Gửi bài:

Hồi 23

Trong tâm nhà vua định đáp rằng :

« Xưởng là hoàng trưởng tử, là đích tử, đã lập làm trừ quân, cầm quyền Đông-cung triều, nhân tâm thiên hạ đều hướng về. Còn Long-Trát khi sinh ra, đã có mối nghi ngờ trong triều, ngoài dã; lại là con thứ, đang tuổi bế ngửa thì sao có thể là Thái-tử ? Vừa rồi, bị Vương Cương-Trung đe dọa tính mệnh của trẫm, của hoàng-hậu, của các phi, mà trẫm ban chỉ phế Xưởng, lập Trát. Chứ thực tâm, trẫm không có ý đó ».

Nhưng liếc khuôn mặt thanh tú, đôi mắt tuyệt vọng, chứa chất cầu xin, thiết tha yêu thương nồng nàn của Thụy-Hương, long tâm lại nhũn ra. Trong khoảnh khắc đó, ông vua đa tình bậc nhất triều Tiêu-sơn lại nghĩ :

« Ta là chúa tể trời Nam, ngồi trên ngai vàng bốn mươi năm qua. Vàng bạc ta có đầy kho, dân chúng nơi nơi đều quy phục. Trong cung ta có mấy trăm người, nào hoàng-hậu, nào bẩy phi, nào hai mươi bốn mỹ nữ, mấy chục tu dung, tu nghi, tài nhân... Nhưng không ai làm cho ta vui lòng, không ai đem cho ta tới tuyệt đỉnh Vu-sơn, không ai cho ta ăn uống ngon miệng bằng Tuyên-phi. Trước đây ta từng hứa cả đời chỉ sủng ái nàng. Bây giờ, trươc khi phải ban chỉ xử tử nàng, nàng cầu xin ta giữ nguyên chỉ dụ, lập con nuôi nàng lên làm Thái-tử. Âu là ta cứ hứa cho nàng vui lòng. Rồi khi sắp băng ta sẽ đổi lại thì có sao đâu ? Vả hiện nay, quyền hành trong tay Xưởng nhi, khi ta lâm chung, hỏi ai dám chống đối Xưởng nhi ? »

Nghĩ vậy, ngài liếc mắt nhìn Hoàng-hậu, Long-Xưởng, các hoàng tử công chúa, phò mã, đại thần... Ai cũng chờ đợi quyết định của ngài. Ngài định ban chỉ : Long-Xưởng là Thái-tử, nhưng ngài thoáng thấy hai giọt lệ lăn trên má Tuyên-phi, không giữ nổi ý chí, ngài bật ra câu nói :

- Trẫm mới ban chỉ phế Xưởng lập Trát. Chỉ ban ra rồi, không thể thu lại ! Long-Trát vẫn là Thái-tử.

Lời của Thiên-cảm Chí-bảo hoàng đế vừa ban ra, ngài thoáng thấy nét bất phục, thất vọng của Hoàng-hậu, chư hoàng tử, công chúa đều bàng hoàng. Chính ngài cũng chóng mặt, cung Long-hoa như xoay vần đảo lộn. Ngài phải nắm lấy cạnh sập để khỏi bị ngã.

Thụy-Hương nở một nụ cười thực tươi, thực thỏa mãn. Nụ cười đó như hàng nghìn viên thuốc bổ, khiến nhà vua cảm thấy khỏe mạnh như hồi trai tráng. Nàng phục xuống trước nhà vua lạy đủ bốn lạy, rồi khẩn khoản :

- Thiếp xin bệ hạ gia ân, đại xá cho song thân thiếp. Không biết bệ hạ có chuẩn không ?

Nhà vua ngần ngừ chưa quyết, thì Thụy-Hương qùy gối, ôm lấy chân ngài , ngửa mặt nhìn lên chờ đợi.

Nhà vua cau mày, liếc nhìn : Quần thần, các quan đều lắc đầu. Thụy-Hương tu lên khóc. Nàng đứng dậy, nói lớn :

- Hỡi ơi ! Vì luật lệ ràng buộc, vì quần thần ước thúc, mà bệ hạ không thể ban ân cho thiếp ! Thôi thì thiếp xin lấy cái chết để tạ tội với bệ hạ.

Nói dứt nàng rút thanh trủy thủ trong bọc đâm thẳng vào ngực. Thanh trủy thủ ngập tới chuôi. Dư lực còn, nàng vẫn đứng nguyên, mắt mở trừng trừng nhìn mọi người !

Những người có võ công cao định ra tay ngăn cản, nhưng tất cả đều ở quá xa nàng.

Triệu Mai-Hương thấy con gái tự tử, bà hét lên :

- Con ơi ! Ối ! Con tôi !

Rời khỏi lòng Ưng-sơn nam hiệp, bà lạng người tới đỡ Thụy-Hương, đặt nàng nằm dài trên sập trước mặt nhà vua.

Nước mắt đầm đìa, Thụy-Hương vẫy tay gọi Thủ-Huy, miệng nàng mấp máy như muốn nói gì. Thủ-Huy quỳ gối dưới chiếc sập, ghé tai sát vào miệng nàng. Tiếng nàng nhỏ như tơ :

- Anh ơi ! Đời em trải qua ba người đàn ông. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi thái độ. Nhưng em chỉ yêu thương có mình anh thôi. Trước đây, anh với em đã luận bàn với nhau, sao cho anh nắm binh quyền ở ngoài, em khống chế bọn văn thần ở trong. Sau đó đưa anh lên làm vua, anh sẽ phong cho em làm hoàng-hậu. Nhưng... Nhưng nay thì tuyệt vọng rồi.

Tuy Thụy-Hương nói nhỏ, nhưng người người đều nghe rõ. Hoàng-hậu đưa mắt nhìn nhà vua, nhìn Long-Xưởng, như có ý nói :

- Tôi luận có sai đâu ? Quả Thủ-Huy có ý phản nghịch từ lâu mà không ai biết.

Trong khi Long-Xưởng nghĩ :

- Từ hôm nghe phụ hoàng, mẫu hậu luận về Thủ-Huy, ta hơi nghiêng theo ý mẫu hậu. Tuy bề ngoài ta ngọt ngào với y mà trong lòng ta ngầm đề phòng. Thỉnh thoảng thấy thái độ nhiệt thành của y, ta cứ hối hận rằng nghi oan cho một đại công thần. Bây giờ trắng đen đã rõ sự thực !

Thủ-Huy kinh hãi :

- Phi ! Làm gì có chuyện đó. Phi sắp băng rồi ! Phi đừng bịa ra những chuyện hoang đường nữa.

Thụy-Hương vẫy tay cho Thủ-Huy lùi ra. Từ nhà vua, Long-Xưởng cho chí các đại thần đều nhìn công với con mắt nghi ngờ, hận thù :

- Thì ra cái tên này là một gian thần, nguy hại, mà không ai biết.

Nàng lại vẫy tay gọi Thục-phi Đỗ Thụy-Châu. Thụy-Châu bế Long-Trát lại bên cạnh nàng. Nàng cầm lấy tay Long-Trát :

- Con tuy không phải do mẹ sinh ra, nhưng mẹ yêu thương con rộng như biển, cao như trời. Trong mười sáu tháng qua, mẹ bế bồng con, cho con bú sữa, hát ru cho con ngủ. Khi con được lập làm Thái-tử, trong lòng mẹ hân hoan, sẽ có ngày được nhìn con mặc áo ngự bào, ngồi lên ngai vàng. Nhưng bây giờ thì hy vọng đó tuyệt rồi.

Nàng nói rất nhỏ, vừa đủ lọt vào tai Đỗ Thụy-Châu :

- Em sắp chết rồi ! Em chết rồi, thì không còn người đối chất về lý lịch Long-Trát nữa. Chúng ta đã lừa được triều đình, thì cứ tiếp tục lừa luôn. Vừa rồi em nói với Long-Trát mấy lời, chỉ với mục đích xác nhận Long-Trát làm Thái-tử. Chị thấy em lừa bọn ngu thần già hay không ? Từ bao năm qua, mấy lão này kiếm đủ cớ hạ phái Đông-A với Thủ-Huy mà không được. Bây giờ chỉ mấy câu của em, thì những gì là Đại-Việt ngũ tuyệt, Vỵ-xuyên ngũ tiên sẽ bị triều đình nghi ngờ. Em chết rồi, chị cứ cương quyết rằng Long-Trát do chị sinh ra. Mấy lão đại thần già, chỉ mong Long-Trát lên làm vua để được an nhàn, sẽ hùa theo chị. Em thấy cái lão già Tô Hiến-Thành kia, là người ham danh. Khi Long-Trát lên ngôi, chị cứ phong cho y tước vương. Y sẽ cúi đầu cúc cung để chị sai như con chó. Y già rồi, thì giỏi lắm chỉ sống được ba, bốn năm nữa là cùng. Bấy giờ chị trao quyền cho Đỗ An-Di, là mọi sự ban bài xong. Thôi chị bồng Long-Trát ra chỗ khác, để nó khỏi phải nhìn thấy cảnh mẹ nó chết.

Nàng lại nói sẽ vào tai mẹ :

- Mẹ thấy không ? Phái Hoa-sơn nhà mình tìm trăm phương ngàn kế phái người sang làm tế tác, để triều đình sẽ đưa quân sang chiếm Đại-Việt. Thế mà gần trăm năm qua, bao nhiêu người, bao nhiêu công, bao nhiêu sức, mà cuối cùng cũng mua lấy cái thất bại ngày hôm nay. Chính vì vậy con phải ra tay. Chỉ một cái chết của con, mà loại vĩnh viễn Long-Xưởng ra ngoài. Chỉ cần mấy năm nữa thôi, Long-Trát sẽ làm vua Đại-Việt. Trong suốt bốn nghìn năm lịch sử, nào Tần, nào Hán, nào Đường, nào bản triều, đem quân nghiêng nước sang đánh Đại-Việt, cuối cùng cũng thất bại. Nay, con không dùng kiếm, không dùng cung, mà biến An-Nam thành quận huyện của ta.

Nàng nhắm mắt lại, thở hổn hển, rồi tiếp :

- Nhưng con nói thực ! Cái hôm bố mẹ bàn với con rằng, con phải hiến thân cho vị Thái-tử, thuộc dòng chính thống của Tống triều, hy vọng có con. Rồi tìm cách đưa đứa con đó lên làm vua An-Nam. Con tuân theo, mà lòng bất phục. Sau hai đêm liền hiến thân đó, con cảm thấy thân thể dơ bẩn, hối hận vô tả. Bởi trước sau, con chỉ yêu có một mình Thủ-Huy thôi. Còn Long-Xưởng hay ông vua kia, con không hề để vào tâm. Mẹ hãy bình tĩnh để con bắn vào tim cái ông vua đa tình này mấy mũi tên độc nữa. Với mấy mũi tên này, thì triều đại Tiêu-sơn không còn.

Đến đây hơi thở của Thụy-Hương gần như muốn tuyệt. Nàng hướng nhà vua :

- Thiếp biết tội quá nhiều...Trong khoảnh khắc nữa...âm dương cách trở.. . Không biết rồi đây, ai sẽ thay thiếp phục thị, dâng hiến những miếng ngon, vật lạ lên bệ hạ.

Nhà vua quên cả mình là đấng chí tôn. Ngài nắm lấy hai vai Thụy-Hương :

- Phi ! Trời ơi ! Làm sao bây giờ ?

Thình lình, Thụy-Hương lách tay nhổ thanh trủy khỏi ngực. Máu vọt lên thành vòi. Người người đều kinh hãi, quay mặt đi. Nàng rùng mình một cái, rồi từ từ nhắm mắt.

Nước mắt đầm đìa, nhà vua ôm lấy Thụy-Hương, nhắc lại ý nghĩ trong tâm lúc nãy cho mọi người nghe :

- Hỡi ơi ! Trẫm làm chúa trời Nam, con dân biết bao nhiêu mà kể. Trong cung cấm, nào hoàng-hậu, nào phi tần có hàng trăm. Thế mà không ai làm cho trẫm vui lòng. Không ai cung phụng yến tiệc cho trẫm ngon miệng. Duy phi là người duy nhất làm cho trẫm vui, dâng cho trẫm những món ăn mà trẫm vừa lòng nhất. Bây giờ phi đã băng rồi, thì bao nhiêu tội lỗi cũng theo phi đi hết. Trẫm tuyên chỉ trước chư khanh : Trẫm ân xá cho Thái-bảo Vương Cương-Trung, ân xá cho tất cả mọi người. Aân xá cho tất cả tội nhân dù thành án hay chưa.

Giai-phi Chế-bì La-bút đến trước nhà vua lạy bốn lạy :

- Tâu Bệ-hạ ! Thiếp nhũ danh là Hàn Dũ-Linh, trong phái Hoa-sơn thiếp là Mao-Nữ tiên tử. Quả Tống triều đã đưa thiếp sang giả làm công chúa Chế-bì La-bút. Từ ngày nhập cung, thiếp được bệ hạ ân sủng hơn bất cứ phi tần nào. Trong suốt mười mấy năm qua, tuy thiếp có lỗi đạo chúa-tôi với bệ hạ. Song chuyện chăn gối, vợ chồng thiếp không hề khiếm khuyết. Bây giờ bệ hạ ban chỉ ân xá cho thiếp về Tống. Thiếp xin bệ hạ nhận lấy tám lậy này, trước khi kẻ Tống, người Việt.

Nói rồi phi lạy đủ tám lậy.

Phu nhân của Tể-tướng Đỗ An-Di cũng đến trước chồng. Nàng quỳ xuống rập đầu :

- Tể-tướng ! Thiếp quả thực là người Tống, khuê danh là Trịnh Nam-Phương, trong phái Hoa-sơn, thiếp đứng đầu Hoa-nhạc tam nương, chưởng quản Vân-Đài lĩnh. Khu-mật viện Tống cho thiếp sang Đại-Việt với mục đích thu lượm tin tức gửi về. Thiên-Hư sư bá đã cho tiền một nhà nghèo để họ nhận thiếp làm con, rồi bán cho tướng-công. Từ ngày về làm tỳ thiếp, tướng-công sủng ái thiếp trải mười mấy năm dư. Tình nghĩa vợ chồng thực là mặn nồng. Thiếp chưa từng làm phật lòng tướng-công. Tướng-công cũng chưa từng hắt hủi thiếp. Bây giờ trước lúc ly biệt, thiếp xin tướng-công nhận mấy lậy, để tạ cái tội, thiếp đã thu nhặt tin tức của Đại-Việt gửi về Tống.

Triệu Mai-Hương ( vú Mai), đến trước Thần-phi Bùi Chiêu-Dương và công chúa Đoan-Nghi, phục xuống, lậy bốn lậy, nước mắt đầm đìa :

- Nô tỳ nguyên là thần dân Tống-triều. Trong phái Hoa-sơn, nô tỳ trấn thủ ngọn núi Công-chúa. Khu-mật viện Tống đã đưa nô tỳ sang Đại-Việt, ẩn thân dưới cái vỏ ca kỹ Trần Lệ-Mai, mục đích đi đường tắt, làm tỳ thiếp của Minh-Đạo vương. Thế nhưng, Minh-Đạo vương đã có vương phi Phạm-thị Thanh-Thủy. Vì vậy sư huynh Lạc-Nhạn phải ám hại vương phi Thanh-Thủy, để nô tỳ có thể lọt vào phủ của người. Thế nhưng, khi sư huynh sai Mao-Khiêm hại được vương phi Thanh-Thủy, thì cũng đúng là lúc vương bị Cảm-Thánh thái hậu với Đỗ Anh-Vũ gia hại, mất hết địa vị, thế lực. Sư huynh Lạc-Nhạn bỏ việc sắp xếp cho nô tỳ vào phủ Minh-Đạo.

Bà đưa mắt nhìn Vương Cương-Trung :

- Thế nhưng, con người ta ai cũng không thoát được đường tình. Đúng lúc đó nô tỳ gặp một đấng tài tử văn nhân. Chàng vốn nòi thư sinh. Thi, nhạc, họa không môn nào mà không thông. Cho hay, thanh khí lẽ hằng, nô tỳ vừa gặp người là quấn lấy nhau. Nô tỳ bỏ không hát nữa, cùng chàng ngao du bốn phương. Khi Bích-động, khi Hàm-rồng, lúc Nam-giới, nô tỳ với chàng như đôi chim liền cánh. Bấy giờ Mao Khiêm đang đắc thế trong phủ Thái-sư Đỗ Anh-Vũ. Mao đã tiến cử nô tỳ làm tỳ thiếp cho Đỗ. Sư huynh Lạc-Nhạn bắt nô tỳ phải chuẩn bị vào phủ Thái-sư, và rời người thư sinh, không có chút địa vị, không tiền tài kia ngay tức thời. Nô tỳ không tuân lệnh sư huynh. Sư huynh theo dõi, rồi đích thân giết người tình của nô tỳ.

Mọi người đều chăm chú theo dõi một thiên tình sử hơn hai chục năm trước. Ai cũng ái ngại cho người thư sinh trói gà không chặt.

- Thế nhưng nào ngờ, sư huynh Lạc-Nhạn phát chiêu giết thư sinh, thì bị phản công. Sau mười tám chiêu, sư huynh bị đánh bại. Thư sinh bắt sư huynh phải quỳ lạy, mới được tha mạng. Hai người hẹn hai mươi năm sau tái đấu, để phân cao thấp.

Đoan-Nghi hỏi :

- Vú là cao thủ phái Hoa-sơn, thế vú có biết thư sinh dùng võ công gì không ?

- Khi mới giao đấu, người bảo sư huynh Lạc-Nhạn rằng : Mi là người phái Hoa-sơn, vậy ta dùng võ công Hoa-sơn thắng người, để người không ân hận. Võ công của Lạc-Nhạn hay Ngô Giới, Lưu Kỳ đều là võ công Hoa-sơn thất truyền. Còn võ công của thư sinh bao gồm cả Hoa-sơn tứ đại thần kỹ.

Mai-Hương thở dài não nuột :

- Rồi, một buổi sáng, khi thiếp thức dậy, thì không thấy thư sinh đâu nữa. Nô-tỳ khóc hết nước mắt, bỏ ra không biết bao nhiêu tiền, thuê người điều tra lý lịch chàng, mà cũng biệt tăm. Mãi tới một hôm, kẻ mà tiểu tỳ bỏ tiền sai đi tìm lý lịch chàng báo cho nô tỳ biết một chuyện đau lòng : Chàng chính là người nức danh võ lâm, con trai đầu lòng đại hiệp Trần Tự-Kinh phái Đông-A, tên là Trần Tự-Hấp. Tự-Hấp với vợ là Bùi Anh-Hoa, nổi tiếng Hoa-Việt với cái tên Côi-sơn song-ưng.

Cả sảnh đường cùng bật lên tiếng kinh ngạc :

- Ủa !

- Ái chà chà !

- Ối trời ơi !

Rồi cùng đưa mắt nhìn Côi-sơn song ưng. Chỉ có Đoan-Nghi, Thủ-Huy là im lặng cười nửa miệng mà thôi.

Mai-Hương vẫn thuật lại cuộc đời thăng trầm của mình :

- Người đưa tin còn nói thêm rằng : Tự-Hấp trốn vợ, ngao du với nô tỳ. Bây giờ bị vợ khám phá ra. Y thề không bao giờ gặp nô tỳ nữa. Nô tỳ tin ngay, vì trên thế gian này chỉ phái Đông-A mới có bộ Vô-trung kinh, trong đó chép đủ Tứ đại thần kỹ Hoa-sơn . Nô tỳ nghiến răng căm hận kẻ bạc tình, thề sẽ có ngày đích thân giết chết y. Giữa lúc nô tỳ đau khổ cùng cực đó, thì sư huynh Lạc-Nhạn ngỏ ý cầu hôn với nô tỳ. Thế là nô tỳ rơi vào tay người. Rồi...Nô tỳ trở thành vợ của Lạc-Nhạn hay Vương Cương-Trung, rồi đứa con Thụy-Hương ra đời, rồi nô tỳ thành nhũ mẫu của công chúa. Hôm nay đây, nô tỳ gặp lại người thư sinh, gặp lại người tình Côi-sơn , thì đứa con gái yêu thương lại phải chết. Hỡi ơi !

Bà lạy thêm một lạy :

- Nô tỳ xin Thần-phi, xin công-chúa nhận lấy cái lạy này, để tạ lỗi, đã mượn cung của Thần-phi, lợi dụng lòng yêu thương của công-chúa, làm gian tế bấy lâu nay.

- Có ai muốn nói gì nữa không ?

Côi-sơn nữ hiệp hỏi : Nếu không ai nói gì nữa, thì chúng ta nói.

Bà chỉ Thụy-Hương :

- Con nhỏ này tuy có nhan sắc, nhưng tiếc rằng nó bị cha, mẹ dạy cho một bản lĩnh điêu ngoa, xảo quyệt vô địch. Rồi đi đến kết quả là chết uổng. Khi ta mới vào đây, thì nó kết tội Long-Xưởng bằng đủ mọi lời ác độc. Sau khi bị Trần Kim-Ngân lột mặt nạ, nó lại tự tử. Nó nghĩ rằng khi tự tử, thì những lời nói cuối cùng sẽ làm cho ai nấy đều tin. Nhưng, chúng ta hiện diện tại đây, thì sao có thể qua mặt chúng ta được ?

Bà liếc mắt nhìn mọi người, rồi nhắc lại tất cả những gì Thụy-Hương nói thầm với mẹ, với Thục-phi Đỗ Thụy-Châu một lượt. Nghe Côi-sơn nữ hiệp thuật xong, ai nấy rùng mình về sự xảo trá của Từ Thụy-Hương, và cái nguy mất nước, nếu mưu cơ của nàng không bị khám phá.

Ưng-sơn nữ hiệp hỏi lại Đỗ Thụy-Châu, Triệu Mai-Hương :

- Những lời ta nhắc lại có đúng như Tuyên-phi nói không ?

Hai người biết nội công Ưng-sơn cực cao, bao nhiêu lời nói của Thụy-Hương, bà đã nghe rõ rồi, thì có dấu diếm nữa cũng vô ích. Cả hai cùng nghĩ : Nếu mình chối cãi, không chừng Song-ưng sẽ giết cả nhà đến con chó, con mèo cũng không tha thì thực thảm khốc. Chi bằng nhận đi là hơn.

Hai người cùng gật đầu, mà chân tay phát run.

Ưng-sơn nữ hiệp hướng nhà vua :

- Đứa đồi tử của nhà ta kia !

Ghi chú của thuật giả:

Tiếng đồi tử tôi lấy trong Trần-tộc vạn thế ngọc phả, của chi bốn, thuộc giòng dõi Chiêu-quốc vương Trần Ích-Tắc tại nhà từ ở thị xã Lãnh-thủy, huyện Chiêu-dương, tỉnh Hồ-Nam, Trung-quốc ; phần chép về Ninh-tổ hoàng đế Trần Lý. Nguyên văn đoạn này như sau :« Đế (chỉ Anh-tông) bất minh, phế đích tử Long-Xưởng, nhi lập thứ tử Long-Trát. Linh-đức Chiêu-hòa thái hậu vị đế mạ vi đồi tử. Đế mặc nhiên, đê đầu bất khả biện minh » .

Nghĩa là :

Nhà vua (chỉ vua Lý Anh-tông) thiếu sáng suốt, phế bỏ con đích là Long-Xưởng mà lập con thứ là Long-Trát. Linh-đức Chiêu-hòa thái hậu mắng vua là đứa con hư hại. Vua im lặng, cúi đầu không biện bạch được tại sao.

Chữ đồi có để chỉ tinh thần suy thoái.

Tôi đã đọc nhiều sách Trung-quốc, cũng như Đại-Việt, chưa từng thấy ai mắng con cháu bằng tiếng đồi tử cả. Thấy đây là một từ ngữ hơi lạ, tôi giữ nguyên. Mong các vị cao minh thông cảm.

Nghe bà mắng nhà vua, mọi người cùng kinh hãi tự hỏi : Bà là ai mà lại gọi nhà vua là đứa con tồi của mình ? Không lẽ bà là Cảm-Thánh hoàng thái hậu ?

Không ai lên tiếng, tất cả cùng lắng tai nghe. Bà vẫn tiếp tục mắng nhà vua :

- Cổ kim, một hoàng đế đa tình luôn là hoàng đế tốt. Nếu biết phân biệt quốc sự với cái đa tình, thì không ai có thể phê phán. Nhưng giữa đa tình với hiếu sắc lại không giống nhau. Đức Thánh-tông chẳng từng nức tiếng đa tình, vì người biết sủng ái một cô thôn nữ, sau thành Linh-Nhân hoàng thái hậu đó ư ? Đức Thần-tông chẳng từng yêu thương một cô bán hoa, mà khắp thiên hạ, đều cho rằng ngài hiểu rõ cái tình là cái chi chi. Cho đến nay, không ai chê trách đức Thánh-tông, Thần-tông, mà còn khen là minh quân. Ngược lại, thân làm vua, mà đắm say nữ sắc, làm hại dân, hại nước, thì chỉ là tên ngu phu trước con đàn bà lăng loàn. Sử sách xưa không thiếu gì những gương sáng đó. Nào U-vương say Bao-Tự, Trụ-vương say Đát-Kỷ, Ngô-vương say Tây-thi, Hán-vương say Phi-Yến, Minh-Hoàng say Dương phi, cuối cùng hoặc xã-tắc nghiêng ngửa, hoặc mất ngôi, rồi bản thân chết như một con trâu thối tha trôi sông.

Bà chỉ vào Thụy-Hương :

- Mi say mê y thị, thì cứ say mê, ta không cấm cản. Nhưng mi đem giang sơn của vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng ; mi đem sự nghiệp của năm vị tiên đế triều Tiêu-sơn chỉ để làm vui lòng thị thì không được.

Thái-phó Lý Kính-Tu bước ra :

- Thưa bà ! Côi-sơn song ưng nức tiếng là người chính đạo, tý dân, hộ quốc, lão phu hằng tâm phục, khẩu phục hơn hai chục năm qua. Nhưng bà nhục mạ Hoàng-thượng như vậy là không chính đạo. Thánh nhân dạy : Để cho vua bị nhục, thì bầy tôi không đáng sống. Nay bà miệt thị Hoàng-thượng quá đáng, lão phu là bầy tôi, thì lão phu không thể chịu được. Lão phu chỉ là một văn thần trói gà không chặt. Nhưng cũng liều mình với bà.

Nói rồi ông mang hốt tiến lại đập vào Ưng-sơn nữ hiệp. Bà mỉm cười, dơ tay ra cho lão đập, bà không dám vận công, vì sợ lão bị thương. Mỗi lần cái hốt trúng tay bà, kêu lên tiếng lốc cốc như đập vào cái mõ. Đập được năm cái thì lão mệt quá không đập được nữa. Lão đến trước nhà vua, quỳ xuống lạy bốn lạy :

- Kẻ mạt thần không đủ sức hộ giá, nay xin lấy cái chết để đền ơn tri ngộ của các vị tiên đế.

Nói dứt lão đập đầu vào cái cột bằng đá của cung Long-hoa.

- Khoan ! Chưa đến lúc chết như vậy !

Tiếng nói thanh thoát nhẹ nhàng, tiếp theo bóng xanh xẹt đến. Mọi người chỉ thấy lóa mắt một cái, rồi thân Kính-Tu bị nhắc bổng lên. Bóng xanh đó là Tô Phương-Lan.

Phương-Lan chỉ Ưng-sơn nữ hiệp :

- Thái-phó hãy nhìn xem người mắng Hoàng-thượng là ai ? Ưng-sơn song hiệp có bao giờ hành sự ngoài đạo lý, ngoài luật pháp đâu ?

Minh-Đạo vương mở khăn che mặt Ưng-sơn nữ hiệp ra. Cả sảnh đường cùng bật lên tiếng kinh ngạc, bởi ai cũng tưởng bà là vợ của đại hiệp Trần Tự-Hấp, thì ít ra tuổi của bà cũng phải trên dưới bốn mươi. Bây giờ thấy bà chỉ là một thiếu phụ tuổi khoảng hai chục, nhan sắc cực kỳ diễm lệ. Bất giác họ cùng so sánh với nhưng người đẹp hiện diện : Loại hơi lớn tuổi như Vân-Đài Trịnh Nam-Phương, Công-Chúa Triệu Mai-Hương, Mao-Nữ Hàn Dũ-Linh cho tới loại nhỏ tuổi Đoan-Nghi, Thụy-Hương, Trang-Hòa, Như-Như, Phương-Lan, Kim-Ngân, đều không thể so sánh với bà. Người người cùng bật lên tiếng kêu kinh ngạc :

- Ồ !

- Ái chà !

- Oái.

- Hỡi ơi.

Vừa nhìn thấy bà, thì từ nhà vua, hoàng-hậu, cho đến các thân vương, đại thần, cùng tới trước mặt Ưng-sơn nữ hiệp rập đầu :

- Thần nhi xin tham kiến Thái-hậu.

- Bọn thần xin khấu đầu trước Thái-hậu.

Vân-Đài Trịnh Nam-Phương thấy Ưng-sơn nữ hiệp là một thiếu phụ nhan sắc diễm lệ, trẻ hơn Thụy-Hương, mà sao mọi người đều cung cung, kính kính với bà ? Hơn nữa lại gọi là Thái-hậu ? Nam-Phương ngơ ngơ ngác, rồi hỏi Vương Cương-Trung :

- Sư huynh ! Bà...Bà ta là vợ Ưng-sơn, mà sao họ lại gọi là thái-hậu ?

- Bà này là một giai nhân nức tiếng Thăng-long hơn bốn mươi năm trước, tên là Hồng-Hạnh, được vua Thần-Tông đón vào cung phong làm Thần-phi. Khi cái ông vua bị thịt kia lên ngôi, tôn bà làm Thái-hậu. Bà không phải vợ của gã Trần Tự-Hấp kia đâu. Bà chỉ đi cùng y mà thôi.

- Sư huynh nói sao ? Bà là Linh-chiếu Chiêu-hòa thái hậu, vợ của vua Thần-tông ư ? Không lẽ ! Nếu đúng vậy thì năm nay bà phải gần sáu chục tuổi rồi chứ ? Có đâu trẻ như gái hai mươi thế kia ?

- Đúng vậy ! Vì bà luyện thành Bảo-Hòa vạn hoa công của công-chúa Bảo-Hòa, nên trẻ hoài không già.

Ghi chú của thuật giả:

Công-chúa Bảo-Hòa là nhân vật lịch sử, lẫn thần thoại. Ngài là cháu ngoại của vua Lý Thái-tổ, con của công-chúa Lĩnh-Nam Bảo-quốc Hòa-dân với phò mã Thân Thừa-Quý. Ngài sống trải bốn đời vua nhà Lý : Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông. Không rõ hoăng năm nào. Tương truyền ngài có thuật dưỡng sinh, khiến cơ thể trẻ mãi không già. Hành trạng của ngài, tôi thuật rất chi tiết, rất đầy đủ trong các bộ Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-thiên di sử, Anh-hùng Bắc-cương do Xuân-Thu, và Nam-quốc sơn hà do Đại-Nam, Hoa-kỳ xuất bản.

Trước khi sang Đại-Việt, Nam-Phương từng nghe sư phụ, sư bá không ngớt nhắc nhở đến tiên nương Bảo-Hòa, nhân vật nửa lịch sử, nửa thần thoại này nhiều lần, và ước mơ sao tìm được Bảo-Hòa vạn hoa công để giữ tuổi Xuân không tàn phai. Hồi ấy nàng không tin trên đời lại có loại thần công kỳ diệu đến thế. Bây giờ thấy Linh-chiếu Chiêu-hòa thái hậu, mẹ của Minh-Đạo vương, mà vương là anh lớn hơn nhà vua gần chục tuổi... sắc diện trẻ như thiếu nữ đôi mươi, thì trong lòng cực kỳ cảm phục.

Linh-Chiếu thái hậu vẫy tay :

- Miễn lễ cho các người.

Nhà vua cung cung, kính kính thỉnh Linh-Chiếu Thái hậu ngồi lên giữa sập. Bà thản nhiên lên ngồi, rồi hỏi nhà vua :

- Hoàng nhi. Hoàng-nhi hãy trả lời cho ta mấy câu.

- Thần nhi xin chờ chỉ dụ của mẫu hậu.

- Có phải khi ban chỉ phong Long-Xưởng làm Thái-tử, hoàng-nhi thể theo điển lệ thời tiên đế, cùng lời tâu của chư đại thần không ?

- Quả như mẫu hậu minh kiến.

- Hơn mười năm qua, Long-Xưởng cùng Đông-cung triều đã làm cho dân giầu, nước mạnh như thời đức Thái-Tông, Thánh-Tông. Trong, việc nông tang phồn thịnh, học phong rực rỡ. Ngoài, nước lớn nể, nước nhỏ phục, lại mở ra một lối mới trong việc giao thiệp với các nước khác. Như vậy sau này có xứng đáng nối ngôi không ?

- Tâu mẫu hậu, Xưởng nhi sau này sẽ là một minh quân.

- Còn cái việc Tuyên-phi Vương Thụy-Hương, giả chiếu chỉ gọi Long-Xưởng vào cung cho hoàng-nhi dặn dò việc sau, rồi bỏ thuốc mê vào nước cho Long-Xưởng, Trang-Hòa, Như-Như uống. Khi ba trẻ mê man, thị ra tay giết hai cung nữ, Vương Cương-Trung ra tay giết sáu thái giám. Rồi tri hô lên là Long-Xưởng mang người vào định cưỡng gian y thị. Hoàng-nhi có biết không ?

- Tâu mẫu hậu, được mẫu hậu mở mắt cho, thần nhi mới biết.

- Khi hoàng-nhi ban chỉ cho Thủ-Huy đình chỉ việc Bắc chinh, rồi gọi hoàng đệ Nghĩa-Thành, sáu trẻ Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh Đoan-Nghi, Thủ-Huy về triều, cho phục binh giết. Đó là ý của hoàng-nhi chăng ?

- Tâu, thần nhi bị Vương Cương-Trung dí kiếm vào cổ bắt làm việc đó, chứ thần nhi không có ý như vậy.

- Được rồi ! Còn việc hoàng nhi ban chỉ phế Long-Xưởng, lập Long-Trát thì sao ?

- Tâu...Cũng do Vương Cương-Trung áp chế.

Linh-Chiếu thái hậu hướng quần thần :

- Các vị có nghe thấy không ? Bây giờ các vị hãy nghe Hoàng-thượng tuyên chỉ chính thức về việc lập trừ quân.

Nhà vua tuyên chỉ dõng dạc :

- Trẫm cho chư khanh biết, Long-Xưởng vẫn là Thái-tử. Đông-cung triều không có gì thay đổi.

Linh-Chiếu thái hậu chỉ Ưng-sơn nam hiệp :

- Bây giờ, ta muốn nhìn người này giải quyết những món nợ lâu năm với Vương Cương-Trung.

Côi-sơn nam hiệp vẫy tay gọi Vương Cương-Trung :

- Tên gian manh kia ! Nếu mi có còn là con người, thì hãy ra đây cùng ta lý luận.

Vương Cương-Trung cười gằn :

- Ai sợ Trần Tự-Hấp, chứ họ Vương này đâu có sợ ? Mười mấy năm trước, khi chúng ta đến Thiên-trường, phái Đông-A hèn hạ, dìm chúng ta dưới nước, rồi làm nhục. Hôm nay, ta phải trả cái hận ấy.

Kim-Ngân chỉ mặt Vương Cương-Trung :

- Vương thái bảo. Hồi đó Hoa-nhạc tam-phong bị anh tôi là Thủ-Lý dùng Thiên-la thập bát thức bắt sống, mà sao Thái-bảo lại nói là dìm xuống nước ? Trong Côi-sơn song ưng thì thái-hậu là đệ tử phái Tản-viên. Còn nam hiệp thì là đệ tử phái Đông-A. Nhưng Song-ưng không dự vào việc bắt Hoa-nhạc tam phong.

Cương-Trung chỉ Ưng-sơn nam hiệp :

- Y...Y không là Trần Tự-Hấp, thì là ai ?

Nói rồi y đứng ra trước mặt Côi-sơn nam hiệp :

- Tự -Hấp, mi hãy mở khăn bịt mặt ra cho thiên hạ thấy một sự thật.

Nam hiệp nói lớn :

- Các người muốn biết mặt ta ư ? Cũng được. Để ta mở ra cho Mai-Hương thấy ta là ta. Sư huynh Tự-Hấp là sư huynh Tự-Hấp.

Nói rồi ông mở khăn bịt mặt ra. Người người đều kinh hoảng :

- Minh-Đạo đại vương !

Nhà vua cung bật lên tiếng kinh ngạc :

- Thì ra huynh trưởng đó sao ?

Từ hơn hai chục năm qua, Ưng-sơn song hiệp qua lại giang hồ, tru diệt kẻ ác, cứu khốn phò nguy. Bất cứ hắc đạo, bạch đạo khi nghe đến tên đều kinh hồn động phách. Hai người ẩn hiện không chừng. Uøng-sơn như một Hình-bộ thương-thư tư, luôn xử những vụ án bí mật, mà kẻ phạm tội đa số là bọn tham quan, bọn ác bá, bọn trộm cướp sống ngoài vòng pháp luật. Hai vụ mà Ưng-sơn song hiệp xử lớn nhất là giết cả nhà ác nhân Đỗ Anh-Vũ, đương kim Thái-sư nắm toàn quyền sinh sát trong tay. Vụ thứ nhì là giết toàn gia bon Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên. Sau hai vụ đó, bọn gian thần tặc tử sợ hãi đến không còn biết chúng là ai nữa. Người ta cứ đoán già đoán non Ưng-sơn song hiệp là ông bà Trần Tự-Hấp của phái Đông-A, hay ông bà Lê Thúc-Cẩn của phái Sài-sơn. Bây giờ nảy ra Song-ưng không phải là vợ chồng mà là mẹ con. Mẹ là giai nhân Hồng-Hạnh của phường bán hoa Thăng-long, sau được phong làm Thần-phi rồi Linh-chiếu Chiêu-hòa thái hậu. Còn con thì là Minh-Đạo vương.

Mai-Hương chạy lại bên Minh-Đạo vương. Nước mắt đầm đìa :

- Anh ơi ! Từ trước đến giờ em cứ tưởng anh là Trần Tự-Hấp, lại không bao giờ tưởng anh lại là Côi-sơn nam hiệp. Hỡi ơi ! Quạ bạc đầu, ngựa mọc sừng, mặt trời mọc đằng Tây, em có thể tin được. Thế nhưng nếu ai nói anh là Minh-Đạo vương, thì không bao giờ em tin.

Minh-Đạo đại vương chỉ vào mặt Cương-Trung :

- Hơn hai chục năm qua, ta cứ tưởng là tên Mao Khiêm tuân lệnh Anh-Vũ, Cảm-Thánh, giết ái thê của ta. Hôm nay, nhờ Mai-Hương, ta được biết mi mới là chính phạm.

Ông quàng tay ra ôm lấy Triệu Mai-Hương :

- Tên Vương Cương-Trung định giết ái thê của ta, để cho nàng thay thế. Khi y giết được, thì ta mất hết địa vị, y bỏ kế hoạch dùng nàng làm tế tác trong phủ của ta, không cho nàng gặp ta. Thực đúng là duyên trời ! Lúc ái thê qua đời, ta quá buồn, đi tìm câu ca, tiếng hát thì gặp nàng.

Mai-Hương dùng ngôn từ bình dân :

- Thế sao hồi đó , tự nhiên không từ giã, mà anh bỏ đi ?

- Bấy giờ hành tung của anh bị lộ, Đỗ Anh-Vũ với Cảm-Thánh sai thị vệ vây đánh anh. Anh thoát được thì bị thương nặng, phải dưỡng thương ba năm mới khỏi. Khi khỏi bệnh, anh tìm em, thì em đã không còn ở chỗ cũ nữa. Gần hai chục năm nay, bây giờ anh mới tìm được em.

Mai-Hương nhìn Vương Cương-Trung :

- Thực không ngờ, chính sư huynh Lạc-Nhạn cũng nói rằng anh là Côi-sơn song ưng, là Trần Tự-Hấp.

- Côi-sơn thì đúng, còn là Trần Tự-Hấp thì y bịa ra. Tự-Hấp là sư huynh của anh. Sở dĩ người ta lầm, vì bịt mặt lại, trông sau lưng, hay đằng trước, anh với sư huynh Tự-Hấp giống hệt nhau. Chính y sai cái tên đưa tin cho em, bịa ra anh là Tự-Hấp, để em tuyệt vọng, y mới chiếm được thân xác em.

Vương Cương-Trung quát lên :

- Mai-Hương ! Hãy rời tên Nam-man ngay. Nàng đường đường là vợ một đại thần Thiên-triều, tước phong tới công chúa, mà lại đi tình tự công khai với y ư ?

Dường như Mai-Hương không coi Cương-Trung ra gì. Nàng lại áp má vào ngực Minh-Đạo vương rồi nói với y:

- Sư huynh ! Người này mới là chồng của muội. Sư huynh đã đánh lừa muội, để chiếm thân xác. Trong hơn hai mươi năm, tuy ở cạnh sư huynh, mà lòng muội lại chỉ tưởng nhớ tình quân. Hôm nay gặp lại, dù trời sập, muội cũng không rời người tình này đâu .

Mặt Cương-Trung tái như gà cắt tiết . Y quát lên :

- Ta phải giết mi.

Nói dứt y rút kiếm phóng một chiêu thần tốc vào người Mai-Hương. Minh-Đạo vương phát chiêu chỉ đánh thẳng vào người Cương-Trung, làm y phải thu kiếm về, lộn đi một vòng để tránh.

- Vương Cương-Trung.

Minh-Đạo vương chỉ tay vào mặt y :

- Hai mươi năm trước, vì muốn chiếm đoạt Mai-Hương, mi ra tay ám toán, giết thư sinh tình quân của nàng, tình quân đó là ta. Không ngờ mi bị ta đánh bại. Mi phải quỳ gối van xin để được tha mạng, và hẹn hai mươi năm sau tái đấu phục hận. Thế mà đúng cái ngày hẹn tái đấu, mi trốn biệt. Hôm nay đây, mi không còn trốn được nữa.

Nói dứt, vương hướng tay lên xà nhà phẩy một cái, thanh kiếm của Đoan-Nghi cắm trên đó rơi xuống, nằm gọn trong tay vương. Vương hôn lên má Mai-Hương :

- Hai mươi năm trước, ta đấu với người, chỉ với mục đích tự vệ. Còn hôm nay đây, ta phải trừng trị người về cái tội giết ái thê của ta, dùng thủ đoạn hèn hạ lừa dối Mai-Hương. Người xuất chiêu đi !

Vương Cương-Trung vòng tay ra chiêu Thương-tùng nghênh khách của Hoa-sơn kiếm pháp. Chân từ vị trí Thiên-phong-cấu cung Càn, bước sang vị trí Địa-lôi-phục cung Khôn, ánh kiếm lấp lánh, trông rất kỳ ảo. Một chiêu biến thành 64 chiêu. Kiếm quang bao phủ người Minh-Đạo vương với Mai-Hương. Minh-Đạo vương vẫn ôm Mai-Hương, đứng im một chỗ, vương phát chiêu, làn kiếm của vương quay thành vòng tròn, hàng nghìn vòng tròn xen lẫn nhưng chiêu của Cương-Trung. Các chiêu của hai người quá ảo diệu, quá nhanh, không ai còn nhìn rõ nữa. Có tiếng loảng xoảng phát ra, rồi Cương-Trung nhảy lùi lại.

- Kiếm pháp cao minh lắm.

Minh-Đạo vương khen :

- Với trình độ kiếm pháp này, mi đã thành đệ nhất kiếm khách phái Hoa-sơn rồi.

Quan sát kiếm chiêu của Cương-Trung, Long-Xưởng, Đoan-Nghi cùng đưa mắt nhìn Thủ-Huy, vì hôm trước công đã dùng chiêu này đấu với Vương Thúy-Thúy.

Giai-phi Chế-bì La-bút, tức Mao-Nữ Hàn Dũ-Linh reo lên :

- Sư huynh ! Mừng sư huynh luyện thành bộ Vô Trung kinh.

Cương-Trung lại từ cung Chấn, vị trí Địa-phong-thăng bước sang vị trí Sơn-lôi-di cung Tốn, ra chiêu Hạc-phi Đài-sơn, một chiêu biến ra hai, hai thành bốn, rồi bốn thành 16. Đến đây người ta còn nhận ra, nhưng khi từ 16 thành 256, rồi 256 thành 65.536 chiêu thì không ai nhìn rõ nữa, làn kiếm quang bao trùm lấy người Minh-Đạo vương.

Trong khi kiếm của Cương-Trung huyền ảo, thần tốc như vậy, mà Minh-Đạo vương vẫn đứng nguyên. Vương khoan thai đưa ra những chiêu kiếm thô kệch, nặng nề, chậm chạp. Ấy vậy mà Cương-Trung cứ phải nhảy nhót , hò hét, tránh né khổ sở.

Đoan-Nghi hỏi Thủ-Huy :

- Anh ơi ! Phải chăng kiếm thuật mà Cương-Trung xử dụng là Hoa-sơn kiếm pháp chép trong Vô Trung kinh?

- Đúng thế.

- Em nghe nói trước kia Hoa-sơn tứ đại thần kiếm đã nức danh Trung-nguyên với bốn tuyệt kỹ trấn môn. Ngoài Mê-linh kiếm pháp ra, không võ công nào có thể so sánh. Tuy nhiên Hoa-sơn kiếm pháp mang một khuyết điểm lớn là khi xử dung, tiêu hao quá nhiều công lực. Cho nên tại trận Như-nguyệt, Mộc-Tồn hòa thượng phải áp dụng lối đánh kéo dài, khiến bốn vị đạo sư Hoa-sơn mệt nhoài ra, rồi mới bắt được.

Nàng chỉ Cương-Trung :

- Vương Cương-Trung là người thông minh, tài trí, thì y cũng biết cái khuyết điểm đó chứ ? Tại sao y cứ nhảy nhót thế kia, thì lát nữa sẽ mệt lử ra ?

- Ấy, kiếm pháp Hoa-sơn cũ với kiếm pháp Vô Trung khác nhau ở điểm, chiêu số giống nhau. Nhưng kiếm pháp mới, khi xử dụng thì chân di chuyển theo Bát-quái, Hà-lạc đồ-thư. Chính cái di chuyển đó, lại sinh ra công lực, bổ túc cho chân khí bị tiêu hao. Cho nên Cương-Trung nhảy nhót hoài mà công lực không bị hao hụt.

Minh-Đạo vương vẫn đứng nguyên một chỗ, dùng tay trái ôm lấy vai Mai-Hương, tay phải khoan thai xử dụng một thứ kiếm pháp kỳ lạ đấu với Cương-Trung. Cứ mỗi lần Cương-Trung ra một chiêu nào, vương lại tung ra một chiêu làm y bị mất căn bản. Vì vậy Cương-Trung cứ phải hò hét, nhảy, nhót, không ngừng. Đấu được hơn trăm chiêu, Minh-Đạo vương mỉm cười, hú lên một tiếng dài. Tất cả những người trong Long-hoa cung đều ù tai, chóng mặt. Vương cười lên một tiếng :

- Người đã xử dụng hết pho Vô Trung kiếm rồi. Bây giờ ta gọt lông mày người đây !

Vương xoay kiếm hai vòng, ra chiêu, ánh thép lấp lánh một cái, không ai nhìn rõ chiêu số ra sao. Cương-Trung cảm thấy trán mát rượi. Hoảng hốt, y nhảy lùi lại, rồi sờ tay lên trán, quả hai lông mày của y đã bị cao nhẵn.

- Bạch-hạc xung thiên.

Vương Cương-Trung kêu lên : Sao mi biết xử dụng Hoa-sơn kiếm pháp ?

Trong khoảnh khắc đó Cương-Trung nghĩ thầm :

- Hôm trước, Ngu Doãn-Văn được phái Đông-A trả bộ Vô Trung kinh, chép trong những thẻ đồng. Y sao cho ta một bộ. Ta luyện cũng đã mấy năm, võ công ta tiến bộ tuy có tiến bộ, nhưng so với tên này, thì quá khác biệt. Bởi vẫn chiêu số đó, nhưng quá thần tốc, khi ta thấy, thì kiếm đã thu về ! Hỡi ơi ! Một là bọn Đông-A trao võ kinh giả, hai là Ngu xấu bụng, đổi đi, khiến kiếm thuật của ta không chậm chạp, thiếu thần tốc ! Từ lúc nhập cuộc, rõ ràng y không muốn giết ta. Đã vậy ta cứ kéo dài cuộc đấu, để thấy kiếm thuật của y ra sao.

Nghĩ vậy, y lại lăn xả vào, dùng những chiêu chép trong thẻ đồng tấn công Minh-Đạo vương. Nhưng thủy chung vương không rời khỏi chỗ đứng, tay trái vẫn ôm Mai-Hương, áp ngực nàng vào ngực vương. Hai người mắt nhìn mắt mỉm cười.

Cử chỉ của Minh-Đạo vương với Mai-Hương làm Cương-Trung hóa điên. Y nhào vào tấn công, mà không còn chú ý đến chiêu số của đối thủ nữa. Gì mà Minh-Đạo vương không hiểu tâm lý Cương-Trung. Vương vẫn xử dụng Hoa-sơn kiếm pháp :

- Ta gọt chòm râu của mi đây.

Minh-Đạo vương hú lên một tiếng, rồi, quay ngang kiếm một cái. Cương-Trung cảm thấy môi, cằm mát rượi. Ba chòm râu dài, óng mượt của y rơi lả ta xuống đất. Thanh kiếm của Minh-Đạo vương lại quay ba vòng nữa, những sợi râu đang rơi xuống bị cắt ra thành từng đoạn nhỏ, rơi xuống như lá thu gặp gió.

Cả Long-hoa đường đều bật lên tiếng cười, càng làm cho Cương-Trung uất hận. Y nghiến răng lăn xả vào tấn công.

- Ta gọt tóc của người đây !

Nói dứt Minh-Đạo vương lại quay kiếm ba vòng, Cương-Trung cảm thấy đầu mát rượi. Hoảng hốt y nhảy lùi về sau, thì vừa kịp thấy mái tóc của mình rơi xuống trước mặt. Y sờ tay lên đầu. Đầu y bị gọt bóng. Y hét lên :

- Đồ hèn hạ !

Rồi nhảy vào đánh liền mười chiêu, Minh-Đạo vương vung kiếm, kiếm quang biến thành những vòng tròn lớn nhỏ. Từ trên người Cương-Trung , những mảnh vải tới tấp rơi xuống, bay như bươm bướm. Hoảng hốt, y nhảy lùi lại, mọi người cùng bật cười vì : Y phục trên người y bị khoét mấy chục lỗ. Lỗ nào cũng tròn trịa.

Thấy tình trạng Cương-Trung giống hết Vương Thúy-Thúy, Đoan-Nghi đưa mắt nhìn chồng, hỏi :

- Không biết giờ này Thúy-Thúy có còn giận anh nữa không ?

Thủ-Huy nói sẽ vào tai vợ :

- Giận thì không biết có còn giận không. Song nay nàng thành tỳ nữ của em rồi, thì anh...còn hy vọng gì nữa ?

Thình lình, Cương-Trung tung kiếm, phát một chiêu chưởng. Chưởng chưa ra hết, mà mọi người đã muốn ngộp thở. Bị bất ngờ, Minh-Đạo vương tung kiếm lên xà nhà. Thanh kiếm lại cắm vào đúng chỗ trước. Vương buông Mai-Hương, bước về trước, trả lại một chiêu. Ầm một tiếng. Hai người cùng lảo đảo lùi lại.

Thủ-Huy kêu lên :

- Ác ngưu nan độ ! Cương-Trung, người xử dụng Phục-ngưu thần chưởng của phái Tản-viên ư ?

Vương Cương-Trung cười nhạt :

- Không những ta biết xử dụng Phục-ngưu thần chưởng dương cương, mà còn biết cả Phục-ngưu thần chưởng âm nhu nữa.

Nói rồi y lại phát chiêu Thanh-ngưu nhập điền tấn công Minh-Đạo vương. Vương cười nhạt, phát chiêu Phong đáo sơn đầu của phái Đông-A. Lại ầm một tiếng. Cả hai người đều bật lui.

Thấy công lực của Lạc-Nhạn cao thâm đến trình độ đó, Long-Xưởng hỏi Thủ-Huy :

- Nhi đệ ! Về công lực thì Ngô Giới, Lưu Kỳ cao thâm hơn Lạc-Nhạn nhiều. Hồi ta găëp Ngô trên sông Thiên-trường, công lực y có cao thâm thực, song đâu có đến trình độ ngang với Minh-Đạo vương ; mà công lực Lạc-Nhạn dường như cao hơn vương thế kia ?

Thủ-Huy kêu lên :

- Tên Cương-Trung này mưu trí thực vô song. Y nhẫn nại trong hơn hai mươi năm để trả thù. Vì vậy, khi đấu kiếm với Hoàng-thúc, y không vận hết công lực. Bây giờ, thình lình y vận toàn bộ công lực ra để mong thắng người.

Cương-Trung lại phát chiêu Tứ-ngưu phân thi, y vận âm kình. Minh-Đạo vương lại trả bằng chiêu Phong-hoa suy lạc. Hai người cùng bật lên cao.

Long-Xưởng than với Thủ-Huy:

- Không lẽ Minh-Đạo vương thua tên Cương-Trung sao ?

- Đại ca thử nhìn xem, y đâu có dùng nội công Hoa-sơn ? Nội công của y là nội công Tản-viên. Đệ nghi rằng tên Mao Khiêm đã ăn cắp được các tuyệt kỹ của phái Tản-viên, rồi trao cho Lạc-Nhạn, nên y bí mật giữ lấy mà luyện, không cho các sư huynh, sư muội biết. Y luyện mười mấy năm qua, nên nay công lực y đã cao đến mức không thể tưởng tượng nổi. Hồi mấy tháng trước, phụ thân đệ phải đánh đến gần hai trăm chưởng mới hạ được y.

Hai người đấu chưởng mỗi lúc một quyết liệt. Áp lực của chưởng làm người công lực thấp bị sức ép, phải lùi ra xa. Thình lình Vương Cương-Trung lùi lại, rồi y phát ra một chiêu chưởng êm đềm, nhưng sát thủ cực kỳ kinh khiếp. Minh-Đạo vương vội phát chiêu Cuồng-phong nộ lãng đỡ. Sùy một tiếng, vương bật lui một bước tỏ vẻ đau đớn.

Cương-Trung không bỏ lỡ cơ hội, y đánh liền chín chiêu nữa. Minh-Đạo vương chỉ biết đỡ mà không đánh trả được chiêu nào.

Kim-Ngân hô lớn :

- Ngừng tay !

Minh-Đạo vương, Vương Cương-Trung đều lùi lại.

Linh-Chiếu thái hậu hỏi :

- Vương thái bảo ! Vừa rồi người xử dụng Tán-cốt lạc phách tiêu hồn chưởng của phái Tản-viên. Thì ra Thái-bảo là người đã ám toán chưởng môn Đặng Phi-Sơn của phái Tản-viên, rồi ăn cắp cuốn phổ chép võ kinh của bản phái. Hà ! Thế mà từ trước đến giờ võ lâm Đại-Việt cứ nghi cho Mao Khiêm.

Vương Cương-Trung cười nhạt :

- Ta giết đặng Phi-Sơn cướp võ kinh của phái Tản-viên, thì có khác gì Trần Tự-Mai giam Hoa-sơn tứ đại thần kiếm, rồi cướp bộ Vô Trung kinh !

Một trăm năm mươi năm trước, Bố-đại hòa thượng, tức Phật Di-Lặc giáng sinh làm người Việt. Một lần người hợp Phục-ngưu thần chưởng âm dương lại dậy cho phò mã Thân Thiệu-Thái, mang tên Mục-ngưu thiền chưởng, dùng nội công là Vô-ngã tướng. Công chúa Bảo-Hòa đứng cạnh theo dõi, cũng lĩnh hội được. Nhưng công chúa chưa luyện Thiền-công, hơn nữa người không bỏ ra ngoài được Ngũ-uẩn, Lục-tặc, thành ra khi phát chiêu, nhìn bề ngoài thì giống nhau, mà sát thủ lại khác. Nếu Mục-ngưu thiền chưởng của phò mã Thân Thiệu-Thái khi phát chiêu chính đại quang minh; thì công chúa Bảo-Hòa, phát chiêu ba phần âm, ba phần dương, bốn phần hỗn tạp. Ba loại đó cực kỳ bá đạo. Người nào trúng phải, thì thịt, xương, chỗ thì bị xé nát, chỗ thì bị nghiền như bị dã chả, xương thì vỡ như bột. Bấy giờ Bố-Đại hòa thượng phải than rằng, chưởng này mà lưu truyền rộng, thì võ lâm sẽ gặp tai kiếp không biết đâu mà lường. Ngài đặt tên chưởng là Tán-cốt Lạc-phách Tiêu-hồn chưởng. Gọi tắt là Tán-lạc hồn chưởng.

Ghi chú của thuật giả:

Về nguồn gốc chưởng này, cũng như ý nghĩa Mục ngưu đồ, xin đọc Thuận-Thiên di sử của Yên-tử cư-sĩ 3 quyển, do Xuân-Thu Hoa-kỳ xuất bản.

Chính vì vậy, sau này công chúa Bảo-Hòa lên làm chưởng môn phái Tản-viên, đã di ngôn cho đời sau rằng : Chỉ chưởng môn nhân mới được học Tán-lạc hồn chưởng. Đến người thân của công chúa như vua Thánh-tông, vừa là em con cô con cậu, vừa là đệ tử mà cũng không được học.

Từ ngày chưởng môn phái Tản-viên Đặng Phi-Sơn mất tích, thì chưởng này cũng tuyệt tích luôn. Không ngờ bây giờ Vương Cương-Trung cũng biết xử dụng, thì Linh-Chiếu thái hậu biết y đã hại ông.

Linh-Chiếu thái hậu bảo công chúa Đoan-Nghi :

- Con hãy vận công, dùng hết sức phát vào người hoàng thúc một chưởng, để ta có thể biết trình độ võ công của con đến đâu.

Linh-Chiếu thái hậu thuộc vai bà của Đoan-Nghi, vì vậy khi nghe thái hậu ban chỉ, nàng không nghĩ ngợi, phát chiêu đánh thẳng vào người Minh-Đạo vương. Vương vung tay đỡ. Xùy một tiếng, Đoan-Nghi cảm thấy trời long đất lở, tai nàng phát ra tiếng vo vo không ngừng.

Vương Cương-Trung cười nhạt :

- Gã Minh-Đạo kia ! Người đừng đánh trống lảng để tránh cái chết. Hãy lĩnh chiêu này của ta.

Y nói dứt phát chiêu Sơn-trung tầm ngưu trong Tán-lạc hồn chưởng, đánh thẳng vào người Minh-Đạo vương. Vương thản nhiên xuất chiêu Thủy-ba vô để trong Đông-A chưởng đỡ. Hai chưởng đụng nhau bến bộp một tiếng. Minh-Đạo vương lùi lại một bước. Cương-Trung tiến lên một bước.

Những người ngoài cuộc kinh hãi tự nghĩ :

- Xưa nay, Ưng-sơn đấu với ai, chỉ đánh có ba chiêu là người đó mất mạng, thế mà nay sao lại kém Lạc-Nhạn của phái Hoa-sơn thế kia ?

Cương-Trung lại ra chiêu, Minh-Đạo lại lùi một bước. Tán-lạc hồn chưởng chỉ có mười chiêu. Đúng ra nếu y học được thuật ngữ, thì 10 biến thành 100, rồi 100 cứ tam hư, thất thực nữa thành một vạn chiêu ; khi đấu, biến hóa huyền diệu, không võ công nào xâm nhập vào người được. Nhưng Cương-Trung không có thuật ngữ, thành ra chỉ đánh rời rạc tường chiêu. Đến chiêu thứ mười, thì Cương-Trung phải đánh lại từ chiêu đầu. Minh-Đạo bắt đầu phản công. Lần này đến lượt Cương-Trung nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn, chứ không phải Minh-Đạo vương. Cứ sau một chiêu, Cương-Trung lại lùi một bước. Đến chiêu thứ mười thì y lại trở về chỗ cũ. Y nghiến răng phát ra một chiêu cực thô kệch. Biết Cương-Trung muốn đấu nội lực, Minh-Đạo đánh ngay vào giữa chưởng của y đến bạch một tiếng. Thế là hai người đấu nội lực.

Cương-Trung hú lên một tiếng dài, rồi tuôn hết công lực ra. Minh-Đạo vương lùi lại một bước, ngoài sự ước đoán của mọi người. Thế rồi sau một khắc, vương lại lùi một bước nữa. Khi vương lùi đến bước thứ chín, thì đứng lại .

Lúc mới đấu, Cương-Trung thấy công lực mình mạnh hơn, khiến đối thủ bật lùi thì mừng lắm. Y định dùng chân khí đánh vỡ kinh mạch đối thủ. Chân khí của y tuôn ra cuồn cuộn, trong khi chân khí của đối thủ lập lờ như ngọn đèn hết dầu.

Sau khi đẩy đối thủ lùi chín bước, thì chân khí của Minh-Đạo vương không còn chống trả nữa, chân khí của Cương-Trung ào ào tấn công sang người đối thủ. Y khoan khoái lên tiếng :

- Côi-sơn song ưng ! Hơn hai mươi năm nay, mi tung hoành giang hồ, không ai địch lại mi. Hôm nay mi phải chết dưới tay ta, để đền cái tội mi giết hai người vợ, ba người con của ta.

Nói đến đây, Cương-Trung cảm thấy dường như có gì bất ổn, vì chân khí của y ra đi, mà không thấy trở về. Khoảng hơn khắc sau, chân khí của y bị kệt quệ. Y muốn thu về, nhưng y sợ khi thu liễm chân khí thì sẽ bị đối thủ thừa hư tấn công, nội tạng sẽ nát ra mà chết.

Lại một khắc trôi qua, Vương Cương-Trung nghĩ thầm :

- Tên này là một đại tôn sư võ học Giao-chỉ, y lại thông minh, nên ta bị lừa. Bây giờ đằng nào ta cũng bị thua rồi, ta phải làm như chân khí kiệt quệ, để khỏi bị tàn tật.

Nghĩ vậy y giả bộ lảo đảo rồi ngã ngồi xuống.

Minh-Đạo vương thu công, xoa hai tay vào nhau :

- Mi sắp chết rồi, ta không đấu với mi nữa.

Cương-Trung cảm thấy chân tay lạnh ngắt, kình lực mất hết . Cái lạnh lên cùi chỏ, vai, rồi lan khắp người. Lạnh quá y không chịu được nữa, người y run lên bần bật. Y hét lớn :

- Lạnh quá ! Rét quá.

Y chỉ tay vào mặt Minh-Đạo vương :

- Uổng thay cho mi là một vị vương giả, nức tiếng thiên hạ, mà dùng Huyền-âm độc chưởng hại ta. Ta thua người, nhưng bất phục.

Minh-Đạo vương hừ một tiếng :

- Ta chỉ dùng phương pháp mà người Trung-hoa của mi gọi là dĩ bỉ chi đạo, hoàn thi ư bỉ thân, trong Việt-ngữ gọi là gậy ông đập lưng ông.

Cương-Trung ngồi xuống nền cung, vận công chống lạnh. Nhưng vẫn không chịu nổi.

Dù sao Mai-Hương với Cương-Trung cũng có tình nghĩa vợ chồng hơn hai chục năm. Bà hỏi y :

- Sư huynh ! Sao vậy ?

- Rét quá ! Hừ... Hừ... Cho ta cái lò sưởi.

Linh-Chiếu thái hậu ra lệnh cho Kim-Ngân :

- Cháu ngoan ! Hãy hỏi cung y.

Kim-Ngân bước ra, nàng điểm vào huyệt Đại-trùy của Vương Cương-Trung, trao cho y một viên thuốc. Y biết đây là thuốc giải, vội bỏ vào miệng, rồi vận công nuốt trửng. Trong khoảnh khắc, cái lạnh kinh khủng, từ từ giảm. Nhưng chân tay y bị tê liệt.

- Vương đạo sư. Viên thuốc đó chỉ tạm thời giữ cho cơ thể của đạo sư khỏi bị đóng thành băng mà thôi. Nếu trong hai giờ, mà không được thuốc giải vĩnh viễn, thì cái gì sẽ xẩy ra, đạo sư tự biết.

Nghe Kim-Ngân nói, Vương Cương-Trung hiểu rằng thiếu nữ này nói thực. Trong lời nói, nàng cho Vương biết : Nếu Vương không khai thực, để cuộc thẩm vấn kéo dài quá hai giờ thì y chết.

Kim-Ngân hỏi :

- Đạo sư có biết tại sao người lại bị lạnh không ? Người có biết rằng, nếu không có thuốc giải, thì trong vòng hai khắc, người sẽ hóa thành băng mà chết không ?

- Tôi bị trúng Huyền-âm chưởng của tên Minh-Đạo vương kia.

- Không phải thế đâu. Nguyên công chúa Đoan-Nghi dùng Không-minh tâm pháp đấu với ba cao thủ phái Trường-bạch, người hấp hết độc tố trong cơ thể họ, đến nỗi suýt chết. Nhị huynh Thủ-Huy của tôi lại dùng phương pháp qui liễm độc tố của bang Nhật-hồ hút độc cứu người. Vì vậy độc tố Liêu-Đông hợp với Vô-ngã tướng thiền công trong người công chúa họp thành một thứ độc âm hàn.

Vương Cương-Trung kêu lên :

- Ta ngu quá! Vừa rồi Linh-Chiếu thái hậu bảo Đoan-Nghi đánh vào tay gã Minh-Đạo một chưởng. Gã Minh-Đạo nhân đó hút lấy một ít Hàn-băng của Đoan-Nghi. Rồi trong khi đấu với ta, y dồn Hàn-băng độc sang người ta.

- Đúng thế. Bây giờ, tôi xin hỏi đạo sư câu đầu tiên : Đạo sư hại đại hiệp Đặng Phi-Sơn trong trường hợp nào ?

- Gần hai mươi năm trước, Đặng dẫn đệ tử sang dự lễ giỗ sáng tổ Trần Đoàn của phái Hoa-sơn tại núi Hành-sơn. Trong khi tiếp đãi Đặng, tôi đã âm thầm bỏ một ít thuốc độc nhị hợp , loại chậm phát vào thức ăn.

- Nhị hợp là thuốc gì ? Nhị hợp là nhị hợp, chứ sao lại chậm phát ?

- Thuốc này có hai phần. Khi ai uống phải một phần thì không sao. Sau đó uống phải phần còn lại, thì hai loại công phá, khiến cho mê man trong vòng mười ngày, rồi công lực, ý chí mất hết. Nhị hợp có hai loại, loại cấp tính và hoãn tính. Ai uống phải cấp tính loại một mà trong vòng một ngày, không uống loại hai, thì không còn hiệu nghiệm nữa. Nếu ai uống phải loại hoãn tính, thì trong vòng sáu tháng, bất cứ lúc nào, uống phải loại hai là độc tố sẽ phát ngay.

- Tôi chỉ muốn chính miệng đạo sư nói cho hoàng-thượng cùng chư vị hiện diện nghe. Chứ tôi biết rõ loại thuốc này đạo sư học của của bang Hoàng-Đế, có tên là Đoạn-cân Tiêu-phách tán ! Thế trong ngày giỗ sáng tổ Trần Đoàn, đạo sư còn bỏ thuốc độc cho những ai nữa ?

- Chỉ có hai người thôi. Một là Đặng Phi-Sơn chưởng môn phái Tản-viên. Hai là Nghi-Hòa chưởng môn phái Mê-linh.

- Vụ bỏ thuốc độc này do phái Hoa-sơn chủ trương hay do đạo sư ?

- Do tôi !

- Tại sao, giữa võ lâm Đại-Việt với đạo sư vốn không thù, không oán, mà đạo sư lại ra tay ám toán như vậy ?

- Bấy giờ sư phụ tôi là Thiên-Hư đạo sư tiềm ẩn ở Giao-chỉ lâu rồi, mà không hy vọng gì tìm lại bộ Vô Trung kinh. Triều đình, môn phái cử tôi sang thay thế. Khi triều kiến, tôi được Thiệu-Hưng hoàng đế hứa rằng, nếu chiếm được Giao-chỉ, thì người sẽ phong cho tôi làm vua Lĩnh-Nam. Tôi nghĩ rằng dùng quân đánh Giao-chỉ thì e còn khó hơn bắc thang lên trời. Mà dù có chiếm được thì võ lâm hào kiệt cũng nổi lên chống lại. Vì vậy tôi mới nảy ra ý kiến nắm võ lâm. Như vậy việc tìm Vô Trung kinh không cần thiết. Sang Giao-chỉ, thay vì tìm Vô Trung kinh, tôi tìm cách lấy hết tuyệt kỹ võ công tộc Việt. Khi đã có hết tuyệt kỹ võ công rồi, tôi sẽ âm thầm tìm những đệ tử bất mãn của các phái, dạy cho họ, chờ dịp thuận tiện, họ sẽ chiếm lấy chức chưởng môn. Khi mà người của tôi đã là chưởng môn cái đại môn phái, thì việc lấy Giao-chỉ dễ như trở bàn tay. Môn phái Đại-Việt tuy nhiều, chỉ cần nắm được bốn đại môn phái Đông-A, Tiêu-sơn, Mê-linh, Tản-viên là xong.

Người người hiện diện, nghe Cương-Trung khai đều rùng mình nghĩ thầm :

- Tên này mưu trí thực siêu quần !

Kim-Ngân hỏi :

- Tại sao đạo sư lại chỉ đánh thuốc độc có chưởng môn phái Tản-viên với Mê-linh mà không đầu độc chưởng môn phái Đông-A, Tiêu-sơn ?

- Tôi đã làm, nhưng không hiệu nghiệm.

- Đạo sư có biết tại sao không ?

- Tôi không rõ.

Kim-Ngân nhìn Thủ-Huy, Đoan-Nghi, mỉm cười :

- Để tôi nói cho đạo sư nghe, bằng không, lát nữa đạo sư hóa thành băng, hồn xuống địa phủ, mà lòng còn ấm ức. Nội công Đông-A, Tiêu-sơn phát xuất từ Thiền-công. Thiền-công có hiệu năng chống lại bách độc...

- Cô nương nói ! Thế sao đại sư Khánh-Hỷ lại bị trúng Huyền-âm chưởng mà viên tịch ?

- Tôi chưa nói hết mà ! Đạo sư tu hành đã dư ba chục mà sao hỏa tính còn vượng như vậy ? Thiền-công có khả năng chống những loại độc nhập cơ thể bằng ẩm thực. Còn những loại độc nhập cơ thể qua kinh mạch, thì trái lại, vô hiệu. Tôi nhắc lại một tích cũ, chắc đạo sư còn nhớ. Trong trận Cổ-pháp, công chúa Thiên-Ninh dùng độc được trộn vào lương thực, rồi cất trong làng. Tướng Trương Thế-Cự sai quân cướp lấy, mang về ăn. Tất cả võ tướng Tống, gồm toàn cao thủ thượng thặng, ăn vào chân tay đều mất hết sức lực. Duy các tướng xuất thân Thiếu-lâm là vô sự mà thôi.

Ghi chú của thuật giả:

Về trận Cổ-pháp kinh thiên động địa, xin đọc Nam-quốc sơn-hà của Yên-tử cư-sĩ, 5 quyển, do Đại-Nam Hoa-kỳ xuất bản 1976. Trong trận này, mấy chục vạn quân Tống tiến tới rừng tre, cách Thăng-long có 50 dặm (25 cây-số), bị công chúa Thiên-Ninh đánh bật về Như-nguyệt. Đây là trận khủng khiếp đứng bậc ba trong lịch sự tộc Việt, sau trận Hàm-tử, Đống-đa. Khủng khiếp vì tướng cả hai bên cùng tài trí, quân cả hai bên cùng thiện, quyết tử.

Vương Cương-Trung à lên một tiếng, tỏ vẻ hối tiếc :

- Ta ngu quá ! Đáng lẽ ta phải biết việc này mới phải chứ ?

- Đạo sư hối tiếc à ? Còn một sự đáng hối tiếc gấp trăm lần hơn nữa kia !

- ! ? ! ? ! ? ! ?

- Cách đây mấy tháng, đạo sư sai Vân-Đài Vương Thúy-Thúy bỏ thuốc loại một đầu độc tất cả Đại-Việt thất tiên. Nên mấy hôm trước, khi ra tay khống chế triều đình Đại-Việt, đạo sư sai Thụy-Hương tuyên triệu Thái-tử Long-Xưởng, vương phi Trang-Hòa, lễ nghi học sĩ Như-Như vào cung, pha thuốc loại hai vào nước trà, ban cho uống. Ba người uống vào, thì bị mê man. Bấy giờ đạo sư chỉ việc sai giam lại, rồi hành sự.

- Cái vụ đánh thuốc mê bọn Long-Xưởng là một thành công của ta. Tại sao cô nương lại bảo rằng đáng hối tiếc ?

- Đúng ra, nếu Thái-tử Long-Xưởng, vương phi Trang-Hòa, và Như-Như chỉ luyện nội công Đông-A, thì không bi hại. Nhưng ba người lại luyện nội công Mê-linh, nên mới mê man, song chỉ mê man trong nửa ngày rồi tỉnh lại. Ba người bị trói nằm trong cung Thục-phi, nên biết rất rõ âm mưu của Thục-phi Đỗ Thụy-Châu, với Vân-Đài Trịnh Nam-Phương.

- ! ! !

Kim-Ngân chỉ vào Minh-Đạo vương, rồi mỉm cười.

- Một sự đáng tiếc nữa là...

Minh-Đạo vương vẫn ôm Mai-Hương trong tay :

- Vừa rồi, khi mới giao đấu với ta, mi âm thầm phóng thuốc loại một cấp phát vào người ta. Ta biết hết . Ta lờ đi, vì ta đã luyện nội công Đông-A. Sau đó, trong khi đấu nội lực, mi dồn thuốc loại hai vào người ta. Ta cũng lờ đi, giả làm như trúng độc, công lực giảm, không đủ sức thắng mi. Ta đợi khi mi hý hửng, không đề phòng, ta dùng Qui-pháp âm dương hút hết công lực mi, rồi dồn Hàn-băng độc vào người mi. Cuối cùng mi bị mất hết công lực, bị trúng độc. Đó là chính mi hại mi. Ta chỉ dùng phương pháp giáo Tầu đâm Chêệt, hay nói khác đi là gậy ông lại đập lưng ông,

- ! ? ! ? ! ? !

- Có gì là lạ đâu ? Hôm mi bị sư huynh Tự-Hấp của ta xuất lĩnh Đại-Việt ngũ tuyệt, Vỵ-xuyên ngũ tiên cùng các đệ tử Đông-A bắt mi với hơn trăm đệ tử Hoa-sơn tại tổng đường trên con thuyền đinh lớn. Khám trong thuyền, sư đệ Phạm Tử-Tuệ tìm thấy có rất nhiều bình thuốc. Ngoài những thuốc trị bong gân, gẫy xương, đau nhức, thương phong cảm mạo ra, còn có ba bình thuốc Đoạn-cân Tiêu-phách tán của mi. Phạm sư đệ chỉ ngửi qua là biết ngay. Người nghĩ cách trừng phạt mi bằng cách chế một số thuốc loại một, trao cho ta.

Vương chỉ thiếu nữ áo xanh tên Linh-Linh :

- Linh nhi, con thuật cho y nghe việc con làm đi.

Linh-Linh méo miệng trêu Cương-Trung :

- Trong mấy ngày mi dẫn thủ hạ vào Hoàng-thành áp chế hoàng-thượng, cùng nội cung. Ta đã trộn thuốc loại một của bọn mi vào thức ăn. Cho nên ban nãy chúng ta chỉ cần tung độc phấn loại hai, là bao nhiêu tay chân của mi ngã lổng chổng ngay. Còn mi, thì lúc bố ta đấu với mi, người đã bóp bẹp một viên thuốc loại hai, rồi dồn vào người mi. Vừa rồi bố ta lại dùng thần công truyền loại hai vào cơ thể mi. Bây giờ mi chỉ có thể tự oán mình mà thôi.

Kim-Ngân liếc nhìn Minh-Đạo vương, thấy vị sư thúc nức danh thiên hạ vẫn ôm Mai-Hương trong tay, coi thường mọi sự, nàng mỉm cười trêu ông, rồi nói với Vương Cương-Trung :

- Đạo sư ! Thế đạo sư làm thế nào ? Vào lúc nào mà bỏ loại thứ nhì của Đoạn-cân Tiêu-phách tán cho sư bá Đặng Phi-Sơn uống ?

- Sau khi Đặng trở về Đại-Việt, tôi được gửi sang thay cho sư phụ Thiên-Hư. Tới nơi, việc đầu tiên là tôi theo dõi hành trạng của Đặng. Dịp may tới, Đặng rời Tản-lĩnh về Gia-lâm thăm gia đình. Y vào một nhà hàng ăn uống rồi qua đêm. Tôi bỏ loại thuốc thứ nhì vào thức ăn. Y ăn vào, thấy buồn ngủ. Y đi ngủ. Tôi đột nhập phòng ngủ của y, bắt y mang đi. Lục trong người y có bộ võ phổ chép tất cả tuyệt kỹ của phái Tản-viên. Tôi giết y, rồi quẳng xác xuống sông Hồng.

- Đạo-sư lại nói dối rồi ! Tán-cốt Lạc-phách tiêu hồn chưởng chỉ chép chiêu số mà không chép mật quyết. Không có mật quyết, thì sao có thể luyện thành. Đạo sư khai thực đi !

Cương-Trung im lặng không trả lời. Kim-Ngân điểm vào huyệt Bách-hội của y một cái. Y rùng mình hét lên :

- Lạnh chết đi ! Giết ta đi !

- Đạo sư muốn con nha đầu này giải khai cái lạnh cũng dễ thôi. Đạo-sư phải trả lời câu hỏi của nó : Làm cách nào đạo sư có mật quyết luyện Tán-lạc-hồn chưởng ?

- Tôi giam Đặng, rồi dùng cực hình tra khảo. Y chịu không nổi, phải khai ra. Sau khi tôi luyện xong Tán-lạc-hồn chưởng, thì có người đột nhập nhà giam cứu y. Ái ! Lạnh quá ! Cho tôi xin viên thuốc chống lạnh nữa !

- Không vội !

Kim-Ngân lại cười :

- Như đạo sư biết, khi luyện thành Tán-lạc hồn chưởng, thì lúc xử dụng, chiêu nọ nối chiêu kia, biến hóa huyền ảo thành một vạn chiêu ; với một vạn chiêu, như thành đồng vách sắt bảo vệ cơ thể. Thế sao đạo sư lại chỉ biết đánh từng chiêu rời rạc, rồi bị sư thúc của tôi đã bại ?

- Tôi không biết.

- Đại-hiêp Đặng Phi-Sơn biết rằng không khai hết mật quyết thị sẽ bị đạo sư tra tấn khốn khổ. Vì vậy người khai mật quyết, mà không khai phần biến hóa !

Cương-Trung la lên

- Ta ngu quá ! Ta ngu quá ! Ta bị tên Phi-Sơn lừa mà không biết. Ta tưởng y bị tàn phế, rồi phóng thích y. Hỡi ơi !

Kim-Ngân hỏi :

- Đạo sư hại sư thái Nghi-Hòa bằng cách nào ?

- Ối !Ối lạnh ! Cũng tương tự như đối với Đặng Phi-Sơn.

- Tại sao Mao Khiêm cũng biết những mật quyết của Tản-viên với Mê-linh ?

- Thì chính tôi trao... Ái lạnh quá..Tôi trao cho y, với ý định cho bọn Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên chiếm chức chưởng môn phái Tản-viên, Mê-linh.

Y hét lên lanh lảnh :

- Ối ! Giết tôi đi, lạnh quá.

Sau hai mươi năm xa cách, nhớ thương chồng chất, bây giờ Mai-Hương gặp lại Minh-Đạo vương, nàng không muốn rời người yêu, dù chỉ trong chốc lát, gang tấc. Cho nên nào con gái tự tử, nào tranh luận, nào giao đấu... Nàng đều nhắm mắt, gác mọi chuyện ngoài tai. Bây giờ thình lình nghe tiếng hét như lợn bị chọc tiết của Vương Cương-Trung, nàng mới mở mắt ra. Thấy Cương-Trung ngồi xo ro run lập cập, râu tóc, lông mày không còn. Nàng lên tiếng :

- Sư huynh, cái gì đã xẩy ra cho sư huynh ?

- Lạnh quá ! Ối. Con khốn nạn kia ! Mày nỡ nào âu yếm với kẻ đã làm chồng mày khốn khổ như thế này? Con diều tha, quạ mổ kia !

Mai-Hương nói với Minh-Đạo vương :

- Anh ơi ! Anh làm sư huynh của em thân tàn, ma dại thế này ư ? Sư huynh giết vương phi của anh, đánh lừa em để chiếm thân xác... Anh đã giết hai bà vợ, ba đứa con của sư huynh, như vậy đủ rồi. Em xin anh tha cho sư huynh đi !

Sợ Minh-Đạo vương tha cho Vương Cương-Trung, Kiến-Ninh vương vội bước ra :

- Tội mi ngập đầu, mi có chết đến ngàn lần cũng không đền hết tội. Ta phải đem mi ra chợ Tây-nhai, để dân chúng thấy mi chết dần, chết mòn...

Vương Cương-Trung lạnh quá, y gào lên lanh lảnh, hú lên như vượn, rồi phát chưởng đánh lung tung. Đánh một lúc y mệt quá, ngồi xuống thở dốc.

Mai-Hương chạy đến trước mặt Đoan-Nghi, bà ôm lấy nàng :

- Công-chúa ! Nếu công chúa còn hận Thụy-Hương, thì cũng nên nghĩ đến những ngày nô tỳ bế bồng, cho công chúa bú, mà gia ân. Nô-tỳ cả gan xin công chúa gỡ cái đau đớn cho Vương sư huynh.

Đoan-Nghi vốn là người nhu nhã bậc nhất trong các công chúa. Khi thấy Vương Cương-Trung đau đớn quá, nàng quên ngay tội lỗi của y, của Thụy-Hương trong biến cố vừa qua. Mấy lần nàng định tiến lên hút độc Hàn-băng tha cho y, nhưng còn sợ phụ hoàng, Minh-Đạo vương, Long-Xưởng, nên chưa dám. Bây giờ nghe Mai-Hương năn nỉ, nàng tiến lên, để tay vào huyệt Đại-trùy của y, vận công hút. Trong khoảnh khắc, cái lạnh, cái đau từ từ biến mất. Y hướng Đoan-Nghi xá một xá :

- Đa tạ công chúa.

Y lảo đảo đứng dậy, hành lễ với Thiên-cảm Chí-bảo hoàng đế :

- Đấng quân phụ nói một lời, nặng như Thái-sơn. Ban nãy bệ hạ ban chỉ ân xá cho bọn thần. Vậy thần xin bệ hạ cho Vương Thúy-Thúy, Nhạc Bảo-Bảo cùng về Tống.

Nhà vua hỏi Thủ-Huy :

- Huy nhi ! Con giam hai nàng ấy ở đâu ? Mau đem trả cho Vương Thái-bảo.

Thủ-Huy hướng ra ngoài gọi :

- Xin Thúy-Thúy, Bảo-Bảo tiểu thư xuất hiện cho.

Vương Thúy-Thúy, Nhạc Bảo-Bảo từ ngoài bước vào. Hai nàng không mặc y phục quận chúa Tống nữa, mà trang phục như hai phụ nữ quê : Áo cánh mầu mỡ gà, quần đen, đều bằng lụa Nghi-tàm. Một người thì đẹp rực rỡ như hoa hải đường mới nở. Một người thì đẹp u buồn kín đáo như hoa lan. Mỗi bước đi của hai nàng, như có hàng ngàn đóa hoa nở, hàng vạn sóng nước rung rinh. Hiện diện trong cung Long-hoa đến gần nghìn người, nam có, nữ có, già có, trẻ có, nhưng không ai mà không suýt xoa.

Hai nàng quỳ gối hành lễ với nhà vua :

- Thần Trần Thúy-Thúy, Trần Bảo-Bảo xin bái yết hoàng thượng. Kính chúc thánh hoàng vạn tuế, vạn vạn tuế

Trịnh Nam-Phương hỏi Vương Thúy-Thúy :

- Thúy nhi ! Sư phụ nhắc để con nhớ : Con là Vân-Đài tiên tử, tước phong Khâm-minh đoan duệ quận chúa của Thiên-triều. Con họ Vương tên Thúy-Thúy. Tại sao con lại xưng là họ Trần ?

Hàn Dũ-Linh cũng nói với Nhạc Bảo-Hảo :

- Bảo nhi ! Sư phụ nhắc để con nhớ . Con là Mao-Nữ tiên tử của danh môn chính phái, được phong Thạc-hòa Anh-văn quận chúa của Tống triều. Con họ Nhạc, tiểu danh Bảo-Bảo. Tại sao con xưng là họ Trần.

Bảo-Bảo lạy Hàn Dũ-Linh ba lạy :

- Giai-phi ! Giai phi là sư phụ của con. Từ ngày sang Đại-Việt con được giai phi dạy dỗ, công ơn ấy không bao giờ con quên. Sư phụ ơi ! Con sinh ra là một tiểu thư, thông minh, tài trí có thừa, lại được trời ban cho một nhan sắc hiếm có. Thế nhưng con cảm thấy vô phúc cùng tận, khi bị bọn người lòng lang dạ thú nuôi con như nuôi chó, nuôi ngựa, rồi ban cho cái chức hư vô Mao-Nữ tiên tử. Chúng đem con sang đây khi mới mười tuổi. Mười tuổi, đã phải xa quê hương, xa người thân, ngày đêm làm tôi đòi cho người, để mưu chiếm nước người. Đêm đêm con thường khóc thầm, tự hẹn có dịp sẽ thoát khỏi cái kiếp khốn cùng này. Con gái vào tuổi mười hai, mười ba, bắt đầu dệt mộng mơ. Thế mà con thì không có. Thoáng một cái, đã gần ba mươi tuổi. Hỡi ơi ! Hoa nở có thì. Đời con gái cũng vậy. Nay tuy con đã bị quá cái tuổi hoa Xuân rồi, nhưng cũng chưa muộn. Khi Thần-nông sứ khám phá ra tông tích, không những không giết, không làm nhục, mà còn coi con như người trong nhà. Vì vậy con nguyện làm nô tỳ cho người cả đời. Người còn gả con cho một nam nhi đại trượng phu, khí phách hơn đời, võ công cái thế. Để con gọi chồng con vào bái kiến sư phụ.

Nàng hướng ra ngoài gọi :

- Anh Trung-Từ ơi ! Vào đây !

Tô Trung-Từ to lớn kềnh càng, từ ngoài bước vào. Y không hành lễ với thái-hậu, nhà vua, mà hướng Bảo-Bảo vái ba vái :

- Lạy vợ ạ ! Vợ gọi anh có việc gì ?

Bảo-Bảo chỉ Hàn Dũ-Linh :

- Anh ra mắt sư phụ em đi.

Trung-Từ vái Dũ-Linh ba vái :

- Xin kính chào bà thầy của vợ.

Tô Hiến-Thành quát :

- Tên nhà quê kia ! Mi có biết đây là đâu không ? Tại sao mi thấy hoàng-thượng không bái kiến, mà lại vái Giai-phi, Tín-hương phu nhân ? Bộ mi chê chúng ta không chặt được đầu mi hay sao ?

Tính Trung-Từ hay đùa vui, ngay cả thái sư phụ Tự-Kinh, chàng cũng dám trêu ông, huống hồ ? Chàng hỏi Bảo-Bảo :

- Lão già sắp chết này là ai vậy em ?

- Ông ta là Thái-sư của triều đình đấy.

- Thái sư là gì vậy ? À, thái là cắt. Sư là thầy chùa. Ông ta là người chuyên cắt thịt thầy chùa hả.

Trung-Từ hất hàm hỏi :

- Này ông già cắt thịt thầy chùa. Ông hỏi tại sao tôi chỉ hành lễ với vợ tôi, với bà thầy của vợ, mà không hành lễ với vua hả. Ông ơi ! Ông có biết người Việt chúng tôi có câu nhất vợ, nhì trời không ? Bảo-Bảo là vợ tôi, thì dĩ nhiên nàng đứng thứ nhất. Sau đó mới tới trời. Vua là con trời, thì phải đứng thứ ba chứ. Cho nên tôi vái vợ tôi trước. Tôi chưa kịp vái ông vua mà.

Chàng hướng nhà vua :

- Thằng đi cầy, ăn nhiều nhất trấn Thiên-trường, họ Tô tên Trung-Từ xin chào ông vua.

Bảo-Bảo sợ Trung-Từ đùa quá, khiến triều đình mất cảm tình với phái Đông-A, nàng vẫy tay :

- Thôi đi.

Trung-Từ dạ một tiếng rồi đứng sau Bảo-Bảo.

Tô Hiến-Thành nói một mình :

- Tên nhà quê chỉ biết sợ gái.

Trung-Từ méo miệng trêu Tô :

- Ta, một thằng đi cầy, lấy được vợ đẹp, lại nết na, thì phải biết đáp lại chứ ? Ta sợ vợ ta, chứ ta có sợ vợ ông đâu ?

Bảo-Bảo nhăn mặt :

- Khổ quá ! Thôi đi !

TrungTừ lại dạ một tiếng, rồi lấy tay bịt miệng lại.

Bảo-Bảo hướng Hàn Dũ-Linh:

- Sư phụ ! Nay con là người họ Trần. Con xin bái biệt sư phụ ở đây.

Nàng cúi xuống lạy Hàn Dũ-Linh ba lạy.

Thúy-Thúy cũng nói với Trịnh Nam-Phương :

- Những gì con muốn nói thì Bảo-Bảo đã nói dùm con rồi. Hồi niên thiếu, đạo cô Vân-Hà xem tướng cho con đã nói : Đến năm mười sáu tuổi, nếu con bị lộ toàn thân trước người con trai nào, thì người đó sẽ là người con trao thân gửi phận. Hơn mười năm trước, con bị lộ thân thể trước phò mã Trần Thủ-Huy ! Từ ngày đó, con nguyện sẽ dâng hiến tấm hồng nhan cho người. Than ôi ! Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Trong khi ngày con tưởng nhớ đến người, đêm con mơ màng tới người, mà người thì để hết tâm ý vào công chúa Đoan-Nghi. Khi bị lộ hình tích, không những phò mã đã không giết, không mắng con, mà con đem con về phủ để che chở. Bây giờ phò mã đã có công chúa ! Nhưng con nhất quyết xin làm nô tỳ hầu hạ người... Con là người họ Trần rồi. Nay trong giờ ly biệt, con xin sư phụ nhận cho con ba lạy này, gọi là ghi nhớ công ơn.

Nói rồi nàng lạy Trịnh Nam-Phương ba lạy.

Vương Cương-Trung cười nhạt :

- Người xưa nói : Nữ nhân như phù vân (con gái nông nổi như mây trời) cũng không ngoa. Vương Thúy-Thúy bỏ chức Vân-Đài, tước quận chúa, đi làm nô tỳ cho gã Trần Thủ-Huy. Nhạc Bảo-Bảo bỏ chức Mao-Nữ, bỏ tước quận chúa, khuất thân làm đầy tớ tên nhà quê Thủ-Lý. Cho đến vợ ta là Triệu Mai-Hương, tước phong công chúa Thiên-triều, mà cũng bỏ vua, bỏ chồng, bỏ môn phái chỉ để theo cái gã Minh-Đạo kia ! Hỡi ơi ! Chúng nhân đều say cả rồi, đều điên cả rồi ! Duy ta tỉnh mà thôi !

Y ngửa mặt, hướng con mắt lờ đờ nhìn lên nóc cung :

- Ta sinh ra là một công tử, văn đỗ tiến sĩ, võ tới trình độ cao thủ bậc nhất. Lại nổi tiếng là một mỹ nam tử. Tám nghệ thuật Xạ, Ngự, Thư, Số, Cầm, Kỳ, Thi, Họa đều nức tiếng Giang-Nam. Xuất chính, ta là một đại thần hàm tới Thái-bảo, chức tới Đồng-bình chương-sự (phó tể tướng), tước tới công. Thế mà hôm nay trắng tay ! Hai vợ, ba con bị giết, ta bị người yêu bỏ rơi, để theo kẻ thù. Ôi ! Ôi ! Đời ! Đời ! Hận ! Hận !

Nói dứt, y tháo sợi dây vàng đeo trên cổ đưa ra :

- Mai-Hương ! Trong cái đêm đầu tiên ta với nàng... Nàng đã trao cho ta chiếc giây này. Ta trao cho nàng cái vòng ngọc đeo tay. Hai ta cùng thề : Trăm năm dù ngọc nát, dù vàng phai, không bao giờ chúng ta xa nhau. Nay nàng xa ta. Ta trả sợi giây cho nàng đây.

Mai-Hương thẹn thùng, tháo chiếc vòng ngọc tiến đến trước mặt Cương-Trung. Nàng bỏ lên bàn tay y.

Tay trái Cương-Trung cầm lấy cái vòng ngọc, tay phải y trao sợi giây cho Mai-Hương. Mai-Hương tiếp lấy. Bốn mắt nhìn nhau.

Thình lình Cương-Trung tung ra hai chưởng bằng tất cả bình sinh công lực. Tuy võ công Mai-Hương không bằng Cương-Trung, nhưng cũng không đến nỗi chỉ một chiêu đã bại. Khốn thay, hai người đứng quá gần nhau, lại ở vào dây phút chứa chan tình cảm, nên nàng không đỡ nổi, cũng không kịp vận công hộ thể. Binh, binh hai tiếng, người nàng bay bổng ra xa, rơi xuống nền cung Long-hoa đến rầm một tiếng. Mọi người cùng kêu thét lên những tiếng kinh khủng.

Thủ-Huy kịp nhận ra Vương Cương-Trung đã xử dụng chiêu Lâm-trung kiến ngưu trong pho Tán-cốt Tiêu-hồn Lạc-phách chưởng.

Minh-Đạo vương lao tới bồng Mai-Hương lên, người nàng mềm nhũn như một mớ rau : Máu từ miệng, hai mũi hai mắt, hai tai tuôn ra rơi lách tách xuống nền cung. Vương biết chiêu chưởng vừa rồi, làm xương ngực, cùng nội tạng Mai-Hương bị trấn nát ra, không thể sống được.

Mắt mở trừng trừng, Minh-Đạo vương sẽ đặt Mai-Hương ngồi xuống cạnh xác Thụy-Hương. Vương cất giọng thiết tha, chứa chan yêu thương nói với Mai-Hương :

- Em ! Anh sẽ giết chết y, để trả thù cho em.

Vương nói với Cương-Trung :

- Người chuẩn bị đỡ đi. Ta chỉ đánh người ba chưởng thôi. Sau ba chưởng đó, thì dù người sống, người chết, ta cũng tha cho người.

Nói dứt vương hít hơi, rồi nói :

- Chiêu thứ nhất này.

Thấy chưởng phong mạnh nghiêng trời, lệch đất, Cương-Trung dùng cả hai tay phát chiêu Kiến-tích dã ngưu đỡ. Aàm một tiếng, người y bay bổng lại sau, ngã lăn ra nền cung. Y quằn quại ngồi dậy nhưng không nổi.

Chưởng của Minh-Đạo vương, khiến những người hiểu biết nghĩ thầm : Cứ như công lực này của vương, nếu lúc bắt đầu đấu với Cương-Trung, mà vương xử dụng, thì chỉ hai chiêu, vương đã đập y nát thịt ra rồi. Hà ! Sở dĩ vương kéo dài cuộc đấu vì vương muốn y dở hết bản lĩnh võ công học trộm của Đại-Việt ra, rồi nhân đó bắt y khai hết tội lỗi. Như vậy, nhà vua không thể ân xá cho Cương-Trung.

Minh-Đạo vương nhìn Mai-Hương :

- Anh đánh y chiêu thứ hai này.

Bỗng Mai-Hương từ từ dơ tay lên, miệng nói se sẽ :

- Anh ! Anh !

Minh-Đạo vương thu chiêu lại, đến bên nàng. Mai-Hương nói thều thào :

- Anh ơi ! Em sắp chết rồi ! Trước khi chết, em xin anh thỏa cho em một điều.

- Một điều, chứ mười điều anh cũng xin chu toàn.

- Anh ơi ! Dù sao Vương sư huynh cũng là chồng em hai mươi năm. Chính em có lỗi với sư huynh ! Vì tuy em ở cạnh người, mà lòng chỉ tưởng nhớ đến anh. Ngay cả những lúc người âu yếm em, em cũng nghĩ là anh. Bây giờ, gặp lúc cùng đường, sư huynh trút tất cả cái uất hận lên đầu em. Em xin anh một điều...

- Em xin gì ?

- Em xin anh tha cho Vương sư huynh trở về Tống.

- Không ! Anh không thể tha cho y được.

Mai-Hương nói trong hơi thở

- Anh ! Hứa đi.

Nàng lại mửa ra một búng máu.

- Được ! Anh hứa !

Mai-Hương nghẹo đầu sang một bên rồi nhắm mắt lại. Minh-Đao vương hét lên :

- Mai-Hương ! Trời ơi ! Mai-Hương !

Vương ôm xác Mai-Hương, thấp thoáng một cái, cả hai đã rời khỏi Long-hoa cung. Linh-Linh, thiếu niên áo trắng cũng lao mình theo :

- Bố ! Bố ! Bố đi đâu vậy ?

Linh-Chiếu Thái hậu chỉ nhà vua :

- Đồi tử ! Người đã tĩnh ngộ rồi, thì phải chỉnh đốn lại sự nghiệp của ông cha.

Thấp thoáng một cái, bà đã rời khỏi Long-hoa cung.

Đâu đó tiếng quốc kêu khắc khoải, lẫn với tiếng tiêu từ xa vọng lại.

Ngày đăng: 21/08/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?