Gửi bài:

Chương 12

Thiếu úy Ghéc-xơn tìm đến văn phòng của Hội nhà báo. Anh tự giới thiệu rồi nói rõ mục đích cuộc viếng thăm.

- Còn một điểm này nữa - viên thiếu úy nói tiếp - tôi đề nghị cá nhân đồng chí nào trực tiếp tham dự vào việc phân loại cùng với chúng tôi. Xin nói trước: tôi chỉ cần những phóng viên ở Vác-xa-va thôi. Nhưng không tính những ai chân khập khiễng và mắt lác. Anh Ca-rôn tôi tìm phải là một người đẹp trai kia.

- Vâng, tôi sẽ cố giúp anh - cô thư ký cười khanh khách một tràng dài.

Thiếu úy Ghéc-xơn lập tức có ngay bốn anh Ca-rôn đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu. Ghi xong địa chỉ của bốn người, cả địa chỉ nhà riêng lẫn địa chỉ tòa soạn, Ghéc-xơn định lên đường ngay. Nhưng trước lúc rời văn phòng, anh cũng gọi điện về Cục báo tin.

- May mà anh lại gọi điện thoại về - giọng của trung sĩ Bu-rưi vang lên trong máy - Cách đây mười lăm phút, thiếu tá có gọi điện, bảo anh phải đến ngay số nhà 5, đường Gi-ma-lư.

- Về chuyện gì vậy, anh biết không?

- Một cô gái nào đó bị bắt cóc, nhưng chi tiết thì tôi không rõ lắm. Tôi cũng phải đến đấy ngay đây.

- Anh cứ lấy ô tô mà đi rồi dọc đường đón tôi với. Tôi sẽ chờ ở cạnh Viện bảo tàng Quân đội Ba Lan.

Vì bị gọi đi đường đột nên những địa chỉ mà Ghéc-xơn vừa ghi được, trong số đó có địa chỉ của Ca-rôn Pa-gi-xturi đã không được thẩm tra ngay. Điều đó đã khiến cho việc điều tra vụ án phải kéo dài thêm ít lâu nữa. PHẦN 19

Tuy Vưđ-ma mặc thường phục nhưng trong dáng dấp của anh vẫn có một cái gì ra vẻ rất thủ trưởng, nên người cảnh sát đã nhận thấy ngay và vội vàng tách ra khỏi đám đông, chạy lại đón thiếu tá.

- Có chuyện gì thế? - Vưđ-ma vừa hỏi vừa chìa giấy chứng minh.

- Một cô gái bị bắt cóc ạ, thưa thiếu tá.

- Tại nhà cô Uây-xka-y-a phải không?

- Vâng.

- Tầng mấy?

- Tầng hai. Lối vào ở bên cổng nách đấy ạ.

- Đã có ai trên ấy chưa?

- Có thiếu úy Vi-tếch, thuộc quận công an Bắc Pra-ha. Chúng tôi đang chờ xe cấp cứu.

Vưđ-ma lách vào giữa những người tò mò để tìm đường lên gác. Thang gác dẫn lên các tầng trên bằng gỗ, bậc lên xuống đã vẹt cả đi. Đến tầng hai, anh gặp ngay trước cửa phòng một người đàn ông lùn tịt, vai rộng, bộ ria mép rậm rì, mặt sưng húp và đỏ rực. Cạnh ông là một cô gái mặc áo thun với chiếc váy dài, bẩn đến mức khó lòng đoàn ra nguyên nó là màu gì.

- Ông là ai? - Vưđ-ma hỏi một câu cụt lủn.

Người đàn ông béo lùn nhìn anh chằm chằm

- Gác cổng, nhưng sao cơ?

- Tôi cần gặp ông ngay đấy, đề nghị ông chớ có đi đâu vội.

Phòng ngoài tối thui. Nhưng khi mở cửa để đi sâu vào trong, thì một dải sáng hẹp liền chiếu thẳng ra. Vưđ-ma bước vào căn phòng khách đang sáng đèn. Anh thấy trên đi-văng có một thiếu phụ đã cao tuổi đang vừa nằm vừa nấc khan, đầu gối lên tay một cô gái tóc đen đang chăm sóc cho bà ta. Một sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi, vóc người cao lớn đang nhìn cảnh ấy với vẻ mặt hơi bối rối. Vưđ-ma lập tức nhớ ngay là anh đã từng gặp viên sĩ quan này ở đâu đó rồi. Đến lượt mình, viên thiếu úy cũng nhớ ra anh nên lập tức đứng nghiêm và báo cáo:

- Báo cáo thiếu tá, tôi là thiếu úy...

- Tôi nhớ ra rồi, nhớ rồi - Vưđ-ma ngắt lời - Có chuyện gì vậy?

- Theo tin vừa nhận được, một cô gái sống tại căn hộ này bị bắt cóc.

- Ai báo tin đó?

- Tôi ạ - cô gái đang lúi húi bên thiếu phụ đứng vội lên và quay sang phía Vưđ-ma.

- Cô là Dô-phy-a Uây-xka-y-a phải không?

- Vâng...

- Người bị bắt cóc là cô El-mer chứ gì?

- Ra ông đã biết mọi chuyện rồi sao?

- Cô hãy kể nhanh đi: đầu đuôi thế nào? - Vưđ-ma không để ý gì đến vẻ mặt sửng sốt của cô gái. Chật vật lắm anh mới nén nổi cơn bực tức đang trào lên trong người - Càng ngắn càng chính xác bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

- Ông thư cho một lát, tôi chỉ thay miếng gạc cho bà cụ thôi.

Cô gái vặn vòi nước, giặt lại miếng vải bông, vắt bớt nước đi, đắp lên cổ cho bà mẹ đang nằm rên rỉ trên đi-văng, rồi bắt đầu kể.

- Tôi ở cơ quan về lúc gần sáu giờ. Vì phải xách một làn đầy thức ăn rất nặng nên mở cửa xong, tôi liền lên tiếng gọi An-ca để cô ấy ra đỡ cho một tay. Không thấy tiếng trả lời. Tôi hết sức ngạc nhiên: An-ca không bao giờ ra khỏi nhà vào những giờ ấy... - Cô gái bỗng im bặt, nhưng chắc hẳn không biết lái câu chuyện vừa mới bắt đầu mà đã lỡ lời nói hớ, như thế nào cho xuôi đây, nên quyết định cứ bỏ dở giữa chừng... Bà cụ tôi thì tan tầm lúc hai giờ, nghĩa là, thế nào cũng phải có mặt ở nhà. Ấy thế mà trong phòng cứ vắng tanh. Tôi hết sức ngạc nhiên nhưng vẫn chưa thể nào ngờ được sự tình lại tồi tệ đến mức thế này. Tôi vội đặt làn xuống, cởi măng-tô ra và chỉ khi bước vào phòng mới rõ hết cơ sự... Bà cụ tôi bị trói chặt vào ghế với một miếng giẻ to tướng trong mồm, mặt bê bết máu, hai tròng mắt nhô hẳn ra ngoài, thoi thóp thở...

Cô gái làm như thể đang nhìn thấy trước mắt những cảnh khủng khiếp ban nãy, vì cô nói hấp tấp không kịp thở nữa. Nói xong những lời cuối cùng, cô suýt nghẹn.

Vưđ-ma kiên nhẫn ngồi nghe, không nở ngắt lời cô.

- Tôi vội lôi ngay miếng giẻ trong miệng bà cụ ra, cắt hết dây trói - cô chỉ một đống thừng còn nằm ngổn ngang dưới sàn nhà - và dìu cụ lên đi-văng. Cụ tôi đờ đẫn như bị ngất. Tôi lấy miếng gạc chườm lên cổ cho bà cụ rồi chạy đi gọi dây nói.

Bà mẹ vừa nghe con kể, vừa chăm chú nhìn mấy người công an. Thấy thế, Vưđ-ma liền bước lại chỗ đi-văng bà đang nằm.

- Vâng... có đỡ đôi chút... Bọn chúng có ba đứa, chúng bắt mất An-ca.

Đúng lúc ấy ngoài cửa có tiếng chân bước vội. Rồi, một phụ nữ mặc áo choàng trắng bước vào. Theo sau chị là một người đàn ông cũng khóac áo choàng trắng. Vưđ-ma ngẩng lên:

- Chị là bác sĩ ạ? Tôi là thiếu tá Vưđ-ma, công tác ở Tổng cục. Tôi đang tiến hành điều tra.

- Có chuyện gì vậy? Chị bác sĩ đi ngay lại chỗ đi-văng và cúi xuống nhìn nạn nhân.

Vưđ-ma thuật lại vắn tắt câu chuyện. Khám cho bà mẹ xong, chị quay sang phía Vưđ-ma:

- Nạn nhân bị choáng nặng. Những vết hằn trên cổ cho biết hung thủ cố tình bóp cổ bà ta. Tôi sẽ tiêm cho bà ta một mũi thuốc và chỉ lát sau là tỉnh hẳn thôi. May là chưa việc gì.

- Ống thuốc chắc có pha cả thuốc ngủ đấy nhỉ?

- Dĩ nhiên, nhưng không tác động ngay tức khắc đâu. Có hỏi han gì thì đồng chí hãy làm gấp lên, nếu bà ta chưa bị mất giọng.

Chị bác sĩ vừa ra về, Vưđ-ma đã cho gọi ngay người gác cổng mà từ nãy đến giờ vẫn đứng đợi anh ngoài hành lang.

- Ông là người thân của cô ấy? - anh đưa mắt chỉ cô gái đang đứng cạnh ông ta?

- Nó là con gái tôi. Tôi phải dắt cháu theo vì lúc đó tôi đi vắng. Chính cháu nhìn thấy bọn chúng vào nhà.

- Lúc ấy ông đi đâu thế?

- Chạy đi mua cốc bia ạ. - ông thật thà thú nhận. Bộ mặt sưng húp và giọng nói lè nhè chứng thực cho sự thành khẩn đó.

- Tên ông là gì? - Vưđ-ma lấy bút giấy ra.

Ông gác khai rõ tên họ. Rồi thiếu tá quay sang phía cô gái:

- Thấy gì, cô cứ kể chi tiết đi!

- Cháu thấy một chiếc xe tải có mui chạy đến rồi lùi sát thùng xe vào cổng nách. Từ trong xe ba người đàn ông nhảy xuống...

- Vóc dáng, mặt mũi bọn chúng ra sao? Làm ơn kể cho thật tỉ mỉ nhé.

- Cổng nách bị khuất sau thùng xe nhưng cháu vẫn nhìn rõ được cả ba: hai đứa còn trẻ, cằm có râu; còn tên thứ ba thì đeo kính râm, đội mũ lưỡi trai kéo sụp đến tận mắt.

- Bọn họ ăn mặc ra sao?

- Tên đeo kính mặc maăng-tô mỏng, màu chẳng ra xanh mà cũng không ra xám... Còn hai đứa ki thì mặc com-bi-nê-dông giống như thợ máy ấy.

- Cô có trò chuyện gì với bọn ấy không?

- Xe đến thì cháu đang ngồi cạnh cổng. Cháu liền chạy ngay sang phía cổng nách hỏi họ đến tìm ai. Một đứa ngoạc mồm ra cười hô hố, rồi đáp "tìm cô đấy, cô nương ạ". Riêng tên đeo kính thì bảo: đến chở chiếc đi-văng ở căn hộ số bốn. Cháu nghĩ bụng: chắc cô Uây-xka-y-a muốn mua chiếc đi-văng mới nên bán cái cũ. Thấy cũng chả có gì đáng chú ý nên cháu lại quay về nhà. Nhà của cháu thì quay ra sân chung.

- Bọn chúng đến lúc mấy giờ?

Cô gái nhún vai;

- Cháu không xem đồng hồ. Nhưng cách đây chừng hai tiếng.

- Thế cô có để ý đến số xe không hả?

- Không ạ. Với lại có để ý chắc cũng không đọc nổi vì cổng nách tối lắm.

- Chiếc xe ấy sơn màu gì?

- Xanh xám.

Giữa lúc ấy thì thiếu úy Ghéc-xơn và trung sĩ Bu-rưi xuất hiện trước cửa.

- Ồ, cậu đấy à - Vưđ-ma hỏi thiếu úy, thay cho lời chào - Cậu tìm gặp ngay bà con trong khu nhà để lấy lời khai đi. Còn Bu-rưi thì cứ thử hỏi chuyện những ai chứng kiến sự việc xem nhé. Đã biết chuyện cả rồi chứ?

- Biết ạ. Cậu cảnh sát đứng dưới kia có kể cho hai anh em nghe rồi.

- Tôi không tin là cậu sẽ dò ra được số xe nhưng cứ thử cố xem. Cũng nhớ hỏi xem có ai nghe được câu chuyện trao đổi giữa bọn chúng với nhau không, hoặc những gì đại để kiểu đó. Khoản này chắc cậu biết cả rồi chứ...

Rồi anh quay sang viên sĩ quan suốt từ nãy đến giờ vẫn đứng giữa phòng, không hề nói một lời nào:

- Đồng chí thiếu úy, vụ này cứ để tôi tự tìm hiểu lấy, vì nó liên quan đến vụ án tôi đang làm dở. Mai mốt, tôi sẽ liên lạc với quận của đồng chí sau. Bây giờ đồng chí được tự do.

- Bác thấy trong người thế nào? Có thể nói năng được chút đỉnh rồi chứ? - Vưđ-ma hỏi bà mẹ nằm trên đi-văng.

- Cổ vẫn còn đau, nhưng trong người đã dễ chịu hơn...

- Ta thử tí nhé. Bác nói chầm chậm ấy, mà nói nhỏ thôi. Nếu thấy mệt thì bảo ngay, ta sẽ nghỉ.

- Lúc nghe chuông reo tôi không mở ngay mà hỏi vọng ra ngoài: "Ai đó?". Sau đó có tiếng trả lời dõng dạc: "Nhân viên bưu điện đây. Có thư bảo đảm". Tôi nâng chốt cửa. Thế là cả ba đứa ập ngay vào. Đứa đi đầu gạt tôi sang một bên lao vào căn phòng An-ca đang ở nhờ. Ngay lúc ấy, đứa thứ hai ghì chặt lấy cổ tôi, lôi tôi vào trong. Đứa thứ ba chẳng làm gì nhưng tôi thất hắn cứ cắp dưới nách hai tấm gỗ màu đen. Vào đến bên trong, tôi thấy An-ca đã đứng sát bên chân tường, đối diện với ten đeo kính. Hắn đang lăm lăm trong tay khẩu súng, luôn mồm nhắc đi nhắc lại câu: "Tiền đâu, khai ra, không tao cho một phát, như bắn một con chó ghẻ đấy!". Hai đứa kia liền trói tôi gô tôi vào một chiếc ghế dựa rồi nhét vào miệng một cục giẻ to tướng. Tên thứ ba đưa hai tấm gỗ lại đặt xuống sàn rồi rút trong túi ra một chai gì đó và một dải băng đen. Nó dốc ngược chai lên, đổ vào miếng băng đen một thứ nước gì trăng trắng, rồi bước lại chỗ An-ca đứng, bịt mắt cô ta lại. Tội nghiệp, con bé không kêu được lấy một tiếng. Lúc đầu, còn cố giật giải băng ra, nhưng chỉ một thoáng sau, người đã mềm oặt đi, ngã khuỵu xuống sàn... Thế là cả ba vội vội vàng vàng ngả mấy tấm ván ra, ghép chúng lại với nhau. Vì trên đó có lắp sẵn một lô móc sắt, nên thoáng cái, chúng đã có ngay một chiếc thùng gỗ, trông từa tựa như chiếc đi-văng vậy. Bọn chúng cho An-ca vào, rồi lấy tấm chăn của nhà tôi đậy lên trên... - Bà mẹ cô Dô-xka ngừng kể, đưa mu bàn tay lên gại gại vào cổ - Có đỡ đau hơn, nhưng tôi chẳng còn chuyện gì để kể tiếp nữa đâu. À, chúng cho An-ca vào thùng xong, thì lục lọi khắp nhà. Đích thị là chúng chỉ tìm cáu chỗ tiền, mà theo tên đeo kính đã khảo An-ca. Cuối cùng, chúng khiêng thùng đi. Trước lúc đóng cửa, tôi nghe một đứa dặn đồng bọn thế này: "Cẩn thận đấy, không làm hỏng mất tường, bọn ở cùng nhà sẽ ca cẩm bà Uây-xka-y-a...".

- Cô El-mer không đả động gì đến chuyện tiền nong bọn chúng hỏi cả sao?

- Tôi không ngờ con bé lại gan đến thế. Nó bảo: "Cứ tìm đi, đồ khốn nạn, may ra tìm được đấy! Nếu không thấy, hẵng cầm tạm năm trăm của tao kia ở trong xắc ấy!".

- Thế thằng kia bảo sao?

- Tôi tưởng nó sẽ tát cho con bé mấy cái, nhưng rõ ràng là nó cố nén giận, rồi bảo thế này, nói khi vô phép ông chỉ huy: "Cái mông mày tao thấy đáng giá năm trăm rồi! Mày biết tỏng rồi đấy: tao nói khoản tiền khác kia. Khôn hồn thì khai đi, mày giấu đâu hả?".

- Bọn chúng không nói qua nói về gì với nhau cả sao? Bác thử nhớ kỹ lại xem.

Bà ta lắc đầu.

- Chỉ nói mấy tiếng gióng một, chẳng có gì đáng chú ý... - bà thì thào một cách khó nhọc.

- Thôi, bác nghỉ tí cho đỡ mệt. Chắc bác còn giúp chúng tôi được nhiều nữa đấy, nhưng phải vài hôm nữa... - Rồi Vưđ-ma quay sang Ghéc-xơn vừa mới làm xong việc được giao và đang im lặng ngồi nghe đoạn cuối câu chuyện: - Thế nào, có gì mới không?

Viên thiếu úy nhún vai:

- Chẳng khai thác thêm được gì đáng kể để có thể tạm coi là đầu mối. Một người ở dưới tầng một nói có nhìn thấy bịn chúng khiêng chiếc đi-văng xuống, cho vào thùng xe. Hai anh thanh niên nữa cũng bảo thế. Họ đang đứng tán gẫu dưới sân. Tôi ghi họ tên cả ba rồi đây.

- Hừm... Chẳng đáng kể gì thật. Còn Bu-rưi?

- Cậu ấy đang nói chuyện tiếp với mấy người nữa.

- Ta về thôi nhỉ? Các anh được tự do - Rồi anh quay sang bà Uây-xka-y-a - Đề nghị bác đừng ra khỏi nhà. Bác xem đó là lệnh cấm cũng được. Nếu cần, cứ gia hạn thêm giấy nghỉ ốm. Nhưng ra khỏi nhà, dù là một bước thôi, phải có lệnh của tôi.

Hai người xuống cầu thang. Thiếu tá đi tìm anh trung sĩ, truyền đạt mệnh lệnh cho anh này rồi cùng thiếu úy lên chiếc Warazawa đang đứng đợi sẵn.

Khi xe vòng ra đường Y-a-gel-xka, Ghéc-xơn rầu rĩ nói:

- Nói là đến mua đi-văng, ấy thế nhưng mà chúng ta lại tìm thấy cái xác cô gái, nếu không bị băm nhỏ ra là phúc lắm rồi...

- Xem ra thì cô ả quả đã cuỗm được miếng mồi mà chúng vừa vớ được. Làm thế nào mà cô ta xoáy được tiền bọn kia thì có trời biết. Nhưng tình thế xoay ra như thế này: chúng mình thì truy lùng bọn kia, còn bọn kia lại lùng bắt cô ả...

- Lại còn thêm cái anh chàng gì nữa chứ - Ghéc-xơn bổ sung thêm.

- À, cáci anh chàng bị mất chiếc măng-tô ấy chứ gì. Hẵng phải có cái gì lắt léo ở đây, nhưng cái gì thì có trời biết. Xtê-phan này, khéo ta phải dò cho ra anh chàng kia mới được...

- Sau vụ bắt cóc này thì tôi lại hình dung mọi chuyện có hơi khác trước - thiếu úy thở dài - Những lúc như thế này thì làm nhân viên xem chừng dễ chịu hơn là làm cấp chỉ huy.

- Đâu có gì mới lạ trong cái triết lý ấy! - Vưđ-ma bực bội thốt lên, nhưng rồi dịu giọng ngay: - Thôi, rõ ràng là phải đi tìm lời giải đáp cho tình thế này thôi...

Ngày đăng: 22/04/2013
Người đăng: Beoni
Đăng bài
Bạn thích truyện này?