Gửi bài:

Ba ơi, mình đi đâu? - Jean – Louis Fournier

Tự truyện của nhà văn nổi tiếng người Pháp Jean – Louis Fournier mở ra một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của những nỗi đau, của tật nguyền, của những day dứt, thất vọng,... Nhưng đằng sau sự đau đớn, tuyệt vọng ấy là một lòng yêu thương thiết tha hơn bao giờ hết.

***

ba-oi-minh-di-dau

Ba ơi, mình đi đâu? không phải một tập truyện đơn thuần. Cuốn sách ghi lại hành trình yêu thương với những cảm xúc làm cha chân thật, giản dị, thiêng liêng của chính tác giả...Qua mỗi trang viết, người đọc dễ dàng trải qua từng cung bậc cảm xúc, từ hồi hộp chờ đợi đến hạnh phúc tột cùng, và rồi...đau khổ tột cùng, tội lỗi tột cùng...Nhưng không vì thế mà Ba ơi, mình đi đâu? chỉ dừng lại chìm đắm trong nỗi buồn đau tuyệt vọng. Từ những chia sẻ hết sức chân thành, cuốn sách đã thắp lên những ngọn nến linh lung ấm áp với niềm vui sống căn bản. Nỗi bất hạnh không ngự trị toàn bộ tác phẩm mà thay vào đó là một tình yêu thương bao la với những khát khao hết sức đời thường nhưng cũng thật cháy bỏng của một trái tim giàu bao dung, giàu nhân ái – Jean Louis Fournier.

Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện thường ngày với hai cậu con trai ngụy trang dưới cái vỏ tật nguyền Mathieu và Thomas, được viết thành những chương ngắn chừng một hoặc hai trang. Cậu bé Mathieu mềm nhũn, èo ọt trong hình hài dị dạng như một con búp bê không xương sống. Mathieu mất khả năng tuy duy, luôn lảng tránh và cô độc với thế giới bên ngoài. Điều duy nhất Mathieu có thể làm để nhận ra mối tương tác với những người xung quanh là ném một quả bóng nhỏ đi thật xa và nhìn ai đó khẩn cầu lấy giùm bóng giúp nó. Sau một ca phẫu thuật định hình, Mathieu từ giã cõi đời. Đó là lần duy nhất cậu bé có thể đứng thẳng để nhìn thấy mặt trời.

Thomas ấn tượng với mái tóc vàng và đôi môi rất hay mỉm cười. Cũng như anh trai, Thomas không có cơ hội lớn lên cả về thể xác lẫn tinh thần. Cậu bé ngày càng già nua, còm cõi trong lớp áo định hình mạ crom do không thể đứng thẳng trên đôi chân của mình. Thomas, khác với Mathieu, cậu bé biết đặt vấn đề với người lớn. Cậu bé biết nói "Ba ơi, mình đi đâu?", liên tục lặp lại không nhàm chán dù cho câu trả lời có là thế nào chăng nữa. Dường như khối óc "có rơm" (cách nói của Jean Louis) không thể cho cậu cơ hội được nhìn nhận cuộc sống, hiểu về cuộc sống nhiều hơn ngoài việc suốt cuộc đời nghi vấn về một hành trình không điểm xuất phát và cũng không có hồi kết : Ba ơi, mình đi đâu?

"Vô tình" có trong tay tới hai ngày tận thế, những ước mơ nhỏ bé, dung dị, giản đơn về một mái ấm an vui trở nên thật xa vời: Ước muốn về những ngày lễ Giáng Sinh vui vẻ bên cây thông và những chùm đèn; ước muốn về ngày lễ Mẹ và Cha; ước muốn được lo lắng và cáu bẳn vì những trò quậy phá, về việc chọn trường, chọn nghề cho những đứa trẻ,... Người cha, vì chịu đựng sự mất mát quá lớn, nỗi bất hạnh quá lớn nên một phần bản năng của sự ghen tị với thế giới, với cuộc sống và những người xung quanh được dịp trỗi dậy. Nhưng không vì thế mà câu chuyện ấp đầy trong không khí vị kỷ, ngược lại, với cái nhìn đầy nhân văn, Ba ơi, mình đi đâu? càng trở nên đời thường, chân thật, gần gũi. Jean Louis Fournier đã thật sự khéo léo trong việc làm tốt bổn phận của một người cha bao dung, của một con người biết thấu hiểu, của một cá nhân biết cảm nhận và khát khao những điều thật chính đáng. Câu chuyện vì thế càng khiến trái tim người đọc lay động, âm thầm tan chảy và những dư vị yêu thương có được cơ hội nằm ngoan yên trong trái tim.

Nếu như trong mắt ai đó, những đứa trẻ tật nguyền là một điều gì đó kinh khủng, xấu xí và tệ hại, là sự tư lợi về lòng thương hại với những nguồn lợi về kinh tế hay những điều tương tự thì đối với Jean Louis Fournier, chúng là những thiên thần. Đúng hơn, chúng là những thiên thần giàu tình cảm, đáng yêu, dễ thương, chân thật không tì vết. Chúng đẹp đẽ một cách khiến người ta phải ghen tị. Bởi chúng không bao giờ tồn tại những suy nghĩ xấu xa. Nhờ lẽ đó, bà Christine Jordis, Trưởng ban Giám khảo giải Fémina từng nhận định Ba ơi, mình đi đâu? là "cuốn sách hướng con người tới cái Thiện."

Điều đặc biệt trong Ba ơi, mình đi đâu? so với những cuốn sách kể về nỗi bất hạnh đó là tính hài hước. Sự hài hước đã góp phần xây dựng một chân dung, một câu chuyện chân thật đầy thi vị, nhẹ nhàng, ấm áp. Trong nỗi đau, thường thì người ta chỉ nhìn thấy nước mắt, tuyệt vọng, những tiếng kêu la thảm thiết,...để minh họa, biểu thị cho sự khổ hạnh. Nhưng với Jean Louis Founier, ông đã làm tốt hơn tất thảy những điều ấy. Ông nhìn thấy yêu thương và những viễn cảnh, những giả định tốt đẹp được vẽ ra từ sâu thẳm tin yêu vô bờ bến mà ông dành tới hai con:" Nếu các con như những người khác, các con sẽ lại như tất cả mọi người." Hoặc là tội phạm, hoặc thất nghiệp, hoặc ly dị, hoặc sẽ có những đứa con tật nguyền,... Có thể nói, Jean Louis Founier đã rất tài tình và mạnh mẽ khi nhìn thấy được những điều tuyệt diệu phía sau cánh cửa tật nguyền và bất hạnh.

Tạp chí Télerama từng đánh giá về cuốn sách:" Thoạt tiên ta sững sờ trước câu chuyện nơi chừng ấy bi kịch hòa quyện với chừng ấy điều nực cười, chừng ấy bất hạnh, chừng ấy điều khủng khiếp hòa quyện với chừng ấy tình yêu thương và niềm âu yếm." Tác giả nhận ra đau thương nhưng không hề bi lụy mà nhẫn nại vượt qua rào cản của khó khăn, đau đớn, thất vọng bằng sức mạnh của tình yêu để hướng tới những điều tươi đẹp. Với ông, có lẽ điều tươi đẹp đó là cách duy nhất để mến yêu, vỗ về, bảo bọc và tha thiết với hai thiên thần nhỏ bé của mình.

Bằng tất cả những yêu thương chân thành, không dụng đích, với lối dẫn dắt của Jean – Louis Fournier, một bậc thầy trào phúng đen, Ba ơi, mình đi đâu? khiến người đọc phải khóc, phải cười, phải suy ngẫm. Cuốn sách đã thắp lên một niềm vui sống, dù mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt. Chính nhờ sự dung dị, cảm động và độc đáo tràn đầy, Ba ơi, mình đi đâu? xứng đáng trở thành một kiệt tác nhỏ, đoạt giải Fémina, là tâm điểm của mùa sách văn học Pháp năm 2008.

Jean Louis Founier sinh năm 1938 tại Arras, Pháp. Ông là nhà văn trào lộng kiêm đạo diễn phim truyền hình, đã thành danh với các tác phẩm: Grammaire francaise et impertinente (1992), ll a jamais tué personne, mon papa (1999), Les mots des riches, les mots des pauvres (2004), Mon dernier cheveu noir (2006),...

Thanh Mai

 

Ngày đăng: 28/10/2014
Người đăng: Hải Âu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
thay đổi tất cả
 

Thời gian có thể làm thay đổi tất cả, đó là chân lý của chân lý

Cô đơn vào đời - Dịch Phấn Hàn

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage