Hồi 39
Đời vua Lý Cao-tông Đại-Việt. Bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Gia-định nguyên niên đời vua Tống Ninh-tông.
Sứ đoàn Đại-Việt do quan Tổng-lĩnh thị-vệ, tước Đằng-châu hầu Trần Thủ-Độ, tuân chỉ nhà vua lên đường đi Mông-cổ, thỉnh phò mã Trần Thủ-Huy về nước để trao đại quyền an định xã tắc.
Sứ đoàn đi bằng thuyền, khởi hành từ bến Tiềm-long ở Thăng-long, trên một thương thuyền rất lớn. Thương thuyền kéo cây cờ có hình con ó đen đang bay trên không, hai chân co lại, cánh nghiêng, mắt nhìn xuống dưới trong tư thế rình mồi. Đề phòng bất trắc có thể xẩy ra cho Thủ-Độ, Đại đô đốc Phùng Tá-Chu đã chọn từ thuyền trưởng cho tới thủy thủ, đầu bếp, đều là để tử phái Đông-A. Còn viên phó sứ Chu Mạnh-Nhu, với bốn bồi sứ Vũ Khắc-Kim, Phạm Hoàng-Quy, Lê Trọng-Anh, Tạ Quốc-Ninh là những viên quan ở bộ Lễ, học trò Phạm Kính-Ân. Chính Kính-Ân chọn cho Thủ-Độ, với lời dặn dò rằng Thủ-Độ là người đồng môn, phải lấy lòng mà đối xử với nhau.
Biết rằng khi thuyền đến bến Liêu-Đông, thuộc lãnh thổ Kim, sứ đoàn còn phải vượt qua mấy trăm dặm mới tơí Vạn-lý Trường-thành. Ra ngoài Trường-thành, bắt đầu đi vào vùng Thảo-nguyên. Cho nên Thủ-Độ đã chuẩn bị cho sứ đoàn giả làm thương nhân. Vì trước đây, Kim với Đại-Việt từng giao hảo, trao đổi sứ, kể từ đấy, có nhiều thương nhân Việt sang buôn bán với Kim.
Sau hai tháng lênh đênh trên mặt biển, sứ đoàn đã đến cửa biển Liêu-Đông. Thủ-Độ lên trình điệp thông quan. Viên quan phụ trách thương bạc xuống thuyền kiểm kê hàng hóa, quyết định số tiền thuế phải nộp, rồi đóng dấu vào điệp thông quan.
Ở Liêu-Đông mấy ngày, Thủ-Độ để thủy thủ đoàn sống trên thuyền Ó-đen. Còn Hầu cùng với nhân viên sứ đoàn, mua xe, ngựa lên đường. Sau mười ba ngày, thì tới Trương-gia khẩu của Vạn-lý Trường-thành. Vừa vượt Vạn-lý Trường-thành mười lăm dặm, tới lãnh thổ Ong-gút thì gặp một đội kị mã kéo cờ Mông-cổ đang đi tuần thám.
Một võ quan trong y phục Bách-phu trưởng dẫn đầu. Y hỏi bằng tiếng Mông-cổ :
- Thương nhân của nước nào ?
Viên thông ngôn tưởng Thủ-Độ là người Hoa. Y dịch sang tiếng Hoa. Thủ-Độ trả lời bằng tiếng Mông-cổ :
- Tôi không phải là thương nhân. Tôi là chánh sứ của Đại-Việt hoàng đế, sang Mông-cổ yết kiến Thành-cát Tư-hãn. Giám hỏi, đây thuộc quyền của vị tướng quân nào ?
Trên mặt tên Bách-phu trưởng hiện ra nét thiện cảm :
- Vùng này này do Thiên-phu trưởng họ Vũ trấn nhậm. Để tôi đưa các vị tới gặp người.
Thủ-Độ theo tên Bách-phu trưởng về trại quân. Vừa nhác thấy viên Thiên-phu trưởng, Thủ-Độ nhận ra ngay, đó là một võ sĩ trong đoàn Long-biên cũ. Hầu kêu lên :
- Chú Vũ Mạnh !
Vũ Mạnh nghe báo có sứ thần Đại-Việt tới, thì mừng chi siết kể. Ông vội sửa sang y phục ngay ngắn ra đón. Ông chưa kịp lên tiếng, thì sứ thần đã gọi tên ông lên. Ông kinh ngạc, hỏi bằng tiếng Việt :
- Không biết đại nhân xưng hô thế nào ?
- Cháu là Trần Thủ-Độ đây ! Bố cháu là...
Vũ Mạnh đã nhận ra Thủ-Độ, vì Hầu giống hệt cha. Vũ Mạnh ôm lấy Thủ-Độ :
- Cháu tôi lớn thế này, hèn gì chú không nhận ra cũng phải.
Thủ-Độ tóm lược qua tình hình Đại-Việt, rồi nói rõ sứ mệnh của mình. Đưa mắt nhìn trại quân Mông-cổ, Thủ-Độ hỏi :
- Từ ngày rời Thảo-nguyên ra đi, cháu không được tin tức gì ở vùng Thảo-nguyên cả. Tại sao chú lại ở đây ? Mông-cổ đã khởi binh diệt Ong-gút (1) rồi à?
- Đúng vậy. Sau khi mẹ cháu với cháu về nước, thì Mông-cổ khởi binh đánh Nãi-man, sau đó đánh Tây-hạ, rồi tiến quân vào Kim.
Vũ Mạnh truyền quân làm tiệc đãi sứ đoàn. Trong khi ăn, Thủ-Độ hỏi chi tiết về các trận đánh giữa Mông-cổ với Nãi-man, Tây-hạ, và Kim. Vũ Mạnh thuật :
- Sau khi thắng Khắc-liệt, Mông-cổ đang là một nước nhỏ, bỗng trở thành một nước lớn, binh lực hùng mạnh, quốc sản trù phú. Các nước xung quanh như Thổ-phồn, Tây-hạ, Tây-liêu, Nãi-man, Đại-kim...cùng cảm thấy lo lắng rằng, cứ cái đà phát triển này, thì không mấy chốc Mông-cổ sẽ đánh chiếm nước họ. Song Tây-hạ, Tây-liêu, Đại-kim thì lãnh thổ không nằm trong vùng Thảo-nguyên. Họ không mấy lo ngại cái họa Mông-cổ. Duy Nãi-man, là nước có nền văn minh, có văn tự, lại là một nước lớn, binh lực hùng mạnh bậc nhất vùng Thảo-nguyên, nên Đại-hãn của họ lo lắng, sợ hãi khôn cùng.
Thủ-Độ hỏi :
- Thưa chú thế Nãi-man lập quốc từ bao giờ ?
- Khoảng trên dưới một trăm năm nay thôi. Người khai quốc là Khả-hãn I-năng-sơ. Ông là một nhà chỉ đạo quân sự đại tài. Trong khoảng hai chục năm, ông chinh phục được trước sau hơn hai chục nước nhỏ rồi lên ngôi Đại-hãn. Có thể nói, lúc đó Nãi-man là nước hùng mạnh nhất Thảo-nguyên. Sau khi I-năng-sơ chết, thì hai con trai là Bui-Rúc và Bai-bu-ka chia Nãi-man thành hai, mỗi người cai trị một nửa, do vậy Nãi-man yếu đi . Lãnh thổ của Bai-bu-ka tiếp cận với Mông-cổ. Ong ta muốn đem quân diệt Mông-cổ ngay khi Mông-cổ mới chiếm được Khắc-liệt. Ông viết thư cho Khả-hãn Tê-Kinh của nước Ong-gút, rủ Ong-gút cùng ra quân. Thư đó nội dung như sau :
"...Tôi vừa được tin trong đế quốc của chúng ta, có một thằng nhãi mới xuất hiện, tự xưng là Khả-hãn Mông-cổ. Y chỉ nhìn lên mây xanh, muốn chinh phục cả mặt trăng mặt trời. Ngài thử nghĩ xem : Một cái bao làm sao chứa được hai thanh kiếm ? Một thể xác không có hai linh hồn. Dĩ nhiên một đế quốc không thể có hai Đại-hãn. Ngài hãy cùng tôi tước lấy cây cung và mũi tên của thằng nhãi đó ».
Thủ-Độ cau mặt :
- Ông ta kiêu ngạo quá ! Cháu chắc Khả-hãn Tê-Kinh không chịu xuất quân !
- Sao cháu biết ?
- Cứ lý mà suy ! Lãnh thổ Ong-gút sát với Kim. Mỗi lần các bộ tộc vùng Thảo-nguyên tràn vào Kim cướp phá, hoặc Kim đem quân đánh các bộ tộc đó... đều vượt qua lãnh thổ Ong-gút. Dân Ong-gút bị vạ lây. Vì vậy Ong-gút thấy Mông-cổ chiếm các bộ tộc ấy, kiềm chế chúng, thì Ong-gút thoát khỏi cái vạ đó, điều mà Tê-Kinh mong ước... Tội gì Ong-gút phải ra quân?
- Giỏi! Cháu luận giống như cha cháu. Để chú thuật tiếp: Khả-hãn Tê-Kinh sai sứ đem bức thư đó cho Tư-hãn. Được tin này, Tư-hãn kinh hoảng, vội triệu tập hội đồng quý tộc loan báo tin trên. Hội đồng cùng nhận thấy rằng chiến tranh giữa Mông-cổ với Nãi-man không thể nào tránh được. Nhưng bây giờ đang giữa mùa Đông, khí hậu lạnh cắt da, xé thịt, ngựa thiếu ăn gầy còm. Cần chờ đến mùa Hạ hay mùa Thu, ngựa khỏe, khí hậu ấm áp hãy ra quân.
Thế nhưng Phò-mã cũng như chín vị đại tướng thì cho rằng : Thắng nhờ xuất kỳ bất ý, nhờ binh lực hùng mạnh, chứ không phải nhờ sức ngựa. Thành-cát Tư-hãn đồng ý với phò mã. Lập tức ra quân.
Trước khi xuất quân, Tư-hãn họp chư tướng lại, rồi cung cung, kính kính hỏi Phò-mã:
- Phò-mã là thầy của tôi cũng như các tướng. Xin Phò-mã dạy cho những điều phải làm, những điều phải tránh.
- Đa tạ Tư-hãn đã lấy lòng mà ở với tôi. Tôi có ba điều muốn thưa vơí Tư-hãn và anh em. Điều thứ nhất, so về quân số thì Nãi-man đông hơn chúng ta. Quân của họ cũng thiện chiến, tổ chức chặt chẽ. Họ lại có những đội tàn quân của Thát-đát, Khắc-liệt, Miệt-nhi, Trác Mộc Hợp theo trợ chiến. Nhưng ta nắm chắc phần thắng, vì cho đến lúc này, họ vẫn không biết gì về sự cải tiến, trang bị của ta, họ khinh ta. Vì vậy, ta cần tạo cho họ kiêu căng hơn, rồi áp dụng chiến thuật xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị, thì thắng. Cuộc chiến này kéo dài nhất là mười ngày, ngắn nhất là nửa ngày.
Các tướng vỗ tay hoan hô.
- Điều thứ nhì, từ trước đến nay, các bộ tộc vùng Thảo-nguyên, sau trận giao tranh, bên thắng thường cướp hết súc vật, tài sản, kể cả vợ con của địch, tàn phá hết lều trại, rồi rút về. Kẻ bại âm thầm tập trung tàn quân lại, nung nấu lòng căm thù, tìm dịp trả hận. Tôi đã bàn với Tư-hãn, chúng ta cần đánh tan chủ lực của Nãi-man. Tuyệt đối cấm cướp, phá, đốt tài sản, giết dân chúng. Sau cuộc chiến, ta cắt Nãi-man ra thành năm vùng, mỗi vùng trao cho một Đại-hãn cai trị. Còn hàng binh thì cho nhập vào với quân ta. Tù binh thì cho làm lao nô một thời gian, rồi cũng cho nhập ngũ. Bất cứ tướng sĩ nào giết, đánh đập, làm nhục tù hàng binh đều bị trừng phạt nặng nề.
Các tướng im lặng, tỏ vẻ không hài lòng.
- Thứ ba, Nãi-man là một nước lớn nhất vùng Thảo-nguyên. Họ lại có một nền văn minh, một nếp sống văn hóa cao hơn chúng ta nhiều. Từ trước đến giờ, họ vẫn coi tất cả các tộc vùng Thảo-nguyên là man di, mọi rợ. Còn Mông-cổ ta? Ta đang là một bộ tộc nhỏ, nhờ tài lãnh đạo của Tư-hãn. Nhờ sự cố gắng phi thường của anh em, mà chúng ta có địa vị ngày nay. Ta cần trộn dân Mông-cổ với Nãi-man với nhau, để dân Mông-cổ thu nhập được văn minh Nãi-man.
Về phần Nãi-man, khi thấy ta xuất quân, Bai Bu Ka cho tiến quân về Khan-gai, rồi dàn ra đó để chờ ta. Trong khi đó Thành-cát Tư-hãn cũng dàn quân tại một vùng lựa chọn, thuận lợi cho Mông-cổ. Thấy giặc giữ thế thủ, Thành-cát Tư-hãn sai Triết Biệt đem một đội quân tiến vào vùng địch tấn công. Sau hơn khắc giao chiến, giả thua bỏ chạy.
Các tướng Nãi-man thấy đội quân Triết Biệt hàng ngũ lộn xộn, ngựa thì hầy yếu, người thì mệt mỏi, y tỏ ý khinh thường, ào ạt tấn công. Triết Biệt dẫn quân chạy dài. Bai Bu Ka ra lệnh thu quân. Các tướng Nãi-man muốn đánh tràn vào vùng đóng quân của Mông-cổ. Bai Bu Ka không cho. Đại tướng Rô Ri Su than: "Hồi Tiên-vương còn tại thế, làm gì địch nhân thấy được lưng chúng ta? Nếu ngài có sợ, thì nên trở về sống với phi tần. Chúng tôi quyết trừng trị bọn Mông-cổ, rồi gom chúng lại, lùa về đây như một bầy cừu". Bai Bu Ka bị chạm tự ái, ông ta ra lệnh tấn công ào ạt. Quân Mông-cổ rút chạy, dụ quân Nãi-man vào trận địa đầy chông, rồi Lôi-tiễn nã lên đầu.
Ghi chú của thuật giả
Đoạn này, bộ Mông-cổ bí sử chép như sau: Bai Bu Ka bị thương nặng, bọn tả hữu đỡ y nằm trên sườn đồi. Y dựa lưng vào tảng đá quan sát trận chiến. Y hỏi Trác Mộc Hợp:
- Bọn tướng đang đuổi theo quân ta như sói đuổi bầy cừu kia là ai vậy?
- Đó là bốn con chó sói nuôi bằng thịt người của Thiết Mộc Chân. Hắn phải dùng xích sắt cột chân chúng, vì chúng có răng bén, móng nhọn với trái tim sắt đá. Chúng dùng mã tấu để khiển ngựa. Ngựa của chúng phi nhanh như gió. Ngoài mặt trận chúng chỉ uống sương, và ăn thịt người.Bây giờ được tháo xiềng, chúng tha hồ cắn xé. Vậy mà mõm chúng vẫn còn dỏ dãi. Bốn con chó đó là Triết Biệt, Bác Nhĩ Truật, Gia Luật Mễ và Tốc Bất Đài.
- Còn người nào ở phía sau mặt trận đang phi ngựa, dáng nom như con diều hâu đói kia?
- Thiết Mộc Chân đấy! Hắn thuộc thứ người mình đồng da sắt. Quả hắn là một con diều hâu đáp xuống xứ này. Hãy xem hắn tiến về phía chúng ta kìa. Ngài nói rằng quân Mông-cổ tới đây chẳng khắc nào con cừu bị đặt trên thớt thịt. Tôi nghĩ rằng con cừu là chúng ta, chúng ta sẽ bị bốn con sói ăn thịt... chắc chắn chỉ còn móng và sừng thôi.... Đến đây Bai Bu Ka lịm dần rồi chết.
Đến chiều thì bọn Miệt-nhi, rồi Trác Mộc Hợp bỏ chạy. Quân Nãi-man tan rã ".
Thủ-Độ nghe thuật, trong lòng hầu rừng rực bốc lên cái hùng khí. Hầu nghĩ thầm:
- Ngay bây giờ trở về đất nước, ta phải tạo bọn Tây-hồ thập bát anh hào thành những đại tướng như Mông-cổ. Bọn thiếu niên theo ta bấy lâu, sẽ thành những dũng sĩ. Rồi, ta lật đổ cái triều Lý thối tha, lập một triều đình nhẹ nhàng, vua tôi sống trong tình huynh đệ như Thành-cát Thư-hãn với chư tướng.
Hầu hỏi Vũ Mạnh:
- Thế Thành-cát Tư-hãn tiến binh đánh Kim bao giờ?
- Bình định được Nãi-man rồi, Thành-cát Tư-hãn để ra hai năm chỉnh bị binh mã, tổ chức cai trị. Sau đó người tiến binh đánh Tây-hạ. Phò mã thấy mọi mạng lệnh đều phát từ Thành-cát Tư-hãn với người, thì không thể nào điều động nổi một quân đội đông đảo. Người đề nghị với Tư-hãn, cho thành lập Khu-mật viện, giống như Khu-mật viện bên Đại-Việt. Chính phò mã là người huấn luyện các nhân viên Khu-mật viện. Khu-mật viện gửi Tế-tác đi khắp nơi, để lấy tin tức của các nước xung quanh như Tây-hạ, Tây-liêu, Thổ-phồn, Đại-kim. Từ đấy, nhất cử nhất động của các nước, Mông-cổ biết hết.
- Hay lắm. Cháu có một điều thắc mắc : Vơí một lãnh thổ rộng mênh mông như vậy, làm thế nào Mông-cổ có thể duy trì thông tin mau chóng ?
- Phò-mã cho lập một Mã phi tiễn viện, do Gia Luật Mễ chỉ huy. Viện gồm ba Thiên-phu kỵ mã Phi-tiễn. Họ là những người có sức khỏe dẻo dai nhất, mỗi người xử dụng ba chiến mã khác nhau. Để phân biệt với các kỵ mã khác, kỵ mã Phi-tiễn dắt trên đầu một một lá cờ xanh. Họ đeo trên ngực một hộp bằng kim khí. Trong hộp đựng thư từ, lệnh bài, thẻ bài, lệnh tiễn. Khi thấy kỵ mã Phi-tiễn phi ngựa, thì bất kể một đoàn quân đang đi, bất kể là Thân-vương, Đại-hãn, Đạo-sư đều phải tránh đường cho. Trên toàn lãnh thổ, thiết lập những trạm trú thường trực của kỵ mã Phi-tiễn. Trung bình cứ mỗi đoạn đường 300 dặm lại có một trạm. Khi một kỵ mã Phi-tiễn từ xa sắp tới trạm, thì một kỵ mã Phi-tiễn thay thế phải đứng chờ sẵn, để bạn vừa tới nơi, thì tiếp hộp đựng thư, rồi phi như bay. Ngày đêm, các kỹ mã Phi-tiễn duy trì liên lạc giữa các cánh quân mau chóng. Cho nên, dù các đội quân chinh tiễu ở Vạn-lý Trường-thành, ở kinh đô Ninh-hạ của Tây-hạ, cũng có thể liên lạc với nhau nhanh chóng. Những báo cáo của các tướng về cho Tư-hãn, những lệnh của Tư-hãn ban ra chỉ cần một ngày là tới nơi.
- Hà ! Bố cháu đã tổ chức đội Phi-tiễn giống như ngựa trạm của Đại-Việt. Có điều, kỵ mã Phi-tiễn có nhiều quyền hành hơn, có nhiều ngựa tốt hơn, người cũng ưu tú hơn.
Vũ Mạnh tiếp :
- Thành-cát Tư-hãn gửi sứ sang Thổ-phồn, Tây-hạ chiêu dụ làm chư hầu. Lập tức Thổ-phồn cử sứ mang cống lễ đến Hoa-lâm xin quy phục. Còn Tây-hạ thì vua tôi bật cười với nhau : Cái bọn rợ vùng Thảo-nguyên mà dám hỗn với một Hoàng-đế ư ? Họ xé thư, đánh sứ giả ba chục roi, rồi đuổi về. Nghe sứ giả về tâu lại, Thành-cát Tư-hãn lập tức cất quân tiến đánh Tây-hạ.
Thủ-Độ than:
- Hỏng! Tư-hãn nóng nảy quá. Cháu e sẽ thất bại!
Vũ Mạnh kinh ngạc:
- Sao...Sao cháu biết?
- Dễ hiểu! Quân Mông-cổ là quân kị, chuyên đánh theo lối dàn quân, xung phong trên cánh đồng. Bây giờ lăn mình vào công kiên, đánh thành, thì sao thắng được!
- Đúng thế. Một vài trận đầu, quân Tây-hạ dàn ra nghênh chiến, bị quân Mông-cổ đánh tan. Sau họ rút vào cố thủ trong các thành cao, hào sâu, quân Mông-cổ xung phong nhiều lần đều thất bại. Cuối cùng Thành-cát Tư-hãn phải sai sứ về Hoa-lâm thỉnh phụ thân đệ tới. Tới nơi, lập tức người đem các phương pháp công thành huấn luyện hai vạn quân. Sau đó dùng Lôi-tiễn nã vào thành, rồi cho quân xung phong. Thành hạ được. Thấy rằng đánh nữa, cũng khó thắng, Thành-cát Tư-hãn gửi sứ tới kinh đô Linh-hạ dụ hàng. Vua tôi Tây-hạ chịu đầu hàng. Mông-cổ rút về. Thành-cát Tư-hãn lại nhờ phụ thân đệ với chúng ta huấn luyện phương pháp công thành cho toàn quân Mông-cổ. Việc huấn luyện vừa hoàn tất, thì Kim gửi sứ tơí. Rồi giữa Mông-cổ với Kim xẩy ra một vụ đụng chạm lớn.
- Không phải đụng chạm lớn, mà Kim hành sự ngu xuẩn!
- Ý cháu muốn nói?
- Kim mù tịt về những thay đổi trên vùng Thảo-nguyên. Họ tưởng Mông-cổ vẫn là một bộ lạc mọi rợ. Họ sai sứ tới, khệnh khạng, hách dịch. Thành-cát Tư-hãn ắt nổi giận, rồi đem quân vượt Vạn-lý Trường-thành đánh Kim.
- Đúng vậy.
- Chuyện xẩy ra như thế nào?
- Hoàng-đế Kim băng hà, đệ lục vương tử Vĩnh-Tế lên kế vị. Trước kia Vĩnh-Tế từng đi sứ Khắc-liệt, y thiết kế cho Khắc-liệt diệt Mông-cổ. Trong khi Mông-cổ với Khắc-liệt có chiến tranh, y đã ra lệnh cho quân biên phòng Kim tràn sang cướp phá bộ tộc Ong-gút thuộc Mông-cổ ; để chia bớt lực lượng Mông-cổ đang giao chiến vơí Khắc-liệt... Bây giờ vừa lên ngôi, y sai một sứ đoàn vượt Trường-thành đem chiếu chỉ tới hoạnh họe ba điều. Một là mấy năm qua không tiến cống. Hai là đem quân đánh Tây-hạ, Thổ-phồn là những phiên thuộc của Kim. Ba là để cho quân lính vượt Trường-thành vào Trung-nguyên cướp phá. Hoàng đế Kim bắt Tư-hãn phải tuân theo ba điều: Một là nhận sắc phong của triều đình Kim. Hai là đích thân đến Yên-kinh chầu. Ba là phải cống hàng năm.
Thủ-Độ lắc đầu:
- Cháu đoán có sai đâu. Thế Tư-hãn phản ứng ra sao?
- Khi sứ đoàn Kim đến, thì gặp giữa lúc Tư-hãn viễn chinh Tây-hạ về. Hai bên gặp nhau giữa đường. Sứ giả Kim bắt Tư-hãn phải xuống ngựa, quỳ gối hướng Nam bái vọng.
Thủ-Độ cười ha hả:
- Cháu mà là Tư-hãn thì cháu nhổ nước bọt vào mặt tên sứ!
- Hay! Cháu đoán đúng! Tư-hãn cười nhạt rồi nhổ một bãi nước bọt vào mặt chánh sứ... Thế là sứ đoàn Kim thui thủi ra về như chó cụt đuôi.
- Vậy Kim đem quân đánh Mông-cổ trước, hay Mông-cổ đem quân đánh Kim trước?
- Kim ra quân trước. Sau khi sứ Kim về nước , Vĩnh-Tế nổi giận, sai tướng mang mười vạn quân, vượt Trường-thành quyết làm cỏ Mông-cổ. Nhưng quân Kim là quân bộ, khi tiến vào vùng Thảo-nguyên mênh mông, thuộc lãnh thổ Ong-gút cũ. Người người đều ngao ngán. Viên tướng cho quân đóng trại, cướp lương thực của dân, mục đích để dò xét tình hình Mông-cổ. Tư-hãn sai Triết Biệt mang hai vạn phu, đi nghênh chiến.
- Thế trong hai vạn phu đó, ai là vạn phu trưởng?
- Là hai vương tử Sát Hợp Đài và Truật Xích.
- Trận chiến diễn ra như thế nào?
- Triết Biệt ém quân, rồi thình lình tấn công ban đêm. Chỉ trong vòng không đầy hai giờ, toàn bộ binh tướng Kim bị tiêu diệt... Tin này làm rúng động toàn thể nước Kim. Từ đấy Kim chúa cấm không cho ai nhắc nhở đến Mông-cổ cả. Nhờ vậy mà Mông-cổ được yên ổn, để chuẩn bị tiến vào Trung-nguyên.
Hôm sau Thủ-Độ từ biệt Vũ Mạnh, lên đường đi Hoa-lâm. Kể từ ngày theo mẹ rời Mông-cổ, cho đến nay trải qua gần mười năm, Thủ-Độ mới trở lại đất cũ. Mỗi bước đi của Hầu, là mỗi kỷ niệm. Trong lòng Hầu nao nao khó tả : Nào sắp gặp lại người cha thân yêu. Nào sắp gặp lại các bạn cũ như Hốt Tất Liệt, Ngột Lương Hợp Thai, Bạt Đô, A Lý Hải Nha. Nào sắp được phi ngựa trên giải đồng mênh mông !
Cái mà Thủ-Độ thấy dọc đường, khác hẳn với xưa kia là : Dân chúng giầu có, những đàn gia súc đếm không thể hết. Binh lực Mông-cổ hùng hậu hơn nhiều. Trước, chỉ trang bị cung tên, lao, đao, kiếm. Nay thì máy bắn đá, xe phóng hỏa, Lôi-tiễn, cùng các dụng cụ công thành như thang mây, móc câu...
Trưa hôm ấy sứ đoàn tới thủ đô Hoa-lâm. Vì Thủ-Độ trở lại Mông-cổ với tư cách là sứ thần, nên Hầu không thể về thẳng dinh của phụ thân, mà phải xin vào yết kiến Thành-cát Tư-hãn trước.
Thành-cát Tư-hãn đang họp chư tướng, thì viên lễ quan vào báo :
- Có sứ thần Đại-Việt xin yết kiến Tư-hãn.
Thủ-Huy hỏi :
- Sứ thần là ai ?
- Thưa là Đằng-châu hầu Tổng-lĩnh thị vệ tên Trần Thủ-Độ.
Cả triều đình Mông-cổ đều đưa mắt nhìn Thủ-Huy. Tư-Hãn kinh ngạc :
- Thiên-sứ ! Phải chăng là cháu Thủ-Độ của mình ?
- Không lẽ ?
Tư-hãn ra lệnh :
- Dù là cháu Thủ-Độ hay người khác, thì cũng là sứ thần Đại-Việt. Vậy xin Bác Nhĩ Truật huynh ra đón sứ đoàn vào.
Cửa viên môn mở rộng. Trống thúc ba hồi, Bác Nhĩ Truật ung dung ra cửa. Thủ-Độ vừa trông thấy ông, Hầu reo lên :
- Chú Bác Nhĩ Truật ! Chú có nhớ cháu không ?
Đúng ra với thời gian gần mười năm, Thủ-Độ từ một đứa trẻ ngây thơ, bây giờ trở thành một thiếu niên hùng vĩ trong y phục đại triều Đại-Việt, thì muôn ngàn lần ông không nhận ra được. Nhưng Thủ-Độ chào ông bằng tiếng Mông-cổ, thì ông nhận ra Hầu liền. Ông reo lên :
- Chà ! Không ngờ sứ thần là cháu.
Thủ-Độ, cùng sứ đoàn đươc mời vào đại bản doanh.
Lễ nghi tất.
Thủ-Độ tâu với Tư-hãn :
- Trị-bình Long-ứng hoàng đế sai cháu lên yết kến Tư-hãn để trình quốc thư, xin cho bố cháu trở về Đại-Việt.
Nói rồi Hầu trịnh trọng trao quốc thư. Thành-cát Tư-hãn tiếp thư đọc xong. Ông nói với Thủ-Huy :
- Phò mã là Thiên-sứ, là người mà trời ban cho ta. Suốt gần hai mươi năm qua, Thiên-sứ như ngôi sao thủ mệnh của Mông-cổ. Nhưng nay, xem ra tình dân thế nước Đại-Việt rối ren lắm rồi, nếu Thiên-sứ không về thì e triều Lý không còn nữa. Hay Thiên-sứ trở về, tuốt gươm quét sạch bọn vua chúa hôn ám bọn quan lại thối tha triều Lý đi, rồi lên làm vua. Vậy Thiên-sứ định sao ?
Thủ-Huy nói lớn cho cả triều đình cùng nghe :
- Huy này vốn là khách của Tư-hãn mời lên săn bắn rồi hòa hợp với anh em, cùng chung sức thống nhất Thảo-nguyên. Vì vậy Thủ-Huy này không còn là một người của triều Lý nữa, mà là của Mông-cổ. Mông-cổ là đất nước của Thủ-Huy. Vậy xin đợi cho đệ hỏi han chuyện nhà đã rồi sẽ thưa vơí Tư-hãn sau.
Cuộc họp bãi.
Hai cha con Thủ-Huy về tư dinh. Thúy-Thúy thấy Thủ-Độ cao lớn, uy vũ còn hơn cha khi xưa. Nàng mừng lắm :
- Con ! Con đã lớn thế này rồi ư ?
Buổi chiều hôm đó, Thủ-Huy, Thúy-Thúy ngồi im lặng nghe Thủ-Độ tường thuật những gì đã xẩy ra từ khi Hầu theo mẹ về quê. Trước hết là cái chết của công chúa Đoan-Nghi. Nghe con thuật Thủ-Huy nghiến răng kèn kẹt :
- Vụ này quyết do Tống với bọn gian thần Việt làm, chứ nhà vua không biết gì.
Hầu thuật việc bị anh em Thái-tử Long-Xưởng cùng bọn Gia-thụy ngũ anh hành hạ cực tàn nhẫn. Thủ-Huy hừ một tiếng :
- Được ! Con phải ghi nhớ cái hận đó để sau này sẽ trả gấp ba, gấp bốn lần.
Thủ-Độ thuật tiếp việc Hầu làm quỷ ba đầu, tập họp bọn ăn mày lại, tổ chức thành đội ngũ, lập bang Lĩnh-Nam. Thủ-Huy mỉm cười tỏ ý hài lòng. Cuối cùng, Thủ-Độ thuật việc hầu phong cho bọn Tây-hồ thập bát anh hào làm Khả-hãn, rồi sai đi khắp nước huấn luyện thanh niên, tập hợp bọn thiếu niên cùng khổ...Tổ chức bang Lĩnh-Nam như một triều đình.
Thủ-Huy cười ha hả :
- Con ta tuy sống trong nhục nhằn, trong cô đơn, nhưng cũng không làm tiêu ma chí khí. Trái lại, nó làm được những điều mà chưa từng một người Việt nào làm được. Hà ! Bây giờ, nó từ ông vua ăn mày, bỗng trở thành một ông vua không ngai nắm được một lực lượng quần chúng. Một mai nếu cần, chỉ việc phất cờ, thì cái triều Lý thối tha không còn nữa.
Thủ-Độ thuật tới những việc đạo cô Vương Thụy-Hương làm. Thủ-Huy kinh hãi đến đờ người ra. Công nhìn Thúy-Thúy thở dài :
- Chúng ta tuyệt không ngờ Thụy-Hương còn sống ! Cũng không bao giờ ngờ nàng lại giết chết bọn Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích. Kinh thực !
Thủ-Độ thuật tiếp về cuộc thi võ. Thủ-Huy cau mày cốc lên đầu con :
- Con tôi nhu nhược quá. Cái bọn Gia-thụy ngũ anh làm nhục con đủ điều, định giết con bao phen, mà con chỉ đánh bay chúng xuống hồ sen thôi ư ? Con nhớ nhé. Tự hậu, gặp những trường hợp như thế phải nặng tay !
- Thưa bố giết chúng sao ?
- Không ! Không nên giết, mà phải đánh cho chúng tàn tật, để rồi chúng sống không nổi chết không xong, ta mới khoan khoái trong lòng.
Thủ-Độ trở lại vơí vấn đề chính :
- Trị-bình long-ứng hoàng đế ban chỉ...
Đúng ra thì Thủ-Huy phải cho thiết lập hương án, rồi quỳ gối quay mặt về Nam nghe đọc chiếu chỉ. Nhưng vì quá căm thù triều Lý, đi đến khinh rẻ, công bảo con :
- Con đưa chiếu chỉ cho bố em nào ?
Thủ-Độ trao chiếu chỉ cho bố. Thủ-Huy mở ra đọc : Trong chiếu đại ý nói, triều đình ân xá cho Thủ-Huy cái tội vi chỉ, thay vì sang Tống lại bỏ đi Mông-cổ. Cuối cùng là triệu hồi Thủ-Huy về để trao đại quyền.
Thủ-Huy đờ người ra suy nghĩ một lúc rồi nói :
- Bố đã để ra cả một thời niên thiếu với biết bao tâm huyết cho triều Lý. Cuối cùng thì người ta trả ơn bằng cách biến bố mẹ thành cống vật cho Tống. Mẹ con chết cũng do triều Lý mà ra. Bây giờ đất nước loạn ly, kỷ cương tan nát, họ lại gọi bố về như gọi một con chó ! Hừ ! Bố không ngu đâu. Con gọi phó sứ vào đây !
- Thưa bố để làm gì vậy ?
- Bố bảo y về nói với cái triều đình thối tha kia rằng bố quá kinh tởm chúng rồi. Bố không về.
Thúy-Thúy can :
- Thôi anh ! Làm vậy thì thỏa cơn tức đấy, nhưng đó không phải là lối hành xử của người trí.
- Thế Thúy-Thúy định sao ?
- Trừ phó sứ, bốn bồi sứ, còn lại, toàn thể nhân viên sứ đoàn đều là đệ tử phái Đông-A. Sao anh không lưu họ lại đây. Triều đình nhà Lý không thấy sứ đoàn trở về, thì cho rằng thuyền bị đắm hoặc bị bão chìm rồi. Như vậy có phải là tốt đẹp không ?
Thủ-Huy vỗ tay :
- Hay thực ! Thôi, Thúy-Thúy thay anh làm đi.
- Anh yên tâm.
Thủ-Huy chỉ Thúy-Thúy bảo Thủ-Độ :
- Khi được tin mẹ con khuất núi, sau thời gian cư tang, bố đã tục huyền với Thúy-Thúy rồi. Bây giờ Thúy-Thúy là mẹ kế của con đó.
Thủ-Độ vội quỳ gối hành đại lễ :
- Con xin ra mắt mẹ.
Thúy-Thúy cảm động đỡ Thủ-Độ dậy. Nàng bảo Hầu :
- Dù con là con, hay là cháu, thì trước sau mẹ cũng vẫn thương yêu con như xưa.
Thủ-Huy mỉm cười nhìn Thúy-Thúy:
- Báo cho con biết tin mừng. Con có hai em, một trai, một gái. Để bố gọi chúng ra cho con xem mặt.
Thủ-Huy lên tiếng gọi:
- Thủ-Minh, Như-Như đâu?
Hai đứa trẻ xinh xắn chạy ra:
- Thưa bố con đây.
Thủ-Huy chỉ vào Thủ-Độ:
- Anh của các con đấy!
Như Như mở to mắt:
- Anh Thủ-Độ hay An-Quốc?
- Thủ-Độ.
Tình nhân luân ngùn ngụt trong tâm Thủ-Độ. Hầu quàng tay ra ôm lấy hai em, rồi lặng đi một lúc. Nước mắt dàn dụa, Hầu nói với Thúy-Thúy:
- Không ngờ con có hai em dễ thương thế này đây. Cảm ơn mẹ đã cho con hai đứa em. Con sẽ yêu thương chúng, dạy dỗ chúng.
Thế rồi, trong nhà Thủ-Huy, suốt mấy tháng, cha con, anh em sống trong cái hạnh phúc nhỏ bé. Thủ-Độ luôn kể chuyện quê hương cho Thủ-Minh, Như-Như nghe. Hai trẻ suốt ngày đeo cứng bên anh.
Một hôm, Thủ-Độ đang ngồi nghe bố giảng về chiến pháp Mông-cổ, thì thân binh vào báo :
- Thưa Thiên-sứ, có bốn người bạn của tiểu chủ xin vào cầu kiến.
Thủ-Độ hỏi :
- Là những ai vậy ?
- Là bốn vương tử Hốt Tất Liệt, Bạt Đô, A Lý Hải Nha, và Ngột Lương Hợp Thai.
Thủ-Huy bảo con :
- Trong thời gian vắng con, bố thu nhận bọn Thảo-nguyên ngũ điêu làm đệ tử, luyện võ cho chúng. Chúng học binh pháp ngày đêm. Không biết con có theo kịp chúng không? Thôi con hãy ra gặp bạn cố tri đi.
Thủ-Độ đứng lên ra ngoài đón khách. Năm trẻ gặp nhau, họ reo lên ôm lấy nhau, rồi cùng hét lên những tiếng vô nghĩa.
Hốt Tất Liệt bảo Thủ-Độ :
- Thằng Hai ! Chúng ta xa nhau thoáng một cái, đã trải mười năm dư. Bây giờ phải tìm chỗ, cùng uống rượu, ăn thịt, kể cho nhau nghe những gì chúng ta đã gặp, đã làm trong thơì gian cách biệt.
A-lý Hải-nha nắm tay Thủ-Độ:
- Cách đây mấy tháng, bọn này được tin nhị ca trở lại Mông-cổ, nhưng vì phải luyện quân ở vùng sông Tây-bình, nên không về ngay được. Hôm qua, luyện quân xong, cả bốn đứa phi ngựa như gió về gặp nhị ca cho thỏa nhớ nhung.
Hốt Tất Liệt hỏi:
- Sư phụ đâu?
- ???
- Là thân phụ đệ đó.
- Ta đây.
Thủ-Huy lên tiếng:
- Các con luyện quân có gì khó khăn không?
Bốn trẻ cùng hành lễ:
- Bái kiến sư phụ.
Bạt Đô tiếp:
- Kỳ này luyện quân để công kiên, chuẩn bị đánh Kim, nên hơi vất vả. Tuy vậy bọn con cũng vượt qua được.
- Thôi các con cứ tự nhiên.
Thủ-Huy vẫy tay:
- Các con đi chơi với nhau đi.
Năm trẻ từ biệt Thủ-Huy lên ngựa ra đi.
Bạt Đô chỉ vào một ngôi nhà ẩn hiện trên đỉnh ngọn đồi không xa:
- Chúng ta lên ngôi nhà Vọng-thiên của Thành-cát Tư-hãn kia, mà đàm luận mới thú vị.
- Phải đấy.
Năm người trẻ cùng phi ngựa lên đồi. Một tiệc thịnh soạn được bầy ra. Hốt Tất Liệt cầm bình rượu rót ra năm cái chung, rồi nói :
- Nào ! Chúng ta cùng uống chung này, để đánh dấu buổi tái ngộ, sau mười năm xa cách.
Năm người đều cạn chung. Hốt Tất Liệt hỏi :
- Thủ-Độ ! Trong mười năm qua bốn chúng ta học võ với thân phụ người. Học binh pháp vơí ông nội ta. Hiện nay, chúng ta đều được phong tướng quân, hàm Vạn-phu trưởng. Rồi đây, ông nội ta sẽ phong cho người làm Vạn-phu trưởng không chừng. Chả biết trong thời gian qua, người đã học được những gì ?
- Về võ tôi được ông bà nội đích thân truyền thụ. Về văn thì tôi học với bà vợ của bác tôi. Còn binh pháp, thì tôi học với bác tôi, vơí chồng của cô tôi. Có điều binh pháp mà tôi học là binh pháp Đai-Việt, khác xa vơí binh pháp Mông-cổ. Chắc tôi không làm Vạn-phu trưởng được đâu !
Bạt Đô xua tay :
- Anh nói không đúng. Binh pháp mà chúng tôi học, đều do Thành-cát Tư-hãn với sư phụ soạn ra. Chỉ cần thân sư phụ bỏ ra hai tháng dạy anh, thì bản lĩnh của anh sẽ vượt qua chúng tôi ngay.
Ngột-lương Hợp-thai tò mò :
- Này anh Thủ-Độ ! Bọn này đều có vợ cả rồi. Vậy anh đã lấy vợ chưa ?
- Chưa ! Tuy nhiên tôi đã có người yêu. Người yêu của tôi đẹp lắm, võ công lại cao thâm khôn lường.
Rồi Hầu thuật lại mối tình của mình với Kim-Dung cho bốn người bạn nghe.
A-lý Hải-nha nghe xong, gương mặt y tỏ ra đăm chiêu :
- Nguy quá ?
- Nguy là thế nào ?
Thủ-Độ hỏi :
- Em nổi danh mưu thần, chước thánh. Chắc em nhìn ra cái nguy, trong khi tôi mù tịt.
- Đúng vậy ! Anh Hai ơi ! Cứ như anh Hai nói, thì cái tên khả ố Lý Long-Sảm say mê Kim-Dung của anh. Nó là Thái-tử, ngồi trên cương vị chủ nhân. Anh nhận chức tước của triều Lý, thì anh là bầy tôi của nó. Ví thử bây giờ, nó tâu với nhà vua, hỏi Kim-Dung cho nó, dĩ nhiên bác anh gả ngay. Bấy giờ anh đâu có lý do gì phản đối ?
Thủ-Độ phát lạnh :
- Nhưng Kim-Dung không bằng lòng lấy nó. Nàng chỉ biết có tôi thôi !
- Anh nói ! Luân lý Đại-Việt không cho con chú, con bác lấy nhau. Kim-Dung không thể mở miệng nói với cha mẹ rằng nàng yêu anh. Có đúng vậy không ?
- Đúng.
- Trong khi Long-Sảm đã ở địa vị cao quý, lại không tỵ hiềm máu mủ. Y mà cầu hôn thì bác anh thuận ngay. Tôi sợ, ngay trong lúc chúng ta ngồi đây, tên Long-Sảm đang trên đường tới Thiên-trường cưới Kim-Dung.
Bạt Đô tỏ vẻ hiểu biết hơn:
- Đệ nghĩ, Long-Sảm không cần cầu hôn, y cũng có thể đem Kim-Dung về làm vợ!
Thủ-Độ phát cáu:
- Có lý nào?
- Theo luật lệ Trung-quốc, Đại-Việt, thì tất cả con dân trong nước đều thuộc quyền nhà vua. Nhà vua muốn cho ai sống thì sống. Muốn cho ai chết thì chết. Nhà vua ưng người đàn bà nào thì cứ việc đem vào cung. Đệ nghe sư phụ thuật, trước đây vua Lý Thánh-Tông đi tuần du, gặp một thiếu nữ xinh đẹp đứng dựa gốc lan. Ngài truyền đem vào cung, phong làm Ỷ-Lan phu nhân. Ngài đâu cần hỏi ý kiến cha mẹ thiếu nữ? Bây giờ Long-Sảm cũng dùng quyền ấy, thì...Kim-Dung thành tỳ thiếp của y ngay.
Nghe Bạt Đô nói, lòng Thủ-Độ nóng như lửa. Hầu muốn mọc cánh bay về Đại-Việt tức thời.
Hốt Tất Liệt hỏi A-lý Hải-nha :
- Em có mưu gì giúp Thủ-Độ không ?
- Ngay bây giờ Thủ-Độ âm thầm lấy thuyền về Đại-Việt, rồi rủ Kim-Dung đi chơi trăng. Khi nàng xuống thuyền, ta đánh thuốc mê rồi mang sang bên này ! Thế là mọi sự tốt đẹp.
Bạt Đô cẩn thận hơn :
- Thủ-Độ phải làm cách nào xin phép sư phụ về Đại-Việt. Chứ trốn đi người sẽ sai thiết kỵ bắt lại thì hỏng bét.
- Không khó ! Thành-cát Tư-hãn đang muốn chuyển mấy Vạn-phu về biên giới Kim. Chúng ta cùng tình nguyện đi. Anh Cả xin Thành-cát Tư-Hãn cho Thủ-Độ đi theo làm quân sư. Chúng ta tới Kim, thì để Thủ-Độ lấy thuyền về Đại-Việt.
- Không nên.
Ngột-lương Hợp-thai xua tay : Như vậy chúng ta nói dối sư phụ, nói dối Thành-cát Tư-hãn sao?
Thủ-Độ quyết định:
- Khi gặp đường cùng, thì cũng phải tòng quyền, chứ biết sao được.
Đến đó thân binh vào báo:
- Thành-cát Tư-hãn giá lâm.
Hốt Tất Liệt hô Thảo-nguyên ngũ điêu ra đón. Thành-cát Tư-hãn cùng Thiên-sứ Thủ-Huy, Cửu đại sơn điêu, Cửu đại thiết lang, dùng ngựa thủng thỉnh lên đồi.
Ghi chú của thuật giả:
Trong bộ Mông-cổ dật sử của Lý Khánh viết vào niên hiệu Diên-hựu nguyên niên đời vua Nhân-tông nhà Nguyên (Giáp Dần 1314) và bộ Thái-tổ cảo lục của Hoàng-phủ Đức viết vào niên hiệu Chí-trị thứ ba đời vua Anh-tông nhà Nguyên (Quý Hợi, 1323) thì :
Cửu đại sơn điêu là chín đại tướng khai quốc công thần của Mông-cổ, sau đều được phong thân vương. Chính Thành-cát Tư-hãn truyền làm chín cái răng cưa trên quốc kỳ Mông-cổ, rồi móc chín cái đuôi sơn ngưu lên, tượng trưng uy quyền của chín vị tướng này. Chín tướng xếp theo thứ tự là :
1. Bác Nhĩ Truật.
2. Tốc Bất Đài.
3. Mộc Hoa Lê.
4. Xích Lão Ôn.
5. Gia Luật Mễ.
6. Triết Biệt.
7. Bác Nhĩ Hốt.
8. Dược Sơ Đài.
9. Bác Khô La.
Chín thân vương này chỉ huy chín binh đoàn Lôi-kỵ của Mông-cổ. Người Trung-hoa thù hận Mông-cổ, họ gọi quốc kỳ Mông-cổ là Cửu mao đại đạo (Chín cái lông của bọn cướp).
Cửu đại thiết lang. Tức chín con sói xám. Người Mông-cổ tự cho mình là giòng dõi của sói xám, cũng như người Việt mình xưng là con Rồng cháu Tiên vậy. Thành-cát Tư-hãn ban cho bốn em (Ông chỉ có ba em, nhưng nhận Lý Long-Tùng làm em nuôi), bốn con, con rể, mỹ danh Cửu đại thiết lang, theo thứ tự :
1. Lý Long-Tùng tên Tây-phương phiên âm thành Shevongton.
2. Biên Gô Đài.
3. Cát Xa.
4. Tê Mô Gu.
5. Truật Xích.
6. Oa Khoát Đài.
7. Sát Hợp Đài.
8. Đà Lôi.
9. Đô Gu Sa.
Chín người trong Hoàng-tộc này, mỗi người chỉ huy một binh đoàn, gọi là Thân-binh.
Lễ nghi tất.
- Ta có một cuộc nghị sự quan trọng.
Thành-cát Tư-hãn ban chỉ: Năm trẻ cũng nên tham dự, để biết rõ tình hình. Cuộc nghị sự này mục đích thiết kế đánh Kim, rồi cai trị như Nãi-man, Khắc-liệt.
Cuộc họp bắt đầu.
Thành-cát Tư-hãn, Thủ-Huy, Cửu đại sơn điêu, Cửu đại thiết lang im lặng nghe Khu-mật viện trình bầy tình hình Kim. Nào tình hình trong triều, nào tình hình phòng thủ, nào tình hình dân chúng.
Nghe xong Tư-hãn hỏi Thủ-Huy:
- Xin Thiên-sứ cho biết ý kiến!
- Gốc của Kim vốn thuộc tộc Nữ-chân. Sau thời gian chiếm Hoa Bắc, họ bị tộc Hán đồng hóa. Bây giờ Hán là Kim, Kim là Hán. Dân chúng cả Hoa Bắc đều là dân Hán. Ta khai chiến với triều đình Kim, có nghĩa là khai chiến với tộc Hán trên toàn Hoa-Bắc. Tộc Hán có nền văn minh cổ, dân họ lại quá đông. Nếu chúng ta đánh Kim, chiếm đất, rồi cai trị họ như cai trị Khắc-liệt, Nãi-man thì nguy hiểm vô cùng.
Mộc Hoa Lê kinh ngạc:
- Không lẽ binh lực chúng ta hùng mạnh như thế này, mà không cai trị nổi dân Hán ư?
- Tôi không nói nguy hiểm vì quân Kim mạnh. Mà nguy hiểm vì chúng ta quá ít người, không thể cai trị một nước đông gấp ba mươi mình. Ví dù ta cai trị họ, thì một huyện, giỏi lắm ta có mười người. Hỏi với mười người ta có đủ sức bắt họ nói tiếng Mông-cổ không? Ta có đủ bắt họ phải theo phong tục ta không? Dĩ nhiên là không. Ngược lại, người của ta sống lẫn với dân họ, sẽ nói tiếng Hán, bắt chước văn minh của Hán, lấy vợ Hán. Như vậy chỉ cần năm chục năm, chúng ta thành người Hán hết. Cái gương của tộc Khất-đan trước mắt. Tộc Khất-đan ít người, nhờ hùng mạnh mà chiếm được nửa nước Tống, thành lập nước Liêu, rồi không đầy trăm năm, thì bị đồng hóa. Gần đây, tộc Nữ-chân cũng đi vào vết xe đổ của tộc Khất-đan. Sau khi thắng Liêu, cai trị Hoa-Bắc không đầy năm chục năm, mà gần như bị đồng hóa. Huống hồ nay, dân Thảo-nguyên của ta vốn do nhiều bộ tộc phức tạp hợp thành Mông-cổ. Thế mà ta chiếm Kim, rồi cai trị thì sẽ bị đồng hóa nhanh lắm.
Thành-cát Tư-hãn gật đầu, công nhậïn lý luận của Thủ-Huy là đúng. Ông quyết định:
- Chính vì lẽ đó, mà suốt bao năm qua, tôi ưu tư ngày đêm. Cũng chính vì lẽ đó, mà hôm nay tôi họp các vị là những người thân cận nhất để quyết định.
Mọi người cùng im lặng nghe.
- Trước đây, Liêu mạnh hơn Tống nhiều, mà tại sao Liêu không chiếm hết đất Tống? Họ cứ lấn chiếm như tằm ăn dâu ? Cứ mấy năm lại đòi thêm một quận, hoặc chiếm một tỉnh? Gần đây Kim mạnh hơn Tống, rồi cũng không diệt Tống ? Lý do nào Liêu, Kim lại hành động như vậy?
Cử tọa im lặng, suy nghĩ, một khắc trôi qua. Thủ-Độ đứng dậy:
- Cháu có một vài kiến giải.
Thành-cát Tư-hãn là một danh nhân Trung-quốc đứng hàng đầu về việc biết người, biết nghe lời phải. Vì vậy, ông thấy một thiếu niên chưa có chức tước gì, mà dám đứng lên xin phát biểu, trong khi có gần trăm người dầy kinh nghiệm, còn đang ngồi suy nghĩ. Như vậy ý kiến đó không thể tầm thường được. Ông khuyến khích :
- Trong buổi họp này, không phân tuổi tác, thứ bậc, chức tước. Ai có ý kiến gì cứ thẳng thắn phát biểu. Cháu nói đi.
- Trước đây, sau khi thắng Nãi-man, Tư-hãn thấy rằng trong tất cả các tộc vùng Thảo-nguyên, thì Nãi-man là tộc có một nền văn minh cao nhất. Nên Tư-hãn nảy ra ý định trộn lẫn sắc dân Mông-cổ với Nãi-man, để dân Mông-cổ hấp thụ được văn minh mới. Việc này Tư-hãn đã thành công .
Mọi người cùng ngơ ngác không hiểu rõ ý Thủ-Độ. Duy Thành-cát Tư-hãn lại gật đầu, ngụ ý rằng Thủ-Độ hiểu ý ông. Ông khuyến khích:
- Cháu tiếp đi.
- Khi chinh phục Tây-hạ, trước văn minh của họ, Tư-hãn thấy một phương trời mới mở rộng ra : Văn minh Tây-hạ bỏ xa văn minh Nãi-man. Mà văn minh Tây-hạ chính là văn minh Hoa-hạ. Tư-hãn nghĩ rằng: Binh lực Mông-cổ tuy hùng mạnh thực, nhưng liệu có hùng mạnh mãi không? Một ngày kia, uy thế ta chùn nhụt đi, hoặc các nước xung quanh tổ chức lại quân đội, ta không còn thắng họ nữa. Bấy giờ ta lại trở về với chăn nuôi, lều trại, với khí hậu lạnh cắt da. Ta vẫn bị coi là Hung-nô, là Bắc-Địch. Vậy thì nay, sức mạnh của ta đang như núi lở băng tan. Tại sao ta không chiếm lấy một vùng đất của tộc Hán được gọi là bờ xôi, giếng mật... rồi di chuyển dân Thảo-nguyên về sống ở đấy. Việc làm này có hai điều lợi. Một là trộn lẫn sắc dân Thảo-nguyên khỏe mạnh, với sắc dân thông minh, có trình độ văn hóa cao của tộc Hán. Hai là dân Thảo-nguyên được sống trong vùng khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú. Đó là điều mà Liêu, mà Kim đã làm. Họ đã thành công.
Thủ-Độ ngừng lại một lát rồi tiếp:
- Nay toàn thể các nước vùng Thảo-nguyên đã bị ta chiếm. Vì vậy Kim sợ ta. Họ cần phải kiềm chế ta. Hiện họ đang chuẩn bị ra quân. Như vậy trước sau gì họ cũng phải đánh ta. Cái thế của ta với Kim bây giờ không thể cùng đứng. Ta không đánh Kim, thì Kim cũng đánh ta. Vậy sao bằng ta đánh Kim trước.
Cử tọa vỗ tay hoan hô ý kiến Thủ-Độ. Thủ-Độ tiếp :
- Cháu nghĩ, đầu tiên ta tiến đánh mấy vùng gần Vạn-lý Trường-thành, tiến về Yên-kinh. Ta cắt Kim thành nhiều vùng nhỏ. Vùng Liêu cũ, ta cho trung hưng nước Liêu, đặt làm chư hầu, dùng Liêu kiềm chế Kim. Vùng đất cũ của Kim ta vẫn để cho Kim tự tồn, ta cũng đặt một triều đại Kim. Ta dùng Kim kiềm chế Liêu. Còn lại các vùng thuộc Trung-quốc, ta chiếm lấy Sơn-tây, Hà-Bắc, Sơn-Đông, di chuyển dân ta vào lập nghiệp ở đó.
Nghe Thủ-Độ trình bầy, Thành-cát Tư-hãn đừng dậy nắm lấy tay Hầu:
- Cháu hiểu tới tận tâm can của ta. Nhưng có điều, chúng ta họp nhau ở đây, toàn là những người tâm huyết với nhau cả thì nói ra được. Còn đối với thiên hạ, ta không thể công bố ý định đó lúc này. Ta cần phải có cái cớ gì đó, đem nói với các Đại-hãn, Khã-hãn, các nhà quý tộc bây giờ?
Nói đến đây, Thành-cát Tư-hãn đưa mắt nhìn Thủ-Huy như hỏi ý kiến về quyết định của mình. Thủ-Huy đứng dậy nói:
- Thưa Tư-hãn dễ thôi! Ta công bố rằng: Ý Tư-hãn muốn ra quân phạt Kim, vì trong quá khứ, Kim ỷ là nước lớn, tự coi mình là con trời, luôn đem quân tấn công các bộ tộc vùng Thảo-nguyên, bắt phải phục tùng. Vì vậy ý của Tư-hãn trong cuộc ra quân này như muốn nói với người Hán: Bọn bay không phải là con trời. Đất nước bọn bay không phải là trung tâm thiên hạ. Như vậy được không ?
Thành-cát Tư-hãn gật đầu tỏ ý hài lòng về điều Thủ-Huy nói. Thủ-Huy đưa mắt cho Thủ-Độ. Thủ-Độ tiếp:
- Ta hiệu triệu các Đại-hãn, Khả-hãn rằng: Cuộc ra quân này hết sức quan trọng. Nếu như ta thắng Kim, thì dân chúng khắp thiện hạ sẽ bừng tỉnh: Người Hán không phải là con trời. Tương lai, sẽ có nhiều nước đem quân đánh Trung-nguyên. Còn như ta bại, người Hán sẽ kiêu hơn: Bọn mọi rợ chúng bay không thể nào chiếm được đất của con trời. Dân chúng khắp nơi cũng sẽ tin như thế. Sau này, người Hán sẽ đem quân đánh chúng ta, bắt chúa ta quỳ gối trước họ. Cháu xin nói ra một điều tế nhị. Có thể Tư-hãn không vui lòng.
- Cháu cứ nói.
- Mông-cổ ta, mới lập quốc, các Đại-hãn tuy phục tùng, nhưng trong lòng họ cũng vẫn còn mong muốn anh hùng một cõi. Ta mà bại, thì các Đại-hãn sẽ nổi lên dành lại chủ quyền. Mông-cổ e không còn nữa. Bọn Kim nhân đó dụ dỗ , phong chức tước cho các Đại-hãn... Thảo-nguyên sẽ bị chia thành hằng trăm bộ tộc nhỏ bé. Chúng muốn đánh thì đánh, chúng muốn giết thì giết. Cho nên bất cứ giá nào, ta cũng phải thắng. Bại thì chết hết. Đất nước không còn, bản thân chết thảm, vợ con làm tôi tớ cho người. Vậy thì thế này...
Thủ-Độ ngừng lại, nhìn chư tướng một lượt:
- Khi chúng ta ra quân, phải dốc hết lực lượng. Ta dốc hết lực lượng đi viễn chinh, lỡ ở nhà các Đại-hãn làm phản thì sao? Cháu nghĩ: Ta bắt tất cả các Đại-hãn theo chỉ huy quân của họ, bắt họ phải mang cả vợ con đi.
Các tướng gật đầu tỏ ý khâm phục.
Thành-cát Tư-hãn hướng vào chư tướng:
- Vậy chúng ta tiến quân ra sao? Đánh như thế nào?
Tốc Bất Đài phát biểu:
- Thưa Tư-hãn, ta hiện có 20 vạn Lôi-kị, mỗi Lôi-kị có hai ngựa. Cộng với ngựa, lừa, trâu, bò kéo xe chuyên chở, như vậy ta có tới hơn trăm vạn thú vật phải nuôi. Ngoài ra còn có vợ, con, gia đình đi theo, cũng tới trên 60 vạn nữa. Có phải thế không?
- Đúng vậy. Với 20 vạn Lôi-kị quyết chiến, thì ta chiếm Kim thực dễ dàng.
- Thưa Tư-hãn, vấn đề quyết chiến, thì quân, tướng của ta đều can trường, dù chết không từ nan. Vấn đề quyết thắng, thì với đội Lôi-kị của ta, quân Kim không thể đương nổi. Nhưng có ba vấn đề rất khó khăn.
Thành-cát Tư-hãn hỏi:
- Hiền đệ! Ba vấn đề đó là ba vấn đề gì vậy?
- Vấn đề thứ nhất là giữa Thảo-nguyên vơí Kim cách nhau bởi dẫy Vạn-lý Trường-thành. Vạn-lý Trường-thành quá cao, quân phòng thủ lại nghiêm mật. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua?
Thành-cát Tư-hãn cau mặt lại, tỏ vẻ đăm chiêu:
- Còn vấn đề thứ nhì?
- Vấn đề thứ nhì là phía trong Vạn-lý Trường-thành dân cư đông đúc, không có những cánh đồng cỏ mênh mông. Trong khi quân của ta toàn là quân kị, nay với một lực lượng ngựa đông như vậy, làm sao có thể cung ứng đủ cỏ cho chúng ăn? Không lẽ ta phải vận tải cỏ khô từ Thảo-nguyên, vượt 1400 dặm để nuôi ngựa?
Các tướng đều mặt nhìn mặt, tỏ vẻ ngao ngán.
Thành-cát Tư-hãn hỏi:
- Vấn đề thứ ba là?
- Chúng ta vượt qua 1400 dặm mới tơí Vạn-lý Trường-thành, rồi từ Vạn-lý Trường-thành, còn phải qua biết bao nhiêu đường đất nữa, thì làm sao có thể vận chuyển lương thực cho đội quân 20 vạn, với hơn 60 vạn thành phần gia đình, nô bộc? Ấy là không kể giặc có thể chặn đường tiếp tế lương thảo của ta.
Thành-cát Tư-Hãn đưa mắt hỏi chư tướng. Các tướng Mông-cổ hầu hết là những chiến tướng. Họ chỉ giỏi điều quân, xung phong hãm trận. Còn những vấn đề phức tạp như vậy thì họ không nghĩ ra.
Dưới này, Thảo-nguyên ngũ điêu cũng đưa mắt nhìn nhau. Hốt Tất Liệt hỏi A-lý Hải-ha:
- Ngũ đệ! Người vốn nhiều mưu, lắm mẹo, người thử nghĩ xem, có cách nào vượt qua ba vấn đề đó không?
A-lý Hải-nha lắc đầu. Trong khi đó Thủ Độ ung dung mỉm cười. Hầu dùng Lăng-không truyền ngữ hỏi cha:
- Bố! Tại sao bố im lặng như vậy? Không lẽ bố chịu khuất phục ba trở ngại đó ư?
- Dĩ nhiên là bố tìm ra sách lược rồi. Nhưng con ơi, Tư-hãn chỉ muốn đánh phá, tàn sát người Hán mà thôi. Vì bố không muốn dùng người Mông-cổ giết người Hoa, nên bố im lặng. Con nghĩ sao?
- Con nghĩ, ta nên xui Mông-cổ kết thân với Tống. Tống đánh từ dưới lên, Mông-cổ đánh từ trên xuốn, thì Kim phải bại. Mông-cổ diệt Kim rồi, tất tiến xuống đánh Tống. Khi chiến tranh Tống-Mông xẩy ra, ta đem quân Bắc tiến, chiếm lại cố thổ bị mất từ thời vua Trưng.
- Nhưng con ơi! Cái triều đình thối tha Tiêu-sơn kia, giữ nhà, bắt cướp còn không xong, thì hy vọng gì Bắc-tiến.
- Bố ơi! Mông-cổ có diệt được Kim ít ra cũng hàng chục năm nữa. Bấy giờ thì bố con ta đã quét sạch bọn hôi tanh triều Lý, lập lên một triều đình khác rồi...
- Vậy thì con phát biểu ý kiến đi, cho Thành-cát Tư-hãn nể thiếu niên Việt.
Nghe bố nói, Thủ-Độ đưa mắt nhìn Thành-cát Tư-hãn, hầu mỉm cười. Thành-cát Tư-hãn vốn có tài xét đoán người vào bậc nhất trong lịch sử Trung-quốc. Qua những ý kiến thiếu niên này vừa trình bầy, thực không một thân vương, đại tướng nào của ông có thể theo kịp. Bây giờ chỉ liếc qua nụ cười của Thủ-Độ, ông đã đoán rằng thiếu niên này có kế sách giúp ông thoát ra ngoài ba khó khăn trên. Ông hỏi Thủ-Độ:
- Cháu Thủ-Độ! Cháu có kỳ mưu diệu kế gì, thì cứ mạnh dạn trình bầy.
Thủ-Độ đứng dậy, cung tay:
- Thưa Tư-hãn! Cháu nghĩ rằng ba cái khó khăn mà chú Tốc Bất Đài vừa nêu ra, ta có thể vượt qua, không khó khăn cho lắm.
Từ Thành-cát Tư-hãn cho tới chư tướng đều kinh ngạc về lời phát biểu của Thủ-Độ. Ông khuyến khích:
- Cháu nói thử...
- Thưa Tư-hãn, quân Kim hiện đồn trú làm hai khu vực. Một là phía Bắc để phòng ta. Các đạo quân này đóng trong khoảng 100 dặm ở phía Đông và Nam Yên-kinh, và từ Yên-kinh lên Trường-thành. Hai là ở phía Bắc sông Trường-giang để phòng Tống, uy hiếp Tống. Khi ta ra quân, đầu tiên ta gặp sức kháng cự của các đạo quân phía Bắc. Dĩ nhiên ta đánh bại các đạo quân này. Bấy giờ Kim sẽ điều các đạo quanh Yên-kinh và phía Nam lên cứu viện. Ta phải đánh với toàn bộ quân Kim. Vậy ta nên liên kết với Tống, để Tống cầm chân các đạo quân phía Nam của Kim.
Mộc Hoa Lê xua tay :
- Nhưng Tống hèn quá ! Liệu họ có dám ra quân không ?
- Cháu cũng nghĩ đến điều đó rồi. Ta sai sứ sang Tống, nói rõ chủ ý của ta là trừng phạt bọn rợ Nữ-chân hỗn láo, trả thù cho các tiên đế bị chúng chém giết, làm nhục. Vậy Tống cũng nên nhân đó ra quân, thu hồi đất cũ, rửa cái nhục bị tiến cống hàng năm. Dĩ nhiên Tống hứa, rồi ngồi chờ. Nếu ta bại, thì họ ngồi im. Còn như khi họ thấy ta thắng, tiến về vây Yên-kinh, nhất định họ sẽ ra quân.
Cử tọa đều gật đầu tỏ ý khen ngợi Thủ-Độ nhìn xa.
- Thế còn ba cái khó khăn vừa bàn ?
Thành-cát Tư-hãn hỏi :
- Làm sao vượt qua được ?
- Trước hết là làm sao có thể vượt Vạn-lý Trường-thành. Điều này không khó. Ta cho Tế-tác thám thính dọc Vạn-lý Trường-thành xem nơi nào địch ít quân phòng vệ, phía ngoài không có hào, dễ leo lên. Rồi thình lình trong đêm, ta cho một Vạn-phu xuất hiện. Mỗi kị binh của ta đều mang một túi đựng đất, ném dưới chân thành. Rồi cho quân leo lên. Khi quân Tống thấy quân ta, ít ra cũng phải hơn giờ mới tập họp được binh sĩ, chúng ì ạch leo lên mặt thành. Chỉ cần thơì gian một giờ, ta có cả vạn người lên mặt thành, rồi đánh tòa ra hai bên. Bấy giờ quân Kim sẽ kinh hoàng, ta tiến tơí chiếm các cổng thành, mở ra cho đại quân tiến vào.
Nghe Thủ-Độ nói, cử tọa hoan hô không ngừng.
Mặt Thành-cát Tư-hãn tươi hồng hẳn lên:
- Giỏi! Thế còn cái khó khăn thứ hai, thứ ba ?
- Khó khăn thứ nhì là cỏ cho ngựa ăn. Khó khăn thứ ba là lương thực cho quân, cho gia đình. Xưa nay, các đội quân chinh chiến ngoài đất nước mình thường gặp cái khó khăn này. Cuộc chiến thành hay bại đều do lương thảo. Như tại Đại-Việt; Quách Quỳ, Triệu Tiết , Yên Đạt, Tu Kỷ tài ba là thế, trăm triệu quân thiện chiến là vậy, mà chỉ vì vận tại lương thực xa xôi, khiến quân bị đói, rồi thất bại.
Mộc Hoa Lê ngắt lời :
- Cháu Thủ-Độ ! Trong những lúc chúng ta đàm luận với nhau, ai cũng nghi hoặc cái vụ này. Ta nghe nói, Tống dùng tới 60 vạn Bảo-binh vận lương, thế mà không đủ nuôi 40 vạn chiến binh là tại sao ?
- Thưa chú, lương thảo của Tống phải vận từ Kinh-hồ, Lưỡng Quảng sang Đại-Việt. Họ phải vượt qua quãng đường từ 1500 dặm đến 3000 dặm. Với quãng đường đó, họ phải đi trong 30 đến 40 ngày. Thành ra số lương họ vác trên vai, chính họ ăn hết một nửa rồi.
Gia Luật Mễ thở dài :
- Nay ta cũng lâm vào trường hợp đó. Vậy cháu có diệu kế gì thoát ra khỏi không ?
- Thưa chú có.
Thủ-Độ khẳng định :
- Như trên cháu đã trình bầy, ta đóng quân trên một vùng rộng. Ta áp dụng ba sách lược khác nhau. Một là, đi đến đâu ta cũng tuyên cáo vơí dân chúng rằng, ta đến đây để diệt tụi rợ Nữ-chân, tụi Kim. Vậy người Hán hãy nổi lên giúp ta diệt bọn chúng. Thành nào, đồn nào mở cửa đầu hàng, thì sẽ được bảo vệ. Còn thành nào, làng nào chống cự, khi quân ta vào thì sẽ san bằng thành quách, nhà cửa đốt sạch. Còn người thì giết tuyệt ; dù già, dù trẻ, dù chó, dù mèo. Hai là, ta tuyên bố tha hết các loại thuế mà Kim bắt đóng. Ngược lại ta cho gia đình, quân sĩ đóng lẫn với dân, bắt dân phải cung ứng lương thảo, phải chăn ngựa, phải cắt cỏ cho ngựa ăn, phải tắm ngựa. Bây giờ đang tiết Xuân, lúa con gái xanh tươi, nếu dân không cắt đủ cỏ cho ngựa ăn, ta cứ thả ngựa ra cánh đồng lúa. Họ sợ lúa bị ăn thì phải cung ứng đủ cỏ. Ba là, khi chiếm được thành nào, ta bắt trai tráng xung vào đội thân binh, rồi dùng chính thân binh canh gác những nơi ta chiếm được.
Hoàng-tử Sát Hợp Đài lắc đầu :
- Dùng bọn này giữ nơi chiếm được, có nguy hiểm không ? Lỡ chúng phản thì sao ?
- Chúng không thể phản, cũng không dám phản.
Thủ-Độ khẳng định :
- Ta áp dụng biện pháp con tin. Tỷ như đội thân binh gốc người huyện này, thì ta dùng chúng canh gác huyện khác. Ta nói cho chúng biết rằng, bố mẹ, vợ con họ trong tay ta. Họ mà phản thì ta giết tuyệt, không tha. Như vậy đời nào chúng dám trở giáo ?
Cử tọa vỗ tay hoan hô.
Ghi chú của thuật giả:
Suốt 800 năm qua, các sử gia Trung-quốc, Trung-Đông, Nhật-bản, Tây-phương cứ thắc mắc không biết ai đã đưa ra chính sách vừa cứng, vừa mềm, khiến quân Mông-cổ đi đến đâu, dân chúng chống lại quân giữ thành mở cửa cho họ vào. Họ được dân chúng cung ứng lương, thảo, mà không cần vận tải từ trong nước ra.
Khiến dân Mông-cổ không phải chịu chiến phí.
Sau này nhiều đội quân viễn chinh Âu-châu cũng học theo sách lược này, khiến họ chiếm các thuộc địa dễ dàng. Chỉ độc giả Anh-hùng Đông-A mới biết sách lược này ra đời lúc nào, trường hợp nào, do ai là tác giả.
Ngược lại, tại sao cũng sách lược này mà quân Mông-cổ, quân Minh, quân Thanh, và quân Pháp từng áp dụng tại Việt-Nam lại thất bại ? Độc giả đọc các hồi sau, sẽ thấy Hưng-Đạo vương là người đã tìm ra kế phá sách lược này.
Thành-cát Tư-hãn quyết định :
- Bây giờ chúng ta chuẩn bị để có thể ra quân. Vậy phải tiến như thế nào ? Các tường hãy suy nghĩ một lát rồi cho ta ý kiến.
Phòng họp yên lặng, không một tiếng động. Thủ-Huy dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Thủ-Độ :
- Con có ý kiến thì cứ phát biểu. Vụ này bố không mấy thích thú, bố ngậm miệng, mũ ni che tai.
- Thưa bố, con có nên nói hết những suy tư của con ra không ?
- Nếu con không nói thì thôi. Còn như con muốn nói, thì nói ra hết. Nói ra cho họ sợ thiếu niên Việt.
Sau một khắc im lặng, Thành-cát Tư-hãn ra lệnh :
- Bây giờ trước hết Bác Nhĩ Hốt hãy trình bầy tình hình quân Kim đồn trú từ Yên-kinh tơí Trường-thành.
Thủ-Huy là người trực tiếp coi Khu-mật viện. Bác Nhĩ Hốt là Khu-mật viện phó sứ, là tướng phụ trách về Tế-tác (Ghi chú : Ngày nay miền Bắc là Cục quân báo, miền Nam là Phòng-nhì). Ông đứng lên trình bầy :
- Trước hết nói về Trường-thành. Trường-thành được khởi xây vào thời vua Thủy-Hoàng nhà Tần. Mục đích để chống lại các cuộc tấn công của những bộ tộc vùng Thảo-nguyên chúng ta, mà chúng gọi là Hung-nô. Người chỉ huy xây là Vạn-tín hầu Lý Thân, một đại tôn sư võ học Đại-Việt.
Từ Thành-cát Tư-hãn cho tơí bọn Thảo-nguyên ngũ điêu đều đưa mắt nhìn cha con Thủ-Huy. Hốt Tất Liệt Hỏi:
- Sư phụ! Chắc hồi đó Tần Thủy-Hoàng cũng mời Vạn-tín hầu lên Thảo-nguyên săn bắn như ông nội mời sư phụ, rồi nhờ ngài xây thành chăng?
Cử tọa cùng bật cười vì câu hỏi ngộ nghĩnh. Thủ-Huy chỉ Thủ-Độ:
- Con hãy nói về uẩn khúc lịch sử này cho sư huynh nghe đi.
Thủ-Độ đưa mắt nhìn cử tọa một lượt rồi khoan thai kể:
- Trường-thành còn có tên là Vạn-lý Trường-thành. Nguyên vào thời Chiến-quốc, ba nước Tần, Triệu, Yên đều có biên giới phía Bắc tiếp giáp với vùng Thảo-nguyên của chúng ta. Bị các bộ tộc Thảo-nguyên luôn đem quân vào cướp phá, mà ba nước không có cách gì chống trả. Họ mới xây những bức thành dọc theo biên giới cho quân thủ ở trong mà phòng ngự. Đến thời Tần Thủy-Hoàng, các bộ tộc Thảo-nguyên càng trở nên hùng mạnh. Hàng ngày kéo vào đánh phá Trung-nguyên khủng khiếp lắm. Triều Tần mới nghị xây những đoạn thành mới, nối ba đoạn của Yên, Triệu, Tần lại, làm kế phòng thủ. Phía Tây bắt đầu từ Lâm-thao. Phía Đông tới Liêu-Đông. Người đứng ra đốc thúc xây cất là Thái-tử Phò-Tô với tướng Mông-Điềm. Nhưng người thiết kế xây cất lại là Vạn-tín hầu Lý Thân, tổ sư của phái Long-biên, sau là phái Mê-linh của Đại-Việt.
Triều đình Mông-cổ hầu hết là những tướng lãnh, xuất thân từ thảo dã, rất ít người biết chữ, thì sao có thể đọc sách? Sao có thể biết về một giai đoạn lịch sử rất xa xưa, rất bí ẩn như vậy? Trước đây họ chỉ biết rằng phò-mã Trần Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi là người Đại-Việt, võ công cao siêu, kiến thức uyên bác, là khách của Mông-cổ. Nhân hai người có ơn với Mông-cổ, rồi Thành-cát Tư-hãn mời lên săn bắn. Hai vị giúp Mông-cổ đánh Khắc-liệt, lập quốc. Họ không bao giờ ngờ hơn nghìn năm trước đã có một người Việt giúp Tần Thủy-Hoàng xây Vạn-lý Trường-thành. Họ lắng tai nghe Thủ-Độ thuật.
Trong những người ngồi nghe, thì Thảo-nguyên ngũ điêu là những thiếu niên được Thúy-Thúy dạy chữ Hán, đọc sách Hán, hiểu về văn học, lịch sử, triết học Trung-hoa rất sâu sa. Hốt Tất Liệt hỏi:
- Nhị đệ! Trước đây, các bộ tộc vùng Thảo-nguyên thường lưu truyền một huyền thoại rằng, ngài Lý Thân mình bằng sắt, thân cao hơn trăm trượng, tay cầm thanh kiếm nặng vạn cân. Người giúp Tần Thủy-Hoàng chống lại các bộ tộc vùng Thảo-nguyên. Sự thật thế nào? Huynh nghe nói Vạn-tín hầu là người thiết trí, cũng như xây cất Loa-thành ở Đại-Việt. Nhị đệ hãy thuật chi tiết về việc ngài sang sứ Tần cho mọi người biết rõ hơn.
- Chuyện như thế này!
Thủ-Độ nhắc lại việc Vạn-tín hầu cùng đệ tử sang sứ Tần một lượt. Rồi kết luận: Sau khi Vạn-tín hầu qua đời, các bộ tộc Thảo-nguyên lại vào cướp phá. Tần Thủy-Hoàng sai làm một tượng bằng sắt khổng lồ, trong bụng có cơ quan, để trên thành. Mỗi khi các kỵ mã Thảo-nguyên đến cướp phá, thì cho quân chui vào bụng tượng, vận chuyển cơ quan. Tượng múa tay, vung chân như người thực. Các kỵ mã Thảo-nguyên tưởng ngài còn sống, họ bỏ chạy... Về việc xây thành, thì chính ngài là người thiết kế, rồi chỉ huy xây Loa-thành ở Đại-Việt. Cũng chính ngài thiết trí xây Vạn-lý Trường-thành.
- Thôi ! Thủ-Độ trình bầy tiếp về Vạn-lý Trường-thành đi.
- Tuân chỉ Tư-hãn.
Thủ-Độ ứng lời:
- Thành xây bằng đá. Trung bình cao từ 4 trượng tơí 6 trượng (6-12 mét). Rộng trung bình 2 tơí 5 trượng (4-10 mét). Trên mặt thành có bức tường đá cho quân sĩ nấp ở trong chống lại cuộc công thành. Cứ trung bình một quãng lại có một cái tháp, hay một Phong-hỏa đài, để quân trú phòng quan sát tình hình bên ngoài. Khi có quân tới tấn công thì đánh trống báo động hoặc đốt Phong-hỏa đài lên, gọi viện quân tới. Thành có nhiều cửa thông ra vùng Thảo-nguyên. Cửa rất rộng, thường mở ra cho dân chúng hai vùng thông thương.
Thành-cát Tư-hãn nhắc:
- Lịch sử cái thành này từ hồi Thủy-Hoàng cho đến nay ra sao?
- Về sau, hai triều Tây, Đông Hán, Tấn luôn tu bổ, nhưng quy mô vẫn giữ nguyên. Đến đời Bắc Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu cho tới Tùy, Đường lại một lần nữa tu bổ, nhưng không giữ nguyên quy mô cũ. Chiều dài của thành trên dưới 5 nghìn dặm ( Ngày nay, kể từ Gia-cốc quan tới Sơn-hải quan dài 2379 cây số).
Ghi chú của thuật giả:
Về tiểu sử Vạn-tín hầu Lý Thân, người xây thành Cổ-loa, Vạn-lý Trường-thang, xin độc giả xem hồi thứ 5, AHĐA, Dựng cờ bình Mông.
Thành-cát Tư-hãn nhắc Bác Nhĩ Hốt:
- Hiền đệ tiếp tục nói về tình hình Kim.
- Tuân chỉ.
Bác Nhĩ Hốt tiếp:
- Biên giới phía Tây, giữa hai lớp thành, Kim chỉ có hai đạo quân phòng thủ. Vì sau lớp thứ hai của Trường-thành là những vùng núi non của Sơn-Tây. Từ xưa đến giờ, quân của các bộ tộc Thảo-nguyên, chỉ vượt qua lớp thứ nhất cướp phá rồi về, chứ chưa một lần nào vượt qua lớp thứ nhì. Vì, sau lớp thứ nhì là vùng núi non trùng điệp, dân cư thưa thớt, nghèo khổ. Còn biên giới về phía Đông, Vạn-lý Trường-thành chỉ có một lớp. Sau lớp Vạn-lý Trường-thành 400 dặm bình nguyên là tới Yên-kinh. Nên Kim đặt một lực lượng trú phòng khá đông.
Mộc Hoa Lê hỏi :
- Lực lượng từ Yên-kinh tới vùng phía Đông Vạn-lý Trường-thành có bao nhiêu người ?
- Dọc Vạn-lý Trường-thành, Kim có mười đạo binh, khoảng 10 vạn người, trực tiếp trấn thủ. Phía Đông Yên-kinh có 10 đạo, phía Nam có 10 đạo. Tổng cộng 30 vạn. Đây là những đạo binh thiện chiến, trang bị đầy đủ nhất. Đa số là bộ binh, rất ít kị binh. Về khả năng lưu động thì khi có sự, sau một ngày các đạo binh có thể di động ứng chiến. Nếu ta tấn công Vạn-lý Trường-thành thì sau ba ngày, các đạo phía Bắc có thể tới cứu. Còn các đạo phía Đông, Nam của Yên-kinh dù huy động nhanh nhất, thì cũng phải mười ngày mới tới nơi.
Triết Biệt đứng lên phát biểu :
- Ta phải âm thầm ra binh, mới có ưu điểm bất ngờ. Đúng như Thủ-Độ luận, nếu ta tiến đánh biên giới phía Đông-Bắc thì khi ta khởi chiến, chỉ ba giờ sau, ta đã làm chủ Vạn-lý Trường-thành, rồi tiến về phía Nam. Với sức ngựa của ta, sáu giờ sau ta đã tới Yên-kinh. Bấy giờ, có khi quân Tống chưa kịp đánh thức chúa tướng. Ta để một số quân vây đánh Yên-kinh. Còn lại, tỏa ra khắp nơi... Theo như tin tức Bác Nhĩ Hốt trình bầy thì có ba cửa Trương-gia khẩu, Xích-thành khẩu , Hậu-thành khẩu là dễ đánh. Phía sau các cửa này là những con lộ lớn tiến về Yên-kinh. Vậy ta nghiên cứu đánh ba cửa khẩu này là hơn hết.
Hoàng-tử Truật-Xích hỏi :
- Tôi muốn biết biên giới phía Tây của Kim, như Bác Nhĩ Hốt nói sau lớp thành thứ nhì là vùng núi non. Thế vùng núi non đó dài bao nhiêu dặm ? Trên núi non đó có đường cho ngựa đi không ?
- Vùng núi non đó chỉ có 140 đến 260 dặm. Tuy là núi non, nhưng cũng có hàng trăm con đường mà ngựa có thể đi được. Sau vùng núi non là bình nguyên thông với Yên-kinh.
Tốc Bất Đài đề nghị :
- Vậy ta tiến quân làm hai đường. Một đường đánh vào phía Tây, và một đường đánh ào phía Đông. Cần nhất là cả hai cánh đều khởi tấn công một lúc thì hơn.
Thành-cát Tư-hãn phân vân :
- Đề nghị của Triết Biệt, Tốc Bất Đài đều không vẹn toàn. Kim có tơí 30 vạn quân. Khi cần, họ có thể đem thêm năm mươi vạn từ miền Nam lên. Vì vậy ý ta muốn là làm thế nào để cho vua tôi Kim kinh hoàng. Binh tướng không đánh mà cũng hoảng sợ tan rã. Như vậy ta bớt bị tổn hại, mà chỉ đánh một trận, khiến 30 vạn quân Kim phải tan. Bấy giờ Kim có đem quân miền Nam lên cũng không cứu kịp Yên-kinh.
Các tướng cùng im lặng suy nghĩ.
Thủ-Huy dùng Lăng-không truyền ngữ hỏi Thủ-Độ :
- Con có kế gì không
- Có ! Không khó.
- Vậy con trình bầy đi.
Thủ-Độ lại đứng dậy :
- Thưa Tư-hãn...
- Cháu cứ nói.
- Ta dùng vài vạn binh tiến đánh ba cửa khẩu Trương-gia, Xích-thành, Hậu-thành, rồi tỏa về phía Đông. Kim ắt đem toàn bộ 10 đạo binh phía Đông và 10 đạo phía Nam Yên-kinh lên cứu viện. Bấy giờ ta mới dùng đại lực lượng vượt qua hai lớp thành phía Tây, tiến xuống đồng bằng. Vua tôi Kim kinh sợ, tất đem binh về phía Tây chặn quân ta. Nhưng bộ binh nặng nề, phải vượt qua núi non, tiến rất chậm. Trong khi ta từ phía Tây tiến về Đông uy hiếp Yên-kinh. Bấy giờ đạo binh phía Đông của ta mới từ phía Bắc tốc thẳng xuống đồng bằng, bắt tay vơí đạo phía Tây đánh Yên-kinh.
Thành-cát Tư-hãn đứng dậy nắm lấy tay Thủ-Độ :
- Giỏi ! Cháu giỏi thực. Từ khi tướng chỉ huy binh đoàn Phương Đông tử trận, ta không biết cử ai thay thế. Hôm nay, ta quyết định phong cho cháu làm tướng chỉ huy binh đoàn này. Vì cháu còn trẻ, ta cử Hốt Tất Liệt làm giám quân cho cháu.
Ghi chú của thuật giả:
Binh chế của Mông-cổ do Thành-cát Tư-hãn đặt ra là: Khi một tướng không phải là Hoàng-thân quốc thích, được cử chỉ huy từ một Vạn-phu trở lên, thì sẽ có một người là đại diện Hoàng-tộc để cố vấn, giám sát đường lối cai trị cho đúng với luật lệ, phong tục Mông-cổ.
Thủ-Độ đã nghe cha nói về binh đoàn Phương Đông. Binh đoàn này gồm một Vạn-phu Lôi-kỵ, một Vạn-phu Lôi-tiễn, một Vạn-phu Tế-tác ( Ghi chú: Vạn-phu Tế-tác, tương đương với ngày nay là lực lượng Trinh-sát. Như hồi VNCH là Liên-đoàn 77, Lực-lượng 101). Vạn-phu Lôi-kỵ, kỵ binh đa số là những thiếu niên ưu tú, con của các Hãn, các Đại-hãn, các thân vương. Vạn-phu này do Ngột-lương Hợp-thai làm chánh tướng, Bạt Đô làm phó tướng. Vạn-phu Tế-tác do A-lý Hải-nha làm chánh tướng Ngột Lạt Su làm phó tướng. Vạn-phu Lôi-tiễn do Cút Đa Sen, con của Bác Nhĩ Hốt chỉ huy.
Mọi người đều mừng cho Thủ-Độ. Vì chính ngay vương tôn như Hốt Tất Liệt, A-lý Hải-nha, Bạt Đô, Ngột-lương Hợp-thai, sau mấy năm chinh chiến, mà mới chỉ được phong chức Vạn-phu trưởng, hoặc phó. Bây giờ một bước, Hầu được chỉ huy một binh đoàn, tức ngang hàng vơí Cửu đại sơn điêu như bọn Tốc Bất Đài, Triết Biệt, Gia Luật Mễ, Mộc Hoa Lê. Thế nhưng, nghe Thành-cát Tư-hãn phong chức trọng quyền cao, mà lòng Thủ-Độ rửng rưng như không, vì Hầu đang nghĩ đến việc Long-Sảm lúc này có thể đang về Thiên-trường đem Kim-Dung đi.
Hầu than thầm:
- Mình tuyệt không muốn làm quan ở Mông-cổ. Chẳng qua vì tuân lệnh cha mà ở lại đây, rồi hoàn cảnh đưa đẩy mà phải làm tướng cho Thành-cát Tư-hãn. Hỡi ơi! Triều Lý suy đồi quá rồi. Đất nước mình ly loạn, dân chúng đói khổ. Mình lập chí cùng đám trẻ cùng khổ muốn lật đổ triều Lý, lập một triều đình mới, tạo hạnh phúc cho dân. Mình đã nguyền ở hồ Tây với Kim-Dung, ở đền Hùng với Thập-bát Anh-hào! Mình đã cùng anh Trần Thừa, Trần Tự-Khánh, thầy Phạm Kính-Ân...lập ra bang Lĩnh-Nam để cùng nhau thực hiện cái chí của mình. Thế mà mình lại làm đại tướng cho Mông-cổ đem quân đánh Kim...thì thực là bán bò tậu ễnh ương mất rồi.
Thành-cát Tư-hãn không biết tâm tư Thủ-Độ, ông ban lệnh :
- Đại cương kế sách là như vậy. Bây giờ chúng ta lui về chuẩn bị, để bất cứ lúc nào, khi lệnh ban ra, thì trong vòng một tháng là có thể lên đường.
Buổi họp chấm dứt.
- Lời nói đầu
- Hồi 1
- Hồi 2
- Hồi 3
- Hồi 4
- Hồi 5
- Hồi 6
- Hồi 7
- Hồi 8
- Hồi 9
- Hồi 10
- Hồi 11
- Hồi 12
- Hồi 13
- Hồi 14
- Hồi 15
- Hồi 16
- Hồi 17
- Hồi 18
- Hồi 19
- Hồi 20
- Hồi 21
- Hồi 22
- Hồi 23
- Hồi 24
- Hồi 25
- Hồi 26
- Hồi 27
- Hồi 28
- Hồi 29
- Hồi 30
- Hồi 31
- Hồi 32
- Hồi 33
- Hồi 34
- Hồi 35
- Hồi 36
- Hồi 37
- Hồi 38
- Hồi 39
- Hồi 40
- Hồi 41
- Hồi 42
- Hồi 43
- Hồi 44
- Hồi 45
- Hồi 46
- Hồi 47
- Hồi 48
- Hồi 49
- Hồi 50 - Kết