Gửi bài:

Cô Yến

Bà xuất hiện tại nhà chúng tôi đúng vào buổi sớm ngày giỗ lần thứ 8 của mẹ tôi. Bố tôi tỏ ra vồn vã, xen lẫn chút bối rối. Còn vợ chồng tôi tỏ ra lạnh nhạt và miễn cưỡng.

***

Mặc dù vậy bà vẫn giúp bố con tôi nấu cỗ mà không hề tỏ thái độ gì. Phải công nhận bà nấu ăn rất khéo khiến vợ tôi vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Khi buổi giỗ tan khách khứa ra về hết bà giúp bố con tôi thu dọn bát đĩa gọn gàng. Lúc mọi việc đã xong bố bảo vợ chồng tôi:

- Hai con vào đây bố có chuyện này muốn nói với các con.

Tôi không mấy hào hứng khi nghe bố nói nhưng vợ tôi đã khẽ khàng kéo tay tôi và bảo nhỏ:

- Thôi mình cứ vào nghe bố nói gì?

Khi chúng tôi đã yên vị bố tôi liền nói:

- Các con thấy rồi đấy, mẹ mất đã 8 năm các con thì ở thành phố, cả năm mới đưa nhau về một hai lần. Bố cũng đã già cần có người bầu bạn. Cô Yến đây là giáo viên cấp 3 cũng đã nghỉ hưu nhà ngoài thị trấn. Chồng cô mất đã lâu, con gái cô là tiến sỹ lấy chồng và đang sinh sống ở bên Pháp, bố và cô quen nhau đã lâu lại cùng cảnh ngộ nên cảm thông với nhau. Bố muốn đón cô về chung sống để cùng trông nom nhau lúc tuổi già. Bố mong các con hiểu và đồng ý với quyết định của bố và cô Yến.

co-yen

Nghe vậy tôi không hề ngạc nhiên nhưng cũng chưa biết nói ra sao nên vẫn im lặng. Thấy chúng tôi không nói gì cô Yến lên tiếng:

- Cô và bố các cháu quen nhau được hơn một năm nay. Cô không còn họ hàng thân thích gì. Cô thấy giữa hai người có chung hoàn cảnh nên muốn đến với nhau để đỡ đần nhau lúc già cả, khi đau yếu thế thôi chứ bản thân cô cũng không có ý lợi dụng gì bố cháu cả. Cô có lương hưu giống như bố cháu, vậy nên cô sẽ không làm phiền gì đến các cháu đâu. Cô hứa là như vậy. Ý các cháu thế nào các cháu cứ nói để bố và cô biết.

Thực tình tôi không muốn hai người về ở với nhau nhưng thấy thái độ cũng như lời nói và nhất là những việc làm của cô suốt buổi sáng, lòng tôi bỗng trùng xuống. Tôi đưa mắt nhìn vợ như dò hỏi ý tứ thì gặp ánh mắt vợ cũng vừa liếc sang. Tuy chưa mấy đồng thuận nhưng rồi tôi cũng ngập ngừng lên tiếng:

- Bố và cô nói thế cũng thật khó cho chúng con. Nếu nói không đồng ý thì chúng con mang tội ích kỷ, mà nói đồng ý ngay thì e là hơi vội vã. Vậy trước mắt cô và bố cứ đi lại tìm hiểu cho kỹ càng có gì sau này đỡ ân hận. Vợ chồng con cũng chỉ biết nói vậy thôi còn tùy bố và cô!

Nghe tôi nói vậy bố tôi tỏ ra bối rối, mãi rồi ông cũng nói:

- Bố cảm ơn các con, bố và cô sẽ cố gắng không làm ảnh hưởng gì tới các con và sẽ cùng nhau sống thật tốt các con hãy yên tâm không phải lo lắng gì cho bố cả!

Vậy là từ đó cô Yến dọn đến ở cùng bố tôi. Phải nói bố tôi mừng vô cùng. Cô Yến là người nề nếp và sống rất tình cảm. Thân hình mảnh mai, tuy đã 57 tuổi nhưng trông cô rất trẻ và xinh đẹp. Cô kém bố tôi 3 tuổi. Cô nấu ăn lại rất ngon. Mỗi lần vợ chồng tôi đưa con về chơi cô đều tự tay đi chợ mua sắm đồ ăn rồi về lại tự tay nấu nướng. Hẳn bố tôi đã kể cho cô biết những món ăn mà tôi thích như cá nấu măng chua, tôm rang với thịt ba chỉ, ốc đồng nấu chuối xanh...nên lần nào tôi về chơi cô cũng phóng xe ra mãi chợ thị trấn cách nhà 5 km để tìm mua những đồ tôi thích về nấu cho chúng tôi ăn. Cứ thế từ những việc làm nhỏ như vậy cô dần chiếm được tình cảm của vợ chồng tôi đặc biệt là đứa con gái của tôi. Rồi như một lẽ tự nhiên chúng tôi gọi cô là bà nội tự lúc nào không hay. Còn con gái tôi thì cứ dịp hè đến là nó nằng nặc đòi bố mẹ cho về quê ở với bà nội! Bố tôi thấy vậy thì vui lắm. Gia đình tôi như thấy lại không khí đầm ấm giống như khi mẹ tôi còn sống vậy.

Công việc làm ăn của vợ chồng tôi cũng vô cùng thuận lợi. Tôi được thăng chức phó tổng giám đốc, còn vợ tôi lên trưởng phòng tài chính sở. Chúng tôi bận bịu công việc tối ngày, dường như việc về nhà thăm bố như trước kia là rất hãn hữu, một năm cùng lắm cũng chỉ về nhà trong dịp giỗ mẹ tôi và dịp tết nguyên đán mà thôi. Những lần về như vậy cũng cập rập, chớp nhoáng xong chúng tôi lại vội vã trở về thành phố. Lần nào về chúng tôi cũng thấy bố và cô Yến rất vui và khỏe mạnh, chả biết từ khi nào bố tôi còn làm cả thơ và có nhiều bài được đăng báo nữa. Thấy thế nên chúng tôi rất yên tâm. Có lần trên đường về vợ tôi bảo:

- Công nhận bố có con mắt tinh đời thật đấy. Về già lại trở thành đức vua, có bà hoàng hậu xinh đẹp, đảm đang chăm sóc chu đáo. May mà dạo ấy chúng mình đều đồng ý chứ không thì làm gì gia đình mình được như hôm nay. Nhà cửa lúc nào cô Yến cũng quét dọn, lau chùi sạch bóng, phòng khách và phòng ngủ đều lắp điều hòa xịn cả, rồi lại mua smattivi, lắp mạng intenet, hai ông bà còn mua cả điện thoại thông minh dùng nữa, nghe nói toàn tiền của con cô Yến gửi cho cả đấy.

Nghe vợ nói vậy mà lòng tôi thấy áy náy và day dứt với bản thân mình. Phải chăng đó là cái tâm trong con người tôi đã thức tỉnh. Tôi tự đặt ra hàng trăm câu hỏi. Mình đã làm gì cho bố nhỉ? Bao năm bố vất vả làm lụng nuôi mình ăn học thành tài mình đã bao giờ quan tâm lo lắng cho bố chưa? Mình đang làm gì thế này? Hay cũng chỉ lo cho bản thân mình và vợ con thôi? Chưa kể nhiều khi bố ốm đau mình cũng chỉ gọi điện về hỏi qua quýt vài câu trấn an rồi thôi... Điều duy nhất khiến tôi thấy mình được an ủi đôi phần đó chính là việc đồng ý cho cô Yến về chung sống cùng bố. Bao năm bố sống độc thân giờ có người bạn tâm giao về chung sống, bố như trẻ lại vài tuổi. Cô Yến chẳng những sóc cho bố rất tốt mà cô cũng rất quan tâm đến vợ chồng tôi, nhất là con gái tôi, khiến mỗi lần về con bé luôn quấn quýt bên bà vòi vĩnh đủ thứ mà không muốn rời. Cô Yến thích chơi hoa, nên mảnh vườn trước cửa ngoài mấy luống rau, cô dành một nửa trồng hoa hồng và các loại hoa khác. Cô bảo trồng hoa để có hoa cắm hàng ngày cho không gian căn nhà trở nên sinh động và nên thơ. Vậy nên mảnh vườn nhỏ bao giờ cũng rực rỡ và tươi tốt. Có lẽ vậy mà bố tôi vốn có tâm hồn văn nghệ đã nảy ra được những tứ thơ hay, lời thơ bay bổng, ca ngợi tình yêu cuộc sống được nhiều người hâm mộ biết đến! Tôi cứ nghĩ miên man, nửa tự trách móc mình, nửa thầm cảm ơn cô. Lần ấy tôi bàn với vợ:

- Em này lâu lắm rồi nhà mình chưa có chuyến nghỉ ngơi nào đông đủ cả. Hè này con gái đã vào cấp 3 rồi anh đã hứa sẽ cho con đi chơi một chuyến, hay là mình mời cả ông bà đi cùng, em nghĩ sao?

Chả phải nói thêm gì, chỉ nghe có vậy vợ tôi đã nhào đến ôm lấy cổ tôi hôn tới tấp lên má tôi rồi nói với giọng nũng nịu:

- Ôi yêu chồng quá cơ! Sáng kiến hay! Vợ duyệt cả hai tay, hai chân luôn nha! Vấn đề còn lại cần bàn là chồng muốn đi đâu đây?

- Du lịch thì đầy tou. Để anh hỏi mấy cậu bạn bên công ty du lịch xem có tou nào hay, hợp lý mình sẽ đi em à!

- OK! Vậy chồng lo chuyện chọn tou nha. Và chồng cũng nên thông báo sớm cho ông và cô Yến trước để họ biết mà chuẩn bị nhé. Không hỏi ý kiến trước lỡ hai người không đi thì tẽn tò đó!

- Được rồi tối anh sẽ gọi điện về cho ông. Nhưng tốt nhất để anh hỏi tou nào hay rồi về tận nhà mời ông bà em ạ. Người già cần trịnh trọng vợ hiểu chưa, bố thì còn dễ chứ cô Yến thì chưa biết thế nào đâu.

- Vâng em hoàn toàn đồng ý với chồng. Chủ nhật này cả nhà mình về quê luôn chồng ạ, em sẽ mua chút quà về cho ông bà.

Chúng tôi lên kế hoạch cụ thể và chi tiết cho chuyến đi và có hai phương án để cho bố và cô Yến lựa chọn. Trước khi về, vợ tôi đi siêu thị chọn mua cho cô Yến 2 bộ áo dài. Còn bố tôi thì 2 bộ âu phục rất sang chảnh. Để tạo sự bất ngờ nên chúng tôi về mà không báo trước. Thấy còi ô tô pin pin ngoài cồng, cô Yến đã chạy ra mở cổng và nở nụ cười rạng rỡ đón chúng tôi. Bữa cơm trưa ấy vui vô cùng. Bố tôi vừa nhâm nhi ly rượu vang tôi mang về vừa đọc cho mọi người nghe bài thơ mà ông vừa viết tối qua. Cô Yến lắng nghe và là người đầu tiên vỗ tay tán thưởng, khiến chúng tôi vô cùng cảm động và cũng vỗ tay hòa theo. Nhân lúc đang cao trào như vậy, tôi nháy mắt cho vợ vào chủ đề chính. Vợ tôi đứng dậy trịnh trọng nói:

- Thưa bố mẹ! Hôm nay chúng con về đây trước là thăm bố mẹ, sau nữa có chuyện này muốn thưa cùng bố mẹ! Kể từ khi mẹ về ở cùng bố, chúng con bận nhiều việc chưa có lúc nào quan tâm đến bố mẹ được. Năm nay nhân cháu Bích vào cấp 3 nên hè này chúng con muốn tổ chức để cả nhà mình đi du lịch một chuyến vừa là để thưởng cho cháu Bích và cũng là để cả nhà ta có dịp cùng vui chơi bên nhau. Vậy bố mẹ cho chúng con biết ý kiến ạ!

Ngồi bên cạnh bố, tôi để ý khi nghe vợ tôi gọi hai tiếng bố mẹ... mắt cô Yến bỗng sáng lên và vài giây sau thì ầng ẫng nước. Cô ý từ quay ra sau lấy khăn lau vội những giọt nước mắt trong khóe mi. Tôi biết cô đang xúc động. Bố tôi nhấp thêm ngụm rượu rồi nhìn chúng tôi nói:

- Con dâu đã nói vậy bố rất vui và cảm ơn các con đã nghĩ tới bố mẹ. Nhưng đi đâu, ở bao lâu? Có tốn kém nhiều không? Các con phải nói cho bố và cô rõ, còn đi hay không thì bố và cô còn phải bàn đã!

- Ôi bố mẹ không phải lo gì cả, tốn kém không đáng gì. Có hai tou để bố mẹ tự chọn. Một là đi Hàn Quốc, hai là đi Đà Lạt. Bố mẹ thích đi tou nào bảo để chúng con đặt vé là xong ạ! Xin mẹ cho chúng con biết ý kiến trước ạ!

Nãy giờ cô Yến vẫn ngồi lắng nghe và lặng lẽ dùng khăn lau khóe mắt. Khi nghe vợ tôi đề nghị bà quay sang bố tôi như thăm dò ý tứ. Rồi cô nhỏ nhẹ:

- Các con đã nói vậy mẹ cũng rất cảm ơn, nhưng đi hay không, mẹ để bố các con quyết định. Mẹ chỉ nói thế này. Hiện các con còn đang công tác, tiền bạc cũng không mấy dư giả, nên các con chi tiêu cũng cần tiết kiệm, đừng phung phí quá, phòng khi bất trắc, đời người không ai nói trước được điều gì. Nên theo mẹ nếu có đi chúng ta đi tou Đà Lạt thôi, nghe nói nơi đó cũng rất đẹp mà nó vừa với túi tiền của mình các con ạ!

- Chúng con muốn đưa ông bà đi Hàn Quốc một chuyến, còn Đà Lạt mình đi lúc nào cũng được mà. – Tôi năn nỉ.

- Cô Yến nói rất trùng với suy nghĩ của bố. Cô vẫn nhắc bố là "mình chả giúp gì cho các con thì cũng đừng nên tiêu phá tiền bạc của các con, chúng còn trẻ, đời còn dài, mình cần tiết kiệm giúp chúng tý nào đỡ tý đó". Câu nói ấy của cô hôm nay bố mới nói lại để các con hiểu thêm về tấm lòng của cô đối với bố và các con. Vậy bố quyết định cả nhà đi Đà Lạt và bố mẹ cũng sẽ đóng góp một phần kinh phí!

Trước thái độ và câu nói đó của bố chúng tôi không còn dám nói gì hơn. Vợ tôi lấy túi đồ và kéo cô vào buồng để thử. Cô mặc vừa như in, cô cứ tấm tắc khen vợ tôi khéo chọn đồ, chọn màu. Rồi cô ôm chầm lấy vợ tôi và bật khóc. Cô nói:

- Ôi mẹ thật tốt phúc mới có được con dâu thế này!

Vợ tôi cũng rơm rớm nước mắt. Giây phút đó như thắt chặt thêm tình cảm của cô với chúng tôi, và từ giờ phút đó giữa cô và gia đình chúng tôi không còn khoảng cách nữa. Đó là những giây phút đầy yêu thương chúng tôi dành cho nhau .

Trở về nhà chúng tôi đặt tou du lịch Đà Lạt đúng như đã bàn. Theo kế hoạch chúng tôi sẽ từ thành phố đi taxi đến sân bay Nội Bài, còn bố và cô Yến cũng sẽ đi taxi xuống thẳng sân bay, chúng tôi sẽ gặp nhau tại đó mà tôi không phải về đón nữa. Nhưng than ôi! Chuyến taxi của bố và cô Yến đã không đến được nơi chúng tôi chờ đợi! Do vượt ấu tài xế đã gây ra tai nạn. Bố và cô Yến bị thương nặng. Trong khi vợ chồng tôi đang sốt ruột ngóng chờ thì nhận được tin dữ. Chúng tôi vội thuê xe chạy ngay đến bệnh viện Việt Đức. Khi đến nơi, thì thấy bố tôi bị gãy chân trái và bị ngất không còn biết gì, còn cô Yến nhẹ hơn nên còn tỉnh táo, thấy chúng tôi đến, cô nói với chúng tôi:

- Các con lo cứu chữa cho bố. Còn không phải lo gì cho mẹ cả, mẹ thấy vẫn ổn.

Tôi đau đớn nhìn hai người nằm trong 2 phòng cấp cứu, tiên lượng của bác sỹ tình hình của cả hai khá nguy kịch! Tôi tìm gặp anh bạn là trưởng khoa nhờ giúp đỡ, do quen biết nên hai người được đưa sang phòng chăm sóc đặc biệt. Nhờ nỗ lực cấp cứu kịp thời và chăm sóc đặc biệt, chân của bố tôi đã được mổ và bó bột ngay, sang ngày thứ 2 thì bố tôi đã tỉnh táo và nhận biết được người thân. Cô Yến đã tự ngồi dậy được. Sau một tuần thì cô Yến đã bình phục và có thể tự đi lại chăm sóc mình và coi cả bố tôi nữa. Chúng tôi phần nào cũng đã yên tâm hơn. Thấy chúng tôi cả tuần ở viện, cô liền bảo:

- Thôi mẹ cũng đã ổn định rồi, hai con cứ về nhà đi làm. Bố đã có mẹ trông, cứ chiều hướng này chắc cũng chỉ mươi ngày nữa là được ra viện. Các con không phải lo.

- Thôi đằng nào chúng con cũng nghỉ phép, chúng con sẽ thay phiên nhau ở đây trông coi bố mẹ. – Tôi bảo cô.

Cuối tháng ấy bố và cô Yến được ra viện. Tuy nhiên, bố vẫn phải chống nạng do chân còn bó bột, bác sỹ cho biết phải mất thêm 5 tháng nữa mới có thể lành hẳn. Vậy là sau khi ra viện cô Yến lại là người ngày đêm chăm sóc bố, dìu bố tập đi. Trong bữa cơm mừng bố tôi tháo bột bố tôi đã khóc và bảo chúng tôi:

- Bố thật sự biết ơn cô Yến. Suốt nửa năm qua nếu không có cô chắc gia đình ta cũng không thể được như hôm nay. Từ nay về sau bố muốn các con hãy luôn trân trọng và đối xử thật tốt với cô.

Trong giây phút xúc động ấy cô Yến nói với chúng tôi:

- Mẹ cảm ơn các con! Mẹ thật hạnh phúc được chung sống cùng gia đình các con, mẹ mong sẽ cùng bố con đi hết chặng đường cuối đời. Đúng là đời người họa phúc bất thường, các con hãy sống hòa thuận vui vẻ, cần biết đề phòng, lo xa mọi sự. Mẹ không phải mẹ đẻ của các con nhưng mẹ cũng đã sống bằng cả tình thương yêu của mình dành cho gia đình và các con! Mẹ có cuốn sổ tiết kiệm, đó là tiền mẹ bán ngôi nhà ngoài thị trấn và tiền mẹ dành dụm, tháng trước mẹ đã chuyển tên cho cháu Bích. Số tiền đó đủ cho nó ăn học đến hết đại học. Các con hãy chăm sóc cháu chu đáo.

Vợ tôi ôm choàng lấy cô òa khóc. Tiếng vợ tôi nghẹn ngào:

- Mẹ ơi! Mẹ tốt với chúng con quá! Mẹ đã lo toan cho gia đình chúng con rất nhiều, tiếc rằng chúng con chưa báo đền được gì cho mẹ sất! Con thương mẹ quá! Chúng con hứa từ nay về sau sẽ chăm sóc chu đáo cho bố mẹ!

Cô đỡ vợ tôi ngồi xuống ghế và bảo:

- Thôi đừng khóc nữa, âu cũng là tai nạn bất thường, may mà còn nhẹ. Sau này các con còn nhiều cơ hội đền đáp cho bố mẹ. Lần này thần chết không làm gì được bố mẹ hẳn thế này bố mẹ sẽ còn sống lâu. – Bà cười, nụ cười đôn hậu.

Rồi cô vào thay áo dài để ngồi vào mâm tiệc. Cô cứ khen vợ tôi khéo chọn nên cô rất ưng hai bộ áo dài! Trông cô mặc áo dài rất trẻ và xinh đẹp.

Cô ngồi xuống ghế, bố tôi liền quay sang trìu mến ôm cô vào lòng. Tôi nhìn những giọt nước mắt còn vương dài trên gương mặt rạng rỡ của ông, tôi hiểu ông đang rất hạnh phúc! Con Bích chớp cơ hội dùng máy chụp lại khoảnh khắc đó. Nó bảo sẽ đưa lên facebook và lấy tiêu đề là: "Ông bà em"!

Bùi Nhật Lai

Ngày đăng: 27/05/2019
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Có lẽ con người
 

Có lẽ con người luôn có một số chuyện gì đó, dù có muốn quên cũng không thể quên được.

Năm tháng vội vã - Cửu Dạ Hồi.

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage