Gửi bài:

Bố chồng

Sau ngày cưới con trai, lão Thà bảo vợ:

- Từ nay nhà mình có dâu rồi, tuy nhiên tính tình nó như thế nào? Đường ăn, nết ở ra sao mình chưa hiểu được. Người ta vẫn nói "mẹ chồng nàng dâu" chứ không ai nói "bố chồng nàng dâu" cả. Vậy nên mọi việc bà kệ tôi xử sự, chứ bà nói lại mang tiếng mẹ chồng cay nghiệt ảnh hưởng tới gia đình mình.

Biết tính chồng gia trưởng, bảo thủ và chi ly mọi thứ nên bà Thu nói:

- Thôi làm gì thì làm, nhà mình có mỗi thằng Tài là con trai, lại là cả, dưới nó còn 7 đứa em gái nữa. Con gái mình lớn rồi cũng phải lấy chồng và theo chồng, mình phải ở với con trai nên ông cư xử như thế nào cho con cái nó cảm thấy thoải mái, sống hòa thuận, sau về già còn nương tựa.

- Biết rồi bà kệ tôi! Dâu mới về phải răn dạy cho nó vào khuôn phép của nhà mình! Không nay mai nó cưỡi lên đầu cả nút đó bà biết không?

***

Thùy lấy Tài cả hai đều là giáo viên cấp 1 Thùy về làm dâu gia đình lão Thà khi mới 22 tuổi đời, sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là giáo viên nên Thùy rất ngoan hiền và chịu khó. Mới làm dâu, nhà chồng lại đông con Thùy biết mình phải đối diện với 7 cô em chồng đây không phải chuyện dễ. Đứa lớn cũng bằng tuổi Thùy, đứa út mới lên ba nên cô cũng chuẩn bị tâm lý cho bản thân với suy nghĩ mình sẽ cố gắng làm tròn bổn phận dâu con, hợp với gia phong, đạo lý!

bo-chong

Ngay từ đầu, hàng sáng Thùy phải dậy từ 4 giờ lo cám bã cho lợn gà và cơm nước cho cả nhà. Được cái gia đình lão Thà cũng thuộc diện có bát ăn, bát để, lão đi bộ đội sau 1975 chuyển ngành về làm cửa hàng trưởng thực phẩm huyện, vợ lão cũng làm ở đấy. Thời ấy làm ở đó chẳng khác gì chuột sa chĩnh gạo, vợ chồng lão bớt xén và kiếm chác cũng khá, về làng lão trở thành kẻ có máu mặt. Tuy nhiên, lão rất gia trưởng và tham lam, keo kiệt. Điều này khiến dân làng cũng như anh chị em trong cơ quan không ai ưa lão. Đối với vợ con, lão càng cay độc. Lão nghĩ mọi cách để bắt vợ con nhất nhất phải phục tùng mọi ý kiến của mình mà không cần biết đúng sai, phải trái ra sao! Lão bắt vợ chồng Thùy hàng tháng phải nộp hết lương cho mẹ quản lý chi tiêu. Ngoài buổi sáng lên lớp, chiều về Thùy phải cùng chồng và các em chăm sóc vườn bãi và hơn một mẫu ruộng, cùng 2 con trâu và 2 đàn lợn nái đẻ quanh năm!Tối về phải lo tắm rửa, giặt rũ cho 3 đứa em cô còn nhỏ, đứa bé nhất mới 3 tuổi, rồi lo cơm nước buổi tối cho cả nhà, khi công việc tạm ổn cũng là 9 giờ đêm, lúc đó Thùy mới trở vào buồng lo soạn bài vở, giáo án cho ngày mai lên lớp. Thùy làm việc như một cái máy mà vẫn không thể làm hài lòng được bố chồng. Lão Thà xét nét Thùy từng ly, từng tí. Ngồi vào mâm, lũ em nhao nhao, ăn uống ào ào như tằm ăn dỗi. Thùy luôn tay đơm cơm, trong khi đứa đòi chị thứ này, đứa đòi thứ kia cho dù Thùy có ba đầu sáu tay cũng khó mà làm hài lòng lũ em được, vậy là lão Thà lại được thể quát mắng. Nhiều khi Thùy rơi nước mắt. Thùy chờ mọi người ăn xong để thu dọn rồi vào buồng ôm mặt khóc. Tài thương vợ nhưng từ trước vốn sống trong cảnh chịu đựng bố như vậy thành quen nên Tài cũng không thể giúp gì vợ được. Thấy vợ vất vả, Tài dành việc rửa bát, thậm trí cả giặt rũ cho các em hộ vợ nhưng lão Thà biết lão lại gầm lên:

- Đàn bà ở cái nhà này chết hết rồi sao? Mà mày phải làm những việc đó hả ? Vợ mày lấy về để thờ à ? Tao cấm chỉ mày động đến những việc đó! Đàn ông làm thế nó hèn đi biết chưa ?

Vậy là Tài lại im thít không dám giúp vợ. Khi Thùy sinh thằng con đầu lòng thì công việc lại chồng thêm như núi! Thùy dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Đến trường ai cũng bảo làm sao mà Thùy chịu đựng được như thế. Thùy không nói gì chỉ ngậm ngùi rơi nước mắt. Lão Thà thì đi đâu cũng kể oang oang là con dâu sướng, nhà sẵn nong, sẵn né chỉ việc lo làm ăn chả phải nghĩ gì sất. Lão luôn mồm nói:

- Nhà này thằng Tài là con một. Nay mai 7 đứa em mày đi lấy chồng thì toàn bộ cơ ngơi này vợ chồng mày hưởng chứ ai? Bố mẹ già rồi chết có mang được theo đâu mà sợ !

Vậy là lão tìm mọi cách ép con cái làm theo ý lão! Lão mua được chiếc xe Drem thời đó cũng là oách nhất làng, lão giữ gìn cẩn thận. Trong nhà chỉ lão độc quyền sử dụng xe. Tài có công việc gì hay muốn đi đâu phải lựa lời trình bày với lão trước cả tuần lễ và lão chỉ đồng ý với điều kiện nếu hôm đó trời không mưa, còn nếu trời mưa thì ngay cả lão cũng không bao giờ động đến xe máy!

Người ta thường nói: "Con giun xéo mãi cũng quằn". Thấm thoắt Thúy làm dâu đã được 7 năm! Bao cay đắng, tủi hờn Thùy cam phận cố nuốt vào trong với hy vọng giữ gìn mái ấm gia đình. Chuyện xảy ra khi Thùy sinh đứa con gái thứ hai. Con được 6 tháng thì bị ốm, chiều đó Thùy địu con lên lớp như mọi ngày, cuối chiều con bé bỗng lên cơn sốt và co giật tím tái cả người. Thùy nhờ bạn đưa con đi cấp cứu mà không hề có một đồng dính túi. Khi đến viện làm thủ tục nộp viện phí, không có tiền bác sỹ nhất thiết không cho nhập viện. Thùy phải nhờ bạn về nhà lấy tiền. Khi lên đến nơi thì con gái Thùy đã ở tình trang nguy kịch. Ấy vậy mà lão Thà lên không được lời động viên, lão quay sang mắng Thùy té tát:

- Làm mẹ gì mà con ốm cũng không biết vậy? Phải để đưa đi cấp cứu thế này? Tao nuôi 8 mặt con chưa bao giờ phải đưa đi bệnh viện cả mày biết chưa? Cháu tao mà có mệnh hệ gì thì tao không để yên đâu!

Lão nói ầm ĩ một hồi rồi ra về. Thùy ôm con mà nước mắt lã chã rơi. Sau lần ấy về Thùy nói chuyện với chồng.

- Anh ạ đến nước này rồi em cũng không thể chịu đựng được hơn nữa! Con ốm đâu phải do em. Bao nhiều tiền lương suốt 7 năm qua em không được tự ý tiêu một đồng cho riêng mình, cái gì cũng phải ngửa tay xin. Đến việc con đi viện cũng thế. Anh nghĩ xem chúng mình đang sống trong thời đại nào vậy? Lần này vợ chồng mình nhất định ra ở riêng. Nếu anh không ra, mẹ con em sẽ ra nhà công vụ của trường ở chứ em không muốn sống chung như thế này nữa.

Thấy vợ nói vậy Tài hoảng hốt hỏi:

- Trời ơi ! Em có điên không vậy? Em không sợ làng xóm họ cười cho à? Gia đình đang yên ấm sao lại tự ý ra ở riêng như thế? Còn thể diện gia đình nữa. Nhất là bố sẽ không bao giờ đồng ý vì nhà chỉ có mình anh là con trai em hiểu chưa?

- Em cũng đã nghĩ và đã nhịn 7 năm trời nay rồi, đối mặt với 7 đứa em cô với bao nhiêu sự vụ suốt 7 năm qua, và nhất là với bố! Anh xem bố hành xử với em như vậy bố có coi em là con không hay cũng chỉ là người dưng? Các em làm sai không sao. Em mà làm sai thì hứng chịu mọi trì chiết của bố mẹ và của cả lũ em. Ai cũng coi em là người ngoài? Vậy em chịu đựng bao năm như vậy để làm gì? Anh có hiểu cho nỗi khổ đó của em không? Ngày tết mọi người ăn diện cùng bạn bè đi chơi, còn em thì suốt ngày trong xó bếp phục vụ ăn uống cho mọi người, hết khách của bố mẹ, lại khách của các em kéo đến, ăn xong chúng bỏ đi hết, mình em thu dọn... bao nhiêu năm nay rồi anh biết rõ đấy! Người ta nói "cô giáo là một nông dân thực thụ có thêm nghề phụ là dạy học" sao em thấy em đúng như định nghĩa đó ạnh ạ !

- Em tưởng ra ở riêng mà dễ lắm sao? Nhà cửa không có, hai bàn tay trắng thế này thì xoay sở thế nào?

- Em đã quyết, em sẽ ra nhà trường xin ở nhờ. Sau đó mình mua đất làm nhà. Lương của mình từ tháng này mình giữ không nộp cho mẹ nữa. Cần thiết mình vay ngân hàng, hiện họ đang có chính sách cho giáo viên vay tiền làm nhà nên không sợ, hàng tháng lương về mình trả ngân hàng.

Nghe vợ cương quyết như vậy, Tài cũng rất thương vợ nên nghe vợ nói vậy Tài cũng thấy xiêu lòng. Điều lo ngại nhất với Tài lúc này là phải đối diện với bố. Cả đêm ấy vợ chồng Tài không ngủ, họ trằn trọc lo nghĩ và mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Cuối cùng họ cũng thống nhất và quyết tâm ra ở riêng.

Trưa chủ nhật cả nhà đông đủ sau bữa ăn. Tài mời bố mẹ và các em ngồi lại để hai vợ chồng thưa chuyện. Lão Thà trố mắt ngạc nhiên không hiểu sao có sự lạ như vậy, lão quát:

- Giỏi thật ! Ở cái nhà này mày là chủ chắc? Mày còn biết trên dưới, phép tắc là gì không hả Tài?

Thấy bố to tiếng, lũ con gái ngôi im de không dám ngọ nguậy. Bà Thu thấy vậy liền lên tiếng can chồng:

- Thôi thì đằng nào cả nhà cũng đã ngồi đây rồi, ông cứ để cho con nó nói xem có chuyện gì? Sao ông phải nổi nóng!

- Gia phong đạo lý ở đâu? Mà bố còn sống sờ sờ đây con trai đã định tiếm quyền thế hả thằng kia?

- Con chỉ xin phép bố mẹ và các em nói chuyện thôi chứ con có tiềm quyền gì đâu bố?

Thấy chồng còn sợ không dám nói thẳng mà vẫn vòng vo, điều này rất dễ bị bố lấn lướt. Thùy dõng dạc lên tiếng. Bao chất chứa, uất hận được cô dồn nén, giờ được dịp bùng ra:

- Thưa bố mẹ và các em. Con rất vinh hạnh được về làm dâu nhà ta, tính đến nay cũng đã hơn 7 năm. Trong suốt thời gian đó chúng con luôn phục tùng và làm theo lời bố mẹ. Nhưng thật sự con cảm thấy dù con có cố gắng bao nhiêu thì con vẫn chỉ là người dưng trong cái nhà này. Vợ chồng con dạy học có lương mà không ai được cầm một đồng nào, muốn mua sắm gì lại phải ngửa tay xin tiền, con nghĩ như vậy quá bất công? Đến nỗi cháu cấp cứu cũng không có một xu trong túi, ông không hiểu lên viện còn la mắng con ầm ĩ! Ngày tết các em quần áo mới dong duổi đi chơi suốt, trong khi con chỉ quẩn quanh xó bếp lo cơm nước đãi khách...hàng ngày dạy sớm lo cám bã, lợn gà, rồi tắm giặt cho các em, xong mới được tắm cho cháu. Đêm 9, 10 giờ mới được ngồi soạn bài. Thử hỏi con đâu phải là ô sin hay con ở của nhà mình mà mọi người đối với con như thế. Các em thì luôn tìm cách cãi và chống đối lại...bố mẹ có bao giờ hiểu cái cảm giác của con như thế nào không ? Vậy nên hôm nay vợ chồng con xin phép bố mẹ để chúng con ra ở riêng. Chúng con tự lo cho cuộc sống của mình...

Nghe đến đây lão Thà đập mạnh tay xuống bàn quát :

- A chị dám hỗn hào vậy đấy hả? Tài mày dạy vợ mày thế đấy hả? Đừng hòng có chuyện ở riêng nhé ! Bổn phận của anh chị là phải phụng dưỡng gia đình này biết chưa?

- Thưa bố, giờ không phải là thời xưa nữa. Mà bố còn là đảng viên nữa đấy! Không thể cứ bảo thủ và gia trưởng với chúng con mãi thế được. Con nhất định ra ở riêng, còn bố đồng ý hay không con không cần biết! – Thùy dõng dạc nói lớn.

- Vậy có giỏi cút ngay ! Ông không thí cho một xu biết không?

- Cái đó tùy ông bà, tiền lương 7 năm qua vợ chồng con nộp đủ cho mẹ không thiếu một xu. Giờ con ra ở riêng ông bà cho gì hay không con không cần thiết. Của cháu, ông bà lấy tiêu cũng chả sao? Con sợ thiên hạ họ lại cười ông bà thôi!

- Láo, láo quá con này! Cút ngay tao khồng cần cái loại con dâu như mày.

Thùy ôm con đứng phắt dậy và bảo chồng:

- Anh vào thu dọn quần áo mình đi.

Tài đang ngớ ra chưa biết nói gì thì Thùy tiếp luôn:

- Nếu anh cảm thấy bất hiếu thì ở lại cũng không sao, ba mẹ con em sẽ đi.

Đến lúc này Tài mới lật đật đứng dậy cùng vợ con ôm bọc quần áo ra đi. Lão Thà ngồi ngay như phỗng, lão không ngờ cô con dâu ngoan hiền là vậy mà nay lại quyết liệt như thế. Nó ra đi với hai bàn tay trắng, không một đồng, không một đồ dùng nào cả! Nhưng trong đâu lão vẫn nghĩ chắc chúng chỉ dọa mà thôi. Nghĩ vậy rồi lão quay sang vợ và lũ con gái quát:

- Còn ngồi cả đấy làm gì, việc đứa nào đứa nấy làm đi. Vợ chồng thằng này để rồi xem bỏ đi được mấy bữa? Ba ngay không về ông chớ kể. Quay về khác biết tay ông!

Thùy dọn ra ở riêng như vậy. Người anh họ thấy thương tình để cho họ mảnh vườn để dựng tạm ngôi nhà tre, Thùy và chồng chăm chỉ làm lụng chỉ 3 năm sau cô đã trả hết nợ và xây được nhà, mua được xe máy. Lũ em cô cũng lần lượt đi lấy chồng giờ chỉ còn lại hai vợ chồng lão Thà sống trong căn nhà năm gian nay đã xuống cấp. Những năm tháng cuối đời lão Thà sống trong cô đơn quạnh quẽ, ít khi ló mặt ra khỏi nhà. Không có bạn bè xóm giềng, con cái cũng tứ tán khắp nơi. Lão chết trong một đêm mưa bão. Dân làng vội vã đưa ma lão như đưa một con hủi! Và họ thường kể lại những chiêu trò của lão Thà đối xử với con dâu khi trước mỗi dịp có giỗ chạp, hiếu hỷ trong làng với những lời lẽ khinh miệt, coi thường !

Bùi Nhật Lai

Ngày đăng: 27/05/2019
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
Không thể sống
 

Bây giờ tớ đã hiểu rồi Doraemon ạ. Trên đời này không ai có thể sống mà thiếu những người chung quanh

Nobita - Doraemon

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage