoang Linh Châu nếm mùi lợi hại, không dám mon men đến gần mép nước nữa, chỉ có con Kim Ngọc Nô toàn thân vằn vện dẫn mèo hoang lớn nhỏ đến xem xét tình hình của cái chân gãy của con Táo Thượng Lãn kia, tỏ vẻ thương xót. Bọn mèo thấy đồng bọn bị thương thì đều tức giận, không chịu bỏ qua chuyện này.

Bầy mèo hoang gừ gào to nhỏ tựa như đang bàn luận một hồi, con mèo Táo Thượng Lãn liền lê cái chân khoèo, cà nhắc từng bước đi về một phía vách giếng rồi dán chặt người vào đó, cũng không biết nó dùng cách nào, chỉ thấy nó dựa vào đá nhảy nhảy mấy cái, tuy đau tới mức kêu ngao ngao ầm lên nhưng rốt cuộc cũng nối được chỗ xương gãy.

Đám mèo hoang còn lại thấy xương chân của con Táo Thượng Lãn không còn đáng ngại, liền chia nhau chạy ra ngoài giếng, trong chớp mắt bỏ đi sạch sẽ. Trương Tiểu Biện cũng không rõ bọn chúng rốt cuộc đang định làm gì, đành phải cùng Tôn Đại Ma Tử chờ trong lòng giếng mất hơn một canh giờ. Đang nghĩ bụng bọn mèo hoang chắc đã một đi không trở lại, bỗng thấy đàn mèo mang về một con mèo già to béo dị thường. Con mèo già đó béo kinh khủng, e nặng đến mấy chục cân, khắp mình lông lá bờm xờm, che kín cả tai, mũi và hai mắt, lại bẩn thỉu lem luốc, hễ đụng nhẹ một cái là chấy rận rơi lộp bộp, điệu bộ cũng hết sức chậm chạp.

Trương Tiểu Biện và Tôn Đại Ma Tử ngầm ngạc nhiên, chẳng hiểu bầy mèo hoang mời đâu ra vị "quan gia" này, tuy nhiên, Trương Tiểu Biện có thuật xem tướng mèo, hiểu rằng, chớ tưởng lầm nó chỉ là một con mèo già bẩn thỉu bờm xờm. Râu và lông của nó đều dài, lông có hai màu vằn trắng, râu chia thành hai màu vàng đen, đầu thì tròn, vuốt thì ngắn, thân hình béo mập như một cái hồ lô, xuống nước không chìm. Đó chính là một loại mèo cổ từ thời Tùy, Đường, người đời gọi là " Độ thủy hồ lô miêu", là một loại mèo không tầm thường, có xuất xứ kỳ lạ vô đối, nếu mà nói ra thì đúng là: "Tự cổ chí kim chưa chắc có; Tạo trời mở đất một mà thôi." Muốn biết sự thể ra sao, hạ hồi phân giải.

Mục lục
Ngày đăng: 28/02/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục