Gửi bài:

Lá thư từ Thuỵ Điển - quốc gia được mệnh danh "gần-như-hoàn-hảo"

Vì đâu Thụy Điển lại được coi là một trong những đất nước tốt nhất thế giới?

***

Tôi đang ngồi trong văn phòng của mình ở thành phố thông minh Hammarby Sjöstad của địa hạt Stockholm. Hôm nay là ngày lễ bánh quế vòng của Thụy Điển. Mùi cà phê rang thuần vị, không hương liệu, cùng chả bơ, cùng sữa tỏa ra từ căn bếp văn phòng. Trời đã chuyển sang những ngày Thu cuối và cái lạnh đã đến thành phố rất gần.

Đất nước này là nơi những công nghệ hiện đại nhất như thành phố thông minh Hammarby Sjöstad tồn tại song song bên những nét truyền thống lâu đời giản dị đến nực cười như ngày của chiếc bánh quế vòng, nơi đến hương cà phê cũng chả cần được làm màu và gió lạnh từ lâu đã trở thành thương hiệu quốc gia.

la-thu-tu-thuy-dien

MỘT DÂN TỘC BIẾT ĐỦ

Trong tiếng Thụy Điển có một từ mà bạn không tìm thấy từ hoàn toàn giống hệt trong tiếng Anh: "lagom" - không quá nhiều, không quá ít, vừa đủ. Một niềm tin cổ cho rằng từ "lagom" đến từ từ "laget om" có nghĩa là "vòng quanh cả đội". Khi đó, những người Viking khi uống rượu thường uống từ một cái sừng rượu chung, mỗi người uống một ngụm rồi truyền sang cho người tiếp theo... Cứ thế, sừng rượu được chia đều cho cả nhóm và điều đặc biệt là, mỗi lần uống, mỗi người chỉ lấy được một ngụm vừa đủ, không hơn. Chiếc sừng rượu chung ấy đã mãi mãi đi vào lịch sử (hoặc truyền thuyết) nhưng ý thức hệ "lagom" thì còn tồn tại, thậm chí ăn sâu bám rễ vào xã hội Thụy Điển.

Người Thụy Điển rời sở làm lúc 4, 5h để dành thời gian bên gia đình và cho các sở thích cá nhân. Họ biết làm việc vừa đủ.

Cha mẹ Thụy Điển dù rất yêu con nhưng rèn thói quen cho con đi ngủ lúc 7, 8h tối để cha mẹ có thời gian cho nhau và cho riêng mình. Họ biết yêu vừa đủ.

Những thầy cô, cha mẹ Thụy Điển mong muốn con có thời gian chơi, ra ngoài trời và vận động thể thao. Họ chỉ mong con họ học vừa đủ.

"Lagom", dù bị chỉ trích là làm giảm tính cạnh tranh và nỗ lực trong xã hội Thụy Điển nhưng lại được coi là tiền đề của một xã hội sống chậm, sống chất lượng và đặc biệt là sống yêu thương. Những chương trình phát triển bền vững, các hoạt động, công nghệ vì môi trường, chính sách nhập cư hào sảng, những vận động tăng cường bình đẳng (màu da, giới tính và cơ hội) và ngay cả một xã hội tôn trọng cộng đồng LGBT... là kết quả của một xã hội biết đủ cho mình, dành thời gian và sự quan tâm cho những người khác, những nhóm yếu thế hơn mình.

Trong khi các cường quốc khác nói chuyện dầu mỏ, kim ngạch xuất khẩu hay đồng tiền mạnh, Thụy Điển được gọi là "a humanitarian superpower", cường quốc nhân đạo. Họ có thời gian quan tâm và yêu thương đến thế giới khi họ thấy đủ cho mình.

LUÔN CÓ CÁCH TỐT HƠN

Một nghịch lý kỳ lạ xảy ra ở nơi đây, giữa một xã hội biết đủ, có một thứ không bao giờ đủ với người Thụy Điển. Ấy là ý tưởng!

Gillis Lundgren đứng trước thùng xe ô tô, trên tay ôm chiếc bàn gỗ cồng kềnh. Làm sao mà nhét được chiếc bàn này vào ô tô cơ chứ, cả Gillis lẫn người bạn đồng nghiệp đều nhìn nhau lắc đầu. Không, chắc chắn phải có cách chứ! "Giời ạ, tháo hết chân bàn ra và xếp 4 cái chân xuống dưới" Gillis nói. Câu nói đó là tiền đề tạo nên huyền thoại flatpack (đóng gói phẳng) của IKEA, thay đổi mãi mãi cách chúng ta mua đồ đạc. Gillis Lundgren là một trong những nhà thiết kế đầu tiên của IKEA, cha đẻ của chiếc giá sách Billy huyền thoại, vật dụng thậm chí còn được dùng làm Billy Index, chỉ số so sánh giá tiêu dùng của các quốc gia.

Trong một khu ổ chuột Mỹ, bọn trẻ đang lắc lư theo điệu nhạc phát ra từ điện thoại, qua ứng dụng Spotify. Những sinh viên ngồi xe bus ở Hà Nội đang chơi Candy Crush. Những đoạn ghi âm được chạy đi chạy lại từ Ấn Độ đến Nam Phi trên SoundCloud. Và trước Viber hay Facetime, thế giới kết nối, yêu thương nhau qua Skype... 10% dân số châu Âu ngủ trên những chiếc giường IKEA, còn H&M nuôi mộng mặc đẹp cho những cô cậu bé thích mặc đẹp nhưng chả có nhiều tiền...

Những cái tên ấy xuất hiện rộng rãi và thay đổi cách chúng ta sống nhiều đến nỗi chúng ta sẽ bất ngờ khi biết chúng đến từ một đất nước nhỏ xíu, chỉ có 10 triệu dân ở tận cực Bắc. Và để có khoảng 10 thương hiệu toàn cầu thành công, tôi nói cho bạn nghe, đất nước 10 triệu dân này phải có hàng tỉ ý tưởng.

Vậy vì sao đất nước bé nhỏ, biết đủ này lại cần nhiều ý tưởng đến vậy? Bạn có thể không tin: Thời tiết khắc nghiệt đóng vai trò đặc biệt trong việc này.

Người Thụy Điển biết có những thực tế họ không thể thay đổi: Trời tuyết lạnh, không một loại cây lương thực nào có thể qua mùa Đông nơi đây và trời đổ tối lúc 3h chiều trong suốt mùa Đông. Ngạn ngữ Thụy Điển có câu: "Không có thời tiết tệ, chỉ có quần áo tệ". Nghĩa là không có hoàn cảnh nào tệ, chỉ là bạn không có cái giải quyết tốt mà thôi. Và thế là ở đây, họ cố tìm giải pháp, thậm chí giải pháp tốt hơn và tốt hơn nữa cho hoàn cảnh họ được đặt vào.

Người Thụy Điển ít khi thể hiện cảm xúc. Tôi chưa từng nhìn thấy một người Thụy Điển nào khóc. Những người bạn Nam Âu của tôi bảo người Thụy Điển lạnh, không thể hiện cảm xúc bởi ở nước họ, việc bật khóc hay gào thét ở chốn đông người không đến nỗi "tuyệt chủng" như ở Thụy Điển. Nếu có lý giải nào cho chuyện này, tôi sẽ dùng lý giải rằng: người Thụy Điển đã quên mất cách kêu gào để than trách hay tìm sự giúp đỡ. Mùa Đông dài tối tăm, những ngôi nhà cách nhau cả dặm dạy họ cách bình tĩnh, tự tìm cách này hay cách khác giải quyết các vấn đề của mình.

BỘ MÁY XÂY DỰNG BẰNG NIỀM TIN

Một ngày tháng 11/2016, một cơn bão tuyết tràn xuống Stockholm. Chưa có bất kỳ một sự chuẩn bị nào: Những chiếc ô tô chưa được thay bánh xe mùa Đông, những đôi ủng tuyết vẫn nằm im lìm trong kho, những công nhân lái xe dọn tuyết làm việc bán thời gian vẫn chưa vào mùa làm việc: Stockholm hỗn loạn. Hệ thống xe bus phải tạm ngừng hoạt động, bọn trẻ được nhà trường gửi về nhà, nhiều người lái xe ô tô phải bỏ xe lại trên phố và đi bộ về nhà. Chúng tôi, phần đông vẫn kẹt ở văn phòng mà chưa thể tìm cách về nhà.

"Ngày mai mọi chuyện lại ổn thôi," một chị đồng nghiệp của tôi nói. "Chính quyền thành phố sẽ giải quyết nhanh gọn việc này". Nhìn ra ngoài trời tuyết, những hàng xe ô tô bị bỏ lại trên đường và xe cào tuyết không thể di chuyển, tôi tự hỏi, chị ấy lấy đâu ra niềm tin mãnh liệt như thế vào chính quyền thành phố.

Vậy mà sáng hôm sau, chưa đầy 8 tiếng đồng hồ, tuyết vẫn rơi, nhưng đúng là giao thông đã thông suốt.

Mỗi khi căn hộ tôi ở có trục trặc gì về sưởi hay điện, tôi thường gọi đội sửa chữa của tòa nhà. Tôi để khóa ở chế độ đặc biệt để chìa khóa của đội sửa chữa có thể mở được cửa nhà tôi và tôi bỏ đi làm. Trong ngày, đội sửa chữa tới, mở cửa, sửa chữa rồi dời đi.

"Con không sợ họ lấy trộm thứ gì à?" mẹ tôi ngạc nhiên khi thấy tôi làm như thế. Không hề, bởi ở đây ai cũng làm thế. Tôi cũng như nhiều người Thụy Điển khác tin tưởng đội sửa chữa của tòa nhà, những người luôn làm việc chuyên nghiệp, đúng với uy tín của công ty mà họ đang đeo logo.

Người dân tin vào chính quyền, người dân tin vào doanh nghiệp, người dân tin vào nhau... Để làm được điều này, xã hội Thụy Điển có hai tiền đề vô cùng quan trọng: Ý thức tự giác của người dân và một hệ thống điều hành minh bạch và liên kết cao của chính quyền.

Thụy Điển là nước ít tham nhũng thứ 4 trong danh sách nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức minh bạch Thế giới năm 2016.

Nếu như ở phần trước, tôi nói rằng đất nước này luôn khát khao ý tưởng mới thì một yếu tố mấu chốt giúp rất nhiều ý tưởng đó thành hiện thực, biến các cậu bé mê code thành các CEO của các start-up thành công, biến Stockholm thành thủ đô start-up mới của thế giới chính là một hệ thống minh bạch và một xã hội có niềm tin.

"Open Stockholm" là một chiến dịch của chính quyền thành phố Stockholm triển khai từ năm 2011 để biến Stockholm thành thành phố thông minh nhất thế giới. Chính quyền thành phố cam kết mở các database mà chính quyền thành phố có về giao thông, dân số, địa lý, môi trường, thông tin các tòa nhà... để các nhà khởi nghiệp có thể sử dụng để xây dựng các ứng dụng thông minh giúp ích cho công dân thành phố. Chiến dịch này đã mang rất nhiều ý tưởng thú vị thành các ứng dụng hữu ích như app tìm kiếm chỗ ngoài trời nhiều nắng để sưởi nắng (sử dụng database về thời tiết và địa lý) hay app giúp các bác tài xe tải kiếm chỗ đỗ và dỡ hàng (sử dụng database địa lý và giao thông).

Vậy đấy, một hệ thống xã hội ưu việt, một quốc gia công nghệ cao được xây dựng bằng niềm tin - nghe cũng chả khác mấy một câu đùa.

À, bạn có thể sẽ hỏi tôi là ai khi tôi viết bài viết này. Tôi không phải một người Thụy Điển. Tôi là một cô gái Việt Nam may mắn được gắn bó và yêu Thụy Điển, yêu những thiết kế tối giản và không gian Bắc Âu trắng bóc trên sàn màu gỗ phong. Và như tôi vẫn viết trong cuốn sách về tình yêu đa văn hóa của mình: Tôi yêu đủ nhiều để yêu thích việc quan sát, tìm hiểu điều gì làm nên một đất nước gần như hoàn hảo!

Tác giả các cuốn sách: "Yêu một cô gái Việt" và "Anh chồng Stockholm, người tình Paris và cậu bạn thân Bangkok"

* Đất nước gần như hoàn hảo: Tựa đề bài viết lấy cảm hứng từ tên cuốn sách "Những người gần như hoàn hảo - Sự thật về điều kỳ diệu Bắc Âu" (The Almost Nearly Perfect People - The truth about the Nordic miracle) của tác giả người Anh Michael Booth.

Ngày đăng: 20/10/2017
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Trên đời này
 

Trên đời này, chẳng có ai vì mất đi một người mà không sống nổi, cùng lắm là đau lòng ba năm hay năm năm, ăn ít đi vài bữa, mất ngủ mấy đêm, gầy mất mấy cân, qua 8 đến 10 năm sau, lại có mối duyên mới, sinh con đẻ cái, ấm áp sum vầy rồi còn nhớ rõ ai là ai nữa.

Quả nhân có bệnh - Tuỳ Vũ Nhi An.

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage