Gửi bài:

Chưa hết những câu chuyện tình

Tập truyện ngắn của 8 tác giả 8X với những cái tên quen thuộc: Yến Linh, Phan Anh, Lưu Quang Minh, Hồ Huy Sơn, Thủy Anna, Hà Thủy Nguyên, Hà Thanh Phúc, Keng.

Người trẻ thì hay viết những câu chuyện tình. Ừ thì những chuyện tình có bao giờ kết thúc. Họ còn trẻ, còn yêu và còn viết. Có một điều rất lạ. Khi viết, người ta hay bắt đầu từ dễ đến khó. Dễ ở đây theo thiển ý của tôi là dễ (nhanh) hoặc khó (lâu) ra thành phẩm, còn thành phẩm đó hay dở thế nào ấy lại là chuyện khác. Đấy là người sáng tác thường bắt đầu bằng thơ, sang truyện ngắn, rồi tiểu thuyết. Nhưng các cây bút trẻ lại bắt đầu bằng những cuốn tiểu thuyết. Thậm chí những tác giả đã có mặt trong tập sách này cũng lấy tiểu thuyết làm chủ đạo.

Những truyện ngắn được tập hợp trong cuốn sách này hầu hết đều là những câu chuyện tình, tuy nhiên, với những phong cách viết khác nhau, dù sắc thái tương đối trùng khớp. Truyện ngắn của Yến Linh thường mang sắc thái tự sự với những dòng ý thức kéo dài. Không khí u uất của nỗi chết chóc lẩn quất từ dòng đầu đến dòng cuối của "Ván cờ trong đêm", "Vọng khúc", mặc dù những nhân vật của nó còn rất trẻ. Điều này cũng có điểm chung với các truyện ngắn của Keng, Hà Thủy Nguyên và Thủy Anna. Khi không tìm cách giải quyết được vấn đề thì người ta nghĩ đến cái chết, dù chỉ là ý nghĩ thoảng qua. Nhưng thậm chí từ trong sự mọc rêu của nỗi buồn và cái chết thì người vẫn thấy cả nhân vật, cả tác giả, cả tư duy, cảm xúc và câu chữ vẫn còn rất trẻ, hoặc chí ít cũng vương vấn chút thơ ngây. Bởi người già, họ nghĩ về cái chết theo một cách khác, ít nhiều không hồn nhiên được đến thế.

Những đô thị lớn là Sài Gòn và Hà Nội thường được bắt gặp trong truyện của người viết trẻ, với những quán cà phê quen thuộc và không khí công sở, những căn nhà thuê gò bó quây kín nỗi cô đơn của họ. Không gian trong các câu chuyện vì thế đôi khi tan loãng lên tận Đà Lạt và Sapa, như trong "Có khi, trên cõi mù sương" (Yến Linh) hay "Bàn tay cầm mây" (Hồ Huy Sơn). Những cuộc tình một đêm hoặc ngắn ngủi rồi vẫn cứ diễn ra: "Người cũ, người cũ hơn và tình một đêm", "Như là được yêu" (Phan Anh), "Cánh bướm mong manh" (Keng), "Cô gái thích nghe Khúc Thụy Du" (Hồ Huy Sơn), "Sẽ không điều gì làm em khóc được, trừ anh", "Ngang qua một giấc mơ" (Hà Thanh Phúc).

Vì những người trẻ lúc nào cũng vội, vội cả yêu. Hoặc giả những cuộc tình ngắn ngủi ấy mang lại cảm hứng tiếc nuối, day dứt mà người trẻ nào cũng trải qua. Họ yêu và chia tay nhau bằng những lý do đơn giản nhưng lại có phần khó hiểu. Tình yêu có vẻ như vẫn thế. Họ cứ thích cố làm đau khổ nhau, hoặc tự làm mình đau khổ. Họ thử thách nhau, rồi sau đó, có thể, họ chết. Họ thử chung sống, thử chia tay vì khi còn trẻ, mọi sự đều chỉ là những trải nghiệm. Họ cũng thường mơ những giấc mơ đầy ám ảnh và khao khát. Đó là khi họ thoát khỏi thế giới hiện thực chưa bao giờ được như ước muốn.

Giữa những câu chuyện ấy là cuộc sống khốc liệt nơi phố thị của những người đã lạc chốn thị thành như "Một tháng, hai mươi tám ngày" (Hồ Huy Sơn), "Những vai diễn" (Hà Thanh Phúc) và một truyện ngắn theo tôi là khá thành công về chủ đề này là "Tháng ngày lặng lẽ" (Keng). Với giọng văn đẹp và câu chuyện, dù còn chút gì khiên cưỡng nhưng cảm xúc rất chân thật của người viết đã kéo được người đọc vào không khí cô tịch, chết chóc, bất lực và hoang hoải của một gia đình sống bên lề xã hội.

Bên cạnh giọng văn tự sự của Yến Linh, Hà Thanh Phúc, văn trần thuật của Phan Anh, Thủy Anna, Hồ Huy Sơn, thì bút pháp huyền ảo cũng là một thế mạnh của nhiều cây bút trẻ. Ngoài "Con mèo của Karen" (Yến Linh), "Say mộng" (Keng) thì tác giả Hà Thủy Nguyên và Lưu Quang Minh thường ưu tiên sử dụng bút pháp này. Hà Thủy Nguyên từng nổi tiếng với những tiểu thuyết kiếm hiệp giả tưởng nên không khó gì để nhận thấy trong "Bên kia cánh cửa", cô đã kể một câu chuyện tình giữa hai thế giới âm dương trong thời đại công nghệ thông tin. Đối với Lưu Quang Minh thì hầu hết các truyện ngắn mà tôi được đọc đều đi theo lối này.

Cả bốn truyện ngắn của Lưu Quang Minh trong tập đều miêu tả thế giới pha trộn giữa thực và ảo. Chúng tạo nên những cái kết bất ngờ thú vị cho người đọc. Không khí hiện thực của "Điều bí mật" kéo dài từ đầu đến gần cuối truyện để rồi người đọc ngỡ ngàng vì những hư thực đã làm tan biến nỗi âu lo đè nặng ngay từ tên truyện. Ngược lại, ở "Những tâm hồn đồng điệu", cái ảo lại kéo dài từ đầu tới gần cuối truyện và kết thúc, cái thực khiến người đọc bỗng dưng nhận ra có chính mình ở đó. Cách lý giải về tình yêu của Lưu Quang Minh trong "Tận thế", "Điều bí mật", "Mắt và tai" cũng rất khác những tác giả còn lại trong tập sách. Những cây bút trẻ phía Nam, thường đi theo lối viết hiện đại: trừu tượng, siêu thực, huyền ảo, trong khi các cây bút phía Bắc thường viết theo lối cổ điển. Xưa nay vẫn thế. Và Lưu Quang Minh là một trong số đó.

Nhưng đọc hầu hết những câu chuyện tình trong tập sách, tôi cứ thấy có chút gì đó... hơi "giả". Hay phải chăng đấy là những câu chuyện tình trong mơ? Mơ thì thực sao được. Chuyện tình mà cứ trần tục lại chẳng phải đáng chán lắm sao. Thôi thì người đọc hãy cứ mơ một giấc mơ dài. Và có phải chính vì lý do "thoát trần" đó mà các tác giả này đã trở nên rất được ưa thích trong cộng đồng những người Việt trẻ.

Và rồi, vẫn chưa bao giờ hết những câu chuyện tình.

Di Li

Ngày đăng: 29/09/2012
Người đăng: Quản Phương Thanh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
Những người không có kỷ luật là nô lệ của cảm xúc, dục vọng và đam mê
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage