Gửi bài:

Chương 6 - Hạ chiến thơ ngoài ngàn dặm

Chính mắt trông thấy sư phó trúng kiếm ngã nhào, giờ đây nghe nói người còn sống, Hồ Bất Sầu hết sức hân hoan, niềm hân hoan của y có lẽ còn to lớn hơn sự vui mừng của Phương Bửu Nhi.

Vương Bán Hiệp, bỗng thở dài từ từ tiếp nối:

- Lão ấy tuy còn sống, song chẳng khác nào người chết, lão khổ sở biết bao!

Hồ Bất Sầu hấp tấp hỏi:

- Tại sao hở tiền bối?

Vương Bán Hiệp trầm giọng:

- Trong các vị hiện tại đây, chắc ai ai cũng muốn biết kiếm pháp của người áo trắng tuyệt diệu ở điểm nào, nhưng cao thủ nào gặp y là bỏ mạng ngay, còn ai sống sót để nói lên sự nhận định của mình? Chỉ có Bạch Tam Không, lão là người duy nhất không bỏ mạng dưới lưỡi kiếm linh ảo của người áo trắng. Dĩ nhiên chỉ có lão mới biết được đặc điểm trong kiếm pháp của người áo trắng thôi.

Hồ Bất Sầu lại hỏi:

- Gia sư có... có nói cho tiền bối nghe chăng?

Vương Bán Hiệp lắc đầu:

- Vì người áo trắng lưu tình, Bạch Tam Không thoát chết dưới đường kiếm ảo diệu, cho nên vô luận là ai bức hỏi, lão chẳng hề tiết lộ bí mật đó. Tuy nhiên, nghe đồng đạo võ lâm có rất nhiều người táng mạng vì đường kiếm đó, lão hết sức thống khổ. Hừ... Hầu Gia đã đáp ứng lời thỉnh cầu của đại hán này rồi thì nên ra tay sớm.

Lần thứ nhất nghe nói đến người áo trắng và những thành tích của y, Thủy Thiên Cơ giật mình buột miệng hỏi:

- Trong võ lâm Trung Nguyên chẳng có nhân vật nào đương cự nổi y sao?

Vương Bán Hiệp lắc đầu:

- Không!

Thủy Thiên Cơ trầm ngâm một chút:

- Một người đương cự không nổi thì mười người, trăm người hợp lại nhất định là phải làm thịt được hắn. Tại sao không ai nghĩ ra, cứ chịu chết dần chết mòn?

Vương Bán Hiệp lạnh lùng:

- Người áo trắng vì nghiên cứu võ học mà từ phương Đông vào Trung Nguyên chuyên tìm những tay hữu danh để so tài. Dù cho thật sự có người chết trong tay y, song những kẻ đã chết, được cái tiếng là vì võ đạo mà chết, nếu vì thắng bại mà tập hợp một số đông, chống lại một người thì còn chi danh nghĩa võ đạo, làm như vậy chỉ chuốc lấy sự khinh khi của toàn thể võ lâm, dù có thắng cũng chẳng vinh hạnh gì.

Thủy Thiên Cơ thở dài:

- Thì ra người ta chịu chết hơn là bị khinh khi!

Phương Bửu Nhi cao giọng:

- Đạo lý làm người đương nhiên là phải thế chứ sao? Phàm ai biết trọng nhân phẩm, đều có thể chết mà được tiếng tốt hơn sống mà mang tiếng nhơ, có như vậy mới thành bậc đại anh hùng.

Thủy Thiên Cơ không kém, vỗ nhẹ lên đầu hắn ra vẻ chị cả:

- Bé con khá lắm!

Tử Y Hầu cũng cười:

- Khá chứ! Đáng khen cho hắn lắm đó.

Thủy Thiên Cơ lại thở dài, lẩm bẩm:

- Nhưng chưa chắc là tốt...

Không rõ nàng nói thế là phê phán Phương Bửu Nhi hay chỉ trích cái hành động của những kẻ thà chết hơn bị khinh khi. Có điều nàng không thốt to tiếng thành ra chẳng ai lưu ý.

Vương Bán Hiệp cũng khen ngợi Phương Bửu Nhi mấy lời, đoạn dứt khoát:

- Nếu Hầu Gia muốn xuất thủ, thì nên bắt đầu từ giờ phút này, đi tìm người áo trắng là vừa!

Tử Y Hầu trầm ngâm một chút, đoạn với tay thanh trường kiếm của một thiếu nữ xinh đẹp đứng hầu bên cạnh.

Nơi đây tất cả những đồ vật đều có nạm châu nạm ngọc, cẩn vàng cho xứng với nếp sống của một bậc vương hầu sang quý, song chỉ có thanh kiếm là vật duy nhất thô lậu, đơn giản nhìn qua chẳng ai cho nó có một giá trị gì. Chừng như vị trí của nó chẳng ở trong khung cảnh huy hoàng tráng lệ này.

Tử Y Hầu vuốt vuốt thanh trường kiếm, tư lự một lúc, bỗng ngẩng mặt nhìn người mặt ngựa, sứ giả của nước Đại Uyển, vẫy tay:

- Lại đây!

Mục kích những diễn biến vừa qua, người mặt ngựa có cái tên là Kiềm Lậu bàng hoàng, ngơ ngẩn, quên hẳn mình đến đây để làm gì, quên luôn đây là đâu, nghe gọi giật bắn mình hấp tấp bước tới, ấp úng:

- Hầu Gia gọi kẻ hèn này?

Tử Y Hầu từ từ thối:

- Ngươi nghe ta nói đây, ta đếm từ một đến ba, dứt tiếng ba rồi ta xuất thủ, kích ngươi một nhát kiếm. Nếu ngươi tránh được ta sẽ đáp ứng theo về Đại Uyển với người, sẵn sàng làm quân sư cho quốc vương ngươi. Còn như ngươi không tránh được thì ngươi phái đáp ứng lại ta, phải làm một công tác tại Trung Nguyên do ta giao phó. Nên nhớ, nhát kiếm của ta dù có chạm trúng người cũng chẳng gây nguy hại cho tánh mạng ngươi đâu!

Kiềm Lậu vừa mừng vừa sợ, hỏi:

- Chỉ một nhát kiếm thôi?

Tử Y Hầu gật đầu:

- Một nhát thôi! Ta sẽ kích vào vị trí dưới huyệt kiên tĩnh, trên huyệt nhũ tuyền, một nhát kiếm của ta sẽ điểm trúng bảy huyệt nơi đó.

Kiềm Lậu thầm nghĩ:

- Chỉ kích một nhát lại còn nêu rõ bộ vị, dù Hầu Gia là tay kiếm thánh, ta cũng chẳng đến đỗi hèn mà không tránh được sao?

Nghĩ thế hắn gật đầu:

- Tại hạ bằng lòng!

Tử Y Hầu đếm:

- Một... Hai...

Kiềm Lậu đã giới bị chặt chẽ, ngưng thần chú ý. Đôi mắt nhìn lom lom thanh trường kiếm trong tay Tử Y Hầu.

Tử Y Hầu buông tiếng ba, từ từ mà buông, rồi cũng từ từ cử cao thanh kiếm, từ từ đâm tới.

Với lối xuất thủ của Tử Y Hầu, giả sử đối phương chỉ là một kẻ tầm thường cũng thừa thời gian tránh né, gia dĩ Hầu Gia lại bất động, chỉ ở tại nguyên vị mà kích tới.

Lối xuất thì chậm chạp, chiêu kiếm tầm thường, khoảng cách lại xa ai ai cũng cầm chắc là nhát kiếm không thể nào trúng đích.

Kiềm Lậu lấy làm lạ thầm nhủ:

- Thế là nghĩa gì?

Nhưng câu hỏi vừa thành hình trong tâm tư chiêu kiêm tầm thường vụt biến ảo phi thường, chỉ thấy chớp lên là đến đích ngay.

Người bên ngoài vừa thấy một ánh sáng xanh lóe lên Kiếm Lậu rú một tiếng kinh hoàng, thanh trường kiếm đã được Tử Y Hầu thu về nằm gọn trong vỏ.

Kiềm Lậu tuy chưa ngã xuống, nhưng nơi bộ vị Hầu Gia nêu lên có bảy dấu máu. Bảy dấu đó ở hai bên đầu vai, hai bên ngực bụng và hai bên nách.

Gương mặt ngựa của Kiềm Lậu trắng nhợt, hắn đứng ngây ra đó, chẳng khác nào một pho tượng vô tri giác.

Ngũ Hoa Mã đã bị thương rồi, cái gã Thiên Kim Cầu mà Hầu Gia mượn để tượng trưng câu nói của Lý Thái Bạch trong bài thi bất hủ đã chuồn mất không rõ tự lúc nào.

Tử Y Hầu thản nhiên thốt:

- Vị nhân huynh họ Kiềm đó, quả đã bị ta đâm trúng huyệt đạo, như đã nói. Kiếm thì dùng để gây thương tích, nặng lắm là làm chết người chứ có bao giờ dùng để điểm huyệt đâu. Trên giang hồ có danh thủ nào dám dùng kiếm điểm huyệt đối phương?

Nghe Tử Y Hầu bảo thế, Hồ Bất Sầu hết sức kinh hãi chưa kịp nói gì thì Tử Y Hầu lại tiếp:

- Các vị hãy đưa hắn đến gặp người kiếm khách áo trắng, cho y nhìn thấy vết thương trên mình hắn và bảo với y rằng người gây ra mấy vết thương đó, hiện đang ở tại biển Đông chờ gặp y.

Vượng Bán Hiệp cau mày:

- Thiết nghĩ tự Hầu Gia đi tìm y là tiện hơn...

Tử Y Hầu cười khổ:

- Hơn mười năm trước ta đã bại dưới lưỡi kiếm của một người. Ta phát thệ từ đó không lên đất liền nữa!

Vương Bán Hiệp trố mắt:

- Trong thiên hạ, ngày nay làm gì có người thắng nổi Hầu Gia?

Tử Y Hầu thở dài chậm chạp thốt:

- Trong vùng trời bao la nào ai biết được nơi nào mây mỏng, mây dày? Lời xưa có câu trong một xóm mười nhà hẳn có một kẻ tài ba, huống chi trong trời đất rộng?

Vương Bán Hiệp trầm tư lâu lắm. Sự kiện Hầu Gia bại trước lưỡi kiếm của một người đúng là trên chỗ tưởng của lão.

Sau cùng lão hỏi:

- Giả sử kiếm khách áo trắng không đến thì sao?

Tử Y Hầu đáp:

- Nếu đúng là y vì võ đạo mà vào Trung Nguyên thì nhìn thấy những vết thương trên mình Kiềm Lậu, vô luận làm sao y cũng tìm đến đây, cùng tại hạ so kiếm. Bằng chẳng phải vậy thì quả là y chỉ lợi dụng hai tiếng võ đạo mà thỏa mãn cái tính khát máu. Đến lúc đó hào kiệt trên giang hồ có thể kết hợp lại, hạ sát y không còn sợ người đời sỉ tiếu nữa?

Vương Bán Hiệp nhìn Kiềm Lậu một thoáng, đoạn thở dài:

- Mang con ngựa dở sống dở chết này lặn lội sông hồ. Đúng là một cực hình vậy. Hồ Bất Sầu, ta giao cái công tác này cho ngươi đó.

Oo Thành Lạc Dương lờ mờ trong lớp sương sớm còn phủ dày. Nơi một chỗ cao dựa tựa thành có bóng người vận áo trắng đang ngồi buông tóc xõa bay phất phơ theo chiều gió.

Sau lưng, thanh trường kiếm nhô đốc khỏi bờ vai.

Người đó có gương mặt xanh mờ hiện trong màn sương trông vừa thê lương, vừa ngụy dị, chẳng khác nào một oan hồn tùy thuộc về thế giới khác loài người, song nỗi uất hờn còn nặng đọng theo u linh.

Đôi mắt lim dim như nửa ngủ nửa thức. Đôi mắt đó nhìn về phía cổng thành bên trong cổng là nhà ngang dãy dọc, nhìn một lúc, mắt vẫn lim dim nhưng đôi mày hơi cau lại.

Người đó có vẻ tịnh mịch làm sao!

Một lúc lâu, người áo trắng đứng lên, từ từ xuống đường từ từ bước đi về hướng Tây, nếu ai đo thử khoảng cách của những bước chân y, thì chắc chắn phải lấy làm lạ, khoảng nào cũng như khoảng nào, không ngắn hơn, không dài hơn, mỗi khoảng đúng một thước bảy tấc.

Con đường hướng Tây thành Lạc Dương đá vụn hai bên cây cối mọc um tùm, sầm uất như cụm rừng, vì là buổi sáng tinh sương nên con đường vắng khách lữ hành càng thêm tĩnh mịch.

Nhưng nếu ai để ý tất nhận thấy qua lớp sương dày, nơi mỗi cội cây có một đại hán vận áo trắng đứng lặng, buông thõng tay, thần tình trầm trọng, chừng như sắp chạm trán với đại địch, mà cũng có lẽ đang chờ đợi một quý khách sắp đến nơi.

Nơi kia đầu con đường, có một tòa trang viện to lớn. Bên trong im lặng như cảnh không người. Có lẽ những người trong đó còn ngại lạnh nên chưa nơc rời cái ấm của chăn màn, gượng ngủ thêm một khỏanh khắc.

Tuy nhiên nếu bước vào trang viên sẽ thấy rất đông người qua lại nhộn nhịp, dù chạm mặt nhau cũng chẳng ai nói với ai một tiếng, họ là những bóng ma chập chờn, tấp nập, nhưng không nói được tiếng người.

Đi sâu vào tận đại sảnh, sẽ nhận thấy tòa sảnh rộng lớn thênh thang, nhưng trống trải quá chừng như những đồ vật trang hoàng đã được khuân dẹp nơi nào.

Đột nhiên, không rõ từ đâu đến chín người vận áo trắng, nối đuôi cùng tiến vào đứng thành hàng nép vào tường.

Chín người đó có thân vóc cao thấp bất tường, già trẻ bất đồng nhưng tinh thần hùng hùng liệt liệt, khí độ ngang tàng. Tay mỗi người cầm một chiếc bao bố màu xanh. Vào sảnh đường rồi đứng yên, rồi tất cả đều nhìn ra ngoài cửa, mười tám ánh mắt soi rọi sáng rực như mười tám ngọn đèn.

Bên ngoài sương sớm dần thưa. Không lâu lắm ánh dương quang chiếu xuống mờ mờ.

Người đứng giữa trầm giọng thốt:

- Thời gian đến mau quá...

Câu nói chưa buông dứt, một con chim câu từ bên ngoài bay vọt vào như mũi tên xẹt.

Trông thấy con chim câu, loại chim mang tín hiệu hoặc thư mật, chín người đó cũng im lặng sửa dáng trang nghiêm.

Lúc đó người áo trắng đã đến con đường lát đá hai bên có hai dãy tùng bách trồng dày.

Bỗng tiếng hét vang rền nổi lên. Tiếng hét xuất phát từ nơi mấy hàng tùng bách.

- Nghênh giá!....

Tiếng hét do hai trăm chín mươi bảy người cùng phát ra một lượt.

Tiếng hét vừa dứt, hai trăm chín mươi bảy thanh quỷ đầu đao cũng lóe sáng trong không gian, tiếng thét và ánh đao trong phút chốc biến đoạn đường đó thành một trận trường, dù chưa hẳn là sẽ có trận chiến xảy ra.

Người áo trắng không buồn nhìn ra hai bên, chỉ đăm đăm ngó về phía trước, bước từng bước một, tiến đều.

Hai trăm chín mươi bảy đại hán cầm đao thấy thế, lòng bàn tay đẫm mồ hôi lạnh.

Không lâu lắm, từ trong trang viện, có tiếng hét vang lên, rền dội hơn loạt hét đầu:

- Nghinh giá!....

Tiếng hét phát xuất từ một góc, liền theo đó những góc khác tiếng phụ họa vang lên.

Dọc theo con đường từ cổng viện đến đại sảnh, đúng ba trăm hai mươi đại hán cầm quỷ đầu đại đao đứng thành hàng, đao đưa cao, chênh chênh, bên này đường qua bên kia đường, tạo thành một trăm sáu mươi cái giá tréo lớp bên trên.

Giả sử người áo trắng muốn đi vào đại sảnh, y phải chui qua một trăm sáu mươi giá đại đao đó và biết đâu một trong những giá đao đó chẳng hạ nhanh xuống bất ngờ, đồng thời một giá trước chặn đầu, một giá sau chặn hậu?

Ba trăm hai mươi đại hán cùng có một ý nghĩ như nhau:

- Thử xem hắn có dám bước đi chăng!

Nhưng người áo trắng ung dung bước, thẳng người mà bước, thần sắc thản nhiên như bách bộ thừa nhàn dưới những cành cây giao chuyền che nắng.

Mỗi bước chân, không dài hơn mà cũng không ngắn hơn, một thước bảy tấc, không mau quá mà cũng chẳng chậm, đều đều mà bước qua một trăm sáu mươi giá đao sáng ngời.

Các đại hán thủ đao sững sờ, trố mắt, không tưởng người áo trắng bình tĩnh đến như thế.

Rồi người áo trắng đến tận đại sảnh, quét ánh mắt từ gã đại hán đứng cuối bên tả ngang qua, đủ chín gã.

Ánh mắt quét qua cũng khá nhanh, xong chín gã đại hán xem như quá lâu. Tất cả đều lấy làm lạ, thầm hỏi:

- Hắn không sợ chết à?

Nhìn từ tả sang hữu xong, người áo trắng dường như đoán được thâm ý của bọn chúng, lạnh lùng nói:

- Con nhà võ được chết dưới làn dao, nhát kiếm, có khác gì cầu nhân được nhân, chết như vậy, chẳng đáng chết lắm sao?

Người đứng chính giữa hơi đỏ mặt, đưa mắt sang người đứng cuối phía tả, đoạn trầm giọng:

- Hôm nay, chẳng những chín cao thủ đất Trung Châu đều có mặt đông đủ tại Liên Vân Trang này, mà những môn hạ đắc lực cũng đều tụ họp toàn thể, nếu cuộc chiến này, các hạ thủ thắng được, thì các hạ chẳng cần đi tới xa hơn, hãy tìm địa phương khác!

Người áo trắng nhìn kẻ phát thoại, hỏi:

- Trích Tinh Thủ Bành Thanh?

Người đứng giữa đáp:

- Chính tại hạ!

Người áo trắng buông gọn:

- Được! Nào, động thủ!

Bành Thanh cười lạnh:

- Hôm nay, chín người bọn ta đều muốn lãnh giáo nơi các hạ, nhưng người nào phải xuất thủ trước, lại không do các hạ định đoạt đâu! Cuộc chiến hôm nay có tầm quan trọng rất lớn, bọn tại hạ đã nghĩ kỹ lắm rồi. Sở dĩ chín người cùng hiệp chung một chỗ, không phải tạo cho các hạ cái phương tiện cùng gặp tất cả một lần, khỏi phí công tìm từng người, mà vì bọn tại hạ muốn dùng xa luân chiến pháp, trước tiên làm cho các hạ tiêu hao khí lực, rồi sau cùng một người nào đó sẽ xuất thủ đánh bại các hạ. Làm như vậy tuy có thể gọi là một thủ đoạn, nhưng nghĩ ra vẫn không thương tổn tinh thần vũ đạo.

Y bật cười thành tiếng, giọng cười, giọng cười hết sức lạnh lùng, tiếp:

- Thiết tưởng, phương pháp giao đấu đó có lợi cho các hạ hơn là cứ để cho trên một ngàn người trong Liên Vân Trang cùng chém loạn một loạt vào người các hạ, và trong trường hợp đó, phỏng các hạ sẽ đối phó làm sao?

Người áo trắng rùn vai:

- Người cứ làm theo ý muốn!

Khi Trích Tính Thủ Bành Thanh dứt câu, tám người kia, có người đưa mắt ra hiệu, ngầm bảo y nên nói ít một chút, có người cúi đầu xuống để dấu cái vẻ thẹn thoáng hiện. Họ là những tay có lai lịch cả, từng gây sóng gió trên giang hồ, họ có khí phách hơn đời, tự nhiên họ tiêu không nổi những lời của Bành Thanh bộc lộ rõ rệt cái tâm ti tiện.

Người đứng cuối phía hữu có hàm râu ngắn chừng như bất mãn nặng hơn tất cả cao giọng thanh minh:

- Tất cả những cuộc giao đấu tại đây đều do Bành Thanh chủ trương, chẳng liên quan gì đến Phi Thiên Báo này. Giả như ngươi muốn động thủ thì ta xin nghinh đón ngươi trước hết!

Người áo trắng vẫn lạnh lùng:

- Được! Xin mời!

Phi Thiên Báo bề ngoài có vẻ thô bạo lỗ mãng song trước tình hình hết sức nghiêm trọng, y không hấp tấp, nóng nảy chút nào, từ từ xách chiếc bao bố màu xanh bước ra:

Lúc đó, sương mai tan biến ánh dương quang chiếu hiện, sảnh đường không còn mờ mờ như trước. Dương quang rọi xuống những thanh quỷ đầu đao, ánh thép chớp ngời, ánh thép rung rung như ngàn muôn hoa bạc lung linh lạnh rợn.

Phi Thiên Báo cao giọng quát:

- Dẹp đao!

Lập tức có hơn mười mấy thanh quỷ đầu đao hạ xuống. Những kẻ cầm đao hạ thấp, dĩ nhiên là môn hạ của Phi Thiên Báo.

Tám người kia suy nghĩ một giây, rồi cũng ra lệnh như Phi Thiên Báo. Trong khỏanh khắc, một trăm sáu mươi giá đao lợp trên con đường từ cổng viện vào sảnh đường cùng một lúc hạ thấp, hiện tại chẳng còn một bóng đao nào chớp chớp nữa cả.

Người áo trắng nhìn Phi Thiên Báo, lấy làm lạ con người coi thô bạo như y lại hết sức chu đáo, y sợ hàng trăm thanh đao phô dưới ánh dương quang chớp chớp mãi, làm phải choá mắt trong lúc thi đấu, như vậy ảnh hưởng rất nhiều cho cái lẽ thắng bại.

Một người chu đáo như thế, tất nhiên không phải vì may mắn nhất thời mà thành danh trên giang hồ, con người đó phải có thực tài, và nếu đối phương là một tay có thực tài, thì cuộc giao dấu hôm nay không đến đỗi vô bổ cho người áo trắng.

Nghĩ thế, người áo trắng cảm thấy niềm phấn khởi dâng mạnh, đôi mắt bừng sáng dị thường. Chắc chắn hắn sợ gặp phải hạng tầm thường, thành có xuất thủ cũng chỉ chuốc lấy thất vọng thôi.

Phi Thiên Báo đảo mắt nhìn quanh một lượt đoạn hướng về người đứng chính giữa vòng tay vái chào, như để tạ lỗi, vô lễ xuất thủ trước, rồi mang chiếc bao bố xanh đến một góc tường, mở ra.

Bao bố không đựng vật gì lạ, chỉ đựng vũ khí của y. Vũ khí đó là một đôi Lưu Linh Luyện Tử Chùy. Khoảng giữa hai cái chùy, có sợi dây xích dài, quá dài đến độ lết trên nền sảnh.

Phi Thiên Báo cao giọng:

- Đôi chùy này, luôn cán và dây, dài một trượng hai thước, hơn một trăm cao thủ đã táng mạng dưới sức nặng của nó. Ngươi hãy thận trọng.

Hai tiếng cẩn thận vừa buông dứt, Phi Thiên Báo di động thân hình khôi vĩ chạy quanh sảnh đường, chùy nặng, xác thân nặng, nhưng bước chân nhẹ nhàng, không gây một tiếng động khẽ.

Chỉ có đường dây xích nối liền hai quả chùy là khua chạm leng keng lạch cạch thôi.

Y càng chạy càng nhanh, bước chân không ngắn lại nhưng đôi chân giao chuyền thoăn thoắt, dần dần y chỉ di động trước mặt người áo trắng thôi, song khoảng cách vẫn còn xa, trong khoảng cách đó, giả sử y có dùng chùy đánh sang đối phương, cũng chẳng đến đích, nói gì người áo trắng dùng kiếm ngắn hơn dây chùy rất nhiều?

Trong khoảng cách đó dù cho người áo trắng có bản lãnh cao thâm vô lường cũng khó thủ thắng với nhát kiếm duy nhất như đã làm đối với bao nhiêu hào kiệt bỏ mình trong tay hắn.

Bỗng, Phi Thân Bảo hét một tiếng lớn tiếp theo đó một tiếng soạt vang lên, một quả chùy rời tay y bay vút sang người áo trắng.

Cái đích của quả chùy là chiếc đầu của đối phương, nếu thấp xuống một chút, thì phải là ngực.

Người áo trắng không hề nhích động thân hình, thần sắc vẫn y nhiên lạnh lùng như muôn thưở, đưa một tay lên đầu vai, nắm lấy chuôi kiếm.

Hắn không cần rút trọn thanh kiếm ra khỏi vỏ, hắn chỉ kéo chuôi kiếm cho ló lên độ ba tấc, đồng thời hắn né đầu qua một bên. Quả chùy bay vút sang rít gió vù vù, những người đứng bên ngoài nhìn vào cuộc chiến, đều lo sợ cho chiếc đầu của người áo trắng.

Khí thế của quả chùy mãnh liệt vô cùng, mà người áo trắng không biểu lộ một phản ứng nào ngoài cái việc đưa tay nắm lấy chuôi kiếm, ít nhất hắn cũng phải rút kiếm khỏi vỏ chứ?

Không. Người áo trắng không buồn rút kiếm, hắn độ chừng quả chùy quét qua vừa tầm, hắn nhẹ rút đuôi kiếm cho ló ra thêm chừng hai tấc nữa vừa đủ chạm quả chùy thôi.

Bốp!

Chuôi kiếm chạm quả chùy, kiếm chẳng việc gì, người cầm chuôi kiếm vẫn y nhiên tại chỗ, nhưng quả chùy lại bay vụt trở về.

Đôi chùy đó giúp Phi Thiên Báo thành danh trên chốn giang hồ, dĩ nhiên y sử dụng nó rất thuần thục, hụt quả chùy đầu từ tay hữu bắn sang, y không chậm trễ, tung quả chùy tay tả tiếp theo liền.

Rồi đôi chùy giao chuyền, quả ra, quả vào, Phi Thiên Báo tung đúng tám quả tất cả.

Vẫn cái thế đó, người áo trắng ung dung tiếp đỡ tám quả chùy, ung dung bắn trả lại nguyên chủ, chẳng khác nào song phương đang biểu diễn một trò đùa, ngoạn mục kẻ tung người hứng, hứng rồi tung trả lại.

Một bên tấn công mãnh liệt, bên kia phản ứng ung dung, như đùa, như cợt, sự kiện đó tỏ rõ sự chênh lệch giữa nhau, và dĩ nhiên Phi Thiên Báo phải thẹn, phải uất. phải nóng nảy.

Dù sao, đôi chùy của y cũng từng làm khiếp đảm bất cứ cao thủ nào chạm trán với y, nhưng hiện tại với tám quả chùy thần tốc, mãnh liệt y chẳng gây được một cái giật mình dù chỉ thoáng qua nơi đối tượng, nói gì đến làm cho hắn nao núng?

Y hét một tiếng to, lần này thì y tung luôn hai quả chùy, ánh chùy chớp ngời, gió chùy vùn vụt, giáng xuống đầu người áo trắng chẳng khác nào có một hung thần từ chín tầng mây hiện xuống, nhổ trốc gốc hai hòn giả sơn mà lao xuống đầu người áo trắng.

Đột nhiên, một đạo thanh quang lóe lên, xuyên qua giữa hai quả chùy.

Đạo thanh quang vừa qua khỏi đôi chùy, Phi Thiên Báo rú lên một tiếng lớn ngã nhào xuống nền gạch tắt thở ngay.

Thì ra, người áo trắng lần này mới chịu rút kiếm ra khởi vỏ, và thay vì vung kiếm ngăn chặn song chùy, hắn lại phóng thanh kiếm tạo thành một đạo thanh quang, bay thẳng đến yết hầu của Phi Thiên Báo.

Động tác của người áo trắng nhanh quá, dù dùng ý mà tưởng tượng, chưa chắc cái ý nhanh hơn động tác, tự nhiên tại cục trường chẳng ai nhận thấy kịp.

Khi Phi Thiên Báo rú lên, người áo trắng đã phi thân vút lên trần nhà, tránh hai quả chùy, và lúc Phi Thiên Báo ngã xuống, người áo trắng cũng đã đáp xuống cạnh xác chết của y. Hắn ung dung rút thanh kiếm còn cắm nơi yết hầu Phi Thiên Báo, hắn lau mũi kiếm trên mình Phi Thiên Báo cho sạch máu, đoạn cài vào vỏ.

Cái vẻ hứng khởi lúc đầu tiêu tan mất, người áo trắng lạnh lùng nhìn quanh tám kẻ kia, trầm giọng quát:

- Tiếp theo đi!

Người đứng bên vị trí cũ của Phi Thiên Báo bước ra. Người đó, thân vóc ốm quá, chừng chẳng có lượng thịt nào, mặt vàng như sáp, chi có đôi mắt thì sáng rực, tay cầm chiếc bao bố như tất cả, nhưng chiếc bao lại chỗ lồi chỗ lõm, như bên trong có vật gì lom chom, chẳng phái vũ khí.

Người áo trắng nhìn thoáng qua người đó hỏi:

- Thất Thủ Đại Thánh Kiều Phi?

Người gầy ốm gật đầu:

- Chính ta!

Rồi y xách chiếc bao bố đến một góc tường, như Phi Thiên Báo đã làm, mở ra, bên trong có bẩy tám chiếc túi nhỏ. Những chiếc túi đó, to nhỏ bất đồng, màu sắc cũng bất đồng luôn.

Kiều Phi nhặt từng chiếc túi, giắt quanh mình, y làm cái việc đó hết sức trịnh trọng chừng như vật nào phải ở đúng vị trí của vật ấy không thể sai chạy, có như vậy khi với tay vào túi y không nhầm vật bên trong.

Bẳy tám chiếc túi đủ màu, giắt quanh mình, những màu sắc đỏ chói lọi trên nền người áo trắng, trông Kiều Phi tươi quá, dù cái xác thân rất gầy.

Người áo trắng rút kiếm cầm tay, mũi kiếm chỉ thẳng xuống nền sảnh, mắt hắn nhìn mũi kiếm chứ không nhìn đối phương.

Tuy nhiên, cứ mỗi cử động của Kiều Phi không qua ánh mắt của hắn được.

Kiều Phi "nai nịt" xong rồi, đứng thẳng người lên, nguyên tại góc tường, từ từ hỏi:

- Kiều Phi này nhờ ám khí mà thành danh, từng hạ sát cùng lúc ba mươi sáu người trong nhóm Phục Ngưu Sơn ngày nào, chẳng hay ngươi có dám đấu với ta chăng? Thiết tưởng, dùng một thanh trường kiếm, chống lại vô số ám khí, ngươi không hy vọng gì thủ thắng đâu!

Y có vẻ bình tĩnh vô cùng, tưởng chừng sấm sét nổ bên tai, cũng không làm chấn động nổi y, điều đó không có gì lạ, bởi y quá tin tưởng vào chỗ diệu dụng của các loại ám khí trên người y.

Nhưng người áo trắng chẳng nói năng gì, cũng chẳng nhìn sang Kiều Phi đến nửa mắt.

Bình sinh Thất Thu Đại Thánh Kiều Phi từng giao đấu với nhiều tay thượng thặng trên giang hồ, bất cứ ai gặp y rồi là nơm nớp lo sợ, đôi mắt lom lom nhìn bàn tay của y, theo dõi từ cái mảy may nhỏ.

Thế mà người áo trắng lại không lưu ý gì cả, điều đó khiến cho y một niềm hoan hỷ phi thường, bởi đối phương không lưu tâm thì y dễ thắng chứ sao!

Khi song phương đối diện, bên nào cũng phải đề cao cảnh giác, nhưng hiện tại, người áo trắng lững lững lờ lờ, ý chí dường như xa vắng, thanh kiếm chỉ xuống đất, mấy ngón tay lỏng lẻo. Giả sử lúc đó Kiều Phi xuất thủ, chắc chắn người áo trắng không phản ứng kịp. Hắn không sợ chết? Hắn khinh thường con người trước trước mặt, dù con người đó từng hạ sát bạo nhiêu danh thủ trên giang hồ bằng tuyệt nghệ sử dụng ám khí?

Kiều Phi từ từ rà tay qua mấy chiếc túi, dần dần tay y di động nhanh hơn nhanh đến độ hai tay dường như biến thành mười tay, trăm tay, không còn đếm được.

Chính đến lúc đó, y mới thi triển cái tài siêu việt của y. Đối phương không còn biết y vung tay từ lúc nào, và cái vung tay đó theo giác độ nào, để ước đoán chiều hướng ám khí vút đi.

Huống chi, đã gọi là ám khí, thì còn ai nhận định kịp thời? Do đó y thường thường thủ thắng là phải lắm.

Sử dụng tuyệt kỹ đó, Kiều Phi càng đứng xa đối thủ càng có lợi hơn, vừa dễ dàng phóng ám khí, vừa có một khoảng an toàn độ hai trượng trong khoảng cách đó. Đối thủ có muốn tấn công, cũng chẳng đến sát y liền được và như vậy y có thừa thời gian, hoặc né tránh, hoặc ứng phó kịp lúc.

Y cũng như những người hiện diện, từng nghe người áo trắng chỉ một nhát kiếm, là hạ đối thủ dễ dàng nhanh chóng. Giờ đây, trong khoảng cách đó, làm gì với một nhát kiếm, người áo trắng hạ y nổi?

Bỗng, Kiều Phi hét lên một tiếng, hơn hai mươi đạo hào quang, từ tay y bắn ra, lao vút đến người áo trắng.

Phóng ám khí, phàm là hảo thủ trên giang hồ, chẳng ai là không biết sử dụng, có điều người thì thích, người thì chê, vì những tay từng được đời tôn xưng là quân tử, có hành vi chánh đại, họ cho rằng ám khí là một phương tiện ám muội không biểu tượng được cái hiệp khí của con người hùng.

Cách sử dụng thì giống nhau, cứ lao vút tới, ám khí bay đi thẳng đến đích.

Nhưng thủ pháp của Kiều Phi, có thể gọi là độc đáo, ám khí bắn ra thay vì đi thẳng đến đích khi gần đến nơi, lại rẽ sang hai bên, hoặc uốn cầu vồng từ trên móc xuống, hoặc vòng ra phía hậu, hoặc ngoặc ngược trở lại, do đó, những người giao đấu với y, ít có ai tránh khỏi bị y hại.

Lần này, cũng như trăm ngàn lần trước, Kiều Phi đinh ninh là mình lấy mạng người áo trắng dễ như trở bàn tay.

Y lầm lớn!

Tuy không chú ý đến Kiều phi, người áo trắng vẫn không bỏ sót một cử động nhỏ nhặt nào của y.

Vừa trông thấy y chớp hai bàn tay, người áo trắng vội lạng mình, nép sát xuống nền sảnh, lăn qua một vòng, đáp xuống phía hậu của y.

Khi Kiều Phi hay kịp, hắn đã đảo bộ, hoành thân mình ra phía trước, tay kiếm đưa ra, mũi kiếm đã cắm vào yết hầu của y.

Dĩ nhiên Kiều Phi chết không kịp hú nửa tiếng.

Thế là trong chín danh thủ Trung Châu đã có hai người thảm tử dưới lưỡi kiếm ảo diệu của người áo trắng.

Cũng như trước cái chết của Phi Thiên Báo, những người còn sống vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên, chừng như họ đã ứng đoán cái kết quả sẽ phải như vậy rồi, trước khi vào cuộc chiến. Họ không tỏ lộ một cảm nghĩ nào, cũng bình tĩnh chờ đến phiên mình.

Cũng như bọn đệ tử của Phi Thiên Báo, lặng lẽ vào sảnh đường thu dọn xác chết của sư phụ, lặng lẽ mang ra ngoài. Bọn đệ tử của Kiều Phi bước vào, lạnh lùng bế cái xác của y ra ngoài.

Rảy rảy thanh trường kiếm cho mấy giọt máu dính ở nơi mũi rơi xuống nền, người áo trắng lạnh lùng buông gọn:

- Tiếp theo đi!

Người đứng bên cạnh vị trí của Kiều Phi từ từ bước ra, thong thả buông từng tiếng:

- Từ Văn Trí xin lãnh giáo cao chiêu!

Người này có xương gò má rất cao, xương nhô ra quá cao, thành đôi má hóp quá sâu, tay dài, chân dài, thân vóc cao hơn người thường một cái đầu.

Người áo trắng thoáng nhìn qua y, lạnh lùng thốt:

- Đại Lực Thần ưng? Được lắm! Nào xuất thủ ngay!

Người đó mỉm cười:

- Thư thả một tí!

Cũng như hai người trước, y mang chiếc bao bố đến góc tường, mở ra lấy chiếc côn ba đốt cầm nơi tay.

Ba đốt côn chạm vào nhau, kêu coong coong nghe lạnh rợn.

oo Trên con đường thiên lý hướng về Lạc Dương thành, có một cỗ xe lớn, xe do hai con ngựa kéo, chạy hết tốc lực.

Xe chạy như bay, cuốn bụi đường mù mịt.

Ngồi trên xe, là Vương Bán Hiệp và Hồ Bất Sầu dĩ nhiên có cả gã mặt ngựa họ Kiềm tên Lậu người xứ Đại Uyên.

Vương Bán Hiệp và Hồ Bất Sầu thì thần sắc ngưng trọng, còn Kiềm Lậu thì nửa hôn mê nửa tỉnh.

Xa phu vận chiếc áo rách rưới, toàn thân hắn là sự lam lũ hiện hình, có lẽ hắn là đệ tử Cái Bang.

Hắn như chẳng có chút nhân đạo, cứ thẳng tay roi vút. lên mình hai con ngựa, vút liên hồi, mặc dù hai con ngựa chạy như bay, chân chạm khẽ nền đường, chân chẳng gây tiếng động cộp cộp.

Chốc chốc, Vương Bán Hiệp ngẩng mặt nhìn trời không ngừng lẩm nhẩm:

- Trễ!.... trễ...

Hồ Bất Sầu lấy làm lạ, hỏi:

- Trễ? Cái gì trễ, hở lão tiền bối?

Vương Bán Hiệp đáp:

- Hôm nay, chín đại cao thủ Trung Châu hội chiến với người áo trắng, hiện tại có thể có người bị hại dưới tay y!

Cái ý thì lão tha thiết với sự việc đó vô cùng, song giọng nói lại lạnh lùng, như nói về một sự việc thuộc về một hạng người hoàn toàn xa lạ.

Ở một người, cùng một lúc có hai thái độ tương phản, kể cũng là một sự hi hữu trên đời!

Hồ Bất Sầu thở dài:

- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Nếu như vậy thì...

Vương Bán Hiệp đột nhiên đập tay vào thành xe, quát:

- Ngươi còn nói gì nữa? Nếu không vì cái chuyện an bài gì cho cháu chắt của ngươi đó, thì ta đã đến nơi rồi, đến sớm rồi, làm sao trễ được?

Hồ Bất Sầu cúi đầu, chẳng dám nói gì hơn.

Nhìn ra bên ngoài xe, thấy trời mỗi lúc một sáng rõ, Vương Bán Hiệp không ngừng mắng, lão ta mắng nhiếc chẳng tiếc lời, lão dùng miệng mà mắng, lại dùng luôn cả bụng mà mắng, khẩu ngữ và phúc ngữ cùng phát ra một lượt, một giọng thì lạnh lùng, âm thầm, giọng kia thì nóng nảy, ầm ĩ. Nếu ai thoáng nghe qua, chắc phải cho rằng có hai người cùng mắng.

Hồ Bất Sầu cố chịu đựng, chẳng dám nói đã dành, mà cũng chẳng dám lộ vẻ bất bình.

Bỗng có tiếng ngựa ré lên, cỗ xe chao đảo chực ngã, rồi đâm ngay vô lề.

Thì ra, trong hai con ngựa, có một con mệt lả không còn sức chịu đựng ngã nhào, cỗ xe mất thăng bằng, con ngựa kia một mình không kềm vững nổi, chập choạng lôi xe vào lề.

Một con chết, con còn lại sùi bọt mép trắng dã, rơi lòng thòng trông thảm hết sức.

Xa phu buột miệng kêu rên:

- Xong! Thế là đành chịu!

Vương Bán Hiệp dậm chân thình thịch xuống sàn xe:

- Càng gấp rút chừng nào, lại càng trễ nải chừng ấy! Rõ là "Dục tốc bất đạt" mà! Ngươi cũng kém quá! Thế mà Gia Cát Thông lại bốc ngươi lên cao, khoa trương ngươi có tài điều khiển ngựa phi thường! Tại sao ngươi vô dụng thế?

Xa phu cúi gầm đầu, thấp giọng:

- Vãn bối chỉ biết làm hết sức mình, chứ có bao gồm luôn sức ngựa đâu? Hai con ngựa này, thực ra cũng thuộc giống tốt. Nhưng thiết tưởng dù là ngựa thần cũng chẳng làm sao chạy nhanh, chạy mãi như ý muốn của lão tiền bối!

Vương Bán Hiệp còn tâm trí đâu nghe hắn nói và nghĩ gì về lời hắn. Lão nhảy vọt ra phía trước xe, gấp giọng, thốt:

- Thấy bất cứ cỗ xe nào vượt ngang đây, lập tức chận lại liền, vô luận là người trên trên xe thuộc hạng nào, cứ đuổi xuống xe, rồi bảo Mã Lương đánh xe đó đến thẳng Liên Vân Trang. Ngươi nghe rõ chưa?

Mã Lương là tên gã đánh xe, dĩ nhiên câu nói đó phải hướng về Hồ Bất Sầu.

Hồ Bất Sầu trố mắt:

- Tiền bối định đến đó trước?

Vương Bán Hiệp gật đầu:

- Ta phải có mặt tại đó kịp lúc, tìm cách ngăn chặn cuộc đấu...

Câu nói vừa buông dứt, thân hình lão đã xa hơn hai mươi trượng, rồi thoáng mắt, lão đã khuất dạng trên con đường dài, đường thẳng tắp mà lão vọt đi. Hồ Bất Sầu chẳng nhìn kịp, đủ biết thuật khinh công của lão đã đến mức siêu nhiên vậy!

Mã Lương, một đệ tử trong Cái Bang chớp chớp mắt, thở dài:

- Thật không ngờ Vương lão tiền bối nóng nảy đến độ đó! Gấp làm chi chứ, trên thế gian này làm gì có một con ngựa phi nhanh bằng lão?

Không có ngựa nhanh, thì đừng đòi đi ngựa.

Vừa lúc đó, xa xa từ phía hậu, có tiếng vó ngựa nện đều tiếng bánh xe nghiến đường theo nhịp vó ngựa.

Một cỗ xe ngựa kéo, lướt nhanh như vậy, bình sinh Mã Lương chưa hề trông thấy, nếu không nhìn tận mắt dù có nghe ai nói cũng không tin.

oo Nơi đại sảnh Liên Vân Trang, trừ người áo trắng hiện tại còn năm người.

Người áo trắng không tỏ lộ hăng say chút nào, mặc dù liên tiếp hạ mấy cao thủ Trung Châu, y không tìm thấy một thích thú nhỏ qua các cuộc đấu. Giờ đây thần thái của y uể oải, như con người không thích một công việc nhưng bắt buộc phải làm xong công việc đó, chẳng thể để lại một ngày nào đó, miễn cưỡng làm.

Y nhìn quanh sảnh đường một vòng đoạn lẩm nhẩm:

- Còn bốn nữa!

Trích Tinh Thu Bành Thanh chữa ngay:

- Còn năm chứ!

Người áo trắng không buồn nhìn họ Bành, buông cộc lốc:

- Ngươi không xứng đáng giao thủ với ta!

Bành Thanh biến sắc:

- Tại sao?

Người áo trắng lạnh lùng:

- Ta chỉ giao đấu với con người chuộng võ, có tinh thần thượng võ, ta không thích động thủ với kẻ tiểu nhân!

Gương mặt Bành Thanh biến trắng nhợt, lâu lấm, hắn ngửng mắt lên không, bật cười lớn:

- Ngươi không muốn động thủ với ta? Chỉ hiềm sự bất tất do ngươi mà được đâu!

Người áo trắng hừ một tiếng:

- Ta không xuất thủ, ngươi làm gì bức bách ta được?

Trích Tinh Thu Bành Thanh cười mỉa:

- Đã đến đây rồi...

Người áo trắng lại hừ một tiếng:

- Đã đến đây rồi thì sao?

Y vút người lên không, nghiêng đà xẹt đến đám đại hán cầm quỷ đầu đao dừng lại bên ngoài, đáp xuống.

Chúng chẳng biết y định làm gì, trong lúc bất thần, chẳng ai có một phản ứng, chỉ kêu lên kinh hoàng.

Tiếng kêu còn vang dội, bóng người nhao nhao lên, người áo trắng đã phi thân trở lại đại sảnh, hai tay ôm hơn mười thanh qủy đầu đao, y lỏng hai vòng tay, số đao đó rơi xuống nền, bật thành những tiếng loảng xoảng lạnh lùng, ánh đao chớp ngời.

Gương mặt lạnh như tiền, người áo trắng thản nhiên nói:

- Ngươi cho ở đây là tường đồng vách sắt chăng? Ta thì xem như chốn không người, ngươi thấy đó chứ?

Tước vũ khí địch một cách thần diệu như thế, thật trên chỗ tưởng của bọn Trích Tinh Thu Bành Thanh! Với thân pháp và thủ pháp đó nếu người áo trắng khát máu thì những kẻ bị tước đao kia, đã bị tước mạng rồi, không khó khăn gì cả!

Nhưng người áo trắng khát võ công, chứ không khát máu!

Nếu có máu đổ, máu đó chỉ đổ để đo lường mức độ võ công, chứ chẳng đổ do tánh hiếu sát.

Gương mặt đã trắng nhợt, giờ đây Trích Tinh Thu càng khiếp đảm hơn. Hắn đứng đờ người, gần như xuất thần.

Người áo trắng không màng đến hắn, lạnh lùng hỏi:

- Còn bốn, ai tiếp theo đây?

Một hán tứ mắt to, râu rậm, mày rậm, trịnh trọng bước ra.

Trong số chín đại cao thủ Trung Châu, người này trẻ tuổi nhất, độ hai mươi sáu, hai mươi bảy thôi, thần thái hết sức uy nghiêm dũng mãnh, đôi tay vẫn giữ chiếc bao bố xanh như mọi người.

Trong chiếc bao đó, có đôi vũ khí, hình dáng kỳ dị, không giống câu liêm mà cũng chẳng phải gươm giáo...

Người áo trắng nhìn đôi vũ khí, điềm nhiên thốt:

- Thiết Ôn Hầu!

Đại hán gật đầu:

- Chính ta!

Người áo trắng tiếp:

- Nghe nói món Thất Táng Kích của ngươi là một trong mười ba loại vũ khí mới sáng chế gần đây trên giang hồ. Nó đứng hàng thứ tám phải không? Chắc nó có chỗ diệu dụng, nên mới được người trân trọng như vậy!

Bốn đại cao thủ kia cũng thoáng lộ vẻ kinh ngạc, không ngờ gã kiếm khách hải ngoại lại biết quá rõ tình hình võ lâm Trung Nguyên.

Thiết Ôn Hầu trầm giọng:

- Thất Táng Kích có bốn chiêu thức, ba chỗ diệu dụng! Những chiêu thức đó, ta không thể bày tỏ cho người biết được!

Hắn vung hai tay, hai thanh vũ khí gác lên nhau thành hình chữ thập.

Người áo trắng điềm nhiên:

- Chẳng cần phải tỏ bày?

Hai ngọn kích tỏa sáng xanh dờn, xem ra có vẻ nặng lắm. Ngọn kích nơi tay hữu dài độ ba thước, ngọn kia dài độ hai thước bảy tấc thân kích sắc như lưỡi kiếm, mũi kích nhọn như mũi châm, một loại vũ khí gồm đủ hình thức "Vạn Tử Đoạt", "Song Thiết Kích", "Uyên Ương Kiếm", "Hộ Thủ Câu".

Có lẽ bốn chiêu thức Thiết Ôn Hầu vừa nói, là do bốn hình dáng đó mà ra, mỗi hình dáng có một điển pháp riêng.

Nhìn đôi vũ khí kỳ lạ, người áo trắng lộ niềm thích thú qua ánh mắt, như một kẻ thích rượu nhưng đã nhịn uống quá nhiều ngày, giờ đánh hơi men, bụng rạo rực lên.

Đúng vậy, y khát võ công, như ma men khát rượu. Gặp đối thủ cao tài, như gặp loại rượu quý niềm thích thú bừng lên, vẻ uể oải biến mất.

Thấy ánh mắt của đối phương, Thiết Ôn Hầu hơi chột dạ, nhưng hắn cố trấn định tinh thần, hét lên một tiếng:

- Vào!

Người áo trắng sáng ngời ánh mắt:

- Vào!

Rồi y trầm lặng gương mặt ngay, không muốn tỏ lộ ý niệm rõ rệt.

Hiện tại, y là một pho tượng đá bất động chờ.

Thiết Ôn Hầu từ từ nhích bước, đôi kích từ từ cử cao, từ từ đưa ra.

Hắn trịnh trọng bước gót giày ép nền sảnh nghe soàn soạt. Lưng bàn tay của hắn kéo gân xanh chằng chịt.

Đột nhiên từ bên ngoài, có tiếng gọi lên vang dội đến sảnh đường:

- Các vị khoan động thủ!

Tiếng cuối câu gọi vừa dứt, một bóng người chạy nhào vào trong.

Thiết Ôn Hầu hạ thấp kích xuống lui lại bảy bước. Hắn chưa động thủ, nhưng hắn giới bị đến độ căng thẳng thần kinh mãnh liệt, lúc lùi lại tản mát công lực. Miệng thở phào mồ hôi toát ra như tắm. Tình trạng của hắn như vừa trải qua mười cuộc đấu liên tục với mười tay thượng đẳng.

Dĩ nhiên hắn phờ phạc mệt lả thấy rõ.

Trích Tinh Thủ Bành Thanh và ba người kia qua phút hãi hùng chợt nhận ra người vừa đến, bất giác thở phào.

Bành Thanh kêu lên:

- Bán hiệp huynh! Thì ra Bán hiệp huynh cũng đến được kịp lúc!

Người đó đúng là Vương Bán Hiệp, y phục của lão ướt sũng mồ hôi.

Vào đến nơi, việc đầu tiên là tựa mình vào tường, đứng thở dốc lâu lắm hơi thở mới điều hòa, và đến lúc đó mới nói chuyện được.

Từ chỗ bỏ xe đến Lạc Dương con đường hai trăm dặm chỉ trong hai khắc thời gian lão có mặt tại Liên Vân Trang! Thiết tưởng trên thế gian này, luyện khinh công đến mức độ đó chỉ có lão mà thôi! Cho nên Mã Lương, gã phu xe đệ tử Cái Bang mới cho rằng lão chạy nhanh hơn ngựa quý!

Dĩ nhiên, vượt qua đoạn đường đó, lão phải hao phí bao nhiêu dưỡng khí, lão phải đứng thở dốc, nếu là tay nào khác, hắn phải mệt nhoài rồi!

Người áo trắng nhìn thoáng qua Vương Bán Hiệp, lạnh lùng buông:

- Thuật khinh công khá đấy!

Vương Bán Hiệp vừa thở vừa thốt:

- Cũng maỵ..

Chợt nhớ là người áo trắng khen tặng, lão tiếp:

- Không đáng chi! Không đáng!

Lão đưa mắt nhìn qua nền sảnh chừng như thấy dấu máu, chừng như thấy mất người, lão kêu lên:

- Kiều Phi? Từ Văn Trí? Mấy người đó...

Bành Thanh thở dài:

- Xong rồi! Họ đã được đưa sang thế giới mới!

Vương Bán Hiệp ngồi ngay xuống nền, bọn Bành Thanh cũng ngồi xuống theo, lão trầm ngâm lâu lắm, chẳng còn biết nói năng gì nữa.

Lão chậm trễ một chút, bốn mạng người đã xong!

Người áo trắng lạnh lùng buông:

- Nào xuất thủ!

Thiết Ôn Hầu cao giọng hét:

- Vương đại ca đến đây chẳng phải để so tài với ngươi!

Người áo trắng bĩu môi:

- Không so tài thì đến chốn này làm gì?

Vương Bán Hiệp đột nhiên đứng lên, dõng dạc nói:

- Tại hạ đến đây là làm cái việc thay mặt vị đệ Nhất Kiếm Khách, tại hạ mang chiến thơ, ước hẹn với các ha.....

Người áo trắng cười mỉa:

- Đệ Nhất Kiếm Khách? Dù có là chiến thơ, hãy đợi ta xong việc nơi đây rồi hãy nói chuyện sau! Nhưng đã chắc gì Đệ Nhất Kiếm Khách?

Vương Bán Hiệp thốt nhanh:

- Nếu các hạ thấy chiến thơ rồi, chắc chắn các hạ sẽ không còn thích giao thủ với ai khác. Các hạ sẽ nhận thấy người gửi chiến thơ là tay vô song!

Người áo trắng chớp mắt:

- Chiến thơ đâu?

Vương Bán Hiệp đáp:

- Đợi một chút sẽ có chiến thơ!

Người áo trắng nhún vai:

- Đợi bao lâu?

Vương Bán Hiệp nhìn ra ngoài cửa sảnh:

- Không lâu hơn hai khắc!

Người áo trắng suy nghĩ một chút:

- Cũng được! Ta đợi!

Rồi y ngồi xuống nền sảnh, ngồi tự nhiên, như có thể ngồi bất cứ nơi nào, dơ sạch, sang hèn...

oo Cỗ xe lao tới vun vút. Hồ Bất Sầu và Mã Lương nhìn cỗ xe, bụng mừng. Hồ Bất Sầu đưa tay áo lau mồ hôi trán thốt:

- Xe chạy nhanh đấy chứ!

Mã Lương thở dài:

- Tại hạ từ ba tuổi đã biết cưỡi ngựa, bảy tuổi bắt đầu nuôi ngựa, ngày ngày sống với ngựa, suốt hai ba mươi năm rồi! Bình sinh chưa thấy ngựa nào chạy nhanh bằng ngựa của cỗ xe đó!

Cỗ xe sắp đến nơi.

Hồ Bất Sầu nhảy ra giữa đường. Đứng chặn lối quát to:

- Hãy dừng xe lại!

Xe chạy nhanh như vậy, muốn dừng lại, ít nhất cũng phải gò ngựa chậm, xe lăn bánh vài mươi trượng mới dừng được.

Nhưng không, tiếng quát của y vừa buông dứt, xe dừng liền, không dao động. Phu xe đội nón phủ xuống tận mang tai, còn hai con ngựa không lộ vẻ mệt nhọc chút nào.

Mã Lương thích ngựa, nên đến xem cho biết ngựa gì quý thế, hắn đưa tay vuốt vuốt trên mình ngựa, trong khi đó, Hồ Bất Sầu vòng tay hướng về gã phu xe.

- Tại hạ có việc khẩn cấp, định mượn tạm xe này...

Phu xe bật cười khanh khách, hỏi:

- Ngươi có điên không?

Giọng nói của hắn khó nghe quá, chừng như Hồ Bất Sầu nhận ra giọng nói đó, y trợn mắt nhìn, chưa kịp nói gì, Mã Lương kêu lên:

- Hãn Huyết Mã!

Bàn tay của hắn ướt mồ hôi máu, đỏ ngời.

Hồ Bất Sầu không còn nghi ngờ gì nữa.

- Bằng hữu là...

Người trên bật cười khanh khách:

- Người ta bảo, cất công tìm khắp sông hồ, trở về ngõ hẻm bất ngờ gặp nhau. Hay quá! Hay quá! Có phải thế không?

Hồ Bất Sầu kêu lên:

- Thiên Kim Cầu!

Đúng vậy, người đó chính là Thiên Kim Cầu Cam Tôn, đã len lén bỏ đi trong khi Kiềm Lậu bị Tử Y Hầu dùng kiếm điểm huyệt.

Y bật cười ha ha:

- Các hạ Ở đây, chắc Kiềm huynh cũng chẳng ở xa lắm?

Hồ Bất Sầu cùng Mã Lương nhìn ra, thầm ra hiệu với nhau, đoạn gằn giọng:

- Các hạ theo dõi người mặt ngựa? Nếu vậy càng hay!

Đột nhiên, y tung ra một chưởng.

Cam Tôn dù là ngu xuẩn, dù mập mạp nặng nề, song cũng linh hoạt vô cùng. Hắn né mình, nhường cho chưởng của Hồ Bất Sầu lướt qua, dễ dàng như bỡn.

Mã Lương lãnh việc hạ tên tùy hành của Cam Tôn, việc đó chẳng khó khăn gì.

Rồi Hồ Bất Sầu và Cam Tôn khai diễn trường ác chiến.

Võ công của Cam Tôn thực ra chẳng cao cường gì cho lắm, nhưng Hồ Bất Sầu đánh mãi mà chẳng hạ được hắn. Bởi hắn có lối né tránh kỳ dị. Hắn chỉ né tránh thôi, không thủ mà cũng không công, vậy mà Hồ Bất Sầu vẫn chẳng làm gì hắn nổi.

Mã Lương chưa vào tiếp trợ, thầm nghĩ:

- Thanh Bình Kiếm Khách oai danh hiển hách như vậy, sao môn đệ tầm thường quá, mà y gặp tên bất tài này, nếu đối phương là ai khác thì y đã đo đất lâu rồi.

Bỗng Hồ Bất Sầu kêu lên:

- A! Vương đại hiệp trở lại!

Cam Tôn giật mình hỏi gấp:

- Ở đâu? ở đâu?

Hắn vừa buông dứt tiếng cuối, Hớ Bất Sầu tống một chưởng vào ngực hắn, đồng thời y cũng tung luôn một ngọn cước, dĩ nhiên hắn lộn nhào mấy vòng.

Nhưng, Hồ Bất Sầu cảm thấy chỗ tay chạm và chân chạm mềm nhũn, như chạm vào bông, cái cảm giác đó chứng tỏ hai đòn đánh ra chẳng gây thương tích gì cho đối phương cả.

Y kinh hoảng kinh, chưa biết làm gì kế tiếp, Cam Tôn đã vụt đứng lên không quay nhìn lại chạy đi như baỵ..

Mã Lương giận vì Hồ Bất Sầu đánh trúng mà Cam Tôn lại chẳng sao cả, lại nực cười cho thái độ kỳ quái của hắn.

Hồ Bất Sầu cũng cười, thốt:

- Luận về võ công, hắn hơn ta thật đấy nhưng hắn nhát gan quá, hắn sợ chết nên không dám thi thố gì. Do đó, ta vờ chống đỡ không nổi, để cho hắn đắc ý, lộ sơ hở, rồi bất thình lình ta tấn công mạnh, đánh trúng hắn là hắn chạy liền!

Mã Lương có phần nào thẹn thầm đã ước độ sai công lực của Hồ Bất Sầu, tưởng đâu y chẳng có thực tài gì cả.

Hắn nghĩ:

- Xem ra, họ Hồ tuy có phần nào hồ đồ lỗ mãng, song tâm cơ cũng linh mẫn lắm. Đúng lúc khẩn cấp như vậy vẫn giữ được bình tĩnh, ta còn kém xa.

Hắn sanh lòng kính phục Hồ Bất Sầu hơn trước nhiều.

Hồ Bất Sầu cười liếp nói:

- Vô luận làm sao, chúng ta cũng cảm kích hắn. Hắn bỗng dưng mang ngựa đến hiến chúng ta mà lại ngựa quý. Chúng ta mau mau mang tên mặt ngựa sang xe rồi đến Lạc Dương gấp, e Vương Bán Hiệp nóng lòng chờ đó!

Nhưng cả hai hết sức kinh hoàng, lúc vào xe xem lại thì tên mặt ngựa đã mất dạng.

Vầng thái dương từ từ lên cao, tại Liên Vân Trang như chìm trong tư tịch, im vắng như cảnh tha ma.

Thu đã vào sâu trong mùa, dương quang không thiêu nóng như trời hạ, không khí mát dịu nhưng bọn đại hán dàn thành những toán trực bên ngoài xuất hạn dầm dề!

Vương Bán Hiệp, Thiết Ôn Hầu cùng bọn Bình Thanh tất cả sáu người cùng mở tròn mười hai con mắt nhìn lom lom ra phía cửa. Gương mặt người nào cũng đượm vẻ lo âu:

Người áo trắng ngồi riêng một chỗ, yên lặng như pho tượng. Ánh nắng ban mai chiếu trên lượt áo trắng của y, phản ánh một màu vàng vàng, vì màu áo đã bạc, ngã sang màu đất.

Ánh nắng lung linh, tạo cho y cái vẻ thần bí với gương mặt không cảm tình, trông y như một người chẳng còn thuộc thế gian trần tục này nữa.

Vương Bán Hiệp chốc chốc lại lẩm bẩm:

- Cái bọn đáng chết đó, mãi đến bây giờ chưa thấy tới đây!....

Đột nhiên, người áo trắng đứng thẳng lên, từ từ thốt:

- Hai khắc thời gian đã qua rồi!

Vương Bán Hiệp cười khổ:

- Đã qua rồi sao?

Người áo trắng hôi cộc lốc - Chiến thơ của Đệ Nhất Kiếm Khách đâu?

Vương Bán Hiệp miễn cưỡng:

- Các hạ đợi một khắc nữa...

Người áo trắng cười lạnh:

- Ta đã nói, đợi hai khắc đã qua rồi, hai khắc uổng phí. Phàm là con nhà võ, có thể uổng phí thời gian quý báu được chăng?

Vương Bán Hiệp bất bình:

- Các hạ chỉ biết tỷ võ, luyện võ, nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, ngoài ra chẳng nghĩ đến việc gì khác à?

Bành Thanh tiếp nối:

- Ngươi phải biết ngoài học võ ra, trên thế gian này còn biết bao nhiêu điều tốt đẹp? Như hoa thơm, như cây quý, như rượu ngon, như nữ sắc, chẳng lẽ người khinh thường tất cả?

Người áo trắng điềm nhiên:

- Cái sanh mạng của ta đã hiến cho võ học rồi, ta chẳng màng đến những gì khác ngoài võ học!

Lời nói rõ ràng như chém đinh, chặt sắt, cương quyết lạ.

Vương Bán Hiệp thở dài:

- Như vậy là võ sĩ, cũng như những thư sinh văn sĩ. Si như thế cũng đáng kính!

Người áo trắng không buồn kéo dài câu chuyện ngoài đề, xoay xoay thanh kiếm, buông gọn:

- Vào đi thôi?

Thiết ôn Hầu vụt đứng lên, trầm giọng:

- Đã vậy ta xin...

Bỗng bên ngoài trang có tiếng huyên náo, mọi người kêu lên:

- Đến! Đến rồi! Có người đến!....

Trong tiếng huyên náo có tiếng chân ngựa.

Hai con ngựa chạy như bay, trên lưng mỗi con có một người thoáng mắt đã đến tận sảnh đường.

Vương Bán Hiệp mừng rỡ, kêu to:

- Bất Sầu! Bất Sầu! Ngươi đến rất đúng...

Nhưng lão vụt biến sắc, hấp tấp hỏi:

- Còn Kiềm...Kiềm Lậu?...

Hồ Bất Sầu vừa thở dốc, vừa cúi đầu đáp:

- Mất..mất tích...

Vương Bán Hiệp vừa kinh hãi vừa phẫn nộ, hét to:

- Hắn đã bị điểm huyệt, làm sao trốn đi được?

Hồ Bất Sầu cúi mặt thấp hơn, tóm lược sự tình.

Vương Bán Hiệp dậm chân thình thịch, khí giận bốc bừng bừng, gào to lên:

- Thế này thì làm sao? Làm sao? Bao nhiêu cao thủ võ lâm mất mạng rồi, bao nhiêu sẽ mất mạng trong tương lai? Và hiện tại những người tại đây...Làm sao? Làm sao?...

Hồ Bất Sầu còn dám nói gì?

Vương Bán Hiệp khóc ngay, lệ đổ ròng ròng, giọt lệ giàn giụa trông thảm đạm hết sức.

Rồi lão than:

- Ai mang hắn đi? Ai chứ? Ai nỡ gieo cái thảm cho ta thế? Tàn độc quá!

Bọn Thiết Ôn Hầu quyết tâm hy sinh vì tinh thần. thượng võ, song vẫn hy vọng bằng vào chiến thơ như Vương Bán Hiệp đã nói đình hoãn cuộc đấu lại, được thời gian nào, hay thời gian ấy. Họ biết chắc, qua cuộc đấu với người áo trắng, họ khó sống còn, thì tạm hoãn đấu lại còn sống tạm, cho nên nghe sự tình Hồ Bất Sầu vừa kể, tất cả đều thất vọng.

Hồ Bất Sầu lẩm nhẩm:

- Theo vãn bối nghĩ, thì cái người cướp mất Kiềm Lậu, không bao lâu nữa, sẽ có mặt đây?

Vương Bán Hiệp "Hừ" lên một tiếng:

- Làm gì có việc đó? Kẻ ấy đến đây để nạp mạng à? Chẳng lẽ chán đời mức độ đó?

Hồ Bất Sầu trầm giọng:

- Người đó không có ý cứu Kiềm Lậu đâu, mà cướp hắn cũng chẳng dùng vào việc gì, trừ ra mượn hắn làm con tin mượn hắn để uy hiếp chúng ta. Mà muốn uy hiếp chúng ta, thì phải đúng lúc, nếu không đúng lúc thì cái mạng của Kiềm Lậu không còn giá trị gì. Đúng lúc, chính là lúc này, chậm trễ là vô ích!

Không ai ngờ một người có tướng mạo thô lậu như vậy lại có tư tưởng khá cao, niềm hy vọng chớm sống dậy nơi lòng họ.

Vương Bán Hiệp gật đầu:

- Cũng có lý! Cũng...

Bỗng mọi người hoa mắt cả lên. Từ trên không một bóng người lao vút xuống bên thềm sảnh, vọt luôn vào trong, người đó mặc áo gai, mặt lạnh như gỗ.

Gương mặt gỗ là gương mặt của Mộc Lang Quân. Người đó chính là lão.

Không cần suy nghĩ, Hồ Bất Sầu biết ngay chính lão đã cướp Kiềm Lậu, y quay qua Vương Bán Hiệp, thấp giọng thốt:

- Rất có thể vãn bối đoán trúng!

Tại sảnh đường, những người chưa từng gặp lão, cũng đoán ra lão là người trong Thanh Mộc Cung.

Vương Bán Hiệp bước tới, cao giọng hỏi:

- Kiềm Lậu đâu?

Mộc Lang Quân cười âm thầm:

- Các hạ khá thông minh dấy! Tên mặt ngựa hiện tại ở trong tay tại hạ. Nhưng các vị muốn gặp hắn, thiết tưởng đâu phải dễ dàng thế được!

Vương Bán Hiệp trầm giọng:

- Ngươi cứ nói điều kiện!

Mục lục
Ngày đăng: 21/08/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Mục lục