Gửi bài:

Chương 9 - Phật và đạo

Tống Đại Nhân lần đầu làm thầy, thấy Trương Tiểu Phàm hai tay chống má, lắng nghe chăm chú, bất giác cao hứng, ăn nói rất đĩnh đạc.

Quá trình tu tập Thái Cực Huyền Thanh Đạo là từ dễ tới khó, phần lớn mọi người ngay năm đầu tiên đều có thể tựu thành tầng thứ nhất của Ngọc Thanh Cảnh, nhưng sau đó trở đi bắt đầu đụng phải những chỗ thâm thuý khó hiểu; với tầng thứ hai, người bình thường phải tu tập mất năm năm; tầng thứ ba lại càng một trời một vực, người nào tư chất hơi kém thì cả đời sẽ dừng mãi ở chỗ này, người khá hơn một chút tu tập đến năm sáu mươi năm cũng không phải là chuyện lạ.

Trương Tiểu Phàm nghe mà há hốc miệng, Tống Đại Nhân mủm mỉm cười, lại giảng tiếp.

Pháp môn tu hành chủ yếu của Thái Cực Huyền Thanh Đạo, đến tầng thứ ba là hầu như truyền thụ hết, từ đó trở đi phần nhiều phải dựa vào tu vi và tư chất của bản thân, sư trưởng trình độ cao thâm có thể chỉ điểm chút ít, nhưng cũng chỉ là về mặt kinh nghiệm, để đệ tử tránh rẽ theo đường vòng mà thôi. Đương nhiên, cái gọi là đường vòng ở đây phải tính bằng đơn vị thời gian từ một trăm năm trở lên.

Trong Thái Cực Huyền Thanh Đạo, tu luyện đến tầng thứ tư của Ngọc Thanh Cảnh là tựu được căn bản của mọi pháp thuật, có thể bắt đầu đồng thời tu tập những kỳ thuật diệu pháp khác và rèn tập bảo bối của mình.

Bảo bối vốn có nguồn gốc lâu đời, trong thần thoại truyền thuyết, các vị thần linh phần nhiều đều có bảo bối riêng, uy lực tuyệt luân. Còn trong nhân gian, những người tu chân luyện đạo dùng nó để chế ngự dần thiên địa tạo hoá, uy lực cũng rất đáng kể, nhỏ thì có thể đằng không, cưỡi gió bạt mây mà đi, lớn thì có thể làm trời rung đất chuyển, phá được núi ngăn được sông.

Vật liệu để luyện bảo bối cũng lắm màu nhiều vẻ, thiên kỳ bách quái, nhưng có điều, vật liệu sẽ quyết định uy lực của bảo bối sau khi luyện thành, nếu lấy sắt thường để thi triển Thần Kiếm Ngự Lôi Chân Quyết , thì chưa kịp tấn công kẻ địch, kiếm đã cùng với chủ nhân biến thành tro bụi rồi.

Đối với môn hạ Thanh Vân, nhớ chuyện xưa Thanh Diệp tổ sư lấy được cổ kiếm Tru Tiên trong Huyễn Nguyệt Động Phủ rồi cùng nó tung hoành khắp nơi, thiên hạ hầu như không có địch thủ, bọn hậu bối ngưỡng mộ dư thế, thành ra quá nửa đều tu luyện tiên kiếm, mãi ngàn năm sau, kiếm khách vẫn không ngừng xuất hiện. Việc chọn kiếm làm bảo bối gần như là quy tắc bất thành văn của Thanh Vân Môn, nên có đổi tên thành Thanh Vân Kiếm Phái thì cũng không phải là bất khả.

Nói tới đây, lại phải nhắc một chút đến thủ toạ Đại Trúc Phong là Điền Bất Dịch, lão vốn luyện kiếm, pháp khí hộ thân Xích Linh cũng là một trong các danh kiếm của Thanh Vân Môn, nhưng chẳng hiểu sao, lão không hề có ý khuyến khích bọn đệ tử tu luyện tiên kiếm.

Không chỉ có vậy, lão còn thường xuyên "xui giục" mọi người rèn tập các loại pháp bảo khác, khiến dư luận trong Thanh Vân Môn dấy lên ít nhiều trách móc, nhưng một là chẳng có quy định nào nói rằng không được, hai là đệ tử của Điền Bất Dịch tư chất tầm thường, số lượng cũng ít, nên mọi người cứ để mặc lão.

Trong các đệ tử Đại Trúc Phong, đại sư huynh Tống Đại Nhân tu hành súc tích nhất, đã luyện tới tầng thứ năm của Ngọc Thanh Cảnh trong Thái Cực Huyền Thanh Đạo, sát ngay sau là lão tứ Hà Đại Trí, luyện tới tầng thứ tư. Tuy thời gian y nhập môn ngắn hơn Ngô Đại Nghĩa, Trịnh Đại Lễ, nhưng trong số các đệ tử ở đây y thuộc hạng thông minh nhất, vì vậy tuy đi sau mà lại về trước.

Trong khi ấy, lão nhị Ngô Đại Nghĩa, lão tam Trịnh Đại Lễ, lão ngũ Lữ Đại Tín, lão lục Đỗ Tất Thư, đều đang chật vật ở tầng thứ ba Ngọc Thanh Cảnh.

Còn tiểu sư muội Điền Linh Nhi thì thông tuệ hơn người, từ nhỏ đã được cha mẹ hết lòng giáo hối, tuy mười tuổi mới bắt đầu bài tập chặt trúc, nhưng tu tập Thái Cực Huyền Thanh Đạo đã khá nhiều năm.

Cô bé còn nhỏ, nhưng năm mười ba tuổi đã luyện tới tầng thứ tư Ngọc Thanh Cảnh, có thể khu dụng pháp bảo, là một trong những hài đồng khôn sớm nổi tiếng ở Thanh Vân Môn, cha mẹ yêu chiều, các vị sư huynh quan tâm thương mến. Tô Như cũng đã đem dải Hổ Phách Chu Lăng trứ danh của mình tặng cho con gái làm pháp bảo phòng thân.

"Sư tỷ thật là giỏi!" Trương Tiểu Phàm nghe tới đây, bất giác thốt lên cảm thán.

Tống Đại Nhân mỉm cười nói: "Không sai, tiểu sư muội rất thông minh, đối với việc tu chân lại có thiên phú, sư phụ sư nương truyền thụ điều gì, sư muội vừa nghe là nhớ liền, tư chất hơn hẳn bọn huynh, hiện nay chỉ vì thời gian tu đạo còn ngắn, hoả hầu chưa đủ, sau này có thêm thời gian, thành tựu của sư muội nhất định sẽ không thể tưởng tượng được, vượt xa bọn huynh. Chi phái Đại Trúc Phong phát dương quang đại hay không, là nhờ ở sư muội."

Nói đoạn, trong ánh mắt y khấp khởi hi vọng, hiển nhiên là rất yêu mến tiểu sư muội kiều mỵ dễ thương này.

Tiếp theo, Tống Đại Nhân lại chỉ cho Trương Tiểu Phàm những điểm cần chú ý trong quá trình tu hành, sau đó nghiêm nghị bảo: "Tiểu sư đệ, cuối cùng có một chuyện, ta nhất định phải nói cho đệ hay: việc tu hành của bản môn quý là ở chỗ tuần tự nhi tiến, đi bước nào chắc bước đó. Nếu tham lam muốn vượt nhanh, chỉ e là lòng tham chưa được thoả mãn, đã phát sinh đại hoạ. Thành công hay thất bại là do số mệnh, không cần phải cưỡng cầu. Đối với yêu ma ngoại đạo, dị đoan tà thuật, ham muốn không được đáp ứng thì đều muốn tốc thành, cuối cùng quá nửa là bị trời phạt, bi thảm lắm. Đệ phải cần thận đấy."

Trương Tiểu Phàm kinh hãi, vội đáp: "Vâng, đại sư huynh, đệ hiểu rồi."

Tống Đại Nhân gật gật đầu, đứng dậy nói: "Hẵng như vậy đã! Thái Cực động đằng hậu sơn, chỉ có đệ tử đã tu tập Thái Cực Huyền Thanh Đạo từ ba tầng trở lên mới được bước vào. Trước đó, đệ hãy tạm ở phòng riêng rèn luyện! Chỗ này cũng rất thanh tịnh, sư phụ sư nương ít khi lại, đệ hãy tự mình cố gắng nhé."

Trương Tiểu Phàm đứng dậy đáp: "Đa tạ đại sư huynh."

Tống Đại Nhân nhe răng cười, vỗ vỗ đầu nó, rồi quay mình bước đi.

Trương Tiểu Phàm tiễn Tống Đại Nhân xong, trở vào trong phòng, đóng kỹ cửa lại, lòng mừng không nói hết được, đến những mệt nhọc lúc chặt trúc hồi sáng cũng chẳng biết đã tan biến đi đằng nào.

Nó hô hấp thật sâu, rồi tĩnh tâm, chầm chậm trèo lên giường, theo đúng tư thế đả toạ mà Tống Đại Nhân vừa dạy, nhắm nghiền hai mắt, nhẩm lại một lượt từ đầu đến cuối nội dung tầng thứ nhất trong Ngọc Thanh Cảnh của Thái Cực Huyền Thanh Đạo mà Tống Đại Nhân vừa truyền thụ, đang lúc định theo đó tiến hành tu tập, thốt nhiên trong lòng chợt nhớ ra điều gì, hai mắt bừng mở, thất thanh la: "Không phải rồi!"

Những gì mà Tống Đại Nhân vừa dạy cho nó là pháp môn tu tập căn bản thô sơ nhất trong Thái Cực Huyền Thanh Đạo, công dụng chỉ nằm ở hai chữ: luyện khí. Người tu tập phải tĩnh toạ, mở rộng tâm niệm, khống chế những phiền não, dẫn linh khí của trời đất vào vần chuyển vòng tròn trong người, tiến tới cảm ngộ được thiên địa tạo hoá. Nếu có thể dẫn linh khí đó liên thông khắp ba mươi sáu huyệt đạo, thì kinh mạch trong mình sẽ vững vàng, có thể tu luyện lên cảnh giới cao hơn.

Pháp môn tu tập này vốn đã trải qua mấy ngàn năm được Đạo giáo gọt giũa, tuyệt không có điểm nào sai sót đáng ngờ cả, nhưng giờ đây trong lòng Trương Tiểu Phàm như có phong ba bão táp vần vũ không ngừng. Tất cả chỉ là vì những gì hôm nay nó nghe thấy trái ngược hoàn toàn với bộ khẩu quyết và phương thức tu hành mà Phổ Trí hoà thượng đã giảng cho nó ngày hôm đó.

Trong cái đêm trước khi xảy ra thảm án ở thôn Thảo Miếu, lúc Phổ Trí truyền khẩu quyết cho nó, đã dặn nó rõ ràng rằng, tu chân luyện khí nhất thiết phải tách hẳn mình khỏi mối liên hệ với ngoại giới, để ngộ ra tự tính, cái đó gọi là: chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới, vô vô-minh, diệc vô vô-minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão-tử tận; vô khổ tập diệt đạo; vô trí diệc vô đắc. (Chú: lời trích từ "Bát Nhã Tâm Kinh (1)") Cái đạo lý thâm thuý khô khan này, Trương Tiểu Phàm tức thời không thể lý giải cho minh bạch, nhưng nó nhận thấy rõ là hai loại pháp môn tu tập này căn bản hoàn toàn khác nhau, lòng dạ lúc ấy rối như tơ vò, không biết phải làm thế nào mới được.

Thực ra Trương Tiểu Phàm không hề biết, Thái Cực Huyền Thanh Đạo cố nhiên là diệu pháp vô thượng của Đạo gia, nhưng bộ khẩu quyết mà Phổ Trí dồn bao nhiêu ước nguyện to lớn, ký thác kỳ vọng cả một đời để truyền cho nó lại cũng là pháp đạo chí cao của Phật môn, gọi là Đại Phạm Bát Nhã.

Nói đến hai loại đại pháp, hai cách tu tập hoàn toàn khác nhau này, phải bắt đầu từ căn nguyên.

Phật môn và Đạo gia, lịch sử đều lâu đời, nhưng trước sau không hề đi lại với nhau, thuật tu chân lại khởi nguồn từ trào lưu tư tưởng của mỗi nhà. Chẳng hạn như Đạo gia, tôn chỉ của nó nằm ở một chữ Đạo , diễn tả ra là: đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bão dương, trung khí dĩ vi hoà. (Chú: lời trích từ chương 5 Đức Kinh thuộc "Đạo Đức Kinh")

Đạo giáo khởi nguồn từ tư tưởng Đạo gia, đến ba cảnh giới của Thái Cực Huyền Thanh Đạo cũng là lấy từ Tam Thanh gồm Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh chỉ Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn trong thần thoại Đạo gia. Tu chân của Đạo giáo chú trọng đến thiên địa nhất tức (2) , thân thể hoà với tự nhiên, dùng thân mình để chế ngự tự nhiên tạo hoá, biến ra đại uy lực.

Đối với Phật môn, tôn chỉ của nó lại nằm ở chỗ "Sự ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, nhất thiết vạn pháp, bất ly tự tính." Lại nói: Hà kỳ tự tính, bản tự sinh diệt; Hà kỳ tự tính, bản tự cụ túc; Hà kỳ tự tính, bản vô động dao; Hà kỳ tự tính, năng sinh vạn pháp! (3) (Chú: lời trích từ "Đàn Kinh, Hành Do Phẩm Đệ Nhất") Tu chân của Phật giáo chú trọng đến lĩnh hội tự thân, nhận ra ngũ uẩn (4) chính là đạo lý "có thể lấy bát nhã mà độ ra trí tuệ bốn phương tám hướng". Tư tưởng đạo Phật khác hẳn, pháp môn tu tập tất nhiên cũng đi theo hướng ngược lại, chỉ có điều mấy nghìn năm nay nhà nào cũng giữ bí mật riêng, không để cho người ngoài biết. Giờ phút này thằng bé Trương Tiểu Phàm ở trên Đại Trúc Phong của Thanh Vân Môn, bị việc này làm cho đầu óc rối tinh rối beng.

"Rốt cục đằng nào là đúng đây?" Trương Tiểu Phàm nhảy xuống khỏi giường, đi đi lại lại trong phòng, nó thấy trong đầu ong ong, nghĩ ngợi lung tung, lại không dám hỏi ai, cuối cùng đành thờ thẫn ngồi ở mép giường, thở dài rồi im lìm lặng lẽ.

Nó vốn chẳng phải là đứa thông minh, con nhà nông dân, tuổi lại còn nhỏ, không có gì là hiểu biết quyết đoán, những việc lớn như thế này nó nghĩ tới nghĩ lui, mất bao nhiêu thời gian vẫn không hiểu ra được tại sao lại như thế. Cuối cùng, Trương Tiểu Phàm tự nhủ với mình: "Thôi, đằng nào lúc đầu Phổ Trí sư phụ cũng chẳng nhắc gì đến tình huống này, ta luyện cả hai thứ vậy, cũng thế cả." Rồi không nghĩ ngợi nhiều nữa, trong lòng bỗng thấy thoải mái, lại trèo lên giường, đả toạ mặc tưởng, trước tiên luyện tập Thái Cực Huyền Thanh Đạo.

Có điều nó nghĩ thì thấy dễ dàng, thực hành rồi mới thấy hoàn toàn là một cảnh khác hẳn. Luyện khí theo Thái Cực Huyền Thanh Đạo phải mở hết thất khiếu và các lỗ chân lông trên toàn bộ cơ thể, dẫn linh khí của trời đất nhập vào mình vận hành theo kinh mạch, việc luyện tập này sẽ củng cố nguyên khí thân thể và kinh mạch nội lạc; Đại Phạm Bát Nhã lại đòi hỏi phải nhập vào cảnh giới tịch diệt, phong bế ý tưởng và hành thức (4), để thân mình hoà vào với thế giới, tự mình ngộ ra mình, dùng chân nguyên thâm tâm để cố bản bồi nguyên.

Hai bộ pháp môn hoàn toàn tương phản, làm Trương Tiểu Phàm khổ không nói hết. Trong vòng ba tháng sau đó, ngoài việc mỗi ngày bất kể mưa gió lên núi chặt trúc, nó đều dụng tâm tu luyện hai bộ đại pháp môn này. Chỉ có điều nó luyện Thái Cực Huyền Thanh Đạo vừa mới được chút thành tựu, khổng khiếu toàn thân vừa mới mở ra, linh khí nhập thể, thì tiếp ngay sau, Đại Phạm Bát Nhã lại đóng mạnh tất cả các chỗ đó lại, nhập vào cõi tịch diệt, làm cho bao nhiêu nỗ lực lúc trước, hầu như đều đổ sông đổ bể cả.

Sau ba tháng, đột nhiên một hôm Điền Bất Dịch chợt nổi hứng, hỏi han tình hình tu đạo của Trương Tiểu Phàm, ai ngờ mỗi lần hỏi mỗi lần đáp, đều khiến lão tức gần chết.

Cứ theo lẽ thường mà xét, người bình thường tu tập Thái Cực Huyền Thanh Đạo, với độ đơn giản của tầng thứ nhất, sau ba tháng đều phải có chút thành tựu, sơ bộ dẫn được linh khí trời đất nhập thể, vận hành được ba đến năm huyệt đạo.

Ai dè cái kém cỏi của Trương Tiểu Phàm thật là hiếm có. Tu luyện đã ba tháng tròn, mà đến khổng khiếu toàn thân cũng không thể khống chế như ý, dẫn linh khí nhập thể thì gượng gạo, nói gì đến việc vận hành vài huyệt đạo.

Điền Bất Dịch mở to mắt, bộ mặt giận dữ nhìn chằm chằm vào Trương Tiểu Phàm, chúng đệ tử bên cạnh đều có vẻ thông cảm, nhưng không dám nói gì, Tống Đại Nhân vốn cũng muốn đỡ hộ Trương Tiểu Phàm một hai câu, nhưng thấy sư đệ do mình dạy dỗ lại luyện tập đến cái mức như thế này, mặt mày mất hết thần sắc, thành ra không dám mở miệng nữa, còn Điền Linh Nhi thì cười hi hi đứng cạnh xem chuyện vui.

Trương Tiểu Phàm mặt đầy nỗi hổ thẹn, quỳ xuống trước Điền Bất Dịch, chẳng có chỗ nào để trốn tránh, trong lòng nghĩ bất luận sư phụ trách mắng thế nào, đều là phải lẽ cả. Ai ngờ đợi mãi một lúc lâu, sư huynh xung quanh không hé một tiếng, mà Điền Bất Dịch cũng chẳng thốt lời nào, nó lấy làm lạ, len lén ngửng đầu lên nhìn, thì thấy bộ mặt giận dữ của Điền Bất Dịch, không biết từ lúc nào đã biến ra bộ mặt thất vọng, thật ứng với câu nói: Đúng là chết cả cõi lòng! Điền Bất Dịch phất tay áo đứng dậy, lắc đầu, rồi lê cái thân hình béo lùn, chẳng nói chẳng rằng đi về phía hậu điện. Bọn đệ tử liếc nhìn nhau, chẳng hiểu thế là thế nào.

Tống Đại Nhân ở với Điền Bất Dịch lâu nhất, ngấm ngầm đoán biết được những suy nghĩ trong lòng lão ta, hiểu rằng sư phụ đang muốn rũ bỏ tiểu sư đệ này.

Ba tháng nay, Trương Tiểu Phàm ngoài việc tu hành và làm bài tập, những lúc rỗi rãi thì tíu ta tíu tít vui vẻ giúp đỡ người khác, tính tình rất thực thà, mọi người ai cũng quý. Sống trong núi tịch mịch, Điền Linh Nhi xưa nay vốn ngạo túng, đột nhiên ở đâu nảy ra một người bạn vui đùa xấp xỉ tuổi mình, tuy ngoài mặt luôn chỉ trích quát mắng, nhưng trong lòng cũng thấy mấy phần ưa thích.

Tống Đại Nhân chau mày, đi lên trước đỡ Trương Tiểu Phàm dậy, nói: "Tiểu sư đệ, sư phụ chỉ là giận dữ nhất thời thôi, không sao đâu. Chỉ cần đệ tu tập chăm chỉ hơn, sớm muộn gì cũng có lúc lão nhân gia người chấp nhận."

Trương Tiểu Phàm hổ thẹn, gật đầu lia lịa, tự lúc ấy càng ra sức cố gắng.

Mỗi ngày từ sáng sớm nó cùng Điền Linh Nhi lên núi chặt trúc, đệ tử bình thường tu tập Thái Cực Huyền Thanh Đạo sau ba tháng đã có thể chặt gãy được Hắc Tiết Trúc, Trương Tiểu Phàm thì đến hơn nửa năm mới chặt được cây trúc đầu tiên. Có điều mỗi ngày bất kể mưa gió, thân thể nó nhờ rèn luyện mà trở nên khoẻ mạnh, ít nhất lên núi cũng không đến nỗi thở hồng hộc như trâu.

Từ lần đó trở đi, Điền Bất Dịch chẳng nghe chẳng hỏi gì đến Trương Tiểu Phàm nữa, Tống Đại Nhân ban đầu còn xem xét tình hình tu tập của nó, có điều bao lâu trôi qua, tiến cảnh của Trương Tiểu Phàm vẫn chậm chạp đến nỗi không thể nào chậm chạp hơn, cuối cùng Tống Đại Nhân cũng chán nản, không buồn hỏi.

Trương Tiểu Phàm thì chẳng để ý đến chuyện đó, biết mình tư chất không tốt, tuy đôi lúc cũng nghĩ có khi hai loại pháp môn này không thể nào cùng nhau tu luyện đến nơi đến chốn được, nhưng mỗi lần nhắc tới chuyện này, nó đều nhớ lại khuôn mặt và giọng nói của Phổ Trí hoà thượng, trong lòng chợt bừng bừng, bèn kiên trì học tiếp. Tuy luyện tập theo kiểu này gian nan vô cùng, nhưng tính nó cứng cỏi quật cường, vẫn không hề buông xuôi. Nơi nó ở vắng vẻ yên tĩnh, ban ngày tu hành Thái Cực Huyền Thanh Đạo, đêm xuống lại luyện Đại Phạm Bát Nhã, thời gian dài lâu thấm thoắt trôi, chẳng mấy chốc đã ba năm.

Chính vào khoảng thời gian này, Trương Tiểu Phàm cũng lập được một kỷ lục tồi tệ nhất trong Thanh Vân Môn kể từ thời khai sáng: nó đã dùng đủ ba năm, tức là dùng gấp ba số thời gian cho một người bình thường, mới hoàn thành tầng thứ nhất trong Ngọc Thanh Cảnh của Thái Cực Huyền Thanh Đạo, tức là có thể tuỳ ý khống chế khổng khiếu toàn thân, dẫn linh khí trời đất nhập thể vận hành ba mươi sáu huyệt đạo. Nhưng điều mà mọi người không biết là đồng thời trong việc rèn tập Đại Phạm Bát Nhã, nó cũng đã mấp mé ở ngưỡng cửa khống chế nội khí, tạo được một căn cơ vững chắc.

Một buổi tối lúc ăn cơm, khi Trương Tiểu Phàm rụt rè thông báo với mọi người chuyện này, tất thảy đệ tử của Đại Trúc Phong đều há hốc miệng, như nhìn thấy một cây sắt ngàn năm nay nở hoa, rồi liền đó cùng phá lên cười rõ to, Tống Đại Nhân thì ôm lấy Trương Tiểu Phàm giờ đã lớn ra nhiều tung lên không trung, liên tiếp mấy lần liền, rất là vui sướng. Nhưng Điền Bất Dịch ngồi đầu bàn chỉ lạnh lùng nhìn, hừ một tiếng, rồi khẽ chửi: "Đầu đất!"

Trong ba năm đó, Trương Tiểu Phàm đã được mười bốn tuổi, vì mỗi ngày đều đi chặt trúc nên thân hình rất khoẻ mạnh, tuy ít hơn sư tỷ Điền Linh Nhi hai tuổi, nhưng lại cao hơn đến một cái đầu. Điền Linh Nhi thì từ một cô gái nhỏ mười ba tuổi, đã lớn lên thành một thiếu nữ mười sáu, dung mạo thêm diễm lệ, lúc nói cười trông vẻ càng thanh tú. Điền Linh Nhi xưa nay đều cảm thấy sáu vị sư huynh lớn hơn mình nhiều quá, lại bần thần không sức sống, nên thường thích ở cùng với gã sư đệ ngớ ngẩn ngốc nghếch, ba năm qua, tình cảm thân mật vô cùng. Xưa nay lúc nào Điền Linh Nhi cũng chiếm thế thượng phong, Trương Tiểu Phàm cảm thấy sư tỷ quả thật hơn mình quá nhiều, tuy ngày thường hay đùa nghịch chọc phá, nhưng thi thoảng mình bị sư huynh trêu ghẹo, sư tỷ lại là người đầu tiên đứng lên bênh vực, ủng hộ mình.

Trong núi tịch mịch, nhưng cũng thanh tịnh, Trương Tiểu Phàm đã hỏi Điền Bất Dịch và Tống Đại Nhân mấy lần về vụ thảm án thôn Thảo Miếu, nhưng chuyện đó đến nay chẳng còn tìm ra đầu mối, thời gian lâu dần, Trương Tiểu Phàm cũng lần lần bớt sốt sắng.

Sáng sớm hôm ấy, Trương Tiểu Phàm theo lệ thường cầm lấy con dao chặt củi, một thân một mình đi ra khỏi phòng, nhằm hướng hậu sơn mà bước. Điền Linh Nhi từ hai năm nay đã hoàn thành bài tập chặt trúc, không còn đi nữa, vì vậy Trương Tiểu Phàm thường lên núi một mình, có điều lúc nào rỗi, Điền Linh Nhi cũng chạy lên theo chơi đùa với Trương Tiểu Phàm.

Hôm nay Trương Tiểu Phàm chẳng thấy bóng Điền Linh Nhi đâu, nhưng cũng không để ý lắm, cứ thế đi lên núi, thêm một tháng nữa là có thể kết thúc bài tập chặt trúc. Bây giờ mỗi ngày hắn đã chặt được hai cây Hắc Tiết Trúc, nhưng vẫn còn kém xa Điền Linh Nhi, hồi đầu Điền Linh Nhi đã kết thúc rất nhanh, một ngày có thể chặt đến mười mấy cây.

Một tháng trước, cuối cùng hắn cũng đã tu xong tầng thứ nhất trong Ngọc Thanh Cảnh của Thái Cực Huyền Thanh Đạo, kế đó Tống Đại Nhân truyền thụ cho hắn yếu quyết của tầng thứ hai. Hắn tập được một tháng, tuy tầng thứ hai thâm ảo hơn tầng thứ nhất nhiều, nhưng chẳng hiểu tại sao, hắn ngấm ngầm cảm thấy còn dễ dàng hơn.

Chẳng hạn tầng thứ nhất cần khống chế khổng khiếu toàn thân, hắn luyện đủ ba năm mới có được chút thành tựu, nhưng tầng thứ hai yêu cầu "hoá khí vi tinh", tức là biến linh khí trời đất dẫn nhập vào cơ thể thành tinh khí trong kinh mạch. Theo như đại sư huynh nói, bài này khó hơn tầng thứ nhất không chỉ mười lần, nhưng Trương Tiểu Phàm tự thấy là nhẹ nhàng vượt xa tưởng tượng.

Xét đến căn nguyên, chắc có liên quan với bộ "Đại Phạm Bát Nhã", ba năm nay mỗi ngày hắn đều tu tập Đại Phạm Bát Nhã không hề gián đoạn, vận hành nội khí cũng đã hơi có hoả hầu, mà tinh khí thì thuộc nội khí, có căn bản ba năm rồi, tiến cảnh của Trương Tiểu Phàm thành ra cực nhanh.

Chỉ có điều hắn không tin lắm vào bản thân, lúc đầu người xung quanh luyện mất một năm thì hắn luyện mất ba năm, lần này chắc quá nửa là cảm giác sai rồi. Vì vậy hắn cũng chẳng để ý nữa, có điều mỗi ngày vẫn theo đúng giờ giấc tu tập, trước nay cũng chẳng có ai lai vãng làm phiền.

Alex chú:

1. Bát Nhã Tâm Kinh: Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (tiếng Phạn gọi là Prajnaparamitahridaya Sutra) được gọi là Bát Nhã Tâm Kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.

2. Bản dịch tiếng Việt cho phần trích kinh trên:

3. ..tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.

4. Nguồn: Wikipedia

5. Nhất tức 一息: Hơi thở, mũi thở ra hít vào một lượt gọi là "nhất tức"

6. Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm: một câu quan trọng của kinh Kim cương (tên gọi đầy đủ là Kim cương bát nhã ba la mật đa, tiếng Phạn là Vajraprojna - poramita - Sutra, tên kinh có nghĩa là bộ kinh giúp cho người ta phá bỏ mọi phiền não một cách nhanh chóng để đến bờ chính giác, thành Phật). Bộ kinh này vốn được viết bằng tiếng Phạn, Cưu-ma-la-thập (Kumara-jiva), đầu thế kỷ thứ năm sang Trung Quốc mới đem dịch ra tiếng Hán. Câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm được nhiều người đề cập đến, Lục tổ giảng như sau: "Hà kỳ tự tính? Bản tự thanh tịnh. Hà kỳ tự tính? Bản tự sinh diệt. Hà kỳ tự tính? Bản tự cụ túc. Hà kỳ tự tính? Bản vô động dao? Hà kỳ tự tính? Năng sinh vạn pháp. Thức đắc thử tâm, diệu trạm viên tịch, bất nệ phương sở, bản vô sở sinh."

7. Nghĩa là: "Thế nào là tự tính? Vốn tự nó thanh tịnh. Thế nào là tự tính? Vốn nó tự sinh ra và mất đi. Thế nào là tự tính? Vốn tự nó đầy đủ. Thế nào là tự tính? Vốn nó không lay động. Thế nào là tự tính? Nó có thể sinh muôn vạn sự vật. Phải hiểu cái tâm ấy kỳ diệu sâu sắc, tròn vẹn lặng lẽ, không lệ thuộc vào nơi chốn, không từ đâu sinh ra. "

8. Câu này muốn khuyên người học đạo phải hiểu được vạn vật là không, cái tâm là kỳ diệu, tự đầy đủ, trong sáng, trường tồn bất biến, không bị lệ thuộc vào một sự vật, nơi chốn nào.

9. Hành 行: tư duy; Thức 識: ý thức

Mục lục
Ngày đăng: 19/02/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Mục lục