Gửi bài:

Biến tấu đời thường

Em cầm bọc tiền trong tay với cảm giác rờn rợn, bất giác hình dung cảnh hai đứa con bà Tâm với hai dải khăn tang trắng toát ngồi khóc vật vã bên hè đường bụi bặm.

***

1. Ðêm lặng lờ, từng đợt gió hun hút lùa sâu qua cửa sổ, bình hoa bất tử trên bàn chao đảo rồi đổ xuống vỡ tan.

bien-tau-doi-thuong

Em rùng mình vì cảm giác lạnh lẽo đang vây phủ khắp căn phòng. Hơn bao giờ hết trạng thái bất ổn gần như là hoảng hốt xâm chiếm và dồn nén em đến tận cùng.

Chợt nghe văng vẳng một thứ âm thanh sắc lạnh, ban đầu còn yếu ớt, dần dần rõ ràng hơn. Em thò đầu ra khỏi chăn, tai hướng qua cửa sổ. "Eéc...éec!". Tiếng kêu như bị nghẹt lại rồi thoát ra não nùng, khắc khoải.

Em nhận ra tiếng chim lợn ăn đêm, hồi nhỏ nghe tiếng kêu rờn rợn của nó em rất sợ. Không hiểu sao bây giờ em lại cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng hơn khi nghe thứ âm thanh não nùng ấy. "Eéc...éec!". Em thò cả đầu ra cửa hun hút gió để theo dõi từng tiếng đập cánh phần phật.

Buổi sáng. Tỉnh dậy thấy đầu óc thanh thản hơn nhưng nhớ ký túc ghê gớm trong đầu em lần lượt hiện lên khuôn mặt dáng dấp từng đứa trong phòng.

Hôm thầy chủ nhiệm thông báo "lớp nghỉ nửa tháng để đi thực tập ở Huế", em sung sướng gào toáng lên vì sắp được về nhà. Căn nhà lạnh lẽo mà em từng co ro trong đó.

Vậy mà vừa chân ướt chân ráo về được mấy ngày em đã nhớ cồn cào cái nơi mà mình từng ruồng rẫy.

2. Mặc dù được cha thông báo trước "ở quê giờ như phố rồi" em vẫn lơ ngơ láo ngáo như lạc vào một vùng ngoại ô Hà Nội. Phải đến 3 năm rồi em chưa về lại nơi đây, nên hơn nửa tiếng vòng vo em mới xác định được chỗ cây gạo cụt ngọn kia trước đây là hồ sen của hợp tác xã. Giờ người ta san bằng xây lên mấy dẫy nhà cao tầng làm chỗ cho khách du lịch thuê.

Cái miếu Thành hoàng cạnh bờ sông không còn nữa, thế vào đó là nhà hàng đặc sản. Trước kia nơi đây u tịch hoang sơ đến gai người, không biết người nào đã dám dời Thành Hoàng đi chỗ khác để trưng cái biển hiệu sặc mùi phàm tục: "Nhà hàng đặc sản các món nhậu dân tộc"!

Vòng vèo qua mấy quán karaoke thấy một con bé mặc váy cũn cỡn thỏn thẻn với em. "Quên nhau rồi sao cô cử ?". Mặc dù có điệu đàng hơn, ăn mặc "môđen" hơn trước nhưng em vẫn nhận ra Lan. Lan là bạn học thời phổ thông, học hết lớp 11 thì bỏ đi buôn gạo trên miền ngược. Thầy giáo chủ nhiệm tặc lưỡi "Không có học thì cũng đến mức ấy mà thôi". Trong lớp có đứa bảo : "Có khi như thế lại hay!"

Nó vênh váo một cách lộ liễu :"Trông hàng karaoke tuy không được như bọn mày nhưng tháng cũng được vài vé. Thế ông bà già viện trợ cho mày một tháng bao nhiêu?". Em cười chua chát vì hai chữ "viện trợ" của nó. Em đáp qua loa vài câu rồi lặng lẽ đi.

Rẽ qua chợ mua cho mẹ mấy thứ lá xông em bắt gặp cô giáo đang tíu tít bề bộn giữa hàng cơm phở chật hẹp. Bên cạnh rổ bún nghễu nghện là vô thiên lủng hành tỏi, chân giò, gà luộc, cô vừa thái thịt, rửa rau vừa luôn miệng :"Có ngay, có ngay!". Cái dáng vẻ trầm tĩnh nghiêm nghị của cô trước bục giảng biến mất hoàn toàn. Em đờ đẫn không dám nhìn lâu sợ cô phát hiện ra mình. Câu nói ngày trước của cô : "Cứ học đi để biết, đời không đơn giản chút nào đâu", đeo đẳng em đến tận bây giờ...

3. Về nhà, Mẹ hỏi: "Có thích vịt tần không?". "Nhưng trưa rồi làm sao kịp". Mẹ cười: "Ðơn giản gọn nhẹ thôi, chỉ cần gọi một tiếng là người ta mang tận nhà".

Chắc mẹ nghĩ ở ký túc em thiếu chất nên bồi dưỡng thêm, ở Hà Nội tuy kham khổ thật nhưng em vẫn muốn được thưởng thức món canh riêu cua do chính tay mẹ nấu. Nhưng không muốn mẹ mất vui, em hào hứng: "Chắc là đặc sản mẹ nhỉ?". Mẹ bảo: "Ba mươi ngàn một suất chứ ít đâu". Em nhẩm tính được một tháng ăn bánh mì sáng.

Cơm trưa xong mẹ bảo: "Chiều con ra phụ quán với cha, dạo này khách đông lắm".

Cha em trước công tác ở Hội văn nghệ tỉnh, thỉnh thoảng ông cho ra đời một tập thơ với nhan đề nghe là lạ. Trong gần mười năm "làm" nhà thơ ông in được chừng 6-7 tập. Cuốn nào cũng nhắc đến "Tiếng đại bác ầm ầm như sấm", "Vệt lửa cháy sáng rực trời đêm". Có lần em hỏi: "Sao không có tình yêu hở cha ?". Ông làm mặt nghiêm bảo: "Chiến tranh là đầu rơi máu chảy chứ có phải đùa đâu mà yêu đương nhăng nhít như bây giờ".

"Dân trí của ta còn thấp quá, người đủ trình độ thẩm thấu thơ còn hiếm lắm", ông bảo thế.

Không biết có phải vậy hay không nhưng em thấy mỗi lần thơ ông in ra là một lần ông kè kè hàng tá sách đi vận động giáo viên trong tỉnh mua ủng hộ. Em hỏi: "Thế có lỗ không cha?". Ông sửng cồ : "Làm nghệ thuật chứ có phải buôn bán hàng hoá đâu mà bảo lỗ với lãi". Em cười: "Nhưng nghệ thuật phải vị nhân sinh chứ ?". Ông nhả khói thuốc mù mịt rồi lắc đầu chán nản: "Nhân sinh của chúng mày là một ngày hai bữa cơm đủ no để có sức mà ngọ nguậy, bọn trẻ chúng mày chẳng hiểu gì về nghệ thuật cả".

Em thấy có khi ông nói đúng, cái mà bọn em cần bây giờ là tiếng Anh, com-pu-tơ hay ma-két-tinh.

Em vào đại học được một thời gian thì ông thôi không công tác ở Hội văn nghệ tỉnh nữa. Chú em bảo: "Về một cục". Ông lại trừng mắt quát tháo.

Hồi ấy ông in tập thơ mới nhưng không bán nổi, giáo viên trong tỉnh đã mua "từ thiện" mấy lần rồi nên không thể bỏ ra mấy ngày lương nữa để sưu tập thơ ông cho đủ bộ. Phải thuyết phục mãi, mẹ mới cho bán non lứa lợn giống với chiếc máy khâu Trung Quốc để bù lỗ. Sau vụ ấy không khí trong nhà trở nên nặng nề hơn, mẹ đã không nhìn mặt cha đến nửa tháng. Ông ngao ngán thở dài: "Ðúng là cơm áo không đùa với khách thơ". Rồi tuyên bố giải nghệ.

4. Quán bia hơi nhà em nằm ven đường liên xã. Khách hàng hầu hết là đám thanh niên vô nghề nghiệp kiếm ăn bằng đủ mánh lới.

Buổi chiều em ra quán để giúp cha mấy việc lặt vặt. Em lặng lẽ quan sát cha làm những việc hết sức "quán xá". Mỗi khi có khách ông cuống quýt hẳn lên. Em hỏi: "Thu nhập có khá không cha?". Ông lui cui rót bia cho khách xong mới ngẩng lên, bảo: "Ngày bán được 50 lít bia lãi 40 ngàn, 2 cân mực lãi 20 ngàn, trừ thuế má điện nước mất 15 ngàn còn được 45 nhân với 30, tầm tầm 1 triệu một tháng". Em bảo: "Thế cũng được rồi cha nhỉ".

"Vất vả mà nhục lắm, đến giấc ngủ trưa cũng không có". Ông thẫn thờ. "Nhà thơ đâu rồi, hết thức nhắm thì uống với má phanh à?". Ông khách chồm chỗm trên ghế với giọng than vãn. "Ðây rồi, chú đợi một chút, con giúp cha nướng mấy con mực cho mấy chú nhanh lên" - Ông rối rít như người mắc lỗi. Kéo em ra một góc ông bảo: "Làm ăn giờ khó lắm, nhất là nghề này không chịu nhục không thể làm được". "Thế dạo này cha có làm thơ nữa không?". Ông trầm ngâm giọng buồn bã: "Thơ ca là thứ người ta chỉ cần khi nhu cầu vật chất đã được thoả mãn gì thì gì chứ nghèo có nghĩa là hèn, không thể hút thuốc lào vặt nhịn đói để yêu thơ được, như thế là phù phiếm".

Em cúi đầu: "Vâng, con hiểu".

Một tốp năm, sáu thanh niên vào quán. "Nhà thơ cho đĩa lạc với mấy vại bia nhé!".

"Con gái cụ đấy à? Em ơi! Phục vụ bọn anh đi!". Em ngượng nghịu lùi vào một góc. Anh mặc áo chẽn để ria con kiến bảo: "Bọn này trả tiền phục vụ được chưa?", rồi cười ngả ngốn. Cha im lặng ra chiều nhẫn nhục lắm. Em lúng túng làm đổ mất ca bia, cha tắc lưỡi: "Mất toi chục bạc rồi", mọi người cười ồ cả lên. Em bỏ ra khỏi quán. Cha gọi lại: "Khách đông thế này mình tao xoay sao nổi".

Mặc kệ, em chạy về nhà như kẻ mất hồn.

5. Mẹ an ủi: "Tính cha mày dạo này khác trước lắm. Tao đây mà ông coi chẳng ra gì nữa là...". Em hỏi: "Mẹ có hiểu tại sao không?". "Tại tao không làm ra tiền như hồi ở cơ quan, tao vô tích sự, tao là kẻ ăn bám". Mẹ gằn từng tiếng.

"Có ai như cha mày không, tao vừa chân ướt chân ráo ở cơ quan về được mấy bữa ông ấy bảo phải xông ra chợ mở ngay hàng rau quả, tao bảo: "Tôi không quen nghề đó, cứ để từ từ rồi thu xếp sau". Ông ấy quát ầm lên: "Không chịu động tay rồi ru rú ở nhà thì chết đói có ngày". Mày bảo tao có nhục không ", nói hết câu mẹ nấc từng hồi rồi khóc nức nở.

Chiều cha về, em đưa chuyện hỏi. Ông trừng trộ: "Mẹ con mày định hùa nhau chống lại tao à?". Em bảo: "Con không hùa theo mà cha cũng nên nghĩ lại đi".

"Láo, mày dám dạy cha mày à ? Tao nói thật nhé tao mà không xoay ra kiếm ngày dăm bảy chục thì nhà này cũng bán từ lâu rồi. Mà mày nữa đấy, tiền ăn học ai chu cấp cho mày hàng tháng hả?". Gân cổ ông nổi lên chằng chịt, hai thái dương giật giật liên hồi. Trông vẻ mặt đã nhăn nhúm, hốc hác vì thiếu ngủ vì lầm lụi của ông, em sợ hãi quay mặt đi.

6. Hàng quán bà Tâm mở được mấy ngày thì mẹ em bắt đầu lo. "Ðúng là thời buổi trăm người mua nghìn người bán", hàng càng ngày càng ế ẩm lại nảy nòi ra một mụ thấy người ta làm gì làm theo nấy". Em lặp lại câu người ta vẫn thường nói: "Kinh tế thị trường mà, mà bà Tâm là bà nào đấy hả mẹ". "Nhân tình cha mày ngày xưa đấy!". Ra thế! Bà Tâm bây giờ mở quán cạnh tranh với nhà em trước đây hồi thanh niên xung phong là người yêu cũ của cha.

Em từng được đọc những lá thư viết bằng mực tím đã nhoè nhoẹt gửi cho cha. Cha bảo: "Ðừng cho mẹ mày biết, rách chuyện lắm đấy", em cười: "Tình cũ không rủ cũng đến đấy hả?". Ông thường tư lự rất lâu mỗi khi nhắc đến mối tình của hai người. Và bao giờ kết thúc câu chuyện cũng là: "Ngày xưa bọn tao yêu nhau thơ mộng lắm chứ không ồn ĩ như bây giờ".

Em không biết ngày xưa quan hệ của hai người đẹp đến như thế nào chỉ biết bây giờ cách nhau có bức phên mà cha không bao giờ nói chuyện với bà Tâm nửa lời. Mỗi khi có vài người khách quen của mình bỏ sang bà Tâm ăn uống, cha em gườm mặt chì chiết: "Con mụ yêu tinh, kiểu này thì làm ăn được gì được với nó nữa" rồi lờ đờ đốt thuốc buồn bã.

Vẻ lẩn thẩn pha chút hằn học hiện lên rõ trên khuôn mặt khiến ông già nua một cách tội nghiệp.

Em bàng hoàng không dám nhìn vào đôi mắt trầm uất nhẫn nhục của ông. Cha em đấy ư ? Nhà thơ ngày trước với những tập thơ đầy triết lý về cuộc đời đấy ư ? "Duyên số đến là khỉ gió, ngày xưa cách xa hàng chục cây số đường rừng còn lặn lội tìm nhau. Giờ có nửa bước chân lại coi nhau như kẻ thù" - ông trầm ngâm.

Em an ủi: "Mà có ai muốn thế đâu cha, tất cả chỉ vì sự mưu sinh của mình mà đâm ra thế". Em gọi đó là sự trớ trêu. Trớ trêu đến thản nhiên một cách rất đời.

Bà Tâm đã qua một đời chồng. Người chồng cũ bỏ vào Nam làm ăn theo một người khác rồi ở luôn trong đó. Người chồng bây giờ đã già và cụt một chân đến đầu gối. Tuy cả hai đều lỡ dở cả nhưng họ sống với nhau rất tình cảm, chưa bao giờ hai người nói nhau to tiếng.

Em thấy bà Tâm không có vẻ gì là người ghê gớm hay giả tạo cả. Hôm gặp em bà nhỏ nhẹ hỏi: "Cháu là con ông Thứ phải không ?". "Dạ vâng ạ"- em lý nhí. "Ngày trước cha cháu đánh đàn hay lắm, hồi ở Trường Sơn cô và cha cháu ở trong đội văn nghệ của đơn vị đấy".

Bà kể nhiều kỷ niệm của hai người cách đây mấy chục năm về trước giọng chậm rãi đều đều. Nhìn hai đứa bé con của bà quấn quýt bên mẹ, em thấy thiếu thiếu một cái gì mà mình không có được.

Ngập ngừng một lúc bà hỏi em: "Vân này, cháu đã cóngười yêu chưa?". Em ngượng nghịu: "Dạ cháu mới chỉ có bạn trai hơi thân thôi ạ". Bà cười: "Ngày xưa bọn cô nhút nhát lắm". Em thích cái "ngày xưa" của bà, ngày xưa trong chuyện của người lớn bao giờ cũng đẹp, cũng thi vị. "Bao giờ cho đến ngày xưa".

7. Lên trường học gần hai tháng. Một buổi tối đi học ngoại ngữ về, Xuyến bảo: "Có chú tên là Lân ở quê ra tìm mày nhưng không gặp, chú ấy gửi lại tiền và thư cho mày đây".

Em lặng lẽ ngồi vào góc đọc thư. Thư của cha, "Vân con yêu quý! Nhân có chú Lân lên Hà Nội công tác, cha gửi thêm tiền cho con, con cần chi tiêu cho hợp lý. Mọi người ở quê vẫn khoẻ và nhớ con nhiều. Hàng quán của cha dạo này bán được hơn trước vì quán bà Tâm đã đóng cửa rồi. Bà Tâm mất được gần một tháng nay vì bị tai nạn...".

Em cầm bọc tiền trong tay với cảm giác rờn rợn, bất giác hình dung cảnh hai đứa con bà Tâm với hai dải khăn tang trắng toát ngồi khóc vật vã bên hè đường bụi bặm.

Trời mưa nhoè nhoẹt, những vạt nước gõ lùng bùng xuống mái tôn han gỉ. Em nằm lơ mơ không thức, không ngủ, thỉnh thoảng trở mình ngó nghiêng ra cửa sổ. Tiếng chim lợn trong mưa tạo nên một âm hưởng kỳ ảo, xa xôi nghe da diết khắc khoải.

Em khóc và cảm thấy mình thanh thản hơn...

Song Hà

Ngày đăng: 11/11/2020
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
thay đổi tất cả
 

Thời gian có thể làm thay đổi tất cả, đó là chân lý của chân lý

Cô đơn vào đời - Dịch Phấn Hàn

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage