Gửi bài:

Phần 2 - D

Chị chơi "Đua ngựa", "Hồng quân anh em trở về" và cuối cùng lại "Lương và Chúc".

Chúng tôi chuyện trò, cuộc trò chuyện trước đó tôi chưa hề có. Chúng tôi kể cho nhau nghe cuộc đời của mỗi người. Nhiệt tình tâm sự đời mình khiến chúng tôi lấn cả lời nhau.

Chị nói cha mẹ chị là công nhân dệt. Mẹ chị được tôn vinh như một bà mẹ vinh quang trong những năm năm mươi vì đã sản sinh được chín đứa con. Nghiêm là con thứ tám. Gia đình chị sống ở quận Trường An, Thượng Hải, ở đấy họ được chia một phòng của ngôi nhà gỗ và một cái giếng chung nhau với hai mươi gia đình khác. Họ không có nhà vệ sinh, chỉ có chiếc ghế khoét thủng. Trách nhiệm của chị là sáng sáng đêm rửa chiếc ghế thủng này ở máng nước thải công cộng. Tôi bảo chị tôi sống trong những điều kiện tốt hơn. Chúng tôi có một phòng vệ sinh dù phải dùng chung với những gia đình khác mười bốn nhân khẩu. Chị nói:

- Ồ phải, chị có thể hình dung ra chuyến đi sáng sớm của em.

Chúng tôi cười.

Tôi hỏi chị học chơi hồ cầm ở đâu. Chị nói cha mẹ chị rất mê nhạc dân gian. Truyền thống gia đình chị là mỗi người phải làm chủ được ít nhất một khí nhạc: tỳ bà, hồ cầm, xênh, kèn...theo khả năng đặc biệt của mình. Khi còn trẻ chị là một cô gái mảnh dẻ, vì vậy chị chọn học hồ cầm. Chị thấy nó giống mình khi chị dựng nó lên. Cha mẹ chị dành tiền và mua cho chị nhạc cụ đó vào lần sinh nhật thứ mười của chị gia đình chị mời một nghệ sĩ hồ cầm về hưu tới dùng cơm tối thứ bảy hàng tuần và yêu cầu ông cho vài lời bình về hồ cầm. Gia đình hy vọng một ngày nào đó, Nghiêm sẽ trở thành một nghệ sĩ hồ cầm danh tiếng.

Chị mười lăm tuổi thì cuộc cách mạng văn hóa bắt đầu vào năm 1966. Chị tham gia Hồng vệ binh và tiến về Bắc Kinh để Mao chủ tịch kiểm tra tại quảng trường Thiên An Môn. Là đại biểu trẻ nhất của Hồng vệ binh, chị được mời xem vở kịch do Mao phu nhân, bà Giang Thanh mới sáng tác tại đại sảnh đường nhân dân. Chị thích chiếc dây lưng rộng bản hơn bảy phân do các diễn viên thắt. Chị trao đổi bộ sưu tập huy hiệu có hình ông Mao lấy chiếc thắt lưng. Chị cho tôi xem chiếc dây lưng của chị. Nó được làm bằng da thật và có khóa đồng. Chị bảo, do đồng chí Giang Thanh, nữ anh hùng cảu chị thiết kế. Chị bảo em đã đọc Mao tuyển chưa? Rồi, em đọc rồi, tất cả. Chị bảo: Kỳ lạ thật, chị cũng đọc tất cả. Chị nhớ hết cuốn sách đỏ và thuộc lòng các đoạn. Tôi bảo chị tôi là Tiểu Hồng vệ binh từ hồi còn học ở trường tiểu học, dẫu thành tích của tôi chẳng được vinh quang như chị, tôi sẽ chẳng để bị lòe bởi những lời trích dẫn của ông Mao đâu. Chị mỉm cười và yêu cầu tôi làm thử. Tôi yêu cầu chị nói tôi đang ngâm đoạn nào.

Đảng trưởng thành bằng đường lối chính trị đúng đắn...

Chị nói: Trang 7 chương II.

Nếu không đem chổi đến, rác rưởi sẽ không tự động ra đi...

Trang 10 chương đầu.

Chúng ta tới từ miền quê...

Trang 146 chương III!

Thế giới là của các đồng chí...

Trang 263, chương đầu!

Nghiên cứu tác phẩm của Mao chủ tịch, chúng ta phải học để hành. Chúng ta phải áp dụng những lời dạy của người vào những vấn đề chúng ta đảm bảo có kết quả nhanh...

Chị hòa giọng ngâm cùng tôi.

Khi chúng ta chỉnh chiếc cột tre dưới ánh mặt trời, chúng ta nhìn ra chiếc bóng thẳng...

- Chúng ta đang ở đoạn nào? - Tôi hét to.

- Lời tựa của Phó chủ tịch Lâm Bưu cho sách Mao dẫn, tái bản lần thứ hai!

Chị hét lại và chúng tôi cùng cười vang, vô cùng hạnh phúc.

Chúng tôi còn chuyện trò mãi cho đến khi về trại. Chúng tôi đứng trong bóng tối, lòng tràn đầy niềm vui không ngờ. Cẩn thận đấy, chị nói. Tôi gật đầu và hiểu: Tránh sự chú ý của Lu. Chúng tôi đi theo lối khác nhau trở về phòng.

Đêm đó, tôi không sao ngủ được. Tôi cảm thấy căn phòng và chiếc màn khác hẳn hôm trước. Nghiêm không nói gì với tôi trong phòng, những ở đây đã có cuộc sống và khí trời tươi mát. Tôi cảm thấy mùa xuân. Việc những cây sậy đâm chồi trong gầm giường lần đầu tiên trở nên có thể dung thứ. Tôi nghĩ, tôi sẽ yêu màu xanh trong căn phòng này. Liệu Nghiêm có vậy không? Chị nằm ở tầng dưới tôi. Tôi muốn chia sẻ với chị quá chừng. Những tôi không dám nói với chị. Giường Lu ngay cạnh giường chúng tôi. Chúng tôi, tám người, ngủ trong một căn phòng cách nhau bởi những chiếc màn.

Lu sẽ ghen với chúng tôi, với niềm vui sướng của chúng tôi. Tôi lấy làm buồn cho Lu. Tôi mong tôi có thể là ban Lu. Điều đáng buồn ở chỗ thứ duy nhất mà Lu gắn bó lại là chiếc sọ người. Lúc đầu tôi có cảm tình với Lu. Đó là một cảm giác nực cười. Điều gì khiến tôi phải quan tâm tới Lu? Nghiêm ư? Lu hơn Nghiêm hai tuổi. Lu đã hai nhăm. Lu muốn quá nhiều. Lu muốn kiểm soát được cuộc đời chúng tôi. Lu đã làm gì với tuổi thanh xuân của mình? Những vết nhăn đã bò trên khuôn mặt Lu. Chẳng bao lâu nữa Lu sẽ ba mươi, rồi bốn mươi và vẫn còn ở lại nông trường Lửa Đỏ. Lu nói Lu yêu nông trường và không bao giờ rời bỏ. Tôi lấy làm lạ không hiểu tại sao một con người nào đó lại có thể yêu cái nông trường này. Một nông trường không thể sản xuất nổi cái gì trừ cỏ và lau sậy. Một vùng hoàn toàn tăm tối. Một địa ngục. Lu không nói lên sự thật này, Lu không hiểu làm sao như vậy. Lu có những cảm xúc không? Những cảm xúc mà tôi với Nghiêm chia sẻ đêm nay không? Chắc là có. Lu còn trẻ và khỏe mạnh. Nhưng ai dám thân thiết với Lu? Ai thực sự quan tâm tới Lu ngoài sự tán dương chẳng qua vì quyền lực của Lu? Lu có thể chia sẻ những cảm xúc của mình với ai đây? Lu có lấy chồng không? Nghĩ đến việc Lu lấy chồng quả thực kì quặc biết mấy. Những người đàn ông trong đại đội đều sợ Lu. Họ chịu khuất phục chấp nhận sự áp chế của Lu. Họ hàng phục trước khi đối mặt với Lu. Bóng Lu xuất hiện đã xua đàn ông đi mất rồi. Họ coi Lu như một tấm áp-phích trên tường. Họ tỏ ra thán phục Lu, nhưng đóng khung Lu vào bức tường trong óc họ. Tôi nhìn thấy sự cô đơn trong mắt Lu. Đôi mắt nhìn chăm chăm ra cánh đồng ngày mưa. Đôi mắt khát.

Lu đi ngủ muộn. Lu ngồi lên chiếc ghế đẩu nghiên cứu Mao tuyển. Đêm nào cũng vậy, và đã trở thành nghi thức. Mỗi đêm khoảng mười trang. Lu là người đi ngủ cuối cùng và là người dậy đầu tiên. Lu quét phòng, quét nhà. Lu thích nói: tôi thích phục vụ quần chúng. Mỗi khi được hoan nghênh, Lu lại trích dẫn lời Mao: Tôi chỉ làm những gì Chủ tịch dạy tôi. Lu thường đọc thuộc lòng. Làm gấp đôi điều tốt cho người khác không khó, chỉ có đem toàn bộ đời mình làm điều tốt mới khó.

Tôi thấy tính tình của Lu đáng sợ. Sự khắc nghiệt phơi bày đầu óc tham vọng độc đoán của Lu về quyền lực. Tôi trở nên thận trọng hơn, lễ độ hơn với Lu. Chúng tôi nói chuyện về nhau. Lu cố sục sạo thật sâu đầu óc tôi. Lu hiểu không ai giữa chúng tôi có thể kiểm soát nổi nhau. Lu không hài lòng. Lu ngửi ngay thấy sự gắn bó thân thiết của tôi với Nghiêm như chó đánh hơi. Một hôm, sau buổi làm việc, Lu đến với tôi và bảo:

- Tôi biết tại sao cô có vẻ phấn khởi đến thế, cô như thể một tên trộm.

Tôi bảo:

- Tôi không hiểu chị định nói cái gì?

Lu gật đầu mỉm cười bảo tôi tiến hành nhiệm vụ kiểm tra vali của lính từng phòng, từng phòng một. Lu đi cùng tôi. Lu bảo tôi lục soát đồ đạc xem có truyện tình dục đồi bại không. Làm xong nhiệm vụ trở về phòng, bất chợt Lu nói:

- Cô có nhớ đêm qua cô nói gì không?

Tôi như vấp phải một tảng đá. Lu đánh hơi thấy tâm lý tội lỗi của tôi. Tôi nói:

- Làm sao tôi biết được tôi nói điều gì? Tôi ngủ, làm sao tôi biết được?

Lu mỉm cười quỷ quyệt:

- Những cô biết, tôi nghe thấy mà - Lu nói với một nụ cười xảo quyệt.

Tôi cảm thấy những tiếng ấy như rệp bò lưng tôi.

Lu mở cửa để tôi vào trước, Lu vào sau và đóng cửa lại.

- Nói đi, có chuyện gì trong đầu cô?

Lu chăm chăm nhìn tôi như thể tôi là một con ruồi còn mình là con nhện, như thể chúng tôi đang vật lộn nhau trong chiếc lưới Lu giăng. Tôi bảo tôi phải đi giặt quần áo đây. Tôi chưa giặt quần áo mặc cả tuần nay. Tôi rất vội vì phải chủ trì cuộc họp trung đội. Lu chăm chú nhìn tôi, quần áo tôi bẩn, chân trần. Lu nói:

- Tôi vẫn nghĩ cô là người thật thà.

Tôi bảo:

- Tôi là người thật thà.

Lu nói:

- Nhưng không với tôi. Tôi muốn cô nên biết mỗi ngày cô càng tăng thêm ngụy biện. Cô đang đánh mất sự trong trắng của mình. Sự trong trắng tôi thấy khi mang cô đi khỏi Thượng Hải. Cô có nhớ, tôi bảo tôi thích cô như thế nào không? Cô có nhớ tôi đã yêu cầu cô giữ lại những gì tốt đẹp cho cô không?

Tôi bảo:

- Tôi vẫn giữ những gì tốt đẹp và tôi sẽ giữ, những bây giờ tôi phải đi giặt quần áo đã.

Lu lùi bước để tôi ra khỏi cửa, những vẫn bảo:

- Đừng giả vờ như không hiểu tôi, nếu cô thực lòng muốn trở thành Đảng viên. Sẽ chẳng có lợi gì đâu, nếu cô cứ chối từ không chịu thành thực với tôi.

Vừa giặt tôi vừa nghĩ Lu có thể hại tôi dễ dàng thế nàobằng cách xuyên tạc những báo cáo và đưa những từ ngữ mập mờ vào trong hồ sơ cá nhân của tôi mà chỉ có các lãnh đạo Đảng mới được tiếp cận. Những từ ngữ đó có thể chôn sống tôi. Những từ một khi đã vào hồ sơ sẽ không bao giờ thay đổi. Chúng sẽ theo tôi ngay cả sau khi chết. Hồ sơ xác định tôi là ai và sẽ là ai. Nó là hình ảnh duy nhất của tôi Đảng coi là thực và đáng tin cậy.

Là bí thư, Nghiêm có quyền làm như Lu, xoay vần vận mệnh quần chúng. Nhưng Nghiêm không boa giờ thích chơi trò đánh tráo. Chị tin tưởng vào công lý, không đếm xỉa tới công lý của chị đối với tôi bất công thế nào. Chị cố gắng không tỏ thái độ hiềm khích cá nhân - một nguyên tắc do Mao đề ra cho mỗi Đảng viên. Chị cố không làm thế với Lu, mặc dù chị muốn thế vô cùng. Chị không bao giờ thêm muối thêm dấm vào báo cáo của chị gửi lên cấp trên. Tôi nắm được điều đó khi tôi đọc và chép lại các báo cáo hộ chị. Nó khiến tôi gắn bó với chị hơn. Tôi thấy Lu không có phẩm chất như thế. Lu thường xuyên tự nguyện làm thêm một vài giờ ở ngoài đồng, làm mọi việc bất kỳ ai cũng có thể cho là tốt, nhưng không bao giờ dung thứ cho ai dám giẫm lên ngón chân mình do không tán thành trong các cuộc họp hoặc không tuân lệnh Lu.

- Tôi sẽ bóp nát như bóp nát một con rệp nếu kẻ nào cả gan làm điều ngu xuẩn đối với tôi.

Lu nói thẳng vào mặt chúng tôi như vậy.

- Tôi sẽ vui sướng khi cho kẻ thù nếm quả đấm thép của chuyên chính vô sản.

Lu mang một con chó từ nông trường bộ về. Tên nó là 409. 409 là một con berger Đức đã được huấn luyện quân sự. Nghe nói nó làm được đủ mọi điều. Nhiệm vụ của 409 là canh chừng một con lợn có tên là Trùm láu cá. Trùm láu cá là con lợn đực nặng chứng một tạ và là mối đau đầu chung của đại đội. Nó là con láu cá nhất đàn lợn. Đại đội không đủ thức ăn tinh. Đàn lợn được ăn nửa thức ăn tinh nửa thức ăn thô. Một hôm công nhân nông trường phát hiện ba túi thức ăn tinh biến mất. Một con trong đàn lợn chắc đã ăn, nhưng không rõ con nào. Hai hôm sau, vài túi thức ăn tinh lại biến mất. Lần này, những người công nhân để ý những con lợn khác ăn thứ phân không tiêu của Trùm láu cá. Họ ngờ Trùm láu cá chính là tên ăn trộm. Họ bắt quả tang nó đang ăn trộm. Điều lạ lùng là Trùm láu cá có bộ mặt như mặt chó và nó cũng hành động như một con chó. Nó cỏ thể nhảy ra khỏi chuồng lợn và nhảy vào kho lương thực và sau khi xơi đủ bột tinh sẽ nhảy vào chuồng vờ như không có gì xảy ra. Nó không ăn gì cho tới bữa cuối trong ngày. Nó to lớn hơn những con khác.

Lu tôn sung 409. Lu tiêu hết số tiền Lu dành dụm mua thịt khô cho con chó. Lu huấn luyện và ban thưởng nó. 409 trở nên rất quấn quit với Lu. Đêm đêm thường cùng dạo ven biển. Lu trở nên dễ chịu hơn trước. 409 trở nên chẳng có nghĩa gì với ai trừ Lu. Lu tự hào về lòng trung thành của 409. Lu khích lệ sự hèn hạ của nó. Lu luôn đọc lời dẫn của Mao cho 409 nghe. Lu ra lệnh cho nó ngồi dưới chân mình rồi thường nói:

- Có phải vấn đề then chốt là mỗi người phải học để có khả năng, phân biệt ai là bạn, ai không là bạn?

409 sủa một tiếng "vâng" với Lu. Và nó thường được thưởng bằng miếng thịt khô rôi Lu lại tiếp tục.

- Có phải vấn đề cơ bản là mỗi người đều phải trả lời như một người cách mạng chân chính: Ai là bạn của nhân dân, ai không phải?

409 lại sủa vang một tiếng và nhận được một miếng thịt khác.

Khi đứng bằng hai chân, 409 cao ngang Lu. Mỗi khi dạo cùng, nó thường đi bằng hai chân sau, hai chân trước ôm lấy vai Lu. Một hôm Lu lên nông trường bộ họp, nó tru lên suốt ngày. Tiếng tru như tiếng một bà già kêu khóc. Đến trưa thì nó húc đầu vào tường. Hai lính nam nhốt nó vào chuồng lợn. Nó lao chồm vào cọc cho bằng gẫy làm đôi. Không ai giữ nổi nó cho tới lúc Lu về. Thấy không có mình, con chó không làm nổi điều gì, Lu trào nước mắt.

409 là một con chó săn tệ hại. Binh sĩ bảo nó phải có món nợ truyền kiếp với Trùm láu cá. Gặp nhau là hai con vật đi sóng đôi. Con nọ chấp chới nhìn con kia, rồi ngửi nhau, chấp nhận nhau. Phải chăng vì Trùm láu cá có một bộ mặt chó? Chúng ngồi bên nhau như anh em. Tới lúc ăn vụng thức ăn tinh, 409 không những không ngăn Trùm láu cá lại, mà còn giúp xé bao cho Trùm láu cá ăn được nhanh. Chúng chơi đùa với nhau trong chuồng lợn, 409 luôn luôn khoái trá lăn lộn trong mạt cưa. Khi công nhân nông trường tới, 409 giữ ngay vẻ mặt thật thà ra bộ chiến đấu canh bột những không nổi. Nghiêm không ưa 409. Chị gọi nó là con phản bội. Chị đá nó và đề nghị Lu đem trả lại ban chỉ huy nông trường. Lu miễn cưỡng vâng dạ. Biết Lu đang nghĩ ngợi, 409 tới vồ vập Lu, đưa lưỡi liếm khắp mặt Lu.

Lu van xin cho 409 được ở lại. Lu chỉ cho Nghiêm vẻ mặt tinh ranh của con chó. Điều đó nói lên 409 đáng tin trong thành tích chiến đấu. Lu bảo:

- Cho tôi hai tuần để luyện nó canh Trùm láu cá, tôi hứa nó sẽ làm tốt như nó được hứa phải làm.

Nghiêm nói:

- Thức ăn tinh còn ít, đại đội không chấp nhận mất thêm một bao nào nữa. Những con lợn khác đang sắp chết đói.

Lu đổi phiên đêm để canh lũ súc vật này. 409 vẫn chứng nào tật nấy. Lu không khiến nó xử sự đúng đắn. Nghiêm cáu tiết ra lệnh cho Lu phải tống cổ 409 đi. Đúng ngày hôm đó 409 coi như bị tống khứ. Lu bắt được Trùm láu cá đang ăn vụng bột. Lu đến Nghiêm nói rằng tống cổ con chó đi cũng không ngăn được Trùm láu cá, sao không giết quách Trùm láu cá thay vì tống cổ con chó đi? Lu được phép làm.

Lu sai giết con lợn cho bữa tối. Trùm láu cá được chia trong bát mọi người. 409 nhai xương con lợn, và sau đó đi tìm Trùm láu cá khắp nơi. Nó tới hít ngửi chuồng của Trùm láu cá và nằm lì trên mùn cưa cho tới khi Lu tới gọi nó ra. Lu sung sướng lắm. Lu lấy tay chải vuốt lông cho nó về phía sau, chơi hàng mấy giờ liền với nó, cho cả bàn tay vào trong mồm nó và bắt nó làm đủ trò.

Lu đem 409 tới các làng xung quanh để nó tìm bạn tình. 409 tỏ ra rất tốt với các con chó cái, nhưng tồi với chủ của những con chó này. Có nghĩa là nó tơ tít với những con chó cái nhưng sau đó biểu lộ cơn khoái lạc, thường cắn ống quần người chủ.Nó thường chồm vào người chủ, dựng hai chân sau mà sủa. Dân làng nói nó gợi lên sự chết chóc. Họ bảo Lu đừng mang nó tới vùng xung quanh nữa. Lu chỉ cười. Lu không hiểu họ nói nghiêm túc thế nào.

Một buổi gần tối, Lu đem 409 từ một làng lân cận về, mặt 409 xám xanh hẳn đi. Nó nôn ọe, rồi lại nôn ọe. Lu cố cho nó uống nc và nc cháo, những 409 không uống nổi một thứ gì. Tôi đang mài cuốc thì Nghiêm mang tin đến cho tôi. Nghiêm bảo: Lu đang diễn tuồng. Tôi tới kho lương thực nơi 409 vẫn ngủ. Trước khi trông thấy 409, tôi nghe thấy tiếng Lu nức nở. 409 nằm trên lòng Lu và đã chết. Lu khóc như một góa phụ làng quê. Một thú y sĩ đứng kề bên đó. Nghiêm tới đưa cho Lu chiếc khăn ướt. Trong lúc Lu lau mặt, Nghiêm hỏi người thú y về việc đầu độc. Người này bảo nó tẩm trong chiếc bánh bao. Lu nói:

- Bọn dân làng làm đó, chúng là lũ phản động - Lu nhấn mạnh, nghiến răng lại - Chúng ta bắt chúng phải trả giá.

Nghiêm không trả lời ngay. Sau bữa tối, khi thấy Lu vẫn ngồi bên 409. Nghiêm bảo:

- Nếu tôi là chị, tôi sẽ không mang nó đi tơ tít nhiều như thế đâu.

Lu chôn 409 cạnh sông. Sáng sớm hôm sau khi trung đội tôi tới cuốc ruộng, Lu đã đang làm. Mắt Lu sưng vù. Tôi hỏi Lu đêm qua có ngủ ngon không? Lu bảo Lu ngồi bên mộ chó suốt đêm. Lúc nghỉ giải lao, Lu yêu cầu tôi cùng tới viếng mộ 409. Tôi đi cùng Lu. Tôi thấy động lòng vì nỗi buồn của Lu. Tôi không biết là Lu có khả năng buồn được. Lu quỳ xuống bùn và trồng hoa dại trên đỉnh mộ. Lu lại nức nở như hôm trước. Tôi đỡ hai cánh tay Lu và Lu dựa vào tôi. Lu cảm ơn tôi và tôi mong tôi có thể làm được nhiều hơn cho Lu.

Lu nhìn tôi và bảo:

- Tôi đã mất người bạn duy nhất, người bạn tốt nhất. Rồi tôi biết phải làm gì đây?

Giọng nói của Lu làm tôi hoang mang. Tôi không dám nói một lời. Tôi nhìn Lu, Lu chăm chăm nhìn cánh đồng. Gió thổi bay lật mái tóc của Lu đến tận chân tóc. Lu thì thầm với mình:

- Ta sẽ...Ta sẽ...

Tôi nói:

- Chị sẽ có những người bạn mới.

Lu nhìn tôi ngờ vực. Lu bảo:

- Cô biết đấy. 409 không bao giờ dối trá tôi.

Lu biết tôi không nói thực điều tôi định nói. Lu biết tôi không muốn là bạn Lu. Tôi không thể nói, tôi sợ việc làm bạn Lu là quá khả năng. Lu có phẩm chất của một kẻ sát nhân, điều đó khiến tôi phải xa lánh. Lu và tôi làm việc kề vai suốt ngày hôm ấy. Chúng tôi trao đổi với nhau vài lời. Tôi bận nghĩ tới Nghiêm, những chuỗi cười tự đáy lòng chị. Lu làm việc rất nhanh. Hình dáng linh hoạt của Lu chuyển động như con sơn dương trên vách đá, mỗi động tác đều chính xác và không dư thừa. Giống như con sơn dương, Lu có đầu gối và khuỷu tay nhỏ nhắn. Nó cho phép Lu chạy nhanh hơn và cúi nhanh hơn. Lu là người làm việc hăng hái, cương quyết, không thỏa hiệp. Những với tôi, Lu giống như tia sáng tạm thời, Lu sáng trong bóng tối. Khi mặt trời lên, Lu mất hết vẻ sáng láng của mình. Lu nhạt nhòa trong ánh mặt trời và Nghiêm chính là mặt trời.

Nghiêm và tôi không để lộ mối thân thiết của chúng tôi một cách công khai. Chúng tôi lặng lẽ giặt quần áo cho nhau, xách nc nóng hộ nhau. Chúng tôi trở nên quen thuộc với những tín hiệu bằng mắt của nhau. Cứ hai ngày một, chúng tôi thường đi riêng rẽ tới gặp nhau ngoài xưởng gạch. Nghiêm thường vin cớ đi kiểm tra chất lượng làm việc trong ngày. Tôi thường mang cuốn sách Mao dày nhất và sổ tay giả bộ như đi tìm chỗ nghiên cứu một mình. Chúng tôi luồn qua lau sậy, dắt tay nhau. Chị dạy tôi cách làm kèn bằng sậy. Chị cuộn lá sậy lại làm thành một chiếc kèn xanh. Chị bảo tôi thổi cùng chị. Chúng tôi tạo âm nhạc cho lau sậy, cho chiều tối. Chúng tôi hòa tiếng vào nhau và cùng cười phá lên khi tiếng kèn nghe như tiếng ho khù khụ của một ông già.

Chúng tôi tiếp tục gặp nhau ngay cả khi mùa đông đến. Ngồi trên đống gạch Nghiêm chơi hồ cầm. Tôi nằm xuống và lắng nghe. Chúng tôi bắt đầu nói với nhau đủ mọi chuyện, lan man tới cả chủ đề bị cấm ngặt: đàn ông.

Nghiêm bảo, theo mẹ chị, người căm ghét bố chị, hầu hết đàn ông đều xấu xa. Mẹ chị bảo sẽ chẳng bao giờ đẻ tới chín đứa con với cha chị nếu bà không muốn đáp ứng lời kêu gọi của Đảng: "Dân số càng nhiều, càng tăng sức mạnh". Bà kết luận, đàn ông hưởng khoái lạc trong việc quyến rũ và cưỡng đoạt đàn bà.

Tôi nhớ lại, Nghiêm đã tháo phắt dây lưng ra và lệnh cho lính nam đánh đập người đàn ông sách vở kia thế nào. Tôi hiểu vì đâu có chuyện chị căm ghét đàn ông. Tôi bảo cha chị không đại diện cho mọi người đàn ông. Chị cãi, ông đại diện. Rồi chị kể cho tôi nghe về năm anh trai của mình lúc đó đều ở lứa tuổi hai mươi, tất cả đều cao lớn khỏe mạnh. Giữa đêm họ nói những chuyện đồi trụy trong khi toàn bộ gia đình mười người ngủ cùng một phòng. Anh chị kể chuyện lừa một cô láng giềng vào phòng, quyến rũ cô trên giường trong khi bốn em trai nhòm qua khe cửa. Tôi hỏi bố mẹ chị phản ứng ra sao? Nghiêm bảo ông bà không chịu tin chuyện đó. Họ kết tỗi Nghiêm đơm đặt. Các anh trai đánh Nghiêm, bố mẹ chị chỉ xem và nghĩ họ làm thế là phải. Và đó cũng là lý do chính chị rời bỏ gia đình đi nông trường Lửa Đỏ.

Nghiêm hỏi tôi cảm thấy thế nào về đàn ông. Tôi bảo nếu chị muôn nghe tôi nói thực, chị có thể choáng đấy. Chị bảo sẵn sàng nghe và hứa sẽ sẽ tiếp tục là bạn tôi, không kể tôi nói gì. Tôi kể một câu chuyện. Một chuyện tôi chưa từng kể ai nghe. Chuyện xảy ra trong một cuộc họp Hồng vệ binh, lúc đó tôi mười sáu. Đang họp thì bị mất điện và chúng tôi phải ngồi trong bóng tối. Một bàn tay sờ vào lưng tôi. Bàn tay run run, từ từ chuyển quanh lườn tôi và sờ vào ngực tôi. Tôi choáng người những vẫn cho phép nó để nguyên trên ngực tôi khoảng một phút, rồi đứng dậy và chuyển qua chỗ khác. Khi đèn sáng trở lại, tôi nhìn thấy ba thằng con trai ngồi phía sau tôi, đều trạc tuổi tôi. Một trong ba đứa có vẻ lo lắng và tái nhợt. Tôi biết nó, một đứa thẳng thắn, một học sinh viết thư pháp rất tài, có khuôn mặt như con gái.

Tôi nghĩ mình đã mất trinh, tôi hổ thẹn với bản thân.

- Sao em không hét toáng lên? Sao em không hất tay hắn ra? - Nghiêm hỏi.

Tôi bảo chị:

- em không hiểu sao mình lại thế. Lúc đó em cảm thấy dễ chịu trong người.

Chị choáng váng và ngồi im một lúc lâu. Chi ôm hai tay che mặt.

Lau sậy nghiêng ngả đugn đưa rào rào, rào rào như tiếng thì thào. Tôi theo dõi Nghiêm, cung cách chị thu hết sức can đảm. Chị hỏi tôi có biết sự khác nhau giữa cơ quan sinh dục của thằng bé con với người đàn ông trưởng thành không? Tôi nói đã thấy một bức tranh về cái đó trong một cuốn sách châm cứu. Nó vẽ như một cái ấm trà úp ngược. Nghiêm gật đầu và bảo thế là đủ rồi. Chị lại ngồi im một lúc lâu hơn. Rồi chị đỏ mặt bảo tôi, chị có chuyện cần phải thú nhận. Tôi chờ đợi. Chị nói:

- Thôi đừng để ý nữa.

Tôi bảo:

- Chị không tin em?

Chị bảo:

- Không phải thế.

Tôi nói:

- Vậy là chuyện gì?

Chị thở dài rồi bảo:

- Chị thực sự không nói ra nổi. Chị không bắt chị nói nổi điều ấy.

Chị gục trán trên gối. Tôi bảo lúc nào chị muốn nói cũng được. Chị bảo không bao giờ nói ra được. Như con ốc chui đầu vào vỏ, chị không muốn thò ra nữa. Tôi van nài. Tôi bảo tôi cũng có những ý nghĩ thầm kín. Chị bảo đó là chuyện khác. Của chị là một con quỷ. Tôi dạng đầu gối chị ra và luồn tay ngửa cằm chị lên. Tôi nhìn vào chị và hầu như đã biết được đó là chuyện gì.

Chị nói tôi đoán không đúng đâu. Tôi bảo: nếu em đúng, chị có hứa kể hết với em không? Chị gật đầu.

- Một người đàn ông.

Tôi nói và nhìn thẳng vào mắt chị. Chị mất bình tĩnh.

Tên anh ta là Báo Lý. Anh ta hai mươi bốn tuổi và là chỉ huy đại đội 32. Anh ta từ miền nam tới, thuộc một gia đình làm vườn. Anh ta là một người đàn ông tế nhị. Chị gặp anh trong một cuộc họp ở ban chỉ huy nông trường hai tháng trước đây và từ đấy vẫn thầm nghĩ về anh. Chị bảo tôi câu chuyện chỉ có thế.

Tôi hỏi:

- Hai người đã trò chuyện riêng với nhau chưa?

Chị nói:

- Em bảo sao? Làm sao chị làm nổi việc đó?

Tôi hỏi:

- Thôi được, thế làm sao chị biết anh ấy thích chị?

Chị nói:

- Chị cảm thấy như vậy thôi.

Chị nói, dĩ nhiên là chị không lấy gì làm chắc chắn, những dẫu thế nào, đó cũng không phải là điều chị muốn nói với tôi. Tôi hỏi:

- Vấn đề là cái gì?

Chị bảo chị chỉ biết chị không định bụng có ý nghĩ ấy chút nào cả. Chị bảo điều khủng khiếp là chị không gạt nổi Báo ra khỏi đầu mình. Chị cứ bị khuấy lộn lên và chị không thích thế, Tôi đùa và bảo nghe như một chuyện đồi trụy cá nhân và có lẽ tôi sẽ đưa vấn đề này ra cuộc họp đại đội. Chị bảo đem đau khổ của người khác ra làm trò đùa là không tốt.

Tôi hỏi:

- Liệu có đau khổ thực sự không?

Chị bảo:

- Cứ ví dụ nó là đau khổ đi, mà đau khổ thực sự chứ còn ví dụ gì? Nó không buông tha chị, nó thiêu đốt chị, nó làm đầu óc chị quẫy lên những ý nghĩ bẩn thỉu, những ý nghĩ về đàn ông và cái ấm trà.

Ngày đăng: 11/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?