Gửi bài:

Điều gì tạo nên thành công cho những cuốn sách nước ngoài?

Những cuốn sách này, chắc chắn là đã nổi tiếng ở đất nước nơi tác gia sinh ra hoặc là đang sống (sử dụng ngôn ngữ gốc của tác phẩm). Còn điều gì làm nên sự nổi tiếng, thì đương nhiên nó phải hay, phải có giá trị, phải nhân văn, phải có ý nghĩa...

Sau khi được mọi người khắp nơi ở đất nước đó biết tới, thì như được chắp thêm đôi cánh trên bầu trời tự do, nó sẽ được săn đón ở những đất nước khác nhau.

Nhưng, để nổi tiếng ở những đất nước không sử dụng ngôn ngữ gốc của tác phẩm, thì yếu tố rất quan trọng chính là người dịch nữa. Cùng một cuốn sách, nhưng có thể có nhiều người dịch. Giọng văn của mỗi người khác nhau, nên đương nhiên là nội dung cũng có đôi phần khác so với nguyên bản, nhưng nhìn chung, những dịch giả sẽ luôn cố gắng dịch sao cho sát nhất với nội dung của bản gốc tác phẩm.

***

dieu-gi-tao-nen-thanh-cong-cho-sach-nuoc-ngoai

Thế nên, cũng là một cuốn sách, nhưng người yêu thích dịch giả này thì sẽ tìm dịch giả đó để mua. Người nào không thích giọng văn của dịch giả kia lắm thì thôi cũng chẳng buồn đọc. Chúng ta đọc sách là để giải trí, sau đó mới là tìm tòi, khám phá... Tôi có thói quen đọc sách để thỏa mãn sở thích của bản thân: Thích đọc sách, du lịch qua những trang sách. Đó là một cách du lịch rất tiết kiệm, tránh lãng phí, mỗi tội, không được trải nghiệm cảm giác thực thôi.

Nhưng, có một nhà văn đã giúp tôi thay đổi, cho tôi cảm giác thực như mình đang chứng kiến mọi chuyện trong sách ông kể, ông viết ra. Tôi cảm nhận rất rõ những gì ông nhắc tới trong sách. Quả thực, ông có một giọng văn rất khỏe nhưng cũng cực kỳ mềm mại. Văn ông làm lấp lánh cả nền văn học Nga. Những câu chữ cũng đẹp diệu kỳ dưới ngòi bút của ông. Không một từ mỹ miều nào xứng đáng để diễn tả văn ông. Chỉ có thể nói một câu rằng: Muốn biết, hãy đọc và cảm nhận.

Ấy là chưa kể văn ông đã được dịch từ tiếng Nga qua tiếng Việt. Mặc dù dịch giả luôn cố gắng đắm mình trong đó để có thể dịch sao cho sát cả mặt nội dung và diễn tả gần giống nhất về mặt chữ nghĩa, nhưng nhất định vẫn có sự khác biệt giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ được chuyển thể, nhất là còn qua một người khác chứ không phải là chính tác giả. Tiếng Viêt có từ đồng âm, đồng nghĩa..., thì trường hợp này cũng có thể ví von là tương tự.

Cũng là giọng văn của một người, nói về một người là nhà văn lớn của Nga mang tên Prisvin, nhưng ở bản dịch trong cuốn Bông Hồng Vàng, dịch giả Kim Ân và Mộng Quỳnh dịch, khác hẳn nội dung trong cuốn Một mình với mùa thu, dịch giả Phan Hồng Giang dịch:

Ông Konxtantin Pauxtopxki có kể về một đoạn tả cảnh trong văn Prisvin như sau:

"Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn trong sạch, và về sáng, băng đầu mùa đã kết. Mọi vật đều xám, nhưng những vũng nước chưa đông. Khi mặt trời lên, sưởi ấm cho muôn vật thì sương đã ướt đầm cây cỏ, những cành thông từ trong rừng tối ló ra như những đường thêu lóng lánh, tưởng chừng nếu có dùng tất cả kim cương của thế giới cũng chẳng đủ để trang hoàng như vậy".

Trích trong Bông hồng vàng và bình minh mưa.

Vẫn là đoạn văn tả cảnh ấy, trong Một mình với mùa thu dịch:

"Đêm qua đi dưới ánh trăng tròn vành vạnh gần về sáng một làn sương giá đầu tiên buông xuống. Màn sương trắng bao phủ khắp nơi, chỉ có những vũng nước là không đóng băng. Khi mặt trời lên và hừng chiếu thì muôn vàn hạt sương trên lá cây, ngọn cỏ, cành thông trong cánh rừng tối bỗng lấp lánh, long lanh với vẻ đẹp diệu kỳ mà tất cả kim cương trên trái đất cũng không đủ để điểm trang cảnh tượng ấy".

Và ở ngay phía dưới là lời bình của ông:

"Trong đoạn văn thực là kim cương này mọi vật đều giản dị, chính xác và đầy chất thơ bất tử" - Trong Bông hồng vàng và bình minh mưa.
Trong một mình với mùa thu- "Trong đoạn văn xuôi quả thật lấp lánh ánh kim cương này tất cả đều giản dị, chân xác và chứa đầy chất thơ tươi mát".

Ở đoạn phía dưới:

"Đọc những chữ trong đoạn ấy bạn sẽ phải đồng tình với Gorki khi ông nói rằng Prisvin đã "cao tay kết hợp mềm dẻo những từ đơn giản làm cho mọi vật được miêu tả gần như có thể sờ mó thấy"- "Bông hồng vàng và bình minh mưa.

Còn trong Một mình với mùa thu- "Hãy nhìn kỹ vào từng chữ một trong đoạn văn này- các bạn sẽ tán đồng với Gorki khi ông nói rằng Prisvin đã có khả năng tuyệt vời sử dụng cách kết hợp uyển chuyển những chữ giản dị để truyền đạt tính chất cụ thể dường như có thể sờ mó được của những gì ông mô tả".

Và đoạn dưới nữa cũng thể hiện rất rõ sự khác biệt giữa các dịch giả:

"Nhưng như thế cũng chưa đủ. Ngôn ngữ của Prisvin là ngôn ngữ nhân dân. Nó chỉ hình thành trong sự chung đụng chặt chẽ của người Nga với thiên nhiên, trong lao động, trong cái đơn giản và sáng suốt của tính cách nhân dân".

Đấy là trong Bông hồng vàng và bình minh mưa, còn trong Một mình với mùa thu, đoạn này lại có sự khác biệt rất lớn, dễ nhìn thấy, nhận ra nhất là số lượng từ...

"Nhưng như thế cũng chưa đủ. Ngôn ngữ của Prisvin là ngôn ngữ nhân dân, chính xác và giàu hình ảnh, và đồng thời đó cũng là thứ ngôn ngữ hình thành trong sự tiếp xúc gắn bó của người Nga đối với thiên nhiên, hình thành trong lao động, trong sự giản dị lớn lao, sự thâm thúy, vẻ bình yên của tính cách nhân dân..."

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nói lên sự khác biệt rất rõ rệt giữa các dịch giả rồi. Nhưng, cho dù giọng văn có khác nhau, các dịch giả vẫn luôn cố gắng truyền đạt lời mà tác giả muốn gửi gắm bằng việc bám thật sát vào nội dung bản gốc, vào văn hóa, phong tục, tập quán, vào nét đặc trưng dân tộc, tính cách của tác giả...

Cho dù là có những bản dịch khác nhau, người thích bản dịch nào thì sẽ cho rằng bản dịch đó hay và đương nhiên là sẽ tìm đọc tác phẩm có bản dịch với tên người dịch mình yêu thích. Điều đó không có nghĩa là bản dịch kém hay, kém thích đối với người này sẽ ít người tìm đến. Vì vẫn có những người, yêu thích bản dịch của dịch giả đó mà thôi. Cũng giống như cuộc sống, có lúc vui lúc buồn, con người có lúc này lúc nọ... Bản dịch nào cũng có nét hay riêng của nó, và vẫn không làm mất đi giá trị nguyên bản mà tác giả đã gửi gắm qua bản gốc tác phẩm. Bản dịch nào cũng sẽ được tái tạo, nếu tác phẩm đó hay, sống mãi đời đời...

Ngày đăng: 12/03/2019
Người đăng: Hoa Lê
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Andersen
 

Xé một cuốn sách như vậy thật đáng tiếc. Bác là con người khôn ngoan và thực tế, nhưng đối với thơ ca, bác cũng chỉ hiểu biết đại khái như cái sọt này mà thôi!

Nói như thế cũng khá vô lễ, nhất là đối với cái sọt..

Con quỷ sứ của ông hàng tạp hóa - truyện cổ Andersen

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage