Gửi bài:

Gánh gạo ngày tết

Bà Lý năm nay 70 tuổi, cái tuổi của bà đáng lẽ ra phải nghỉ ngơi, vui chơi cùng con cháu. Nhưng vì mưu sinh cuộc sống bà phải gánh gạo đi bán hằng ngày. Công việc này bà làm từ thời con gái. Khi mẹ bà đang còn sống cả hai mẹ con cùng đi buôn gạo, ở quê tôi gọi là buôn xáo. Khi mẹ bà mất, bà tiếp tục công việc này. Dù nhiều hay ít gạo bà đều gánh gạo bằng đôi vai của mình chứ bà không biết đi xe đạp. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng đôi gánh của bà lại lầm lũi bước đi trong mưa gió trên con đường làng.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Mới tờ mờ sáng, con Vện sủa in ỏi hình như hắn đánh hơi có người đến. Bà cụ cứ nằm im không ra khỏi cái chăn bởi trời rét căm căm. Con Vện cứ sủa mãi, bực mình quá bà cụ lên tiếng:

- Vện, mày im cho tao ngủ chút được không, trời rét quá tao đã không ngủ được.

Rồi bà ho sùng sục, bổng có người đến gọi to:

- Cụ Lý ơi! Cụ Lý

- Ai đó, chờ chút

- Cụ có lấy gạo không?

- Còn nhiều lắm, bán chưa hết

- Cụ lấy cho con bớt với cả con đèo nặng quá, cứ để đấy khi nào cụ bán hết thì con lấy tiền cũng được.

ganh-gao-ngay-tet

Nghe giọng người quen bà Lý bật dậy ra khỏi cái chăn, choàng thêm cái áo ấm mà vẫn run cầm cập, rồi mở cửa. Nói là cửa nhưng chỉ là miếng tôn lấy hai thanh tre kẹp lại với nhau khi dựng lên nó kêu ọt ẹt. Thấy chị Hoa mối bỏ gạo cho bà thường ngày, bà thều thào:

- Rét thế này mày đi chi cho cho sớm.

- Con tranh thủ bán kiếm vài đồng đi chợ sắm tết trước, rồi về còn dặm mấy sào ruộng. Chứ để cận Tết giá cả đắt đỏ mà con không rãnh đi mua sắm.
Nghe đến Tết bà liền hỏi:

- Rứa hôm ni hâm mấy âm rồi?

- Dạ 23 âm, còn mấy ngày nữa là đến Tết rồi

- Nhanh rứa cơ à! rồi bà lầm bầm trong miệng, như vậy con trai bà cũng sắp về ăn Tết. Nghĩ đến điều đó bà vui lắm.

Bà Lý năm nay 70 tuổi, cái tuổi của bà đáng lẽ ra phải nghỉ ngơi, vui chơi cùng con cháu. Nhưng vì mưu sinh cuộc sống bà phải gánh gạo đi bán hằng ngày. Công việc này bà làm từ thời con gái. Khi mẹ bà đang còn sống cả hai mẹ con cùng đi buôn gạo, ở quê tôi gọi là buôn xáo. Khi mẹ bà mất, bà tiếp tục công việc này. Dù nhiều hay ít gạo bà đều gánh gạo bằng đôi vai của mình chứ bà không biết đi xe đạp. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng đôi gánh của bà lại lầm lũi bước đi trong mưa gió trên con đường làng. Quãng đường từ nhà bà đến chợ Quảng Trị khoảng 5 cây số, thế nhưng với bà quãng đường ấy chẳng xa lắm so với quãng đường đời bà đã gánh mấy chục năm. Nhìn những chai sạn trên đôi vai của bà có thể hiểu mọi gánh nặng cuộc sống như đè nặng lên đôi vai gầy guộc ấy.

Bà không có chồng mà có một người con trai. Thời con gái bà cũng thuộc xinh đẹp nhất nhì trong làng nhưng không hiểu vì sao bà không lấy chồng mà chỉ kiếm đứa con trai nuôi. Cậu con trai ấy cũng gây cho bà bao nhiêu là đau khổ. Thời thanh niên thì phá phách ăn chơi, đến khi lấy vợ cũng không hạnh phúc, vợ chồng phải ly hôn con cái mỗi đứa mối ngả.

Không khí Tết đang rộn ràng từng ngõ xóm, nhất là lũ trẻ con chúng háo hức trông đợi mấy hôm nay. Bà Lý cũng háo hức trông đợi Tết để chờ con trai bà về. Tự dưng bà vui đến lạ, bà vội lấy cái chổi quơ rác ở sân, dọn dẹp nhà cửa đàng hoàng, sạch sẽ vì bà nghĩ cho dù nhà tranh vách đất cũng phải tươm tất, gọn gàng. Phía góc vườn lũ gà đang quanh quẩn bên đống rơm rạ. Chúng bới tung tóe để dạy lũ con bài học tìm mồi. Bình thường bà đuổi chúng đi nhưng hôm nay bà kệ cho chúng thoải mái một chút, tý nữa quét lại.

Chợt bà sực nhớ còn mấy bao gạo họ dặn đưa đi để ăn mấy ngày Tết. Bà vội chất từng bao gạo nhỏ khoảng 10kg/bao có đánh dấu từng bao cho vào đôi quang gánh. Ngoài ngõ không khí Tết đã về đến mọi nhà, tiếng xe chạy, tiếng người đi chợ í ới, tiếng gà vịt kêu làm con đường đông đúc hơn, náo nhiệt hơn. Trên đường đi bà vừa gánh gạo và nhìn thấy những chiếc xe máy chở sinh viên học đại học từ ga tàu, bến xe trở về nhà ăn Tết, lòng bà cũng rộn ràng. Bà cũng thầm nhủ: chắc thằng Phi mình cũng gần về rồi đây.

Bán xong gánh gạo, bà không quên mua một ít đồ cúng Ông Công Ông Táo vì hôm nay là 23 tháng Chạp. Bà cứ tính từng ngày và cảm thấy thời gian trôi lâu thế. Đúng là cảm giác đợi con về ăn Tết cứ nao nao thế nào ấy.

Mấy ngày sau đó bà dậy từ sớm, sớm hơn mọi khi. Ti vi đều nói những cảnh Tết nhiều nơi, nhạc tưng bừng hát vang cả xóm. Không chỉ có tiếng nhạc mà tiếng kêu gà vịt, tiếng băm chặt, tiếng "Zô" uống bia của những nhà hàng xóm ăn tất niên. Tất cả cứ rộn rã hẳn lên. Rồi người ta đổ xô đi mua chậu hoa cúc, chậu quất... còn bà thì ngắt mấy cành vạn thọ để trên bàn thờ tổ tiên chứ tiền đâu mà chơi hoa và cây cảnh.

ganh-gao-ngay-tet-2

Thời tiết không mưa nhưng rét vẫn còn. Chiều nay gió mùa Đông Bắc thổi về làm cho khí lạnh của mùa đông thêm buốt giá. Bỗng bà nghe tiếng thằng Tý sát nhà chạy sang gọi: Cụ Lý ơi! Qua nghe điện thoại của Cậu Phi này.

Bà cụ lật đật bước đi, lòng bà hăm hở lắm vì nghĩ rằng điều mong đợi của mình đến đây rồi. Tay bà nhấc điện thoại: "A lô", tai bà nghe rất rõ bên kia đầu dây: "Mạ! năm ni con không về ăn Tết rồi vì khó khăn kinh tế quá, mạ đừng buồn nghe..." Giọng bà lạc đi vì nghẹn, bà thấy đắng đắng ở cổ họng, nước mắt giàn giụa. Thế là bao nổi mong chờ con về ăn Tết đã hiện rõ trên khuôn mặt già nua của bà bởi ngày tháng chờ đợi. Bà bước vào nhà mà chân nặng trĩu, con Vện chạy ra ngoắt đuôi rồi quấn quýt lấy bà, liếm vào mặt bà. Bà đập yêu nó rồi mắng: cha mẹ mày, có chi vui mà mi quấn lấy tao. Tết ni chỉ có mi và tao ăn Tết thôi.

Nói rồi bà đứng dậy bước lầm lũi xuống bếp, mồi lửa nấu nồi nước. Khói nghi ngút bốc lên khắp nhà như một sự ấm áp thắp lên để an ủi lòng người cô đơn, quạnh quẽ. Tết đã đến thật rồi.

Lê Thị Thu Thanh

Ngày đăng: 01/12/2018
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Duyên kỳ ngộ quote
 

Đàn bà không nên quá mạnh mẽ, mạnh mẽ quá đàn ông sẽ hổ thẹn không bằng, không dám theo đuổi…Đó là vì họ quá kiêu ngạo. Kiêu ngạo đến mức không để đàn bà mạnh hơn mình.

Duyên Kỳ Ngộ

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage