Gửi bài:

Hồi 15

Sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa hè, hoa phượng nở đỏ rực khắp đế đô Thăng-long. Tiếng ve kêu rả rích hợp nhau thành một điệu nhạc nhẹ nhàng. Ánh sáng mặt trời chiếu chói chang lên nhừng lùm cây xanh tươi hai bên phố phường. Trong cái không khí ồn ào, thanh thản của kinh đô ấy, bỗng vang lên những tiếng vó câu, tiếng ngựa hý. Từ trong năm cửa thành Thăng-long, ngựa trạm phóng ra các ngả như tên bay, để đem chỉ dụ của hoàng đế về các trấn, các phủ, các huyện. Cứ nhìn những kị mã, trước ngực đeo túi đựng thư, cổ quàng khăn đỏ, người dân Thăng-long cũng biết rằng, đây là ngựa trạm truyền chỉ, mang tin vui đi khắp nơi.

Trong các quán trà, trong các hiệu sách, ngay cả trong Quốc-tử giám, các bậc cao niên, các bậc tao nhân mặc khách, các học sinh tụ nhau bàn tán : Ngựa trạm báo tin vui gì đây ? Hoàng đế mới có thêm một hoàng tử ? Hay Đông-cung thái tử lập vương phi ? Kẻ đoán thế này, người đoán thế nọ. Lại có những nhóm người đánh cuộc.

Nhưng họ không cần phải chờ đợi lâu, ngay chiều hôm ấy, phủ thừa Thăng-long sai lính mang loa đi khắp kinh thành loan báo với thần dân :« Chính-long Bảo-ứng Hoàng đế ban chỉ cho công chúa Đoan-Nghi, hạ giá với Đặc tiến Thiếu-bảo, Càn-nguyên điện đại học sĩ, Trung-nghĩa Thượng-tướng quân, Côi-sơn quốc công, tổng-lĩnh Thiên-tử binh, kiêm tổng-lĩnh cấm quân Trần Thủ-Huy. Quốc-công là cháu bốn đời của Kinh-Nam vương ».

Nhưng đây lại là một tin buồn vô hạn cho các quận chúa con của chư vị thân vương, các tiểu thư con của các đại thần. Vì từ sau khi quốc-công Thủ-Huy cùng thái-tử dẹp triều đình gà mái gáy, thắng bọn mật sứ Tống, được phong hầu. Quốc-công đã giúp thái-tử, trong chỉnh đốn triều đình, thao luyện binh mã ; ngoài biên thùy dựng lại quốc uy, khiến Tống phải lùi bước, nhận Đại-Việt là An-Nam quốc... trong khi tuổi quốc-công mới mười tám. Ai cũng biết, võ công quốc-công cực cao, văn chương quán thế, tài trí kinh nhân. Cho nên các quận chúa, tiểu thư đều mơ màng mình đươc trở thành phu nhân của thiếu niên anh tài này. Cũng có người chỉ ước ao mình đươc thành người thiếp của quốc-công cũng thỏa ước rồi.

Bây giờ, họ thất vọng, thất vọng khi nghe nói quốc-công cũng như thái-tử, đều chủ trương một vợ một chồng. Mà, người vợ của quốc-công, họ không thể so sánh. Vì quốc-công thành phò mã, kết hôn với công chúa Đoan-Nghi, một vị công chúa được nhà vua, hoàng hậu cực kỳ sủng ái. Ngoài sắc đẹp khuynh quốc, kiếm thuật cao minh nhất trời Nam, công chúa còn là người bút mặc văn chương hơn đời, cử bút thành văn, bẩy bước thành thơ.

Cứ như chỉ dụ, thì tòa Khâm-thiên giám thuộc bộ Lễ đã chọn ngày 24 tháng 6 là ngày cưới. Triều đình ban chỉ cho Công-bộ xây dinh Côi-sơn công, ngay ở cửa Đông-Nam. Nhưng quốc-công với công chúa sợ hao tốn cho công nho, lao sức dân chúng, nên đã tâu xin về ở trong ngôi nhà của tổ tiên để lại bên bờ hồ Tây, gần chùa Trấn-quốc.

Trong căn nhà này, ông bà Tự-Hấp đã tuyển cho con ba chục nam đệ tử của phái Đông-a làm thân binh, và tuyển hai chục tráng đinh, hai chục thanh nữ để làm mã phu, người làm vườn, tỳ nữ. Tất cả những người ấy, đặt dưới quyền điều khiển của nhũ mẫu Thủ-Huy là bà Ty. Chồng bà Ty cũng là một đệ tử ngoại đồ của phái Đông-a, Thủ-Huy cử ông làm quản dinh.

Sau buổi hội kiến với ông bà Trần Tự-Hấp, và Đại-Việt ngũ tuyệt trên con thuyền ở bến Bắc-ngạn trở về, Long-Xưởng dặn Thủ-Huy, Trang-Hòa giữ bí mật việc hôn nhân Thủ-Huy, Đoan-Nghi cho đến khi chỉ dụ ban ra. Mục đích đem lại nguồn vui bất ưng cho Đoan-Nghi. Vì vậy, những người thân nhất ở trong Đông-cung như vú Loan, vú Mai, Thụy-Hương, Tăng Khoa, Như-Như ... không biết đã đành, mà ngay người trong cuộc là Đoan-Nghi cũng không biết nốt.

Đoán trước rằng sáng hôm ấy, đích thân quan Dao-thụ Thái-phó, Cần-chính điện đại học sĩ, Trường-yên quốc công, lĩnh Lễ-bộ thượng thư sẽ thân đến Đông-cung ban chiếu chỉ. Long-Xưởng âm thầm hội Đại-Việt thất tiên tại Ngự-thư phòng, bàn truyện giảm thuế cho dân sau mùa gặt năm nay. Mục đích để chờ lĩnh chỉ.

Đến giờ Mão, thì viên thái-giám phòng Kính-sự vào báo :

- Khải thái-tử, có sứ giả đến ban chỉ. Xin thái-tử chuẩn bị đón tiếp.

Thấy sáu người em kết nghĩa ngơ ngác không hiểu gì, Long-Xưởng cười thầm trong lòng : Ta làm cho Đoan-Nghi vui lòng, mà không ai biết.

Vương ban chỉ :

- Người sai mở cửa chính điện, chúng ta ra ngay.

Cả Đại-Việt thất tiên cùng tới chính điện.

Lễ nghi tất.

Long-Xưởng hỏi Ngô Lý-Tín :

- Không biết phụ hoàng ban chỉ gì ? Chắc phải quan trọng lắm, mới khiến đích thân Thái-phó truyền đạt.

Ngô Lý-Tín nhìn Thủ-Huy mỉm cười :

- Năm nay là năm cực tốt của Trần quốc-công. Mới đầu năm được thăng tước công, rồi bây giờ lại thêm ân sủng nữa. Trần quốc-công hiện là đệ nhất hồng nhân, đệ nhất sủng thần của hoàng thượng. Vì vậy, ty chức phải thân lĩnh chỉ, truyền đạt.

Long-Xưởng hô lớn :

- Tất cả quỳ gối tiếp chỉ.

Ngô Lý-Tín mở trục giấy ra đọc :

Thừa thiên khải vận,

Đại-Việt hoàng đế chiếu rằng :

Âm dương là đạo của trời. Xưa vua Hùng gả công chúa Tiên-Dung cho người bần dân họ Chử. Vua Hùng thứ 88 lại gả công chúa Thạc-Hòa cho phò mã Sơn-tinh. Chử Đồng-tử, Sơn-tinh đều là những anh tài giúp nước, cứu dân, danh tiếng đến nay vẫn còn.

Khi đức Thái-tổ bản triều lập nền chính thống, người gả công chúa An-quốc cho phò mã Đào Cam-Mộc, công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa cho phò mã Thân Thừa Quý. Hai phò mã Đào, Thân đều đem hết tài lương đống ra khuông phò xã tắc. Đến thời đức Thái-tông, truyền gảû công chúa Bình-Dương cho phò mã Thân Thiệu-Thái, công chúa Kim-Thành cho phò mã Lê Thuận-Tông, công chúa Trường-Ninh cho phò mã Hà Thiện-Lãm. Đức Thánh-tông gả công chúa Thiên-Thành cho phò mã Thân Cảnh-Long, công chúa Động-Thiên cho phò mã Hoàng Kiện... Các phò mã cùng các công chúa, Bắc trấn ngự biên cương, Nam bình Chiêm, lập lên những huân công ghi vào sử xanh muôn đời của Đại-Việt.

Nay Trần Thủ-Huy, vốn giòng dõi Kinh-Nam vương, võ công cao thâm, văn tài xuất chúng, trí lự trung thuần ; trong mấy năm qua đã lập không biết bao nhiêu công lao với xã tắc.

Trẫm có nhiều công chúa, duy Đoan-Nghi nhan sắc tuyệt thế, kiếm thuật thần thông, mà văn tài xuất chúng. Đoan-Nghi là con gái mà trẫm sủng ái nhất, nay đem gả cho Trần Thủ-Huy.

Này Thủ-Huy, Đoan-Nghi, từ nay hai con thành vợ chồng, phải ghi nhớ rằng, ngoài tình cha con, các con với trẫm còn nghĩa vua tôi. Các con phải ghi nhớ ngày đêm trong lòng là tôi phải giữ chữ trung, là con phải giữ chữ hiếu, đem hết tài trí ra phò tá trẫm.

Niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ năm, tháng tư, ngày Giáp-Tý.

Khâm thử.

Thủ-Huy, Đoan-Nghi cùng lạy tạ.

Tiễn Ngô Lý-Tín về rồi, Long-Xưởng nắm tay Thủ-Huy, Đoan-Nghi :

- Anh mừng cho hai em. Tính ra chỉ còn mấy ngày nữa, lễ cưới sẽ được cử hành. Trước kia vua Tống Nhân-tông nhờ kết bạn với Kinh-Nam vương , lại gả công chúa Huệ-Nhu cho vương, mà trọn đời vương ngồi trên mình ngựa, khuông phò Trung-nguyên. Ta hy vọng nhị đệ cũng như Kinh-Nam vương, và Nghi muội cũng như công chúa Huệ-Nhu.

Vương chỉ con Nhàn :

- Anh có vú Loan, em có vú Mai. Cả hai vú cùng ở Đông-cung. Đáng lẽ nay em ra ở phủ đệ riêng anh phả trả vú Mai cho em. Song vú Mai là Đông-cung quan, Thụy-Hương trở thành người phò tá đắc lực cho anh. Vì vậy anh giữ vú Mai với Thụy-Hương lại. Tuy nhiên, anh có hai bảo vật khó tìm là Á-Nương với con Nhài. Hai người vừa trung thành, vừa chân thật, lại vừa thông minh. Riêng con Nhài có tài nấu nướng, anh cho em. Anh sẽ ban chỉ phong nó làm Tín-Hương phu nhân, để nó có thể giúp vú Ty trong việc quản dinh cho em.

Đến đó có tiếng viên thái giám phòng Kính-sự hô :

- Đại giá hoàng-hậu, Thần-phi giá lâm.

Long-Xưởng vội dẫn Đại-Việt thất tiên ra đón. Lễ nghi tất. Hoàng-hậu tát yêu Đoan-Nghi một cái :

- Trời sinh ra con để làm cho phụ hoàng, mẫu hậu, mẫu thân con và anh Long-Xưởng vui lòng. Mẫu hậu thường nói : Con không do mẫu hậu sinh ra, mà mẫu hậu thương yêu con kỳ lạ. Mỗi ngày không nhìn thấy con, không nghe con nói, thì mẫu hậu ăn không biết ngon, ngủ không yên giấc.

Long-Xưởng nắm lấy tay Đoan-Nghi :

- Anh thì khác, mỗi khi anh mệt mỏi, cứ nhìn thấy em là anh khỏe mạnh liền. Anh thường lo âu, một ngày kia, em lấy phải người chồng không hợp với mẫu hậu, không hợp với anh, thì là đại họa cho nhà ta. Nhưng nay thì mối lo đó không đến.

Bùi Thần-phi chỉ Thủ-Huy :

- Nay anh Long-Xưởng chọn cho con người chồng, vừa có tài, vừa có đức, lại hợp tính với phụ hoàng, mẫu hậu. Mẹ mừng lắm. Mẹ mong hai con sẽ phò tá đắc lực cho họ Lý nhà ta, như các phò mã thời đức Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông.

Hoàng-hậu bảo Long-Xưởng :

- Bây giờ mẫu hậu với Thần-phi mang Thủ-Huy, Đoan-Nghi vào Hoàng-thành để học lễ nghi cho ngày thành hôn. Thôi con ở lại.

Từ hôm nghe Ngô Lý-Tín tuyên chỉ gả công chúa Đoan-Nghi cho Thủ-Huy, Thụy-Hương cảm thấy như mình bị sét đánh giữa đỉnh đầu. Tai nàng ù đi, ai nói nàng cũng chỉ biết có tiếng người bên cạnh. Trước mắt nàng, màn đêm dầy đặc. Nàng không còn thấy gì nữa. Ai nói, ai bàn, ai đi, ai đến, nàng đều không biết gì nữa. Nàng nằm liệt trong phòng mà khóc, không ăn, không làm việc. Nàng từ chối tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả Long-Xưởng.

Sau khi chiếu chỉ ban ra, thì Thủ-Huy muốn gặp Thụy-Hương phân giải về việc mình lấy Đoan-Nghi là do bố mẹ xếp đặt với Long-Xưởng ; mình không có quyền gì cả. Nhưng Thụy-Hương cứ nằm liệt trong phòng, từ chối tiếp Thủ-Huy.

Thủ-Huy, Đoan-Nghi phải vào cung học lễ nghi đúng mười ngày. Sau đó đám cưới được tổ chức linh đình chưa từng có, hơn cả ngày nhà vua cưới hoàng-hậu. Trước hôm cưới nửa tháng, thì Thụy-Hương lâm bệnh nặng. Nàng không cho Ngự-y Trần-thị Phương-Thanh chẩn bệnh, từ chối uống thuốc. Vú Mai xin Long-Xưởng cho bà đem Thụy-Hương về quê ở Đăng-châu để dưỡng bệnh. Sau lễ cưới ba tháng, thì vú Mai với Thụy-Hương mới trở về Đông-cung. Nàng đã khỏi bệnh.

Khi về, lúc qua căn phòng cũ của Thủ-Huy, nàng than thầm trong tim :

- Hoàng thượng gả Đoan-Nghi cho nhị-ca là ý của hoàng-thượng. Nhưng tại sao nhị-ca lại vui vẻ tuân chỉ ? Như vậy rõ ràng nhị ca phản bội ta. Suốt ba năm qua, ta với nhị ca như chim liền cánh, ta dành tất cả tâm ý cho nhị ca. Ta với nhị ca dắt nhau đi ra ngoài, khi thì Bắc-cương, khi thì Nam-thùy, cùng nhau hưởng biết bao nhiêu tình. Bây giờ nhị ca hắt ta ra, để làm phò mã. Hà ! Ta thực không ngờ. Đàn ông là như thế đó. Ngắt hoa, rồi khi chán lại ném hoa. Ta đã đem bông hoa duy nhất đời con gái tặng cho nhị ca, tưởng rằng nhị ca với ta sẽ thành vợ chồng. Bây giờ nhị ca bỏ ta, mà ta không còn là con gái, làm sao ta có thể lấy chồng ?

Nàng sang Ngự-thư phòng làm việc với Long-Xưởng. Từ hôm Tín-Hương nương được thăng lên Tín-Hoa phu nhân, rồi chuyển sang làm quản dinh cho công chúa Đoan-Nghi, thì Trung-Tĩnh nương cũng được phong làm Trung-Tĩnh phu nhân. Trung-Tĩnh phu nhân kiêm luôn công việc của Tín-Hương. Nàng chầu hầu mài mực, lau chùi ngự thư phòng cho Long-Xưởng.

Trong ngự thư phòng chỉ có mình Long-Xưởng, Thụy-Hương, với bà câm, mà thủy chung Thụy-Hương vẫn nhìn vào quãng không. Long-Xưởng đâu có biết nỗi đau đớn, cay đắng của nàng ?

- Ngũ muội khó ở hả ?

Long-Xưởng sờ trán Thụy-Hương :

- Em về đúng lúc. Đoan-Nghi lấy chồng rồi, không có ai phụ giúp anh. Vậy em thay Đoan-Nghi. Anh cần nhờ em giúp anh giải quyết một số tấu chương.

Thụy-Hương nghiến hai hàm răng, nói thầm trong tim :

- Thủ-Huy hỡi, người đã đã bạc tình với ta, người đã quay mặt đi, thì ta cũng không thèm nghĩ tới người nữa. Ta không được làm vợ người, thì ta sẽ bắt con nai Long-Xưởng, rồi làm chủ mẫu người. Nay mai Long-Xưởng lên ngôi vua, ta sẽ là hoàng-hậu, để người lạy ta sứt trán ra cho hả giận.

Nghĩ vậy, nàng cầm bút, rồi đọc các hồ sơ. Long-Xưởng đẩy thêm cho nàng một chồng hồ sơ nữa:

- Ngũ muội đọc đi, rồi phê cho anh.

Ngoan ngoãn, Thụy-Hương mở hồ sơ thứ nhất ra đọc, đó là tấu chương của Lễ-bộ xin trích ngân khoản một trăm lượng bạc tu bổ lăng vua Đinh. Nàng phê :« ... Thuận. Hiện đền thờ vua Đinh do quan địa phương sai người trông coi, như vậy e con cháu vua Đinh có thể không vui lòng. Hãy tìm tôn thất Đinh triều cử vào việc này ».

Nàng đọc sang hồ sơ thứ nhì, cũng của bộ Lễ, về việc nhiều học sinh Quốc-tử giám bỏ học, vì nhà nghèo. Nàng phê :

« ... Học sinh nghèo, mà đã trúng tuyển vào Quốc-tử giám, thì họ là những người quyết tâm, kiên chí, triều đình cần khuyến khích. Ban lệnh về địa phương, cấp ruộng đất cho cha mẹ họ, để có thể cầy cấy nuôi con. Tạm thời phủ thừa Thăng-long trích ngân khoản mà bọn cờ bạc bị phạt, nuôi đám học sinh này đến mùa lúa tới, bấy giờ gia đình họ có thể thu hoa lợi, nuôi họ ».

Tấu chương có ghi chữ : Đính kèm danh sách học sinh bỏ học, nhưng không thấy đâu. Nàng hỏi Long-Xưởng :

- Anh ! Tấu chương về học sinh Quốc-tử giám bỏ học, ghi rõ đính kèm danh sách học sinh, mà sao muội không thấy ?

- À, hôm qua anh đem về tẩm phòng đọc, rồi để quên ở án thư. Ngũ muội về tẩm phòng mang sang cho anh.

Thụy-Hương đứng lên, sang tẩm phòng của Long-Xưởng, vừa tới cửa thì gặp vú Mai đi ngược chiều với nàng. Vú nói sẽ vào tai :

- Con dấu danh sách học sinh vào một chồng sách nào đó, rồi giả bộ tìm kiếm. Thái-tử chờ lâu không thấy con, ắt người sẽ về phòng tìm con. Bấy giờ con bắt cho được con nai...

Nàng rùng mình :

- Thì ra mẹ mình theo dõi mình từng bước. Người thực tinh khôn đến nước...

Vào tẩm phòng Long-Xưởng, Thụy-Hương thấy ngay danh sách học sinh để trên án thư. Nàng đặt xuống dưới quyển Hình-thư, rồi giả bộ tìm kiếm. Đúng như vú Mai ước tính, nàng không phải chờ lâu, Long-Xưởng bước vào :

- Có thấy không ?

- Không.

Long-Xưởng tìm quanh án thư. Không thấy. Vương cúi xuống lật mấy bộ sách tìm. Thụy-Hương chỉ chờ có thế, nàng di chuyển hai bước, thuận tay đóng cửa lại. Đúng lúc đó Long-Xưởng ngửng đầu lên, đụng phải bụng, ngực nàng. Hai cơ thể tiếp giáp nhau, hơi nóng, hương thơm từ người Thụy-Hương bốc ra làm Long-Xưởng rùng mình. Vương đứng ngây người ra nhìn nàng. Biết nai đã lọt lưới, Thụy-Hương ôm lấy đầu Long-Xưởng kéo sát vào người mình.

Hai thiếu niên ngã xuống chiếc giường bằng gỗ trắc, chạm rồng phượng.

Trong khi Thụy-Hương được mẹ truyền cho bản lĩnh mà bà thu thái kinh nghiệm cả một đời ca kỹ về tình yêu, về phòng the. Nàng lại dạn dày với Thủ-Huy hơn ba năm qua... Thì Long-Xưởng lại chưa từng nếm mùi đời. Vương như một con nai tơ, thì Thụy-Hương như một thợ săn lành nghề. Long-Xưởng thì say mê nàng thực, trong khi nàng dửng dưng như khúc gỗ. Rồi nhắm mắt tưởng mình đang cùng Thủ-Huy. Nàng đưa Long-Xưởng du ngoạn Đào-nguyên, thưởng thức hương vị của ngọn suối chán rồi mới cho hưởng trái thơm.

Mặc cho thời gian trôi đi, mặc cho mấy chồng tấu chương của các bộ, của các trấn nằm ở Ngự-thư phòng, mặc cho Trung-Tĩnh phu nhân ngồi chầu hầu ngủ gà, ngủ gật ; hai thiếu niên say xưa hưởng tất cả cái lạc thú cuộc đời. Nếu tiếng chuông thu không từ chùa Chân-giáo không đánh lên, thì hai người nào có biết rằng trời đã về chiều ?

Đã kinh nghiệm về vụ Thủ-Huy, Thụy-Hương nằm gọn trong vòng tay Long-Xưởng, nàng nghĩ thầm :

- Ta không còn là con gái nữa. Nhưng một là trong lúc say sưa ngây ngất, đại ca không biết, hai là đại ca không phân biệt được con gái đồng trinh với thiếu phụ. Ta phải lợi dụng con nai mới lọt lưới, ngơ ngơ ngác ngác để cột cổ đại ca thực chặt. Bằng không, cái họa Thủ-Huy có thể tái diễn.

Thụy-Hương nhỏ nhẹ :

- Anh ơi ! Sự việc hôm nay, tuy chưa có lễ nghi, nhưng chúng ta đã thành vợ chồng. Không biết anh sẽ để em ngồi vào chỗ nào ? Anh chủ trương một vợ, một chồng, như vậy liệu anh có xin phong em làm vương phi không ?

Long-Xưởng được hưởng cái rung động, cái khoái cảm đệ nhất của người con trai lần đầu, hồn phách còn chưa tỉnh hẳn, vương đã nghe tiếng thỏ thẻ ngọt ngào như cam thảo của Thụy-Hương. Vương hôn nàng, rồi trả lời :

- Dĩ nhiên anh phải xin mẫu hậu, để người tâu với phụ hoàng, rồi làm lễ tấn phong em làm chánh phi của anh.

- Thế còn quận chúa Trang-Hòa ? Em nghe nói cả phụ hoàng lẫn mẫu hậu đều sủng ái Trang-Hòa vô cùng. Hay anh thu nhận cả hai ? Không chừng sau này anh lên ngôi vua rồi, mấy lão đại thần lại đem luật lệ từ đời đức Thái-tổ, Thái-tông ra để bắt anh phải lập hoàng-hậu với những cái gọi là Thần-phi, Tuyên-phi, Quý-phi, Thục-phi, Đức-phi, Hiền-phi, Giai-phi, rồi Tu-dung, Tu-nghi, Phu-nhân, Mỹ-nhân... hàng trăm không kể xiết...

- Anh nhất quyết chỉ một vợ một chồng mà thôi. Vấn đề Trang-Hòa khó quá. Anh đành tạ lỗi với Trang-Hòa, rồi tìm một thiếu niên anh tài để gả nàng.

- Anh có nhớ, trước đây quan Ngự-sử đại phu đã đàn hặc về đức hạnh của mẫu thân em, cho rằng em là con hoang. Như vậy, e khi tuyên phong em là vương phi mấy lão nho thần già sẽ gây rắc rối không ít.

- Em đừng lo.

Long-Xưởng an ủi : Trước đây Linh-Nhân hoàng thái hậu từng xuất thân tù tội, bố mẹ là nông dân mà cũng được đem vào cung phong làm Ỷ-Lan phu nhân. Còn em, dù sao em cũng là một quận chúa có công trong việc dẹp triều đình gà má gáy, chống bọn mật sứ Tống. Suốt mấy năm qua, giúp anh lập không biết bao nhiêu công lao. Giả như em có là con hoang chăng nữa, thì lấy công kia, cũng lấp được cá hố tội lỗi của mẫu thân muội. Mấy ông Ngự-sử đại phu ắt không thể viện lý này, lý nọ mà làm phiền đến em được. Có điều...

- Anh muốn nói ? !

- À, còn một chuyện anh muốn nói với em ?

- Chuyện gì vậy ?

- Truyện này có lợi cho việc tuyên phong vương phi của em.

- Là ? ! ? ! ?

- Trong tất cả phi tần, thì hiện Đỗ Thục-phi được phụ hoàng sủng ái nhất. Hôm trước vào thần hôn định tỉnh mẫu hậu, anh gặp phi tại cung Chiêu-Linh. Phi nghe nói em có tài làm các món ăn dân dã, người muốn đón em nhập cung để đạy ngự trù làm những món đó dâng lên phụ hoàng.

- Có phải bà ấy tên là Đỗ Thụy-Châu em Tể-tướng Đỗ An-Di không ? Dường như bà còn trẻ lắm thì phải.

- Cũng không trẻ đâu. Bà ấy hai mươi tuổi rồi.

- Em không muốn gặp bà ấy đâu. Tại sao anh không thỉnh phụ hoàng tới Đông-cung rồi em nấu nướng dâng lên người có được không ?

- Thỉnh phụ hoàng thì chỉ có thể thỉnh được một vài lần thôi. Anh muốn dâng miếng ngon lên phụ hoàng hàng ngày. Mà phụ hoàng hiện ở thường trực trong cung của Thục-phi. Thôi, em nên vào cung Thục-phi ít ngày. Đây là dịp để em được diện kiến phụ hoàng, em nấu ăn dâng người, mà người mà hoan hỉ, thì sau này khi tuyên phong cho em, mấy nho thần có gây rắc rối, thì cũng vô ích.

- Vậy thì được. Bao giờ em phải vào cung Thục-phi ?

- Chưa biết nữa. Để anh thỉnh mệnh Thục-phi đã.

Đêm đó Thụy-Hương ở luôn trong tẩm phòng của Long-Xưởng. Đúng là cái đêm hôm ấy đêm gì ? Bóng dương lồng lộng, trà mi chập trùng(Nguyễn Gia-Thiều).

Long-Xưởng, Thụy-Hương giật mình tỉnh giấc, buông nhau ra, khi chuông chùa ban mai đổ. Thụy-Hương phải về phòng để đốc thúc ngự trù làm điểm tâm cho Long-Xưởng ăn, để rồi còn dự buổi thiết đại triều. Thấy con mắt soi mói của Trung-Tĩnh phu nhân, nàng nghĩ thầm :

- Cái mụ câm này tinh quái lắm. Không chừng hôm qua mụ đã thấy hết những gì ta với Long-Xưởng đã làm. Việc ta với Thủ-Huy bị Tín-Hương biết. Ta treo trên đầu nó cái án trảm thủ, mà giữ bí mật được đến nay. Vậy ta cũng phải dọa mụ này mới được.

Nàng vẫy Trung-Tĩnh :

- Trung-Tĩnh phu nhân ! Hãy theo tôi sang ngự thư phòng.

Tới ngự thư phòng, nàng chỉ bút, rồi hỏi :

- Phu nhân nói không được, mà viết được. Cái sự hôm qua đó... phu nhân định sao ? Không biết tôi phải làm cách gì để phu nhân không thể viết được. Có lẽ tôi phải cắt hai bàn tay phu nhân để sự được giữ kín.

Á-Nương viết :« Quận chúa mở từ tâm ! Từ nay tiểu tỳ sẽ kiểm soát hai bàn tay thực kỹ. Không bao giờ chúng viết bậy ».

Thụy-Hương lại nói :

- Ta nghe phu nhân có phép tiên, biến hóa thành mấy nghìn cái đầu, có đúng vậy không ?

Á-Nương viết :« Tiểu tỳ nguyện để quận chúa chặt hết. Chỉ xin quận chúa chừa cho một cái... mà ăn cơm ».

- Nhớ lấy nhé !

Thế là Thụy-Hương dùng Long-Xưởng thay thế Thủ-Huy. Bệnh nàng đã khỏi hẳn. Tuy vậy, những khi Long-Xưởng ôm nàng trong tay, nàng lại tưởng tượng đó là Thủ-Huy. Hai người sát cánh bên nhau, khi thư phòng, khi viếng thăm Ngự-xạ đài, xem binh tướng bắn tên. Thời gian kéo dài cả mấy tháng.

Hôm ấy, sau một đêm trong tẩm phòng Long-Xưởng, khi trời vừa sáng, nàng dậy trông coi ngự trù làm món ăn sáng ; xong rồi về phòng nghỉ ngơi sau một đêm dài du ngoạn trên tuyệt đỉnh Vu-sơn. Vừa bước vào phòng, đã thấy vú Mai ngồi đó từ bao giờ. Khác với mọi lần, bao giờ vú cũng tự tin, chủ động, dạy nàng làm chủ tình yêu. Lần này mặt vú tái xanh, vú cất tiếng nói giọng lạnh như băng :

- Con ngồi đó đi. Mẹ con ta phải trốn khỏi Thăng-long bằng mọi giá, rồi mai danh, ẩn tích. Nếu chậm trễ thì con sẽ bị voi dày hay ít ra cũng bị ngựa xé.

Thụy-Hương giật mình :

- Có chuyện ấy ư ? Do đâu mà ra ?

- Trước đây mẹ khuyên con nên bắt con nai Long-Xưởng, trong khi đó con cố bắt con nai Thủ-Huy ! Trong ba năm qua, con với Thủ-Huy như người mê cuộc cờ, tưởng rằng cái truyện phòng the không ai biết. Nào ngờ có rất nhiều đại thần, rất nhiều bà phi biết. Chính vì vậy mà con nai Thủ-Huy mới thoát khỏi lưới của con, mà chui vào lưới của Đoan-Nghi.

- Con không hiểu.

- Thủ-Huy là một thiếu niên võ công cao nhất trong các quan tại triều, văn chương quán thế, trí dũng khó ai bì. Y mới mười tám tuổi mà tước đã tới công. Hầu hết các đại thần các bà phi đều muốn chiêu mộ y làm con rể. Vì vậy họ bỏ tiền ra mua chuộc bọn chân tay của Huy, của con. Các bà ấy cho rằng con xuất thân ty tiện, không xứng đáng với Thủ-Huy.

- ! ! !

- Chính Thần-phi Bùi Chiêu-Dương lo sợ con chiếm mất Thủ-Huy, nên đã mật tấu việc con với Thủ-Huy lên hoàng-hậu. Đúng luật ra, hoàng-hậu là chúa hậu cung, khi nghe việc mà bà cho rằng ô uế diễn ra trong Đông-cung, thì lập tức bà truyền bắt con cho voi dầy, ngựa xé. Nhưng bà sợ dư đảng của thái-hậu nhân đó đàn hặc Đông-cung, vì vậy bà lờ đi. Bà muốn chiêu mộ Thủ-Huy cho triều Lý, cho Long-Xưởng, do vậy mới có chỉ dụ khẩn cấp gả Đoan-Nghi cho Thủ-Huy. Thế là dù Thủ-Huy yêu thương con đến đâu, y cũng phải tuân chỉ. Huống hồ...

- Con vẫn không hiểu !

- Huống hồ đàn ông toàn một bọn tham dâm, hiếu sắc, có mới nới cũ. Sau ba năm ngụp lặn truy hoan với con, Thủ-Huy đã chán. Được chỉ dụ, y có cớ quay mặt đi, mà con không thể trách cứ y.

- Chuyện con với Thủ-Huy đã qua... Nhưng tại sao mẹ nói chúng ta sắp chết, phải trốn đi,

- Cái truyện con với Long-Xưởng diễn ra mấy tháng qua trong Đông-cung ai cũng biết cả rồi. Tin này đã tới tai hoàng-hậu. Trước kia, hoàng-hậu biết truyện con với Thủ-Huy bà đã mắng chửi mẹ là con đĩ, nên đẻ ra đứa con như con. Con là đồ dâm bôn, trốn chúa, lộn chồng. Bà cau mặt đòi đoạt tước quận-chúa của con, cũng may Bùi thần phi can gián, vì làm như vậy danh dự Thủ-Huy sẽ mất, e không thể kết hôn với Đoan-Nghi. Bây giờ lại nghe truyện con với Long-Xưởng, hơn nữa Long-Xưởng sắp xin phong con làm vương phi...thì mẹ e bà sẽ đem con ra chợ cho voi dầy hay ngựa xé. Hoặc giả để giữ thể diện của Long-Xưởng, bà sẽ ban mật chỉ giết mẹ con ta không chừng.

- Mẹ đừng sợ . Anh Long-Xưởng là người cầm đại quyền. Anh đã cương quyết xin phong con làm vương phi, như vậy thì hoàng-hậu không thể hạ con được.

- Tại vì Long-Xưởng không biết truyện của con với Thủ-Huy. Nếu Long-Xưởng mà biết, thì y sẽ kinh tởm con ngay. Con hãy tưởng tượng xem, tin con ăn nằm với Long-Xưởng đến tai hoàng-hậu, bà sẽ gọi Long-Xưởng vào cung, kể hết chuyện con với Thủ-Huy cho Long-Xưởng nghe. Bấy giờ bà muốn giết con, hay băm vằm con, mẹ chắc Long-Xưởng cũng vui lòng, hả dạ.

- Con không sợ, hoàng-hậu kết tội con, thì cái ngôi thái-tử của con bà cũng mất. Còn như bà sai người ám sát con ư ? Với bản lĩnh võ công của con, dễ gì ai hại ngầm con ? Bất quá, mẹ con ta sẽ rời Đông-cung về Đăng-châu sống là cùng.

- Con nói ! Tỷ như bà ban chỉ bắt con phải tự tử : Hoặc bằng kiếm, hoặc bằng thuốc độc, hoặc bằng giải lụa thắt cổ ; như vậy con có chống được không ? Con mà chống chỉ dụ, thì hàng trăm thị vệ sẽ nhảy vào băm vằm con ra như băm chả ngay.

- Vậy mẹ bảo con phải làm gì?

- Có một uy quyền trên hoàng-hậu, trên Long-Xưởng. Nếu như con ẩn vào trong uy quyền này, thì mới thoát nạn.

- Ý mẹ muốn nói ?

- Uy quyền nhà vua. Cái ông vua này tuy đần độn, nhưng về vấn đề đàn bà thì khỏe lắm. Tuổi ông lại chưa tơí bốn mươi, nếu như con...

Có tiếng cung nga nói vọng vào :

- Thưa quận chúa ! Có kiệu của Đỗ Thục-phi đón quận chúa nhập cung.

Thụy-Hương lên tiếng :

- Người nói với kiệu phu chờ. Ta trang điểm xong là ra ngay.

Vú Mai nói nhỏ :

- Con vào cung Thục-phi, thế nào cũng gặp hoàng-thượng. Nếu như con làm được với hoàng-thượng những truyện như đã làm với Long-Xưởng, thì bao nhiêu tai nạn cũng thoát. Bấy giờ nào hoàng-hậu, nào phi tần, nào các phu nhân không ai có thể nói ra nói vào về con nữa. Ngược lại họ phải rạp mình trước con.

Rồi vú Mai ghé miệng vào tai Thụy-Hương giảng một lúc. Bà kết luận :

- Triều Lý định rằng hoàng đế có hoàng-hậu và bảy bà phi. Trước đây hoàng-thượng đã có Chiêu-Linh hoàng hậu, Thần-phi Bùi Chiêu-Dương, Quý-phi Hoàng Ngân-Hoa, Thục-phi Đỗ Thụy-Châu, Đức-phi Đỗ Kim-Hằng, Hiền-phi Lê Mỹ-Hoa, Giai-phi Chế Bì-la-bút. Còn chức Tuyên-phi vẫn bỏ trống. Nếu như, khi hoàng-thượng bị con bắt, trong lúc ngài đang say tình, con ỏn thót xin ngài ban chế phong con làm Tuyên-phi. Khi chế ra rồi, thì từ hoàng-hậu cho tới bọn mặt dơi tai cũng đành câm miệng hến . Con nên nhớ, hiện hoàng-hậu với các bà phi, không ai trẻ đẹp bằng con. Họ lại khù khờ, chỉ biết dâng hiến, chứ không có một chút bản lĩnh phòng the nào. Trong khi đó con rất giỏi, lại trải hai lần kinh nghiệm qua Thủ-Huy, Long-Xưởng. Khi hoàng-thượng lọt lưới của con, thì với trí thông minh, với văn tài , với võ công cao. Bấy giờ, chính con mới là vua, chứ không phải hoàng-thượng.

Thụy-Hương như người mù được mở mắt, nàng run run đáp :

- Con hiểu. Nhưng con sợ hoàng-thượng đưa vụ này ra đình nghị, thì mấy lão nho thần lại đem chuyện cũ của mẹ ra làm nhục con.

Vú Mai cười :

- Hoàng thương có hai cái ấn. Con ơi ! Con có biết rằng phàm khi ban chỉ, thì phần hành của bộ nào, do bộ ấy soạn rồi chuyển sang tòa Trung-thư lệnh, để trình Tể-tướng duyệt, và kiềm ấn. Cái ấn này để ở điện Càn-nguyên. Sau đó chuyển lên tòa Thượng-thư lệnh. Tòa Thượng-thư lệnh sẽ đệ lên hoàng-thượng ký. Còn như ban chế phong hậu cung thì do bộ Lễ soạn, rồi chuyển qua cung Chiêu-Linh hay Đông-cung cho hoàng-hậu, thái-tử duyệt, đệ lên hoàng-thượng thự rồi kiềm ấn. Aán thứ hai này để ở cung Long-thụy, tẩm cung của hoàng-thượng.

- Việc này con biết. Người coi tòa Trung-thư lệnh là Tăng Khoa, người coi Thượng-thư lệnh là Thủ-Huy. Nếu như hoàng-thượng phong con làm Tuyên-phi, thì chế chuyển qua hai tòa này , nhất định Thủ-Huy, Tăng Khoa sẽ không cản trở. Vì Tăng Khoa biết chuyện của con với Thủ-Huy, sau khi Thủ-Huy lấy vợ, nó an ủi con luôn. Còn Thủ-Huy, thì dù sao nhị ca...nhị ca... cũng muốn con yên phận, để lương tâm được yên ổn. Con chỉ sợ khi chế tới hoàng-hậu, Đông-cung, e gặp trở ngại.

Vú Mai tát yêu con gái :

- Thủ tục đó sở dĩ đặt ra như vậy, vì có nhiều vị vua không biết soạn chế, nên phải qua hai chặng. Còn như con, khi hoàng-thượng đồng ý phong con làm Tuyên-phi, lập tức con tự soạn chế, lấy ấn ở cung Long-thụy đóng vào, rồi sai thái-giám hầu ở Ngự-thư phòng ban hành. Khi chế ban rồi, thì không ai có thể dị nghị nữa.

Vú nhấn mạnh :

- Trước đây mẹ đã bảo rằng, nếu con bắt được con nai Chính-long Bảo-ứng, thì vạn vạn lần hơn con nai Thủ-Huy, Long-Xưởng. Nay cơ hội tới rồi, hãy cố gắng. Phải cố gắng, cố gắng hơn nữa.

Thụy-Hương lên kiệu nhập Hoàng-thành. Thục-phi Đỗ Thụy-Châu ở trong cung Ngọc-lan. Nguyên cung này được làm vào thời vua Thánh-tông, dành cho Ỷ-Lan phu nhân ở, nên mang tên Ỷ-Lan. Sau Ỷ-Lan được thăng lên Thần-phi rồi Linh-Nhân hoàng thái hậu, mới đổi tên thành cung Ngọc-Lan. Thục-phi Đỗ Thụy-Châu thân ra cổng đón Thụy-Hương.

Lễ nghi tất.

Thục-phi cầm tay Thụy-Hương :

- Thụy-Hương chẳng nên đa lễ. Mình tuy là Phi, Hương tuy là quận-chúa, nhưng mình không hơn Hương làm bao tuổi. Mình nghe nói, Hương đàn ngọt, hát hay, cử bút thành văn, mà võ công lại xuất chúng. Thực là hào kiệt trong đám nữ lưu.

- Đa tạ Thần-phi quá khen. Không biết hôm nay Thần-phi muốn dâng hoàng-thượng món gì ?

- Bây giờ đang là mùa hè, theo Thụy-Hương thì nên tiến thời trân nào ?

- Tâu Thần-phi, thần nghĩ, thì có lẽ hoàng-thượng chưa từng ngự món bún riêu bao giờ. Hôm nay dâng bún riêu, ngày mai bún chả, ngày kia gỏi cá.

Thụy-Châu ban chỉ cho một cung nữ hầu cận :

- Người xuống ty Thượng-thiện gọi viên ngự trù lên cho ta.

Lát sau, viên ngự trù tuổi trên bốn mươi lên. Y hành lễ, báo danh là Tân, rồi chắp tay đứng chờ lệnh. Thụy-Châu ban chỉ :

- Này Tân, hôm trước ta sai người làm mấy món ăn bình dân dâng lên hoàng thượng. Người bảo người không biết làm. Nay ta mời Ôn-huệ Nhu-mẫn quận chúa đây ra tay tiên. Vậy người hãy nghe cho kỹ, rồi còn làm...

- Dạ.

Thụy-Châu nói với Thụy-Hương :

- Món bún riêu hấp dẫn đấy. Thụy-Hương viết ra tờ giấy, cần những vật liệu gì, để Tân sẽ đi chợ mua.

- Vật liệu chính làm bún riêu cần thiết là : Cua đồng hay rạm, rau muống, tía tô, kinh giới, bún, tôm. Nhưng anh Tân đây chưa làm bún riêu, thì đi mua không đúng phẩm, e không ngon.

Tân cung tay :

- Xin quận chúa dạy cho, những vật liệu ấy phải như thế nào ?

- Phàm bún riêu có ngon hay không phải biết chọn cua đồng. Cua phải mẩy, loại cua móc trong hang mới béo, nhiều gạch, riêu mới nổi, mới chắc. Lại phải là loại cua mới bắt, to vừa thôi, chứ cua to quá, nhỏ quá cũng không ngon. Rau muống thì phải là loại ống nhỏ, lá dài, xanh nhạt. Chứ rau muống tía, lá lớn, ống to, thì dù chẻ nhỏ, ngâm lâu ăn cũng thấy chát.

Đỗ Thục-phi vốn là một tiểu thư đài các, con một đại thần. Đến con cua cũng chưa từng nhìn thấy, chứ đừng nói là làm bún riêu. Nay nghe Thụy-Hương nói, lắc đầu :

- Không ngờ món bún riêu mà cũng cầu kỳ quá. Còn kinh giới, tía tô chắc cũng phải lựa chọn.

- Vâng. Rau muống phải ăn với kinh giới. Bởi rau muống trồng dưới bùn, tính chất y học của nó là mát, thuộc loại co rút, lại hăng. Ăn rau muống nhiều thì dễ bị nặng bụng, nên phải ăn với kinh giới, để hóa giải mùi hăng. Y tính của kinh giới là cay, nên phát tán, có thể chống lại tính co rút của rau muống . Ăn rau muống luộc hay xào với kinh giới thì được rồi. Còn như ăn rau muống sống, với riêu cua , nên ăn thêm với tía tô. Tía tô tính vị là hơi đắng, hơi cay, nó có thể làm giảm mùi tanh của riêu cua. Cuối cùng là không dùng muối, mà dùng mắm tôm. Tục ngữ có câu « Thịt không hành, canh không mắm ». Riêu là một loại canh, nên phải dùng mắm tôm.

- Nghe Thụy-Hương nói mà mình đã thèm nhỏ dãi ra rồi. Thế cách làm riêu ra sao ? Chắc là cầu kỳ lắm ?

- Trước hết là làm riêu. Cua phải rửa thực sạch, sao cho hết rêu bám ngoài, rồi xé mai với thân ra. Khi xé phải lật ngửa con cua lên, để khi cua bị bửa làm hai, nước trong cua không bị chảy mất, hoặc khi xé, thì xé trên một cái bát, để hứng nước cua chảy xuống. Cho thân cua vào cối dã thực nhuyễn, rồi dùng rá mà đồ lấy nước mầu. Nước mầu để trong bát khoảng một khắc cho sạn lắng xuống, bấy giờ mới gạn lấy nước. Còn mai cua, thì dùng tăm ngoáy lấy gạch vào cái bát hứng nước khi xé cua.

Thụy-Hương nói tới đâu, thì ngự trù Tân gật đầu lĩnh hội tới đó. Thụy-Hương hỏi :

- Anh Tân, từ trước đến giờ anh từng làm rau muống chẻ, thế anh chẻ ra sao ?

- Thưa quận chúa, dùng dao sắc chẻ dọc cọng rau thực nhỏ, rồi ngâm vào nước pha mấy hạt muối. Ngâm như vậy khoảng hơn giờ thì vớt ra, rửa sạch, dùng rá vảy khô nước. Còn tía tô, kinh giới thì nhặt lấy lá, dùng dao thái thực nhỏ.

- Giỏi ! Này anh Tân này, nếu dùng dao thái nhỏ quá, thì khi cho tía tô, kinh giới vào với riêu, mùi thơm, vị cay hòa lẫn với riêu, làm mất cái vị thơm, ngọt của riêu đi. Muốn tránh cái lẫn lộn đó, thì chỉ cắt đôi, cắt ba ra thôi. Khi ăn, và một miếng bún với riêu, mùi vị bốc lên, vừa ngon, vừa ngọt. Bấy giờ mùi tanh xông lên, cũng là lúc nhai rau, tía, tô, kinh giới. Hương của hai gia vị này mới lẫn vào mùi thơm, làm mất cái tanh tanh của riêu cua.

- Thưa quận chúa thế nấu riêu ra sao ?

- Nước cốt cua lọc bỏ vào nồi. Nếu là nồi đất thì tốt, cho vào một khểu mắm tôm. Khi nước vừa sôi, thì đổ gạch cua vào. Đợi cho sôi hai nhịp thì tắt lửa. Bởi để lâu quá, e riêu tan hết.

Tân rùng mình :

- Đa tạ quận chúa dạy.

- Xin phi cho thần đi chợ với anh Tân để mua sắm vật liệu.

Thụy-Hương phụ trách điều khiển ngự trù Đông-cung đã mấy năm dư, nàng thường đích thân đi chợ, nên việc mua sắm không lạ lùng, khó khăn. Rồi trở về, đích thân nàng xé cua, dã cua, lọc cua, ngoáy gạch, nấu riêu. Khi vừa nấu xong, thì cũng là lúc nhà vua từ gác Ánh-vân trở về cung Ngọc-lan. Thục-phi Thụy-Châu đã trang điểm, chờ đợi sẵn.

- Tâu bệ hạ, hôm nay cung Ngọc-lan dâng lên bệ hạ một món ăn rất ngon, mà bệ hạ chưa từng ngự bao giờ ?

- Món gì vậy ? Thất-bảo hỏa tửu chăng ?

- Tâu không phải. Món này tên là bún riêu, bất cứ người dân nào cũng đều ăn. Nhưng bệ hạ thì chưa từng.

Đến đây nhà vua đã vào Ngự-thiện đường. Thụy- Châu hô :

- Tiến lễ.

Thụy-Hương bưng cái khay bạc vành nạm vàng, trên đựng hai bát bún riêu khói bốc lên nghi ngút. Giữa khay, một cái đĩa sứ viền vàng, trên đựng rau muống chẻ, tía tô, kinh giới. Nàng cúi đầu hành lễ, tiến đến án thư, tay bưng bát thứ nhất để trước mặt nhà vua, bát thứ nhì để trước mặt Thục-phi, rồi lùi lại khoanh tay đứng hầu sau lưng phi.

Đúng lễ nghi, thì nàng phải đứng sau lưng nhà vua, sẵn sàng để Thục-phi sai bảo. Nhưng nhớ lời mẹ dặn, nàng đứng sau phi, để nhà vua có dịp ngắm nhìn sắc đẹp của mình.

Nhác thấy Thụy-Hương từ trong bước ra, nhà vua đã giật mình, vì sắc đẹp huyền ảo, mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm, như có như không, mà không một phi tần nào của ngài được như vậy cả. Nàng lại tập võ, nên thân hình, chỗ nảy nở thì nảy nở tối đa. Chỗ thon, thì thon tối thiểu. Nhà vua phóng con mắt nhìn từ đầu xuống ngực, chân của nàng một lượt. Dù là Đại-Việt hoàng đế, dù đã đi vào tuổi bốn mươi, dù đã trải qua không biết bao nhiêu người đẹp, thế mà nhà vua cũng cảm thấy luống cuống. Trong lòng ngài nghĩ thầm :

- Hỡi ơi ! Người con gái này tiến cung bao giờ mà ta chưa từng thấy qua ? Bằng không, ta đã phong nàng làm phi, chứ có đâu để nàng làm một cung nga hèn hạ thế này ? Dường như ta đã gặp nàng rồi thì phải ! Trông quen quen quá !

Tuy vậy để giữ thể diện của đấng chí tôn, ngài làm ra vẻ thản nhiên ngự bún riêu. Sau khi ngự hai bát, ngài nhìn thẳng vào khắp người Thụy-Hương. Bốn mắt gặp nhau, hồn phách ngài như bị hút mất. Không giữ nổi vẻ nghiêm túc của đấng chí tôn, ngài hỏi :

- Có phải người nấu bún riêu là mỹ nhân đây không ? Mỹ nhân từ cung nào trên thượng giới giáng trần vậy ?

Đúng ra ngài phải đặt câu hỏi với Thục-phi, thế mà ngài lại đặt với Thụy-Hương. Qua kinh nghiệm Thủ-Huy, Long-Xưởng, qua biết bao nhiêu lần mẹ giảng dạy, Thụy-Hương quan sát sơ, cũng biết rằng con nai Chính-long Bảo-ứng đã chui đầu vào lưới của nàng. Tiếng mẹ giảng vang lên trong tâm:« Dù văn nhân, dù tôn sư võ học, dù vương hầu, dĩ chí vua chúa, khi ta biết xử dụng sắc đẹp, thì có thể biến họ thành con chó con cho ta sai khiến ».

Biết cái thời gian quan trọng nhất đời là lúc này, nàng liếc mắt đưa tình, rồi sẽ hít hơi, lồng ngực nàng chuyển động, khiến cho nước miếng nhà vua đầy ứ trong miệng. Nàng đáp bằng âm thanh nhẹ như gió thoảng :

- Tâu bệ hạ, nô tỳ thuộc Đông-cung, tước Ôn-huệ Nhu-mẫn quận chúa, họ Từ tiểu danh Thụy-Hương.

Nhà vua chợt nhớ ra :

- Phải rồi, ba năm trước trẫm đã gặp quận chúa trong ngày đánh đuổi bọn mật sứ Tống. Ừ, hôm ấy quận chúa chỉ huy một đội cao thủ tiến đánh điện Càn-nguyên, rồi trấn tại đây. Hồi đó quận chúa còn nhỏ tuổi, nay đã dậy thì, lại xinh đẹp, làm trẫm tưởng đâu là một nàng tiên giáng trần. Trẫm nghe nói, ngoài tay thần hóa phép ra những món ăn tuyệt trần, quận chúa lại rất giỏi âm nhạc. Trẫm từng ước mong có dịp được nghe tiếng đàn Trương Chi của quận chúa.

Thục-phi Thụy-Châu kinh ngạc không ít, khi thấy nhà vua khách sáo với Thụy-Hương như một nho sinh đa tình trước một giai nhân. Phi im lặng quan sát nhà vua say tình.

Về phía Thụy-Hương, lời mẹ dặn lại vang lên:

« Khi gặp những kẻ quyền thế, mà họ ngỏ lời ngợi khen ta, hay họ hạ thể trước ta, ta càng tỏ ra khiêm nhượng, thì họ càng sa lầy. Bằng như ta nhận lời khen quá đáng của họ, thì họ lại chán ghét ta ngay ».

Nàng cúi đầu e lệ :

- Bệ hạ ban lời vàng ngọc, quá khen, khiến tiểu tỳ có chết đến mấy lần cũng can tâm. Hôm nay, tiểu tỳ xin tấu mấy khúc, mong được bệ hạ, với phi mở lượng trời biển xá cho cái tội mạo phạm.

Nói rồi nàng cầm cây đàn tranh treo trên tường, kéo ghế ngồi sát cửa, tay cầm vạt áo để lên đùi, rồi đặt đàn trong lòng, tay lên dây, dạo mấy tiếng. Cử chỉ mềm mại, thanh nhã, càng làm cho nhà vua say đắm nhìn nàng như muốn nuốt cả thân hình vào. Miệng ngài khô, môi nóng bỏng. Ngài nghĩ thầm :

- Ta có hoàng-hậu, có sáu bà phi, với hàng trăm cung nga, nhưng so với giai nhân này thì vẫn như không có gì cả. Phải chi ta được làm chủ người con gái này, thì dù có đổi cả ngai vàng ta cũng không tiếc.

Thụy-Hương hơi nghiêng nghiêng đầu, khiến mái tóc dài trên hai vai uốn lượn theo. Nàng nhỏ nhẹ :

- Tiểu tỳ xin tấu bản « Tình khúc Trương Chi » hầu bệ hạ với phi. Bản này Trương Chi làm khi được vời vào gặp Mỵ-Nương lần đầu

Thế rồi nàng để hết tâm thần vào mười đầu ngón tay. Biết nhà vua với Thục-phi đang nhìn mình, nên nàng cúi đầu xuống. Khi khúc hát hết, nàng mới ngửng đầu lên, nở một nụ cười

- Tâu, sau khúc hát này, thì Mỵ-Nương đuổi Trương Chi ra khỏi dinh tể tướng, vì chàng xấu trai quá. Bây giờ tiểu tỳ xin tấu một khúc khác.

Nàng lại lượn tay trên phím đàn. Bản nhạc buồn quá, nhà vua nhìn Thục-phi, ngỏ ý hỏi nguồn gốc của nó. Thục-phi lắc đầu. Bản đàn dứt, nhà vua hỏi :

- Bản nhạc mà khanh vừa tấu là bản gì vậy ? Do ai làm ra

- Tâu bản này mang tên Trường-hận ca. Tiểu tỳ thấy bài Trường-hận ca của Bạch Cư-Dị lời lời tao nhã, khóc thương cho Dương phi chết oan, nên đem phổ nhạc.

Nhà vua không thể chịu được nữa, ngài tuyên chỉ với Thục-phi :

- Trẫm còn hơn hai chục tấu chương phải duyệt. Vậy trẫm trở lại gác Ánh-vân. Nghe quận chúa là bậc văn chương lỗi lạc, trẫm muốn đem quận chúa đến Ngự-thư phòng, để quận chúa đọc cho trẫm duyệt.

Nhà vua đứng dậy đi trước. Thụy-Hương theo sau, trong lòng nàng rộn lên một niềm hân hoan :

- Không ngờ bắt con nai gộc lại dễ dàng đến thế. Trước đây ta bắt con nai Thủ-Huy phải hàng chục lần. Con nai Long-Xưởng phải năm sáu lần. Còn con nai này chỉ có một lần thôi. Mẹ ta đã dặn: « Khi người đàn ông say mê, choáng váng ngay từ lần đầu, thì y say mê thực, nhưng tỉnh cũng mau. Muốn làm cho họ say mê đến tim, đến gan, thì khi họ muốn, ta phải dằng dai, thoái thác không cho ngay ».

Tới gác Ánh-vân, nhà vua bảo viên thái giám hầu cận :

- Có quận chúa giúp ta rồi, cho người lui.

Viên thái giám già cúi đầu lùi khỏi gác. Khi xuống thang, y kín đáo đóng cửa lại. Đúng ra thì Thụy-Hương phải kéo long ỷ cho nhà vua ngồi, rồi đứng sau hầu. Nhưng, nhà vua kéo long ỷ cho Thụy-Hương ngồi cạnh ngài. Ngài chỉ tấu chương thứ nhất :

- Mắt trẫm mệt quá rồi. Mỹ nhân đọc lên cho trẫm nghe.

Thụy-Hương từng giúp Long-Xưởng duyệt phê tấu chương ba năm qua, nàng đã quen với lối văn khách sáo cung đình, quen với đường lối giải quyết, nên nàng không hề bỡ ngỡ. Không e dè, nàng cầm một tấu chương lên, cất tiếng đọc. Đó là tấu chương của trấn Nghệ-an về việc bọn du thủ, du thực gốc Chiêm thuộc vùng châu Lâm-bình (Địa-lý), Minh-linh (Ma-linh), Bố-chính thường hay tụ tập, tuyên bố phục hồi cố thổ. Chúng chém giết dân Việt. Quan quân bắt được hơn hai trăm tên, xin triều đình phát lạc. Nhà vua hỏi Thụy-Hương :

- Mỹ nhân nghĩ gì về vụ này ?

- Trước đây đức Thánh-tông đem quân bình Chiêm, bắt được vua Chiêm là Chế Củ mang về Thăng-long. Củ xin dâng ba châu này để chuộc tội. Khi vua Chiêm dâng cho ta, thì không thể nói rằng ta cưỡng chiếm. Nay bọn du thủ, du thực Chiêm mượn cớ phục hồi cố thổ mà tụ tập cướp bóc. Nếu ta giết chúng chẳng hóa ra quàng cho chúng cái hào quang yêu nước ? Xin bệ hạ ban chỉ đem chúng về Thăng-long, an ủi, rồi huấn luyện cho chúng biết nói tiếng Việt, sau đó sai chúng về làm những chức dữ tợn như kiểm soát dân chúng, thúc thuế, bắt nhân công. Chúng là quân trộm cướp, thì khi quyền vào tay, chúng sẽ ra oai với đồng bào chúng. Thế là chúng thành tay sai của ta, mà dân chúng Chiêm sẽ oán ghét chúng. Bấy giờ ta nhân đó kết tội, giết chúng. Như vậy vừa an dân, vừa trừ bạo, lại làm tiêu ma cai ý phục hồi cố thổ của bọn Chiêm .

Nhà vua khen :

- Khanh thực là minh mẫn.

Thụy-Hương biết nhà vua như cá cắn câu, nàng có làm gì, thì ngài cũng không cản. Nàng cầm bút phê :

« ... Phải đối xử thực tử tế với đám tù này. Cấp lương thực, đưa chúng về Thăng-long dạy tiếng Việt, sẽ có chỉ dụ sau ».

Nhà vua tưởng Thụy-Hương sẽ đệ cho ngài duyệt, không ngờ nàng dám phê. Ngài đâu biết rằng nàng từng giúp Long-Xưởng làm việc đó.

Cứ thế mỗi tấu chương nàng đọc cho nhà vua nghe, rồi không đợi nhà vua cho ý kiến, nàng cầm bút phê, rồi đệ cho nhà vua ký. Đối với ông vua cục bột này, cái gì ngài cũng ngơ ngơ ngác ngác, chỉ duy vấn đề phòng the là khôn khéo mà thôi, Thụy-Hương muốn phê, muốn ban chỉ gì cũng được. Ngài chỉ biết gật đầu, rồi ngồi ngắm nàng và... nuốt nước miếng.

Ngài ban chỉ :

- Thôi, ta ngừng thôi. Khanh hãy đem đống tấu chương này sang cung Long-thụy giải quyết với trẫm

Thụy-Hương im lặng tuân chỉ, trong tâm nàng nghĩ :

- Ông vua này muốn đưa ta sang cung Long-thụy là chỗ ngủ của ông, để làm thịt ta đây ! Hà, chưa biết ai làm thịt ai !

Cung Long-thụy không xa gác Ánh-vân làm bao. Tới nơi, Thụy-Hương để chồng tấu chương lên án thư, tiếp tục phê duyệt. Sau khi duyệt phê hết chồng tấu chương, Thụy-Hương đứng dậy bưng đến đặt trước mặt nhà vua. Nàng đứng sau ngài, lật từng hồ sơ cho ngài đọc và thự (ký tên). Đợi nhà vua ký ba hồ sơ, sang hồ sơ thứ tư nàng cố tình để ngực chạm vào đầu ngài. Nhà vua cảm thấy trời đất quay cuồng, chân tay ngài tê liệt. Cây bút trên tay ngài rơi xuống án thư. Ngài dựa đầu vào ngực nàng. Thụy-Hương chỉ chờ có thế, tay phải nàng vòng qua đầu ngài, ép đầu ngài vào ngực nàng ; tay trái nàng vuốt má ngài. Nhà vua cũng quay lại, hai tay ngài ôm lấy ngang hông nàng.

Gác Ánh-vân giữa trưa mùa hè rực hoa, véo von tiếng chim hót, văng vẳng tiếng cuốc kêu, tiếng ve rên rỉ. Thụy-Hương vừa chủ động, vừa buông lỏng cuộc đời, dẫn Chính-long Bảo- ứng Hoàng đế vân du cung Quảng, viếng bãi cỏ xanh non trên đảo Bồng-lai, uống nước suối Đào-nguyên. Cuối cùng, ngài bồng nàng lên long sàng, tay cởi nút áo. Thụy-Hương chỉ chờ có thế, nàng dùng thân pháp Mê-linh, sẽ vùng vẫy, đã thoát khỏi tay nhà vua :

- Xin bệ hạ đại xá. Tiểu tỳ chỉ là một đứa con gái xuất thân hèn hạ, lại là tỳ nữ của thái-tử. Tiểu tỳ đã trao cuộc đời cho thái-tử, thân phận của tiểu tỳ với bệ hạ định rồi : Tiểu tỳ là con dâu của bệ hạ. Giữa tiểu tỳ với bệ hạ, có khoảng cách lớn. Bệ hạ không nên để tiểu tỳ bất trinh với thái-tử.

Từ năm nhà vua mười lăm tuổi, đến nay đã trải hai mươi lăm năm, không biết bao nhiêu giai nhân, sau khi được tuyển cung đều ước mong được dâng hiến cuộc đời cho ngài. Duy lần này, ngài mới thực sự bị đưa đẩy vào mê lộ, rồi cuối cùng, giữa lúc ngài say đắm cùng cực, thì lại bị... hụt. Ái tình của vua chúa, quan lại, phú gia, bần dân... đời nào cũng vậy, khi đã bị say tình, càng gặp trở ngại, người ta càng lao đầu vào cho đến khi tuyệt vọng hoặc đạt mục đích mới thôi.

Thụy-Hương nói mặc Thụy-Hương nói, nhà vua không nghe thấy gì nữa. Ngài vòng tay ôm nàng. Nàng lách mình một cái lại thoát khỏi tay ngài :

- Xin bệ hạ đại xá. Trước đây, mẫu thân tiểu tỳ đã bị triều đình kết tội là bất trinh, không được ở lại trong cung hầu hạ công chúa Đoan-Nghi. Bây giờ tiểu tỳ không thể làm ô uế một đấng chí tôn.

Mắt nhà vua đỏ ngầu, ngài thở hổn hển :

- Khanh yên tâm, khi trẫm sủng ái khanh, thì dù khanh có ô uế, khắp Đại-Việt ai cũng phải kính trọng khanh.

Nói rồi nhà vua quơ tay vồ Thụy-Hương. Lần này nàng để cho nhà vua bắt. Ngài bế bổng nàng lên mà hôn như muốn ăn tươi nuốt sống, rồi ngài lại mở nút áo nàng mà hôn khắp cơ thể. Nhưng khi ngài lần tay mở rút quần, định lên tuyệt đỉnh Vu-sơn... ăn trái ngọt, thì nàng lại lách mình khỏi tay ngài, tay cài nút áo lại :

- Xin bệ hạ khoan dung. Tiểu-tỳ sẵn sàng dâng hiến cả sinh mệnh cho bệ hạ. Nhưng quần thần biết được việc tiểu tỳ mất trinh, biết được việc tiểu tỳ từng dâng hiến cho thái-tử, rồi bây giờ lại dâng hiến cho bệ hạ... Như vậy là làm ô uế một đấng chí tôn, làm đảo lộn luân thường như Dương quý phi đời Đường, thì toàn gia thiếp sẽ bị chết chém. Nếu như bệ hạ quả thực tình sủng ái tiểu tỳ, thì xin trước hết ban chỉ cho tiểu tỳ được chính danh, rồi chọn ngày giờ tốt... để dâng hiến cho bệ bạ.

Tuy bị hụt hẫng, nhưng nhà vua cũng thông cảm nỗi lo sợ của Thụy-Hương. Ngài gật đầu :

- Được rồi, trẫm sẽ ban chế phong cho khanh bất cứ chức gì khanh muốn.

Chỉ chờ có thế, Thụy-Hương cầm bút viết một tờ chế phong cho mình làm Tuyên-phi. Như vậy trong hậu cung nàng chỉ đứng sau có Chiêu-Linh hoàng hậu, Thần-phi Bùi Chiêu-Dương ; ở trên các bà Quý-phi, Thục-phi, Đức-phi, Hiền-phi, Giai-phi, và tất cả các bà Tu-dung, Tu-nghi, Uyển-nghi, Tài-nhân, Mỹ-nhân, cung nga... Nàng lại viết một chỉ dụ phong tước cho tiền nhân. Ngũ đại tước nam, tứ đại tước tử, tam đại tước bá, bố tước hầu, mẹ tước nhất phẩm phu nhân, rồi trao cho nhà vua ký. Không cần đọc xem nàng viết gì, nhà vua ký ngay.

Thụy-Hương lấy ấn đóng lên, rồi mở cửa lầu, gọi vọng xuống :

- Có thái giám nào đó không ?

Một thái giám mở cửa bước vào cung tay chờ lệnh. Thụy-Hương trao tờ chế, tờ chỉ cho y :

- Người đưa sang tòa Thượng-thư lệnh nói rằng, phải ban chỉ nội ngày hôm nay.

Viên thái giám cung kính tiếp hai tờ giấy, rồi xuống lầu. Bấy giờ Thụy-Hương mới ngả vào lòng nhà vua.

Ghi chú của thuật giả:

Trời mưa mãi rồi cũng nắng. Đêm mãi rồi cũng sáng dần. Thụy-Hương chống đỡ mãi rồi cũng buông lỏng cuộc đời. Chuyện gì giữa nhà vua với Thụy-Hương diễn ra trong cung Long-Thụy vào mùa hè rực nắng sau đó, xin để độc giả tự đoán. Thuật giả quả thực không hiểu nổi, không tưởng tượng nổi, dĩ nhiên không đoán nổi. Bởi Chính-long Bảo-ứng hoàng đế triều Lý là một ông vua ù lỳ, một cục bột luộc, bất cứ việc gì ngài cũng dở, cũng mũ ni che tai. Duy truyện phòng the là ngài rất khỏe, rất giỏi và thích.

Và kể từ lúc này, coi như sự nghiệp hai trăm năm của núi Tiêu-sơn đã tiêu tan. Tại sao ? Xin xem các hồi sau.

Một huyền thoại nói rằng, khi Thụy-Hương được sủng ái quá đáng, được phụ tá cho nhà vua, nàng đã ban ân cho một vài vùng ngoại ô Thăng-long, nên quanh Hà-nội ngày nay có rất nhiều vùng mang tên Thụy như làng Thụy- Khuê, Thụy-Hương. Tôi không tin thuyết này.

Ngày đăng: 21/08/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?