Gửi bài:

Trai Huế ăn nói có duyên

Ông cha ta thường nói "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", bạn có thể nhận thấy rằng, trong cuộc sống, có nhiều người không đẹp, giọng nói không hay, nhưng nói chuyện vẫn rất có duyên. Không phải mới sinh ra họ đã có khả năng ấy đâu, mà đó là kết quả của sự học tập, rèn luyện qua nhiều năm tháng.

**

trai-hue-an-noi-co-duyen

Chuyện là năm cuối đại học, tôi cùng 8 bạn, 4 nam, 4 nữ được Trường gửi ra Hà Nội để thực tập tại Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật và một số Bộ ngành liên quan. Các cô, các cậu khi đó ai nấy đều lo lắng cho việc thực tập mấy tháng tại Hà Nội. Tôi còn nhớ, ngày đó trước khi đi, mẹ tôi phải bán mấy tạ thóc, 4 con heo mới đủ tiền cho chuyến đi thực tập ấy.

Sau một đêm dài hồi hộp không ngủ trên tàu, tất cả chúng tôi cũng đến được Hà Nội vào sáng mơ sương. Có thầy ở trong Viện ra đón tại nhà ga và dẫn tất cả chúng tôi về nhà của một thầy cũng làm ở Viện nhưng đang đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài nên nhà để trống và cho ở. Thế là 4 bạn nam ở tầng dưới, 4 bạn nữ tầng trên.

Sáng sáng, các bạn lần lượt đạp xe đến Viện hoặc các Bộ liên quan để liên hệ xin tài liệu viết bài. Bạn Phúc liên hệ xin tài liệu ở Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bạn Luận thì Bộ Tài chính, tôi và bạn Thủy thì Bộ Kế hoạch Đầu tư....; tối đến tất cả chúng tôi lại cặm cụi ngồi viết bài.

Hồi đó các thầy cô bắt tất cả là phải viết tay để thầy cô sửa bài, viết xong mỗi phần hoặc mỗi chương thì nộp cho thầy, nếu sai ý hoặc bố cục chưa logic là về viết lại. Đối với các bạn nữ chữ đẹp còn dễ thở, chữ xấu tệ tôi thì khó khăn gấp vạn lần, phải nắn nót viết từng trang mà luận văn thì dài gần trăm trang chưa tính viết đi viết lại, cho nên có đêm đến tận 2 giờ sáng mới viết xong bài. Sau khi viết xong và được thầy hướng dẫn duyệt lần cuối "ok" thì mới đem ra tiệm thuê đánh chữ, đóng tập để nộp.

Do 4 nam 4 nữ ở chung một nhà, cho nên ban đầu các bà hàng xóm cứ tưởng là chúng tôi từ miền Nam rủ nhau đi bụi để ở chung...mà nhà chúng tôi ở trong ngõ, đi vào nhà là phải đi qua mấy nhà hàng xóm. Thế là các bà đay nghiến khó chịu và họ bắt đầu chửi – họ chửi xa, chửi gần, chửi bóng, chửi gió – ban đầu tưởng là họ chửi ai, rồi sau đó mới biết họ chửi tụi mình. Có bà vào tận phòng chửi " tụi mày ban ngày đàn đúm, tối về đú đởn không cho bà ngủ à?" .....khi đó các bạn phải đi rón rén nhẹ nhàng, tắm giặt cũng xả nước từ từ kẻo sợ hàng xóm chửi...

Hồi đó cũng chưa có điện thoại di động, nên có ngày được nghỉ ở nhà là tranh thủ ra quán trước ngõ gọi điện về cho gia đình, nhân tiện chào hàng xóm luôn thể. Ở ngay ngõ có một bà đang nhóm than tổ ong để nấu ăn, còn một bà thì đang ngồi lặt rau. Tôi đến gần hỏi:

Con chào các cô! cô cho con hỏi ở đây có ai cho thuê điện thoại không ạ?

- Thế chúng mày trong Nam ra hả?

- Dạ không, chúng con từ Huế ra.

- Thế chúng mày làm gì mà tối nào cũng ồn ào đến khuya không cho chúng tao ngủ thế hả?

- Dạ, chúng con xin lỗi, lần sau chúng con sẽ để ý hơn, mấy đứa con là sinh viên từ Huế ra đây thực tập. Mỗi tối chúng con viết bài đến khuya mới ngủ ạ.

Rồi bà đổi cách xưng hô từ mày thành cháu.

- Thế bọn cháu học gì?.

- Dạ tụi cháu học Luật ạ.

- Uh, thế lần sau chú ý nhé. À mà trong nhà cô có điện thoại, cháu vào nhà cô mà gọi.

- Dạ, con cám ơn cô.

Còn bà đứng bên cạnh nói: Người Huế ăn nói nghe thích nhỉ, nghe chữ "dạ" và xưng "con" thích quá. Khi nào rỗi ra đây nói chuyện với các cô nhé!.

- À, mà cô nghe nói con trai Huế đểu lắm phải không cháu?

- Dạ, rứa cô thấy con có đểu không cô?

Rồi tất cả cùng cười.

Thế là những ngày sau hàng xóm vui vẻ chào hỏi lẫn nhau và không nghe chửi nữa. Tôi nghĩ chắc tại mình ăn nói có duyên nên được mấy bà khen đây. Nói đùa vui thôi chứ các bạn đừng nghĩ tôi "mèo khen mèo dài đuôi" mà tội nhé.

Qua đây, tôi muốn nói rằng: nói chuyện có duyên là một nét đẹp rất cần trong đời sống gia đình, trong công sở và cả những nơi công cộng. Không cần phải "khua môi múa mép", ngôn từ hoa mỹ mà lời nói phải xuất phát từ tấm lòng của mình. Khi chúng ta nói lời nặng nề, thô lỗ, không những người nghe cảm thấy bị xúc phạm, mà chính bản thân chúng ta cũng có nhiều điều bất lợi. Khi lời nói được nói theo cách ôn hòa, người nghe sẽ dễ chấp nhận hơn vì điều đó tỏ ra là họ đang được tôn trọng.

Có lần, tôi đến một cơ quan nọ liên hệ công việc, khi vào gặp một cô ngồi ở phòng văn thư, tôi hỏi nhờ chỉ giúp phòng cần liên hệ thì cô văn thư chẳng nói chẳng rằng, hai mắt cứ dí vào máy tính rồi đưa tay chỉ về phía cầu thang. Tôi nghĩ, chắc cô này đang bị đau vòm họng nên khó nói chăng? Ngay sau đó, có một chị đứng tuổi gần bằng mẹ của cô ta đến nộp hồ sơ, cô ta bảo phải bổ sung cái này, cái kia nên chị nộp hồ sơ hỏi: "Em ơi! Rứa ngày mai chị bổ sung và đến nộp được không?" Cô ta cũng chẳng nói câu nào, đến khi chị đó hỏi lần thứ 2 thì cô ta quát: "Chị hãy nhìn thông báo lịch làm việc dán ở cửa, cứ hỏi hoài."

Ông cha ta thường nói "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", bạn có thể nhận thấy rằng, trong cuộc sống, có nhiều người không đẹp, giọng nói không hay, nhưng nói chuyện vẫn rất có duyên. Không phải mới sinh ra họ đã có khả năng ấy đâu, mà đó là kết quả của sự học tập, rèn luyện qua nhiều năm tháng. Phải công nhận là có nhiều người bẩm sinh đã có tài ăn nói nhưng có tài ăn nói chưa hẳn đã là có duyên.

Ca dao có câu "Người thanh, tiếng nói cũng thanh. Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu". Lời nói là một trong những yếu tố chi phối phần lớn cuộc sống của chúng ta. Khi tiếp xúc với ai lần đầu tiên, phong cách nói năng của người ấy có thể để lại trong ta một ấn tượng tốt hay xấu. Do đó, các bạn hãy ăn nói có duyên như trai Huế nhé.

Lê Quý Hoàng

Ngày đăng: 25/06/2017
Người đăng: Lê Quý Hoàng
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Ở đây bán cà phê ngon hơn người yêu cũ của bạn
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage