Gửi bài:

Bố mẹ ơi, con xin lỗi

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con

Đó là những vần thơ nói về công ơn của cha mẹ mà ngay từ khi còn nhỏ tôi đã thuộc nằm lòng. Nhưng thuộc nằm lòng là một chuyện còn việc thực hiện lại là một chuyện khác. Và tôi phải thú thật rằng tôi từng thực hiện việc này không được tốt cho lắm, nếu không muốn nói rằng rất tệ. Cho tới tận bây giờ, khi tôi đã lớn, đã ở tuổi trưởng thành đủ để suy nghĩ chín chắn nhưng tôi vẫn khiến mẹ phải rơi nước mắt và cảm thấy có lỗi với bố rất nhiều. Tôi càng cảm thấy mình tệ hại thì lại càng nhận ra bố mẹ tôi thật tuyệt vời. Cho tới tận bây giờ tôi mới nhận ra điều đó.

***

bo-me-oi-con-xin-loi

Ấn tượng tuổi thơ đầu tiên từ khi tôi biết nhận thức về cuộc sống là một căn nhà nền đất với cái võng dài móc từ góc tường này sang tường bên kia, một giường ngủ và một bàn thờ. Đó là căn nhà của gia đình tôi, nó không phải là trống mà thật ra cũng chẳng có cái gì. Mẹ ngoài khâu nón ra thì không biết nghề nghiệp gì khác. Tôi nhớ mẹ kể ngày bé ở nhà, bà ngoại chỉ bắt khâu nón thôi, không cho làm việc gì khác kể cả thổi cơm, nên khi lấy bố, mẹ phải học từng chút một, từ thổi cơm, nhặt rau cho tới cách ứng xử với mọi người. Mẹ khi ấy là một thiếu nữ 17 tuổi chỉ biết khâu nón và trình độ văn hóa mới học hết lớp 4.

Tôi vẫn nhớ dáng mẹ ngồi thâu đêm chăm chú với từng đường kim mũi chỉ còn tôi thì lê la và hài lòng với nền nhà đất mát lạnh. Với thằng bé con là tôi lúc đó thì nền nhà đất rải rác những hố lồi lõm to nhỏ là cả một thế giới kì lạ và hấp dẫn. Mẹ thỉnh thoảng ngước đôi mắt lên nhìn tôi và mỉm cười, yên tâm rằng thằng bé con vẫn loanh quanh trong tầm mắt của mẹ. Mẹ không nói nhiều mà chỉ cặm cụi với những vòng nón trắng. Mẹ nuôi tôi bằng số tiền bán nón, tôi được ăn những món ngon được mặc quần áo đẹp, bằng bạn bằng bè chẳng kém cạnh ai. Khi bắt đầu đi học tôi muốn chứng minh rằng mình rất dũng cảm, rất mạnh mẽ nên tôi đã nói mẹ chỉ cần đưa tôi đến trường vào ngày đầu tiên, những ngày tiếp theo tôi sẽ tự đi một mình để mẹ không phải vất vả. Thật là một suy nghĩ ngây thơ vì trên thực tế mẹ chưa bao giờ thôi lo lắng và đỡ vất vả vì thằng bé con là tôi cả.

Tôi có kỉ niệm nho nhỏ với bố là khi có một lần ngón áp út của tôi bị sưng to đùng vì đinh râu. Bố là người đạp xe đạp đưa tôi sang trạm xá để khám. Bố đã rất tự hào và kể với mọi người rằng con trai bố dũng cảm và mạnh mẽ lắm, bị cái kim tiêm to đùng đâm vào tay mà chẳng hề kêu khóc gì, chỉ khẽ nhăn mặt một cái thôi, phải đứa bé khác là khóc ầm lên rồi. Một lần khác, tôi đang chơi đùa cùng lũ trẻ hàng xóm thì có người bảo bố gọi tôi về. Chạy về nhà tôi thấy mấy người hàng xóm tới chơi. Bố khoe với tôi nhà mình có cái quạt cây mới. Khi ấy, cái quạt cây với tôi là thứ gì đó thật quý giá và to lớn vì được hàng xóm sang chơi chúc mừng. Bố hẳn là cũng rất tự hào, tự hào vì một món đồ mới, tự hào vì đã kiếm được tiền nuôi vợ con, tự hào vì là trụ cột của gia đình. Nhưng bố thường vắng nhà rất lâu và tôi trải qua tuổi thơ đa phần là với mẹ. Tôi nghe người lớn kể lúc mẹ chuẩn bị sinh tôi ra trong tay bố mẹ chẳng có gì cả, muốn sắm một ít đồ trẻ con và mua đồ ngon tẩm bổ cho mẹ cũng chẳng có. Cực chẳng đã bố ăn trộm đồ của ông nội đem bán để có thêm một chút tiền mua đồ cho mẹ con tôi, rồi ông nội phát hiện và giận dữ cho bố mẹ tôi ra ở riêng với số vốn chỉ vẻn vẹn là vài cân gạo và 3 sào ruộng để tự thân vận động, không dính dáng gì với ông bà nội nữa. Tôi cứ nghĩ vì tôi, tại sự có mặt của tôi làm bố mẹ phải khổ, bởi có tôi nên bố mới phải ăn trộm và bị đuổi ra ở riêng. Tôi còn nghe kể khi tôi còn nhỏ không được bố bế ẵm nhiều. Với một đứa trẻ thiếu vắng tình cảm và hình ảnh của bố thì điều đó là rất tệ. Sự thực thì tôi đã sống trong suốt một thời gian dài với suy nghĩ rằng bố không yêu tôi. Tôi cứ nghĩ rằng bố không yêu tôi cho nên không thèm chăm sóc, bế ẵm khi tôi còn nhỏ. Khi ấy tôi yêu mẹ rất nhiều và tôi ghét bố cũng rất nhiều.

Ấn tượng khi tôi còn nhỏ chỉ vẻn vẹn là căn nhà đơn sơ, nền nhà đất, cái võng, cái giường, cái bàn thờ và cái quạt cây. Mẹ với những vành nón trắng. Bố và buổi đi tiêm thật dũng cảm. Tuổi thơ của tôi trôi qua như thế cho tới khi lớn hơn.

Giờ mẹ không còn khâu nón nữa, có lẽ vì không bán được bao nhiêu tiền. Mẹ chuyển qua bán bỏng ngô và sau đó là bán khăn mặt. Tôi khi ấy chỉ biết mẹ đạp xe đi bán hàng ở Hà Nội mà chẳng biết Hà Nội là ở đâu, cách nhà bao xa, mẹ bán hàng như thế nào. Sau này khi lớn tôi mới hình dung được hành trình một ngày của mẹ. Mẹ tôi chính xác là một bà bán hàng rong. Với chiếc xe đạp cũ kĩ, mẹ phải chạy qua 20km mới tới được Hà Nội và phải đạp xe lòng vòng, loanh quanh khắp đường ngang ngõ dọc để bán cho xong túi bỏng ngô khổng lồ hay chồng khăn mặt chất cao ngất. Chẳng phải nói ngoa rằng Hà Nội có bao nhiêu con đường, bao nhiêu ngõ ngách chắc mẹ tôi đều đã đi qua. Không quản gió mưa ngày tháng, không kêu ca mệt nhọc vất vả, mẹ cứ lầm lũi với công việc như thế trong suốt thời niên thiếu của tôi.

Tôi khi ấy đã có em trai, hai thằng chúng tôi cách nhau 7 tuổi. Hai anh em tôi có một hạnh phúc mà không phải đứa trẻ nào cũng được trải qua. Hạnh phúc được ăn bát mì trắng tự tay nấu. Chúng tôi khi ấy còn quá nhỏ để thành thạo việc nấu nướng thế nên từ sáng sớm trước khi đi chợ mẹ đã chuẩn bị hết từ việc lấy mì, lấy nồi, cho nước và gia vị vừa đủ, bắc nồi lên bếp... Đến trưa khi bụng đói sôi lên, tôi chỉ việc nhóm lửa cháy rơm, đun sôi nước và bỏ mì vào. Thế là được một xoong mì trắng ngon lành, mỗi đứa một bát, ngồi ăn ở cổng và mong ngóng mẹ về. Đấy là hạnh phúc khi tự tay nấu nướng không phải ai cũng có được. Dù bây giờ tôi cũng hay ăn mì trắng nhưng không bao giờ cảm nhận được vị ngon như bát mì trắng ngày xưa. Chỉ là nước lã, mấy hạt muối, mì chính và nắm mì trắng thôi mà sao ngon ngọt và đậm đà đến thế. Có lẽ vì nó được hòa với thứ gia vị vô hình mang tên là "tình yêu của mẹ". Bát mì trắng theo tôi trong suốt những ngày mẹ đi chợ Hà Nội cho đến khi tôi đủ lớn để tự thổi được cơm. Hạnh phúc đôi khi đến từ những thứ thật đơn giản, bình dị đến thế.

Hạnh phúc còn là khi mong ngóng mẹ về, hạnh phúc khi được nhìn thấy mẹ sau một ngày dài chờ đợi. Dáng vẻ lau mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt cùng nụ cười rạng rỡ của mẹ với chiếc xe đạp cũ kĩ là hình ảnh quen thuộc mà hai anh em chúng tôi chứng kiến hàng ngày. Hạnh phúc ấy được diễn tả bằng 4 chữ với một tiếng reo vui ngây thơ trong trẻo: "A, mẹ đã về!". Mẹ về mang theo mùi hương của Hà Nội, mẹ về là có cái kẹo tấm bánh trong giỏ xe. Chúng tôi cứ mải vui với những đồ ăn mẹ mang về mà chẳng bao giờ hỏi han mẹ được một câu: "Mẹ ơi, mẹ có mệt không?", "Mẹ ơi, con quạt cho mẹ nhé", "Mẹ ơi, mẹ uống nước cho mát đi"... Dù chẳng có những lời quan tâm ấy, mẹ vẫn cười. Mẹ cười rạng rỡ, cười nhiều lắm. Tôi thấy mẹ cười và cũng nghĩ mẹ hạnh phúc. Mẹ cười vì con và hạnh phúc cũng vì con.

Thời niên thiếu của anh em tôi chủ yếu vẫn là ở với mẹ. Bố thường không ở nhà, bố đi làm xa thỉnh thoảng mới về. Đây là khoảng thời gian tôi được nghe kể nhiều về bố. Người lớn kể chuyện, ngày xưa bố lười học lắm, toàn đi chơi thôi. Vì lười học quá nên ông bà nội không cho đi học nữa. Người lớn còn kể trước khi lấy mẹ, bố giang hồ lắm, thường đi đánh bạc, uống rượu, hút thuốc, chơi lô đề và cả đánh nhau nữa... Và tôi tự hiểu rằng, sau khi lấy mẹ bố vẫn thế, cũng không khá hơn được là bao.

Vì cuộc sống mưu sinh lo cho gia đình, cho hai em tôi ăn học và cho cả bố nữa, mẹ tôi quyết định đi nước ngoài. Ngày tiễn mẹ ra sân bay, tôi không khóc mà chỉ bám miết theo mẹ chẳng muốn rời, cho tới khi người ta lôi tôi lại và bảo không được đi vào khu vực ấy. Nhìn máy bay đã cất cánh mà lòng tôi cũng không nhẹ nhàng bay lên như nó được. Tôi chưa định hình cuộc sống khi xa mẹ là thế nào nhưng tôi có thể tưởng tượng cuộc sống với bố sẽ rất kinh khủng. Bố không có công ăn việc làm ổn định, nay làm cái này mai làm cái khác, chỉ được vài ngày là bố lại chán. Chính xác thì bố không kiếm được nhiều tiền để trang trải cuộc sống cho một gia đình nhỏ. Trên danh nghĩa bố là trụ cột gia đình nhưng thực tế thì mẹ mới là người nai lưng ra làm lụng vất vả và gánh toàn bộ gánh nặng về kinh tế cho gia đình bốn người chúng tôi. Khi mẹ đi vắng thì tôi mới là người giặt giũ quần áo, đi chợ mua rau dưa và nấu nướng đồ ăn chứ không phải bố. Tôi không bao giờ nói chuyện với bố nhiều vì tôi bận học, vì không có chủ đề chung gì để nói hoặc đơn giản là vì tôi ghét bố và có ấn tượng không tốt với bố từ nhỏ.

Mẹ tôi đi nước ngoài ba năm. Ba năm bôn ba nơi đất khách quê người, thỉnh thoảng mẹ có gọi điện về và tôi có viết thư gửi sang cho mẹ. Như thế vẫn là quá ít để bù đắp lại những tình cảm mà chúng tôi thiếu thốn. Tôi cứ nghĩ tới mẹ đang phải vất vả khổ sở như thế nào, tôi nghĩ đến bố đang ở nhà và ăn hại, vô dụng ra sao thì tôi lại khóc. Tôi khóc vì mình cũng vô dụng chẳng giúp gì được mẹ và tôi khóc vì tại sao tôi lại có một người bố tệ hại đến như thế. Ba năm đi nước ngoài, tất cả số tiền kiếm được mẹ đều gửi về cho bố để trang trải nợ nần, để nuôi anh em chúng tôi, để dành giụm làm vốn. Nhưng tôi biết phần lớn số tiền đó bố đã đổ vào rượu chè, thuốc lá, lô đề và bài bạc...

Năm tôi học đến lớp 12 thì mẹ trở về. Mẹ trở về với hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa. Tôi có tình cờ đọc được những trang nhật kí mẹ viết về những ngày tháng đó. Mẹ ra nước ngoài nhờ công ty môi giới nhưng không kiếm được nhiều tiền nên mẹ đã trốn ra ngoài để tìm việc khác nhiều tiền hơn. Mẹ về vì mẹ bị công an nước ngoài họ bắt. Trước khi được trả về nước, mẹ bị nhốt trong tù như một phạm nhân. Mẹ ở trong đó hình như một tháng gì đấy. Mẹ không oán trời trách đất vì bất công với mẹ, không kêu gào vì bị giam cầm, mẹ chỉ lo không kiếm được tiền để nuôi anh em chúng tôi. Mẹ ở trong tù và mẹ cũng làm thơ. Nhìn những dòng chữ nghuệch ngoạc và đọc những câu thơ không gieo vần của mẹ, tôi không khóc được vì có cái gì đó tắc nơi cổ họng không thể thốt thành lời. Tôi biết mẹ rất khổ nhưng tôi không bao giờ nghĩ mẹ lại phải trải qua những giờ phút kinh khủng như thế. Mẹ lặng lẽ chịu đựng và chẳng chia sẻ cùng ai. Mẹ của tôi tuyệt vời như thế và bố tôi tệ hại như thế.

Tôi cũng không phải là một đứa con ngoan khi báo đáp mẹ bằng cái tin trượt đại học. Tôi buồn rầu và mất hết niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Với tôi khi ấy con đường dẫn tới cổng trường đại học là con đường thành công duy nhất và tôi đã để vuột mất nó chỉ với nửa điểm thiếu còn lại. Tôi chỉ mải lo buồn cho số phận hẩm hiu của mình mà chẳng bao giờ để ý đến cảm nhận của mẹ. Hẳn là đối với mẹ tôi là tất cả, tôi là niềm vui, là nụ cười, là lẽ sống, là hi vọng của mẹ. Mẹ sẽ không thể sống hạnh phúc khi mà tôi đang buồn khổ được. Và bây giờ thì tôi hiểu là khi đó người buồn khổ nhất không phải là tôi mà là mẹ mới đúng. Khi ấy tôi không hiểu vì cú sốc trượt đại học, vì tôi vô tâm, vì mẹ che giấu thật kĩ hay đơn giản chỉ vì mẹ là một người mẹ tuyệt vời. Mẹ động viên tôi rằng tôi rất giỏi, tôi đã cố gắng hết sức và tôi có thể ngẩng cao đầu với bạn bè. Mẹ dùng mọi cách để làm tôi vui và khuây khỏa đi nỗi buồn trượt đại học. Mẹ nấu những món ngon cho tôi ăn, để tôi tự do trong mọi việc mà không gò ép, không ca thán... Những ngày tháng đó tôi tự hỏi bố tôi ở đâu và tôi có thể tự đưa ra câu trả lời. Bố tôi lo cho bản thân còn không xong thì làm sao có thời gian mà lo cho ai khác được nữa.

Một năm sau ngày về mẹ lại muốn đi ra nước ngoài lần nữa. Mẹ buồn vì ở nhà chẳng kiếm được tiền, chẳng đủ nuôi anh em tôi ăn học. Lần thứ hai mẹ ra đi tôi cũng hiểu thêm một điều rằng bố mẹ tôi không hợp nhau, hễ một người ở nhà thì người khác phải đi xa. Ngày nhỏ bố tôi vắng nhà nhiều và bây giờ khi tôi lớn thì tới lượt mẹ. Mẹ cũng muốn ở nhà để gần gũi và chăm sóc cho anh em chúng tôi, dù sao con có mẹ cũng còn hơn là bơ vơ một mình. Nhưng gia đình tôi khó khăn và phải có một người đứng ra bươn trải. Bố không muốn làm người đó, bố cũng chẳng đủ khả năng để làm người đó. Vậy là mẹ lại đảm nhận trách nhiệm nặng nề, nói lời chia tay với hai đứa con yêu dấu và cất bước lên đường đến xứ lạ.

Lần này mẹ đi biệt hẳn 6 năm trời. Mẹ chỉ gửi tiền về đủ cho anh em tôi ăn học, chỉ vậy thôi, mẹ muốn bố tự lo cho mình. Bố là người lớn, bố có sức khỏe và bố nên tự kiếm tiền nuôi thân. Tôi đã từng có suy nghĩ như thế đấy. Tôi cũng bắt đầu với việc ôn tập lại kiến thức và chuẩn bị cho một kì thi lại vào năm tới. Tôi quyết định không ở nhà mà lên Hà Nội học. Tôi lấy lí do vì ở ngoài Hà Nội có trung tâm dạy học uy tín và chất lượng đảm bảo hơn. Thực tế thì tôi chỉ muốn rời xa căn nhà nơi có bố tôi ở đấy. Tôi không muốn đối diện với bố hàng ngày, tôi không muốn suốt ngày phải giặt giũ, đi chợ, nấu cơm và không có thời gian dành cho việc học tập. Tôi đổ thừa tất cả là tại bố, tôi đẩy hết việc nhà cho bố làm. Tôi lặn lội lên Hà Nội lao đầu vào học tập để chắc chắn là mình sẽ đỗ đạt, để quên đi những việc và những người làm tôi buồn phiền nơi quê nhà.

Tôi đỗ đại học nhưng tin buồn là không được ở trọ mà phải sáng đi tối về. Thế là dự định về một cuộc sống đại học xa nhà không thành sự thật. Tôi vẫn phải đối diện với bố hàng ngày. Tôi là kẻ phải chịu đựng. Tôi đã từng nghĩ như thế. Tôi vui với những điều mới lạ ở đại học để quên đi một cuộc sống bức bối chờ tôi mỗi khi về nhà. Tôi không dám kể với ai về bố và tôi ghen tị mỗi khi có ai đó kể về bố của họ với một niềm tự hào to lớn. Đối với tôi khi ấy, bố không phải là niềm tự hào của tôi. Tôi vẫn chỉ nghĩ bố vô công rỗi nghề, bố không phải là trụ cột gia đình, bố chỉ là gánh nặng làm khổ mẹ con tôi. Tôi từ nhỏ đã chứng kiến nỗi khổ của mẹ, chứng kiến vì bố mà mẹ khổ. Tôi cũng tự nhận thức được rằng rượu chè, cờ bạc, hút thuốc, lô đề, đánh người... là chuyện xấu nên tôi tự nhủ không bao giờ tôi làm những việc đó. Tôi không bao giờ muốn và chắc chắn sẽ không trở thành một người giống như bố. Tôi tự nghĩ mình sẽ là một người đàn ông có trách nhiệm với vợ và con tôi.

Tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá nhưng công việc thì không ổn định. Tôi chuyển từ công ty này sang công ty kia chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi cảm thấy bất công và oán trách ông trời rất nhiều vì tôi nghĩ mình rất khá mà ông cứ trêu ngươi tôi. Chán nản, tôi không đi làm nữa dù có nhiều người bạn giới thiệu việc ổn định, ngon lành. Nhà tôi khi ấy đã được xây mới hoàn toàn, một căn nhà lớn hơn và cũng lạnh lẽo hơn. Tôi ở một phòng và bố ở phòng đối diện nhưng chưa khi nào tôi gõ cửa và bước vào căn phòng đó nói chuyện với bố. Cả ngày tôi chỉ mở miệng nói với bố vào ba bữa ăn cơm đơn giản vì khi ăn thì phải mời. Tôi thậm chí còn không nhìn vào mắt bố, không nhìn vào mái tóc đã điểm bạc và gương mặt mỗi ngày một tiều tụy, chất chứa những nỗi buồn sâu thẳm của một người đàn ông bất đắc chí. Tôi bước vào những ngày tháng tự nhốt mình trong phòng cùng cái máy vi tính và chẳng để ý đến sự tồn tại của bố trong căn nhà này. Đó là những ngày tháng tệ nhất mà tôi đã dành cho bố trước khi bố tôi qua đời.

Một buổi sáng khi tôi tỉnh dậy, mở cửa phòng để chuẩn bị ăn sáng, tôi thấy một tập giấy tờ được đặt trước cửa phòng kèm một bức thư. Tôi đọc bức thư bố để lại... chuyện chẳng lành... tôi chạy đi trong lo sợ... phải tìm bố.. đừng làm như thế nhé... tôi thầm cầu xin. Rồi tôi tìm thấy... bố lơ lửng trên xà nhà... lạnh rất lạnh, bố tím tái... chưa bao giờ bố như thế, đúng là lần cuối. Bố lạnh, bố cũng không còn thở nữa, chỉ mới hôm qua, ngay hôm qua thôi mà... bố hình như vẫn còn nói chuyện với tôi... tôi cũng không chắc... nhưng giờ bố chẳng nói gì nữa. Cổ họng nghẹn ứ... tôi không thể cất lên lời... rồi tôi ú ớ... gào lên... chưa khi nào tôi gào lên kinh khủng như thế. Chỉ là một tiếng gào thất thanh trong vô vọng... tôi không thể gọi một tiếng bố ơi, âm thanh ấy chỉ vang lên trong đầu tôi. "Bố ơi! Bố ơi!". Tôi không thể gọi ra... chỉ ú ớ trong cổ họng. Tôi mất bố thật ư?... Bố ơi! Người bố mà tôi vẫn căm ghét, người mà tôi luôn cho rằng thừa thãi trong cuộc đời, chưa khi nào tôi cảm thấy cần bố như thế. Mồ côi ư? Mất bố ư? Không, tôi không muốn thế! Không muốn thế! Dù bố có là phần thừa của gia đình này, dù bố đã từng là người vô dụng trong suy nghĩa của tôi thì bố vẫn là bố. Không! Tôi thật sự cần bố... Sao lại như thế? Điều gì? Điều gì đã khiến bố hành động quẫn trí như thế? Bỏ lại tôi và gia đình này ư? Tạo sao?

Hàng xóm kéo đến vì tiếng gào thất thanh của tôi. Đông... đông lắm... hỗn loạn nữa... tôi quá hoảng hốt tới mức bây giờ mới chạy lại ôm bố xuống. Tôi cứ khóc và lải nhải... không cứu được nữa... không được nữa rồi... cứng người rồi. Đã lâu lắm rồi tôi không ôm bố nhưng trong hoàn cảnh này ư? Cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh khi bố tôi ra đi. Tôi đã bị ám ảnh trong một thời gian dài bởi tất cả những thứ gì treo lơ lửng, phất phơ, ngay cả một chiếc áo trên dây phơi cũng khiến tôi bần thần, sợ sệt. Tôi đã gào khóc và đã ân hận, đã tự trách mình rất nhiều. Cho tới tận khi chứng kiến bố qua đời tôi mới biết trân trọng tình cảm bố dành cho tôi, cho tới khi bố đi rồi tôi mới hiểu bố yêu tôi nhường nào. Cho tới khi đó tôi mới hiểu câu nói: "Chúng ta thường không quý trọng những gì mình đang có mà phải khi mất đi rồi mới thấy tiếc nuối". Bố ra đi mang theo những nỗi buồn khổ và ấn tượng tệ hại kinh khủng từ thời thơ ấu. Tôi bây giờ chỉ còn biết nhìn bố và gào khóc. Tôi muốn hét lên rằng: 1"Bố ơi, con xin lỗi! Con xin lỗi bố rất nhiều. Con là đứa con không tốt. Con yêu bố! Con yêu bố nhiều lắm!". Có quá nhiều thứ tôi muốn nói với bố. Nhưng bố tôi chỉ nằm đó và lặng yên. Tôi muốn được bố ôm vào lòng, muốn được cưng chiều như một đứa trẻ quấy khóc đòi bố, muốn được hôn lên má bố, thì thầm vào tai bố những lời dịu ngọt, muốn được ở cùng bố mãi không thôi. Tôi đã có thời gian và cơ hội để làm những điều đó nhưng tôi đã không trân trọng. Tôi đã không cảm nhận được tình yêu thương của bố cho tới khi bố mất đi. Tôi ân hận thì đã không còn kịp nữa rồi.

Mẹ về vì mẹ nhận được tin bố mất, bước vào cổng nhà mẹ không khóc. Mà chỉ lặng lẽ nén nỗi đau thương vào trong và cố nén chặt nó cho tới khi nhìn thấy hai anh em chúng tôi tiều tụy, ngây dại đi khi phải trải qua cú sốc mất bố. Mẹ òa khóc. Bao nhiêu nỗi đau giờ hiện hết trên khuôn mặt mẹ, nỗi xót xa, sự mất mát quá lớn. Mẹ luôn ân hận vì không ở nhà để nuôi dạy chúng tôi lên người, không được ở bên khi chúng tôi trưởng thành và cần có mẹ. Mẹ ân hận vì chỉ lo kiếm tiền để anh em chúng tôi được bằng bạn bằng bè, kiếm tiền để chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng hơn. Và giờ mẹ ân hận vì không thể giữ được bố. Đôi vai gầy của mẹ bao năm gánh gồng những lo toan cuộc sống giờ co rúm lại, run run.... mẹ chẳng thể đủ sức mà khóc nấc lên, nước mắt cứ thế lã chã rơi, mẹ đau mà chẳng thể thốt lên thành lời. Chạy tới ôm lấy mẹ và cứ thế ba mẹ con chúng tôi khóc trong căn nhà lạnh lẽo giờ đã mãi vắng đi bóng dáng của bố tôi.

Tôi nhớ ngày nhỏ có một lần mẹ hỏi: "Con thấy hạnh phúc nhất khi nào?". Tôi đã ngây thơ trả lời: "Con nghĩ nhà mình sẽ hạnh phúc nhất là khi có tiền, có mọi thứ đầy đủ trong nhà". Đứa trẻ con ngây thơ với câu trả lời vụng dại chỉ nghĩ nhà nó khổ là do thiếu tiền, chẳng nghĩ rằng nó lại trở thành mục tiêu để mẹ phấn đấu, chẳng nghĩ rằng hạnh phúc không phải ở tiền bạc. Hạnh phúc là khi được sống trong tình yêu thương và trao đi yêu thương. Hạnh phúc là khi làm người khác hạnh phúc.

Mẹ trở về mang theo hiểu biết kiến thức về Phật pháp. Mẹ muốn hai anh em tôi phát tâm ăn chay và hồi hướng công đức ấy cho bố. Tôi chẳng hiểu hồi hướng công đức là cái gì và ăn chay thì như thế nào, tôi chỉ cần biết nó tốt cho bố. Nếu tôi có thể làm được điều gì đó tốt cho bố tôi chắc chắn sẽ làm ngay mà không cần suy nghĩ gì cả. Có thể nó xuất phát từ nỗi ân hận nhiều hơn là tình yêu dành cho bố nhưng tôi mặc kệ, tôi chỉ biết nó tốt cho bố như vậy là được rồi.

Mỗi bữa cơm chay mẹ thường nói về sự nhiệm màu của Phật pháp. Mẹ nói nên tụng kinh và niệm Phật nhiều cho bố. Đó có thể là cách để mẹ giúp chúng tôi xua đi nỗi đau khổ và giằn vặt khi mất bố. Mẹ thường tâm sự và tìm mọi cách để chúng tôi không suy nghĩ nhiều, để làm vơi đi sự u ám trong căn nhà lạnh lẽo. Mẹ muốn làm tấm gương tốt và vực chúng tôi thoát khỏi tình trạng trầm cảm bằng cách luôn vui vẻ. Mẹ không cho phép mình buồn phiền nhiều vì như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt tới chúng tôi. Mẹ vẫn cười nhiều dù chỉ là gượng gạo. Mẹ giấu nỗi buồn và nước mắt vào trong. Tôi biết cũng có những đêm mẹ không ngủ, có những đêm nước mắt khẽ rơi, có những đêm mẹ thở dài, trằn trọc với những suy nghĩ, lo âu, buồn phiền và đau khổ.

Mẹ giục tôi kiếm việc và đi làm. Có lẽ khi ấy mẹ sợ tôi cứ ở nhà và lún sâu vào tình trạng tự kỉ, trầm cảm mãi. Mẹ quan tâm tôi từng li từng tí một. Buổi sáng mẹ thường dậy sớm, chuẩn bị đồ ăn, gọi tôi dậy ăn sáng chuẩn bị đi làm, không quên nhắc tôi đội mũ bảo hiểm và mang theo suất cơm trưa mẹ đã chuẩn bị. Mẹ cũng thỉnh thoảng nửa đêm chạy sang phòng nhắc tôi đóng cửa vì đêm khuya lạnh hoặc trời có mưa. Vẫn là tấm lòng người mẹ chăm chút cho con từng bước đi, từng giấc ngủ. Phần tôi thì lại cảm thấy thật phiền phức. Tôi thường hay cãi cọ và cằn nhằn với mẹ. Đôi khi tôi hét lên rằng: "Mẹ thật rắc rối! Con có phải trẻ con nữa đâu mà cái gì mẹ cũng nhắc nhở như thế. Con tự lo được không khiến mẹ phải quan tâm!". Mẹ chỉ lắc đầu và thở dài.

Có một ngày, buổi sáng ăn cơm chuẩn bị đi làm, mẹ kể chuyện sáng nay đi chợ có mấy người xông vào và hò hét đòi trả tiền. Tiền bố vay của họ, một khoản tiền rất lớn. Mẹ nói không trả vì không có giấy tờ làm chứng và không có khả năng trả. Bọn họ dọa giẫm, bảo mẹ đi lại hãy coi chừng. Mẹ cũng nhắc tôi đi lại cẩn thận. Tự nhiên tôi nghĩ lung tung, nghĩ xa xôi, nghĩ có lẽ nào một ngày nào đó bị người ta chặn đánh thậm chí là bị đâm cho mấy nhát dao? Và tôi suy nghĩ miên man về bố. Tôi mong bố phù hộ cho mẹ, mẹ đã phải chịu khổ nhiều vì mấy bố con rồi, sức chịu đựng của mẹ cũng có hạn thôi. Tôi hi vọng nếu người ta có đánh đấm hay đâm chém gì đó thì người bị nạn là tôi, để mẹ và em trai không bị đau, được bình an vô sự. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu bọn họ chọn tôi thì mẹ sẽ vẫn bị đau, mẹ vẫn bị khổ vì phải chăm lo cho tôi và chạy tiền chữa trị hoặc lại phải trải qua đau đớn khi mất một đứa con. Rồi tôi nghĩ đằng nào mẹ cũng khổ thôi thì vẫn cứ là tôi bị đánh bị đâm. Tôi còn trẻ, có khả năng sẽ không chết. Mẹ khổ mấy mẹ cũng chịu được chứ nếu mẹ bị đâm sợ mẹ không qua khỏi. Tôi không muốn nhìn thấy mẹ nằm giường bệnh, càng không muốn nhìn thấy cảnh mẹ máu me lênh láng nằm trên đường. Tôi tự nhủ: "Chỉ cần mẹ không xây xước gì, con có bị làm sao thì mẹ cũng cố gắng mẹ nhé". Rồi tôi cảm thấy ấm lòng khi nghĩ trong lúc tôi đang lo lắng cho mẹ như thế này thì chắc mẹ cũng đang lo lắng và nghĩ về tôi như vậy.

Lúc đó tôi đã từng có suy nghĩ nếu có một ngày tôi chết thật hi vọng sẽ trở thành một thiên thần hộ mệnh. Một thiên thần hộ mệnh bảo vệ, chở che cho những người mà tôi yêu thương. Rồi tôi còn nghĩ tới điều lớn lao hơn. Tôi mong có thể đem lại vui vẻ và hạnh phúc cho nhiều người hơn nữa. Nếu tôi có thể là một thiên thần hộ mệnh. Vì tôi biết cuộc đời còn quá nhiều người đau khổ hơn tôi. Tôi muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc, hi vọng dù chỉ là nhỏ nhoi cho những người đang cần những điều đó. Dù sống hay chết, tôi sẽ cố gắng làm người có ích, giúp đỡ những người khốn khổ hết sức lực và khả năng của mình theo một cách nào đó.

Một ngày mẹ bảo tôi lên chùa làm từ thiện. Tôi không muốn đi vì nghĩ đang đi làm dở dang và cảm thấy lạ. Mẹ giục tôi đi làm còn giờ muốn tôi tới chùa. Mẹ nói để thay đổi không khí và tĩnh tâm. Nhân duyên với tôi và Phật pháp đã đến khi cuối cùng thì tôi cũng lựa chọn lên chùa. Ngày bước chân lên chùa tôi thích lắm. Tôi chưa bao giờ cảm thấy an lạc và thanh bình đến thế. Tôi hòa mình vào thiên nhiên, cây cối núi rừng và cảm giác bao nhiêu bộn bề, lo toan của cuộc sống đã bị trút bỏ lại sau lưng. Tôi ở trong chùa tụng kinh, niệm Phật, làm từ thiện thực sự là rất an lạc. Lâu lắm rồi tôi mới cười sảng khoái đến thế, hạnh phúc đến thế. Tôi cảm thấy nơi đây là dành cho tôi, tôi thuộc về nơi này và muốn ở đây mãi mãi. Tôi muốn sống mãi trong thế giới an lạc và hạnh phúc này. Đơn giản là tôi muốn phát tâm xuất gia. Không phải tôi sợ sệt và muốn chạy trốn cuộc đời, không phải tôi buồn khổ vì công việc không thuận lợi, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng đây là bến đỗ bình yên mà con đò tôi lênh đênh bao năm kiếm tìm.

Tôi tiếp xúc với Phật pháp, tôi biết sau khi bỏ lại chúng tôi mà đi như thế chắc chắn bố đã phải đến một nơi chẳng tốt lành gì. Tôi muốn cứu bố vì biết rằng cái chết không phải là đã hết, tôi còn biết rằng bao nhiêu bố mẹ từ vô thủy kiếp trước của tôi hẳn là vẫn còn đang mắc nạn trong ba đường ác đạo chờ giải thoát. Ngày ấy, khi tôi đã quyết định chắc chắn xuất gia, tôi đi kinh hành niệm Phật mà vừa đi vừa khóc. Tôi khóc không phải vì nhớ nhà, nhớ mẹ mà tôi khóc vì lo cho mẹ tôi. Trong đầu tôi cứ nảy ra những câu hỏi: "Mẹ sẽ đón nhận tin này như thế nào? Người ta sẽ đối xử với mẹ tôi ra sao? Người ta sẽ nói mẹ tôi như thế nào? Mẹ tôi đã khổ quá nhiều, liệu đây có phải là một nỗi khổ nữa mà tôi bắt mẹ phải chịu đựng?". Trái với suy nghĩ mông lung của tôi, mẹ phản ứng thật khác biệt. Mẹ khóc và mừng vì tôi đã quyết định như thế, mẹ nói nếu em trai tôi cũng có duyên với Phật pháp thì cả ba mẹ con sẽ đi ở chùa luôn. Người ta nói mẹ con tôi mê tín, cuồng tín. Mẹ cũng mặc. Người ta nói trên đời chẳng có người nào như mẹ tôi đang tâm đẩy con vào chùa đi tu, nói mẹ không yêu thương tôi, không nuôi nổi tôi... Người ta nói nhiều, nhiều lắm. Mẹ không giận dữ, không đôi co, không giải thích, không buồn khổ. Mẹ chỉ lặng lẽ giúp tôi an tâm buông xả mọi thứ để bước đi. Mẹ âm thầm dùng tình yêu thương che chở, bao bọc và bảo vệ tôi khỏi những thứ xấu có thể ảnh hưởng tới tôi.

Những ngày tôi mới đi, mẹ có đến thăm. Lúc về, mẹ dắt xe ra cổng còn tôi thì đứng nhìn mẹ. Tôi có thể thấy sự lưu luyến, tình yêu thương trên đôi mắt rơm rớm của mẹ. Mẹ phải về mà mẹ chẳng muốn về, mẹ cứ quay lại và hình như muốn nói với tôi nhiều thứ lắm. Cuối cùng mẹ chỉ hỏi tôi một câu: "Con có điều gì muốn nói với mẹ không?". Lúc ấy tôi rất muốn nói với mẹ: "Mẹ ơi, con xin lỗi. Xin mẹ hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu không thể ngày ngày chăm lo cho mẹ, không thể kiếm tiền để trả nợ và nuôi dưỡng mẹ, không thể cùng mẹ san sẻ những buồn vui của cuộc sống nữa. Mẹ ơi, con xin lỗi vì trái tim bé nhỏ của con không thể dành riêng cho mẹ nữa. Con đã có một tình yêu lớn lao và cao cả hơn. Con yêu mẹ và con yêu tất cả chúng sinh cũng như mẹ vậy. Con biết mẹ khổ và mẹ ơi ở ngoài kia còn biết bao nhiêu chúng sinh khổ hơn mẹ nữa. Con trai bé nhỏ của mẹ đã hiểu biết Phật pháp, đã trưởng thành hơn nhiều rồi. Mẹ ơi, mẹ yên tâm nhé. Con sẽ cố gắng tu tập thật tốt để không phụ lòng của mẹ". Lúc ấy tôi muốn nói nhiều, nhiều lắm. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu tôi cứ lưu luyến và tình cảm như thế này sẽ khiến cả tôi và mẹ đều không buông xả được, sẽ mãi đắm chấp vào tình cảm này. Người học Phật thì không nên như thế. Vậy là tôi làm vẻ mặt tỉnh bơ mà trả lời: "Con không có gì muốn nói mẹ ạ. Mẹ về đi". Hẳn đó là một vết dao rất sâu cắt vào lòng mẹ. Mẹ đau mà không thể kêu, không thể khóc. Tôi nghĩ đêm nay sẽ lại có người không ngủ. Tôi nghĩ tôi phải làm thế và tự nhủ sau này vào mỗi ngày đặc biệt tôi cũng không nhắn tin và gọi điện, không nói những lời tình cảm với mẹ nữa. Tôi phải cứng rắn và mạnh mẽ để mẹ tôi cũng như thế.

Thực ra mẹ tôi cứng rắn, mạnh mẽ hơn tôi nhiều. Cuộc đời của mẹ chẳng có gì là suôn sẻ hết vậy mà mẹ vẫn luôn tươi cười rạng rỡ đấy thôi. Mẹ tôi bây giờ hoan hỉ lắm, mẹ vẫn hay lên chùa, hàng ngày cũng niệm Phật tụng kinh. Tôi học Phật nhiều hơn và nhận ra rằng bố mẹ chính là Bồ Tát của tôi. Nếu không có cái chết của bố, tôi sẽ không biết tụng kinh niệm Phật ăn chay phóng sinh, nếu không có sự đồng thuận của mẹ chắc tôi cũng không đi xuất gia. Tôi bây giờ tự hào vì ít nhất cũng có hai vị Bồ Tát đã dẫn dắt đưa tôi đi trên con đường ngập tràn ánh sáng Phật pháp. Tôi muốn cảm ơn bố mẹ tôi rất nhiều nhưng không phải bằng lời nói nữa. Tôi muốn cảm ơn và báo hiếu bố mẹ bằng cách niệm Phật và cầu vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc. Tôi hiểu rằng xuất gia tu hành không phải là từ bỏ người thân, bố mẹ, anh em, bạn bè mà là đem tình yêu thương bé nhỏ cá nhân biến thành tấm lòng Từ Bi nguyện độ khắp chúng sinh khổ nạn. Tôi bây giờ an lạc và hạnh phúc. Tôi cũng tin chắc chắn bố mẹ tôi cũng sẽ an lạc và hạnh phúc. A Di Đà Phật!

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc cũng đừng để nỗi buồn trên gương mặt của cha, đừng để khi mùa vu lan đến hoa trắng cài áo rồi mới thấy sao thèm được nghe giọng ấm áp của cha thèm được nghe mẹ kể về những câu chuyện ê a lúc còn tấm bé, thèm được cha mẹ ôm vào lòng như những ngày xưa ấy. Hãy trân trọng những gì ta đang có đừng để đến khi mất rồi mới thấy tiếc nuối thật nhiều.

Hạnh phúc thay cha mẹ còn nơi đây

Để bên đời con chẳng phút bơ vơ

Có mẹ đây mùa đông không còn lạnh

Còn có cha con ngại chi bão tố

Bao năm qua con vẫn thường hưởng thụ

Con vụng dại ngỡ là chuyện đương nhiên.

Đâu biết rằng cha hai sương một nắng

Mẹ còng lưng với lo toan mỗi ngày

Chín tháng sinh thành, bú mớm ba năm

Bao năm dưỡng dục con biết đếm làm sao?

 

Ngày đăng: 15/08/2016
Người đăng: Mỗ Nhân
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Remote life
 

Giá như cuộc sống là một chiếc điều khiển từ xa....

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage