Gửi bài:

Những bến bờ mông lung

Đó là lần đầu má hiểu, hạnh phúc của người khác có khi là nỗi đau ăn mòn trái tim mình, lần đầu trong hai mươi ba năm được sống.

***

Già thoát ra khỏi cảnh má con sum vầy, ôm nhau khóc rưng rức khi thằng nhỏ giường trên thòng chân xuống trúng đầu già. Già hơi say xẩm, nhưng không ngó lên thằng nhỏ bởi một ý nghĩ khác, da diết và day dứt hơn đã lao tới và xâm chiếm tâm trí già, khiến già rưng rưng nước mắt. Chiếc xe giường nằm vào sân trạm dừng, tài xe mở cửa, dừng chân ăn cơm mười lăm phút nha bà con.

nhung-ben-bo-mong-lung

Má không xuống xe, bởi thằng nhỏ má bồng trên tay vừa chuyển từ lạnh tanh sang nóng hổi. Má hơi đắn đo khi rút trong túi ra năm ngàn nhờ dì ngồi kế bên xuống trạm dừng mua cái bánh bao. Chuyến đi còn một trăm chín mươi lăm ngàn, má lo rằng Sài Gòn cần nhiều hơn chừng đó để thằng nhỏ con má hết bệnh và để hai má con trở nhà mà không phải để lại xứ đó bất kỳ thứ gì (mặc dù rõ ràng là má không có thứ gì để đổi chát trừ cái giỏ có chai dầu gió và bình sữa em bé đã nguội lạnh).

Dì ngồi kế trở lên xe, đưa má cái bánh bao, kèm bịch trà đá, nói chị uống đi, xe nóng vầy ăn bánh không sao chịu nổi. Má gật đầu, dạ, em cám ơn chị.

- Vậy chớ ba thằng nhỏ đâu mà chị đi một mình vậy. Chà, trán nó nóng quá. Sao không kêu cấp cứu đi cho lẹ, đi xe kiểu này tội nó.

- Dạ... ba nó... bỏ đi hồi em mới sanh.

Chắc dì nhận ra sự tàn độc trong câu nói của mình khi má hơi cúi mặt, mắt nhạt nước, dì biểu:

- Chị ăn bánh đi, đưa thằng nhỏ tôi ẵm cho, bồng nó chiều giờ chắc cũng mỏi.

- Dạ chị, mà chị đi Sài Gòn chi?

- Tôi thăm chồng, mà chồng tôi cũng không ở Sài Gòn.

- Ậy ồng ị ở âu (tạm dịch: vậy chồng chị ở đâu).

Dì phì cười lúc má vừa nuốt trợn trạo cái bánh bao vừa nói, hạ giọng xuống một quãng buồn tăm tối:

- Ảnh ở Đồng Nai, ảnh mới đi tù năm ngoái. Chà, tù có năm năm thôi, tôi nghe người ta đồn cải tạo tốt người ta cho ra sớm, nghe đâu nếu ráng chừng ba năm là ra rồi.

- Đúng đó chị, mà sao nhà chị vô tù.

- Ảnh bênh tôi, đợt đó tụi tôi thiếu tiền nhà lâu quá, ông chủ trọ đẩy tôi ra khỏi nhà, tôi vấp cái bậc, dập đầu vô chậu cây chảy máu, ảnh tức quá đánh ổng nằm viện mấy ngày. Nghĩ mà thương ảnh, tại thương tôi ảnh mới khổ như vầy.

Lúc đó dì đánh mất má, những ý nghĩ kéo dì đi đâu đó trên xứ đất đỏ miền Đông, đến một người chồng với vẻ mặt chắc là hơi khù khờ, gò má xương xương và đôi mắt sâu hốc hác vì lo nghĩ cho vợ phải chật vật tự túc khi không có mình ở bên. Đó là hình ảnh về người đàn ông xa lạ mà má vừa tạc ra trong đầu (dựa trên khuôn thước có sẵn của một người đàn ông thằng nhỏ gọi là ba), và má nghĩ, phải ba thằng nhỏ thương vợ được như người đàn ông đó, thì kiểu gì má cũng cho ổng là người đáng sống cùng nhất trên đời này. Tiếc là, ba thằng nhỏ chọn một người đàn bà khác, khi hai má con má vừa trở về từ nhà bảo sanh. Sự lộn xộn của căn nhà hôm đó cho thấy ba thằng nhỏ đã không còn thuộc về nó nữa, bởi trong lúc dọn dẹp má thấy cái hộp đựng hai chỉ vàng trống trơn, và lá thư với những nét chữ xiêu vẹo báo trước một nội dung xiêu vẹo: "Tui đi à, tự lo sống đi".

Dì hơi hoảng khi thấy má rưng rức, dì hỏi chị sao vậy, má chỉ lắc lắc đầu. Dì thấy vậy là để má rơi khỏi cuộc thoại của hai người một cách lãng nhách hết chỗ nói, nên dì tặc lưỡi, có gì khó nói lắm sao, chị?

- Dạ, chị không hiểu đâu. Chuyện của em buồn lắm, giờ mà nhắc chắc sáng mai em không còn sức ẵm thằng nhỏ đi khám đâu chị.

Và dì biết má rơi ra một cách rất chính đáng - để không xốc lại những nỗi đau, và để dưỡng sức cho cuộc hành trình dài đăng đẵng đằng trước, có thể thỉnh thoảng má sẽ lôi chúng ra và để chút bòn rút từng phần sinh khí, nhưng chắc chắc lúc đó má phải rảnh rỗi lắm, còn lúc này, thằng nhỏ đang cần thứ sinh khí đang cạn dần của má, và má biết nếu mất nó má sẽ mất luôn thằng nhỏ, má sẽ mất luôn má, mất hết. Lúc đó dì hiểu, ký ức là thứ không phải muốn xốc lên là xốc, nó không đơn giản chỉ là những mảng miếng đã cũ, đã qua của đời người mà còn là những mảnh vỡ của tấm gương tươi đẹp ngày trước, bén ngót, sắc lẹm, dễ dàng khứa đi khứa lại tim người ta nếu bị xốc lên một cách quá vồ vã.

- Vậy chị nghỉ chút đi. Chà, thằng nhỏ cũng bớt sốt rồi, để tôi ẵm cho, sáng khám cho nó cực lắm.

- Dạ, vậy em nhờ chị.

Đó là lần đầu má hiểu, hạnh phúc của người khác có khi là nỗi đau ăn mòn trái tim mình, lần đầu trong hai mươi ba năm được sống.

***

Già thấy hơi thở mình hơi run khi ngó xiên qua quãng sân nhạt nắng chiều của trạm dừng. Nhớ rằng mười chín năm trước già đã ở đây, nựng mặt thằng con lúc nóng lúc lạnh, nói út của má ngoan nè, đi khám bệnh xong má dẫn út cưng đi ăn kẹo gum nè. Già nhớ trên chuyến xe từ quê lên Sài Gòn ngày đó, một dáng hình người đàn bà nào đã nói với già không sao, đời mà, đàn ông không khiến mình vui được thì mình tự sống vậy, mình còn thằng con nhỏ thì sợ gì.

- Tôi ước một đứa còn không ra.

Sau đó ba tiếng dì xuống xe, qua một bến khác để đến miền Đông, chỗ có người chồng yêu dì tha thiết, người mà dì nghĩ sẽ là người đàn ông cuối cùng dì yêu thương. Dì nói, dì không thể có con, và lúc đó, má đã nghĩ, đời mình chỉ cần một người đàn ông, là thằng nhỏ dì vừa trao lại cho má, và nhiêu đó đủ để má sống hây hây tới già, đâu cần chi khác.

Chiếc xe rời trạm dừng, già thấy dạ hơi cồn cào. Nghĩ chắc do dạ dày chưa ăn gì từ mười lăm giờ trước. Không sao, già sẽ đợi về tới quê, sẽ cắt cổ con gà, ra sau hè nhổ bụi gừng cay. Con gà có thể hơi ốm vì mấy hôm nay già đi không ai thảy lúa ra sân, bụi gừng có thể chưa kịp cay vì già mới trồng hồi nửa tháng trước. Nhưng không sao, già sẽ kho gà với gừng, sẽ sang nhà cô Tư xin hai lon gạo dù cô Tư sẽ chì chiết "còn ba lon chưa trả đó nghen". Sẽ nấu một nồi cơm nóng, và hai má con vừa ăn vừa khóc. Thằng nhỏ hỏi má sao khóc, má nói tại gừng cay quá. Già hỏi lại vậy chớ sao con khóc, thằng nhỏ sẽ trả lời tại con nhớ cơm má nấu. Và tối nay già và thằng nhỏ sẽ ôm nhau ngủ khò, như hồi thằng nhỏ chín mười tuổi. Già nhớ thằng nhỏ lúc đó thỉnh thoảng lại khó ngủ, không phải vì trời trở lạnh, vì những tiếng chuột rục rịch trên vách hay vì những giọt sương đêm thỉnh thoảng rớt từ những lỗ thủng trên mái nhà xuống. Già nhớ đêm đó nó than với già nó bị rớt hạng trên lớp:

- Con rớt xuống hạng hai rồi má.

Sau đó là một tràn dài những thút thít. Già biểu đâu có sao đâu, lần sau con ráng là lên lại mà, con má học giỏi, mấy vụ này dễ ợt chớ gì. Thằng nhỏ không biết đêm đó những giọt nước mắt của nó như một loại thần dược, xoa đi những nỗi đau xương khớp của già, và cả những nỗi lo về một mùa mưa dài đằng trước. Già biết mình đã không đặt trái tim vào nhầm người, đã không bỏ đi cả tuổi xuân trong nuối tiếc.

***

Người trong xóm hay khen mái tóc dài, cặp chân mày cong và cái lúm đồng tiền của má. Người ta nói nhà nào cưới được má về chắc tu được ba kiếp. Bởi mỗi lần má nấu chè bưởi hay nướng bánh khoai mì, hàng xóm chộn rộn lên vì quà của má sẽ đến ít nhất năm nóc gia. Và quà của má thường không chỉ có vị ngọt, béo và bùi, mà còn có cả những nết na nhu mì của con gái mười tám . Người ta hay nói ai ăn chè của má nhiều sẽ say. Và có người say thật. Hai Tăng hay nói với má:

- Út Hương cho anh ăn vậy hoài lỡ sau này anh nghiện, em đi lấy chồng xa chắc anh chết.

- Vậy anh đừng ăn nữa.

- Ấy, không ăn anh còn chết nhanh hơn nữa.

- Sao vậy?

- Thì anh nói rồi mà, thiếu chè của Út Hương anh sẽ chết, nên anh sẽ nấn ná ăn từ từ để còn được sống. Mà, anh hy vọng mình được ăn hoài, sống hoài luôn đó chứ.

Má không thích Hai Tăng bởi môi anh mỏng và mắt anh nhỏ quá, và má nghĩ nếu ảnh nói với má như vậy được thì ảnh cũng sẽ nói với mấy cô khác được, làm thì khó chớ nói thì khó gì. Nhưng ông bà ngoại (tức ba má của má) luôn trong tư thế chờ đón Hai Tăng về làm rễ, ông bà ngoại chẳng cần môi anh dày, mắt to hoặc sống mũi thẳng. Ông bà ngoại thích anh bởi anh là con cả và sau nhà anh là mười công ruộng cò bay gãy cánh, hiển nhiên nó sẽ là của má nếu má chịu lấy Hai Tăng.

Má luôn tìm cách tránh né Hai Tăng mỗi chiều anh rủ má xuống bến đò huyện mua cho má cái kẹp tóc, cái vòng đeo tay. Nhưng ông bà ngoại bằng một cách khéo léo nào đó sẽ đẩy má đi, như mày đi mua cho má chai thuốc rượu nhức mỏi, mua cho ba cây thuốc lá. Và má đi theo Hai Tăng, nhưng để vía mình lăn tăn trên mặt nước, lượn qua lượn lại trên những chiếc ghe hắc ra mùi rau củ còn thơm phù sa của đất. Rồi ngày kia, vía má đậu lại trên chiếc ghe nhỏ xíu chở hàng thuê, chỗ có ba thằng nhỏ, và có cả một thứ tình cảm mơn man lần đầu má có. Má thường theo Hai Tăng xuống bến đò hơn, và thường nhờ anh vô chợ mua đồ về cho ông bà ngoại, má sẽ ở bến ăn chè bưởi và ngó xuống sông, chờ đợi một ánh nhìn khác ngó lên, hai ánh nhìn gặp nhau trìu mến. Một ngày, má bỏ lại Hai Tăng ở chợ, bước xuống ghe, lạc mất trong dòng mịt mù của sông nước. Lúc Hai Tăng trở lại, anh luống cuống tìm má, luống cuống hỏi anh/dì/chú có thấy cô bận áo hường hồi nãy ngồi ăn chè ở đây đâu không. Anh nghe đầu mình ong ong khi người ta nói hồi nãy tui thấy cổ đi xuống cái ghe kia, rồi đi mất tiêu rồi, lúc đó anh kịp nhớ lại ông bà ngoại hối anh cưới má, bởi má đã về xin ông bà ngoại cưới một anh chở hàng thuê, và ông bà ngoại đã thẳng thừng khước từ. Khi định thần, anh ngó xuống sông, cay đắng, "mình như vầy mà thua một thằng chở đồ thuê".

***

- Tui nghe đồn dưới Ninh Mỹ có hai thằng con trai chém nhau giành con nhỏ kia. Mà có phải tồng ngồng chững chạc đâu, mới có mười sáu tuổi chớ mấy. Trời, mười sáu tuổi biết gì là yêu đương đâu mà chém nhau đổ máu để giành một con nhỏ trong quán cà phê đèn mờ.

- Phải rồi, tụi trẻ bây giờ khoái mấy cái trò nổi loạn kiểu đó lắm. Tui cỡ đó còn ở nhà giặt đồ nấu cơm cho má, có mấy anh hay đi ngang nhà ca nửa câu vọng cổ "em hãy lại đây mình hát với nhau" là tui đỏ mặt kiếm chỗ trốn rồi.

Già không để ý câu chuyện của hai người phụ nữ giường trên nữa bởi những quãng nắng đứt quãng trên những cánh đồng hai bên đường cuốn hút già hơn, bởi nó gợi cho già những đứt gãy, những đứt gãy được che đậy hết sức tinh tế bởi vẻ nhập nhoạng mơ màng.

Hồi mười lăm tuổi, thằng con của già trổ mã. Già tặc lưỡi hít hà xót cái áo sơ mi đẹp hết sức, mới mặc một năm thằng nhỏ đã chê ngắn. Thỉnh thoảng lúc ngắm con, tim già thót lại, bởi cái mũi thẳng và đôi mắt sâu, thằng nhỏ có y hệt ba nói. Thỉnh thoảng những sáng mới dậy, già mơ màng nhìn thằng nhỏ khoác sơ mi đi học, mơ màng lao tới ôm thằng nhỏ khóc rưng rưng, thằng nhỏ hỏi sao vậy má, già nói không có gì, sợ sau này bay lấy vợ má nhớ chịu không thấu. Lúc đó thằng nhỏ không biết trong lúc còn mơ màng, già nhìn thấy ba nó, nhớ quá nên nhào ra ôm.

Lúc đó già phải chịu hai nỗi đau, một do quá khứ, một do thực tại, nhưng cả hai đều do thằng nhỏ gây ra. Già nhớ nét đứt gãy đầu tiên xảy ra khi thằng nhỏ cằm lúng phún râu. Hôm đó thằng nhỏ vác về nhà cái mặt lạnh tanh, vô cảm, già hỏi vụ gì mà mặt như cái giẻ rách vậy ông con.

- Chuyện của con, má biết gì, kệ con đi.

Già giật mình, trời đất, bữa nay nó nói chuyện với mình lạ vậy cà. Tối già giặt đồ, móc được trong túi áo thằng nhỏ tờ giấy bị vò nát "cóc ghẻ đừng có đòi đu chân thiên nga", nét chữ con gái, và già biết con trai già bị từ chối, vì nghèo.

Già ngợ rằng chuyện đó sẽ qua nhanh, và thằng nhỏ sẽ trở lại như những ngày tháng trước, mắt hồn nhiên, miệng tươi rói, đời mà, thiếu gì con gái mà buồn dai. Nhưng già lầm, tháng kế già nhận được kết quả học tập của thằng nhỏ trên lớp, hạng hai mươi bảy. Già hoang mang, chuyện đó làm con mình tuột gần ba chục hạng sao ta.

Cơn cồn cào kéo già về hiện tại, và đẩy già đến một quá khứ khác hơi nồng mùi cồn sát khuẩn. Già nhớ tháng trước bác sĩ bệnh viện huyện đã cho già mấy tuần thuốc dạ dày, "bác mà ăn uống thất thường vậy hoài nó mà thành ung thư thì cực lắm". Và già nhớ là một tuần bôn ba trên Sài Gòn già đã quên uống thuốc, và những bữa ăn chớp nhoáng hình như đã làm già đau thêm. Nhưng già nghĩ không sao, lúc về già sẽ được gặp con, và sẽ ăn ngon lành, sẽ hết bệnh và sẽ còn mập ra, sẽ khỏe ra.

***

Má nghe chiếc ghe buôn bên cạnh nói xóm Mù U có con nhỏ bỏ nhà ra đi, ông già giận xách hết quần áo mùng mền con nhỏ ra sân đốt, khói bay mịt trời, ông còn vác dao chặt vô cây bàng rồi để nó dính trên đó, nói nó về tui sẽ rút ra chém nó chết. Má ứa nước mắt, nhưng ba nói không sao, má còn có ba, ba sẽ lo cho má tới cuối đời. Và mà hiểu từ nay nhà má sẽ là căn nhà lá hai chục mét vuông ở xóm Cây Gòn, chỗ chỉ cần nổ máy cho ghe chạy rong nửa ngày sẽ về xóm Mù U, chỗ má đã trải qua thời con gái nết na nhu mì. Má biết chuyện bỏ nhà đi đã đập đổ những gì má cố gắng thể hiện mười mấy năm nay, nhưng biết sao được, ít nhất một lần trong đời người ta phải được làm những gì mình muốn.

Má ở với ba được hai năm, sinh thằng nhỏ năm hai mươi tuổi. Và hạnh phúc của má vỡ tan ngày thằng nhỏ về nhà ngày đầu tiên từ nhà bảo sanh. Má ngơ ngác không hiểu, trời, ảnh giỡn vui dễ sợ. Má còn chạy sang nhà cô Tư hàng xóm mượn hai lon gạo nấu cơm, má nghĩ ba sẽ gây cho má một bất ngờ lớn, và má sẽ gây cho ba bất ngờ lớn hơn, khi chồng viết thư nói bỏ nhà đi mà mặt mày vợ tỉnh bơ hết chỗ nói. Nhưng tối đó ba không về, và những tối sau cũng vậy, tới lúc thằng nhỏ được mười hai tuần tuổi, má thôi chờ đợi, cũng không tìm kiếm, má biết mình đã lầm, và má phải trả giá, phải sống đơn độc, vậy thôi.

***

Già nhớ nét chữ của thằng nhỏ trong lá thư hôm nó bỏ đi giống y hệt của ba nó ngày trước, cũng xiêu vẹo, cong vèo, giống hệt những nét đứt gãy. Già mất nửa ngày để định thần rằng thằng nhỏ đã đi thật. Và già thấy hơi mắc cười, nó đâu phải giống ba nó không, nó giống má nó nữa nè, giống cái kiểu bỏ nhà theo tình yêu, ừ, bỏ nhà theo tình yêu rồi sao này khổ như má nó nè. Bởi ý nghĩ đó mà già quyết tâm đi tìm con, bằng vài thông tin lưa thưa mà bảy ngày sau già góp nhặt được của đám bạn thằng nhỏ. Và già đến một khu công nghiệp ở ngoại ô Sài Gòn, lê la qua những nhà trọ ọt ẹt cho dân lao động, tối ngủ mái hiên phòng bảo vệ. Một ngày khi đi qua một xưởng mộc nhỏ ở rìa khu công nghiệp, già mừng hết sức khi chìa tấm hình thằng nhỏ ra và được một anh thợ mộc tai vắt bút chì nói hôm trước có nhậu chung với thằng này một lần, nó nói trên này khổ quá, bạn gái nó gạt hết gần triệu bạc của nó rồi trốn mất rồi, mới đi có gần một tuần mà chịu không nổi, nó nhớ má, nên chắc là mai mốt đón xe về quê. Sau đó già bần thần, có khi nào chiếc xe về quê của thằng nhỏ đã chạy ngang xe lên Sài Gòn của già không, ta? Đó, thấy chưa, phải ở nhà chờ là được rồi, nó con mình thì kiểu gì cũng về với mình, không có bạn gái thì ai thương nó được như mình, mà nó có có bạn gái thì mình vẫn thương nó nhất.

Già đến bến xe đón chuyến xe sớm nhất về quê. Và trong lúc tự dằn vặt mình vì đã không ở nhà đợi con để má con được gặp nhau sớm, một thằng nhóc chừng mười tuổi chạy ngang qua giật túi xách của già dù già nghĩ có khi nó biết vẻ tồi tàn của cái túi nói rằng "ở trong ruột tui hỏng có gì đâu nghen". Già nhẩm chắc còn cỡ bảy chục ngàn đủ đi xe về, chai dầu gió, tấm hình thằng nhỏ và tờ địa chỉ khu công nghiệp. Nhưng không sao, già đang vui vì sắp gặp được con, nên già đã cho luôn thằng nhỏ, "có khi nó còn khổ hơn mình".

Và vì vậy mà chuyến xe này già đã không mua vé, đã năn nỉ bác tài cho già thiếu tiền, tới quê già sẽ lấy tiền trả, già sẽ trả gấp đôi, hoặc gấp ba cũng được, miễn là cho già về chuyến sớm nhất này. Trời nhá nhem tối, xe đã về bến, "bà con xuống xe trung chuyển rồi về nhà nha bà con", lơ xe có vẻ vẫn còn hăng hái lắm, dù già biết nguyên ngày nay anh đã khiên hàng mồ hôi đổ chắc đầy chén nước. Già kết anh lơ xe này lắm, bởi trong lúc già nài nỉ bác tài, anh đã nói chung với già, "có gì cứ tính vô lương con đi chú", bởi anh đã nói "nhìn dì giống má con quá, con thương". Già hỏi vậy má con ở đâu, nhiêu tuổi, anh nói má con ở xóm Mù U, má con mới mất năm rồi. Cái chữ Mù U nghe là đã thương rồi, nghe "mới mất" còn thương nhiều hơn nữa.

Tài xe trung chuyển hỏi già về đâu, già xăng xáo nói xóm Cây Gòn đó chú, và già thấy dạ dày nhói lên, ê buốt. Già sẽ nói gì khi gặp con đây ta, sẽ làm mặt lạnh hỏi ủa về rồi đó hả, sao không đi luôn đi, tui khỏe. Nhưng vậy đâu có được, lỡ làm vậy thằng nhỏ nghĩ già không cần nó thì đâu được. Hay già sẽ ôm nó, khóc sướt mướt, nói má nhớ bay gần chết, mai mốt bay đi nữa má chết thiệt đó nghe. Nhưng nghĩ lại vậy thì yếu đuối quá. Hay là đến gần nó, vuốt tóc rồi ôm hôn, nói để má làm cơm cho bay ăn...

- Chị về Cây Gòn chưa trả tiền vé phải hôn?

- Ờ, dạ.

- Ủa, vậy hả, vậy thôi để con trả tiền cho cô luôn, nhưng chú về nhà con trước nha chú.

Một con nhỏ nào đó tóc nhuộm xanh đỏ nói câu đó. Già bực dọc nghĩ, tiền tui tự trả được, để tui về nhà tui trước đi, nhưng rồi nghĩ, thôi kệ, người ta giúp mình vậy thì nhận đi, đỡ công trả tiền, con nó về tới nhà rồi chớ có đi đâu mất đâu mà sợ.

Bởi vậy mà già xuống xe khi sao Hôm đã lặn mất, già cuốc bộ chầm chậm trên lối mòn về nhà, già cố hết sức nhưng không thể đi nhanh bởi cơn đau dạ dày lại cồn cào khi già cố nhích chân mình dài một chút. Già vòng qua hàng rào bông bụt nhà cô Tư, nghĩ thầm, con tui về rồi nè, cho mấy người bỏ cái vụ nói nó hư hỏng nhe. Rồi già cười, và đi thêm xíu nữa, thấy nhà không đèn, cửa vẫn còn đóng, già vấp cục đá té ào xuống đất, và vì đau quá không dậy được, già vén hết sức gọi.

Con ơi, má về tới rồi nè, ra mở cửa đi con!

Ngày đăng: 27/05/2016
Người đăng: Nguyễn Trọng
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Henry Ford - the failure quote
 

Sự thất bại chỉ đơn giản là cơ hội để bạn bắt đầu lại một cách thông minh hơn.

by Henry Ford

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage