Gửi bài:

Chương 4

Chúng tôi lặng lẽ lái xe đi, chiếc Acura lẹ làng lướt qua hoàng hôn. Giờ này buổi tối, chạy xe từ nhà tôi ở ngoại ô đến nhà Fielding gần trường Đại học Bắc Carolina trên đồi Chapel khá nhanh chóng. Rachel không hiểu yêu cầu phải im lặng của tôi, và tôi cũng không hy vọng cô hiểu. Khi tôi bắt đầu dính líu với Trinity, mức độ bài ngoại của chính sách an ninh làm tôi kinh ngạc. Các nhà khoa học khác, trong đó có Fielding, trước đây từng làm việc trong các dự án liên quan đến quốc phòng, đã chấp nhận tình trạng cưỡng chế an ninh ấy như một điều phiền toái cần thiết. Nhưng dần dần, ngay cả những người kỳ cựu cũng than vãn rằng chúng tôi đang phải chịu đựng những điều chưa có tiền lệ. Mạng lưới theo dõi tỏa ra khắp nơi và vươn cả ra ngoài những khu thí nghiệm. Ai phản đối đều bị nhắc nhở cộc lốc rằng các nhà khoa học của Dự án Manhattan còn buộc phải sống giữa hàng rào dây thép gai để bảo đảm an toàn cho "thiết bị". Chút tự do mà chúng tôi được hưởng có cái giá của nó, đường dây điện thoại riêng cũng thế.

Fielding không chịu trả giá. Các trắc nghiệm phát hiện nói dối "ngẫu nhiên" được thực hiện gần như hằng tuần, và ngay cả nhà chúng tôi cũng bị theo dõi. Hôm nay, trước khi có thể bắt đầu quay băng video, tôi đã phải bịt các lỗ kim giấu những microphone nhỏ li ti trên tường. Fielding đã phát hiện ra chúng nhờ cái máy quét đặc biệt ông lắp trong nhà và dùng đinh ghim đánh dấu những chỗ đặt rệp. Ông có vài trò tiêu khiển nhằm tránh sự nhòm ngó của bọn do thám Trinity. Ông nhắc tôi không được tự do nói bí mật riêng trong xe. Ô tô là chỗ rất dễ đặt rệp, ngay cả xe sạch cũng có thể bị nghe trộm từ xa bằng microphone công nghệ cao đặc biệt. Trò chơi mèo vờn chuột của ông người Anh này với NSA làm tôi lắm phen thích thú, nhưng ai cũng biết kẻ nào sẽ giành phần thắng cuối cùng.

Tôi liếc nhìn Rachel. Được ngồi cùng xe với cô kể cũng là chuyện lạ lùng. Trong vòng năm năm từ ngày vợ tôi mất, tôi có quan hệ với hai phụ nữ, đều trước khi tôi làm việc với Trinity. Lần này với Rachel không phải "quan hệ" theo nghĩa lãng mạn. Trong ba tháng qua, cứ mỗi tuần hai giờ, tôi ngồi trong phòng cùng cô thảo luận về khía cạnh rối ren nhất đời tôi: những giấc mơ. Qua những câu hỏi và giải thích của cô, có lẽ cô đã phát hiện ra bản thân mình nhiều hơn là hiểu biết về tôi - song đến giờ còn rất nhiều điều ẩn giấu.

Cô vốn từ viện Giáo hội Trưởng lão New York xuống để nhận vị trí trưởng khoa ở Duke, ở đây cô dạy cho một nhóm nhỏ các bác sĩ nội trú khoa tâm thần về phương pháp phân tích theo trường phái Jung, một nghệ thuật đang suy tàn trong ngành bệnh học tâm thần dược lý hiện đại. Cô cũng có những bệnh nhân riêng, và tiến hành nghiên cứu bệnh lý tâm thần. Sau hai năm làm việc gần như cô độc ở Trinity, tôi thấy kích thích khi tiếp xúc với bất kỳ phụ nữ thông minh nào. Nhưng Rachel đâu phải chỉ có trí thông minh. Ngồi trong chiếc ghế bọc da, trang phục hoàn hảo, mái tóc đen tết kiểu Pháp, cô tập trung nhìn tôi không chớp mắt, như muốn thâm nhập vào chiều sâu tâm trí tôi, nơi mà chính tôi cũng chưa dò tới. Đôi khi gương mặt cô, đặc biệt là đôi mắt, là cả một không gian đối với tôi. Đôi mắt ấy là lãnh địa mà tôi chiếm lĩnh, là cử tọa cho tôi giãi bày, là phán quyết mà tôi chờ đợi. Nhưng đôi mắt ấy rất chậm đưa ra phán quyết, ít nhất trong thời gian đầu. Cô hỏi tôi về những hình ảnh nào đó, rồi hỏi tiếp về mấy câu trả lời tôi vừa đưa ra. Đôi khi cô giải thích về các giấc mơ của tôi, nhưng hoàn toàn không giống các bác sĩ tâm thần của NSA mà tôi biết, cô không nói chắc như đinh đóng cột. Dường như cô tìm kiếm ý nghĩa cùng tôi, khơi gợi để tôi tự mình hiểu ra ý nghĩa của các hình tượng.

"David, anh không cần phải lái lòng vòng suốt đêm. Tôi sẽ không phản anh đâu."

Đúng, tôi nghĩ. Ảo giác về một âm mưu bí mật của chính phủ thì có gì sai cơ chứ? "Hãy kiên nhẫn," tôi bảo cô. "Không còn xa nữa đâu."

Cô nhìn tôi trong bóng tối mờ mờ, ánh mắt hoài nghi.

"Khoản tiền thưởng của một giải Nobel là bao nhiêu?"

"Khoảng một triệu đô. Fielding nhận ít hơn Ravi Nara là vì..." Tôi tắt ngấm khi nhận thấy cô chỉ muốn thử thêm lần nữa, cố làm tiêu tan cái "ảo ảnh" của tôi.

Tôi tập trung nhìn đường, trong bụng chắc mẩm chỉ vài phút nữa cô sẽ phải thừa nhận chứng hoang tưởng của tôi ít nhất cũng có phần nào cơ sở thực tế. Lúc đó cô sẽ nghĩ sao nhỉ? Liệu cô có sẵn lòng nghe tôi giải thích về những giấc mơ của mình, dù chúng có vẻ vô lý thế nào chăng nữa?

Ngay từ buổi thăm khám đầu tiên, Rachen đã khăng khăng rằng cô không thể lý giải đúng các "ảo giác" nếu cô không được biết những chi tiết bí mật trong quá khứ và công việc của tôi. Nhưng tôi không thể tiết lộ nhiều. Fielding đã cảnh báo tôi rằng với NSA, bất cứ ai biết bất kỳ điều gì về Trinity hoặc các yếu nhân của nó, sẽ bị coi là mối nguy hiểm tiềm tàng. Ngoài mối lo ngại đó ra, tôi thấy những hình ảnh tôi mơ trong thời gian bị chứng ngủ rũ không có liên hệ gì với quá khứ của mình. Những hình ảnh ấy dường như đến từ bên ngoài tâm trí tôi. Không phải theo nghĩa nghe thấy ảo thanh, dấu hiệu chắc chắn của bệnh tâm thần phân liệt, mà là theo cái nghĩa xưa nay vẫn hiểu về hình ảnh thị giác. Những hình ảnh hé lộ thiên cơ như các nhà tiên tri thường mô tả. Đối với một người từ bé chưa hề tin vào Chúa, đó là một tình trạng nhiễu loạn kỳ quái.

Những giấc mơ của tôi không xuất hiện ngay từ cơn ngủ rũ đầu tiên. Hồi đầu tôi thật sự bất tỉnh. Có những lỗ hổng trong đời. Những khoảng trống thời gian mất đi vĩnh viễn. Tôi đang ngồi làm việc trước máy tính văn phòng thì bỗng cảm thấy người rung bần bật. Ban đầu thì toàn thân, sau đó cơn rung nhanh chóng tập trung vào răng. Đó là triệu chứng thông thường của chứng ngủ rũ. Tôi bắt đầu cảm thấy buồn ngủ rũ rượi, rồi tự nhiên giật mình choàng tỉnh trên ghế, ngó đồng hồ đã bốn mươi phút trôi qua. Tôi thấy giống như bị gây mê. Không còn nhớ gì nữa cả.

Nhưng rồi giấc mơ đến sau một tuần bất tỉnh. Những giấc mơ đầu tiên luôn luôn giống nhau, chỉ là ác mộng lặp đi lặp lại làm tôi sợ hơn cả những lần mất ý thức. Tôi nhớ lần đầu tiên khi nghe tôi kể tỉ mỉ hiện tượng này, Rachel đã ngạc nhiên thế nào, cô cho là mình hiểu hình ảnh ấy với vẻ chắc chắn khác thường ra sao. Tôi ngồi thụt sâu trong ghế bành lót đệm, đối diện bàn viết của cô, nhắm mắt lại và bắt đầu kể về những hình ảnh mà tôi thấy rất thường xuyên.

Tôi đang ngồi trong một căn phòng tối. Không có chút ánh sáng nào rọi vào. Không một âm thanh nào vọng đến. Tôi có thể lấy tay sờ mắt và tai tôi, nhưng tôi không nhìn không nghe thấy gì. Tôi không nhớ gì. Tôi không có quá khứ. Và bởi vì tôi không nhìn không nghe thấy gì, tôi không có cả hiện tại. Tôi chỉ tồn tại. Đó là thực tại của tôi. TÔI CHỈ TỒN TẠI. Tôi cảm thấy mình như một nạn nhân đột quỵ bị cầm tù trong cơ thể và bộ não không còn hoạt động. Tôi có thể suy nghĩ, nhưng không phải về một hình ảnh nhất định. Tôi cảm nhiều hơn nghĩ. Và điều tôi cảm thấy là như thế này: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tại sao tôi có một mình? Có phải lúc nào tôi cũng ở đây không? Tôi có ở đây mãi không? Những ý nghĩ ấy không chỉ chất đầy tâm trí tôi. Nó chính là tâm trí tôi. Không có thời gian như chúng ta đã biết, chỉ có những câu hỏi chuyển từ câu này sang câu khác. Cuối cùng, các câu hỏi hòa tan vào một câu thần chú: Tôi từ đâu đến? Tôi từ đâu đến? Tôi là một người bị tổn thương não ngồi trong căn phòng vĩnh cửu, đặt một câu hỏi về bóng tối."

"Anh thấy không?" Rachel nói. "Anh chưa hoàn toàn thoát khỏi sự ám ảnh về cái chết của vợ con anh. Do mất họ mà anh bị cắt lìa khỏi thế giới này, và khỏi bản thân anh. Anh bị tổn hại rồi. Anh bị thương tật rồi. Cái người bước đi trong thế giới ánh sáng kia là một hành động. Con người thật của David Tennant ngồi trong căn phòng tối, không có khả năng cảm và nghĩ. Không ai có thể cảm nhận được nỗi khổ hay sự đau đớn của anh ta."

"Không phải thế đâu," tôi nói. "Tôi đã có một bước ngoặt về tâm thần, lạy Chúa. Không phải nỗi đau chưa được hóa giải."

Cô thở dài, lắc đầu. "Các bác sĩ luôn tạo ra những con bệnh tệ nhất."

Một tuần sau, tôi bảo cô rằng giấc mơ đã thay đổi.

"Bây giờ trong phòng có thứ gì đó hiện diện cùng tôi. "

"Đó là cái gì?"

"Tôi không biết. Tôi không trông thấy nó."

"Nhưng anh biết nó ở đấy?"

"Phải."

"Người à?"

"Không. Nó rất nhỏ. Một quả cầu, trôi trong không gian. Một quả banh chơi gôn màu đen trôi nổi trong bóng tối."

"Sao anh biết nó ở đấy?"

"Nó giống như thứ bóng tối đậm đặc hơn ở trung tâm bóng tối. Và nó kéo tôi xuống."

"Kéo như thế nào?"

"Tôi không biết. Giống như trọng lực ấy. Trọng lực xúc cảm. Nhưng tôi biết điều này. Nó biết câu trả lời cho vấn đề của tôi. Nó biết tôi là ai và tại sao tôi ngồi lì trong căn phòng tối ấy."

Và rồi nó đi, thay hình đổi dạng chút ít, cho đến khi giấc mơ lại thay đổi lần nữa. Thay đổi sâu sắc. Một đêm, trong lúc đang ngồi nhà đọc sách, tôi "lịm đi" theo cách thông thường. Tôi thấy mình vẫn ngồi trong căn phòng tối quen thuộc, đặt câu hỏi về quả cầu đen. Rồi không hề báo trước, quả cầu nổ chói lòa. Sau một hồi ngồi trong bóng tối thì một que diêm lóe lên cũng đủ giống như vụ nổ, đằng này đâu phải que diêm. Nó nổ bung ra mọi hướng với cường độ của một quả bom khinh khí. Chỉ có điều, nó không tự cuộn mình vào trong mà bùng ra thành một đám mây hình nấm. Nó nở ra với sức mạnh và tốc độ vô hạn, và tôi có cảm giác kinh khủng là bị nó nuốt chửng, nuốt chửng chứ không nghiền nát. Khi ánh sáng lóa mắt nuốt trọn bóng tối, vốn là chính tôi, không hiểu sao tôi biết được chuyện này có thể tiếp diễn hàng tỉ năm nữa mà vẫn không phá hủy tôi hoàn toàn. Thế mà tôi vẫn sợ.

Rachel không hiểu những giấc mơ ấy. Trong ba tuần kế tiếp, cô chỉ lắng nghe tôi miêu tả sự ra đời của các vì sao và dải Ngân hà, sự sống và cái chết của chúng, những lỗ đen, siêu tân tinh, những tinh vân lấp lóe như kim cương bột rắc trên nền trời tối đen, các hành tinh sinh ra và mất đi. Tôi như nhìn suốt từ đầu này đến đầu kia vũ trụ, thấy tất cả các thiên thể cùng lúc dãn ra về phía tôi với tốc độ ánh sáng.

"Trước đây anh từng thấy những hình ảnh như vậy chưa?" cô hỏi tôi. "Khi tỉnh thức?"

"Làm sao tôi có thể thế được?"

"Anh đã xem các bức ảnh do kính thiên văn vũ trụ Hubble chụp chưa?"

"Tất nhiên rồi."

"Chúng rất giống những gì anh vừa miêu tả."

Cảm giác thất vọng trườn vào giọng nói của tôi. "Cô không hiểu. Tôi không chỉ trông thấy chúng. Tôi cảm thấy chúng. Giống như tôi thường cảm thấy khi nhìn trẻ con, những trận đánh, hay các cặp tình nhân với nhau. Nó không chỉ là hình ảnh thị giác."

"Tiếp tục đi."

Đó là câu cửa miệng của cô. Tôi nhắm mắt lại và chìm đắm trong giấc mơ gần đây nhất.

"Tôi đang ngắm nhìn một hành tinh. Bay lượn phía trên nó. Có những đám mây, nhưng không phải như chúng ta thường thấy. Chúng xanh tựa axit, bị méo mó đi vì giông bão. Bây giờ tôi đang lặn, lặn qua mây, như hình ảnh vệ tinh phóng to sát mặt đất. Phía dưới có đại dương, nhưng đại dương không phải màu xanh. Nó màu đỏ, và đang sôi. Tôi nhào xuyên qua mặt đại dương, lặn sâu trong màu đỏ. Tôi đang tìm một thứ, nhưng nó không có đấy. Đại dương trống rỗng."

"Tôi nảy ra rất nhiều ý trong lúc anh miêu tả," Rachel bảo. "Trước hết là những hình ảnh màu. Màu đỏ có lẽ rất quan trọng. Đại dương rỗng là biểu tượng của sự hoang vu, nó thể hiện tâm trạng đau buồn của anh." Cô ngập ngừng một lát. "Anh tìm cái gì dưới đại dương?"

"Tôi không biết."

"Tôi nghĩ anh biết."

"Tôi không tìm Karen và Zooey."

"David." Một thoáng bực bội trong giọng nói của cô. "Nếu anh không nghĩ những hình ảnh ấy có tính tượng trưng thì anh đến đây làm gì?"

Tôi mở to mắt nhìn khuôn mặt hết sức điềm tĩnh của cô. Bức màn chuyên môn đã ngăn cô thấu cảm, nhưng tôi nhìn thấy sự thật. Cô đang phóng chiếu cảm giác mất mát gia đình của chính cô qua tôi.

"Tôi đến đây vì tôi không tìm thấy câu trả lời cho bản thân mình," tôi nói. "Bởi vì tôi đã đọc cả một núi sách mà cũng không giải quyết được gì."

Cô nghiêm trang gật đầu. "Làm sao anh nhớ được những ảo giác đến từng chi tiết như thế? Anh có ghi chúng lại sau khi thức dậy không?"

"Không, chúng không giống những giấc mơ, là cái ta càng gắng nhớ lại bao nhiêu thì càng khó nhớ bấy nhiêu. Đằng này lại không thể tẩy đi được. Đó có phải là đặc điểm của giấc mơ trong cơn ngủ rũ không?"

"Phải," cô dịu dàng nói. "Thôi được. Karen và Zooey đã chết đuối. Tay Karen chắc đã chảy máu khá nhiều, và cả đầu nữa khi chị ấy đập đầu xuống tay lái. Có lẽ vì vậy mà nước có màu đỏ." Rachel ngửa ghế ra và nhìn lên trần nhà. "Trong những ảo ảnh này không có người, nhưng anh đã trải qua phản ứng xúc cảm cực mạnh. Anh có nhắc đến cuộc vật lộn. Anh đã bao giờ phải vật lộn chưa?"

"Chưa."

"Nhưng anh biết rằng Karen đã phải chiến đấu để cứu Zooey. Chị ấy vật lộn để giành lấy sự sống. Anh đã kể với tôi thế."

Tôi nhắm mắt lại. Tôi không muốn nghĩ về chi tiết ấy, nhưng đôi khi tôi không xua đuổi được ý nghĩ. Khi xe của Karen lao xuống đầm nước, xe lật ngửa và ngập trong gần ba mươi xen ti mét bùn nhão. Cửa sổ điện bị chập mạch, nên các cửa không thể nào mở ra được. Xương tay chân của Karen dập nát chứng tỏ nàng đã phải chiến đấu điên cuồng để đập vỡ của kính. Nàng là một thiếu phụ mảnh mai, không khỏe mạnh lắm, nhưng nàng đã không bỏ cuộc. Một nhân viên cứu hộ có mặt ở hiện trường tai nạn kể với tôi rằng khi cuối cùng chiếc xe được trục vớt lên khỏi bùn nhão, và cửa xe mở ra, anh ta thấy nàng ngồi ở băng sau, một tay ôm chặt bé Zooey, tay kia nổi bập bềnh, bàn tay đã bị gãy và các đốt ngón tay giập nát.

Tình huống xảy ra sự cố đã rõ. Khi nước vào đầy xe, Karen vật lộn để đập vỡ cửa kính, Zooey thì quá hoảng sợ. Ai trong cảnh ấy cũng thế, huống hồ một đứa bé. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều bà mẹ khác hẳn chỉ lo vật lộn trong khi con mình khóc thét vì sợ hãi. Một số khác có lẽ đã quay sang dỗ dành đứa bé, và cầu nguyện cho có người tới cứu. Nhưng Karen đã ghì chặt bé Zooey vào lòng, hứa với nó mọi việc sẽ ổn thôi, rồi với đôi chân của mình, nàng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thoát khỏi cỗ quan tài chìm trong nước ấy. Việc nàng vẫn ôm chặt bé Zooey trong khi chịu nỗi đau đớn cực độ vì bị ngạt cho thấy ở nàng tình yêu mạnh hơn nỗi sợ, và biết được điều đó khiến lòng tôi nguôi ngoai đôi chút.

"Những đám mây màu xanh và đại dương màu đỏ chẳng liên hệ gì với tai nạn ô tô cách đây năm năm," tôi nói.

"Không ư? Vậy tôi nghĩ anh nên kể cho tôi nghe thêm về thời thơ ấu của mình."

"Nó không liên quan."

"Anh làm sao biết được," Rachel khăng khăng.

"Tôi biết."

"Vậy thì hãy kể cho tôi về công việc của anh."

"Tôi dạy môn y đức."

"Anh đã xin nghỉ hơn một năm nay rồi."

"Do đâu mà cô biết được?"

"Tôi nghe nói ở bệnh viện."

"Ai nói?"

"Tôi không nhớ. Tôi vô tình nghe được. Anh rất nổi tiếng trong ngành y. Các bác sĩ ở Duke nói đến cuốn sách của anh luôn. Cả ở viện Giáo hội Trưởng lão New York cũng thế. Vậy đúng không? Có đúng là anh đã xin nghỉ dạy ở trường y không?"

"Chúng ta chỉ đề cập đến những giấc mơ thôi được không? Như vậy an toàn hơn cho cả hai."

"An toàn hơn như thế nào?"

Tôi không trả lời.

Trong cuộc hẹn thăm khám lần sau, các giấc mơ lại thay đổi.

"Tôi đang lơ lửng giữa vũ trụ, nhìn về Trái đất. Đó là vật đẹp nhất tôi từng thấy. Sắc xanh lam và lục với mây trắng cuồn cuộn. Một vật thể sống, một hệ thống khép kín tuyệt hảo. Tôi lặn qua những dải mây, con thiên nga trăm dặm lặn vào đại dương xanh thẳm. Trái đất bừng bừng sức sống. Những phân tử khổng lồ, thể đa bào, sứa, mực ống, rắn biển, cá mập. Mặt đất cũng kín đặc. Rừng rậm bao phủ. Bản giao hưởng của màu xanh cây lá. Trên bờ, cá nhảy lên khỏi sóng và mọc chân. Những con cua kỳ lạ chạy hối hả trên cát và biến thành những sinh vật khác tôi chưa từng thấy. Thời gian trôi vun vút, giống như quá trình tiến hóa trên máy chiếu diễn ra nhanh gấp triệu lần so với tự nhiên. Khủng long biến thành chim, loài gặm nhấm thành động vật có vú, linh trưởng rụng hết lông. Các tảng băng phủ kín rừng già rồi tan ra thành xavan. Hai mươi nghìn năm trôi qua trong một hơi thở..."

"Chầm chậm thôi," Rachel khuyên. "Anh đang xúc động đấy."

"Làm thế nào tôi lại thấy tất cả những cảnh này?"

"Anh biết câu trả lời mà. Trí óc anh tạo ra bất kỳ hình ảnh nào có thể tưởng tượng ra, rồi coi nó là sự thật. Bức ảnh trái đất nhìn từ vũ trụ là một biểu tượng của văn hóa hiện đại. Nó làm người xem xúc động, và anh hẳn đã nhìn thấy nó năm mươi lần kể từ thời thơ ấu."

"Trí óc tôi có thể tạo ra những sinh vật mà tôi chưa từng thấy hay sao? Những con vật trông rất thật."

"Tất nhiên. Anh đã xem tranh của Hieronymus Bosch. Và tôi đã thấy trên ti vi những hình ảnh tốc độ cao mà anh vừa mô tả. Trước đây, tạp chí Life đã làm điều tương tự trong các ấn phẩm. 'Sự Tiến hóa của loài người' chẳng hạn. Vấn đề là, tại sao anh thấy những cảnh này?"

"Đó là lý do tôi đến đây để tìm hiểu."

"Anh có thấy mình trong những cảnh siêu thực này không?"

"Không."

"Anh cảm thấy thế nào?"

"Tôi vẫn đang tìm kiếm một thứ."

"Cái gì vậy?"

"Tôi không biết. Tôi giống như một con chim đang nhìn bao quát mặt đất để tìm kiếm... một thứ."

"Trong mơ anh thấy mình là chim à?"

Giọng cô có vẻ hy vọng. Chim phải có ý nghĩa gì đó trong việc giải đoán giấc mơ.

"Không."

"Vậy anh thấy mình là gì?"

"Không gì cả, thật đấy. Một cặp mắt."

"Một người quan sát?"

"Phải. Một người quan sát hồn lìa khỏi xác. T.J.Eckleburg 1 ."

"Ai?"

"Không. Một nhân vật của Scott Fitzgerald."

"Ồ, tôi nhớ ra rồi." Cô đưa cán bút lên miệng cắn nhẹ. Một cử chỉ không bình thường ở cô. "Anh có ý tưởng gì về việc tại sao anh nhìn thấy tất cả những cảnh đó không?"

"Có." Tôi biết những lời sau đây sẽ làm cô ngạc nhiên. "Tôi tin rằng có ai đó cho tôi xem những cảnh tượng ấy." Cô mở to mắt, thực ra đó là màn diễn của Rachel Weiss. "Thật ư?"

"Ai cho anh xem những cảnh ấy?"

"Tôi không biết. Thế sao cô biết tôi tưởng tượng ra chúng?"

Cô hết quay đầu bên nọ rồi lại quay bên kia. Tôi dường như có thể thấy tế bào thần kinh của cô cháy lên khi xử lý lời lẽ của tôi qua bộ lọc mà sự đào tạo và kinh nghiệm đã gắn chắc vào óc cô. "Tiến hóa là thay đổi. Anh đang nhìn thấy sự thay đổi diễn ra với tốc độ phi tự nhiên. Những thay đổi không kiểm soát được. Tôi cảm thấy cái này có dính dáng ít nhiều đến công việc của anh."

Có thể cô đúng, tôi nghĩ, nhưng tôi không nói ra. Tôi chỉ tiếp tục. Sự im lặng của tôi là lá chắn duy nhất cho cô. Cuối cùng, điều này cũng chẳng quan trọng gì, vì chủ đề tiến hóa đã nguội, và những gì xâm chiếm trí óc say ngủ của tôi làm tôi rung động tận đáy lòng.

Trong giấc mơ mới của tôi có cả người. Họ không nhìn thấy tôi, còn tôi chỉ thoáng thấy bóng họ. Chẳng khác nào đang xem những cuốn phim hỏng chắp nối lộn xộn với nhau. Một người đàn bà bế đứa bé bên hông. Một người đàn ông đang múc nước trong giếng. Một người lính mặc quân phục, mang gươm ngắn, một đấu sĩ như tôi được học hồi lớp tám, trong môn La tinh của cô Whaley. Một chiến binh La Mã. Đó là đầu mối thực đầu tiên của tôi để thấy rằng đây không phải chuỗi hình ảnh ngẫu nhiên, mà là những cảnh của một thời đại nhất định. Tôi thấy bò kéo cày. Một cô gái bán thân trên phố. Người ta đổi tiền. Tiền vàng và tiền đồng in hình khuôn mặt nghiêng nghiêng hống hách của một hoàng đế. Một cái tên. Tiberius. Cái tên ấy gợi lên một vài điều trong óc tôi, nên tôi tìm trên Internet. Tiberius, cựu quân đoàn trưởng, người kế vị Augustus, đã dành phần lớn thời gian trong triều đại của mình lãnh đạo chiến dịch quân sự ở Germania. Một trong số ít những sự kiện quan trọng trong thời kỳ chấp chính của ông (mãi sau này mới được phát hiện) là việc hành hình một nông dân Do Thái vì đã dám tự xưng là vua của người Do Thái.

"Cha anh có sùng đạo không?" Rachel hỏi sau khi nghe kể về giấc mơ mới này.

"Không. Ông ấy là... ông ấy nhìn thế giới theo cách cơ bản hơn."

"Ý anh định nói gì?"

"Nó không liên quan."

Một tiếng thở dài bực bội. "Thế còn mẹ anh?"

"Mẹ tôi tin vào cái gì đó cao hơn loài người, nhưng bà không quá lệ thuộc vào những tôn giáo có tổ chức."

"Khi còn nhỏ anh không được học giáo lý à?"

"Có vài năm theo học trường Chủ nhật. Không có ý nghĩa gì lắm."

"Giáo phái nào?"

"Giám Lý. Đó là nhà thờ gần nhà chúng tôi nhất."

"Họ có chiếu phim về cuộc đời Chúa Jesus không?"

"Có lẽ có. Tôi không nhớ nữa."

"Anh lớn lên ở Oak Ridge, Tennessee, đúng không? Thế thì chắc là có. Và tất nhiên tất cả chúng ta đều đã xem những phim sử thi Kinh thánh từ những năm năm mươi. Mười điều răn. Ben Hur. Đại loại thế."

"Cô đang nói gì thế?"

"Ý tôi chỉ là những ảo ảnh này đã nằm trong tiềm thức của anh từ nhiều năm rồi. Nó có trong tất cả chúng ta. Nhưng giấc mơ của anh có vẻ đang tiến đến một thứ. Và thứ đó có thể là Jesus xứ Nazareth."

"Cô đã nghe kể về những giấc mơ thế này bao giờ chưa?" tôi hỏi.

"Tất nhiên. Nhiều người mơ về Jesus. Về việc giao tiếp riêng với Chúa, nhận thông điệp từ Chúa. Nhưng tiến trình các giấc mơ của anh có logic nhất định và giọng điệu tự nhiên hơn là những hoang tưởng ám ảnh rối rắm. Anh lại tuyên bố mình là người vô thần, hay ít nhất cũng theo thuyết bất khả tri luận. Tôi rất muốn xem điều này sẽ đi đến đâu."

Tôi đánh giá cao sự quan tâm của cô, nhưng đã quá mệt mỏi vì chờ đợi những câu trả lời. "Nhưng cô cho rằng điều đó có ý nghĩa gì?"

Cô mím môi, lắc đầu. "Tôi không còn tin những giấc mơ ấy có liên hệ với việc anh mất vợ con. Nhưng sự thật là tôi chưa hiểu rõ về cuộc đời anh để đưa ra những đánh giá xác đáng."

Chúng tôi lâm vào thế bí. Tôi vẫn không tin quá khứ của mình có dính dáng gì đến các giấc mơ. Tuy vậy, thời gian trôi đi, những thước phim kinh hoàng trong đầu tôi bắt đầu trở nên rõ ràng, và một số nhân vật trong mơ xuất hiện trở lại. Những gương mặt tôi thấy quen thuộc hơn, như bạn bè. Rồi còn thân thuộc hơn cả bạn bè. Một thứ tình cảm lớn lên trong tôi, tôi nhớ những khuôn mặt này, không phải chỉ từ các giấc mơ trước đó. Tôi tả cho Rachel chính xác nhất có thể.

Tôi đang ngồi giữa một vòng tròn. Những khuôn mặt râu ria say sưa quan sát tôi. Tôi biết mình đang nói bởi rõ ràng họ đang chăm chú lắng nghe, tuy nhiên tôi không nghe được tiếng mình nói.

Tôi thấy một gương mặt phụ nữ, thánh thiện mà giản dị, và một đôi mắt tôi biết giống như mắt mẹ tôi. Tuy nhiên, chúng không thuộc về mẹ tôi, không phải người mẹ đã nuôi tôi lớn ở Oak Ridge. Thế nhưng đôi mắt ấy lại nhìn tôi với tình yêu thuần khiết. Một người đàn ông có râu đứng bên bà, ngắm tôi với niềm tự hào của người cha. Nhưng cha tôi suốt đời luôn cạo râu nhẵn nhụi.

Tôi thấy mấy con lừa... và một cây chà là. Lũ trẻ trần truồng. Một dòng sông nâu. Tôi thấy lạnh, rùng mình tê tái như khi ngâm mình xuống nước, tiếng bàn chân trên cát. Tôi thấy một thiếu nữ tóc đen xinh đẹp, ghé sát mặt hôn tôi rồi ngượng ngùng chạy biến. Tôi bước đi giữa những người lớn. Gương mặt họ như muốn nói, Đứa trẻ này không giống những đứa trẻ khác. Một người đàn ông ánh mắt hoang dã đứng trong nước ngập đến hông, một hàng người cả đàn ông đàn bà đứng đợi đến lượt xuống ngâm, trong khi những người khác lội từ dưới nước lên, ho và thở phì phì, mắt mở to.

Đôi khi những giấc mơ không có logic, mà chỉ là những mảnh vụn rời rạc. Cuối cùng khi logic trở lại, nó làm tôi khiếp hãi.

Tôi đang ngồi bên giường một cậu bé. Em không cử động được. Đôi mắt nhắm nghiền. Em bị liệt đã hai ngày nay. Ngồi bên tôi có mẹ và dì của em. Họ mang thức ăn, nước mát, dầu để xức cho em. Tôi thì thầm vào tai em. Tôi bảo người phụ nữ giữ tay em, đoạn cúi xuống gọi tên em. Mắt em nhắm nghiền, nước nhầy chảy ra. Rồi đôi mắt ấy mở ra và sáng bừng khi nhận ra mẹ em. Mẹ em thở hổn hển, kêu lên rằng tay em đã cử động được. Bà nâng em dậy, và em ôm chầm lấy bà. Hai người phụ nữ khóc vì vui sướng...

Tôi đang ngồi ăn với một nhóm phụ nữ. Ô liu và bánh mì dẹt. Vài người tránh nhìn vào mắt tôi. Ăn xong, họ dẫn tôi vào một buồng ngủ, có một bà bầu nằm trên giường. Họ bảo tôi cái thai nằm trong bụng quá lâu rồi, mãi không chịu chào đời. Họ sợ đứa bé chết. Tôi bảo mấy người phụ nữ ra ngoài. Người mẹ trẻ sợ tôi. Tôi nhẹ nhàng vỗ về cô, rồi nâng chăn đặt tay lên bụng cô. Nó căng phồng, cứng như một cái trống. Tôi để tay trên đó hồi lâu, khẽ thúc giục, thì thầm với cô. Tôi không hiểu mình nói gì. Tựa một khúc ca êm ái. Lát sau, cô hé miệng. Cô thấy tiếng đạp. Cô kêu to gọi những người phụ nữ khác. "Con tôi sống rồi!" Những người phụ nữ đặt tay lên người tôi, cố chạm vào tôi như thể tôi có một sức mạnh vô hình. "Chắc chắn đây là người ấy rồi," họ nói.

"Đây là những câu chuyện trong Kinh thánh," Rachel nói "Cả triệu học sinh đều biết. Chẳng có gì là lạ lùng cả."

"Tôi đã và vẫn đang đọc Kinh Tân ước," tôi bảo cô. "Trong ấy không có chuyện Jesus chữa lành cậu bé bị liệt. Không có cảnh ông ăn cơm với toàn phụ nữ, cả đỡ đẻ nữa."

"Nhưng cả hai cảnh đó đều là những hình ảnh chữa trị, mà anh lại là bác sĩ. Tiềm thức dường như đang đóng vai Jesus qua hình ảnh của anh. Hay ngược lại. Có lẽ vấn đề thực sự là ở công việc của anh. Có phải anh đã rời quá xa y học đơn thuần? Tôi biết có những bác sĩ đã rơi vào trầm cảm sau khi thôi chăm sóc bệnh nhân trực tiếp để chuyển sang nghiên cứu thuần túy. Phải chăng đây là trường hợp tương tự?"

Cô đoán đúng về chuyện tôi thôi chăm sóc bệnh nhân, nhưng những giấc mơ rõ ràng của tôi không phải biểu hiện kỳ lạ của sự luyến tiếc cái thuở còn mặc áo blu trắng.

"Một khả năng khác," cô gợi ý. "Nó gần với cách lý giải ban đầu của tôi hơn. Những hình ảnh chữa trị thần thánh ấy có thể là ước mong thầm kín trong tiềm thức của anh, rằng anh có thể mang Karen và Zooey về. Hãy thử nghĩ xem. Hai phép màu kỳ diệu nhất của Jesus là gì?"

Tôi gật đầu miễn cưỡng. "Cứu Lazarus 2 sống lại từ cõi chết."

"Phải. Và Người còn làm cho một bé gái sống lại, nếu tôi không nhầm."

"Đúng thế. Nhưng tôi không nghĩ điều đó có ý nghĩa gì đối với những giấc mơ này."

Rachel mỉm cười với lòng kiên nhẫn vô hạn. "Được rồi, có một điều chắc chắn. Cuối cùng rồi tiềm thức của anh sẽ làm rõ các thông điệp."

Hóa ra lần thăm khám đó lại là cuối cùng. Bởi vì đêm ấy, giấc mơ của tôi thay đổi lần nữa, và tôi không có ý định kể với Rachel.

Giấc mơ cuối cùng rõ ràng hơn tất cả các giấc mơ trước đó, và mặc dầu tôi đang nói tiếng nước ngoài, tôi vẫn hiểu lời mình nói. Tôi đang cuốc bộ xuôi theo con đường cát. Tôi đến một giếng nước. Nước giếng rất sâu mà tôi không có thứ gì để múc lên. Lát sau, có một phụ nữ đi đến mang theo chiếc gầu buộc thừng. Tôi nhờ cô múc cho ít nước. Cô có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy tôi nói với cô, và tôi cảm thấy chúng tôi thuộc hai bộ lạc khác nhau. Tôi bảo cô nước trong giếng không thể làm cô hết khát. Chúng tôi nói chuyện với nhau hồi lâu, và cô bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét.

"Tôi đoán ông là nhà tiên tri. Ông biết được nhiều điều bí ẩn."

"Tôi không phải nhà tiên tri," tôi bảo cô.

Cô im lặng nhìn tôi hồi lâu. "Người ta nói Chúa Cứu thế sẽ đến đây dạy chúng tôi vài điều. Ông nghĩ thế nào về điều đó?"

Tôi nhìn xuống đất, nhưng niềm tin sâu sắc đã bật ra thành lời, "Người đang nói với cô đây chính là Chúa Cứu thế."

Cô gái không cười. Cô quỳ xuống và chạm tay vào đầu gối tôi, rồi bỏ đi, ngoái nhìn qua vai nhiều lần.

Khi thoát khỏi giấc mơ đó, người tôi đầm đìa mồ hôi. Tôi không nhấc điện thoại gọi cho Rachel để hẹn gặp khẩn cấp. Tôi thấy không có lợi gì. Tôi không còn tin cách giải thích các giấc mơ lại giúp được mình. Đấy không phải là mơ. Đấy là nhớ lại.

"Anh đang nghĩ gì vậy?" Rachel hỏi từ ghế dành cho khách.

Chúng tôi đã đến gần khuôn viên trường Đại học Bắc Caronlina. "Tại sao cô đến đây?"

Cô ngọ nguậy trên ghế và nhìn tôi vẻ lo lắng. "Tôi đến đây vì anh đã bỏ ba cuộc hẹn khám, và chắc chắn anh không làm thế trừ khi sự việc biến chuyển theo hướng xấu đi. Tôi nghĩ các ảo ảnh của anh đã thay đổi lần nữa, và chúng khiến anh khiếp sợ."

Tôi nắm chặt tay lái nhưng không nói gì. Ở một nơi nào đó, NSA đang nghe lén.

"Sao anh không nói với tôi. Có hại gì chứ?"

"Bây giờ không đúng lúc. Hay không đúng chỗ."

Phía trước bên trái là nhà hát Đại học Bắc Carolina. Bên phải chúng tôi là giảng đường ngoài trời Forest nằm giữa những lùm cây thấp hơn mặt đường. Tôi ngoặt gấp về bên phải và lao xuống dốc tối, vào một con phố chạy giữa hai hàng nhà cửa nghiêm trang, khu dân cư một cổng dành cho các giáo sư và dân chuyên nghiệp trẻ tuổi giàu có cư ngụ. Fielding đã sống trong một ngôi nhà nhỏ hai tầng thụt sâu vào so với mặt phố. Thật hoàn hảo cho ông và bà vợ người Hoa mà ông hy vọng đưa về Mỹ.

"Chúng ta đang ở đâu đây?" Rachel hỏi.

"Nhà của Fielding ngay trước mặt kia."

Tôi nhìn về phía ngôi nhà nhưng chỉ thấy tối đen. Tôi cứ tưởng sẽ thấy đèn đuốc sáng trưng, như nhà tôi sau khi tôi mất Karen và Zooey. Tôi thoáng hoảng sợ, linh cảm mình đang lái xe vào một bộ phim xã hội đen những năm bảy mươi, khi ta bước vào một ngôi nhà quen thân và thấy trong ấy không một bóng người. Hoặc tệ hơn nữa, khi ta gặp trong ấy cả một gia đình xa lạ.

Một bóng đèn hiên bật sáng cách đường chừng ba mươi mét. Lu Li có lẽ đã ngồi quan sát hồi lâu bên cửa sổ tối om. Tôi quay đầu liếc dọc phố xem có xe nào khả nghi không. Tôi luôn nhận ra những chiếc xe NSA phái đi theo dõi tôi. Hoặc là tụi an ninh không quan tâm xem tôi có nhận ra chúng không, hoặc là, điều này có lý hơn, chúng muốn cho bọn tôi biết mình đang bị theo dõi. Hôm nay tôi không thấy có gì khả nghi, nhưng tôi vẫn cảm thấy bất ổn. Có lẽ kẻ bám đuôi không muốn bị phát hiện. Tôi rẽ vào cổng nhà Fielding rồi đỗ xe trước cửa ga ra đóng kín.

"Người đoạt giải Nobel sống ở đây à?" Rachel chỉ tay vào ngôi nhà khiêm tốn và hỏi.

"Đã từng sống," tôi chữa lại. "Cô ở đây, để tôi vào một mình."

"Lạy Chúa!" cô giãy nảy. "Chuyện này thật vớ vẩn. Sao ta không coi nó chỉ là một trò chơi đố chữ, rồi kiếm tách cà phê mà ngồi tìm cách giải?"

Tôi túm tay cô và nhìn thẳng vào mắt cô.

"Cô nghe tôi đây, chết tiệt. Có thể không sao, nhưng chúng ta phải làm thế này. Nếu thấy ổn cả, tôi sẽ huýt sáo để cô vào."

Tôi bước tới cửa trước ngôi nhà của người bạn mới mất, hai tay buông cho người ngoài dễ thấy, nhưng tâm trí để cả vào khẩu 38 ly trong túi.

--------------------------------

1 Nhân vật hư cấu, một bác sĩ nhãn khoa trong tiểu thuyết Đại gia Gatsby của Scott Fitzgerald (1896-1940).

2 Nhân vật trong Kinh thánh, được Jesus cải tử hoàn sinh sau bốn ngày nằm trong mộ.

Ngày đăng: 14/06/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?