Gửi bài:

Phần 3 - G

Tôi đến bến tàu vào lúc hai giờ sáng. Người đông như một tổ ong. Tôi quay sang lối bên và chen vào làn đường tàu tốc hành Bắc Kinh. Tôi nhìn hết toa nọ đến toa kia rồi thấy anh ở toa số 24. Giám sát ủy viên đứng giữa hai con người quen thuộc mặc đồng phục cảnh vệ. Anh không ngừng nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi lại gần con tàu. Nhưng tôi không vẫy tay như mọi người khác. Rồi anh trông thấy tôi, mặc dầu mặt anh vẫn không để lộ biểu hiện nào. Anh không làm một cử động nào để nói lời tạm biệt với tôi. Anh không thể, anh quá quan trọng. Chúng tôi chăm chăm nhìn nhau. Rồi tàu chuyển bánh. Hai người kia đặt một chiếc áo ăn màu trắng có thêu trước mặt anh. Một nữ nhân viên phục vụ mang tới một ca trà mới pha. Tôi cố mỉm cười với anh. Anh cũng cố mỉm cười trở lại, nhưng một trong hai người cảnh vệ đã đứng lên và kéo rèm cửa xuống.

Bộ phim hầu như đã hoàn thành bất ngờ bị đình chỉ. Nghe nói đồng chí Giang Thanh có những vấn đề với việc phân vai. Chúng tôi được Ban Văn hóa Quốc gia gửi cho hàng đống tài liệu để đọc về đường lối của Đảng về văn nghệ. Chúng tôi đến xưởng phim lúc tám giờ sáng, qua tài liệu đó tự đối chiếu kiểm tra bản thân, phát hiện quan điểm sai lầm của người khác và đem ra phê phán. Các cuộc họp như thế kéo dài đến năm giờ chiều. Một điếu thuốc lá, một tách trà, một cuộc chiến môi răng đã trở thành kiểu sống mới của quốc gia.

Thêm vào việc lau chùi, tôi được lệnh rót đầy những phích nước sôi ở cơ quan, sao cho những băng ghi âm lời thoại của từng người và trao những băng ấy cho Đảng bộ xưởng phim. Tôi mới chỉ phải làm thư ký trường quay được vài tháng nhưng sự trống rỗng trong tôi đã trở thành không thể chịu đựng nổi. Tôi cảm thấy như một khối u mỗi ngày một to dần. Sau mỗi ngày trôi qua, đêm đêm nằm ngủ trên giường, tôi thường cảm thấy khối u đó lan rộng ra.

Tôi chẳng hề nói gì về Giám sát ủy viên, nhưng đi tới bất kỳ chỗ nào trong xưởng phim, tôi đều thấy bóng hình anh và nghe thấy giọng nói của anh. Cây ngô đồng trao lại linh hồn anh. Kỷ niệm về cái đêm hôm anh ra đi tối tối lại bám diết lấy tôi. Đơn côi trong sự trống rỗng, thân thể tôi nằm dài hy vọng tỏng một cánh đồng thèm khát, như một con chim bị ghim chặt đôi cánh.

Tôi nhớ Nghiêm, dẫu chị chẳng bao giờ trả lời những bức thư của tôi. Chúng tôi chẳng bao giờ nói về chuyện riêng của chúng tôi. Chúng tôi chẳng bao giờ dám thừa nhận bản thân với nhau rằng đó chính là tình yêu mà chúng tôi đã từng chia sẻ với nhau. Thay vì việc đó, chúng tôi chia sẻ sự ngượng ngùng và tội lỗi. Chúng tôi trao cho nhau nỗi hổ nhục xấu xa. Tôi chẳng bao giờ nghĩ chị thuộc về tôi, cho tới lúc tôi thây Báo chung đụng với chị. Chỉ lúc ấy tôi mới nhận ra nỗi nhục của mình. Bởi chỉ đến lúc ấy tôi mới mong được yêu đến vô cùng.

Nghiêm làm chuyện đó như thể chị đã ruồng rẫy tôi. Nó giống như những gì chúng tôi đã làm với những mầm mạ non vào đầu mùa xuân, bứt những bó rễ giao nhau, xé tách chúng ra để đảm bảo sự trưởng thành của mỗi cá thể trong tương lai. Hầu hết những mầm mạ đều sống còn, những một vài bị chết trong quá trình tiến triển. Khi tôi bóc tách những bó rễ ấy bằng chính đôi bàn tay tôi, tôi lắng nghe tiếng nước mắt rơi và không hiểu những chiếc rễ ấy có cảm thấy đau đớn không. Nghiêm không bao giờ lắng nghe điều đó. Chị làm những gì chị cho là cần thiết chẳng một chút cau mày. Chị tàn nhẫn. Chị phải là chính bản thân chị. Chị quăng tôi đi để cứu tôi. Chị gửi tôi đi xa để có được tôi nhớ nhung chị. Và tôi đã nhớ nhung. Nghiêm đã trở thành một phần của đời tôi. Tôi biết điều đó khi tôi chung đụng với Giám sát ủy viên. Quan hệ của tôi với Giám sát ủy viên dẫu nó xảy ra hoàn toàn bất ngờ, vẫn lô gích, nó vẫn nằm trong vương quốc mong chờ. Sự khác biệt là ở chỗ, hơi lạ lùng, tôi nhận thức được rõ từng bước tôi dịch chuyển lại với Giám sát ủy viên. Nếu việc tôi chia sẻ với Nghiêm là tình yêu thì việc tôi chia sẻ với Giám sát ủy viên lại là tham vọng, tham vọng vượt lên chính bản thân mình, thời đại mình, để vượt lên trên trí não ươn thiu của chúng tôi.

Giám sát ủy viên bỏ đi không một lời hứa hẹn. Nhưng lòng háo hức để vượt trội làm cho tôi chẳng ham muốn một cái gì ngoài sự bất khả. Tôi không thoát nổi trả giá cho việc đó. Tôi đã trở thành mẹ tôi. Giống như mẹ tôi, tôi đã sống trong ước mơ về một thế giới tôi hằng tin tưởng. Tôi nóng lòng mong Giám sát ủy viên quay trở lại. Tôi nóng lòng mong giờ phút anh có mặt. Sự nóng lòng vô tận, lẻ loi, cay đắng, mù mịt, tuy vậy rất mực mãnh liệt.

Xung Kích trở nên rất ốm yếu. Nghe nói những lời bình luận của đồng chí Giang Thanh về việc phân vai là một mối đe dọa với tương lai của cô. Đồng chí Giang Thanh kiểm tra bản quay thô và bình luận: "Tất cả những gì không phải là vàng đều lấp lánh", ý bà nói chẳng thấy tài năng thực thụ nào trong những đoạn trích này. Câu nói được in trên một tài liệu làm đầu đề chữ đỏ, được đọc trong các cuộc họp ở xưởng phim. Xung Kích tới cầu xin Thanh Vũ và Xô Viết Hồng giúp đỡ, nước mắt ròng ròng. Nhưng họ không nói gì, không một lời. Bác bảo vệ Nhất Thốn bảo tôi:

- Có người muốn nói chuyện với cô.

Thanh Vũ và Xô Viết Hồng đang kiểm tra lại lý lịch với Bắc Kinh để khẳng định tin đó.

Tên ai? Ai được gọi? Tôi nghe rõ từng lời ông nói những vẫn cứ hỏi, tim đập loạn xạ. Phải mất tới một lúc, tôi như bị điếc đặc như thể hàng tràng pháo nổ bên tai tôi. Buổi chiều, tôi được gọi đến văn phòng của các thủ trưởng xưởng phim. Ngồi trước chiếc bàn bằng gỗ khổng lồ, tôi được Thanh Vũ cho biết, tôi đã được cấp trên ở Bắc Kinh lựa chọn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng, quay thử vai Đỗ Quyên Đỏ. Xô Viết Hồng ngồi gần Thanh Vũ, đôi mắt đầy lòng đố kỵ, bà hỏi:

- Cô quen ai đó ở Bắc Kinh hả? - Giọng bà đầy vẻ nghi ngờ.

Tôi vừa lắc đầu xong bà đã hỏi:

- Cô phải nói sự thực, không gì cả, mà sự thực thôi.

Tôi đáp:

- Đảng cần là trên hết, và em có thể vẫn làm thư ký dựng phim, nếu Đảng cần em như vậy.

- Đạo đức giả - Xô Viết Hồng quát vào mặt tôi.

Lạ thay, Xô Viết Hồng làm như vậy tôi lại khoái. Tôi nhẹ nhàng bảo:

- Tại sao em lại phải là một kẻ đạo đức giả nhỉ?

Xô Viết Hồng nói một cách kiên quyết với Thanh Vũ:

- Không, chúng ta không thể cho cô ta đi! Chúng ta phải có trách nhiệm với cấp trên. Linh tính mách bảo tôi, cô ta đã sa đọa một cách nghiêm trọng, như một hòn đá trong đống phân - nặng mùi và cứng cổ. Phải có một người đàn ông, một loại người tình nào đó đứng sau bức màn! Cần thiết phải gia cường con đê trước khi nước lũ!

Thanh Vũ bác ý kiến của Xô Viết Hồng:

- Cô gái này không bị nhiễm khuẩn gì, chúng ta đã để bác sĩ kiểm tra cô ta, nhớ chứ? Tôi không nghĩ cô ta có một người tình ma mãnh nào đó đứng sau bức màn. Cô ta là một mảnh đất nguyên hoang. Cô ta là một cục ********** táo nhỏ, tôi đồng ý, nhưng có thể, mà ai biết được, chính đó lại là điều cấp trên thích cô ta. Chủ tịch của chúng ta thường luôn ca ngợi tinh thần nổi loạn. Cấp trên thường luôn nói họ thích lũ trẻ ranh mang trong mình phong cách nổi dậy. Ai mà biết được?

Xô Viết Hồng hét vào mặt Thanh Vũ:

- Đồng chí không muốn điều tra về cô ta chẳng qua vì ngại liên lụy, đồng chí vô trách nhiệm với Đảng. Đồng chí không có lấy nổi một nguyên tắc ư?

Thanh Vũ ngồi xuống chiếc ghế dựa của mình chậm dãi nói:

- "Luôn nói vâng với Đảng" là nguyên tắc của tôi.

Tôi không biết mình được mang đi đâu, tôi chỉ biết tôi đang ở Bắc Kinh.

Tôi đã được mang đi trên những chiếc xe sang trọng khác nhau. tôi chưa từng được ngồi xe con, tuy vậy ngồi trên xe cũng chẳng làm tôi cảm thấy bối rối. Tất cả những người lái xe đều đi găng tay nilon trắng. họ không bao giờ trả lời khi tôi hỏi phương hướng. Tôi đoán họ không được phép. Khi họ nói: "Xin mời", giọng họ nặng tiếng miền Bắc, chắc hẳn họ đều là con cái của nông dân. Họ mang vẻ thật thà và nhẫn nại như đá tạc.

Tôi mặc bộ quân phục của Nghiêm, bộ quân phục đã giặt bạc trắng.

Tôi mặc bộ đó có thể vì lo sợ cũng có thể vì tự hào. Tri giác bảo tôi được cấp trên ở Bắc Kinh lựa chọn, phải đo Giám sát ủy viên. Tung tích bí mật của anh kích thích tôi, đồng thời làm cho tôi sợ hãi. Tôi không thích sự thật làm tôi bị anh ám ảnh, bởi vì tôi ngửi thấy mùi hiểm họa trong anh. Chúng tôi ở những địa vị khác xa nhau. Tôi thấy rõ chiếc bùa mê anh đã quăng cho tôi. Tôi quyết định nếu gặp lại anh tôi sẽ bẻ gẫy cái bùa mê ấy. Tôi lo cho bản thân tôi. Và tôi biết tôi phải như vậy. Tôi đã hai mươi. Tôi có lòng dũng cảm.

Đôi găng tay nilon trắng dẫn tôi ra khỏi xe. Xung quanh tôi là một vườn hoa mẫu đơn được bảo quản bằng một cánh rừng. Một nơi kỳ thú làm sao! Dòng nước dưới chân tôi róc rách qua những mỏm đá. Một con đường phong quang xuyên những cụm mẫu đơn hồng dẫn tới ngọn đồi xanh biếc. Người lái xe bảo tôi cứ theo con đường này và anh ta quay trở lại với chiếc xe. Chiếc xe vụt khỏi như một bóng chim. Những cánh đồng cỏ trải ra tận chân trời lúc tà dương. Một làn gió nhẹ làm cánh đồng rung động. Mây bơi trên mặt sông sáng như gương. Bước chân tôi lâng lâng như thể tôi đang cưỡi gió. Dẫu cho mẫu đơn nghiêng ngả chào đón tôi thật là thú vị, sự lộng lẫy của hoa vẫn nhắc tôi về địa vị xã hội của chủ nhân chúng. Tôi bỗng nhớ tới mệnh lệnh đầu tiên của Nghiêm khi tôi mới bước chân tới nông trường Lửa Đỏ. Hãy hành động như một người lính. Tôi buộc tôi phải làm như thế.

Một lâu đài cũ hiện ra, phủ kín dây thường xuân và những loài hoa sắc màu rực rỡ. Có một chiếc cửa ra vào hẹp và tối. Tôi dừng chân trước cửa. Một người đàn ông mặc quân phục màu xanh lục, đeo găng tay trắng mở cửa cho tôi. Anh ta mỉm cười lặng lẽ với tôi và dẫn tôi đi vào hành lang. Lại có một người đàn ông khác trong hành lang trước khi tôi bước vào, nhưng thoạt tiên tôi chẳng nhận ra anh ta, bởi anh ta đứng bất động ngay lối cửa như một đồ nội thất. Cũng như người đàn ông đầu tiên, anh ta có nụ cười đã được huấn luyện kỹ. Anh ta ra hiệu cho tôi tới một phòng trà trong đó một dãy anh đen trắng được trưng bày. Tôi được mời ngồi trên một chiếc ghế sô-pha, ngồi đó có thể nhìn bao quát cả khu vườn. Người đàn ông trẻ rời phòng không một tiếng động chân. Lại một bộ mặt vui vẻ của người đàn ông trẻ khác hiện ra với một chiếc khay trắng. Lại nụ cười được huấn luyện. Anh ta mời tôi dùng một chiếc khăn ướt nóng. Anh ta bỏ đi đúng lúc chàng trai thứ tư có bộ mặt vui vẻ bước vào phòng và đặt một tách trà thơm ngọt ngào ngay trước mặt tôi. Lại vẫn nụ cười được huấn luyện. Những bước chân được huấn luyện. Vẫn đôi găng tay trắng, vẫn chiếc cằm nhẵn thín. Miệng tươi như hoa. Dáng điệu như đá tạc. Họ vào ra như cá lượn trong rong biển.

Vừa nhấp trà, tôi vừa nhìn những tấm ảnh. Hầu hết là chủ đề hoa và phần lớn là hoa mẫu đơn. Mẫu đơn trong sương mù, trong mưa, lúc rạng đông, lúc chiều tà, dưới ánh trăng và trong bóng tối. Mẫu đơn trong tuyết, trắng xóa. Mẫu đơn tàn héo được chụp một cách đắm say. Nó làm tôi xúc động và trong giây lát tôi quên mình đang ở đâu. Lúc nhìn cẩn thận, tôi mới thấy những tấm ảnh đó không thực sự là ảnh đen trắng. Chúng được tô màu bằng tay, một màu nâu nhạt. Màu của những cánh hoa hé nở được tô tinh tế. Tôi xúc động vì nghệ sĩ đã dốc cạn sức mình vào những tấm ảnh đó.

Từ phòng một trà có chiếc cầu cong cong dẫn ra vườn cây. Một vệt sáng lòa phơi ra mọi vật bên ngoài. Tôi nghe thấy một tiếng tách bấm máy ảnh. Tôi nghe thấy một giọng nói thân quen. Đó là giọng nói tôi hằng mong đợi, nhưng nó vẫn cứ làm tôi choáng váng.

- Khá lâu rồi, phải không em?

Giọng nói làm tôi run lên ở trong lòng như trước đây. Tôi muốn nói điều gì đó, nhưng lưỡi tôi cứng lại.

- Lại đây xem vườn của anh - Giọng nói đó cất lên.

Giám sát ủy viên trong chiếc áo khoác sợi bông bạc trắng, quần màu xanh cỏ và dép rơm màu xanh sẫm. Đôi tay ẻo lả như cánh tay thiếu nữ khoanh trước ngực. Anh quay lại nhìn tận nhụy một bông hoa mẫu đơn. Anh đang tập trung vào bông hoa. Thứ nước hoa anh xức thu hút tôi về phía anh. Niềm vui sướng lại được gặp anh như lôi cuốn tôi đi. Bộ tóc cắt ngắn đen nhánh chải mượt về phía sau. Anh đã chuyển tới một cây mẫu đơn khác. Vẻ tao nhã của anh làm tôi ngạt thở bởi sự thèm khát được xiết chặt vào người anh. Lúc các ngón tay anh ve vuốt những cánh hoa mẫu đơn, toàn thân tôi run lên, nhớ lại cách anh vuốt ve tôi.

Tôi không thich sự thèm khát trong tôi, bởi nó làm tôi yếu đuối trước mặt anh. Anh cúi người quan sát một bông hoa cụm lại. Bằng kiểu nói không bằng lời đó, anh hoàn toàn hấp dẫn sự chú ý của tôi. Tôi căm ghét trò ma giáo đó của anh những lại muốn bị cám dỗ quá chừng.

- Em không có một lời nhận xét nào về những tấm ảnh đó hay sao? - Anh hỏi.

Tôi buột miệng:

- Tất cả do anh chụp ư?

Anh nói:

- Không ai khác sống ở đây. Những tấm ảnh đó đều chụp trong vườn này.

Những chàng trai có bộ mặt vui vẻ vẫn bơi ra lượn vào. Tôi cảm thấy mình bị theo dõi.

- Đầu óc họ đều được luyện bằng kim loại - Giám sát ủy viên nói, chỉ tay vào phía sau lưng những bộ mặt vui vẻ - Họ đều có một trái tim vuông giống như người máy. Họ không biết gì về rung động như em đâu. Em đã được trải nghiệm. Người yêu của em thế nào? Tên cô ấy là gì nhỉ? Ồ, không, em đừng trả lời. Anh đổi ý rồi.

Cung cách Giám sát ủy viên đọc hết bụng tôi làm tôi hoang mang. Tôi hỏi lý do tôi được gọi tới đây. Anh nói:

- Anh cần em. Em được mời cho một thử nghiệm quan trọng về điện ảnh, một thử nghiệm sẽ làm thay đổi một vài ý tưởng cơ bản về những người dân quê của cra.

Ca trà trên tay tôi suýt rơi.

- Em đóng vai Đỗ Quyên Đỏ ư? - Tôi hỏi mà lại sợ bất kỳ câu trả lời nào quá chừng.

- Đúng thế đó - Anh gật đầu - Nhưng hãy nhớ em sẽ làm anh hạnh phúc hơn nhiều nếu em đừng hỏi anh câu gì. Em chuẩn bị đóng vai Đỗ Quyên Đỏ như thế nào rồi?

Anh vừa hỏi vừa dẫn tôi đi qua vườn hoa vào một chiếc sân nhỏ. Chúng tôi vào một căn phòng. Tôi nhìn thấy một chiếc màn ảnh treo từ trên trần nhà xuống. Căn phòng có những bức tường quét sơn màu tối, đắp nổi những chùm hoa mẫu đơn. Bốn chùm đèn hình hoa gắn ở bốn góc tường. Có hai chiếc ghế sô-pha lớn màu vàng trước màn ảnh. Giám sát ủy viên chỉ tôi ngồi xuống ghế sô-pha.

Anh nói:

- Anh đôi khi vẫn ngủ ở đây vào lúc đêm đã quá khuya và bóng tối làm anh lạnh lẽo. Và anh trở thành người buồn nhất trên toàn thế giới này sau mỗi bộ phim được ưa thích của anh. Anh tự ru mình trên ghế sô-pha và để mặc nước mắt trào ra như một đứa trẻ. Chẳng phải người ta chẳng còn muốn đi đâu nữa khi cảm thấy mình yếu đuối hay sao?

Một cái bóng lướt qua màn ảnh. Tôi quay lại và thấy một chiếc máy chiếu trong tường. Tôi nói:

- Vậy đây là phòng chiếu phim?

Giám sát ủy viên bảo:

- Đây là cái màn ảnh trên đó lịch sử được trình diễn, và tái trình diễn - Anh thêm - Đó là tất cả những gì trong ý nguyện của chúng ta.

Trà thơm được anh chàng có bộ mặt vui vẻ lặng lẽ phục vụ. Giám sát ủy viên vừa nhấp trà vừa chăm chú nhìn tôi.

- Anh thích khuôn mặt em được bắt sáng như lúc này. Đừng động đậy. Ồ tuyệt đẹp - Hai tay anh xoa nhẹ mặt tôi - Bộ mặt em chứa đựng phẩm chất anh hùng, cái mà anh hằng tìm kiếm. Nhìn em, anh vui đến quá chừng. Em có hài lòng khi anh nói vậy không? Hãy biểu hiện những cảm nhận của em như những người khác đi. Sự im lặng của em làm anh giận đấy. Vậy hãy thôi đi. Anh không thích bị bối rối. Anh quan sát thấy em thường không cười trong khi những cô gái ngớ ngẩn thì cười phá. Điều đó gây ấn tượng với anh, dẫu anh chưa hoàn toàn quen với tính cách của em. Phẩm chất của em là bẩm sinh. Điều đó thật hiếm hoi. Việc lau chùi sàn nhà làm em học tập được nhiều. Rất khớp với ngạn ngữ: "Trong cay đắng hãy nuốt điều cay đắng nhất, nó sẽ làm cho điều đó thành điều tốt đẹp nhất trong tốt đẹp".
° ° °
Anh kể cho tôi nghe câu chuyện Đỗ Quyên Đỏ như thể là cuộc đời riêng của chính anh vậy. Đỗ Quyên Đỏ là một lãnh tụ Hồng quân, là một nữ thánh đỏ được tất cả yêu mến và khâm phục. Đó là câu chuyện về một cuộc trường chinh thần thánh, về lòng tin không gì lay chuyển được về chủ nghĩa cộng sản, về sự tôn sùng ông Mao, về ý chí lạ thường chiến thắng quân thù, về tài nghệ quân sự vô song trong việc điều khiển những trận đánh muôn đời ghi nhớ.

Câu chuyện chẳng hấp dẫn tôi mấy như con người đang trò chuyện trước mặt tôi. Anh là một bông mẫu đơn đang hé nở. Một bông hoa mẫu đơn được tô màu bằng tay như một trong những bông hoa trong những tấm ảnh của anh. Đôi mắt hạnh nhân vẫn rực sáng như mọi khi. Nước da mịn màng như men sứ nói lên đầy đủ sự tao nhã của anh. Anh là một người đàn ông và một người đàn bà. Câu chuyện của anh là một thứ rượu ngọt tồi. Nó rót vào họng tôi làm tôi say bốc nóng.

Anh nói:

- Chính vì vậy mà anh muốn nhìn vào trong đôi mắt em. Anh nhìn thấy trong đó hàng triệu con bò đực từ đỉnh đồi ầm ầm lao xuống với những chiếc đuôi bắt lửa.

Anh vẫy tay ra hiệu.

Căn phòng tối lại. Anh nói vào tai tôi:

- Anh muốn cho em xem một trong những bộ phim anh ưa thích nhất.

Tôi hỏi phim tên là gì? Đó là phim The battle oph Anướcient Rome (Trận chiến ở thành cổ La Mã). Tôi bảo tôi không hiểu ngoại ngữ. Anh nói, vì lẽ đó, anh phải ngồi cạnh tôi. Anh muốn là người phiên dịch cho tôi.

Phim bắt đấu chạy. Người chiếu phim điều chỉnh ống kính. Hình ảnh mờ mờ đi vào tiêu điểm. Ống kính tròn khởi động trông như một con mắt khổng lồ đang do thám tôi từ phía sau. Khuôn mặt Giám sát ủy viên chỉ cách xa tôi gang tấc. Tôi ngửi thấy mùi nước hoa của anh. Anh bắt đầu phiên dịch. Giọng nói của anh nhắc nhở tôi nghĩ đến những bụi cây rung mình trong gió.

Tiếng nói Giám sát ủy viên trộn lẫn với tiếng lồng trong phim. Khi anh phiên dịch tới phần cuối của phim, giọng anh tràn ngập một nỗi buồn. Bộ phim nói về sự sụp đổ của một đế chế và một nữ hoàng phải tự vẫn. Nhạc phim mộc mạc một cách bi thảm. Tôi thấy đôi mắt rực sáng của anh long lanh nước mắt. Nước mắt từ từ chảy xuống hai má như một chuỗi ngọc trai đứt. Anh phiên dịch đứt đoạn dần và thở gấp. Anh dừng lại, không tiếp tục nổi nữa trong lúc phim còn đang chạy trên màn hình.

° ° °
Tôi được nhận một tài liệu chữ đỏ ngoài bìa "chỉ thị tối mật". Đó là lệnh của Giám sát ủy viên. Tôi được lệnh đi xem một vở chuyển thể Đỗ Quyên Đỏ của một gánh hát địa phương đã từng diễn Đỗ Quyên Đỏ nhiều năm. Gánh hát diễn tập không cho biết ngày diễn chính thức. Nghệ sĩ sắm vai Đỗ Quyên Đỏ thấp hơn tôi khoảng bảy phân, và không muốn trò chuyện với tôi. Hình như toàn bộ nhân viên gánh hát đều biết ai cử tôi tới. Đằng sau sự lịch thiệp của họ là sự xa cách và cảm giác lạnh nhạt.

Mỗi buổi sáng vào lúc tám giờ, các diễn viên lại đọc to theo trí nhớ của mình. Vở diễn chẳng có chút nội lực nào. Nữ diễn viên mang theo đồ đan móc, nam diễn viên đốt hàng gói thuốc lá. Lúc ăn cơm trưa, tôi hỏi một người trong đoàn tại sao mọi việc hình như quá chậm chạp. Anh ta hỏi liệu tôi có cho phép anh được thoát khỏi Đỗ Quyên Đỏ đến một giây thôi không. Tôi bối rối vì thái độ của anh. Anh gật gật với tôi rồi yêu cầu tôi nghe anh vặn radio. Anh vặn tiến vặn lùi chuyển băng dò mỗi đài. Vẫn kinh kịch, kinh kịch rồi lại kinh kịch. Những vở kịch chúng tôi đã thuộc lòng hàng bao năm rồi. Trẻ con ngoài phố hát nối theo. Người đàn ông vừa nói vừa mỉm cười cay đắng.

- Kinh kịch cách mạng là thứ để chúng ta hít thở - Anh ta nhổ xuống đất và lấy tay quệt mũi.

Tôi quay đi. Anh ta uể oải nói:

- Thứ lỗi cho tôi.

Rồi anh ta chuồn, đánh một giấc ngủ trưa, để mặc cho radio nheo nhéo. Từ anh ta toát ra cả một nỗi buồn.

Tôi không bị kinh kịch làm buồn nản, càng không hề buồn nản với Đỗ Quyên Đỏ. Tôi đã trả giá ở nông trường Lửa Đỏ để đóng vai này. Nghiêm và hàng triệu thanh niên vẫn đang chống chọi với đ*********. Chỉ mới nghĩ tới đấy, một sự ớn lạnh đã xuyên qua người tôi. Từ lâu tôi đã không còn quan tâm tới việc liệu những người khác có thích thú những nhân vật nữ anh hùng của đồng chí Giang Thanh nữa hay không. Đỗ Quyên Đỏ đã trở thành cuộc đời của tôi.

Sáng nay, tôi mang theo một bộ mặt sùng kính. Tôi bước vào phòng diễn tập một cách lịch sự và khiêm tốn ngồi xuống. Buổi trưa tôi ăn một bát cơm bên trên có mấy miếng rau ôi chua. Tôi phải nghiên cứu tính cách nhân vật. Tôi đọc đi đọc lai các câu chữ cho tới khi tôi có thể đọc thuộc lòng, Tôi tiếp tục chờ đợi.

Giám sát ủy viên triệu tập tôi. Anh triệu tập tôi và gửi kèm cho tôi một bộ quân phục mới. Anh muốn tôi mặc nó. Lúc chiều tà tôi đến với anh trong bộ trang phục mới. Anh mỉm cười. Anh là một bông mẫu đơn. Anh cũng mặc quân phục. Một lọn tóc dài trễ xuống mặt anh. Anh đón tôi từ ngoài cổng và ngỏ ý muốn chúng tôi dạo bộ lâu lâu trong khu vườn của anh. Chúng tôi chìm mình vào màu xanh đi trong công viên mẫu đơn. Chúng tôi đến một chiếc thuyền bằng đá bên cạnh chiếc hồ. Anh kể cho tôi nghe huyền thoại về chiếc thuyền đá. Đó là món quà của người con trai tặng mẹ mình. Người con trai là một hoàng đế. Ông hỏi mẹ mình thích thứ gì vào dịp sinh nhật thứ chín mươi. Người mẹ bào bà thuờng vẫn luôn say mê cưỡi thuyền nhưng lại sợ nước. Người mẹ tha hồ ngồi thuyền hưởng những bữa tiệc sinh nhật và câu chuyện đó đã lan truyền khắp đất nước như tấm gương về lòng hiếu thảo.

Chúng tôi ngồi trên thuyền đá. Tôi ngắm nhìn mặt nước phản chiếu long lanh.

- Em nên nghĩ về bức tranh rộng lớn. Giám sát ủy viên cắt đứt những suy nghĩ lan man của tôi - Cuộc đời của một anh hùng thực thụ giống như một diễn viên nhào lộn nhảy múa trên dây. Em chuẩn bị thế nào cũng chẳng bao giờ đủ đâu.

Mặt trời xuống và bầu trời trông như một chiếc quạt vàng. Những đám mây hồng như thể vẽ bằng mực và nước làm rực rỡ và nhuộm hồng bầu trời. Anh đứng dậy bước về phía đầu thuyền và nói:

- Chúng tôi là những bàn tay đáng lẽ phải đang viết lịch sử.

Anh đăm đăm nhìn xuống mặt nước. Mặt nước chuyển từ xanh sẫm sang tối đen.

- Anh không sợ nước.

Anh vừa nói vừa ngửa mặt nhìn xa xăm lên bầu trời. Tôi nhìn vào cái nhìn xa xăm đó. Tôi thấy nhiệt tâm thuần khiết. Cái nhìn xa xăm đó làm ngưng đọng sương mù buổi tối thành những giọt sương đêm. Anh yêu cầu tôi vứt bỏ cái tôi xưa cũ đi để sống cho xứng đáng với những kỳ vọng của Đảng. Ông Mao yêu cầu nhân dân mình hãy quên hoàn toàn cái tôi đi. Anh bảo rằng hy sinh đời mình cho lý tưởng của nhân dân chính là trải rộng cuộc đời mình. Anh bảo anh muốn tôi hãy giết chết con quỷ trong tôi đi. Anh nói:

- Con quỷ đó đã làm em đầu hàng nhu cầu rung động của em.

Anh yêu cầu tôi quên đi cái tôi bé nhỏ của mình. Anh bảo anh được yêu cầu thực hiện một sự ủy thác toàn quyền. Giọng anh thành kính làm tôi hoang mang. Tôi không thể hiểu nổi anh đang nói về cái gì nữa. Mặc dầu anh yêu tôi, và đặc biệt yêu tôi về sự độc lập trong tư tưởng của tôi, anh lại muốn hy sinh cái tôi xưa cũ của tôi cho tham vọng của anh - và của tôi - cho cuốn phim.

Anh yêu cầu tôi vui lòng đừng làm anh thất vọng. Anh bảo anh phụ thuộc rất nhiều vào tôi, không có tôi, nhiệm vụ của anh không thể hoàn thành. Anh nói anh chưa bao giờ học cách chấp nhận bị đào thải dễ dàng.

Anh yêu cầu tôi phải đề phòng. Suốt cuộc đời anh được dạy dỗ căm ghét tính cách cá nhân, ngay cả trong lúc anh bị lôi cuốn vào điều đó. Anh yêu cầu tôi hãy giữ anh tránh trở thành mối tai họa cho tôi, bởi vì bất kể anh yêu tôi biết mấy anh cũng không để tôi phải chịu trách nhiệm trên con đường tới những ước mơ của anh. Anh sẽ thay thế tôi nếu anh phải như vậy. Anh yêu cầu tôi hãy vâng lời anh, bởi vâng theo lời anh chính là vâng theo những tham vọng của riêng tôi. Bởi vì giờ đây anh và tôi không thể chia cắt nữa rồi.

Giám sát ủy viên đem tôi trở lại Thượng Hải. Anh bảo anh sẽ gặp quá nhiều khó khăn trong việc làm phim Đỗ Quyên Đỏ ở Bắc Kinh. Có một xu hướng chính trị đang chống lại anh, chống lại người cầm cờ vĩ đại, đồng chí Giang Thanh. Anh bảo Thượng Hải là địa điểm tốt hơn. Ở Thượng Hải, những vở kinh kịch của đồng chí Giang Thanh là món ăn tinh thần hàng ngày. Radio khắp các khu vực lân cận đều mở kinh kịch. Phân xưởng cơ khí Wu-lee phía dưới mở radio suốt ngày. Hầu hết các phụ nữ đều vừa hàn dây thép vừa hát cùng nhau theo radio.

Cuộc khởi nghĩa sau mùa gặt là một cơn bão tố dữ dội

Ngọn hải đăng tỏa sáng

Tỏa sáng trái tim tôi

Nó làm tôi hiểu được

Muốn giải phóng tổ quốc ta, chúng ta phải dựa vào vũ khí

Con đường duy nhất để mưu cầu cuộc đời tốt đẹp

Là gia nhập Đảng và Hồng quân.

Trên chuyến bay, anh bảo tôi rằng một ngày nào đó, tôi sẽ nhớ tới anh là một thiên tài.

Tôi sống trong nhà khách của xưởng phim trong khi quay. Và vài ngày lại được phép về thăm cha mẹ tôi một lần. Tôi mê mẩn với bộ trang phục của tôi, bộ quân phục Hồng quân với chiếc áo măng tô, vì vậy cứ hễ về thăm nhà là tôi lại mặc. Khi tôi dạo bước qua các lối ngõ, tôi biết những người láng giềng đều từ cửa sổ nhìn tôi, Giờ đây họ không dám nói chuyện cùng tôi. Tôi đã trở nên quá vĩ đại.

Khi chúng tôi qua lại thăm nhau, họ thường nói bằng một giọng nịnh bợ: "Ồ, từ lâu chúng tôi đã biết một ngày nào đó cô sẽ trở thành một người như thế này rồi. Chúng tôi biết ngay từ lúc cô chuyển tới tiểu khu này mà".

Tôi nghĩ rằng mình chẳng thể nói gì bởi vì tôi vẫn còn nhớ những ngày họ gọi tôi là "bọ chét".

Tôi nói chuyện với Tiểu Quan khi gặp cô về thăm gia đình. Cô đã trở thành công nhân xí nghiệp, đã cưới một đồng nghiệp và đã chuyển đi nơi khác. Tiểu Quan không bao giờ nịnh bợ tôi. Cô chỉ nhìn tôi một cách khâm phục. Tôi biết cô tự hào về tôi và tôi bảo cô:

- Mình sẽ làm cho cậu tự hào hơn nữa.

Ngày đăng: 11/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?