Gửi bài:

Những mùa chim làm tổ

Ôi! Những mùa chim làm tổ, những mùa đó đã qua và đã xa! Đã Xa!

***

Mùa gặt tháng 5 cũng là mùa lũ chim đồng làm tổ. Tôi nhớ những mùa gặt ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ xíu. Đồng làng tôi ngày ấy còn rậm rạp, ruộng lúa thường đan xen bởi những mô gò, ao dộc, cùng những lùm cây rừng hoang dại mọc tràn lan, ruộng lầy, ruộng thụt, quanh năm cỏ dại và lau sậy mọc um tùm, đó chính là nơi lũ chim chọn làm nơi xây tổ.

Chim ngày đó rất nhiều, hầu như loài gì cũng sẵn, nào chào mào, sáo sậu, nào chim sẻ, chim ri, nào chích choè, chiền chiện, rồi cò, cuốc, giẽ giun, tình tịch, có cả bói cá và gà gô nữa...trên rừng thì cơ man nào là khiếu, liếu tiếu bay nhảy và hót líu lo hàng đàn đông đến cả trăm con. Tìm tổ chim, mỗi đứa chúng tôi lại có sở thích riêng, đứa thích tìm chim để lấy trứng, đứa lại thích tìm để bắt chim non về nuôi.

nhung-mua-chim-lam-to

Chim lấy trứng chúng tôi thích nhất đó là loại chim tình tịch trông nó giống y hệt con chim cút người ta nuôi bây giờ, trứng có những đốm màu tím trông rất đẹp và to hơn trứng chim cút một chút. Loại chim này thường chọn những bụi cỏ tốt nhất ở những đám ruộng thụt, ruộng lầy để làm tổ. Tổ của chúng được xây ngay trên mặt đất, chúng lợi dụng đám cỏ cao, kết và đan lại với nhau làm mái che, trong tổ chúng càm cỏ, rác khô để lót ổ, tình tịch thường đẻ 8 trứng.

Loài chim thứ hai chúng tôi thường tìm tổ để lấy trứng đó là cò và cuốc. Tổ cò và cuốc thường làm trong các lùm cây rậm trên cao, tổ của chúng khá sơ sài, nhất là tổ của cò lửa, thường chúng đan những cành cây lại với nhau và chỉ gác mấy chiếc que nhỏ, trên trải vài chiếc lá hoặc ít rác thế là chúng đẻ, chúng thích chọn những bụi mây nước, hay bụi nứa để làm tổ, cò lửa thường đẻ mỗi lứa 4 trứng, có màu trắng. Cuốc cũng đẻ mỗi lứa 8 trứng, trứng cuốc có màu trắng đục và có đốm màu tím, trông giống như trứng tình tịch nhưng to gần gấp rưỡi, vì thế cuốc là loại chim lấy trứng mà chúng tôi thích nhất. Còn những loại như chào mào, liếc biếc, chim sít... trứng nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay nên không bõ để lấy trứng, vả lại những loại chim này cũng chỉ đẻ nhiều nhất là 4 trứng, thường khi phát hiện được tổ của chúng, bọn tôi theo dõi, chờ khi chim ra ràng là bắt về nuôi.

Những loại chim này tuy nhỏ nhưng chúng làm tổ lại rất kì công và khéo léo. Chúng quả là những kiến trúc sư vĩ đại trong sinh giới. Tổ chào mào lớp ngoài thường được xây bằng những dễ cây nhỏ, đã khô chúng đan bện lại thành hình tròn tựa như chiếc bát con, càng vào trong những sợi rác càng nhỏ và êm, đó thường là những loại hoa cỏ đã khô, sợi mềm mại, tạo nên một chiếc tổ vừa êm ái, vừa khô ráo, tổ được đính chặt trên những cành cây vững chắc có thể chống chịu được mưa gió. Chim liếc biếc với bộ lông màu nâu, tiếng hót nghe vui nhộn, giống như loài chim chiền chiên, chúng làm tổ rất cầu kì trong những bụi cây cỏ thấp lúp xúp ngoài đồng, lớp ngoài cùng thường là rất nhiều lá nứa khô hoặc lá cỏ, được xếp thành lớp dày, tổ được thiết kế như một chiếc bình cổ cong, trong là những lớp hoa cỏ khô và mượt được chúng đan bện rất khéo, miệng tổ thu nhỏ lại chỉ vừa cho chim bố mẹ chui ra, chui vào giống như miệng quả bầu vậy. Chim sít có thân hình nhỏ trông tựa chim sẻ ấy thế mà chúng xây những chiếc tổ to tướng, chúng thường chọn những cây vầu để làm tổ, ngoài cùng là những lớp lá tre, nứa khô, sau đó đến lớp hoa cỏ khô, mượt và êm chúng đan dày đến 5-6 cm, miệng tổ thu nhỏ lại nằm ngang mé trên phần thân tổ, giúp cho tổ tránh được mưa gió. Chim chích cũng rất tài khi xây tổ, chúng thường chọn cây kháo, hoặc cây ngái loại cây này lá to bản, chúng tìm hai chiếc lá tươi mọc đối xứng nhau rồi khéo léo dùng những sợi bông khâu hai chiếc lá lại với nhau giống như một chiếc bù đài vậy, sau đó chúng càm rác để xây tổ, chim chích thường lấy phần bông của hoa cây rau tàu bay để xây tổ tạo nên sự êm ấm, mềm mại. Thoáng trông rất khó nhận ra tổ chim và những chiếc lá khác, chỉ bọn trẻ "ma ranh" như chúng tôi mới dễ dàng phát hiện ra tổ của chúng.

Tôi vô cùng thán phục tài nghệ xây tổ của những loài chim bé nhỏ này. cứ tự hỏi không hiểu vì sao chúng làm được những chiếc tổ đẹp như vậy? Thời gian chúng xây tổ hết bao lâu? Vì sao lũ cò, cuốc, chim gáy to là vậy nhưng xây tổ lại rất cẩu thả? Cho đến tận giờ tôi cũng không lí giải được những điều này!

Chích choè và sáo sậu lại có cách làm tổ khác, chúng thường chọn những thân cây cổ thụ như cây đa, cây trám, cây gạo... có những hốc rỗng trong thân cây để làm tổ. Chích choè thường làm ở những hốc cây thấp. Chim sáo thì làm tổ trên những hốc cây to và cao, vì thế việc bắt được tổ sáo là cả một vấn đề khó khăn đối với chúng tôi, nhiều khi còn nguy hiểm đến cả tính mạng nữa.

Trứng chim sáo có màu xanh biếc, chúng thường đẻ mỗi lứa 4 trứng, lũ trẻ sẽ rất sướng khi bắt được một tổ sáo ra ràng về nuôi, bởi sáo có thể dạy chúng nói tiếng người. Còn nếu không nuôi thì đem bán cũng được 5-10 đồng, đây là một khoản tiền không nhỏ mà lũ trẻ chúng tôi ngày ấy mong ước.

Chim bói cá có ba loại khác nhau, trong đó có 2 loại có màu lông xanh giống nhau. Nhưng một loại nhỏ, một loại to gấp đôi. Loại thứ ba là bói cá hoa, vì lông của nó gồm hai màu xanh biếc xen với trắng giống như kiểu gà hoa mơ.(loại này hiếm hơn). Cách săn mồi của bói cá hoa cũng rất đặc biệt không giống hai loại trên, chúng thường bay lên cao, cánh vỗ liên hồi và đứng yên một chỗ trên không, chăm chú quan sát mọi động tĩnh phía dưới mặt nước, khi phát hiện con mồi thì lập tức nó thực hiện một cú lao thẳng đứng và tóm gọn con mồi trong nháy mắt. Nếu có dịp ngồi quan sát chim bói cá rình mồi mới thấy đó là một loại chim có tính kiên nhẫn cao. Chúng thường đậu trên những chiếc cọc hay cành trà rong nổi lên giữa ao, đầm, chăm chú quan sát mặt nước hàng giờ, trông chúng khi ấy thật khù khờ, chẳng có vẻ gì là nhanh nhẹn cả. Ấy thế mà sẽ là tử thần đối với những chú thòng đong hay mại bầu không biết do vô tình hay phởn chí lao lên phía trên mặt nước. Chỉ chờ có thế, bằng một cú lao như chớp những kẻ khốn khổ kia sẽ không còn cơ hội để trở về với "thuỷ cung" nữa, cặp mỏ nhọn sắc như hai gọng kìm xiết chặt lấy con mồi, đến nước này con mồi cũng chỉ còn biết giãy giụa yếu ớt trong cơn hấp hối! Khi con mồi đã được kẹp chặt trong cặp mỏ rồi, lúc này bói cá mới bay vụt lên một cành cây cao trên bờ, nó đảo mắt quan sát xung quanh một lượt, thấy không có gì nguy hại, lúc đó bói cá mới thong thả dùng mỏ kẹp chặt con mồi, đập mạnh vào cành cây, khi chắc chắn con mồi đã chết, nó mới ngửa cổ nuốt chửng con mồi một cách ngon lành. Xong, mắt lại lia láo nhìn khắp lượt, cuối cùng khi đã thoả mãn cơn đói nó cất tiếng kêu choách choách rồi vỗ cánh bay đi.

Chim bói cá có cách làm tổ riêng, chúng thường dùng bộ mỏ to và khoẻ, cùng đôi chân với những móng vuốt sắc như dao để đào đất xây tổ. Chúng thường chọn những vách đất cao, hiểm trở ven sông, suối hay những triền đồi chênh vênh để đào hang xây tổ. Hang chúng đào cũng rất kì công, thường có cả những ngách phụ dùng để chứa thức ăn dự phòng, chúng đào sâu vào lòng đất đến hàng mét. Thật khó tưởng tượng nổi loại chim này lại đào hang làm tổ kiên cố như vậy. Hẳn chúng cũng nhận biết được những hiểm hoạ luôn rình rập mạng sống của chúng và cả đàn con nên mới cố công đào hang sâu như vậy. Thế giới tự nhiên thật kì diệu và luôn chứa đựng những điều huyền bí!...

Năm tháng qua đi, mọi cảnh vật của làng quê tôi giờ đã đổi khác, cây cối tự nhiên không còn, chim thú cũng vì thế mà hầu như vắng bóng. Mỗi lần về làng, nhìn ngắm lại cảnh vật nơi xưa, trong tôi bỗng sống lại bao kỉ niệm thời thơ ấu. Lòng tôi bỗng chạnh buồn! Ôi! Những mùa chim làm tổ, những mùa đó đã qua và đã xa! Đã Xa!

Bùi Nhật Lai

Ngày đăng: 13/07/2015
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
far
 

Cứ nhìn lại phía sau, bạn sẽ chẳng bao giờ tiến được xa hơn.

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage