Gửi bài:

Phần 3 - C

Tôi phá luật lệ, tôi nói dối Xô Viết Hồng. Tôi xin nghỉ ba ngày. Tôi nói dối mẹ tôi ốm và tôi cần phải chăm nom bà. Mới đầu, Xô Viết Hồng không cho. Tôi lại nài xin. Tôi nói hôm nay không còn đậu để bóc. Những người ở quán ăn đều đã đi dự mít-tinh diễu hành. Thế là Xô Viết Hồng bảo được.

Tôi trở về nông trường Lửa Đỏ. Tôi tới thăm Nghiêm. Tôi thấy chị đang làm việc giữa cánh đồng lúa cùng với những người khác. Những người lính nhìn tôi từ đầu xuống chân. Tôi thấy sự ghen ghét xa lánh trong đôi mắt họ. Tôi đợi ở phía cánh đồng trong khi Nghiêm đang bước tới. Chị rửa tay ở mương tưới và lội đôi chân trần xuống rửa. Chị nhìn tôi. Chị không mỉm cười. Chị giằng lấy chiếc túi của tôi và chúng tôi đi bộ về doanh trại.

Nghiêm không còn là chỉ huy đại đội nữa. Trường hợp của chị với Lu kết thúc không xác định được điều gì. Chẳng ai tin chị lại có thể yêu Lu thực sự. Về sau, Nghiêm thú nhận với lãnh đạo đó là cách Nghiêm trả đũa Lu, tất cả những điều chị sắp đặt ra chỉ là một trò hề. Thủ trưởng rất bất bình về cách làm bẩn thỉu để trả thù của chị nhưng không muốn đẩy sự việc đi xa hơn. Lu khăng khăng đòi tiếp tục điều tra. Nhưng thủ trưởng không muốn xét lại trường hợp của tôi. Tôi đã đi rồi, và ông là người từng tặng tôi danh hiệu cá nhân chiến sĩ vinh quang. Tố cáo tôi có nghĩa là phơi bày sự xét xử kém cỏi của ông. Trường hợp đó bị rơi vào quên lãng như chưa từng bao giờ xảy ra cả. Nghiêm phải hứng chịu và bây giờ chỉ là trung đội trưởng. Lu được chuyển đến đại đội khác và bây giờ trở thành đại đội trưởng.

Nghiêm là người lớn tuổi nhất trong trung đội. Những người lính mới trông cung cách giống như tôi đã từng trải qua. Họ hát "Tổ quốc tôi". Họ tôn sùng Nghiêm. Giờ ăn Nghiêm được họ mang thức ăn tận bàn cho chị. Bát chị đầy hơn. Những lính trẻ phục vụ chị. Họ nói:

- Đấy là phích nước sôi của chị. Em vừa rót đầy cho chị.

Nghiêm sống đơn lẻ, vẫn trong căn phòng chúng tôi đã sống. Tất cả các giường khác đã mang đi. Chị kê giường chị ra giữa căn phòng trống trải. Với chiếc màn trắng, căn phòng giống như một nhà tang.

Tôi ngồi đối diện với chị ngay cửa. Tôi nhìn vào mặt chị. Da chị sạm nâu, trông giống như người châu Phi. Chị khá tuổi rồi. Những nếp nhăn sâu hơn. Vài sợi tóc bạc lẫn trong bím tóc. Bím tóc chị vốn dày, nay mỏng nhỏ như cái đuôi chuột. Chị lấy ra một gòi bột mì, đổ bột mì vào một cái xoong, cho nước vào và đặt lên bếp dầu. Chị nấu bột mì với đường. Chị đang hiến tôi những thức ăn quý nhất của chị. Mùi vị của nó thật đáng sợ, những tôi cố không để lộ ra. Chị cảm thấy điều đó. Chị hỏi tôi ăn uống ở xưởng phim có ngon không? Tôi không trả lời. Tôi không biết trả lời chị thế nào. Chị bảo chắc không thể nào so sánh được. Chị giằng chiếc bát của tôi, đẩy cửa và hắt bát cháo bột ra ngoài. Đóng cửa lại, chị nói: Chị xin lỗi không giữ được. Chị đi rửa bát trong cái vại nước. Chị rửa đũa và đánh rơi cả đôi. Chị cất bát đũa vào một chiếc túi vải. và treo lên chiếc cọc tre. Khi chị làm những việc đó, lưng chị cong xuống rầu rầu. Chị lau mặt bằng một chiếc khăn cáu đen. Nỗi buồn xâm chiếm lòng tôi. Chị quay hẳn lại và bảo: cảm ơn đã đến thăm. Chị mỉm cười và nước mắt tôi trào lên. Chị nói:

- Em muốn chị phải làm gì?

Chị ngồi xuống. Chị cố gợi chuyện. Chị nói:

- Em nói gì đi.

Tôi bảo:

- Nói gì được?

- Cái gì cũng được.

Tôi hỏi:

- Chiếc hồ cầm của chị đâu?

Chị bảo chị cho đi rồi. Tôi không nói gì được nữa. Chị phát con muỗi trên chân chị rồi cậy và cạo bùn khỏi chân chị. Chị bảo lính toàn mới cả nhưng đều là những con lừa ranh mãnh. Ngay khi họ được phân tới nông trường, họ đã tìm cách trở về thành phố. Họ tìm đủ mọi cớ về nhà một cách trơ tráo. Một số bỏ về chẳng thèm xin phép. Lúc nào họ cũng giả vờ ốm. Họ là một lũ đạo đức giả. Trái tim họ không bao giờ ở nông trường, một giây cũng không. Họ phục vụ chị ăn uống để nịnh bợ chị. Chị bảo họ biết cách lợi dụng chị. Họ làm chị phát ốm.

Tôi muốn nói: hãy quên họ đi, hãy nói chuyện về chúng ta. Nhưng tôi không nói được. Nói cái gì mới được chứ? Chị sa bẫy rồi. Không có lối ra. Chị đã hai nhăm tuổi, một nữ trung đội trưởng hai mươi nhăm tuổi sẽ không có tương lai. Đây là tương lai của chị. Tôi muốn ôm lấy chị và an ủi chị, nhưng tôi cảm thấy hổ thẹn nếu làm như vậy.

Chị bảo:

- Kể cho chị nghe chuyện xưởng phim đi, kể cho chị nghe những người em mới gặp này.

Tôi bảo chẳng có gì đáng kể. Chị nói: chị muốn biết.

Tôi kể cho chị nghe chuyện Xung Kích, Hỏa Lâm, Tiểu Chung, Ong, Thanh Vũ, và Xô Viết Hồng. Tôi kể cho chị chúng tôi làm những gì. Chị lắng nghe, đi đi lại lại trong phòng. Chị dừng lại đăm đăm nhìn ra ngoài cánh cổng. Tôi chưa kể xong, chị bất chợt bảo:

- Chúng ta quên nhau đi thôi, chị chẳng đau buồn đâu.

Tôi hiểu tại sao chị lại nói như vậy.

Tôi nói:

- Chị thừa biết em không thể vâng lời chị.

Chị bảo:

- Vậy em đi khỏi ngay đi.

Tôi bảo:

- Em phải đi một chuyến đường dài để gặp chị. Điều đó không dễ dàng với em. Em nói dối họ. Em đang liều với tương lai của em. Nếu họ biết chuyện, em sẽ bị đuổi.

Chị đi ủng mưa vào và bảo:

- Không dễ dàng ư? Em nghĩ cuộc đời chị hẳn dễ dàng hơn?

Tôi nói:

- Em không bao giờ nghĩ thế.

Chị ngắt lời tôi, chị bảo chị không muốn lại bắt đầu tranh cãi khi chị cảm thấy đang chán nản. Tôi nói:

- Em không đến để tranh cãi.

Chị bảo:

- Chị không yêu cầu em đến.

Tôi nói:

- Em đang đi đây.

Chị bước ra khỏi phòng.

Tôi dốc hết chiếc túi của tôi. Tôi xếp bánh quy mang theo cho chị vào trong màn chị. Màn chị giặt sạch sẽ. Tôi nhớ lại thời gian khi chúng tôi không giặt màn để không ai nhìn thấy chúng tôi làm gì bên trong. Tôi nhớ lại sự say đắm của chị. Tôi sờ vào gối chị và chợt thấy tóc, tóc của chị vương vãi khắp giường. Tóc của chị đang rụng dần và tôi không làm được điều gì cho nó. Tôi muốn chạy, chạy thật xa khỏi nỗi hổ thẹn của tôi.

Gió thổi mạnh bật cửa ra. Chiếc khăn của Nghiêm tự nó rơi xuống khỏi giá vắt khăn. Tôi nhặt khăn lên và thấy súng của chị dựng vào tường. Tôi chợt nhớ Tiểu Lục. Tôi nhớ cô hát bài "Tổ quốc tôi". Khẩu súng của Nghiêm đã han gỉ. Tôi nhìn ra cửa sổ. Cánh đồng không còn sự sống. Mặt trời đã làm khô cháy đất đai. Mặt đất trông giống như chiếc đầu hói của đàn ông. Lúa cònd lưng xuống trước gió mặn. Tôi nhận ra tôi không còn chút nào thuộc về đây. Tôi bước ra khỏi phòng. Vài người phụ nữ trẻ nhìn tôi và thì thào với nhau. Họ đến sát bên tôi, mang theo cuốc. Tôi hỏi họ về Phong Lan. Một người trong bọn họ bảo chị ấy ở xưởng gạch.

Tôi đi xuyên qua lau sậy. Tôi cảm thấy may mắn vì đã thoát khỏi nơi gian khổ này. Những càng cảm thấy may mắn bao nhiêu, tôi càng cảm thấy mình mang tội bấy nhiêu. Nghiêm bị bỏ lại đằng sau, tôi vẫn nghĩ thế. Làm sao tôi có thể bỏ nổi chị lại đằng sau? Tôi đến ăn chiếc bánh ngọt trước mặt một đứa trẻ đói khát. Hổ thẹn biết chừng nào! Tôi nhắc chị nhớ tới những nỗi khổ cực của chị. Tôi lài một kẻ đạo đức giả. Tôi đến để an ủi chị. Đến nói những điều tốt đẹp, tôi có mất gì đâu.

Xưởng gạch vẫn như hổi Nghiêm chơi hồ cầm cho tôi nghe. Tôi bước xuyên qua những lối đi giữa những chồng gạch, mồm há ra. Tôi nói xin chào Phong Lan. Cô không chào lại tôi mà hỏi:

- Cô đến đây làm gì?

Tôi bảo tôi đến thăm. Cô quay đi xếp gạch xuống. Cô ướt đẫm mồ hôi từ vai xuống thắt lưng. Chúng tôi làm việc cạnh nhau. Xếp xong xe gạch, cô duỗi thẳng lưng lau mồ hôi hai bên má bảo tôi:

- Nghiêm không có ở đây.

Tôi nói tôi biết.

Cô bảo:

- Tôi biết cô không có ý định đến thăm tôi.

Tôi nói:

- Tôi nhớ nông trường.

Cô mỉm cười giễu cợt và đẩy chiếc xe rỗng dọc theo đường goòng. Tôi để ý thấy chân cô khập khiễng. Tôi đi theo cô. Chúng tôi dừng lại ở nơi chất gạch. Những viên gạch tươi được đẩy ra khỏi chiếc máy cắt như những chiếc bánh. Tôi giúp Phong Lan xếp gạch. Chúng tôi xếp gạch cẩn thận. Chúng tôi đẩy xe xuống lối đi và chuyển gạch từ xe ra. Tôi hỏi:

- Chân cô làm sao vậy?

Cô nói:

- Một cây sậy đâm phải.

Cô hỏi tiếp:

- Cô vẫn ở đó chứ, phải không?

Tôi nói:

- Phải, tôi vẫn nhớ tôi ở đó. Vết thương đã lành chưa?

Phong Lan bảo:

- Rồi, nó lành như thế này này.

Tôi duỗi thẳng lưng. Tôi nhìn chiếc ống khói lò gạch tỏa khói trắng. Phong Lan bảo:

- Cuối mùa hè, lò gạch đổ. Ba người chết, hai người bị thương. Tôi không biết xưởng gạch này còn đứng vững được bao lâu. Tại sao cô đến đây?

Tôi chưa kịp giải thích, cô đã nói thẳng vào mặt tôi:

- Tôi không thích nhìn thấy cô. Tôi thực sự không thích.

Cô nói cô muốn được thành thực với tôi. Cô bảo không ai muốn nhìn thấy tôi. Một ngôi sao điện ảnh. Một kẻ quen biết cũ bắc thang lên tận mây xanh. Không ai muốn phải nghĩ tới cuộc sống của mình ở đây khổ cực đến như thế nào nữa.

Cho đến lúc dỡ hết gạch trên xe, tôi không nói gì. Trước khi Phong Lan đẩy xe tới chỗ chất gạch, cô bảo:

- Cô có biết chuyện Báo và Nghiêm không? Họ đã gặp nhau đấy.

Cô ra hiệu, gặp nhau "bí mật".

Tôi cảm thấy dễ chịu hơn lúc ngồi đợi xe bus trở về Thượng Hải. Nghiêm đang mong Báo. Tôi biết chị luôn nghĩ tới anh ta. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút. Tôi mong chị yêu Báo, tuy nhiên ngay lập tức tôi lại nghĩ mình thật đáng ghê tởm vì tôi biết rõ chị không yêu anh ta. Chị thật khốn khổ. Tôi nhớ rõ chị có thể vui vẻ, cởi mở và độ lượng thế nào, tôi biết chị xử sự như thế nào khi chị yêu.

Bầu trời tối dần và không có xe bus tới. Dạ dày tôi bắt đầu cồn cào bên trong. Từ sáng sớm tôi chưa ăn một chút gì. Tôi đến bên chiếc cột mốc lề đường và ngồi xuống cạnh đấy. Tôi nghe tiếng dế gáy. Tôi nghĩ chuyện đã nói dối Xô Viết Hồng thế nào và hi vọng không có chuyện gì xảy ra. Tôi có thể nói dối nếu tôi kịp về phòng ngủ xưởng phim sáng mai trước lúc rạng đông. Tôi biết một lối đi bí mật đằng sau một dãy chuồng dẫn tới căn phòng đó.

Tôi ngồi hít thở không khí ban đêm. Đồng quê có một vẻ tĩnh lặng thiêng liêng. Tôi nhìn vào đêm tối. Tôi nghe tiếng máy nổ ở một khoảng rất xa. Bóng tối sực mùi ẩm ướt. Mới đầu tôi nghĩ đó là con đom đóm. Những đốm sáng tiến lại gần và tôi thấy vệt sáng không hề lập lòe như đom đóm. Đó là chiếc đèn pin. Ai đó đang bước trong đêm tối. Tôi chăm chú nhìn đốm sáng, đốm sáng đi về phía bến xe. Tôi cảm thấy một cái gì đó. Tôi vẫn chăm chú nhìn thêm hồi lâu. Tôi thấy hình dạng người cầm đèn. Một hình bóng thân quen. Có tiếng còi xe, xe bus đang tới. Vệt sáng giật lên, giật xuống. Tôi nghe thấy tiếng thở của chị. Tiếng thở của Nghiêm.

Lúc về nhà bố mẹ tôi, bố mẹ tôi bảo Thanh Vũ và Xô Viết Hồng vừa rời khỏi đây. Họ đến để kiểm tra tôi. Tôi hỏi mẹ tôi:

- Mẹ có nói với họ con đi đâu không?

Mẹ tôi bảo:

- Mẹ có biết con đi đâu đâu và mẹ bảo họ như thế.

Bố tôi bảo:

- Họ bảo mẹ nói dối. Họ bảo che giấu cho kẻ làm điều sai trái là một tội lỗi.

Bố quay lại bảo mẹ:

- Bà là người đàn bà ương ngạnh, lẽ ra bà không nên cãi nhau với họ.

Mẹ bảo:

- Tôi phải cãi với họ vì họ tỏ ra vô lý.

Tôi hỏi:

- Họ nói những gì?

Mẹ nhìn tôi và nói giọng giận dữ:

- Họ bảo con đã trở thành một tên tư sản cá nhân chủ nghĩa, họ bảo con luôn tập một mình, con ích kỷ cá nhân nên sẽ bị loại bỏ. Phải, đó là những gì họ cố thêu dệt ra. Họ bảo họ đến xem ý kiến của cha mẹ về đứa con của mình. Họ đến để ghìm chặt con xuống, để tố cáo, để chụp chiếc mũ lừa lên đầu con.

Bố tôi vẫy tay ra hiệu mẹ thôi đi. Ông thở dài rồi lại thở dài.

- Thế con đi đâu?

Tôi nói:

- Tới nông trường.

- Con đến đấy làm gì? Con không thấy họ theo dõi con sao? Tại sao con không hiểu được vị trí của con để mà xứ sự? Con không thấy được bố mẹ đã có khá nhiều nỗi khổ tâm trong gia đình này sao?

Ông chỉ ra sảnh và giơ ba ngón tay, ý nói San Hô, đứa con thứ ba:

- Nó đang trong sảnh và đang điên lên với bố đây.

Tôi hỏi xảy ra chuyện gì? Mẹ chưa kịp nói gì, bố đã kéo tôi vào bếp và đóng cửa lại, ông bảo tôi rằng San Hô bị phân công về nông trường Lửa Đỏ vì tôi đã rời khỏi đó. Ông bảo điều đó chẳng tốt đẹp gì với San Hô. Nhưng nó đã bị phân công và nó phải đi thôi. Bố và mẹ tôi chỉ mong đi thay San Hô để cứu lấy đời nó.

Tôi chán nản vô cùng. Tôi bảo bố:

- Bố muốn con phải làm gì đây? Đổi chỗ cho nó ư? Sẽ là dối trá nếu con nói con muốn đổi chỗ cho nó. Con đã ở nông trường Lửa Đỏ, con đã phục vụ hết hạn định của con. Con đã tự bản thân làm được chuyện đó. Nếu nó đủ can đảm, nó sẽ...- Tôi dừng lại, nhận thấy mình nói năng ích kỷ.

- Đó là thời cơ và chính sách quyết định số phận của con. Mọi nỗ lực cá nhân nào có tác dụng gì? Con có biết gì về diễn xuất đâu, nhưng con lại được đào tạo thành diễn viên.

Bố tôi bảo:

- Bố không muốn nghe con lý sự nữa. Ai trong chúng ta thắng trong cuộc tranh cãi này thì cũng chẳng giúp ích được gì cho San Hô. Bố chỉ muốn con nhận thức được rõ sự thật, và sự thật ấy là con không còn là một nông dân nữa, và gia đình cần có một nông dân để hoàn thành chỉ tiêu của chính phủ, và San Hô em gái con được phân công đi lấp vào chỗ trống ấy.

Tôi nói:

- Con có thể làm gì? Con làm thế nào giúp được?

Bố tôi bảo:

- Chấp nhận số phận và giữ nguyên vị trí của mình. Mẹ, con và bố không thể nào chấp nhận mất mát nhiều hơn nữa. Nếu con bị đá văng khỏi xưởng phim, bố mẹ sẽ có hai đứa con ở nông trường Lửa Đỏ.

Tôi mong tôi có thể nói thật to rằng tôi làm việc ở xưởng phim chẳng ra gì, những tôi không nỡ nói như vậy. Tôi bảo:

- Bố mẹ đã thấy rõ các thầy cô giáo ghét con như thế nào. Con làm thế nào để ngăn họ được?

Bố mẹ tôi ngồi im. Ông bà có vẻ đau khổ.

Bố lẩm bẩm:

- Bố đáng lẽ phải xuống cầu thang tiễn họ. Xô Viết Hồng và Thanh Vũ sẽ rất bực mình vì sự thiếu lịch sự của bố.

Mẹ bảo:

- Có ông ngố mới nghĩ rằng ông làm thế may ra thay đổi được chút gì. Họ không xứng đáng được đối xử như khách của tôi. Không có chuyện đó ở nhà tôi. Đánh chó phải biết nghĩ đến chủ chứ? Tôi sẽ không bao giờ tươi cười khi có kẻ nào định nhổ vào mặt đứa con gái của tôi đâu nhé.

Bố hét lên:

- Bà có giữ bình tĩnh không nào? Bà đã chẳng chịu đủ mọi việc đối xử tệ hại vì bà cư xử theo lối ấy lúc làm việc hay sao?

Mẹ hét lên:

- Tôi không tiếc một chút nào đâu. Sống danh dự hoặc chết - Đó là nguyên tắc sống của tôi. Và tôi muốn các con tôi cũng xử sự theo nguyên tắc đó.

- Nhưng bà xem bà đã gây ra những gì cho chúng? Khi chúng ta sống theo nguyên tắc của bà, cái lý tưởng vô nghĩa đó, bà hãy thử xem những gì xảy ra cho chúng? Chúng bị xã hội vùi dập.

Mẹ bảo:

- Tôi không thể chịu được, ông, người đàn ông tôi đã cưới, người cha của bốn đứa con tôi, lại nhục mạ những nguyên tắc sống của tôi.

Bố tôi đấm ngực, đá chân, thề rằng ông không có ý như thế.

San Hô không nói với tôi. Nó gói ghém hành lý đi nông trường Lửa Đỏ. Tôi đau khổ khi thấy nó phải rời xa gia đình đến nơi gian khổ mà tôi đã nếm trải. Tôi không biết bao giờ nó mới hiểu được điều đó. Tôi cảm thấy đầy tội lỗi. Tôi đưa tiền lương của tôi cho mẹ và bảo mẹ mua sắm những thứ cần thiết cho San. Mẹ bảo tôi, San nó không muốn thứ gì của tôi cả. Tôi biết tôi không bao giờ trả được cái giá cho sự đau khổ của nó.

Tôi không về nhà cái ngày San Hô quyết định rời nhà đến nông trường Lửa Đỏ.

Tôi trông chờ Xô Viết Hồng hỏi tôi. Những bà không hỏi. Bà trò chuyện với mọi người khác trong phòng trừ tôi. Tôi nghĩ bà sẽ công khai phê phán tôi, nhưng không. Bà nói với các bạn của tôi về Đỗ Quyên Đỏ, về khả năng cuốn hút, say mê mà bộ phim sẽ gây ra. Bà phân phát từng phần kịch bản, những không bảo tôi khi nào diễn và diễn thế nào. Tôi bị bỏ rơi. Không ai có trách nhiệm với tôi. Đột nhiên tôi không có việc gì làm. Tôi được phân công theo dõi mọi người khác ôn tập. Tôi nghe tiếng đọc vở oang oang. Tôi nghe tiếng Xung Kích đọc vở ngay cả trong giấc ngủ. Nỗi đau đớn của tôi tựa hồ như nước thấm vào cát, âm ỉ, thâm vào tận đáy lòng tôi. Tôi hình như không còn tồn tại nữa.

Ong bị cảnh cáo vì cô chơi bóng bàn quá nhiều với một học sinh nam. Cô bị báo cáo là hai người thường ve vãn nhau mỗi khi vụt bóng. Ong khóc và cãi không có chuyện gì giữa hai người. Xô Viết Hồng đã nói chuyện riêng rẽ với cả hai. Bà nhấn mạnh bà đã khám phá ra đôi này không đi quá xa. Bà khuyên chúng tôi, bà nói:

- Một tư tưởng lành mạnh là điều quan trọng nhất trong đời.

Lúc tôi nghe, tôi ngắm nhìn mặt bà. Mọi biểu hiện trên mặt đều tỏ nét chính chuyên. Da bà rất trắng, chiếc khăn tay của bà sực mùi dầu con hổ. Bà kể lại cho chúng tôi nghe một chuyện, một chuyện bà đã chứng kiến. Đó là chuyện một nữ diễn viên khóa trước đã sa đọa và phá hủy tương lai của mình vì có chuyện với một người đàn ông nhiều tuổi hơn như thế nào. Xô Viết Hồng vạch ra rằng nữ diễn viên ấy đã đọc quá nhiều Jane Eyre, Jane Eyre đã phá hủy cuộc đời cô ta.

Ngay lập tức tôi muốn đọc Jane Eyre, mặc dù đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên đó. Theo Xô Viết Hồng, cặp tình nhân này bị bắt ở đường Hồ Châu Gia. Trong khi họ đang nấp trong bụi rậm vào một buổi tối quá khuya, người phụ nữ bị một đồng chí đi qua nhận mặt. Như ngạn ngữ cổ thường nói: không có chuyện tường che nổi gió. Hành động của họ được phanh phui ngay đêm ấy. Khi người đàn bà ăn năn hối hận về những gì mình đã làm thì vô ích mất rồi. Xô Viết Hồng đã được nghe lời cô ta nói thế trong một cuộc mít-tinh quần chúng. Nhưng đã muộn qua rồi. Cô ta bị coi như một tội phạm suốt cuộc đời còn lại. Giờ đây cô ta làm công việc của một người quét dọn ở nhà nghỉ của xưởng phim.

Xô Viết Hồng nói:

- Tôi thành thật hy vọng các em đừng đi theo con đường bão tố của cô ta.

Bà đưa mắt về phía tôi và khẽ gật đầu. Tôi muốn tránh cái nhìn chòng chọc của bà, nhưng tôi lại ép tôi đối mặt với bà. Đầu óc tôi hình dung cô diễn viên trẻ được người đàn ông nhiều tuổi vuốt ve thế nào. Giờ đây tôi biết Xô Viết Hồng đang nói về ai. Tôi biết cô diễn viên trẻ đó. Cô là một sắc đẹp hiếm có, với đôi mắt tươi cười như hoa. Cả xưởng phim đều gọi cô là con điếm. Ai cũng có thể nói chuyện tếu về cô. Những công nhân nam kể những chuyện tếu bẩn thỉu họ đã có với cô như thế nào. Cô trở thành trò đùa. Nhưng thật lạ lùng, tôi không hề trông thấy một nét buồn trong mắt cô. Cô mang vẻ mặt của một kẻ chơi bời. Cô cóc cần gì nữa. Cô đùa lại với những người công nhân. Cô bảo với những người vợ khinh miệt cô rằng cô ngủ với chồng họ. Cô bảo với những người công nhân rằng cô ngủ với những ông chủ của họ kia. Cô đã trở thành một con điếm thực sự.

Ngày đăng: 11/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?